THI CA 13 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO VẤN ĐỀ THỊ PHI

Đạo Ca 13
Phiên âm:

Tùng tha báng, nhậm tha phi
Bả hỏa thiêu thiên đồ tự bì
Ngã văn kháp tự ẩm cam lộ
Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì

Dịch nghĩa:

* Tốt và xấu nhà nhà đều có
   Thị với phi, chốn chốn “hưởng” đồng nhau
   Mặc tâng khen, mặc phỉ báng, đừng nao
   Họ tự bỏng bằng ngọn lửa đốt trời trong tay ho
* Lời phỉ báng, nghe như ru, như gió thoảng
   Ngọt như cam lồ, mát tợ xuân phong
   Tìm đâu ra ! Bực bội với u sầu ?
   Nó tan biến trong cảnh giới “bất tư nghì” giải thoát

TRỰC CHỈ

Thị phi, nhơn ngã, hỉ nộ, ái ố… suốt ngày ở đâu cũng có, nhà nhà đều có. Hay dở, khen chê, tốt xấu, xứ nào cũng có. Tất cả những cái đó, muốn cho nó trở thành không có, thì: Một, không nghe. Hai, nghe mà không để dạ, không tư duy về nó, thì tự nó “tiêu dung”.

“Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì”

Đó là việc có thật. Mọi người đều có thể thí nghiệm bằng cuộc sống của mình, trong trường hợp mình “lỡ” bị thị phi ập đến.

Người tu hành rất cần “chánh niệm” để kịp thời đối phó với nghịch cảnh, nếu có. Trường hợp bị phỉ báng, thị phi, ta nhớ: Họ tự bỏng bằng ngọn lửa đốt trời trong tay ho. Miệng họ tự ô uế trước, vì máu họ ngậm để phun người. Quán chiếu và tư duy như vậy, người tu sẽ nhẹ nhõm ngay, cơn bực tức sẽ hạ tức thời, nếu chánh niệm đến kịp lúc.

Người chân tu nghe thị phi như gió thoảng, như ru hời, ngọt như cam lồ, mát như xuân phong, tỉ tê như nhạc thính phòng, nỉ non như tiếng sáo Trương Lương….là chuyện có thật. Đó là ý thú của câu và của người:

“Kiến sắc phi can sắc
Văn thanh bất nhị thanh
Sắc thanh vô quái ngại
…Thị đáo pháp vương thành”
“Ngã văn kháp tự ẩm cam lộ
Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì

Là chuyện có thật của người chân tu, biết tu, thường giữ được…”Chánh niệm” và chánh định trong đời sống tu hành.

Tu mà không đem lại kết quả, không hóa giải được vô minh phiền não, không có chút an lạc nào trong đời sống hiện tại là “Tu sai” cần phải sửa.

Hy vọng kết quả ở đời sau, sau khi chết càng sai nghiêm trọng.