TẠI SAO BẠN NÊN ĐI TU VÀO MÙA HÈ?

Mặc dù biết hành động viết bài PR cho Khóa tu mùa hè (KTMH) như thế này là cực kì nguy hiểm cho cơ hội được tham gia vào năm sau vì số lượng đăng kí sẽ nhiều hơn, nhưng đã lỡ ăn cơm đại chúng thì phải cúng lại chút ít cho đại chúng

chùa hoằng pháp

1. Nói sơ qua một tí về KTMH ở chùa Hoằng Pháp

– Mục đích KT: là cầu nối để CÁC BẠN TRẺ tìm về với Phật pháp – những giáo lý, bài học đạo đức để chúng ta tiến đến cái chân thiện mĩ theo cách Sinh viên nhất. Chắc chắn ai cũng biết về Đạo Phật, nhưng có thể cái hiểu biết của chúng ta chỉ dừng lại ở sự mơ hồ, biết là nó tốt nhưng tốt thế nào thì không rõ… thậm chí chúng ta nghĩ về đạo Phật như một Tôn giáo của người già, “chỉ bà tao, má tao mới đi chùa, chớ trẻ trẻ như tao bộ VN hết chỗ đi chơi rồi hay sao mà rủ đi chùa?”, hoặc chúng ta nghĩ về đạo Phật với tâm lí ngán ngẩm và sợ hãi với những bài kinh kệ lê thê, đọc ríu lưỡi, với những hình thức tụng niệm, ăn chay khổ ải, hay bầu không khí thanh đạm buồn chán… Nhưng sự thật có phải như vậy không? Có câu nói thế này, You don’t know what you don’t know (Bạn chỉ nhìn cuộc sống này bằng cái mà bạn có, lí giải nó bằng những kiến thức có sẵn nếu không đi và trải nghiệm thì mãi mãi, ao tù nước đọng, không thể hiểu về những thứ mình chưa có khái niệm) Tất nhiên thông qua vỏn vẹn 7 ngày KTMH không hứa, đảm bảo, chắc chắn có thể làm tất cả bạn trẻ giác ngộ, bừng tỉnh sau cơn mê, hay lập tức đi đăng kí quy y Phật, Pháp, Tăng, chương trình đơn giản chỉ hi vọng các bạn chí ít hãy cho bản thân cơ hội để tìm hiểu và khám phá những cái mới, thú vị, và đúng đắn

-Thời gian: cứ mỗi dịp ve kêu hè về. Chùa Hoằng Pháp là ngôi chùa nơi đầu tiên tổ chức khóa tu dành cho sv thế này, về sau nhận thấy được tác động tích cực cũng như có sự cải thiện về cơ sở vật chất, mô hình tu tập như thế này đã được nhân rộng trên phạm vi cả nước. Vậy nên có bạn cứ hè đến là như chạy show, tu hết từ chùa này sang chùa khác. Nếu mà còn trẻ thì mình cũng nhiều lần chơi lớn như vậy xem chúng sinh ai có trầm trồ :>

– Cách thức đăng kí: đăng kí rất đơn giản chỉ cần có giấy cmnd là được, nhưng đậu hay rớt lại là chuyện khác. Tỉ lệ chọi như thi đại học, dân chúng đi đăng kí như ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Mà thật ra thì cũng đúng thật, nơi nào cho mình kiến thức thì nơi đó đúng là trường học.

– Thời gian biểu cơ bản trong 7 ngày tu:

+ 9h30: đi ngủ

+4h30: dậy

+6h: ăn điểm tâm

+11h: thọ trai (ăn trưa)

+18h: ăn tối

Giữa các lần ăn và ngủ là những chương trình talk show, ca nhạc show, trò chơi show, giảng pháp show rất rất vui và bổ ích (năm nay còn có gian hàng lô tô và Hoằng Pháp got talent nữa)

(Mình thích nhất là khoảng thời gian 11h vì bữa trưa gọi là siêu to khổng lồ với 6 loại đồ ăn 2 loại đồ uống, ăn không no không buông muỗng các bạn ạ. Có điều là đồ ăn hơi mặn do ngày nào tầm giờ này, thầy phó trụ trì cũng cầm mic thông báo, tấu hài cho tụi mình nghe. Hình như các thầy trong này toàn quê quán xứ biển hay sao á, nói cái gì cũng mặn, làm cái gì cũng mặn, đến cả tập thể dục cũng không thể lạt được với mấy thầy. )

2. Đối với mình, KTMH là một chương trình nhân văn, tiến bộ, bổ ích và sâu sắc đáng để nhân rộng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ vì những lí do sau đây:

** Tình thương:

– Số lượng các bạn tham gia khóa tu năm nay là khoảng 3000 bạn, tụi mình được chia làm 8 nhà, mỗi nhà một tên: Từ bi, Độ lượng, Hỷ xả, Khoan dung,… Bữa tối đầu tiên sinh hoạt, thầy Tâm Hiệp bảo, từ bây giờ tất cả chúng ta ở đây không gọi là Chúng, mà gọi là Gia Đình, Gia Đình chúng ta tên là Thương Yêu. Tuy sến nhưng mà nghe cảm động đến phát khóc. Mình rất trân trọng giây phút đó khi đột nhiên những người xa lạ từ mọi nơi ùa về, cùng quy đồng mẫu số rồi được liên kết với nhau bằng một mqh thân thiện và thương yêu, cảm giác rất ấm lòng

Chắc ai cũng hiểu là việc nuôi nấng và chăm sóc cho 1 đứa con nó cực và phiền não cỡ nào đúng không? Gia đình đông con nhất mà mình từng được biết là Lạc Long Quân và Âu Cơ – 100 người con, và nếu mình không lầm thì mô hình đông con như vậy chỉ duy trì được một đời và tuyệt chủng luôn chứ nào có cha mẹ ai mà quản nổi. Vậy mà có một gia đình tên Hoằng Pháp cứ mỗi dịp tháng 7 về lại mở cửa đón chào gần 3000 người con về nhà nghỉ hè. Làm sao để đảm bảo cơm 3 bữa, tiện nghi sinh hoạt, an ninh, hoạt động tâm linh và tinh thần, blab bla cho cả mấy nghìn con người đang tuổi ăn tuổi lớn là cả một câu chuyện hậu kì đầy mồ hôi và đẫm tình thương trách nhiệm đó các bạn. Mình nghe các thầy tâm sự là để chuẩn bị bữa sáng cho gần 3000 bạn, các thầy phải bắt đầu nấu từ 12h đêm đến 6h sáng hôm sau, còn để chuẩn bị bữa trưa thì bếp phải nổi lửa liên tục từ 6h sáng đến 10h, không giây phút nào nghỉ ngơi. Nhìn số lượng chén bát sau mỗi bữa ăn…

“Bát cơm đã vơi

Bụng đã no rồi

Chúng con xin hứa

Nguyện sẽ bồi hoàn”

Đây là một trong những bài thơ mà sau mỗi bữa ăn tụi mình đều đọc để thể hiện lòng biết ơn với quý thầy, quý phật tử cúng dường, quý cô chú và anh chị làm công quả.

Hồi nhỏ mình có nghe bài giảng nói lí do tại sao khi ăn cơm ở chùa ta luôn ngon hơn là vì nó được nấu bằng tình thương, từng hạt gạo, từng cọng rau đều được chế biến bởi tình thương, mỗi hoạt động nấu nướng đều được nhóm lên từ tình thương. Giờ lớn lên mới hiểu và thấm! Mọi người hay hỏi mày đóng bao nhiêu để tham gia khóa tu, khi mình nói chẳng đóng đồng nào ai cũng nói vậy Tu bằng niềm tin à? Ừa thì cũng gần đúng, tụi mình Tu bằng tình thương và niềm tin ❤

**Giáo dục

Một trong những điều mình rất trân trọng sau khóa tu 7 ngày là những bài giảng sâu sắc của quý thầy. Những thầy tham gia thuyết giáo được mời về chương trình đều là những thầy có học vị cao như thầy Thích Tâm Nguyên – Trụ trì tu viện Hạnh Phúc ở USA, thầy Thích Tâm Tiến – Du học sinh ở Harvard… Bài giảng của mỗi thầy đều đề cập đến những vấn đề mà giới trẻ hiện nay đều gặp phải như: làm sao để hết tình trạng cô đơn, trống lỗng, làm sao để sống có trách nhiệm với gia đình, đất nước, làm sao để tìm được sự bình an trong tâm hồn, làm sao để sống có ý nghĩa, sống hết mình. Các thầy không chỉ dạy về việc tu tâm mà còn dạy chúng mình về việc tu chí – “Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông?”

Những luân lý và đạo đức trong lời dạy của các thầy có thể là không mới vì đó là điều mà hằng ngày chúng ta thường nghe nhưng cách truyền đạt của các thầy thì gọi là rất mới và muối. Một tí chữ nghĩa của mình thì không thể diễn đạt hết độ mặn gần biển của các thầy được. Không có bài giảng mà trong khóa tu mà tụi mình k cười, hay vỗ tay, hay đồng thanh hô “Mô phật vui ạ”. Tự nhủ, sau này ăn cơm trắng, thì cứ mở youtube bài giảng của các thầy mà nghe, đặc biệt là của thầy Tâm Trọng.

Sau khóa tu mình đã chủ động đi tìm mua sách viết về đạo Phật để đọc và để học. Có cái gì đó lờ mờ đang bừng tỉnh trong mình *Tự thưởng cho mình một tràng pháo tay* Sau này mình tu thành chín quả thì mình sẽ chia cho các bạn 1 quả, mình 8 quả là được rồi

**Niềm vui và Nước mắt

Một chương sâu sắc sẽ làm bạn rơi nước mắt, một chương trình thông minh sẽ làm bạn cười còn một chương trình vừa làm bạn rơi nước vừa làm bạn cười thì … đó chắc chắn là một chương trình vừa thông minh vừa sâu sắc rồi :> (Xin lỗi mình sinh ra trên núi nên hơi thiếu muối – mượn lời của thầy Pháp Túc)

Cứ nghĩ “Trong chùa không thịt cũng không phone” thì chắc là sống lay lắt như con nghiện, nhưng suốt 7 ngày qua mình tuyệt nhiên không thèm điện thoại hay cá, heo, bò, gà một tí nào các bạn ạ! Lí do là vì mình luôn bận, bận đi kết bạn, bạn ăn, bận cổ vũ văn nghệ, bận nghe giảng, bận bắt tay anh Hồ Quang Hiếu, bận cười, bận “đi tham quan cái máy rửa chén”, bận đọc sách, bận kiếm tiền từ ở các gian hàng trò chơi, bận nghe chuyện trước khi đi tu của các thầy, bận công phu, bận tìm máy quay để xin được phỏng vấn, bận tìm 2002 hay 1999, bận tìm chai nước để rót trà sữa hay trà đào mang về, bận đi tìm cô công quả để may cái quần bị rách do chơi nhảy dây, bận nhận quà từ các thầy… nói chung lúc nào mình cũng có việc để làm. Lúc rảnh nhất của mình trong chùa là ngủ… Mỗi ngày mình rảnh 7 tiếng buổi tối và 1 tiếng buổi trưa, vị chi là 8 tiếng còn lại mình có 16 tiếng bận để đi tìm niềm vui. Vui nhất là sau khóa tu mình có thêm 7 người chị em, 7 người bạn đồng hành sẵn sàng cung cấp tài liệu thả thính hay mục tiêu cho mình thả thính :>. Tất nhiên trong suốt quá trình tu tập và vui chơi chúng ta không tránh khỏi những tai nạn đau lòng như bị ca sĩ sà mông vào mặt, được lên hình như cắt tiếng, bị loại khỏi cuộc thi nhan sắc, … nhưng quan trọng là nó vui và sau tất cả chúng ta ôm nhau và tự nhủ “chị ổn, chị ổn” *chấm chấm lắc lắc đầu lau nước mắt*

Nói về nước mắt, chắc mọi người cũng đoán được lí do vì sao tụi mình khóc. Đợt khóc to nhất mà gần như bạn nào trong khóa tu cũng nhiệt tình tham gia và lúc các thầy giảng về cha mẹ. Ai cũng thương ba mẹ, nhưng chúng ta thường gói niềm thương đó rất kĩ và chôn nó vào một nơi sâu ơi là sâu. Vô đây các thầy hay lắm, sâu cỡ nào thầy đào lên hết. Một trời nước mắt. Lúc tụi mình khóc, mấy thầy và sư cô sẽ cầm bịch khăn giấy cỡ to đi phát cho từng bạn, nhìn thương lắm. Ngoài 2 trận khóc tập thể với đại chúng ra thì mình cũng tự khóc cá nhân nhiều lần vì cảm động. Đôi lúc trong lời giảng hay hành động của các thầy sẽ có cái gì đó nó chạm đến trái tim và khiến nước mắt mình cứ thế rơi ra. Nếu bạn nào sống lâu và sống sâu như mình thì mình khuyên là trước khi đi tu nên tự chuẩn bị cuộn giấy vệ sinh. Vô đó chắc chắn sẽ có rất nhiều dịp để xài. Xài dịp gì thì k biết

Người ta bảo đi 1 ngày đàng học 1 sàng khôn, mình đi tận 7 ngày cái khôn gom về chắc cũng k ít. Và sau đây mình sẽ chia sẻ cho các bạn cái khôn nhất mà mình cóp nhặt được ở Hoằng Pháp. Đó là bí kiếp và mánh khóe để được đi du lịch Free. Sau 7 ngày mình đã ngộ ra một chân lí, muốn đi du lịch free thì hãy tham gia thi.
Thi học thuộc kinh Pháp Cú

Đây hoàn toàn là chia sẻ chân thật từ tận tâm can không mang tính đa cấp trá hình các bạn nhé!

Chia sẻ: Bạn Biển