THI CA 19 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO VỀ SINH TỬ

đạo ca chương 19

Phiên âm:

Kỷ hồi tử, kỷ hồi sinh
Sinh tử du du vô định chỉ
Ngã sư đắc kiến Nhiên Đăng Phật
Đa kiếp tằng vi nhẫn nhục tiên

Dịch nghĩa:

Việc sinh tử kể sao cho cùng số…
Tử rồi sinh, sinh tử lững lờ trôi
Bổn sư ta vô lượng kiếp phát tâm lành
Làm tiên nhẫn nhục, tu hành từ thời NHIÊN ĐĂNG cổ Phật.

TRỰC CHỈ

Ham sinh sợ tử là việc bình thường. Bởi vì người đời quan niệm rằng “đời có một lần”. Một lần sinh ra. Một lần thi đỗ. Một lần kết hôn và đáng sợ nhất, một lần chết. Cuối cùng chết là hết !

Dưới nhãn quan của người chứng đạo: vạn pháp không có cái gì mất hẳn. Vạn pháp là hiện tượng vô thường nhưng chúng duyên sanh từ bản thể chân thường. Vì vậy, việc sinh tử không thể luận kiếp số, không có sự chấm dứt dòng sinh tử. Dòng sinh tử tử sinh cứ trôi mãi không có bến bờ dừng trụ.. Nó “hằng” mà “chuyển”. “Chuyển” trong cái “hằng”.

“…Tử rồi sinh, sinh tử lững lờ trôi”

Không phải chỉ có con người mới tử sinh vô cùng vô tận về kiếp số. Qua cái thấy của người chứng đạo, Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni của ta cũng vậy, chư Phật trong mười phương ba đời cũng cùng thọ dụng một chân lý.

“…Việc sinh tử kể sao cho cùng số…”