THI CA 11 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO VỚI DANH XƯNG BẦN ĐẠO

đạo ca chuong 11

Phiên âm:

Cùng Thích tử, khẩu xưng bần
Thực thị thân bần đạo bất bần
Bần tắc thân thường phi lũ hạt
Đạo tắc tâm tàng vô giá châu
Vô giá châu, dụng vô tận
Lợi vật ứng cơ chung bất lận
Tam thân tứ trí thể trung viên
Bá giải lục thông tâm địa ấn.

Dịch nghĩa:

* Người Thích tử với danh xưng BẦN ĐẠO
   Thân có BẦN, ĐẠO có BẦN chi!
   BẦN biểu hiện áo khâu áo vá
   ĐẠO không BẦN, tâm chứa NHƯ Ý châu (1)
* Ngọc NHƯ Ý, dùng sao cho hết
   Nó chứa đầy TỨ TRÍ(2), TAM THÂN(3)
   Vẹn LỤC THÔNG(4), BÁT GIẢI(5) cùng tròn
   TÂM ĐỊA sáng độ sinh vô cùng số.  

Chú thích:

(1)  Như Ý Châu: Xem trang 36 thi ca 8.

(2)  Tứ trí: Thành sở tác trí, Bình đẳng tánh trí, Diệu quán sát trí, Đại viên cảnh trí.

(3)  Tam Thân: Pháp thân, Báo thân, Hóa thân.

(4)  Lục Thông: Thiên nhãn thông –  Thiên nhĩ thông – Tha tâm thông – Thần túc thông – Túc mạng thông – Lậu tận thông.

(5)  Bát Giải: Nói đủ: Bát Giải thoát. Tám đối tượng sở quán của người Tiểu thừa tham thiền.

TRỰC CHỈ

Người đạo sĩ trong đạo Phật hoặc cũng có hàng đạo sĩ không phải đạo Phật, thường tự xưng BẦN ĐẠO. Bần đạo là cái từ khiêm tốn nhúng nhường, về kiến thức, đạo hạnh và phước đức…của một đạo sĩ.

Nhưng theo tác giả Chứng Đạo Ca thì người đạo sĩ của Phật giáo phải là người giàu chứ không được nghèo. Người đạo sĩ phải phát hiện Như Ý châu vô giá của mình để lợi vật ứng cơ trên đường sự nghiệp.

Người đạo sĩ “Thân bần”, “Khẩu bần” có lợi hơn. Nhưng tâm thì không thể “bần”. “Thân bần”, “Khẩu bần”, hạn chế ngã mạn cống cao để tiến tới diệt trừ cái “bản ngã”, vĩ đại tiềm phục trong A-lại-gia thức của con người muôn thuở.

Đạo tâm không thể “bần”, cần có đủ những chất lượng như: Tam thân, tứ trí, bát giải, lục thông….và nhị đế dung thông tâm địa ấn nữa. Được vậy, mới thuyết pháp độ sinh, lợi mình, lợi người, mới là vị “thầy” đúng nghĩa của người “bần tăng” trong dòng thích tử. Cho nên người Thích tử:

…”Khẩu xưng BẦN,  ĐẠO bất bần”

Cái Bần của người Thích tử nghèo biểu hiện mặc áo chấp “phước điền y”. BẦN để làm ruộng phước cho chúng sanh, chớ không BẦN để than van, cầu cạnh, để “quyên tởi” quá nhiều cách ấy.

Theo ý chí của tác giả Chứng Đạo Ca, Huyền Giác thì BẦN ĐẠO của dòng họ Thích, là con người thân BẦN, khẩu BẦN còn tâm ý phải là đại phú, phải phát hiện NHƯ Ý châu vốn có của mình thì sự nghiệp mình mới rạng rỡ, mới xứng đáng ít nhất là “trung lưu chi sĩ” đó là cơ hội, là điều kiện…”Báo Phật ân đức của mình”.