Sự Linh Ứng Của BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Sự Linh Ứng Của BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Có 3 nguồn gốc mà Bồ tát Quán Âm xuất hiện:

1/ Ngài xuất hiện trong kinh điển Đại thừa rất sớm, sau Phật khoảng 500 năm. Bản kinh nổi tiếng đó là Kinh Pháp Hoa – phẩm Phổ môn, nói về hạnh nguyện Bồ tát Quán Âm mà ta thưởng trì tụng và rất linh ứng.

2/ Bản kinh thứ 2 là Kinh Lăng nghiêm, nói về phương pháp tu thiền của Bồ tát Quán Âm đưa đến đắc quả là nhĩ căn viên thông. Còn bàn bạc trong nhiều kinh Đại thừa khác cũng nói dến Bồ tát Quan Âm nhưng không rõ bằng. Đó là nguồn gốc trong kinh.

3/ Nguồn gốc Bồ tát trong dân gian có Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính. Những hạnh nguyện này không đủ tạo thành một thần lực phi thường của một vị Bồ tát có thể cứu chúng sinh trong cơn nguy cấp.
Với tinh thần của Phật thừa, với tinh thần của Đại thừa Bồ tát thì một vị Bồ tát không còn là chính mình nữa, không có một vị Bồ tát nào là chính mình mà Bồ tát là tất cả chúng sinh, Bồ tát là tất cả Chư Phật. Do đó Bồ tát không còn chấp danh là Bồ tát. Khi ta niệm Bồ tát Quán Thế Âm thì đừng nghĩ mình niệm cá nhân một vị Thánh mà ta đã động đến mười phương Chư Phật. Còn nếu ta hiểu Bồ tát bằng cảm tính hay cảm tình, là chưa thấu được cái ý tột cùng của Quán Thế Âm. Có những người thờ Bồ tát Quán Âm tại nhà, xem Ngài như Mẹ của riêng mình thì hiểu Bồ tát như vậy là hiểu bằng cảm tình hay cảm tính, không phải hiểu bằng trí tuệ.

Ở đây chúng ta cần hiểu Bồ tát Quán Thế Âm bằng trí tuệ. Mỗi khi ta quỳ xuống lạy Ngài là động đến mười phương Chư Phật, vì Bồ tát Quán Thế Âm không phải chỉ là Bồ tát Quán Thế Âm mà Bồ tát Quán Thế Âm chính là từ bi – diệu dụng của mười phương Chư Phật. Cũng giống như khi ta lạy Bồ tát Văn Thù thì đừng nghĩ rằng ta lạy riêng một mình Bồ tát Văn Thù, mà phải hiểu ta lạy trí tuệ diệu dụng của mười phương Chư Phật. Đây là cái hiểu Bồ tát bằng trí tuệ và hiểu như vậy ta mới gieo cái nhân đắc đạo trong lòng mình. Còn nếu ta hiểu Bồ tát bằng cảm tính hay cảm tình thì ta có duyên với Phật đó, nhưng rất khó chứng được đạo quả, vì ta hiểu nhầm, ta hiểu nhỏ, nên không đủ phước để chứng đạo. Còn khi ta hiểu Bồ tát bằng trí tuệ: là khi ta niệm NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT là ta đụng dến diệu dụng từ bi của mười phương Chư Phật. Chính vì đây là diệu dụng từ bi của mười phương Chư Phật, cho nên tai nạn của ta hay định nghiệp của ta, đáng lẻ phải trả nhưng ta được cứu một cách mầu nhiệm.

Tất cả các tôn giáo trên thế giới đều thích phép lạ để trưng bày và ta tôn trọng cả. Trong đạo Phật phép lạ là vô biên, sự mầu nhiệm là không thể kể hết được vì một vị chứng A La Hán là có 6 phép thần thông, có thể bay lên trời cao, tụt xuống đất sâu, một thân hóa thành ngàn thân. Nhưng người không hiểu, không có trí tuệ mà yêu thích quyền năng phép lạ lại rất dễ rơi vào mê tín. Khi rơi vào mê tín rồi rất dễ bị lừa gạt. Do đó các vị Tông sư đều dặn dò ta rằng: Khi đến với Phật pháp tu hành thì bỏ qua phép lạ, đừng quan tâm đến những điều kỳ bí lạ lùng, vì nếu như vậy ta rất dễ rơi vào mê tín.

Do dó sự linh ứng của Bồ tát Quán Âm là phép lạ, là mầu nhiệm bàng bạc khắp trong cuộc đời này. Những lúc đau khổ, nguy nan, ta khấn cầu Ngài là có Ngài đến với ta, ở bên cạnh an ủi, che chở, để ta tiếp tục bước trên con đường luân hồi này mà có niềm tin, có ánh sáng hơn, chứ không phải đi trên con đường luân hồi này trong cô độc, khổ đau. Ta biết mình luôn có ánh sáng từ bi của Ngài che chở.

Tuy nhiên, theo Luật Nhân Quả, cái gì cũng có cái giá phải trả xứng đáng. Để xứng đáng với lòng thương yêu của Bồ tát thì điều Ngài mong mỏi ta là tu hành, diệt trừ lầm lỗi, si mê, tham lam, thù hận. Và ai có thể đi trên con đường tu tập đó thì là những đứa con cưng của mười phương chư Phật, là con cưng của Bồ tát Quán Âm. Người như vậy, khi cầu nguyện điều gì đều linh ứng điều đó. Cho nên, khi hiểu sự mầu nhiệm của Bồ tát thì ta phải bắt đầu bằng sự tu tập của mình, chứ không được ỷ lại, cứ cầu xin mãi thì không còn linh ứng nữa.

Khi tâm ta giống tâm Bồ tát, tức là trong cuộc đời này ta có tâm hào hiệp, dám cứu giúp người lúc người ta nguy nan thì ta cầu nguyện điều gì đều linh ứng, muốn gì được nấy. Thượng toạ nhắc nhở “Ta không đủ thần lực để cứu độ chúng sinh như Bồ tát, không đủ mức độ vô úy thí là giúp người được trong cơn nguy nan, nhưng ta phải được một phần, đó là cái tâm hào hiệp, sẳn sàng giúp người trong cơn nguy cấp. Mà giúp người trong cơn nguy cấp, các chư vị Tôn túc đã nói “Dẫu xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Đây mới là phép lạ.
Ta mãi đi tìm những phép lạ trên trời cao, trong hang sâu, trong miếu lạ, nhưng đâu biết rằng phép lạ có từng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Phép lạ là khi ai xin thì cho, ai cần thì ta giúp, đó là lòng ta khởi lên tâm yêu thương con người, ta có thể lấy ra một phần tài sản của mình để giúp đời, cứu người. Phép lạ là điều tưởng như không bỗng biến thành có, là cái gì tưởng là có mà cũng biến thành không. Chẳng hạn, có người nào đó ghét ta, nói xấu thì thường tình ta ghét lại họ, mắng lại, nói xấu lại, nhưng điều tưởng là có biến thành không, tức là ta không ghét lại, nói xấu lại, coi như không. Đó chính là phép lạ của cuộc sống này.

Chúng ta đừng màng tìm phép lạ trên trời cao, trong núi sâu, mà khi tâm ta làm được một điều tưởng như không làm được, tức là ta nhẫn nhục được điều oan trái, ta tha thứ được sự xúc phạm, ta giúp đỡ được người trong cơn nguy khốn. Chính sự tích luỹ nhiều phép lạ nho nhỏ trong cuộc sống đó, sau này sẽ biến thành phép lạ phi thường. Bằng một ví dụ gần gũi với cuộc sống, Thượng toạ đã chứng minh thế nào là phép lạ phi thường.
Để có thể chứng kiến được phép lạ phi thường của Bồ tát Quán Âm, hàng ngày ta phải làm nên những phép lạ nho nhỏ trong cuộc sống bình thường, đó là khi người ta nói xấu mình, lòng vẫn bình an coi như không (nhẫn nhục); khi thấy người ta mưu hại mình, dù biết rõ mà vẫn không ghét không thù; có những lúc ta cạn tiền trong túi, chỉ còn đủ mua bánh mì để ăn sáng đi làm, nhưng thấy có người đói, ta sẵn sàng bố thí. Tất cả chúng ta, hãy cùng nhau làm nên những phép lạ, cho cuộc sống này thêm tươi đẹp.

Lại nữa, Bồ tát Quán Âm có hạnh lắng nghe được nỗi khổ của cuộc đời. Đây cũng là lời dạy của Bồ tát đối với chúng ta.

Tức là ta sống trên đời này phải có trái tim và đôi tai, lắng nghe được nỗi khổ của cuộc đời, đừng sống hời hợt, thờ ơ… chỉ biết có mình thôi. Chung quanh ta còn nhiều điều chưa vui, còn những người bất hạnh, và chúng ta phải thấy được những điều đó, phải thấy được nổi bất hạnh, sự khốn khó của những mảng cuộc đời chung quanh mình. Ta phải thấy, phải nghe, phải hiểu, đừng bỏ qua, đừng thờ ơ, phải sống với trái tim của Bồ tát dạy ta “Lằng nghe được nỗi khổ của chúng sinh”.

Ai có thể lắng nghe được nỗi khổ của chúng sinh, đó là người không còn ích kỷ nữa, người đó biết sống vị tha nên có trái tim để lắng nghe. Còn người không có trái tim yêu thương, người ích kỷ thì như mù như điếc. Bồ tát dạy ta, hãy mở trái tim ra để cho tai tinh tường, mắt sáng rỡ mà thấy được, nghe được sự bất hạnh, sự đau khổ của mọi người xung quanh mình. Ta không thấy ai khổ vì trái tim ta chưa mở ra. Và Thượng toạ hướng dẫn phương pháp để mở được trái tim, đó là: Chúng ta hãy thiền định như Bồ tát dạy trong kinh Lăng Nghiêm.

Để có thể nghe được tiếng của vạn loài, ta phải lắng nghe nơi chính mình trước. Ta hãy ngồi kiết già bất động, lắng nghe cơ thể của mình, BUÔNG LỎNG TOÀN THÂN, MỀM MẠI, BẤT ĐỘNG. thấy được thân của mình là vô thường, đang đi dần đến sự hoại diệt, sau khi chết rồi, thân sẽ mục rã, xương cũng thành bụi bay luôn. Tiếp theo, ta cảm nhận được hơi thở vào, hơi thở ra. Đó chính là phương pháp thiền định của Bồ tát Quán Âm.

Mà người nào tinh tấn tu tập thiền định được như vậy, nhập từng mức định, chứng từng cái đạo quả thì sau này đi vào dòng Thánh, cũng trở thành một vị A La Hán; một vị Bồ tát như là thần lực của Bồ tát Quán Âm mà có thể cứu độ chúng sinh. Sau cùng, Thượng toạ nhắc nhở “Trong đêm Lễ Hội Quán Thế Âm vui vẻ thế này, ngoài những nghi thức tôn giáo như: cầu nguyện, lễ bái, tụng niệm, văn nghệ, thuyết Pháp thì ta nên chấm dứt bằng thiền định. Tất cả hội chúng trong ngoài đều bắt chân ngồi thiền để chúng ta học hạnh Quán Âm, lắng nghe nơi chính mình, mà sau này mới có thể lắng nghe được vạn hữu chúng sinh.