THI CA 15 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO ĐỊNH HUỆ LÀ NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH QUẢ BỒ ĐỀ NIẾT BÀN

đạo ca chương 15

Phiên âm:

Tông diệc thông, thuyết diệc thông
Định tuệ viên minh bất trệ không
Phi đản ngã kim độc đạt liễu
Hằng sa chư Phật thể giai đồng

Dịch nghĩa:

Chánh giáo giỏi, thuyết giáo hẳn là sâu sắc
Định tuệ tròn, sẽ không vướng CÓ và KHÔNG
Không riêng tôi, có được sự kiện này
Hằng sa Phật, ĐỒNG THỂ không ngoài chân lý ấy

TRỰC CHỈ

Thiền định, trí tuệ và sự thông minh là ba môn rất cần phải có của một tu sĩ Phật giáo.

Chỉ có thông minh thôi, sẽ trở thành “Thế trí biện thông” tài tình cho lắm thì cũng chỉ là người giỏi phục vụ cho ăn, mặc, ở, ngủ…suốt đời, mà khó có một ngày bằng lòng trọn vẹn. Người ta phải “chịu đựng” và “chịu đựng”….

THIỀN ĐỊNH đối với tu sĩ Thích tử không thể thiếu. Thiền định quan trọng với tu sĩ ví như chất muối quan trọng với những “đầu bếp” nêm nếm các món thực đơn đang nấu của mình. Thức ăn không thể không có muối, nhưng muối  tự nó không thành thức ăn ngon được.

Vì vậy, tu thiền định phải là thứ định có tư duy, phát sanh trí tuệ. Nhận thức chân lý trong lúc định cũng như lúc xuất định, ấy là định đúng. Trái lại, định để đi vào vô tri vô giác như tượng gỗ đá là định không có tuệ, đó là định sai lầm, vô ích. Khác hơn định vô tri vô giác, người thiền định bằng cách tưởng tượng.

Vận dụng trí tưởng tượng: Rằng ta đến cõi trời, ta vào động tiên, ta gặp đức Phật v..v.Đấy cũng là một thứ định không tuệ. Thứ định này sai lạc sẽ không đem lại kết quả mà còn nguy hiểm cho hệ thần kinh.

Thứ định này càng sâu thì “lậm” càng nặng, có dẫn đến bịnh “tâm thần” loạn trí mà người bị “lậm” tưởng mình đang sinh hoạt giao du với thần thánh, Phật trời…

Định dẫn đến vô tưởng, vô tri giác sẽ rơi vào bệnh chấp KHÔNG, chối bỏ vạn vật hiện hữu.

Định để mà tưởng tượng, xuất hồn đi đây đó, gặp thánh, gặp Phật….sẽ rơi vào bệnh chấp , cảnh giới do hoang tưởng mà tự thấy.

Thiền định của đạo Phật, ĐỊNH là NHÂNTUỆ là QUẢ. Tuệ phải là “tuệ” do chánh định, chánh niệm, chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh mệnh. Đối tượng tư duy quán chiếu là chân lý cuộc đời.

Do vậy, với cái thấy của người chứng đạo:

“Định tuệ viên minh bất trệ không….”