Phiên âm:
Thường độc hành thường độc bộ
Đạt giả đồng du niết bàn lộ
Điệu cổ thần thanh phong tự cao
Mạo tụy cốt cang nhân bất cố
Dịch nghĩa:
* Tôi chấp nhận cô đơn trên đường đạo
Vui một mình, vui theo nhịp bước chân đi
Tôi những mong có pháp lữ chung lòng
Cùng tiến bước vào Niết bàn thường lạc
* Không như ý, tôi nguyền làm người cổ lỗ
Sống theo mình, sống với gió mát trăng thanh
Dù xương trơ, thân đét, thịt teo gầy
Không ân hận, tôi vui với lập trường kiên định ấy.
TRỰC CHỈ
Những phút giây TỰ NHỦ của tác giả CHỨNG ĐẠO CA, HUYỀN GIÁC, nói lên ý chí quyết liệt và xác định lập trường kiên định của mình trên con đường hành Đạo. Thực vậy, tu hành mà không có mục tiêu cho ý chí vương lên, không có lập trường để định hướng cho hành động, để rồi bạ đâu theo đó, “vui đâu chúc đó”, “nghe đâu tin đó” thử hỏi một cuộc đời như thế con người đó sẽ ra sao?
Xác định lập trường là việc cần
Ý chí quyết liệt cũng là việc cần
Chấp nhận cô đơn cũng lại là việc cần
Nhưng người tu hành cũng không biến mình trở thành một con người lập dị. Lập dị mà một thói xấu trong muôn ngàn thói xấu. Cho nên lập trường của tác giả: có thể “cô đơn”, có thể “vui một mình”, nhưng rồi:
“…Tôi những mong có pháp lữ chung lòng
Cùng tiến bước vào Niết bàn thường lạc…”
Chưa hết, nếu ý chí đó, lập trường đó mà không được toại nguyện, vì một lý do gì đó thì tác giả lại xác định lập trường thêm một bước nữa: Tác giả có thể trở thành người lang thang nơi thâm sơn cùng cốc, hoặc lê bước chốn cỏ nội hoa đồng để được sống cho lý tưởng của mình mà mình đã vạch ra bằng bao nhiêu nhọc nhằn trên những năm tháng dài tu học.
Tác giả bằng lòng với cuộc sống đó:
“…Không như ý, tôi nguyền làm người cổ lỗ
Sống theo mình, sống với gió mát trăng thanh”
Cuối cùng, tác giả nâng lập trường lên một cấp cao hơn để “kiên định hóa” ý chí của mình trở thành như một lời tuyên thệ:
“…Dù xương trơ, thân đét, thịt teo gầy
Không ân hận, tôi vui với lập trường kiên định ấy”