TIỂU DẪN
CHỨNG ĐẠO CA là tác phẩm thi ca được viết ra, nói lên trình độ nhận thức chân lý, khả năng thiền quán tư duy sâu sắc của tác giả đối với chánh pháp liễu nghĩa thượng thừa của đạo Phật. Tác phẩm có năm mươi sáu (56) thi ca, gồm hai trăm tám mươi tám câu (288). Mỗi thi ca là một “ngọn đèn pha” cực mạnh quét sạch hết những bóng đen tà kiến. Mỗi câu là một làn gió nhẹ, vừa mát mẻ, vừa thổi tan những đám mây mù huyển hoặc, vu vơ, cho bầu trời chân lý hiển lộ lồng lộng, một màu trong xanh ngăn ngắt.
Tư tưởng ở nội dung, ngữ ngôn văn tự qua hình thức đáng được tôn vinh là khúc ca CHỨNG ĐẠO của con người CHỨNG ĐẠO. Do vậy, tác phẩm có cái nhan đề CHỨNG ĐẠO CA, thiết tưởng không phải là ngôn từ cường điệu.
Tác giả Chứng Đạo Ca là Huyền Giác Thiền Sư. Sử sách Phật giáo Trung Hoa không nói nhiều về tông chi gia phả, chỉ nói Sư là con của gia đình họ Đới. Sanh vào năm 665 và mất năm 713 đời nhà Đường. Quê của Sư ở huyện Vĩnh Gia, xưa thuộc châu Ôn, nay là tỉnh Chiết Giang ở Trung quốc. Sư xuất gia vào tuổi ấu niên, tư chất thông minh, ham tu hiếu học, đọc nhiều kinh điển Phật đến độ tinh thông. Những kinh điển thuộc hệ tư tưởng liễu nghĩa thượng thừa như Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Phương Đẳng Viên Giác, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Bát Nhã, Kinh Pháp Hoa, Kinh Niết Bàn….Sư vận dụng một cách vô cùng thông minh, tài tình và “lợi hại” trong việc “công phá” tà kiến ngoại lai, hiển dương chánh pháp Đại thừa, mở đường chỉ lối cho những ai chủng tánh Đại thừa muốn đi con đường “đại ngộ”.
Bỉ nhân tôi là một hậu học cô lậu quả văn, hữu duyên được nghiền ngẫm tác phẩm CHỨNG ĐẠO CA. Khi đọc tôi cảm nghe như thân tâm bay bổng ra khỏi hết mọi vướng mắc ở cõi đời, mà từ lâu mình lầm lạc, tự trói thân để chịu cực nhọc, tự quản thúc tâm để ưu tư, sợ hãi triền miên. Tâm đắc sâu đậm, sung sướng tràn dâng, tôi phấn đấu vượt trở ngại: “mắt mờ”. Thị lực yếu, tôi vẫn quyết chí dịch tác phẩm CHỨNG ĐẠO CA từ Hán văn ra Việt văn bằng thể văn có âm điệu và tiết tấu để đọc cho dễ nhớ. Rồi sau đó, viết phần TRỰC CHỈ để bình thêm..
CHỨNG ĐẠO CA là một tác phẩm văn học của Phật giáo Trung Hoa và cả Phật giáo Việt Nm nữa.
CHỨNG ĐẠO CA là một giáo án, tôi soạn để giảng cho tăng ni sinh các trường, lớp Cao Đẳng Nội Minh.
CHỨNG ĐẠO CA là tiếng sấm long trời để đánh thức những ai mệnh danh là đệ tử Phật mà mãi li bì, ngủ say sưa trong mộng mị, mê tín, hoang đường.
CHỨNG ĐẠO CA là ngọn đuốc thiêng bất diệt dành cho những chủng tánh Đại thừa tiến bước trên lộ trình đại ngộ.
Viết tại Thao Hối Am
ngày rằm tháng 7 năm Đinh Sửu
(1997 – 2541)
Dịch giả Thích Từ Thông cẩn bút
THI CA 1 : CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO
Phiên âm:
QUÂN BẤT KIẾN!
Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân
Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân
Vô minh thực tánh tức Phật tánh
Ảo hóa không thân tức Pháp thân
Pháp thân giác liễu vô nhất vật
Bản nguyên tự tánh thiên chân Phật
Ngũ uẩn phù hư không khứ lai
Tam độc thủy bào hư xuất một
Dịch nghĩa: AI CÓ BIẾT!
Bậc tuyệt học vô vi nhàn đạo
Vọng không trừ tưởng chẳng cầu chân
Tánh của vô minh và Phật tánh không hai
Phật tánh ấy! Chính là thật tánh của vô minh đấy!
Thân ảo hóa với pháp thân cũng vậy
Ảo hóa thân là hiện tượng của Pháp thân
Biển Pháp thân ví: bản thể vô cùng
Thân ảo hóa tựa sóng mòi lao xao trên mặt nước
Nhận thức rõ hai thân pháp hóa (1)
Chợt tỉnh ra rằng “vạn pháp giai không”
Tánh thiên chân là thật tánh của mình
Mình là Phật vốn là thiên chân Phật
Thân ngũ uẩn chỉ là phù vân tụ tán
Hợp rồi tan trong vũ trụ bao la
Sự diệt sanh, sanh diệt vô cùng
Nó hiện hữu với thời gian vô tận
Gọi tam độc thực tánh không hề độc
Ví như bọt bèo, sanh diệt huyển hư
Hễ u mê thì tam độc hoành hành
Bằng tỉnh thức không sao tìm được chúng
TRƯC CHỈ
Đi con đường đạo, thường phải qua ba giai đoạn. “Học đạo”, Hành đạo”, và “Chứng đạo”. Đến giai đoạn CHỨNG ĐẠO, được gọi là con người “nhàn đạo”.
Người “nhàn đạo” là người đã vượt qua giai đoạn “học đạo” và “hành đạo”. Vì vậy người “chứng đạo”còn được gọi là người TUYỆT HỌC, là người đạt đến VÔ VI, cho nên bậc TUYỆT HỌC, VÔ VI, NHÀN ĐẠO tức là con người CHỨNG ĐẠO.
Cái thấy của người chứng đạo, không thấy qua cái thấy của nhục nhãn bình thường mà thấy bằng “Tuệ nhãn”. Về “cái thấy”, giáo lý đạo Phật dạy có năm cách nhìn thấy khác nhau.
Dựa trên thành quả tu chứng mà cái thấy của người học đạo, hành đạo và chứng đạo đối với hiện tượng vạn hữu chia thành năm cách thấy: Cái thấy qua “nhục nhãn”. Cái thấy qua “thiên nhãn”. Cái thấy qua “pháp nhãn”. Cái thấy qua “tuệ nhãn”. Cái thấy qua “Phật nhãn”. Cái thấy qua “nhục nhãn” là cái thấy “tầm thường”.
Cái thấy qua “thiên nhãn” là cái thấy “bình thường”. Cái thấy qua “pháp nhãn” là cái thấy của người “đạt đạo”, của hàng tiểu thừa THANH VĂN, DUYÊN GIÁC. Cái thấy qua “Tuệ nhãn” là cái thấy của người CHỨNG ĐẠO, cái thấy của căn cơ Đại thừa, của Bồ tát trên đoạn đường gần tới VÔ THƯỢNG CHÁNH GIÁC của “Phật nhãn”.
Người CHỨNG ĐẠO, nhìn thấy thấu triệt bản chất căn nguyên của vạn pháp. Nói cách khác, người chứng đạo nhìn hiện tượng vạn pháp họ thấy được cái “thực tướng” của vạn pháp. Họ biết rất kỹ rằng cái tướng thực của vạn pháp là “không có gì”. Tất cả chỉ là duyên sanh, mà duyên sanh thì như huyển, không thật có.
Qua cái thấy của con người chứng đạo, “vọng tưởng” đã là vọng thì còn quan tâm, còn mơ tưởng, còn kết giao, gá nghĩa với nó được sao? Biết nó vọng thì mình đã “không vọng”. Không vọng là đã tự “chơn” rồi. Do vậy, “vọng” không phải “trừ”, “chơn” không cầu, không cần mơ ước mà tự có.
Nước trong, trăng hiện, mây tan, trời hiện, phiền não vô minh hết Phật tánh hiện. Trăng vốn sẵn có trong lúc nước ao hồ vẫn đục. Phật tánh thanh tịnh vốn có trong lúc con người biểu đầy những phiền não vô minh đau khổ. Giác là Phật, mê là tục tử phàm phu.
“Không trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân
“Thật tánh vô minh là Phật tánh”.
Kinh điển Phật thưòng đề cập “Tam thân” của con người chứng đạo. Pháp thân là cái bản thể châu biến. Về thời gian xuyên suốt quá khứ, hiện tại và vị lai. Về không gian khắp cùng đông, tây, nam, bắc, tứ duy, thượng, hạ. Từ Pháp thân đó, duyên sanh ra các hiện tượng vạn hữu. Ảo hóa thân là một hiện tượng trong vô vàn hiện tượng “duyên sanh”. Vì thế cho nên ảo hóa thân không ngoài Pháp thân.
Từ nơi Pháp thân duyên khởi sanh ra ảo hóa thân. Ảo hóa thân và Pháp thân không phải LÀ mà không phải KHÔNG LÀ. Đó là chân lý “Bất tức, bất ly”, trung đạo. Bảo rằng: lu, hũ, chum, ché không phải đất. Đúng, nhưng không đúng trọn vẹn. Bảo rằng: lu, hũ, chum, ché là đất.
Đúng, nhưng cũng không đúng trọn vẹn. Mà phải hiểu rằng: lu, hũ, chum, ché không “là” đất nhưng chúng không ngoài đất. Đất không phải là lu, hũ, chum, ché, nhưng ngoài đất không sao có lu, hũ, chum, ché.
Người biết học đạo, hành đạo theo chánh pháp, không xem khinh thân ảo hóa, vì biết rằng thân ảo hóa là diệu dụng duyên khởi của Pháp thân. Thân ảo hóa và Pháp thân “bất tức mà bất ly” như đồ gốm và đất sét của đại địa mêng mông kia vậy.
“Ảo hóa không thân tức Pháp thân”
Nhận rõ và thực chứng bản thể thanh tịnh châu biến, duyên sanh mầu nhiệm của Pháp thân, bấy giờ chợt tỉnh và thấy rằng tất cả hiện tượng vạn hữu có cùng một bản thể chung cùng, chỉ do nhân duyên không đồng mà có sự sai khác.
Dù hiện tượng vạn hữu có ngàn sai muôn khác nhưng cái thấy của người chứng đạo: Tất cả cùng một thể thanh tịnh không hề có sự vật này là nguyên nhân gây đau khổ cho sự vật nọ.
“Pháp thân giác liễu vô nhất vật”.
“Vô nhất vật” là do người chứng đạo xử dụng tuệ nhãn, nhìn vạn pháp bên mặt Tổng. Thấy có nhiều “vạn vật” tại vì dùng nhục nhãn nhìn vạn pháp bên mặt Dị Biệt duyên sanh của nó.
Từ nhận thức đó, người chứng đạo thấy rằng: “duyên sanh” vạn pháp “vô tình”, cũng như duyên sanh vạn loại “hữu tình”, cùng có chung một “bản nguyên”, một cội nguồn thanh tịnh là “Thiên chân Phật”.
“Ngũ uẩn phù hư không khứ lai
Tam độc thủy bào hư xuất một”.
Dưới con mắt của người chứng đạo, thân con người kết hợp bởi ngũ uẩn, duyên sanh. Vì duyên sanh cho nên thân của phàm nhân hay thân của thánh đức đều chung một dạng “phù du”.
Vì là “phù hư” cho nên nó sanh diệt, khứ lai, tụ tán. Cái điểm ưu việt khác hơn người của con người chứng đạo là họ thấy rõ và biết kỹ rằng phù vân dù có sanh diệt, khứ lai, tụ tán nhưng nó không bao giờ mất mà nó vĩnh cửu khứ lai, sanh diệt, tụ tán trong bầu hư không vốn dĩ bất sanh bất diệt. Dưới cái nhìn của người chứng đạo, vấn đề sinh tử chỉ là chuyện tầm thường như vô vàn sự vật diệt sanh tan hợp khứ lai bình thường khác.
Tham, sân, si nhà Phật gọi chúng là “Tam độc”. Vì tánh tác hại của chúng gây cho loài người không sao kể hết những biến chứng khổ đau cùng cực do chúng gây ra.
Nhưng bình tâm mà nói. Vận dụng tuệ nhãn mà nhìn thì “tam độc không có thực tánh. Tam độc cũng có thể xuất hiện khiến cho con người khổ đau cùng cực. Tam độc cũng có thể biến mất không để lại một bóng dáng, một dấu vết xấu xa nào. Tam độc có hay không có, tùy thuộc ở con người MÊ hay GIÁC.
Thực chất của tam độc là không có chất. Chúng như những bong bóng nổi chìm sanh diệt của những con sóng vỗ mặt ghềnh! Hiểu rõ chân lý đó, đối với sự tử sanh, sanh diệt của tự thân cũng như của hiện tượng vạn pháp, người chứng đạo thấy bằng cái thấy bình tĩnh, an nhiên, không có cái gì phải lo âu, phải sợ hãi.
Chẳng những thế, người chứng đạo còn thấy biết rõ: Khi mình sanh ra từ đâu và lúc chết sẽ đi về đâu!