THI CA 25 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO VỌNG, TÂM ĐỀU VỌNG

đạo ca chương 25

Phiên âm:

Bất cầu chân, bất đoạn vọng
Liễu tri nhị pháp không vô tướng
Vô tướng vô không vô bất không
Tức thị Như Lai chân thực tướng

Dịch nghĩa:

* Chân đạo sĩ chẳng cầu chân bỏ vọng
Vốn biết rằng: Chân, vọng không có gì !
Bảo rằng “KHÔNG”, nhưng không được hiểu “NGOAN KHÔNG”
Rằng là “CÓ”, mà không nói là “THỰC CÓ”

* Nhận thức rõ, “Như Lai chân thực tướng”
Sắc là không, không là sắc, bất tương ly
Chân lý duyên sanh, một đạo lý nhiệm mầu
Nhìn “đương thể”: SẮC là KHÔNG,  KHÔNG là SẮC

TRỰC CHỈ

Giáo lý liễu nghĩa thượng thừa trong đạo Phật, vấn đề CHÂN, VỌNG không là vấn đề đáng được bàn cãi đúng sai chân vọng nữa.

“Tánh chân thực của pháp hữu vi là KHÔNG

Vì duyên sanh

Ví như huyển

Bản chất của pháp vô vi, không sanh không diệt

Vì không có thật

Ví như hoa đốm trong hư không”

Chỉ cái vọng, cốt hiển bày CHÂN. Không vọng tự nó CHÂN. Không có CHÂN nào ngoài VỌNG.

Vọng và chân đều không tự tướng. Không tự tướng đồng nghĩa với “không có gì”. Gọi là CÓ chỉ là hội tụ duyên sinh còn hòa hợp. Gọi là KHÔNG chỉ là sự phân tán của duyên sinh tan rã.

Người học Phật khi nói CÓ phải ý thức, mình đang nói có cái gì. Lúc nói KHÔNG cũng phải ý thức, mình đang nói KHÔNG cái gì !

SẮC  KHÔNG,  KHÔNG  SẮC là vấn đề của người học đạo, hành đạo và chứng đạo mới thấy rõ:

“…Đạt giả đồng du Niết bàn lộ…”
“…Duy chứng nãi tri nan khả trắc…”

Đó không phải là vấn đề nên “thảo luận” trong những buổi “tửu hậu trà dư”. Càng không được nói để chứng minh rằng đó là sai hay đúng. Nếu cả đời mà ta chưa gặp “đạt giả” để “đồng du” thì chỉ còn một cách “độc hành độc bộ” mà thôi ! Rồi thỉnh thoảng chờ nghe tiếng vọng trong không gian thủ thỉ:

Vui thì vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó, mặn mà với ai…”