THI CA 12 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO VỀ CHỦNG TÁNH CĂN CƠ

đạo ca chương 12

Phiên âm:

Thượng sĩ nhất quyết nhất thiết liễu
Trung hạ đa văn đa bất tín
Đản tự hoài trung giải cấu y
Thùy năng hướng ngoại khoa tinh tiến?

Dịch nghĩa:

* Rồi tất cả, khỏi tu không cầu chứng
   Đó là hạng Đại thừa, Thượng sĩ tối lợi căn
   Diệt KIẾN TƯ diệt sạch hết cái TRIỀN
   Rồi tất cả, mà khỏi để tâm tu chứng
* Bậc Trung hạ, những căn cơ thấp kém
   Học thì nhiều, học trích cú tầm chương
   Luôn mồm khoe, học vị với văn bằng
   Cởi áo bẩn, còn không biết đường mở nút!

TRỰC CHỈ

Đứng bên “bình đẳng môn” thì Phật tánh ai cũng có như ai. Đứng bên “sinh diệt môn”: thì vấn đề CHỦNG TÁNH, CĂN CƠ, góp phần rất quan trọng cho sự “nhất quyết” “nhất thiết liễu” của người tu hành.

Phải cương quyết, phải nhất quyết, quyết định cho mình một hướng đi, một mục đích đến mà không thể do dự, phân vân bán nghi bán tín, bởi vì NGHI là một trong “Tư hoặc“, trong “Thập sử“, trong “Ngũ cái“.

Một khúc gỗ ở thượng nguồn, muốn trôi đến biển cả phải vượt qua năm điều cấm kỵ: không được trôi tắp hai bờ. Không để cho người vớt. Không theo nước xoáy mà trôi.

Không vướng vào cồn đảo. Tự nó không ruỗng mục bên trong. Phải thẳng tắp mà trôi mới ra biển được. Chần chờ, do dự “không nhất quyết” thì không đến đích giải thoát giác ngộ được. Vì còn vướng, còn “tắp” chưa chịu trôi!

Học theo kiểu tầm chương trích cú, học hiểu để ngâm phong vịnh nguyệt, uốn ba tấc lưỡi nói chuyện trên mây, trên “trời” để dọa hù những người cả tin nhẹ dạ. Với cuộc sống của tự mình, việc làm, chuyện nói rặt mùi ám chướng u mê.

Hở môi ra thì khoe khoang học vị văn bằng. Chạm mặt với phiền não đành nằm gác tay lên trán mà chịu đựng cho lương tâm hành hạ. Miệng oang oang nói về Cực lạc, Thiên đường, lòng u uẩn đắm chìm trong A tỳ ngục.

Đó là cái học của kẻ “hạ lưu”. Dưới nhãn quan của tác giả Chứng Đạo Ca, vấn đề Chủng Tánh Căn Cơ, người Thích tử phải lưu tâm bồi dưỡng nó.