THÂN PHẬN CON NGƯỜI THEO QUAN NIỆM PHẬT GIÁO

thân phận con người theo quan điểm phật giáo

Lịch sử nhân loại cho thấy ngay từ những ngày đầu tiên xuất hiện trên trái đất, con người đã mang lấy muôn ngàn khổ đau. Khổ vì phải đương đầu với hàng trăm thú dữ xung quanh. Khổ vì phải lang thang nay đây mai đó để hái lượm các trái cây, hoặc lượm các con sò, con ốc để nuôi thân. Con người đã ngơ ngác trước cảnh trời đất bao la và cảm thấy mình chỉ là những bọt bèo trôi nổi vì quá ư nhỏ bé và cô đơn. Thêm vào đó, những thay đổi đột ngột xảy ra trong thiên nhiên nào là những trận cuồng phong, những cơn bão táp, những trận lụt, những cơn động đất v.v… làm cho con người cảm thấy bất lực trước các tai họa của trời đất mênh mông này. “Đời là bể khổ” hay “nước mắt của chúng sinh trong muôn ngàn thái dương hệ là còn nhiều hơn nước trong bốn bể đại dương.” Câu nói trên của đức Phật Thích Ca trong bài thuyết pháp đầu tiên về Bốn Sự Thật (Tứ Diệu Đế) tại vườn Ba La Nại quả thực đã bao trùm mọi nỗi thống khổ đang đè nặng trên kiếp sống của con người. Nhìn những người đã chết, và những ai chưa sinh rồi nhìn lại thân phận bé bỏng và quá ư giới hạn của mình, con người đã phải rơi lệ khi đứng trước vũ trụ đầy bí mật này:

Tiền bất kiến cổ nhân

Hậu bất tri lai giả

Niệm thiên địa chi du du

Độc thương nhiên nhi lệ hạ.

(Thi sĩ Trần Tử Ngang)

(Ai người trước đã qua

Ai người sau chưa tới

Nghĩ trời đất vô cùng

Một mình tuôn dòng lệ).

Vì tầm hiểu biết rất giới hạn nên con người đã không hiểu được gì về các hiện tượng trong vũ trụ này. Người tiền sử đã không biết gì những tai ương đang xẩy ra mà chỉ hoài nghi, thắc mắc rồi sinh ra sợ hãi. Làm thế nào họ cắt nghĩa được tiếng sét đã đánh gẫy cây cổ thụ trên ngọn đồi cao? Làm thế nào họ tiên đoán được những tai họa như lụt, bão đã giết chết đến hàng ngàn thân nhân của họ? Ai đã gây ra cảnh tang tóc nầy? Tất cả đều do các thần linh hay một đấng siêu nhiên nào đó đã giáng xuống những khổ đau thê thảm này cho loài người. Thần linh hay một đấng tối thiện nào đó muốn gì thì loài người đành cúi đầu lãnh chịu.

“Cho hay muôn sự tại Trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân,

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao, mới được phần thanh cao.”

(Đoạn Trường Tân Thanh)

Tất cả khổ đau đều do ông Trời tạo ra. Trời đã tạo dựng nên loài người làm gì để họ phải chịu muôn ngàn điêu linh tang tóc. Càng nghĩ đến thân phận mình, con người càng cảm thấy đau xót:

“Nghĩ thân phù thế mà đau

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.”

(Cung Oán Ngâm Khúc)

Ông Trời quyết định mọi chuyện trên trần thế.

“Quyền họa phúc Trời tranh mất cả

Chút tiện nghi chẳng trả phần ai

Cái quay búng sẵn trên trời

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.”

(Cung Oán Ngâm Khúc)

Vì cảm thấy bất lực, cho nên con người sinh ra chán nản, ngao ngán cho thân phận làm người. Cuộc sống đôi khi thực là vô nghĩa. Đời sống chẳng qua chỉ là một giấc mộng dài với bao cảnh đắng cay, vinh nhục. Ta đã từ cát bụi đến và chung cuộc cũng chỉ vùi chôn trong lòng đất lạnh với năm tháng quạnh hiu.

“Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau

Trăm năm còn có gì đâu

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.”

(Cung Oán Ngâm Khúc)

Con người khổ vì có thân. Chính Lão Tử, một hiền triết nổi tiếng của Trung Hoa vào thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch cũng đã từng nói:

“Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân.

Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu.”

(Đạo Đức kinh)

Nghĩa là tôi sở dĩ có nhiều khổ đau to lớn như thế này là vì tôi có thân. Nếu như tôi không có thân này thì làm gì có đau khổ!

Thực vậy, phước đức thì không đến đều đều, nhưng tai họa thì cứ dồn dập (Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí). Rõ ràng ta chỉ là một tên nô lệ cho thân xác ta và ta bị muôn ngàn khổ lụy cũng chỉ vì thân xác này.

“Nghĩ thân mà ngán cho thân

Một thân mang lụy mấy lần chưa thôi.”

(Cao Bá Nhạ)

Không cần phải chờ đợi cho đến khi ta khôn lớn biết đời, rồi mới nhỏ xuống hai hàng lệ thảm, mà ngay khi mới lọt lòng mẹ ra chào đời, tất cả chúng ta đều đã khóc. Tiếng khóc oa oa báo nguy cho biết trước rằng cuộc đời sẽ không có gì tươi đẹp mà sẽ đầy mọi nỗi thảm sầu:

“Thảo nào khi mới chôn nhau

Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra.

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế

Ai bày trò bãi bể nương dâu

Trắng răng đến thuở bạc đầu

Tử, sinnh, kinh, cụ lần ngu mấy lần.”

(Cung Oán Ngâm Khúc)

Thực vậy, nếu như cuộc đời là một thiên đường đầy hoa thơm, cỏ lạ thì tại sao lúc mới ra chào đời, tất cả mọi người sao không cười đi?

“Thoạt mới sinh thì đà khóc chóe

Trần có vui sao chẳng cười khì?”

(Nguyễn Công Trứ)

Con người quả thực đang mang lấy vô vàn khổ sở. Nhưng theo Phật giáo, tất cả mọi nỗi thống khổ đều do chính nghiệp lực của con người tạo ra.

“Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa.”

(Đoạn Trường Tân Thanh)

Khổ là một sự thật của cuộc đời. Theo Phật giáo “Khổ”, tiếng Pàli là Dukkha, là mang tính chất tương đối, giới hạn, tức là không có gì là vĩnh viễn và tuyệt đối. Như vậy, trong Khổ còn có niềm vui, có niềm hy vọng và khổ với một giới hạn nào đó. Cổ nhân có câu “Lạc cực sinh bi, bi cực sinh lạc” tức là vui đến tột cùng thì sẽ có buồn; buồn đến tột cùng sẽ có vui. Hạnh phúc nào cũng kèm theo cái khổ và trong đau khổ sẽ hàm chứa hạnh phúc. “Hoa hồng nào cũng có gai, nhưng trên gai còn có hoa hồng”. Nhưng ta phải biết tìm mọi cách để thoát khổ, đó mới là điều tối ư quan trọng. Phải khách quan để nhận xét, ta thấy rằng về đời sống vật chất, con người ngày nay đã làm giảm bớt rất nhiều nỗi thống khổ. Kể từ ngày tìm ra lửa thì nhân loại đã từ từ giải thoát được cảnh tối tăm man rợ. Việc tìm ra lửa đánh dấu một bước tiến vĩ đại trong lịch sử tiến hóa của loài người vì lửa đã chấm dứt cảnh ăn tươi nuốt sống của người tiền sử. Song song với việc biết xử dụng lửa để nấu ăn, cộng thêm vào tinh thần siêng năng lao động, óc tò mò để tìm hiểu, con người ngày nay đã tiến bộ vượt bực hơn tổ tiên của họ. Ngày nay khoa học và kỹ thuật hiện đại đã biến con người từ một sinh vật bị thiên nhiên đe dọa thì nay chúng ta đang chinh phục lại thiên nhiên. Con người đã đặt chên lên mặt trăng, đang thám hiểm Thổ tinh, và đang khám phá các hiện tượng trong vũ trụ. Nhân vi vạn vật tối linh. Chúng ta phải rất hãnh diện câu nói trên và xin đừng giao phó cuộc đời của chúng ta cho một đấng thần linh nào khác. Trong khi các tôn giáo lớn trên thế giới đề cao quyền năng siêu việt của một đấng Thượng đế tối linh thì chỉ có một mình Phật giáo là đề cao khả năng sáng tạo và giá trị vô biên của con người. Đức Phật Thích Ca đã từng dõng dạc tuyên bố: “Tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật”. Phật Thích Ca không phải là một đấng Thượng đế có quyền ban phước và giáng họa mà là một vị thầy dẫn đường. Trong vô số kiếp về trước Ngài đã là một chúng sinh như chúng ta, nhưng đã cố gắng tu hành nên đã giác ngộ, thoát ly vòng luân hồi sinh tử. Trong khi các tôn giáo khác chỉ khuyến cáo tín đồ là chỉ tin mà không cần xử dụng lý trí thì đạo Phật trái lại, khuyến cáo phải dùng lý trí suy đoán rồi hãy tin.

“Đừng tin tưởng một điều gì dù rằng đó là do một bậc thông thái nói. Đừng tin tưởng một điều gì dù điều đó được viết ra hoặc lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đừng tin tưởng một điều gì dù điều đó được các bậc thánh nói ra và tin tưởng. Nhưng hãy tin điều mà chính bản thân anh phê phán là đúng.” (Believe nothing because a wise man said it. Believe nothing because it is generally held, because it is written, it is said to be divine or someone else believes it. But believe only what you yourself judge to be true. Sawasdee Page 49. Sawasdee, Thai. November, 1989).

Theo Phật giáo, trong sáu nẻo luân hồi (Trời, loài người, loài A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh) thì con người được xem như có nhiều cơ hội nhất để tiến lên địa vị Phật. Phật chỉ là một tước hiệu nêu rõ người đã thoát ly vòng sinh tử trong sáu nẻo luân hồi. Thế giới Trời thì sống quá sung sướng có khi họ ít chú trọng việc tu hành. Nhưng khi hết phước báo trong các cõi trời, họ lại phải đầu thai trở lại trong các loài người, A Tu La v.v… Loài A Tu La tuy có phước báo cao hơn người, nhưng vì tính hung dữ nên cũng khó tu hành. Địa ngục là nơi những tội nhân bị đày đọa, vì bị khổ hình liên miên và mất tự do, cho nên dù họ có muốn tu hành cũng không được. Loài quỷ đói (ngạ quỷ) đang bị tình trạng đói khát nung nấu, lo đi kiếm ăn đâu còn thì giờ để nghĩ đến việc tu hành. Loài súc vật với bản tính ngu đần, không có lý trí soi chiếu, không biết đâu là thực, hư, tốt, xấu, tội, phước thì làm sao mà biết tu hành. Duy chỉ có loài người vì không quá sung sướng như các chư thiên, lại cũng không quá khổ như chúng sinh trong địa ngục, trong loài quỷ đói, cũng không quá u tối, mất trí tuệ như các súc vật cho nên con người rất dễ tu hành để thoát ly ra khỏi bánh xe luân hồi sinh tử. Đạo Phật rất chú trọng về con người vì chính con người sẽ xây dựng hoặc phá nát cuộc đời. Con người là một sinh vật yếu nhất trong vũ trụ như Pascal đã nói: “Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy biết tư tưởng” (L’homme est un roseau, mais un roseau pansant). Thực vậy, nhờ có tư tưởng mà ngày nay con người đang chinh phục vũ trụ và làm chủ trần thế.

Như vậy, theo Phật giáo thân phận con người không phải bi đát, ê chề như nhiều người lầm tưởng. Ta nên hãnh diện ta đang mang thân xác này. Tại sao? Vì xác thân này, cuộc đời này chính là chặng đường cuối cùng để ta rủ sạch nợ trầm luân. Nếu ta biết lợi dụng cuộc đời này, thân người này để cố công tu luyện thì ta sẽ giải thoát mọi khổ đau và đến bờ Niết Bàn. Đức Phật Thích Ca trong vô lượng kiếp về trước Ngài đã cố gắng tu luyện và đã thành Phật ngồi trên tòa sen, còn chúng ta vì nghiệp chướng sâu dày nên cứ mãi mãi hụp lặn trong biển luân hồi, hết lên rồi lại xuống trong ba cõi dục này (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) chúng ta không cảm thấy xấu hổ sao?

Người xưa có câu : “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh nhi thối khuất” . Nghĩa là ông là một kẻ trượng phu thì tôi cũng thế. Không nên tự hạ mình để chịu thua thiệt. Như vậy, theo Phật giáo, ta phải có trách nhiệm hoàn toàn về tư tưởng và hành động của chúng ta và không ỷ lại hoặc giao phó cuộc đời của ta cho một đấng thần linh nào khác. Lịch sử nhân loại cho thấy tất cả khổ đau, hạnh phúc v.v… đều do chính bàn tay con người tạo dựng, chứ có do một đấng thiêng liêng nào gây ra đâu. Tội ác của loài người là do chính con người tạo nên và xin đừng nên đổ lỗi tại Thánh Thần giáng xuống. Phải thẳng thắn mà nhìn nhận rằng chính loài người vì tham, sân, si nên đã gieo rắc tang tóc điêu linh cho chính họ, chứ không do một thế lực vô hình nào hết.

Thế giới của chúng ta đã trải qua 2 cuộc đại chiến 1914-1918 và 1939-1945 đã tiêu diệt hàng trăm triệu con người và tổn thất không biết bao nhiêu tài sản. Vậy thì tai họa này có phải do Thượng đế giáng xuống chăng? Chắc chắn là không. Mà cuộc chiến 39-45 là do tham vọng của Hitler muốn thống trị Âu châu, của Mussolini muốn làm sống lại tinh thần quốc gia qua quá trình văn minh vàng son La Mã và của tập đoàn quân phiệt Nhật muốn biến châu Á thành của người Nhật.

Phật giáo được xem như đường hướng đề cao khả năng cao quý và trách nhiệm của con người. Nếu có ai hỏi rằng Phật giáo có giúp ích gì cho xã hội loài người thì xin thưa nếu mỗi người tự lo tu tĩnh thì chính tự cá nhân ấy sẽ giải thoát tất cả khổ đau và xã hội sẽ an bình. Như vậy Phật giáo rất lạc quan với kiếp sống của con người. Phật giáo nhắn nhủ mỗi cá nhân nên nhận rõ trách nhiệm của họ. Trách nhiệm đó có hai mặt: một mặt tinh tiến diệt trừ tham, sân, si cho chính bản thân mình và mặt khác giúp đỡ bạn bè, anh em, cộng đồng, thân thuộc tùy theo khả năng vật chất của mình có, tùy theo tinh thần mà mình có. Đức Phật dạy rằng khi con người trút hơi thở cuối cùng, họ sẽ mang theo hai hành trang để đi với họ. Hành trang thứ nhất đó là việc thiện, việc nghĩa mà họ đã làm sẽ đưa họ lên sống an vui tại các cõi trời. Hành trang thứ hai là những hành vi tội lỗi như giết người, cướp của, lường gạt v.v… tạo đau thương cho chính bản thân và đồng loại thì sẽ dẫn họ xuống các thế giới thấp kém như súc vật, quỷ đói v.v… “Nhất thiết duy tâm tạo” nghĩa là tất cả đều do tâm con người tạo ra. Như vậy thân phận con người rất quan trọng vì con người sẽ tiến bộ đi lên, hoặc thoái hóa đi xuống tùy theo nghiệp mà họ đã gây ra.

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

(Đoạn Trường Tân Thanh)

Tâm và cảnh tuy hai mà một vì chúng rất liên hệ mật thiết với nhau. Và cảnh chắc chắn là tùy thuộc vào tâm. Thân phận con người và nghiệp báo của con người cũng vậy, cũng rất liên hệ mật thiết. Chúng tuy là hai nhưng thực tế chỉ có một vì nếu chúng ta tạo nghiệp thiện, nghiệp tốt thì thân phận của ta sẽ tốt, cuộc đời sẽ an vui. Do đó, theo Phật giáo nếu mọi người biết lợi dụng thân phận làm người để sửa đổi nghiệp, để trong sạch tâm mình thì thế giới sẽ hòa bình và quốc gia sẽ an lạc.

Huỳnh Văn Hải