THI CA 21 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO KHÔNG NÊN TRỤ PHÁP TU PHƯƠNG TIỆN

đạo ca chương 21

Phiên âm:

Giác tức liễu, bất thi công
Nhất thiết hữu vi pháp bất đồng
Trụ tướng bố thí sanh thiên phước
Do như ngưỡng tiễn xạ hư không
Thế lực tận, tiễn hoàn trụy
Chiêu đắc lai sanh bất như ý
Tranh tự vô vi thật tướng môn
Nhất siêu trực nhập như lai địa.

Dịch nghĩa:

* Giác là hết, chẳng cần tu với chứng !
Pháp hữu vi nhiều lắm kể sao cùng
Bố thí ra, lòng chấp, phước sanh thiên
Lúc phước hết, sinh lại cuộc đời không như ý

* Như tên bắn, xé hư không bay vút
Sức mỏn rồi, tên rớt biết về đâu !
Sao bằng ta, thẳng tiến “THẬT TƯỚNG MÔN”
Nhảy một bước, đến ngay vùng đất Phật.

TRỰC CHỈ

Muốn đi con đường Phật, phải chú ý những điều cần thiết ban đầu:

·         Về pháp môn, đại để có phương tiện và cứu cánh…

·         Về chủng tánh, đại để có tiểu thừa và đại thừa…

·         Về giáo lý, đại để có tiệm, đốn, viên..

·         Về căn cơ, đại để có lợi, độn…

Có hiểu những điều cốt lõi đó, trong quá trình nghiên cứu, học Phật, mới không sửng sốt, ngạc nhiên, kinh hãi, thậm chí phản đối và nguyền rủa, khi đọc:
“Giác là hết, chẳng cần tu với chứng!”

Đối với tư tưởng Đại thừa của người chủng tánh Đại thừa, đó là sự thật, không hề cường điệu, đại ngôn, càng không hề dụng ý phủ định, chê bai, bôi bác sự tu hành của người khác không cùng căn cơ, chủng tánh, trình độ và pháp tu giống mình.

Người Đại thừa nhận thức rõ, pháp hữu vi “thiên sai vạn biệt”, pháp tu thì “vô lượng pháp môn”, chạy theo nó mình sẽ làm gì đây? Làm cái nào cho mau hiệu quả? Tu món gì để được “phước nhiều” ? Hành kiểu chi để mau thành Phật?v.v…Vô số vấn đề, bao nhiêu câu hỏi được đặt ra, chắc chắn chẳng ai biết chắc phải làm gì để được thành công sớm nhất và to lớn đến cỡ nào !

Riêng về pháp môn tu THIỀN của THIỀN TÔNG cũng còn không biết cơ man nào rắc rối. Nếu không có duyên tu học VÔ VI THẬT TƯỚNG MÔN thì đa số, người ta chỉ dạy nhau và tu với nhau những pháp môn THIỀN LÁ SẢ mà thôi ! Với người Đại thừa “Nhảy một bước, đến ngay vùng đất Phật”.

Đó là chuyện có thật. Nhưng có điều chua chát là lời thật không phải ai cũng bằng lòng. Tuy nhiên, không vì vậy mà người chứng đạo không vì lẽ thật, nói ra lời thật để cho ai đó “đạt giả đồng du…” chứng nhập quả bồ đề chân thật.