THI CA 22 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO NHÌN BAO QUÁT NẮM TRỌNG TÂM

đạo ca chương 22

Phiên âm:

Đản đắc bổn, mạc sầu mạt
Như tịnh lưu ly hàm bảo nguyệt
Ký năng giải thử như ý châu
Tự lợi, lợi tha chung bất kiệt

Dịch nghĩa:

* Cần ôm gốc, quan tâm chi cành ngọn
Gốc vững rồi, cành ngọn se sum suê
Như lưu ly, thu hết ánh trăng vàng
Sáng vằng vặc, sáng mơ màng, châu lưu ly thu trọn vẹn

* Cũng như thế, tâm ta là châu NHƯ Ý
NHƯ Ý châu, giá trị lớn vô cùng
Tỉnh thức rồi, với THƯỜNG TRÚ CHÂN TÂM
Dùng tự lợi, dẫu lợi tha đời đời không bao giờ hết

TRỰC CHỈ

Nhìn bao quát nắm lấy trọng tâm là cách nhìn của người khôn ngoan trong cuộc sống.

Nhà quân sự, cất cánh chiếc máy bay thám thính, bay lượn một vùng trời hàng trăm “cây số” để nhìn bao quát và tìm nắm lấy một mục tiêu, một “trọng tâm” của đối phương trong một vài điểm.

Tiều phu vào rừng. Ngư phủ ra khơi. Người nội trợ đi chợ. Cô bán hàng rong…đều vận dụng cách “nhìn bao quát, nắm lấy trọng tâm” trong nghề nghiệp của mình. Đến như những bậc tiền bối dòng dõi tiên rồng cũng dạy cho con cháu cách “nhìn bao quát, nắm lấy trọng tâm” để chọn cho mình một ý trung nhân trong lứa tuổi “xuân xanh xấp xỉ” búi tóc cài trâm rằng:

Trai khôn tìm vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”.

Người đạo sĩ cũng có cái nhìn ‘bao quát’ trong đường học đạo và hành đạo. Người ta thường gặp nó trong một cái từ đẹp đẽ mới nghe qua tưởng như hữu lý:

“Bồ tát đa hạnh”

Thực vậy, đa hạnh không có gì phải chê trách và chối bỏ. Nhưng “đa hạnh” chỉ là cách “nhìn bao quát” mà người thông minh, cần phải biết “trọng tâm” mà nắm lấy. Đa hạnh chỉ là lá, ngọn cành..Lá, cành, ngọn, đọt có thể tiêu ma tàn rụi dễ dàng nếu gốc sùng, hà, muc ruỗng.

Trọng tâm của đạo sĩ, qua cái thấy của người chứng đạo là TÂMTÂM ở đây được ví “tịnh lưu ly”. Tịnh lưu ly thu hết ánh trăng vàng. “Chân tâm thường trú”, “Như Lai Viên Giác Diệu Tâm” mà phát hiện, mà tỉnh thức, mà tỏ ngộ, mà thể nhập thì diệu dụng sẽ vô cùng vô cực. Dùng cho việc lợi mình, dùng cho việc lợi chúng sanh từ đời này cho đến vĩnh viễn vô lượng đời sau công đức không bao giờ cạn kiệt.