Sống Theo Lời Phật – Thích Nhuận Thạnh ( Phần II )

sống theo lời phật

Vắt sữa bò

Có người sắp mở hội, mời số khách đông để cúng dường sữa bò. Rồi tự nghĩ: “Nếu từ nay, cứ mỗi ngày nặn lấy sữa thì sữa sẽ nhiều không đồ chứa, mà chứa lâu ngày e sẽ hư. Chi bằng chứa luôn trong bụng bò, đến ngày khách đến sẽ nặn lấy một lần cho tiện”. Thế rồi, ông ta liền dắt bò con đem cột riêng xa bò mẹ. Qua thời gian một tháng, ông ta mở tiệc và mời khách đến, đem bò ra nặn sữa thì sữa đã khô hết, nặn không ra một giọt!

Người muốn đợi giàu to mới bố thí, chớ thường ngày chẳng chịu bố thí. Đến khi muốn bố thí, thời của cải đã bị nước, lửa, giặc cướp đoạt mất chẳng còn một đồng! Cũng như ông chủ kia chứa sữa trong bụng bò vậy .

Lời bàn:
Qua đoạn kinh trên, chúng ta thử đặt câu hỏi: “Thế nào là bố thí và phải bố thí như thế nào cho đúng pháp?”. Có người cho rằng bố thí là ban phát những gì mà ta nghĩ là có lợi cho người khác. Bố thí không nhất thiết là phải cho tiền tài, vật chất. Bố là rộng thí, là ban cho không hạn cuộc người hay vật, thân hay sơ, đồng chủng tộc hay khác chủng tộc, mà bố thí là hễ thấy một chúng sinh nào thiếu thốn những vật bổ ích cho thân tâm, nếu mình sẵn có đều bình đẳng giúp đỡ, không bao giờ luyến tiếc.

Trong đời sống, chúng ta hay thí mà không có bố. Có nghĩa là chúng ta cho mà cho không rộng, chúng ta cho mà vẫn giữ lại ở trong lòng nhiều thứ. Chính những thứ mà chúng ta cố giữ lại là những thứ làm chúng ta khốn khổ trong đời sống. Chúng ta thử đặt câu hỏi: tại sao chúng ta không dám cho hết? Tại sao cho mà vẫn còn ôm lại? Tại vì lòng tham trong ta nó còn mạnh quá.

Hãy tập sống theo hạnh buông xả “từ bi, hỷ xả”. Hãy xả bỏ, đừng ôm chặt lấy những gì mình có. Tất cả rồi sẽ thay đổi, tất cả rồi sẽ biến hoại. Nếu chúng ta ôm chặt, một khi chúng thay đổi hoặc biến mất thì chúng ta sẽ đau khổ. Ngoài ra, bố thí còn là một pháp tu thuộc hạnh Bồ tát trong lục độ. Bố thí là đem pháp lành hay đồ vật ban cho người khác để diệt trừ lòng tham. Một khi lòng tham đã dứt thì tánh tốt mới hiển hiện. Chúng ta hay cho những gì mà chúng ta thích, chứ ít khi nào chúng ta chịu tìm hiểu xem người khác thích cái gì. Cho như vậy chưa chắc là ta đã mang lại niềm vui cho người mà thậm chí còn làm cho người ta đau khổ nữa là khác. Cái quan trọng không phải là vật cho, mà điều quan trọng là tâm hồn của người cho lẫn người nhận. Tuy nhiên, trước khi mang niềm vui đến cho người, ta hãy nghĩ đến việc mang niềm vui đến cho mình cùng gia đình mình trước đã. Có như vậy thì khi mang đến niềm vui cho người mới thật là chân tình. Bố thí thật sự không mong người nhận đền ơn trả nghĩa mà mình phải tự nghĩ rằng đó là bổn phận phải làm. Bố thí cũng là một pháp tu, nhờ công năng ấy, ta có thể tẩy trừ được tham lam, ích kỷ ở tự tâm, thể nhập vào tánh đại bi bình đẳng.

Pháp thí có thể phá trừ được sự ngu mê của chính mình và người, phát triển chánh trí và thâm nhập vào kho tàng chánh lý cao diệu của đức Phật.

Sống chết vô thường

Tại thành Xá Vệ có một ông trưởng giả giàu có vô song nhưng nhà chưa có con trai. Ông lo lắng sau khi ông qua đời của cải sẽ bị quan tịch thu theo quốc pháp nên mới phát tâm quy y Tam bảo, thành tâm tinh tấn khẩn nguyện cầu tự và quả nhiên toại nguyện. Bà vợ mang thai, sinh ra một đứa con trai tướng mạo tuấn tú, tuổi vừa khôn lớn sớm lo cưới vợ.

Đôi bạn tân hôn yêu quý dắt nhau dạo rừng du ngoạn thưởng vui. Trong rừng có cây vô ưu, trên cành hoa nở từng đóa, phô bày cành nhụy màu sắc trắng hồng rất đẹp. Nàng thích quá tỏ ý với chồng muốn được thứ hoa quý ấy. Chàng liền trèo lên cây để hái hoa thì không may nhánh cây tức thì bị gãy vì dòn yếu, anh sa xuống chết ngay.

Cha mẹ hay tin tức tốc chạy đến ôm lấy xác con mà khóc ngất đi hồi lâu mới tỉnh lại, rồi than khóc liên miên tổn thương tinh thần. Tình cảm như thế, ai hay mà chẳng thương lòng!

Bấy giờ, vừa lúc đức Phật cùng ngài A Nan vào thành khuất thực, thấy việc người sa cây bị chết, Ngài bảo với trưởng giả rằng: “Người có sống chết, vật có thành bại, thời đến mạng tận không thể tránh được. Thế nên ngươi đừng buồn rầu than khóc chi nữa”. Và Ngài tiếp: “Đứa con này từ trên trời sinh xuống nhà ngươi, rồi mạng nó tận cũng từ nhà ngươi mà lên trời. Thế thì nó chẳng phải con trời mà cũng chẳng phải con ngươi. Nó cứ tùy theo nghiệp nhơn của nó mà sống chết, giống như kẻ lữ hành qua đường. Chết không thể tránh khỏi, đi không thể bắt lại được” .

Lời bàn:
Con người sống ở trong cuộc đời này, luôn luôn bị chi phối bởi định luật vô thường. Tất cả mọi vật từ tế bào trên cơ thể của con người đến sơn hà, đại địa đều biến đổi khôn lường trong từng sát na, từng giờ, từng phút, nên không có gì là thường trụ bất biến cả. Không phải sinh mạng của mình lúc tắt thở mới gọi là chết. Trong mỗi sát na, mỗi giây ta đã từng sống và cũng đã từng chết. Phải chăng ta đang sống và cũng là ta đang chết? Sự sống liên tục bất tận trong chu kỳ của một vòng tròn? Thật vậy. Đã có sinh phải có tử, có thành thì có hoại. Bất cứ một hiện tượng nào trên cõi đời này đều phải trải qua “sinh, trụ, dị, diệt” hay là “thành, trụ, hoại, không”. Lúc nào cũng phải nảy sinh ra, phát triển, rồi biến đổi và cuối cùng là tan biến. Đó chính là luật vô thường. Ở con người, vô thường sẽ chi phối theo nghiệp quả. Vậy nên, ta hãy chấp nhận và dùng các khái niệm vô thường ấy để quán chiếu và để tu tập, làm cho cuộc sống chúng ta vơi bớt đi những khổ đau và phiền lụy, tạo nhân lành cho những kiếp nối tiếp về sau.

Đời vui hay khổ? Muốn vui thì có vui, muốn khổ thì dẫy đầy khổ. Cái vui thoáng qua rồi hết, cái khổ rồi cũng qua đi. Tất cả những gì khởi niệm trong ta đều có đến và đi. Chúng ta sở dĩ bị khổ đau vì đã nhận thức sai lầm, rằng sự vật luôn tồn tại và bất biến. Cái sống của chúng ta sẽ không bao giờ hết, bởi vậy chúng ta mới bám víu vào những ảo giác, mong kéo dài những thỏa mãn của dục vọng. Hoặc thậm chí ta còn cho rằng chết là hết nên tìm mọi cách để tận hưởng mọi truy hoan sa đọa của cuộc đời, tạo bao nhiêu ác nghiệp để rồi mãi trầm luân trong bể khổ. Khi hiểu được luật vô thường thì những sự mong cầu của chúng ta cũng thay đổi và từ đó sự đau khổ cũng vơi đi. Hãy vui với những gì mà ta có, dù chúng chỉ là tương đối.

Lúc nào chúng ta cũng nên nghĩ rằng vô thường đang hiện diện mà dõng mãnh phát tâm tu. Nếu chúng ta làm được như thế mới là người học Phật một cách chân chánh vậy.

Cánh chế ngự tâm

Nước Ba Tư Nại có một Cư sĩ tên Cúc Đề, sinh hạ một con trai tên là Ưu Bà Cúc Đề. Khi trưởng thành, vì nhà nghèo nên làm nghề nấu nướng. Người cha cho của cải khiến mở tiệm buôn bán. Bấy giờ, có ngài A La Hán tên Đa Thế Bệ đến nhà thuyết pháp giáo hóa, dạy tu phép kể niệm: lấy một mớ đá đen làm cái bàn toán, hễ nghĩ một niệm lành thì hạ xuống một hòn đá trắng, một niệm ác thì hạ xuống một hòn đá đen.

Ưu Bà Cúc Đề vâng theo lời dạy. Tùy niệm thiện, ác chính lúc khởi lên, liền hạ xuống một hòn đá trắng hoặc hòn đá đen. Ban đầu đen nhiều hơn, trắng rất ít, dần dần tu tập đen trắng ngang nhau. Rồi chăm tu chẳng gián đoạn thì không còn hòn đen nào cả, mà chỉ toàn là hòn trắng, khi ấy niệm thiện đã thắng hẳn liền chứng được sơ quả .

Lời bàn:
Phật dạy: “Sự định tĩnh xuất phát từ nội tâm, không phải tìm cầu từ bên ngoài”.

Sự yên tĩnh của nội tâm mà chúng ta có được nhờ vào phương pháp hành trì đúng đắn cộng với sự buông xả của bản thân. Mỗi người muốn có một cuộc sống an nhiên tự tại, nhất định phải hạ thủ công phu tu tập để thanh lọc nội tâm. Sự định tĩnh trong tâm hồn bắt nguồn từ chánh kiến, nhờ có chánh kiến nên ta luôn có thiện niệm với mọi người. Tham lam, độc ác chất chứa trong tâm ta sẽ được chánh kiến loại trừ.

Học hạnh buông xả để dễ gần gũi với mọi người, để tiếp nhận những cái hay tốt khác. Nếu lòng ta chấp chặt một điều gì thì thật là khổ sở. Khi một người nói với ta điều gì không vừa ý thì ta cảm thấy buồn lo. Cứ như thế, chúng ta sẽ bị đau khổ vì những chuyện không đâu vào đâu. Điều đáng sợ nhất của con người chính là những tư tưởng bất chính, những thói hư tật xấu tiềm ẩn trong chính tâm hồn. Những thứ này thường làm cho người ta không làm chủ được chính mình.

Thế nên, là người học Phật, chúng ta cần phải dùng tuệ giác để nhận định mọi thứ, những việc gì xảy ra nghịch lý, không nên nhắm mắt thuận theo mà phải biết cách để chế ngự. Ta phải tích cực chủ động cải biến để những vọng khởi của ác nghiệp phải dừng lại hoặc tiêu mất. Ta phải nắm bắt và cải tạo những cơ hội, tạo ra những nhân duyên tốt giữa người với người, cùng nhau tu tập để thúc liễm thân tâm, tin tưởng và thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, không dối gạt chính mình và người khác, không ai có ý nghĩ xấu với ai. Điều đó còn có nghĩa là chính ta đã tích cực chế ngự cải tạo tâm mình từ chưa thiện trở thành thuần thiện. Có như vậy, chúng ta mới có cuộc sống chan hòa trong tình thương yêu, an lạc và hạnh phúc ngay hiện tại cõi Ta bà đau khổ này.

Mưu độc

Vua Kính có một người thiếp rất xinh đẹp mà vua đặc biệt sủng ái. Hoàng hậu thấy vậy cũng đem lòng yêu mến cưng chiều mỹ nhân này như con gái yêu của mình. Một hôm, Hoàng hậu bảo người thiếp:

– Bệ hạ bảo em rất xinh đẹp, duy chỉ chiếc mũi hơi thô. Nếu mỗi khi diện kiến Ngài, em tìm cách che nó đi thì chắc Bệ hạ sẽ yêu em hơn.

Thiếu nữ ngây thơ tin lời. Mỗi khi giáp mặt vua, nàng thường dùng chiếc khen lụa che mũi. Vua trông thế ngạc nhiên hỏi Hoàng hậu. Hoàng hậu nhất định không nói. Vua gạn hỏi mãi bà mới thưa:

– Muôn tâu, thần thiếp nghe cô ta bảo rằng mồ hôi của Bệ hạ có mùi khó ngửi quá! Xin Bệ hạ rộng lượng dung thứ cho!

Vua nổi giận lôi đình, truyền cắt mũi mỹ nhân. Hoàng hậu chỉ chờ có thế, liền sai một người tâm phúc đang chực sẵn, thi hành ngay mệnh lệnh. Nàng ái thiếp bị thất sủng từ đó .

Lời bàn:
Tham sân, tật đố là những bản chất xấu xa. Người sống trên đời ai cũng có, không ít thì nhiều. Vua Kính yêu mến nàng ái thiếp là do lòng tham lam, háo sắc mà ra. Hoàng hậu hại nàng do tật đố ganh ghét. Vua truyền lệnh cắt mũi mỹ nhân là do lòng tự ái – lòng tự yêu mình bị tổn thương nên đổi thành sân hận. Mối tương giao giữa con người chúng ta được xây dựng trên nền tảng của dục lạc, nên tình yêu hay tình thương chỉ là những thứ tham lam, sân hận, ganh ghét trá hình mà thôi.

Trong các kinh, đức Phật đã từng đề cập đến lòng từ bi, tức là sự yêu thương vô điều kiện. Ở tinh thần này hoàn toàn vắng bóng sự toan tính, lọc lừa của bản ngã. Ta cảm thấy yêu thương tất cả mọi người chung quanh vì lòng ta vắng bóng muộn phiền, để rồi ta có thể nhìn vào những người có hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, thương xót nên tìm cách giúp đỡ cho họ vơi khổ. Đó là sự quan hệ tương giao hoàn toàn vắng bặt những ý niệm về ta, của ta nên không có sự đam mê nồng nàn, ganh ghét nháng lửa và sân hận lôi đình. Là người Phật tử, nếu có tâm từ bi ấy thì ta sẽ đem lại nhiều lợi ích tốt đẹp cho nhiều người và cho cuộc đời.

Chánh Pháp

…“Đến bạn lành, được nghe Chánh pháp mầu nhiệm là được pháp các bậc Thánh tôn yêu quý. Đức Như lai trí tuệ hơn hết, trùm khắp hư không, nói ra giáo pháp, duy chỉ có Phật mới có thể hiểu thấu được. Vậy nên, các ngươi cần phải nghe nhiều hiểu rộng Chánh pháp, mới tin nổi lý chơn thâät Chánh pháp của Ta. Được làm thân người trong cõi người rất khó, mà gặp được giáo pháp Như lai lại còn khó hơn. Vậy nghe được giáo pháp phải nên tinh tấn tu trì” .

Lời bàn:
Đức Từ phụ đã dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó gặp, thời gian qua mau, mạng người chóng hết”. Chúng ta hiện tại được hữu duyên làm người, tuy không gặp thời đức Phật ra đời nhưng chúng ta cũng đã gặp được Chánh pháp của Ngài soi sáng. Nhưng, thời gian luống qua mau, mà ta chẳng chịu phát tâm tu hành thì thật là luống phí một kiếp người.

Nỗ lực học hỏi và tu tập theo giáo lý của đạo Phật để trước tiên bớt đi những tham vọng và suy tính không mỏi mệt trong cái thế giới đầy vật chất, cám dỗ này, sau đó từ kinh nghiệm, sự hiểu biết, tu tập, ta có thể chia sẻ với những người thân, bạn bè và mọi người để cùng nhau hưởng sự an lạc trong Chánh pháp của Phật. Nền giáo lý của đạo Phật là một nền giáo lý biểu trưng cho trí tuệ. Trí tuệ này sẽ giúp cho chúng ta có được sự năng động trong cuộc sống và bao dung thân thiện khi đối xử với mọi người chung quanh.

Vì vậy, chúng ta cần phải thấy rõ ràng rằng, Phật pháp không thụ động, chẳng phải lỗi thời, mà Phật pháp có khả năng giải trừ tất cả mọi phiền não khi chúng ta có sự hiểu biết và tu tập đúng theo Chánh pháp. Ngoài ra, Phật pháp còn giúp chúng ta có được lý trí và sự hiểu biết lớn lao, bằng cách tạo lập một cuộc sống lợi ích, gia đình đầm ấm, hài hòa với xã hội. Đó là những tính cách thiết thực của Chánh pháp Thế Tôn.

Con dao trong tâm

Một thời, ở thành Xá Vệ nước Ấn Độ, Phật đến giáo hóa cho một gia đình có hai vợ chồng đều tham lam độc ác, không biết tôn trọng đạo đức. Ngài liền hóa ra một vị Đạo nhân đến khất thực. Lúc ấy người chồng đi vắng, người vợ ở nhà thấy vị Đạo nhân vào liền mắng chửi ầm lên. Vị Đạo nhân nói:

– Tôi là người tu hành, chỉ xin ăn tự sống. Mong gia chủ cho bát cơm để đỡ đói lòng, sao lại mắng chửi tôi đủ điều như vậy?

– Người vợ tức giận hét ngược lên thì người chồng vừa về. Tay cầm sẵn con dao, chẳng nói gì, người chồng xông tới định chém Đạo sĩ. Bỗng một bức thành pha lê hiện lên, bao bọc Đạo sĩ, bức thành trong sáng kiên cố, không có cửa. Người chồng đến xô đạp đâm chém cũng không sao chuyển nổi.

Người chồng liền nói:
– Ông mở cửa cho tôi vào với!
Vị Đạo sĩ trả lời:
– Được! Nhưng ông hãy quăng con dao đi!

Người chồng tự nghĩ: “Mình to con như thế này, còn người Đạo sĩ nhỏ bé thế kia, mình dùng hai tay không cũng đủ giết chết vị Đạo sĩ”. Nói đoạn, người ấy liền quăng con dao đi xa nhưng bức thành pha lê vẫn y nguyên như cũ. Người chồng tức giận hét lên:

– Tôi đã quăng dao đi rồi, sao không mở cửa cho tôi vào?
Vị Đạo sĩ đáp:
– Không, tôi không nói ông quăng con dao trong tay ông, tôi muốn ông quăng con dao trong tâm ông kia!

Người chồng giật mình kinh sợ, nhận thấy vị Đạo sĩ hiểu rõ tâm ý thầm kín của mình, liền cúi xuống lạy tạ, ăn năn hối lỗi. Bức thành bỗng biến mất, vị Đạo sĩ hiện thành đức Phật hào quang chói sáng rực rỡ và tiếp độ cho hai vợ chồng .

Lời bàn:
Câu chuyện trên cho chúng ta nhận thấy, mọi tội ác đều do tâm tạo tác, vì tâm là chủ thể. Nếu với tâm thiện thì tất cả mọi hành động và việc làm cũng thiện, nếu với tâm ác thì lời nói và việc làm cũng ác. Tâm thiện hay bất thiện đều do hoàn cảnh và môi trường sống của chúng ta huân tập thành. Để cải tạo tâm, đoạn trừ những phiền não tham sân si, bước đầu tiên là ta phải học Phật.

Ngày nay, xã hội chúng ta đang sống là một xã hội hưởng thụ vật chất quá nhiều. Vì thế, con người đã bộc lộ ra nhiều sự vẩn đục của tâm hồn, tính tham lam sân hận luôn biểu lộ trong mọi tình huống khi điều đó trái ý với mình hoặc làm cho mình chưa vừa lòng, toại ý. Những phim ảnh, những cách sống phóng túng, những kiểu ăn bận mát mẻ đã tác động vào tâm ý của chúng ta hằng ngày. Bản tánh tự nhiên của chúng ta do đó bị nhiễm ô, không còn trong trắng và thánh thiện như nguyên thủy của chúng.

Khi chúng ta phát tâm tu tập, tức là ta đã trực tiếp lấy sự công phu và hành trì gội rửa những vết nhơ đeo bám trong tâm để tâm được trở lại thanh tịnh và mở mang được trí huệ. Lúc ấy, chúng ta mới bắt đầu mở rộng sự hiểu biết. Khi chúng ta đã có tri thức thì có thể mở rộng tầm quan sát, thấy nghe, học mọi điều mình thích. Lúc này, chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng, đắm nhiễm bởi những môi trường xung quanh vì chúng ta đã có tuệ giác của đạo Phật.

Ghen với bóng mình

Ngày xưa, có một người trưởng giả, vợ chồng mới cưới rất yêu kính nhau. Người chồng bảo vợ:
– Em vào trong nhà bếp lấy rượu ra đây cùng uống cho vui.

Người vợ vừa giở nắp lu, chợt thấy bóng mình hiện ở trong lu, liền cho là có người khác đã ẩn tự bao giờ, nổi tam bành lục tặc, trở ra sân si với chồng rằng:
– Anh đã chứa giấu đàn bà trong lu còn cưới tôi về làm chi nữa?

Chồng tức quá vào xem thì lại thấy bóng mình, nổi sân chạy ra nạt vợ rằng:
– Mày giấu trai trong đó mà đổ thừa cho tao giấu gái? Thế là hai đứa sân si ẩu đả nhau kịch liệt. Thôi thì đánh nhau dữ dội, la khóc om sòm, đàng nào cũng cho mình là phải. Giây lát, có thầy Tỳ kheo đi ngang qua, nghe được nguyên nhân sự việc xảy ra đám đánh, đến mà xem thử mới biết là đánh lộn vì cái bóng của họ mà bùi ngùi tự than rằng:

– Ta sẽ vì các ngươi mà bắt người trong lu ra cho. Rồi vị Tỳ kheo lấy một cục đá to đập lu vỡ, rượu chảy linh láng, người có bóng trong lu cũng biến mất. Giải quyết, xong đôi vợ chồng ôm nhau xấu hổ.

Bấy giờ thầy Tỳ kheo vì họ nói pháp, khiến cho đắc đạo. Đức Phật lấy thí dụ: thấy bóng đánh lộn là bởi người đời chẳng biết cái “khổ không” của năm uẩn và bốn đại mà phải bị khổ sinh tử chẳng lúc nào dứt vậy .

Lời bàn:
Qua chuyện trên, chúng ta nhận thức ra được gì? Tại sao chúng ta không sống hạnh phúc mà lại phải đau khổ. Nguyên nhân do đâu? Bởi vì chúng ta cứ mãi chấp mắc vào danh, lợi, sắc ái và cho là nó là của mình, thuộc về mình, khi mà nó mất đi hoặc đoạn diệt thì ta lại đớn đau.

Các Thánh nhân cũng đã từng nói với chúng ta rằng: “Thế gian chỉ để chúng ta sử dụng, chứ không phải là sở hữu của ta”. Điều này nghĩa là: bất kỳ vật nào trong thế gian này cũng đều là vật tạm thời mà ta mượn để sử dụng mà thôi, thật sự không có vật gì vĩnh viễn tồn tại. Tại sao vậy? Vì bản chất của vạn pháp là vô ngã. Nhưng chúng ta lại chấp là có ngã, nên tạo ra sự mê loạn trong đau khổ của sinh tử luân hồi bất tận.

Vậy vô ngã là gì? Đó là những gì mà ta thường gọi là nhà của ta, vợ của ta, con của ta. Phật giáo cho cái đó là giả tưởng, là không có thật. Chính nó là nguồn gốc của mọi thứ mê lầm, đau khổ. Thử hình dung lại lúc ta mười tuổi và bây giờ ta hai mươi tuổi có hoàn toàn giống nhau không? Bấy nhiêu cũng đủ cho ta thấy sự vô thường của chính ta. Nhận thức rõ được điều này, ta sẽ không thất vọng hoặc xúc động trước những thay đổi ấy.

Trong cuộc sống, ít khi chúng ta làm chủ được mình mà hay bị ngoại cảnh chi phối. Nhiều khi chỉ cần một lời khen có thể làm chúng ta phấn chấn hoặc một tiếng chê có thể làm cho ta cảm thấy cuộc đời này là một chuỗi dài đau khổ. Muốn lìa xa những đau khổ này, chúng ta cần phải xả bỏ sự tham đắm và chấp trước thì mới có được sự an lạc thực tại trong đời.

Nương theo nghiệp

Vua Di Lan hỏi ngài Na Tiên: “Người trong đời ai cũng có tứ chi đầy đủ: đầu, mặt, mắt, tay và thân thể… Nhưng sao có người sống lâu, có kẻ chết yểu, cho đến người bệnh ít, bệnh nhiều, nghèo – giàu, cao – thấp, đẹp đẽ – xấu xí; lại có người được người ta tin cậy, có người bị người ta nghi ngờ; có kẻ thông minh, có người ngu muội. Tại sao có sự bất đồng như thế thưa Ngài?”.

Ngài Na Tiên đáp: “Ví như trái cây của các thứ cây: có thứ cay, chua, thứ đắng, ngọt – Ngài hỏi lại nhà vua – vì sao nó sai khác như thế, tâu Đại vương?”.

Vua đáp: “Vì trồng nhiều thứ cây khác nhau”.
Ngài nói: “Cũng giống như người trồng cây kia. Bởi hành động tạo tác của mỗi người sai khác chẳng đồng, chẳng ai giống ai, cho nên mới có quả báo sai biệt như Đại vương vừa kể trên. Và còn thêm nữa: ai cũng có cái miệng mà sao có kẻ nói ra tiếng, mà có người lại câm! Cho nên kinh Phật dạy: giàu sang, nghèo hèn, xấu tốt là đều do sự tạo tác của đời trước mà có, thời thiện ác tùy theo tự thân mình mà có được vậy .

Lời bàn:

Mỗi người hiện hữu trên cõi đời đều có những nghiệp báo riêng, chẳng ai giống ai. Nghiệp báo là nghiệp quả báo ứng. Nghiệp nhân ta gây thì nghiệp quả ta phải gánh chịu. Cũng giống như ta trồng cây nào thì ta sẽ nhận quả của cây đó. Nghiệp nói chung là hành động tạo tác theo thói quen của mỗi người. Nghiệp có thiện có ác. Chúng ta làm việc thiện thì gặp phước báo thiện, làm ác thì gặp ác báo. Nghiệp tạo nên từ nơi thân, khẩu, ý. Làm lành, nói lành thì tạo nên quả báo lành, còn làm ác, nói ác thì tạo ra quả báo ác. Chính từ nghiệp, nó sẽ phát xuất ra kết quả như một tác động của luật nhân quả. Nếu như một người thiếu sự tu tập thì sẽ phóng túng, buông lung để cho sức mạnh của nghiệp chi phối nội tâm của mình. Ta cứ phóng tâm theo sự biến chuyển của ngoại cảnh, sống trong những vọng tưởng của tâm thức mà không có khả năng chế ngự. Phật dạy nếu chúng ta đã phạm phải một nghiệp xấu, chúng ta cũng không nên hoảng sợ hay chán nản, mà phải cố gắng điều chỉnh lại cho đúng. Để làm được điều này, trước tiên chúng ta phải tích cực gây tạo nhiều nhân tốt. Và điều quan trọng hơn là để tránh các nghiệp xấu, ta phải giảm tối thiểu những tư tưởng tội lỗi, ích kỷ, ganh tỵ, hiềm khích, oán ghét, nóng giận. Tự bản thân của chúng ta phải dùng trí tuệ để quán chiếu, nhận thức được những thiện niệm và bất thiện niệm sinh khởi trong tâm mình rồi diệt trừ nó. Ngoài ra, không ai có thể làm việc ấy cho chúng ta được, ngay cả đức Phật. Ngài cũng dạy rõ ràng: Ngài chỉ có thể hướng dẫn đường phải đi và phải làm, chứ Ngài cũng không đi thay hoặc làm thay cho bất cứ ai được.

Bởi vậy, là người học Phật, chúng ta phải tích cực gieo tạo thiện nghiệp để chuyển hóa những khổ đau để có được sự an lạc hạnh phúc thật sự.

Giữ gìn giới hạnh

Một thời, đức Phật ở nước Xá Vệ, tại tịnh xá Kỳ Hoàn, thuyết pháp cho chư Thiên nghe. Lúc bấy giờ, ở nước La Duyệt Kỳ có hai vị tân Tỳ kheo muốn yết kiến đức Phật.

Giữa hai nước ấy có một khoảng đồng rộng, không có người ở, lại gặp thời hạn nên suối hồ đều khô cạn. Hai người đi ngang qua bị khát nước, chỉ gặp được vũng nước nhỏ song thấy toàn loài trùng, không thể uống được. Hai người mới bàn nhau: “Chúng ta từ xa lại cốt trông mong chiêm ngưỡng đức Phật, không ngờ ngày nay bị chết khát giữa đường”. Một người nói: “Thôi, ta hãy tạm uống cho khỏi chết, có vậy mới gặp được Phật. Vả lại, ta uống cũng không ai biết cả”. Người kia đáp: “Giới luật Phật chế cấm không được uống nước có trùng, chính là lấy nhân từ làm gốc. Nếu giết hại chúng sinh để tự sống thì dầu thấy Phật cũng không ích gì. Thà rằng giữ giới chịu chết, chớ không phạm giới mà sống”.

Người đầu tiên theo ý riêng mình uống nước cho hết khát và đi đến chỗ Phật ở. Người thứ hai không chịu uống nên phải chết vì khát nhưng lại được sinh vào cõi trời Đao Lợi. Nhờ suy nghĩ nên tự biết ở kiếp trước giữ giới không phạm nên được sinh Thiên, thật là do lòng tin mạnh nên phước báu chẳng xa vậy. Nghĩ đoạn, bèn đem hương hoa đến lễ Phật và đứng hầu một bên. Còn người uống nước phải cực khổ trải qua nhiều ngày mới đến chỗ Phật ở. Thấy đấng chí tôn oai nghiêm, người kia liền cúi đầu đảnh lễ khóc lóc bạch rằng: “Con còn có người bạn cũng muốn đến yết kiến Phật, chẳng may giữa đường bị mệnh chung, dám mong đức Thế Tôn biết cho”.

Đức Phật trả lời: “Ta đã rõ rồi”, bèn lấy tay chỉ vị tiên nhơn đứng kế bên mà nói: “Tiên nhơn này chính là bạn của ngươi đó, người này vì giữ trọn giới luật nên được sinh lên cõi trời và được gặp ta trước ngươi”.

Bấy giờ, Thế Tôn chỉ vào người kia và bảo: “Ngươi tuy thấy ta mà không giữ giới luật của ta, thời tuy ngươi thấy ta mà ta không thấy ngươi. Người kia tuy cách xa ta ngàn dặm nhưng vẫn giữ được giới luật, thời người ấy đứng trước mặt ta” .

Lời bàn:
Trong kinh Di Giáo, đức Phật đã từng khẳng định: “Giới là bậc Đạo sư của các thầy, nếu Ta có ở đời, cũng không khác gì giới vậy”.

Vai trò của giới luật trong đạo Phật rất quan trọng và là nền tảng của các pháp lành, nên người Phật tử cần phải hiểu rõ tầm quan trọng này để khỏi phải sai phạm. Giới có ý nghĩa như sau: Giới (Sila) “phòng phi chỉ ác”, nghĩa là đề phòng đều trái quấy, dừng chỉ mọi điều ác, làm mọi điều thiện. Giới là do đức Phật chế ra, Ngài căn cứ vào hoàn cảnh thực tiễn của xã hội và bổn phận của con người mà quy định giới luật. Do đó, giới luật có tính chất nhân bản tiêu biểu cho nền đạo lý toàn diện và giúp cho con người hành trì tiến nhanh trên con đường giải thoát.

Vì tính chất quan trọng và lợi ích thiết thực rộng lớn của giới nên lúc còn tại thế, đức Phật mỗi khi nghe vị đệ tử nào sống sai tinh thần giới luật, Ngài thường hay cho gọi đến để tìm hiểu, rồi giải thích và trách phạt một cách nghiêm khắc.

Ngoài ra, giới luật của Phật giáo còn là nền tảng của một thế giới hòa hợp mà trong đó, con người thật sự sống như một con người, không phải loài cầm thú. Giữ gìn giới luật còn là trọng điểm trong sự tu hành của chúng ta. Người Phật tử chỉ cần giữ năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không dùng chất kích thích làm mất chánh niệm. Cho nên, là người Phật tử, chúng ta phải giữ gìn năm giới trên để làm của cải và để cải thiện đời sống của mình giản dị và trong sạch hơn, để rồi từ đó, tâm hồn ta sẽ được tịnh hóa trở nên hiền hòa, trong sáng và an lạc hơn.

Hằng thuận chúng sinh

Kiếp quá khứ cách đây khá lâu, có một ông vua tên là Tu Lâu Bà ở Châu Diêm Phù Đề, cai trị tám muôn bốn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám mươi ức tụ lạc, hai vạn bà phu nhân và một vạn quan đại thần.

Thời ấy, phước đức và thế lực của vua Tu Lâu Bà không ai bì kịp, nhân dân thuở đó nhờ đức vua, được an lạc thái bình, mưa hòa gió thuận, sung sướng vô tận.

Một hôm, vua tự nghĩ: “Đối với vật chất ta đã giúp dân đầy đủ nhưng về nhu cầu giải thoát cho tinh thần thì chưa có. Nếu con người chỉ sống theo vật chất, tâm như gỗ đá, cát sỏi, tha hồ cho bốn tướng sinh, già, bệnh, chết lôi quanh thì không khác chi thú vật, ăn no nằm mát phơi mình trên đám phân tro cho qua ngày đoạn tháng. Đó là lỗi ở ta, ta phải có trách nhiệm tìm đường giải thoát cho họ”.

Nghĩ thế, Ngài liền ra yết thị và bố cáo cho thiên hạ biết rằng: “Nếu ai biết đạo giải thoát của Phật, hãy dạy nói cho ta hay, muốn dùng gì ta sẽ cung cấp đầy đủ” .

Lời bàn:
Hằng thuận là một việc làm rất khó, phải là người có đại nguyện rộng lớn và lòng từ bi bao la thì mới có thể đảm đang nổi. Vì sao vậy? Vì hằng thuận chúng sinh nghĩa là hòa hợp với tất cả mọi chúng sinh trong pháp giới này. Khi hằng thuận, chúng ta cần phải dùng đến tuệ giác để quán sát cơ duyên, dẫn dắt chúng sinh đoạn trừ việc ác, tu tập điều thiện. Ngoài ra, chúng ta còn phải giúp cho họ phá mê, khai ngộ nên cần phải có một sự tu tập cần mẫn và một trí tuệ sâu rộng. Phải dùng đến các phương tiện thiện xảo thì mới có khả năng đáp ứng cho tất cả mọi người một cách viên mãn được.

Như câu chuyện trong đoạn kinh trên, vị vua Chuyển Luân Vương nọ đã làm cho tất cả dân chúng ấm no. Nhưng dân chúng còn chưa biết tu tập, cầu đạo giải thoát, Ngài phải ra cáo thị để kêu mời pháp sư nói pháp để dân chúng và nhà vua nhờ đó mà có thể tu tập. Đó chính là hạnh nguyện hằng thuận chúng sinh của đức vua, một trong mười đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền.

Phú ông cất lầu

Thuở xưa, có một ông nhà giàu rất ngu si, không biết việc gì cả. Một hôm, ông đi đến nhà một phú ông khác có một nhà lầu ba tầng, xinh đẹp không đâu bằng, lòng ông rất ham thích và tự nghĩ: “Tiền của ta ít hơn người này nhưng lẽ nào lại không cất được một trong ba tầng ấy sao?”.

Đoạn ông về nhà, liền mời một kiến trúc sư đến hỏi rằng:
– Ông có thể cất lầu ba tầng không?

Nhà kiến trúc đáp:
– Được, tôi đã làm nhiều nơi rồi!

Ông nói:
– Tốt lắm! Nên làm ngay cho tôi một tòa nhà lầu ba, kiểu giống như của bạn tôi!

Nhà kiến trúc đem nhân công khởi sự ban đất, đắp nền xây đá, lên tường.
Cách ít hôm, ông nhà giàu đến xem xét, không thấy tầng thứ ba, bèn hỏi nhà kiến trúc:
– Hiện ông đang làm gì đó?

Nhà kiến trúc trả lời:
– Tôi đang làm nhà ba tầng cho ông đây.

Ông lại hỏi:
– Tại sao cất tầng lầu ba mà lo xây tầng dưới không chịu cất nội tầng trên cho tôi?

Nhà kiến trúc trả lời:
– Phải cất từng tầng lên, nếu không cất hai tầng dưới làm sao có thể cất được tầng thứ ba?

Không suy nghĩ kỹ, lập tức ông ngăn rằng:
– Không! Không! Tôi không cần làm hai tầng dưới, tôi chỉ muốn làm nội tầng thứ ba thôi! Ông nên làm cho tôi tầng ba trên cùng cho nhanh chóng!
Nhà kiến trúc nghe xong cười to, rồi ba phen giảng rõ cho ông nghe, nhưng ông quá cố chấp, kiên quyết yêu cầu nhà kiến trúc chỉ làm tầng thứ ba. Nhà kiến trúc không có cách gì làm cho ông hiểu rõ được, đành phải đình công việc cất nhà .

Lời bàn:

Qua câu chuyện trong kinh Bách Dụ, chúng ta có suy nghĩ gì về tiến trình tu học Phật pháp của mình? Thường khi học Phật, chúng ta hay muốn vượt bậc, bỏ qua những pháp căn bản và cho đó là không quan trọng. Chỉ thích học những gì liễu nghĩa cao xa mà mức độ tu tập của chúng ta chưa có thể đạt tới. Trong tiến trình tu tập, điều đầu tiên là chúng ta phải nhất nhất tuân thủ lời dạy và phương pháp hành trì do thầy đưa ra. Đây là con đường đúng đắn để chúng ta tu học Phật pháp một cách tốt nhất từ xưa đến nay mà chư cổ đức đã từng áp dụng. Ban đầu, chúng ta phải học giới, tức là các oai nghi, tế hạnh, quy củ của người tu Phật. Sau đó, chúng ta mới học lên các kinh điển về Tiểu thừa cũng như Đại thừa, như thế sẽ có được nền tảng vững chắc chắn cho ba môn học Phật pháp là giới, định và tuệ. Khi học, chúng ta phải nhiệt tâm, nhiệt huyết, không nên thay đổi tư tưởng, không lơ là biếng trễ. Nếu làm được như vậy thì ta sẽ đạt được nhiều định lực trong sự tu tập, tiêu trừ được những phiền não và đạt được song hành cả phước lẫn huệ.

Là người học Phật, bước đầu phải thiết lập nền tảng giới cho vững chắc. Phương pháp này có vẻ đơn giản nhưng nếu chúng ta thực hành nó thì sẽ đạt nhiều thành quả lớn, giống như cái móng của một ngôi nhà vậy.

Tin kính Tam bảo

Quá khứ thời Phật Ca Diếp, có một bà lão nhà rất giàu, biết tin kính Tam bảo. Một hôm, bà lấy các thứ hương hoa với dầu để sơn tháp, đi giữa đường gặp ba mươi hai cậu con trai, nhân dịp bà khuyên các cậu ấy rằng:

– Các cậu đi đâu? Đây có một việc phúc đức lắm, hôm nay tôi đi sơn tháp Phật, nếu các cậu sơn giúp tôi thì đời đời được sức lực khỏe mạnh và đẹp đẽ!

– Thế ư cụ? Vâng! cụ đã dạy, các cháu xin đi!

Sơn xong các cậu ấy đều thưa rằng:
– Thưa cụ! Do khuyên các cháu làm phước lành, xin đem công đức này, nguyện cho chúng cháu sinh nơi nào cũng được tôn vinh phú quý và đời đời chúng cháu được làm con cụ, cụ là mẹ chúng cháu và được gặp Phật nghe pháp chóng đắc đạo quả!

Bà lão nói:

– Quý hóa! Các cậu phát nguyện như thế! Nhờ công đức Tam bảo gia hộ, sau này thế nào cũng được như nguyện .

Lời bàn:

Con người sống phần đông đều có khuynh hướng mưu cầu tiền bạc, địa vị, coi đó là những thứ quý báu. Chúng ta tự cho rằng những yếu tố này tạo nên đời sống sung túc và văn minh cho nhân loại. Thậm chí ta còn nghĩ rằng có nhiều tiền của, có địa vị cao sang mới có hạnh phúc. Trải qua bao thế hệ, những “bảo vật” ấy thực chất không đem lại hạnh phúc cho con người, lắm khi còn gây ra khổ đau cho những ai xem chúng là tất cả, là trên hết, là cứu cánh của cuộc đời.

Do đó, những thứ của báu ở cuộc đời không thể cứu con người thoát khỏi khổ đau. Con người phải tìm đến và tôn kính Tam bảo. Vì Tam bảo có năng lực dẫn dắt con người vượt qua biển khổ đến chỗ an vui. Tôn kính Tam bảo ở đây là ta tin tưởng và hết lòng kính trọng vào ba ngôi báu là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Ba ngôi báu này có các đặc tính cao đẹp nhất như giác ngộ, từ bi, bình đẳng, hòa hợp, thanh tịnh. Ngoài ra, Tam bảo còn có năng lực giúp cho ta gội rửa những phiền não, mê lầm, tháo gỡ những ràng buộc khổ đau để đạt đến an vui, giải thoát. Phật tử chúng ta nên hướng về Tam bảo, nương tựa và phụng sự Tam bảo. Có như thế, ánh sáng của ba ngôi báu này mới tồn tại ở thế gian, xóa tan bóng tối vô minh để đưa con người quay về bến giác.

Đức Phật đọ người ghánh phân

Thành Xá Vệ có một người Chiên đà la, sống bằng nghề đổ phân. Một hôm, Phật gặp giữa đường bèn kêu lại. Người đổ phân thưa rằng: “Con là người gánh phân ô uế không sạch, con không dám lại gần Ngài”. Đức Phật nói: “Ta nay muốn độ cho ngươi”. Rồi Phật tự thân dắt người gánh phân xuống sông Hằng tắm rửa sạch sẽ và đưa về tịnh xá Kỳ Hoàn cho xuất gia làm vị Sa môn.

Người gánh phân chuyên tâm tu hành, rất tinh tấn cần khổ, nên chưa đầy một tuần đã chứng quả A La Hán, thần thông tự tại. Bấy giờ, vua trong nước nghe tin Phật độ cho người Chiên đà la, lấy làm bất mãn và cho rằng làm như vậy là hạ thấp giá trị của Sa môn và làm khó khăn sự kính lễ của các hàng vua chúa, nên liền đến tịnh xá yết kiến Phật. Khi đến chỗ Phật, thấy một vị Sa môn uy nghi đức hạnh, ngồi thiền trên một tấm đá, hiện nhiều thần thông kỳ diệu.

Vua vào lễ Phật bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Vị Sa môn kia danh hiệu là gì, sao lại có nhiều thần thông như vậy?”. Phật bảo: “Đó là người gánh phân, nhờ công hạnh tinh tấn nên chứng được quả A La Hán”. Rồi Phật dùng thí dụ cho vua rõ: “Như ở trong bùn nhơ bẩn, vẫn nở một hoa sen thơm ngát. Vậy Bệ hạ là người có mắt, Bệ hạ có hái lấy hoa kia không?”. Vua đáp: “Đóa hoa tuy mọc trong bùn lầy mà thơm ngát hương quý thì rất nên dùng để tự trang nghiêm. Còn bùn lầy nhơ bẩn kia thì nên quán xem như là trạng thái của bà mẹ, chính tự trong bào thai mà sinh nở đoá hoa công đức”.

Vua lại bạch Phật: “Vị A La Hán trước làm nghề đổ phân, nay công quả tu hành viên mãn, chứng được những quả đức bất khả tư nghì. Con xin nguyện luôn cúng dường những món cần thiết, không dám để thiếu thốn” .

Lời bàn.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thử suy nghĩ về thể tánh bình đẳng trong Phật giáo. Từ khởi nguyên, bước chân du hóa của đức Phật khắp lưu vực sông Hằng. Ngài là một nhà cách mạng vĩ đại đã dám gạt bỏ đi sự phân biệt giai cấp đã có từ lâu đời trong xã hội Ấn Độ. Ngay từ thời cổ đại, con người sống trong lãnh thổ này đã được chia làm bốn giai cấp, là Bà la môn, Sát đế lợi, Phệ xá và Chiên đà la. Một thời, những giai cấp này đã tạo nên sự bất công vô cùng khốc liệt. Nhưng đến khi đuốc tuệ chân lý giải thoát của Thế Tôn bừng tỏa thì tất cả mọi giai cấp đều quy về một mối. Ngài đưa ra một chân lý bất hủ: “Không có giai cấp trong khi máu người cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Trong thể tánh bình đẳng, Ngài khẳng định ai cũng có Phật tánh và cũng đầy đủ khả năng thành Phật nếu người đó tinh tấn tu hành. “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.

Bình đẳng tuyệt đối là một đức tính vô cùng cao đẹp mà xưa nay chỉ có đạo Phật mới có mà không có trong bất kỳ một tôn giáo nào hay một hệ thống triết học nào khác.

Hạnh phúc thực tại

Một thời, Thế Tôn ở giữa dân chúng Koliya, tại thị trấn Kakakrapatta. Rồi Byagghapajja, đi đến đảnh lễ bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn! Chúng con là những gia chủ thọ hưởng các dục vọng, sống trói buộc với vợ con, dùng hương chiên đàn, đeo vòng hoa, thọ lãnh vàng bạc. Bạch Thế Tôn! Hãy thuyết pháp cho những người như chúng con để chúng con được hạnh phúc an lạc trong hiện tại!

– Này Byagghapajja, có bốn pháp này đưa đến hạnh phúc và an lạc trong hiện tại. Thế nào là bốn? Đầy đủ tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng và điều hòa.

– Ở đây, này Byagghapajja, phàm làm nghề gì để sinh sống, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc làm bất cứ nghề nào, vị ấy phải thiện xảo với nghề, làm việc không biết mệt, biết suy tư, tìm hiểu vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác. Đây gọi là đầy đủ sự tháo vát.

– Ở đây, này Byagghapajja, những tài sản thu được do sự siêng năng, tháo vát, do bàn tay, mồ hôi công sức đúng pháp, vị ấy biết giữ gìn, bảo vệ, không để thất thoát. Đây gọi là đầy đủ sự phòng hộ.

– Ở đây, này Byagghapajja, sống tại làng hay thị trấn có những gia đình mà những đứa trẻ được lớn lên trong giới đức, những người lớn trưởng thành trong giới đức, đầy đủ lòng tin, giới hạnh bố thí và trí tuệ. Vị ấy phải làm quen, nói chuyện và học tập theo. Đây gọi là làm bạn với thiện.

– Ở đây, này Byagghapajja, biết rõ tài sản nhập và xuất, sống một cách điều hòa, không quá phung phí và không quá bỏn sẻn. Đây gọi là sống thăng bằng và điều hòa.

Này Byagghapajja, bốn pháp này đưa đến hạnh phúc và an lạc trong hiện tại .

Lời bàn:
Hạnh phúc thực tại, theo giáo lý của đạo Phật là sự thực tập chánh niệm trong phút giây mà ta có mặt. Trong từng cử chỉ, hành động, lời nói và công việc của chúng ta, nếu mỗi việc ta đều có chánh niệm thì ta sẽ có được sự an lạc và thảnh thơi từ những công việc đó. Theo Thế Tôn, để có được hạnh phúc và an lạc trong hiện tại, người Phật tử phải đầy đủ hạnh tháo vát, đầy đủ sự phòng hộ, làm bạn với thiện tri thức, sống cuộc sống trong sự thăng bằng và điều hòa.

Ở đời, mỗi người phải có một nghề nghiệp riêng. Dù bất là cứ công việc nào, phải có sự thiện xảo về công việc ấy. Phải yêu thích cái nghề của mình, gắn bó với nó cho dù cái ngề đó có thể là vất vả. Mà khi có nghề nghiệp vững vàng, thì đời sống của ta có sự sung túc. Ta phải có sự giữ gìn và phòng hộ những của cải do mồ hôi, nước mắt của mình tạo ra. Tài sản chúng ta tạo ra rất khó nhưng lại rất dễ dàng mất đi. Vì vậy, chúng ta sẽ gặp nhiều nguy nan khi trong tay chúng ta không có chút tài sản. Đầy đủ sự phòng hộ tức là biết tôn quý sức lao động, giữ gìn tài sản của mình để tránh hư hao, mất mát.

Để có được sự an lạc và hạnh phúc trong thực tại, người Phật tử còn phải có thiện tri thức, tức là chúng ta cần phải có nhiều bạn bè và môi trường sống tốt để mọi người có thể chung sống an hòa và học hỏi lẫn nhau. Sau cùng là để giữ gìn được những mối quan hệ trên, người Phật tử biết sống thăng bằng, biết rõ sự thu nhập của gia đình mình. Đồng thời, chúng ta phải điều tức sự chi tiêu để không quá lãng phí và không đến nỗi là keo kiệt. Đó chính là bốn pháp để người Phật tử khi thực hành sẽ có sự an lạc và hạnh phúc ngay trong đời sống thực tại.