Mục Lục
Nếp sống tín ngưỡng
…“Ví như nhà vua, tạo lâu đài nơi bên trong thành, xây đắp chắc chắn, không thể hư nát. Bề trong quốc gia yên ổn, bề ngoài ngự phòng oán địch. Phật tử cũng vậy, phải kiên cố lòng tin tưởng đức Như lai. Khi lòng tin đã vững vàng thì quyết không theo những kẻ Sa môn ngoại đạo, Phạm Chí ác ma và ác thế gian. Ấy là đã xây dựng được lòng tin như một lâu đài bền chắc. Là Phật tử, phải bỏ điều xấu mà tu các pháp lành” .
Lời bàn:
Là người Phật tử, chúng ta phải có cái nhìn đúng đắn và sự hiểu biết chân chính về đạo mình tín ngưỡng để khỏi phải lầm lạc và hiểu sai lầm. Đạo Phật là đạo của trí tuệ. Con đường mà đức Phật đã hướng dẫn chúng ta đi là con đường đi đến sự thật. Những điều mà đức Phật đã dạy không rời xa cuộc đời và luôn đi vào cuộc sống hiện thực, giải quyết những khó khăn trong hiện thực và vượt qua những khó khăn đó.
Theo thời gian, giáo lý đức Phật đã hòa nhập vào dân gian để biến thành một niềm tín ngưỡng dân gian phổ cập đến mọi người. Trên thế giới này, bất cứ một tôn giáo nào cũng nói đến đức tin, thờ phụng và cầu nguyện. Tuy nhiên, trong Phật giáo, có những cái đã tự sáp nhập vào đạo Phật từ địa phương, không phải là của đạo Phật. Chẳng hạn như đồng bóng, bói toán và rất nhiều thứ khác. Nhiều người lầm tưởng là của đạo Phật nhưng kỳ thật những điều ấy xuất phát từ lòng tin mù quáng của con người, tạo ra rất nhiều mê tín dị đoan, làm cho nhiều người suy nghĩ sai lầm về đạo Phật.
Đức Phật đã từng dạy: “Đừng bao giờ vội tin một điều gì cho dù điều đó được nhiều người nói tới”. Phật giáo là một tôn giáo vượt trên cả khoa học, đem những giáo lý thậm thâm vi diệu vào cuộc đời để chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau. Trong mọi lúc mọi nơi, chúng ta đều có thể đem chân lý của đức Phật áp dụng vào bản thân mình để mỗi ngày mỗi hoàn thiện và tốt đẹp hơn trong tâm hồn. Đạo Phật không phải là một tôn giáo xiển dương những điều mù quáng như một số ít người lầm tưởng. Đạo Phật đã mang lại rất nhiều lợi ít thiết thực cho loài người. Đạo Phật mang đến cho chúng ta một sự an vui toàn vẹn và bất tận, chơn lạc. Ngoài ra, đạo Phật còn có khả năng giúp chúng ta loại trừ những chi phối ràng buộc để đi đến giải thoát hoàn toàn. Đạo Phật không chỉ đem đến lợi ích to lớn trong vị lai, mà là lợi ích ngay trong đời này. Nhờ tinh thần từ bi của đạo Phật mà nhân loại yêu thương nhau hơn, ánh sáng trí tuệ của đạo Phật đã làm cho nhân loại vơi bớt đi những lầm lạc để nhận thấy đâu là giá trị của sự thật, đâu là phỉnh phờ giả dối. Tinh thần cao đẹp của đạo Phật đã san bằng những bất công để cho thế giới này thanh bình, an vui và hạnh phúc.
Tâm từ bi
Có thầy Tỳ kheo đến khất thực tại một nhà kia và được mời vào nhà ngồi một mình. Chủ nhân tiếp chuyện, tay có đeo chiếc nhẫn đã vô ý đánh rơi. Lúc ấy, có con ngỗng đi ngang nuốt vào bụng. Vị Tỳ kheo nhìn thấy nhưng không nói gì. Lúc sau, người chủ mới biết mất chiếc nhẫn bèn lên tiếng tìm hỏi. Vị Tỳ kheo im lặng không đáp. Người chủ sinh nghi hỏi dồn nhưng vị Tỳ kheo vẫn im lặng. Không thể nén lòng tức giận, người chủ mắng chửi và đánh đập nhưng vị Tỳ kheo vẫn cam chịu không nói một lời gì. Lúc ấy, có người nhà chạy lên thưa với người chủ rằng: “Không biết vì sao con ngỗng của nhà tự nhiên ngã chết ngoài sân kia”. Nghe lời nói xong vị Tỳ kheo mới thong thả trả lời: “Khi nãy tôi thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn”. Người chủ liền bảo người nhà đem mổ bụng con ngỗng thì tìm được chiếc nhẫn.
Người chủ hối hận liền thưa với vị Tỳ kheo: “Sao hồi nãy khi con hỏi, thầy lại không nói ngay cho con biết để đến nỗi con sinh nghi, xúc phạm đến danh thể của thầy?”.
Vị Tỳ kheo đáp: “Tín chủ nghi cũng phải, nhưng nếu ta nói ngay thì con ngỗng sẽ bị tín chủ giết vì lời nói ấy. Việc đó ta không bao giờ dám làm, dẫu có hại đến tánh mạng cũng vậy” .
Lời bàn:
Qua câu chuyện trên, chúng ta có suy nghĩ gì về lòng từ bi của đạo Phật? Phật dạy chúng ta hãy phát tâm Bồ tát lợi mình, lợi người. Trước hết, phải có tâm từ bi không chỉ đối với con người mà còn với tất cả mọi loài. Tâm từ bi có thể đem đến cho tất cả chúng sinh mọi sự yên ổn, cả tinh thần lẫn vật chất. Nếu có tâm từ bi thì đối với mọi chúng sinh, ta không nỡ hại và chính do tâm từ này, ta sẽ không bao giờ nóng giận. Hơn thế nữa, do từ bi mà ta chỉ thấy đức tính trong sạch của người chứ không bao giờ moi móc lỗi lầm của họ. Tâm từ bi cũng là một phương tiện quý báu nhất giúp chúng ta diệt đi cái nhìn thiên lệch theo thói thường của phàm phu. Nó có tác dụng chuyển hóa rất nhiều quan điểm sống, giúp chúng ta nhận thức toàn diện về cuộc sống, hạnh phúc và khổ đau. Tâm từ bi như là một phương thức nhắc nhở chúng ta hãy thường xuyên chống lại thói ích kỷ và phân biệt dấy khởi trong tâm mình.
Lại nữa, tình cảm của chúng ta đối với nhiều người khác thường tùy thuộc nhiều vào hoàn cảnh của họ. Đa số người ta khi nhìn thấy kẻ tàn tật đều cảm thông nhưng khi thấy người giàu, học thức hoặc có địa vị cao hơn mình, ta sẽ cảm thấy ganh tỵ và cạnh tranh cùng họ. Lúc ấy, lòng từ bi sẽ ngăn không cho ta nhìn thấy sự giống nhau, khác nhau giữa mình và người khác. Tâm từ bi sẽ giúp chúng ta khởi lên ý niệm rằng ai cũng như ta. Dù may, dù rủi, dù xa, dù gần họ cũng đều mong hạnh phúc và tránh khổ đau. Cũng chính do tâm từ bi mà khiến cho chúng ta có thể thương yêu tất cả mọi chúng sinh, không thể nhẫn tâm làm hại bất cứ một sinh vật nào. Lúc nào, chúng ta cũng muốn san sớt những khổ đau cho người khác và nguyện hành trì không nhàm chán, không bao giờ từ bỏ một việc thiện nào dù là việc nhỏ. Nếu ai thực hiện tâm từ bi được như vậy thì mới là người Phật tử chơn chánh theo như lời Phật dạy.
Người mù rờ voi
Có một ông vua bảo vị đại thần rằng: “Khanh đem một con voi rồi cho mấy người mù tới rờ xem thử thế nào”. Vị đại thần vâng lời họp vài người mù lại, rồi đem voi ra bảo họ lấy tay rờ. Mỗi người rờ một bộ phận của con voi. Sau đó, vua bèn kêu mấy người mù lại và hỏi rằng: “Con voi thuộc về loại gì?”. Người mù rờ tai voi nói con voi như cái quạt. Người rờ đầu voi thì nói con voi như hòn đá. Còn người rờ vòi lại nói con voi như cái gậy. Người rờ chân nói con voi như cổ chày. Người rờ lưng thì cho là con voi như cái gường. Người rờ bụng thì nói con voi như cái ghè. Người rờ đuôi nói con voi như cái chổi.
– Này thiện nam tử! Như mấy người mù kia không nói trúng toàn thể con voi nhưng cũng không nói ngoài toàn thể con voi. Nhưng ngoài tướng trạng ấy thời không riêng có con voi. Này thiện nam tử! Vua ví dụ cho đức Như lai Chánh biến tri. Vị đại thần ví dụ cho kinh Đại Phương Đẳng, Đại Niết Bàn, con voi ví dụ cho Phật tánh. Các người mù sờ voi thí dụ cho hết thảy chúng sinh vô minh .
Lời bàn:
Khả năng giác ngộ thì ai cũng có nhưng nó lại tiềm ẩn sâu kín trong tâm. Vì không chịu tu tập nên chúng ta không có tuệ giác để nhận biết một cách sâu sắc về bản thể của nó. Khi sống kém hiểu biết tức là thiếu mất sự giác ngộ, nên ta nhìn cuộc đời một cách không toàn diện. Nhiều lúc ta nhận thức rằng, cuộc đời này là vô thường, biến ảo nên phát tâm tu hành. Nhưng khi chưa kịp thực hành thì đã bị tham đắm vào các dục lạc của trần thế như danh, lợi, thực, thùy… rồi bị nó sai khiến nhấn chìm, thế nên ta mãi chịu đau khổ. Giống như người mù sờ voi, tuy nói trúng một phần thân thể của con voi nhưng chỉ riêng một bộ phận đó thì không thể là con voi.
Nhiều lúc, chúng ta chỉ giúp người khác một việc thiện nhỏ và đã vội cho rằng mình đã tu, phô trương lên với mọi người rằng mình tu tâm chứ không tu tướng. Thực ra, đó là một trong những cái để tu nhưng nó không phải là tất cả và cũng vì chấp vào nó nên chẳng khác nào người mù cho rằng con voi chẳng khác nào cái chổi, tuy cái giống ấy cũng là một phần của con voi. Sự tu tập mỗi người hành trì theo một pháp môn nhưng không thể nào cho rằng pháp môn của mình là cao siêu nhất của đạo Phật được. Vì sao? Vì tập hợp tất cả những yếu tố những pháp môn mới được gọi chung là Phật giáo.
Điểm đặc biệt của đệ tử Phật
Có một người Sinh Văn Phạm Chí đến thưa với Phật rằng: “Đệ tử của Ngài với đệ tử của kẻ khác có điểm nào đặc biệt không? Và có công đức chi hơn?”.
Phật đáp: “Có hai hạng đệ tử xuất gia và tại gia của Ta có những điểm đặc biệt: kinh doanh việc gì, nếu thất bại, họ vẫn không buồn rầu khóc lóc, cũng chẳng phát điên cuồng. Hay họ bị những điều đói khát, lạnh nóng, mưa gió, ép bức, hoặc bị roi gậy đánh đập, hay bị mắng nhiếc độc ác, họ cũng có thể nhẫn nại được cả. Ấy là những điều mà kẻ khác không thể chịu được vậy. Đệ tử của Ta có những công đức như vậy đó”.
Ông Phạm Chí nghe rồi thọ giáo và xin quy y Tam bảo, thành kẻ Ưu bà tắc .
Lời bàn:
Là người tu học Phật pháp, điều quan trọng nhất của chúng ta là phải bình tâm trước tất cả mọi việc, mọi hoàn cảnh. Cho dù ta đang đối diện với bất kỳ hoàn cảnh đau khổ nào, phải bình tĩnh để quán sát, nhận xét. Có như vậy, chúng ta mới có được sự nhận định, giải quyết vấn đề một cách đúng đắn. Cho nên, dù gặp hoàn cảnh nào chúng ta cũng có được sự an lạc và vững chãi.
Thế mới có câu: “Cảnh vốn không tốt xấu, chỉ do tâm tạo nên”. Chúng ta hãy vững vàng chấp nhận mọi sự việc xảy đến với mình và tìm cách giải quyết một cách tốt nhất. Điều cần yếu là mỗi người phải có lòng tin vào chính bản thân mình, tận tâm, tận lực giải quyết sự việc và khắc chế hoàn cảnh. Cho dù người khác có phê bình hay công kích ta bao nhiêu đi nữa cũng không quan trọng. Vì như vậy tức là ta sống có chánh niệm theo lời Phật dạy. Chúng ta áp dụng chánh niệm vào thực tế và chuyển hóa vọng niệm để tạo niềm vui từ nội tâm. Khi đó, chúng ta sẽ không còn bị chi phối và đau khổ bởi các phiền não tham lam, sân hận, tật đố để tâm hồn được thanh thản, hưởng được những hạnh phúc riêng trong cuộc sống. Đấy chính là điểm đặc biệt và công đức của riêng người đệ tử Phật.
Pháp đối trị tam
Một thời, Thế Tôn trú tại nước Xá Vệ, rừng cây Kỳ Đà, trong vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các thầy Tỳ kheo: “Sát sinh có ba thứ: đó là từ tham sinh khởi, từ sân sinh khởi, từ si sinh khởi. Cho đến tà kiến cũng có ba thứ: từ tham sinh khởi, từ sân sinh khởi và từ si sinh khởi. Lìa sát sinh cũng có ba thứ: từ không tham sinh khởi, từ không sân sinh khởi, từ không si sinh khởi. Cho đến tà kiến cũng có ba thứ: từ không tham sinh khởi, từ không sân sinh khởi và từ không si sinh khởi” …
Lời bàn:
Trong cuộc sống, con người có ba thứ độc hại phát xuất từ tâm và cũng vì ba thứ độc này, con người gây ra không biết bao nhiêu tội ác, làm khổ đau cho đồng loại và muôn loài. Ba thứ độc đó chính là tham, sân và si. Nguồn gốc của các tội lỗi và nguyên nhân dẫn đến sinh tử, trầm luân cũng đều do ba thứ độc này tạo tác. Chúng ta tạo ác nghiệp như sát sinh, hại vật phát xuất từ lòng tham muốn hưởng thụ, ăn cho ngon miệng.
Cũng từ sự sân nhuế chúng ta không phát khởi sự cảm thương khi chúng kêu gào, đau đớn vì bị giết. Vì si mê, không hiểu rõ luật nhân quả nghiệp báo nên chúng ta mới sát sinh. Tham, sân, si đã dẫn dắt chúng ta lạc vào con đường tà kiến, không có sự nhận thức đúng đắn về sự chánh kiến đúng hay sai. Nếu đoạn trừ được ba thứ độc này thì phải dùng phương pháp đối trị. Muốn tránh sự tham lam khởi thì chúng ta tu hạnh bố thí. Để tránh được tâm sân thì chúng ta tu hạnh nhẫn nhục. Tránh si mê thì chúng ta tu trí huệ.
Nếu ba độc này diệt cũng có nghĩa là sự đau khổ của con người cũng sẽ vơi diệt. Hạnh phúc và an lạc sẽ đến với tất cả mọi người khi ba thứ độc tham, sân, si đã được giảm thiểu.
Tại sao phải niệm Phật
Thành Thất La Phiệt có một ông Hoàng tánh rất hung bạo, thêm vào đó, quyền thế và địa vị có thể giúp ông thủ tiêu tội ác trước pháp luật mà chưa một lời phải, một đạo giáo nào cảm hóa được ông. Một hôm, ông gặp Phật khi đang du hóa xứ này. Mới nhìn, ông thấy lòng bỗng cảm phục như vua dữ trước quản tượng. Ngài có dạy ông vài lời sơ lược: “Hãy tưởng niệm Phật đà, hãy từ bi thương người, hùng lực cứu người”. Ông cung kính vâng lời. Nhưng khi về đến nhà, vừa thấy người hành khất, ông liền đùng đùng nổi giận. Lời vàng của Phật không còn trong lòng ông nữa.
Khi toan đánh đuổi người, bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật, ông liền dịu lại nhưng không bố thí chút gì. Tối hôm đó, vợ ông lấy làm lạ, gạn hỏi đầu đuôi. Ông bèn tuần tự thuật lại. Nhờ thuật lại mà ông nhớ rõ ràng hình dung đức Phật và lời Ngài dạy. Đêm ấy, ông suy nghĩ mông lung. Ông nghĩ: “Nhớ Phật, phải tưởng đến người nghèo khổ”. Rồi mới sáng ông liền đi tìm Phật. Giữa đường gặp một người hành khất ốm liệt bên vệ đường, ông suy nghĩ, liền đến ân cần hỏi han và dốc hết tiền trong túi ra cho. Người ấy e sợ cảm ơn rối rít. Nhưng ông chỉ bảo: “Vì tưởng nhớ đến Phật nên tôi giúp anh. Anh nhận tiền này khiến tôi được phước, thế là tôi ơn anh chớ nào anh ơn gì tôi!”. Người hành khất nghe, lấy làm lạ vì không lạ gì tính nết ông và uy danh đức Phật nữa. Bỗng nhiên, người ấy cất tiếng niệm: “Nam Mô Phật Đà” (kính lễ đấng Giác ngộ). Ông Hoàng cũng bất giác niệm theo và đi mau tìm Phật. Khi gặp được Ngài, ông thuật rõ đầu đuôi mọi việc. Nghe xong, đức Phật mỉm cười hiền từ bảo: “Khi niệm Phật, ông hãy tưởng niệm người nghèo khổ. Tưởng niệm người nghèo khổ là tưởng niệm Phật đó” .
Lời bàn:
Tại sao chúng ta phải niệm Phật? Đây là câu hỏi và cũng là câu trả lời riêng cho mỗi chúng ta. Có nhiều cách để niệm Phật nhưng không ngoài mục đích là để diệt trừ những vọng tưởng điên đảo dấy khởi lên trong tâm thức. Lúc niệm Phật thì ta phải tưởng nhớ đến Phật, nhớ nghĩ đến những đức tính tốt đẹp vô biên của Phật, như Phật A Di Đà có vô lượng vô biên tánh đức: vô lượng quang, vô lượng thọ, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả…
Ta niệm Phật là nhớ đến Phật và ghi nhớ những đức tính đó thật rõ để chúng nảy sinh trong tâm, giúp loại trừ các vọng niệm ở ta. Niệm Phật có thể niệm lớn hay mật niệm, điều cần yếu là đừng đọc suông nơi miệng mà phải chuyên nghĩ đến Phật và phải tin sâu, nguyện thiết tha và thực hành chuyên cần. Nên tin rằng: “Niệm một câu Phật hiệu tiêu được cả ngàn kiếp tội lỗi và làm sinh trưởng vô lượng phước đức”. Tâm ý luôn luôn hướng về đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc.
Nam mô A Di Đà Phật: quy mạng đức Phật vô lượng thọ, vô lượng quang và vô lượng công đức. Đó là câu niệm của hàng giờ, hàng phút của người tu theo pháp môn Tịnh độ để cầu được vãng sinh về thế giới tốt đẹp này. Ở cảnh giới Tịnh độ – theo như kinh mà đức Phật dạy – thì có những cảnh sống rất thuận lợi cho sự tu tập giải thoát. Những chúng sinh nào nhờ phước duyên tu tập được sinh trưởng ở đó thì nhất định không còn bị thối chuyển trên bước đường giải thoát nữa. Ở đây có bạn hiền, thầy tốt, đủ mọi điều kiện nội cũng như ngoại, thuận lợi cho việc tiến bộ tu tập để cầu làm Phật.
Kinh Di Đà có câu: “Xá Lợi Phất, không thể do nhân duyên phước đức của thiện căn nhỏ mọn mà được sinh về Cực lạc”. Chúng ta nên biết rằng, muốn được vãng sinh thì phải gây nghiệp nhân Tịnh độ, nghĩa là ta phải tiêu diệt ác nghiệp, nuôi dưỡng thiện căn và phước đức rồi nối liền thiện căn và phước đức ấy với cõi Cực lạc bằng phép niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Phải niệm đến chỗ nhất tâm bất loạn, đến lúc tâm trí mình không còn tạp niệm nữa mà chỉ còn Phật niệm. Thực hành như thế, phát nguyện như thế mới có thể vãng sinh.
Tham tài sản
Ngày xưa, tại một làng biên giới có xảy ra tai nạn binh đao, dân chúng phải bồng bế nhau chạy lánh nạn. Trong đoàn người di tản đó, có thanh niên con nhà giàu, của cải vô số. Anh mặc trong người đến ba bộ đồ, mang theo một túi da cùng bốn bao vải lớn chứa đầy ngọc ngà châu báu. Ai thấy anh cũng bật cười. Một vài người tốt bụng khuyên:
– Đường đi tỵ nạn rất hoang vắng, trộm cướp nhiều, anh mang hành lý cồng kềnh thế này, e rằng lành ít dữ nhiều đó!
Anh chàng biện hộ:
– Đây là tài sản của riêng tôi, chưa chắc ai có được. Người đâu của đó. Thà chết chứ tôi không bỏ lại được!
– Nào ai có bắt anh vứt bỏ đâu. Có điều mang theo ngờ ngờ như thế này e rằng rước họa vào thân!
Giặc tan, mọi người đều lục tục kéo về, tất cả đều đủ mặt, duy chỉ có anh chàng nhà giàu nọ thì không có ngày về. Anh ta đã bị cướp giết chết .
Lời bàn:
Cõi đời mà chúng ta sống đây thuộc về Dục giới, nghĩa là chúng ta xem ngũ dục là của báu. Đó là những món sắc, thinh, hương, vị, xúc làm đẹp lòng, vừa ý thiên hạ. Chúng sinh thường chém giết nhau để tranh danh, đoạt lợi. Bởi vậy, trong đời sống nếu có ai có được ít tiền của, tài năng, danh tiếng hoặc sắc đẹp mà lại cố tình diễn cho người khác thấy, thì tai họa sẽ khó mà lường được.
Bởi vậy, đức Phật đã không phải là không có thâm ý khi chế ra năm giới cấm cho người Phật tử, với mục đích để ngăn ngừa sự chi phối của ngũ dục này.
Nếu trong cuộc sống, chúng ta không có nhiều tiền của, danh lợi và sắc đẹp thì chúng ta đừng nên bi quan, mặc cảm, tủi phận. Vì những thứ ấy trông vào thì thật lôi cuốn nhưng nó là bản chất của dục lạc. Nếu chúng ta có nó càng nhiều thì nhu cầu hưởng thụ càng cao, dẫn đến sự đau khổ càng sâu. Nên có ít nó thì ta càng ít bị chi phối. Cứ an lòng, sống an phận trong mọi hoàn cảnh theo tinh thần “thiểu dục tri túc” thì hạnh phúc sẽ ở liền với ta trong từng phút, từng giây.
Tấm lòng hiếu thảo
Xưa trên núi Tuyết Sơn, có con chim Oanh Vũ cha mẹ đều mù, thường đi tìm trái cây thơm chín về dâng cha mẹ dùng. Bấy giờ, có vị điền chủ mới cấy lúa bèn phát nguyện rằng: “Lúa tôi đây nguyện cho chúng sinh dùng”. Chim Oanh Vũ thấy vị điền chủ phát tâm bố thí như vậy, bèn thường bay xuống lấy lúa về dâng cha mẹ. Người điền chủ đi xem lúa thấy loài chim, loài trùng phá hoại lúa quá sức, bèn nổi giận đặt lưới bắt được chim Oanh Vũ. Chim Oanh Vũ thưa điền chủ rằng: “Trước đây, ông có lòng tốt bố thí nên tôi mới dám lấy lúa, nay sao ông lại đặt lưới bắt tôi?”. Điền chủ hỏi: “Ngươi lấy lúa làm gì?”. Oanh Vũ đáp: “Tôi có cha mẹ mù, nên phải lấy lúa về dâng”. Vị điền chủ nói: “Từ nay về sau, ngươi cứ lấy lúa mà đừng e ngại chi cả”. Loài súc sinh còn biết hiếu thuận cha mẹ huống chi nữa là người .
Lời bàn:
Qua chuyện này, chúng ta hãy thử suy nghĩ về đạo hiếu, thể hiện sự tri ân và báo ân của con cái đối với cha mẹ. Với đạo Phật, vấn đề đạo hiếu được đặt ra một cách rất khác biệt so với đời sống thường tình. Con cái phải biết vâng lời, làm vui lòng cha mẹ, phải biết hầu hạ giúp đỡ cha mẹ một số công việc khi cha mẹ cần đến, phải biết giữ gìn gia phong, tiếng tăm, danh dự của gia đình, bảo vệ tài sản cho cha mẹ và còn phải biết phụng dưỡng, cúng dường cho cha mẹ. Đó là những điều mà một người con nên làm.
Nhưng vì muốn cha mẹ được sung sướng, người con phải làm việc bất nhân, thời đạo Phật không thể nào chấp nhận. Người Phật tử phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ nhưng không làm các điều ác, làm các thiện hạnh. Người đã làm ác để nuôi cha dưỡng mẹ cũng không thể nào tránh những quả báo của những hành vi bất thiện của mình. Nếu ta đem của cải, vật chất cúng dường cha mẹ thì chưa đủ để trả ơn. Vì của cải, tài sản, vật chất dù có dồi dào mấy đi nữa cũng phải bị vô thường biến hoại…
Trả hiếu một cách đầy đủ nhất là chúng ta phải gây dựng niềm tin Tam bảo nơi cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ từ bỏ các ác hạnh, làm các hạnh lành, từ bỏ xan tham, thực hành bố thí và nhất là từ bỏ vô minh, chứng đạt trí tuệ. Có như vậy mới là thiết thực báo đáp công ơn cha mẹ.
Bằng hữu thiện ác
Thế Tôn cùng Nan Đà cùng đi vào thành Ca Tỳ La Bà Tộ. Đến gần một nhà buôn cá, Phật bảo Nan Đà rằng:
– Ngươi vào trong nhà buôn cá kia xin lấy một nắm cỏ tranh mà họ thường tủ trên cá chết.
Nan Đà vâng lời làm theo. Phật bảo Nan Đà cầm theo một lát rồi sẽ vất nó đi. Nan Đà y lời cầm theo một đỗi rồi mới vất xuống đất.
Bấy giờ, Phật bảo Nan Đà:
– Ngươi ngửi tay có mùi chi không?
Nan Đà thưa:
– Dạ có mùi bất tịnh hôi tanh!
Phật liền dạy Nan Đà rằng:
– Thật đúng vậy đó. Nếu người nào gần gũi với bọn ác tri thức, giao kết làm bè bạn trong chừng giây lát, thời ác nghiệp nhiễm thành thói quen, tiếng xấu người ấy bị đồn khắp .
Lời bàn:
Dân gian có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, ngụ ý là muốn khuyên nhủ con người nên tránh xa đường tà, nên gần gũi chánh đạo. Còn Thế Tôn thì dạy chúng ta: “Nếu người nào gần gũi với bọn ác tri thức, giao kết làm bè bạn trong chừng giây lát, thời ác nghiệp nhiễm thành thói quen, tiếng xấu người ấy bị đồn khắp”. Thật vậy, sống ở cuộc đời này, đen – trắng khó phân minh, con người thì ít khi làm chủ được tâm ý của mình. Bản chất phàm phu của chúng ta là thích nghe lời nói ngọt và thích hưởng thụ. Nên nếu ta gặp được thiện tri thức thì vị thiện tri thức này sẽ hướng dẫn chúng ta sống theo con đường chánh đạo, tin nhân quả, kính tin Tam bảo, chừa bỏ việc ác, siêng làm các điều thiện. Còn nếu gặp bạn tà ác thì sẽ lôi kéo chúng ta lao vào con đường bất chính, sống hưởng thụ, phải trái bất phân, để rồi phải nhà tan cửa nát, vợ con chia lìa, bạn bè ly tán. Vì vậy, sống ở đời, ta nên chọn bạn mà chơi. Nếu là bạn của mình chưa có thiện tâm thì mình nên hướng dẫn và khuyên giải cho những người ấy biết thế nào là thiện có thiện báo, ác có ác báo. Bạn bè cũng là một nhu cầu sống của con người, hẳn sống ai cũng cần có bạn. Nhưng phải là bạn tốt để đem lại an vui cho nhau. Tình bạn được xây dựng tốt cũng là một thứ hạnh phúc của tương giao. Có như vậy, chúng ta sống mới có lợi lạc cho bản thân mình và mọi người.
Lợi ích của hạnh thiền
Trong Kinh “Thân Hành Niệm Xứ” có dạy phép tu thiền niệm thân, Phật nói tới mười công đức thiền niệm thân như sau:
01. Đối trị tham và sân.
02. Loại bỏ sợ hãi.
03. Có thể chịu đựng nóng lạnh, đói khát, côn trùng cắn nhiễu, lời nói nặng của người khác, đau đớn nơi thân.
04. Dễ dàng chứng bốn cấp thiền.
05. Có thể biến thần thông theo ý muốn.
06. Có thiên nhĩ thông, tức là có khả năng nghe những âm thanh mà tai người thường không nghe được.
07. Biết được ý nghĩ của người khác.
08. Biết được các kiếp sống của người khác.
09. Có thiên nhãn thông, tức là con mắt có thể nhìn thấy các chúng sinh trôi nổi theo nghiệp lực từ đời này qua đời khác.
10. Ngay trong đời hiện tại, đạt được tâm giải thoát và tuệ giải thoát.
Lời bàn:
Thiền là một pháp môn tu tập rất phổ biến, không những trong đạo Phật mà còn hiện hữu trong các tôn giáo khác. Nhưng nói tới cách tu thiền niệm thân, là nói tới thiền của đạo Phật. Trong Phật giáo, thiền không chỉ dành riêng cho giới nào, mà dành cho bất cứ ai, dù là người xuất gia hay tại gia đều có thể tu tập thiền định. Thiền có nhiều loại. Kinh A–Hàm chia ra: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.
Thiền được được gọi đầy đủ là thiền–na, dịch âm tiếng phạn Dhỳna, dịch ý tiếng Phạn Samadhi. Phạn Hán gọi chung là “thiền định”, Trung Hoa dịch là “tĩnh lự” hay “tư duy tu”, nghĩa là đình chỉ các vọng niệm để tâm chuyên chú vào một đối tượng quán sát. Trong khi quán sát sự vật, suy nghiệm chân lý, do sự chuyên nhất mà tâm thể vắng lặng và tâm dụng mạnh mẽ. Khi tâm định tĩnh thì chứng được các trạng thái thiền định từ thấp đến cao.
Trong cuộc sống, nhiều người hay lầm tưởng, cho rằng những người hành thiền là những người rất nghiêm khắc, khó tính, thoát ly những cái gì thuộc về thế giới tục này nhưng trong thực tế thì điều này không đúng.
Thật ra, thiền không phải là một sự cố ý thoát ly ra khỏi bể khổ của cuộc đời mà là một sự rèn luyện, một nghệ thuật sống giúp chúng ta phóng thích, chuyển hóa những đau khổ và niềm đau trong cuộc sống để được đạt đến sự an lạc, hạnh phúc ngay chính trong những điều kiện rất bình thường của cuộc đời.
Người Phật tử tại gia trong đời thường bộn rộn rất nhiều, không có thời gian để ngồi tĩnh tọa. Nhưng trong mỗi công việc hằng ngày, chúng ta hãy ý thức sự có mặt của mình trong mỗi sự việc và hành động đó với sự tỉnh thức và chánh niệm, tức là chúng ta đã thực hành thiền quán.
Khi thực tập thiền quán, chúng ta sẽ đạt được niềm vui chân thật trong đời sống, hay nói khác hơn là nó mang lại cho chúng ta cuộc sống mà từ lâu ta đã lãng quên, đánh mất. Vì vậy, thiền chính là cuộc sống của chúng ta.
Lòng ngưỡng mộ Phật của vua A Dục
Vua A Dục trước là người độc ác nhưng từ khi theo Phật, vua đã thay đổi thành người rất nhân từ. Hồi mới theo Phật, vì lòng cảm mộ quá dồi dào nên mỗi khi ngự ngoài đường, hễ gặp các vị Tỳ kheo nào đi ngang qua, liền xuống kiệu khấu đầu lạy.
Có vị đại thần tên Da–Tát, thấy thế là quá đáng bèn cản ngăn vua rằng: “Các thầy Tỳ kheo kia chẳng qua là những người đi hành khất ngoài đường, không đáng tôn trọng”. Vua im lặng không trả lời. Cách vài ngày, vua truyền cho các quan văn võ, mỗi ông phải đem bán một đầu súc vật và cho biết giá bán là bao nhiêu. Ông Da–Tát thì phải bán một đầu người. Các đầu súc vật thì các vị quan bán được với một giá tiền sai khác hơn kém nhau chút ít, duy có đầu người của ông Da–Tát bán thì không ai mua.
Vua hỏi cớ sao, ông Da–Tát trả lời: “Vì đầu người là một vật hèn hạ, không có giá trị gì”. Vua lại hỏi: “Chỉ có một cái đầu này là hèn hạ hay tất cả đầu người đều hèn hạ?” Ông đáp: “Tất cả đầu người đều hèn hạ”. Vua bèn hỏi: “Vậy đầu trẫm đây cũng là hèn hạ sao?”. Ông Da–Tát sợ hãi không dám nói. Sau vua bắt ép ông phải thú thật rằng đầu vua cũng hèn hạ. Vua bèn giảng cho ông Da–Tát nghe: “Ngươi muốn cản ta đừng lạy các vị Sa môn là ngươi có ý kiêu căng, tự đắc. Nhưng cái đầu của Trẫm đây là một vật hèn hạ không ai thèm mua vì cúi đầu xuống mà được thêm công đức, thêm giá trị thì phỏng có hại gì? Nhà ngươi muốn chỉ trích các thầy Sa môn không sang trọng nhưng nhà ngươi không rõ ân đức của các thầy. Khi nào có đi ăn tiệc, ăn đám cưới thời mới nên hỏi đến giai cấp, chớ đã đi tu học mà phân biệt giai cấp làm gì? Người sang trọng, danh giá bị tội nặng thì ai cũng nói người này là kẻ có tội và ai cũng đem lòng khinh bỉ. Nếu con người hèn hạ mà tu nhân tích đức thì ai cũng kính trọng, ai cũng cúi đầu”. Vua nói đến đây, bèn chỉ hẳn vào ông Da–Tát nói lớn rằng: “Ngươi há không nhớ câu này của Phật Thích Ca sao? Ngài dạy: người có trí thời dầu vật không có giá trị cũng làm nên có giá trị. Ta muốn theo Phật, ngươi lại can gián ta, ấy là bất trung. Đến khi ta nằm xuống đất như cây mía kia, thì dẫu muốn lạy, muốn cung kính cũng không được nữa, thời làm thế nào có công đức? Vậy ngươi nên để yên ta lạy các vị Sa môn kiếm chút phúc đức. Nếu người nào dám tự nói: ta là người đáng tôn trọng hơn tất cả, thời ấy là người u mê nhất đời. Nếu lấy huệ nhãn của Phật mà xem xét thân thể, thời biết thân ông vua và thân mọi người cũng giống nhau, cũng da thịt xương, khác nhau chỉ cái phù hoa bề ngoài. Nhưng cốt yếu ở đời là lòng đạo đức thì trong thân thể người hèn hạ nhất đời cũng có thể được. Chính cái ấy làm bậc trí giả gặp đâu cũng phải cung kính, phải vái lạy vậy”.
Lời bàn:
Giáo pháp của Thế Tôn là vị lương dược cam lồ có thể chữa trị tất cả mọi tâm bệnh chúng sinh. Dù là người đó có tàn bạo và độc ác đến đâu nhưng một khi đã thấm nhuần diệu pháp cam lồ của đức Phật cũng có thể trở thành một con người thuần thiện đạo đức. Điển hình như vua A Dục. Sau Phật nhập diệt 200 năm, ban đầu là một vị vua khét tiếng tàn bạo. Sau, nhờ Phật pháp cảm hóa, trở thành vị minh quân sáng suốt, hết lòng yêu dân và một mực chí thành hộ pháp kính tín Tam bảo.
Giáo pháp của Thế Tôn còn như cơn mưa pháp thấm nhuần cho tất cả giống cây lớn nhỏ. Tất cả ai muốn tu cũng đều được cả, không phân biệt giai cấp, trình độ, tuổi tác, không có một sự kỳ thị nào xảy ra trong trong tăng đoàn. Bởi đạo Phật quan niệm rằng: “Tất cả mọi người đều có Phật tánh, đều có khả năng giác ngộ tu hành và thành Phật”. Điển hình như vào thời đức Phật, có rất nhiều người xuất thân từ giai cấp thấp nhất trong xã hội cũng được chấp nhận cho xuất gia, như Tôn giả Ưu ba ly, vốn là thợ hớt tóc của các hoàng thân đã đắc quả A La Hán và đã chủ trì Luật tạng của giáo hội. Nên tập thể tăng già là một tập thể mở rộng, được đối xử bình đẳng về mọi mặt, không phân biệt màu da, giai cấp. Như chính Thế Tôn là bậc Thiên Nhân Sư, vô thượng ở đời, Ngài vẫn dung dị trong tấm y vàng, có những lúc mặc y phấn tảo, đi chân không, dùng tấm lót ngồi (tọa cụ) đan bằng cỏ khô. Có những lúc Ngài trú mưa qua đêm trong một chái nhà lá của thợ làm đồ gốm một mình. Ngài sinh ra dưới cội cây, xuất gia tu tập dưới cội cây, thành đạo dưới cội cây và nhập Niết bàn dưới cội cây. Chỉ đơn giản là nằm nghiêng trên chiếc võng dây treo giữa hai cây Sa la. Cuộc sống dung dị ấy thơ mộng biết bao, đẹp đẽ biết bao, cảm xúc biết bao! Chính những hình ảnh, những nét dung dị đó là những hào quang tối thượng và kỳ diệu nhất để cho đời chiêm ngưỡng. Cũng từ những hình ảnh và đức tính cao đẹp đó mà giáo pháp của Ngài nói ra như một vị cam lồ có thể tưới mát tất cả mọi chúng sinh, khiến cho kẻ ác quay về đường thiện, kẻ lạc đường tìm lại được nẻo chính. Dù đến muôn đời sau, Ngài vẫn là một bậc đạo sư vĩ đại được tôn kính, mến yêu nhất của nhân loại.
Thân giáo
Thuở xưa, có nhà sư sống ẩn dật tại một triền núi và được mọi người xem là đạo cao đức trọng. Một hôm, nhà sư tiếp một bà lão cùng với cậu con trai.
Bà lão thưa:
– Bạch sư phụ! Thằng bé này mắc phải cái tật là ưa sưu tầm hoa kiểng. Nó đã làm cho tôi tốn không biết bao nhiêu là tiền của trong cái thời củi quế gạo châu này. Xin sư phụ làm ơn chữa trị hoặc răn dạy giùm, kẻo tội nghiệp cho tôi cùng vợ con nó!
Nhà sư ngẫm nghĩ giây lâu, nói:
– Bà hãy dắt nó về, khoảng nửa tháng sau trở lại tôi sẽ giúp cho!
Bà lão y lời. Đến ngày hẹn, sư chỉ thốt một câu đơn giản:
– Đó là một thú vui hao tiền tốn của. Con hãy bỏ nó đi, để tiền mà thờ mẹ, nuôi con!
Bà lão bất bình:
– Tưởng thầy có phương cách gì, té ra cũng bấy nhiêu lời đó. Thế sao thầy không làm ơn nói giùm ngay bữa trước mà còn hẹn đến hôm nay? Đường xá xa xôi biết là bao?
Nhà sư mỉm cười:
– Chẳng giấu gì bà, tôi cũng mắc cái tật như cậu nhà đây. Nửa tháng qua là thời gian để tôi bỏ cái tật đó. Nay mọi việc đã xong tôi mới dám mở miệng khuyên can cậu em này.
Chàng trai từ đó ăn ở rất vừa lòng mẹ.
Lời bàn:
Trong kinh A Hàm, đức Phật cũng đã giải thích vì sao Ngài được mọi người gọi là Như lai? Như lai có nghĩa là nói sao làm vậy, lời nói và việc làm đi đôi với nhau nên gọi là Như lai. Chúng ta có thể gọi vị sư này là Như lai theo cái nghĩa ấy.
Ngày xưa, người ta giáo dục con người chỉ bằng một lời nói giản đơn mà cảm hóa được, là nhờ vào đức độ và do thân giáo. Còn chúng ta, khi khuyên dạy người khác, tốn công, tốn sức, nói nhiều nhưng lợi ích chẳng được là bao. Tại sao? Vì ta nói một đàng mà hành động và việc làm đi một nẻo. Lời nói và việc làm chẳng song hành. Từ đó, niềm tin của họ bị mất đi, dẫn đến lời khuyên chúng ta không có giá trị chứ không phải là những người được khuyên thiếu hiểu biết hoặc là không ham tu. Cho nên, người Phật tử phải tu và học song hành, chứ không nên chỉ học giáo lý cho giỏi rồi đem giảng giải cho người này hay người khác nghe, khuyên người ta tu nhưng bản thân không có tu. Coi chừng lời khuyên của chúng ta đối với người khác lại có tác dụng ngược và chẳng có lợi lạc là bao. Muốn khuyên dạy người khác tu tập thì trước tiên, ta phải dạy bằng thân giáo.
Phật khuyến dạy La Hầu
Khi La Hầu La chưa thành đạo, tâm tánh thô tháo, lời nói ít thành tín. Phật bảo La Hầu La rằng: “Ngươi hãy về ở tịnh xá Hiền Độ, giữ miệng nhiếp ý, siêng tu kinh giới”. La Hầu La vâng theo lời Phật về ở tịnh xá Hiền Độ 90 ngày, tàm quý tự hối, ngày đêm không dừng nghỉ. Đức Phật an tọa, La Hầu La nhiếp tâm đứng hầu một bên, Phật bảo La Hầu La rằng: “Ngươi hãy bưng chậu nước đến đây, rửa chân cho ta”. La Hầu La vâng lời rửa chân cho Phật. Khi rửa xong, Phật bảo La Hầu La rằng:
– Ngươi có thấy nước rửa chân trong chậu kia không?
– Bạch thế tôn, con thấy!
– Nước ấy có thể dùng để ăn uống, súc miệng được không?
– Bạch Thế Tôn, không thể dùng được. Nước ấy trước kia trong sạch nhưng nay vì rửa chân thành nhớp đục nên không thể dùng.
Phật dạy rằng:
– Ngươi cũng vậy, là con ta, cháu vua Tịnh Phạn, bỏ sự vui sướng ở đời, làm Sa môn nhưng nếu ngươi không tinh tấn, nhiếp thân giữ miệng thì phải bị ba món là tham, sân, si làm nhơ nhớp tâm ý, cũng như nước đục kia không thể dùng được!
Phật lại bảo:
– Hãy đổ chậu nước kia đi!
La Hầu La liền đổ nước trong chậu ra.
Phật nói:
– Chậu kia nay không còn nước nhớp nữa, vậy có thể dùng để đựng đồ ăn uống được không?
– Bạch Thế Tôn, không thể dùng được vì đã mang cái tên chậu nước rửa và đã từng chứa nước bất tịnh.
Phật dạy La Hầu La:
– Ngươi cũng như vậy, tuy làm Sa môn, miệng không nói lời thành tín, tâm tánh lại cương cường, chẳng niệm tinh tấn, thường bị tiếng đồn không tốt. Thật cũng như cái chậu rửa kia, không thể đựng đồ ăn được.
Phật lấy chân hất cái chậu rửa, khiến chạy lăn tròn, nghiêng qua nghiêng lại vài lần mới dừng lại. Phật bảo La Hầu La:
– Ngươi có tiếc cái chậu này không?
– Bạch Thế Tôn, cái chậu rửa chân là vật không quý gì. Trong ý tuy cũng có tiếc đôi chút nhưng không đến nổi thiết tha lắm.
Phật bảo La Hầu La:
– Ngươi cũng như vậy, tuy làm Sa môn nhưng không nhiếp thân và miệng, nói lời thô ác làm hại nhiều người, thời trong chúng không ai thương, người trí thức không ai tiếc, thần hồn chết luân chuyển trong ba đường dữ, sống chết vô lượng, các vị Hiền Thánh không ai thương tiếc – cũng như ngươi nói không tiếc cái chậu nữa.
La Hầu La vâng nghe lời Phật dạy, lấy làm hổ thẹn và sám hối tất cả lỗi lầm đã phạm” .
Lời bàn:
Trong cuộc sống, người ta thường cho rằng nhà giáo giỏi là nhà giáo khéo giảng, khéo làm cho học trò chóng hiểu những gì mình dạy. Một nội dung giảng dạy tốt nếu không truyền đạt bằng một kỹ thuật truyền đạt tốt thì chưa thật tốt. Lối truyền đạt tư tưởng tốt là lối truyền đạt sáng sủa, rõ ràng và cụ thể cho dù nội dung truyền đạt trừu tượng. Thế Tôn, trong phương pháp giáo dục của Ngài qua câu chuyện trên thật tuyệt vời. Phương pháp giáo dục của Ngài đối với các đệ tử theo nguyên tắc “khế cơ”, “khế lý”, “khế thời”, vừa “khích lệ”… lại vừa vận dụng các thí dụ với các hình ảnh cụ thể, quen thuộc trong công việc thường ngày để soi sáng cho người nghe. Phương tiện hình ảnh nước dơ trong thau không thể xài được và giá trị của chiếc chậu đựng nước rửa chân mà Thế Tôn răn dạy La Hầu La, giúp ta quán xét lại tâm tánh và hành động của chính mình.
Thật vậy, Thế Tôn đã sử dụng phương pháp giáo dục rất sống động, cụ thể, dễ hiểu, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của người khác và có tác dụng đánh mạnh vào tâm thức người nghe. Khi các đệ tử của Ngài bị ràng buộc bởi cái “có” của mình vào cuộc đời thì lời dạy của Thế Tôn xuất hiện như một tiếng sấm khiến tâm thức mọi người bừng tỉnh trong cơn bàng hoàng của chấp thủ. Qua câu chuyện nêu trên, khi đọc chúng ta cũng đã nhận thấy rõ ràng đường hướng giáo dục bằng phương tiện thí dụ của Thế Tôn là một phương pháp rất khoa học và rất tâm lý, khiến cho việc giáo dục nhân tính của con người mang lại nhiều kết quả tốt, có thể là phương pháp mẫu mực, chỉ đạo cho học đường mới.
Thế Tôn đã xuất hiện như một nhà giáo dục rất nhân bản và lý tưởng qua các tinh thần và phương thức giáo dục được thể hiện qua câu chuyện nêu trên.
Nối dây thân ái
Visakha là một nữ đệ tử tại gia của Phật. Một hôm, bà đến thăm Phật tại tịnh xá Kỳ Viên với nước mắt ràn rụa. Phật hỏi:
– Này Visakha, sao hôm nay con có vẻ buồn thế?
– Bạch Thế Tôn, con mới vừa mất một cháu trai dễ thương, không ai trông thấy cháu mà không mến yêu cho được !
– Này Visakha! Nếu như toàn thể cư dân thành Xá Vệ này là thân quyến của con… thì con cảm thấy thế nào?
– Bạch Thế Tôn, ước mong sao được như thế. Con vẫn thầm mong rằng bất cứ người nào cũng đều là thân bằng quyến thuộc của mình.
– Nhưng này Visakha! Ở thành Xá Vệ này mỗi ngày có bao nhiêu người chết?
– Bạch Thế Tôn, có lẽ khoảng hàng chục người…
– Nếu vậy thì có ngày nào con ráo nước mắt đâu?
– Bạch Thế Tôn! Thật là vừa đủ cho con với ngần ấy cô cháu, con dì, chú bác nội ngoại… để mà ầu lo buồn khóc.
– Này Visakha! Những ai có 100 người thân, kẻ ấy có một trăm mối sầu, những ai có 50 người thân kẻ ấy có 50 nỗi buồn lo… Còn những ai không chấp thủ rằng đây là ta, đây là người thân của ta, kẻ ấy không có sự khổ. Ta xác nhận rằng đó là người không sầu, không tham đắm, không ưu não.
Và Thế Tôn đọc kệ:
“Sầu than với khổ đau
Sai biết có ở đời
Do thân ái chúng có
Không thân ái chúng không
Do vậy người an lạc
Được không sầu không tham
Chớ làm thân làm ái
Với một ai ở đời” .
Lời bàn:
Bằng thân giáo và khẩu giáo, Thế Tôn đã xây dựng niềm tin đạo và niềm tin sống cho các Phật tử tại gia bằng phương pháp giảng dạy. Thế Tôn đã chỉ rõ cho hàng Cư sĩ tại gia biết thế nào là một người sống có niềm tin chánh tín. Trước khi đặt niềm tin vào giáo lý, người Phật tử cần tìm hiểu thắc mắc, nghi về giáo lý. Sau đó, đi đến chỗ thấy sáng tỏ lời dạy của Thế Tôn và tìm thấy thoải mái trong tâm hồn, an lạc và giải thoát khi thể hiện giáo lý vào đời sống. Thường thì lòng tin Phật pháp của người Phật tử phát khởi ngay sau niềm hân hoan hiểu pháp, hoặc niềm hân hoan phát khởi từ niềm tin ấy. Người Phật tử nên tin và phát khởi sự an lạc để đem lại hạnh phúc cho mình và người trong hiện tại và cả tương lai. Niềm tin của người Phật tử thường đem lại niềm hân hoan và phấn khởi. Trên lộ trình giải thoát, một lần Thế Tôn đã dạy: sau khi thể nghiệm đau khổ, tín phát khởi; tín phát khởi đưa đến hân hoan, hỷ, khinh an, lạc định, ly tham và giải thoát. Bấy giờ thì tín xuất hiện như lẽ sống.
Cũng như câu chuyện trên, khi thuyết giảng cho Visakha, Thế Tôn đã khẳng định: “Những ai không chấp thủ rằng đây là ta, đây là người thân của ta, kẻ ấy không có sự khổ. Ta xác nhận rằng đó là người không sầu, không tham đắm, không ưu não”…
Mấy lời tâm huyết
Thuyết pháp giảng kinh, viết sách giáo lý nhà Phật hoặc in kinh sách đem phát cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ, được như thế hạnh phúc không gì bằng, đó gọi là pháp thí.
Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, chúng ta thỉnh một số kinh sách chịu khó đem đến từng nhà cho mượn đọc, sau đó lần lượt cho nhà khác mượn, hoặc đọc cho kẻ khác nghe, nhất là cho người không biết chữ. Việc làm này quý giá vô biên, đây cũng gọi là pháp thí.
Chính đức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí, pháp thí có công đức lớn nhất, không công đức nào có thể sánh bằng”.
Tưởng về lợi cũng như về danh, chúng ta đừng nên lo nghĩ, mà điều tối cần là làm sao cho rạng rỡ chánh đạo. Đó là mục đích chính, thiêng liêng và cao cả nhất của chúng ta. Nền móng đạo pháp cần nhờ sự chung lưng góp sức của chúng ta. Vậy mỗi người nên xây đắp vào đó một ít vôi, một ít nước, một tảng đá hay một viên gạch v.v… ngõ hầu cái nền móng ấy được thêm bền vững và kiên cố đời đời.
Chúng ta không nên quan niệm về công đức, hãy nên nghĩ nhiều đến những người lầm đường lạc lối, sống trong vòng tội lỗi không lối thoát xung quanh chúng ta. Hãy mau cứu vớt họ, cảnh tỉnh họ để cùng quay về chân lý, giúp họ tìm ra nhiều lẽ sống, niềm vui. Được thế, chính ta đã làm lợi ích cho Phật pháp vậy.
Với hoài bão cuộc đời, chúng ta hãy “Tất Cả Vì Phật Pháp”. Hy vọng mấy lời tâm huyết này được nhiều vị hảo tâm in kinh sách cho mọi người xem!
Được vậy, niềm phúc lạc vô bờ chắc chắn sẽ đến với chúng ta! Tha thiết mong mỏi như thế!
Tặng cho thân nhân một số tiền nhỏ, lòng mình không vui, nhưng mình không đủ sức tặng nhiều hơn nữa. Chỉ có một cách là tặng các loại sách tu hành để xây dựng cho đời sống thanh cao, thì dù một quyển sách giá chỉ vài ngàn, nhưng vẫn quý hơn tiền trăm bạc triệu.