Sống Theo Lời Phật – Thích Nhuận Thạnh ( Phần I )

sống theo lời phật

Trì giới và bố thí

Đức Phật bảo vua Ba Tư Nặc:

– Hỡi Đại vương! Phỏng có người thân tín đến bảo với nhà vua rằng có bốn núi lớn ở bốn phương sắp sập, sẽ đè hại nhân dân thì nhà vua có kế và phương cách chi để đối phó không?

Vua thưa:

– Bạch Thế Tôn, quả có việc ấy xảy ra thì thật không nơi lánh nạn, nhưng chỉ chuyên tâm trì giới và tu bố thí mà thôi!

Phật khen:

– Hay thay Đại vương! Ý ta nói bốn núi là muốn chỉ bốn món sinh, lão, bệnh, tử của chúng sinh. Nó thường hay đến cướp mất mạng người, làm sao chẳng tu giới và bố thí được.

Vua nói:

– Bạch Thế Tôn, trì giới và bố thí được những lợi ích gì?

Phật đáp:

– Sinh về cõi trời và cõi người được hưởng sự vui sướng …

Lời bàn:

Trong cuộc sống thường ngày, tất cả mọi người lúc nào cũng gian nan, vất vả. Chúng ta phải đối diện trực tiếp với những mặt trái của cuộc đời.

Tham lam, sân hận và si mê – những điều này đã làm cho chúng ta mù quáng và thiếu tuệ giác trong lối sống và cư xử với nhau, dẫn đến sự bất hòa trong một gia đình hay trong một tập thể nào đó. Cũng chỉ đơn giản là vì một chút danh, một ít quyền lợi mà nhiều khi con người phải nhắm mắt xuôi tay làm những việc mà lương tâm mình không muốn làm, nghĩ những việc mà mình không muốn nghĩ.

Sự sinh, già, bệnh, chết luôn luôn theo đuổi con người trong từng sát na tựa như bóng với hình. Cho nên, dù chúng ta có thông minh xuất chúng, tiền vạn bạc muôn đi nữa nhưng rồi vô thường đến thì cũng phải từ bỏ tất cả và trả lại bản chất nguyên thể của chính nó. Thần thức của ta sẽ đi theo nghiệp mà mình đã gây tạo trong khi còn sinh tiền, thiện hay ác mà chúng ta đã gieo nhân thì chúng ta sẽ có kết quả như vậy.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, muốn được quả tốt thì phải gieo nhân lành. Khi đã đầy đủ quả đức thì an vui, hạnh phúc sẽ đến, chúng ta sẽ không còn bị bốn ngọn núi lớn đè nặng – bốn ngọn núi được ví là bốn món sinh, lão, bệnh, tử. Nếu ta cần có một kiếp sống tốt lành sau khi đã mãn thân này, Thế Tôn đã dạy là nên tu tập công đức của trì giới và bố thí. Vì bố thí là phương pháp xả bỏ các tâm keo rít, tham ái của tự thân chúng ta. Điều đó, vừa nuôi dưỡng được tâm từ, hạnh bao dung; vừa tạo được công đức có thể sinh về cõi trời sau khi mệnh chung.

Trì giới ở đây là chúng ta phải giữ năm giới cấm của người Cư sĩ tại gia và siêng cúng dường, ấn tống kính sách, bố thí tài thực, vật thực cho những người nghèo khó hơn mình như thức ăn, áo mặc, chỗ ngủ, thuốc men, chăn chiếu… nói chung là tiền của. Còn bố thí pháp là chúng ta ra sức giảng dạy, chỉ rõ nỗi khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, khổ đau diệt và con đường đi ra khỏi khổ đau; chỉ rõ các ác pháp cần phải tránh, các thiện pháp cần phải tu. Kết quả bố thí không thể căn cứ vào vật bố thí, giai cấp địa vị của người bố thí hoặc người nhận bố thí mà giá trị thực sự của nó nằm ở tâm bố thí của người cho.

Trong kinh Tăng Chi II, đức Phật dạy: “Sàriputta, ở đây, ai bố thí không với tâm mong cầu, không với tâm trói buộc, không với tâm chất chứa, không với ý nghĩ: ta sẽ hưởng được cái này ở đời sau, không với ý nghĩ: lành thay sự bố thí,… nhưng vị ấy bố thí để trang nghiêm thân tâm, để trang bị tâm. Do vị ấy bố thí như vậy, nên sau khi thân hoại mệnh chung, được sinh cùng trú xứ với chư Thiên ở Phạm chúng thiên. Và khi vị ấy nghiệp dứt, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy dứt, vị ấy trở thành vị Bất lai, không còn luân hồi nữa”.

Nhờ nhân bố thí mà chúng ta sẽ được sinh về cõi trời hưởng được hạnh phúc an vui.

Trao đổi

Xưa, có một người nhạc sĩ biết đủ các điệu nhạc, đến nhà ông trưởng giả xin trâu. Ông trưởng giả chẳng muốn cho trâu nên bảo anh rằng: “Nếu anh đánh nhạc liên tục ngày đêm chẳng nghỉ ngơi, đủ một năm tròn thì tôi sẽ cho trâu”.

Anh thưa: “Tôi đánh được. Xin ông cũng nghe luôn!”.

Trưởng giả nói: “Tôi nghe luôn chớ sao!”. Anh ta nghe thế rất vui mừng, chăm lòng đánh luôn ba ngày ba đêm không chút nghỉ tay. Trưởng giả chán quá nghe không nổi nữa liền sai người nhà đem trâu ra cho .

Lời bàn:

Câu chuyện trên là một câu chuyện thật hay và thú vị mang chất trí tuệ cao, buộc chúng ta phải dùng tuệ giác để suy ngẫm mới có thể hiểu rõ thâm nghĩa mà đức Phật ẩn dụ.

Trong cuộc sống, sức khỏe và sự chịu đựng của con người luôn bị giới hạn, đặc biệt là địa thể của con người sẽ biến đổi nếu chúng ta sống trong tình trạng quá căng thẳng do áp lực của công việc cùng với sự biến động của các tạp âm đã gặm nhắm phá hoại sức khỏe cùng kiệt sinh lực và tinh thần của con người. Nhưng đôi khi, trong cuộc sống chúng ta lại mất chánh niệm và mù quáng do lòng tham sai khiến mà quên đi mình đang là một con người – một con người có thương yêu, tha thứ, sầu muộn, đau khổ và giận hờn.

Nhưng mọi thứ ấy đều có một sức chịu đựng và có giới hạn. Nếu chúng ta quá lạm dụng vượt qua giới hạn của chúng thì chúng sẽ bùng vỡ. Một khi đã bùng vỡ thì sẽ kéo theo bao sự thất vọng nặng nề của tâm lý, vì bản chất của chúng xuất phát từ tâm. Để tránh được những vọng niệm sai lầm này bộc khởi thì ta phải khởi lòng từ bi với chính bản thân mình, đừng để sự si mê đó đốt cháy chúng ta. Một khi ta từ bi với chính bản thân mình thì tất cả những suy nghĩ xấu ác sẽ tự tan biến, bản thân ta và mọi người cũng đều có lợi ích. Cho nên, trong khi làm tất cả mọi việc ta cần phải có tuệ giác sâu. Tư duy và cân nhắc mọi sự việc theo sức của mình thì chúng ta sẽ thắng được sự cám dỗ mù quáng của lý tính, và thênh thang bước lên nấc thang của sự an lạc, tỉnh thức trong cuộc sống hằng ngày.

Người cư sĩ

Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, trong vườn cây bàn. Rồi Mahànàma đi đến đảnh lễ Thế Tôn:

– Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người Cư sĩ?

– Ai quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, cho đến như vậy, này Mahànàma, là người Cư sĩ.

– Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người Cư sĩ đầy đủ giới?

– Này Mahànàma, người Cư sĩ từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người Cư sĩ đầy đủ giới.

– Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người Cư sĩ đầy đủ tín?

– Ở đây, này Mahànàma, người Cư sĩ có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như lai: “Đây là Như lai, bậc A La Hán, Phật, Thế Tôn”. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người Cư sĩ đầy đủ tín.

– Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người Cư sĩ đầy đủ lòng bố thí?

– Ở đây, này Mahànàma, người Cư sĩ trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, chia sẻ vật bố thí. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người Cư sĩ đầy đủ bố thí.

– Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người Cư sĩ đầy đủ trí tuệ?
– Ở đây, này Mahànàma, người Cư sĩ thành tựu trí tuệ về sinh diệt, trí tuệ các bậc Thánh thể nhập, đưa đến đoạn tận khổ đau. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người Cư sĩ đầy đủ trí tuệ .

Lời bàn:

Để được gọi là người Cư sĩ Phật tử, thì một trong những tiêu chuẩn cơ bản nhất là quy y Tam bảo – còn gọi là ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng – để làm chỗ nương tựa vững chắc cho mình. Khi đã phát nguyện quy y trước Tam bảo thì nhờ năng lực của chư Phật, chư đại Bồ tát và Thánh Hiền Tăng sẽ giúp cho chúng ta giữ vững được tín tâm và phát khởi tâm Bồ đề rộng lớn, tinh tấn giữ trọn lời phát nguyện quy y. Và khi đã quy y rồi – tức là ta đã quy về nương tựa vào Tam bảo, hằng ngày chiêm ngưỡng, quán tưởng lễ bái và nguyện noi theo gương Phật để tinh tấn tu hành. Đó là một việc làm rất khó. Người được quy y Tam bảo là người đã đầy đủ duyên lành trong nhiều kiếp, nên có câu: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn”. Nghĩa là: làm được thân người đã khó, còn gặp được Phật pháp thì lại khó hơn. Bởi vậy, ngoài việc phát tâm y quy Tam bảo, người Cư sĩ cần phải tích cực trau dồi đạo đức để tiến lên thêm một nấc thang cao hơn nữa. Đó là việc thọ trì ngũ giới, trau giồi phát triển thêm các hạnh lành và xây dựng niềm tin cho vững chắc vào ngôi Tam bảo, tin rằng Thế Tôn đã chứng đắc vô thượng Bồ đề, tin rằng Phật pháp do Thế Tôn thuyết giảng rất thiện xảo, đưa con người đến ly tham, ly thủ; tin rằng chư Tăng là những vị đi trên con đường giải thoát, đang sống trong sáu pháp hòa kính, là những bậc có thể chỉ đường giải thoát cho đời; tin rằng mỗi người đều có sẵn trong tự thân khả năng giác ngộ, đoạn trừ tham, sân, si. Ngoài ra, người Phật tử còn phải tinh tấn học hỏi giáo lý kinh điển và phát triển lòng từ bi, nỗ lực quán chiếu vô thường, sự sinh diệt của con người và vũ trụ, không có vật chi là trường tồn bất biến.

Nhờ quán chiếu như vậy, ta sẽ xả bỏ được sự cố chấp, diệt trừ tham ái và có được đời sống an lạc. Ngoài ra, người Cư sĩ cần phải lập hạnh bố thí cúng dường để tẩy xóa xan tham, cố bám víu vào vật chất – một tâm lý cố hữu của con người – cũng là nguyên nhân chủ yếu làm cho con người phải khổ đau và luân hồi sinh tử.

Bởi vậy, người Phật tử phải luôn vận dụng trí tuệ trong mọi lúc mọi nơi và luôn lấy tinh thần lục hòa của nhà Phật để cùng nhắc nhở nhau tu tập, nhắc nhở nhau giữ gìn giới luật, sống hòa nhã với nhau, chia sẻ sự quan tâm cũng như sự hiểu biết với nhau và coi những điều ấy như là tư trang trong cuộc sống; tin tưởng vào Chánh pháp để phóng thích những nỗi khổ, niềm đau. Một khi mê mờ đã bị trí tuệ diệt sạch, thì những khổ đau sẽ không thể tiếp diễn nữa. Khi đó, chúng ta sẽ có cuộc sống yên vui trong hiện đời và mãi mãi về sau.

Mạng sống vô thường

Biển Nam Hải vụt nổi một cơn sóng dữ dội đẩy ba con cá lớn vào chỗ nước cạn. Ba con cá cùng bảo nhau rằng: “Chúng ta bị nguy hiểm rồi đây! Nhưng hiện giờ, nước chưa cạn, còn chảy ra vào, cần nên ngược dòng trở về biển cả!”. Nhưng không may, lại vừa có con thuyền chặn ngang dòng thủy khẩu, nên cá không thể tự do chạy ra. Con thứ nhất đem tận lực vượt qua khỏi thuyền. Con thứ hai may mắn nhờ đám cỏ cũng lủi qua được. Duy còn con thứ ba bởi sức yếu nên bị ngư ông bắt được. Đức Phật xem biết việc này liền nói bài kệ rằng:

Ngày nay đã qua, mạng ta giảm đi

Như cá ít nước, đâu có vui gì!

Bởi vì cá lấy nước làm nhà sống, mà nước hết thời chết. Người nương mạng căn mà còn, mạng giảm thời tiêu. Mạng căn theo đêm ngày bị giảm, thân thể bởi tám khổ mà mòn; vô thường già bệnh chẳng cho người hẹn. Kìa như cá khô nước đâu có vui gì!

Lời bàn:

Mỗi ngày trôi qua nhanh thì cuộc sống của chúng ta giảm dần, ví như cá bị mắc cạn ở trong ao, nên chẳng có vui gì trong sự biến đổi của vô thường thế thái. Ấy vậy mà cả đời chúng ta chỉ biết chạy theo cái mồi danh và bả lợi cùng những dục vọng thị phi của cuộc đời để rồi chuốc lấy sự khổ đau. Chúng ta chẳng bao giờ bằng lòng với phút giây hiện tại mà chẳng biết rằng chính cái giây phút ấy lại vô cùng quý báu đối với cuộc đời. Hãy bằng lòng với những gì mà chúng ta đang có. Trong cuộc sống này, chẳng có gì tồn tại mãi mãi. Từ con người đến vũ trụ cũng đều chịu chung một định luật vô thường chi phối. Bởi vậy, ta đừng nên tham đắm và quyến luyến những thứ vốn tồn tại trên bản chất của danh và sắc mà hãy dang tay đón nhận những hạnh phúc hay khổ đau đến với mình một cách an nhiên, tự tại. Vì sự sợ hãi sẽ đeo bám chúng ta nếu chúng ta tìm cách trốn tránh khổ đau. Và thất vọng chán chường sẽ đến nếu chúng ta thích đón nhận sự sung sướng và hạnh phúc.

Vì bản chất của đời sống là vô thường, là biến diệt, không trường tồn, giả tạm, vay mượn của tứ đại thì cũng trả lại về cho tứ đại. Cho nên, mỗi ngày chúng ta hãy dành một ít thời gian để niệm Phật hoặc thiền định, để xóa bỏ đi những ham muốn của dục lạc và sự tị hiềm ganh ghét. Hãy dùng tuệ giác quán xét kỹ về điều đó, ta sẽ không còn sự âu sầu hay lo lắng. Ta nên học theo hạnh “từ bi, hỷ xả” của đức Phật và chư đại Bồ tát, biết dừng lại và không chạy theo ảo ảnh. Bởi vì thể xác và trí tuệ vốn tồn tại trong sự liên quan và mật thiết với nhau, không thể tách rời tựa như cá với nước. Nếu tách rời một trong hai thì chúng sẽ bị tiêu hoại. Vì thế, trong mọi hành động, chúng ta hãy bình tâm để thấy rõ điều gì mình nên làm hay không nên làm, điều gì có thể tăng trưởng thiện căn trong ta và có lợi ích cho mọi người.

Tóm lại, chúng ta phải biết quán chiếu sự vô thường để luôn sống tỉnh thức trong mỗi giây phút thực tại. Ta hãy tinh tấn niệm Phật để khi sống, thân tâm ta luôn được an lạc và khi mất thân này, ta được sinh về thế giới của Phật A Di Đà. Có như thế, ta mới không uổng phí một kiếp người ngắn ngủi phù du ở cõi Ta bà giả tạm này.

Tràng hoa bong bóng

Xưa, có vị Công chúa được vua cưng quý hết sức. Một hôm trời mưa to, thấy bong bóng nước nổi lên mặt hồ, cô ta lấy làm thích ý, liền đòi lấy bong bóng nước ấy làm một tràng hoa để mang trên đầu.

Vua đáp: “Bong bóng nước đâu có thể cầm bắt, làm sao có thể kết thành tràng hoa được!”.

Nàng Công chúa không chịu, dọa vua nếu không được thì sẽ tự tử. Vua lo lắng, cho người mời tất cả thợ tài giỏi nhất trong nước nhưng ai cũng bó tay. Sau đó, có người thợ già nói rằng: “Tôi có thể làm được nhưng phải mời Công chúa đến chứng kiến”. Và người thợ thưa với Công chúa rằng: “Tôi có tài kết bong bóng nước làm tràng hoa nhưng tôi không thể phân biệt bong bóng tốt xấu. Vậy xin Công chúa hãy tự mình lựa chọn những bong bóng đẹp rồi đưa cho tôi kết thành tràng hoa!”. Công chúa tự tay cúi xuống nắm bong bóng nhưng bắt cả buổi mà không được cái nào cả. Sau cùng, do quá mỏi mệt, cô ấy bỏ đi.

Bây giờ thì nàng Công chúa mới biết bong bóng nước làm mê hoặc mắt người. Tuy có hình có chất nhưng sinh ra rồi diệt ngay. Thân người là giả dối, vui ít khổ nhiều, sinh sinh diệt diệt, không thể tồn tại lâu dài .

Lời bàn:
Qua câu chuyện tràng hoa bong bóng này, chúng ta có suy nghĩ gì về thân phận của con người trước trước sự biến đổi của định luật vô thường sinh diệt? Nhiều khi chấp vào danh lợi, tài sắc và mong cầu được sở hữu, nên chúng ta chẳng khác nào nàng Công chúa mong cầu được gắn trang sức trên đầu bằng vòng hoa bong bóng nước.

Nhiều khi chúng ta có đến chùa học Phật, nghe Pháp nhưng lại không hiểu về định luật của duyên sinh và duyên diệt. Chúng ta sống là sống với thực tại mà không phải nghĩ về thực tại. Vậy yếu tố của duyên sinh và duyên diệt đó là gì? Duyên sinh nghĩa là mọi sự vật trên thế gian này đều do nhiều yếu tố, điều kiện kết hợp lại mà phát sinh. Vì là điều kiện của duyên sinh nên mang ý nghĩa bất định tính. Yếu tố này xuất hiện với nhiều giá trị khác nhau đối với những người khác nhau và đối với chúng sinh khác nhau. Cho nên, không có một sự vật nào được sinh ra một cách tự nhiên – nghĩa là không có một sự vật, sự việc nào chỉ do một yếu tố sinh ra, mà phải do nhiều yếu tố kết hợp lại mà thành. Duyên diệt nghĩa là khi những điều kiện để các yếu tố kết hợp lại với nhau không còn nữa thì sự vật sẽ không còn hiện diện, tồn tại. Sự hủy diệt của bất kỳ sự vật, sự việc nào cũng không phải do chúng tự nhiên mất đi, hay một đấng quyền năng nào làm cho chúng mất đi. Đó chính là do những yếu tố, các điều kiện ấy đã hết và chúng chuyển sang một dạng nhân duyên mới. Đó cũng chính là lý duyên sinh rất căn bản của Phật giáo.

Người Phật tử chúng ta nếu hiểu rõ được lý duyên sinh thì sẽ không còn buồn khổ trước sự biến chuyển vô thường, thành trụ hoại không mà luôn luôn sống thanh thản trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù khổ đau hay hạnh phúc, chúng ta vẫn cứ sống an nhiên và tự tại.

Nghi oan

Vua Ưu Đà Diên nước Câu Chiên Di có hai bà phu nhân. Bà thứ nhất tên là Xá Ma, có lòng thâm tín Phật pháp. Bà thứ hai tên là Đế Nữ, tính tình xu nịnh, thường đến chỗ vua mà sàm tấu và nhạo báng rằng: “Bà phu nhân thứ nhất cùng với Phật làm việc phi pháp”.

Vua nghe thế, nổi sân dữ tợn, liền lấy cung tên đem bắn bà phu nhân thứ nhất. Lúc ấy, bà vì thương hại nhà vua nên liền vào thiền định Từ ái. Vì thế tên bắn không trúng. Vua kinh ngạc hỏi bà lý do: “Vì sao ta bắn tên mà không trúng? Hay ngươi là Trời, Rồng gì chăng mà ta bắn không trúng?”. Bà đáp: “Tôi không phải là Trời, Rồng gì cả, mà tôi chỉ có lòng tin Phật, được nghe Chánh pháp và tôi tu trì ngũ giới. Nay tôi vì thương Đại vương nên nhập Từ ái Tam muội thiền định. Dầu cho Đại vương có ác tâm cũng không thể làm hại được lòng từ bi của tôi”.

Nhà vua nghe xong hết sức ăn năn khi đã tin lời sàm tấu của đệ nhị phu nhân. Ông liền vội vã chạy đến chỗ Phật rồi tự thuật lại chuyện vừa xảy ra và cầu xin ăn năn sám hối, rồi quy y Tam bảo, làm kẻ Ưu Bà Tắc .

Lời bàn:

Từ vô thủy đến nay, dù là vô tình hay cố ý, chúng ta đã tạo biết bao nhiêu nghiệp chướng. Bởi do chúng ta thiếu trí tuệ vì lầm lẫn và si mê. Ta đã gây ra không biết bao nhiêu ác nghiệp, không thể nào tính lường cho được.

Nếu các nghiệp ác này có hình tướng thì vũ trụ này chứa không hết. Chúng ta hãy bình tâm mà suy nghĩ và tự hỏi lại xem mình đã từng trộm cướp, sát sinh, tà dâm không? Khẩu nghiệp đã từng nói dối, nói lời thêu dệt, nói hung ác và nói lưỡi đôi chiều không? Tâm ý chúng ta có tham, giận và si mê không? Hay là ta đã nghe lời dịu ngọt của người khác mà nghi oan và ám hại người vô tội? Nếu có như vậy thì từ nay ta nên phát tâm sám hối, nguyện làm mới cả thân và tâm cho được thanh tịnh.

Tuy nhiên, chỉ sợ chúng ta đã lỡ tạo ra nghiệp ác mà không chịu ăn năn hối lỗi, thề không tái phạm và nhờ Phật – Pháp – Tăng chứng minh cho lời phát nguyện ấy. Sám hối không có nghĩa là “rửa tội” với nguyên tắc một thánh thần tha tội cho một người, mà chúng ta phải sám hối:

“Tội tùng tâm khởi, tùng tâm sám

Tâm nhược diệt dĩ tội diệt vong”.

Tội do tâm mà có, cũng do tâm mà diệt. Khi tâm tội lỗi đã diệt thì tội cũng diệt. Thế thì, sám hối là phát tâm hổ thẹn tội lỗi đã làm. Tự khẳng định ý chí cương quyết của mình, đứng trước Tam bảo chắp tay, dốc lòng giải bày, hổ thẹn, đổi mới, rửa sạch tâm can. Được như vậy, thì tội nào chẳng tiêu, phước nào chẳng được và nguyện cầu xin sức gia hộ của đức Phật để đừng vi phạm tội lỗi. Như vị vua Ưu Đà Diên trong đoạn kinh nêu trên, đã hết sức ăn năn vì tin lời sàm tấu của đệ nhị phu nhân.

Và cuối cùng chấp nhận hành động sai quấy của mình vì thiếu tuệ giác nên đã đến gặp Phật xin bày tỏ và sám hối nguyện không tái phạm. Có nhận ra điều sai quấy của mình mà phát lồ sám hối để chừa bỏ và rút kinh nghiệm như vậy thì trong sự tu tập chúng ta mới có lợi ích, thân tâm thanh tịnh và luôn sống từ bi, cao thượng trong đời ác ngũ trược này

Sắc đẹp

Nước Câu Lưu có một người Bà la môn tên là Ma Ha Mật, nhà rất giàu và có trí huệ hơn người. Ông ta làm quan đến chức Quốc sư, nhưng bị lòng xan tham chẳng tin Phật pháp. Ông ta sinh hạ được bảy đứa con gái, nhan sắc đẹp đẽ vô cùng, lại thêm giàu có vàng ngọc trang sức đầy đủ trang nghiêm. Bấy giờ, có ông bạn tên là Phân Nho Đạt đến bảo người Bà la môn rằng: “Anh đem mấy đứa con gái vào trong thành cho mọi người cùng ngắm, nếu có người chê xấu thời anh đưa tôi năm trăm vàng, mà không có một ai chê xấu thời tôi đền anh năm trăm vàng”. Hai ông bèn dẫn bảy đứa con gái dạo khắp nước, thời gian đến chín mươi ngày mà không một ai chê xấu nửa lời. Bây giờ, hai ông nghe tin đức Phật thuyết pháp tại tịnh xá Kỳ Viên, liền rủ nhau dẫn đến nơi Phật mà tâu rằng: “Ngài hay dạo khắp các nước, Ngài đã từng thấy những người con gái nào xinh đẹp như vậy không?”. Phật quở thẳng rằng: “Mấy đứa con gái này chẳng có gì đẹp cả”. Bà la môn nói: “Toàn quốc không một ai chê con tôi xấu mà sao Ngài lại chê nó xấu?”.

Phật đáp: “Người đời người ta xem cái đẹp của năm căn, năm cảnh là đẹp, còn ta cho là cái thân chẳng tham trơn lán, cái miệng chẳng nói lời ác, tâm ý chẳng nghĩ điều ác mới là đẹp vậy” .

Lời bàn:

Cuộc đời ai cũng quan niệm rằng hình sắc bên ngoài của cơ thể là đẹp và chấp nhặt vào nó, mong sao cho nó trẻ mãi không già. Thường thì người ta chỉ dám nghĩ đến da thẳng, má hồng, mũi cao, mắt sắc chớ có mấy ai dám nghĩ đến và mơ tưởng đến da nhăn, má hóp bao giờ. Nhưng ai cũng phải thuận theo quy luật của tự nhiên, có sinh thì phải có già, bệnh và chết.

Lúc nhỏ ta chỉ nghĩ đến cái “sắc thể” mà không nghĩ đến “không thể”. Ta chỉ nghĩ đến trẻ trung hay huy hoàng chứ ta đâu có nghĩ đến cảnh già nua và chết chóc. Khi ta lớn lên, qua bao cuộc thăng trầm của cuộc sống rồi mới thấy cuộc đời này là tạm bợ; đẹp đó rồi phai tàn đó, giàu có đó rồi cũng đến lúc nghèo cùng khốn khổ đó. Mùa xuân thì cây cỏ đâm chồi, nẩy lộc xanh tươi nhưng sang thu và đông thì cảnh vật đìu hiu, trơ cành và tàn tạ, trụi lá. Đó là quy luật tự nhiên. Biết vậy để ta không chán đời, yếm thế và chấp nhận cuộc sống phù du mà cố gắng công phu tu tập để đạt được một cảnh giới cao hơn, hạnh phúc hơn, nơi ấy không còn có sự khổ đau và luân hồi sinh tử.

Với tuệ giác của Thế Tôn, Ngài chẳng bao giờ cho rằng cái gì tồn tại trên hình thể của tứ đại này là đẹp, dù là má hồng hay đôi mắt ướt, mà Ngài chỉ công nhận cái đẹp từ tâm của con người ấy. Khi người ấy phát nguyện tu hành từ bỏ những nghiệp ác và hành nghiệp thiện mới là cái đẹp bất biến của cuộc đời.

Dây đàn

Một thuở nọ Thế Tôn an trú tại Linh Thứu, gần thành Vương Xá, còn Tôn giả Sona ở trong rừng Sita cách Vương Xá không xa. Vì thiếu chánh niệm để phiền não chi phối, Sona muốn trở lại đời sống thế tục, làm các công đức, hưởng thụ hạnh phúc như một người bình thường. Với tha tâm thông, Thế Tôn biết tâm niệm của người đệ tử ấy, liền vận dụng thần túc đến trước Sona và hỏi thầy về những suy nghĩ vừa rồi. Sona thú thực với Thế Tôn về suy nghĩ của mình. Phật liền hỏi thầy về phương pháp chơi đàn tỳ bà – vốn là sở trường của Sona – để khích lệ Tôn giả tiếp tục tinh tấn:

– Này Sona, ông nghĩ sao khi các dây đàn tỳ bà quá căng? Nó có phát âm đúng thanh điệu không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Khi lên dây đàn quá chùn, âm thanh có êm dịu không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Vậy khi vặn dây đàn không căng, không chùn, vừa đúng mức trung bình, âm thanh có êm tai không?

– Thưa có, bạch Thế Tôn!

– Cũng vậy, này Sona, khi tâm trí quá căng thẳng thì phát sinh dao động, khi tâm trí quá dao động thì phát sinh biếng nhác. Do vậy, ông phải vận dụng tâm trí quân bình, không quá căng thẳng, cũng không quá thụ động thì sự tu tập mới đạt được tiến bộ!

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Sau khi vâng lời Thế Tôn chỉ giáo, Tôn giả Sona sống độc cư, an tịnh, không phóng dật, nỗ lực một cách quân bình, nhờ vậy chứng đạt mục đích mà các thiện nam tử xuất gia kỳ vọng: vô thượng cứu cánh phạm hạnh và an trú trong hiện tại .

Lời bàn:

Khi chúng ta đã phát tâm tu hành thì tất nhiên ta phải từ bỏ mọi chấp có vào âm thanh và sắc tướng. Bởi vì bản chất của âm thanh và sắc tướng là giả tạm và cũng là nguyên nhân để gây ra nguồn gốc của mọi khổ đau. Mục đích tối hậu của chúng ta là mong cầu đạt thành chánh quả, được làm Phật.

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn nhận sâu sắc vào đời sống thực tại thì chúng ta sẽ không còn phiền não. Những khổ đau mà ta đã gặp ngày hôm qua và cũng chẳng mong ước những điều hạnh phúc vào ngày mai. Ta chỉ nên tập trung chánh niệm vào các hành động như đi, đứng, nằm, ngồi hoặc làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng luôn luôn tỉnh thức nhận biết giây phút hiện tại đó; không buông thả suy nghĩ của mình hướng về quá khứ hay tương lai, cũng không hướng đến bất kỳ việc gì khác ngoài công việc đang thực hiện trong hiện tại. Đạo Phật gọi trạng thái này là chánh niệm. Khi chúng ta có chánh niệm tức là đã gặt hái được thành công trong tu tập.

Với tuệ giác của Thế Tôn, Ngài đã so sánh và đối chiếu việc tu tập cũng giống như một người nghệ sĩ đánh đàn. Nếu ta so giây căng quá thì dây đàn sẽ đứt. Nếu ta so dây chùn quá thì dây đàn sẽ không kêu. Còn nếu so dây vừa phải, đúng tầm mức thì giây đàn sẽ phát ra âm thanh rất hay. Trong thi ca cũng có câu: “Phải khéo tay như nghệ sĩ chơi đàn, mới tạo được những âm thanh kỳ diệu”.

Quá khứ đã trôi qua, tương lai thì chưa đến, chỉ có hiện tại đang tiếp diễn. Ta nên nương vào giây phút hiện tại để thúc liễm thân tâm, trau dồi kiến thức và trân trọng những cái mà ta đang có. Ta hãy xả bỏ mọi chấp mắc và lo âu của ngày hôm qua.

Sống xứng đáng là một người đệ tử Phật, thanh lọc những chướng ngại của tâm nhỏ nhen, ích kỷ, ganh tỵ, hiềm khích để thay vào đó là những đức tính khoan dung độ lượng, dung hòa cùng tất cả mọi người. Đó cũng chính là cách sống chân chánh của một người Phật tử. Hãy tập sống như những vị Bồ tát hóa thân, lòng vị tha và hạnh nguyện giúp đỡ mọi người, giúp đỡ nhau tinh tấn tu tập cùng đồng sinh về cảnh giới Tây phương Cực lạc. Hãy chọn cho mình một pháp môn tu thích hợp và một lối sống đơn giản để không quá ưu tư trong đời sống của văn minh vật chất của thế kỷ 21 này.

Lễ phép

Khi Phật ở thành Xá Vệ, bây giờ có nhà học vấn sâu rộng tên là Bà Tư Nị Ca, gia tư tại thôn Trưởng Đề cách thành Xá Vệ về phía Tây hơn 20 dặm. Ông này có lòng thâm tín Phật giáo và hạ sinh được cô gái đầu lòng tên là An Đề Giá, đã gả lấy chồng và theo chồng ở xa. Một hôm, cô con gái có việc trở về nhà vừa lúc Phật sắp đến nhà ông Bà Tư Nị Ca theo lời mời của ông bữa trước.

Khi Phật đến, cả nhà đều ra nghinh tiếp, duy chỉ cô An Đề Giá không ra vì đợi người chồng về. Lúc sau người chồng về, cô rất vui mừng, rồi hai vợ chồng cùng ra lễ Phật. Phật bảo với ngài Xá Lợi Phất: “Khi thầy trò mình đến, cô này không ra vì chưa có mặt chồng, đợi khi nào chồng về hai người mới ra lễ. Cô này đã hiểu lễ phép lắm vậy!” .

Lời bàn:

Trong cuộc sống gia đình, nếu ai cũng biết tôn kính nhau thì chắc chắn gia đình sẽ có hạnh phúc lớn. Lễ phép đối với các bậc trưởng thượng là chuyện đương nhiên, nhưng sự lễ phép trong cuộc sống vợ chồng cũng cần phải có. Nếu hai vợ chồng đều có sự tôn trọng ý kiến của nhau, chồng biết thương yêu, kính trọng và trung thành đối với vợ, săn sóc chu đáo đời sống kinh tế của người vợ với sự cung cấp đầy đủ các tiện nghi vật chất, nuôi dưỡng tình cảm, thường tặng quần áo, đồ trang sức… Đáp lại, người vợ phải thương yêu, kính trọng và trung thành với chồng. Trong khi người chồng bận rộn với công việc xã hội thì bổn phận người vợ là quản lý giỏi các công việc và của cải làm ra của gia đình. Người vợ không được ỷ lại sự thương yêu, săn sóc của chồng; lại không được ngoại tình, không được sai khiến chồng như bà chủ, không được phung phí tài sản… Đây là một đòi hỏi tất yếu và là một điều tuyệt vời trong một gia đình.

Thông thường, khi đã là vợ chồng, con người thường thiếu cảnh giác trong thái độ đối xử với nhau. Đây là một thiếu sót. Lễ phép và kính trọng là một thái độ cần thiết trong tương giao của vợ chồng. Thái độ này nói lên sự kính trọng đầy tính người, vừa làm cho tình yêu rực rỡ thêm, đón nhận sự an lạc và hạnh phúc. Thái độ lễ phép và kính trọng cần thể hiện từ đáy lòng và bền chặt. Vì kính trọng lẫn nhau nên không được gây tổn thương đến danh dự, giá trị của nhau bằng bất cứ việc làm nào. Yêu người khác là gây một tổn thương lớn cho người bạn đời. Do đó, đòi hỏi phải trung thành với nhau.

Những yếu tố trên luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống gia đình và trong đạo đức cá nhân của mỗi người. Tự do của con người trong đời sống không phải là buông thả mà là phải khép mình trong một khuôn phép của đạo đức để mang đến hạnh phúc cho nhau, tránh được sự mất niềm tin lẫn nhau. Nếu chúng ta có sự nghi ngờ và đánh mất tính chung thủy là điều không nên xảy ra trong đời sống gia đình. Đó cũng là một khuôn phép tối thiểu của một gia đình có học. Nếu tất cả các đôi vợ chồng đều có sự tôn trọng nhau, cùng chung một suy nghĩ, chung một hành động như cô con gái của trưởng giả trong đoạn kinh trên thì có thể tạo được nhân tốt cho chính bản thân mình và là tấm gương sáng cho con cái sau này. Nhiều gia đình sẽ tránh được sự hờn giận, mặc cảm và khổ đau.

Thời đại ngày nay, nếu người Phật tử xây dựng được một nếp sống gia đình thiết thực và lành mạnh thì ai ai cũng được an hưởng sung sướng, hạnh phúc và từ đó làm nấc thang để có thể tiến cao hơn, hướng về giải thoát hoàn toàn theo quan điểm của Phật giáo.

Người cúng cháo gạo

Bấy giờ, Thế Tôn trú tại Andhaka–vinda. Thời ấy, một căn bệnh trúng gió phát sinh trong bụng Thế Tôn.

Thế Tôn bảo Tôn giả Ànandà:
– Này Ànandà, khi ông đi khất thực, hãy đem về một ít cháo để làm thuốc trị bệnh cho Ta!
– Bạch Thế Tôn, con sẽ làm như vậy!

Tôn giả hứa xong rồi cầm bình bát do Tứ Đại Thiên Vương tặng đến đứng trước nhà vị y sĩ cận sự của Tôn giả. Bà vợ của y sĩ thấy Tôn giả, liền đảnh lễ, cầm bình bát và bảo vị Tôn giả:
– Bạch Tôn giả, Tôn giả cần loại thuốc gì?

Bởi bà ấy là người thông minh nên nhận
ra rằng: “Tôn giả này đến đây cần dược liệu, chứ không phải thực phẩm”.

Và khi Tôn giả bảo:
– Xin cho một ít cháo gạo.
Bà suy nghĩ: “Thuốc này không phải dành cho sư phụ ta. Quả thật chiếc bình bát này không phải của ai khác ngoài Thế Tôn. Nào ta hãy tìm cho được loại cháo gạo thích hợp với vị cứu nhân độ thế”.

Lòng tràn ngập cung kính, bà nấu món cháo với nước trái táo, đổ đầy bình bát. Và để dùng chung với cháo, bà sửa soạn thêm vài thực phẩm khác nữa. Nhờ dùng món này, bệnh của đức Thế Tôn được thuyên giảm. Về sau, bà ấy từ trần, tái sinh vào cõi trời ba mươi ba, thọ hưởng đại thiện lạc .

Lời bàn:
Là người Cư sĩ Phật tử, chúng ta nên quan tâm sâu sắc đến đời sống của các bậc xuất gia phạm hạnh. Bởi vì những người ấy đã hy sinh những hạnh phúc của riêng mình để làm hạnh phúc cho tha nhân, trong đó có bản thân chúng ta.

Cũng nhờ các vị ấy đã duy trì mạng mạch Chánh pháp, Phật giáo mới trường tồn đến ngày hôm nay. Chính vì thế mà Phật tử mới có cơ duyên biết được Phật pháp mà phát tâm tu hành để dứt trừ những sợi dây phiền não trói buộc chúng ta từ vô lượng kiếp, có được đời sống đạo đức, khuôn phép và an lạc trong đời sống thường nhật. Vì thế, các Phật tử phải luôn săn sóc và ủng hộ các nhu cầu vật chất tối thiểu (y áo, thuốc men, gường chiếu và thực phẩm) và biểu lộ chân thành lòng thương yêu, kính trọng. Chư Tăng thường bị ràng buộc về giới luật nên không nói rõ với các Phật tử các nhu cầu trên nên các Phật tử cần hiểu rõ điều này, đến gần để biết rõ các vị đang cần gì để hộ trì.

Hộ trì chư Tăng có nghĩa là hộ trì Chánh pháp, mong muốn Chánh pháp được trường tồn dài lâu giữa đời. Chánh pháp còn tồn tại lâu dài thì cuộc đời còn thêm phần an lạc. Hộ trì như thế có nghĩa là chúng ta đã đóng góp sức mình vào việc làm đẹp cho đời và cho chính tự thân mình. Đáp lại, chư Tăng là người vô sản, trọn đời chỉ học Phật pháp và tu tập, thúc liễm thân tâm, chiù trao cho người Phật tử tấm lòng từ mẫn, dạy cho Phật tử hiểu biết về lý nhân quả, giới thiệu con đường để đoạn khổ, cung cấp kiến thức, trao truyền năm giới, mười giới và khích lệ các Phật tử tự giác tỉnh vô thường mà phát khởi tinh tấn tu tập. Tương hệ này là đầy tình đạo tình đời. Mối tương hệ đó như là một sự trao đổi hai chiều các nhu cầu của mỗi phía một cách công bằng và có tính cách tự nguyện, không ràng buộc nhau, không gây thiệt thòi phía nào. Chư Tăng không chỉ giảng dạy Phật pháp và con đường tu tập mà còn đảm trách thêm việc giáo dục hướng dẫn về kinh tế, quản lý gia đình và tâm lý cá nhân, xã hội. Chư Tăng cần ở Phật tử về nhu cầu vật chất để làm phương tiện trong đời sống tu tập.

Vì vậy, bổn phận của người Phật tử là luôn quan tâm, gần gũi và hộ trì Tam bảo. Làm cho Phật pháp ngày càng hưng thịnh là chúng ta đã gieo trồng công đức vô lượng. “Phật pháp trường tồn do Tăng già hoằng hóa, Thiền môn hưng thịnh do đàn việt phát tâm”. Hệ song hành này không thể thiếu một. Nếu thiếu một trong hai thì Phật pháp sẽ không còn tồn tại. Đó cũng là trách nhiệm và bổn phận riêng của người xuất gia cũng như tại gia phải hiểu và thực hành cho đúng pháp.

Con rùa mù

Phật bảo các thầy Tỳ kheo rằng: “Chốn đại địa này biến thành biển cả. Bấy giờ, có một con rùa mù sống lâu vô lượng, qua trăm ngàn năm mới ngóc đầu lên một lần. Tại biển cả có một cây gỗ nổi lênh đênh, khi Đông, khi Tây vì bị sóng dập gió dồi liên tiếp. Trong thân cây chỉ có một cái lỗ. Thế mà con rùa mù ngóc đầu tìm cây và chui đầu vào cây trông có dễ không?”.

A Nan trả lời rằng: “Bạch Thế Tôn! Khó mà gặp được bởi lẽ rùa thì mù, biển Đông Hải lại quá mênh mông, cây ấy lại nổi, trôi theo chiều sóng gió đẩy đưa, Đông Tây bốn hướng nào có định đậu nơi nào, cho nên chắc chắn khó mà gặp được”.

Phật dạy: “Rùa mù, cây trôi tuy khó gặp nhưng còn có hy vọng, chớ đến như kẻ phàm tục ngu si, trôi nổi trong năm thú mà tái sinh được thân người mới thật là khó hơn rùa gặp thân cây gấp mấy lần. Vậy nên, các ngươi chính ngày nay phải tinh tiến, tìm mọi phương tiện phát khởi tâm muốn học đạo còn tăng cao mới được .

Lời bàn:

Ngẫm cho cùng, để làm được thân người thật là khó. Điều đó cũng đã được đức Phật ví dụ như con rùa mù chui vào bọng cây trong đoạn kinh trên. Lục đạo như một vòng xoay vô tận mà từ lâu chúng ta đã lặn hụp trong biển khổ của sinh tử luân hồi. Bởi chúng ta chấp trước vào những cái mình có mà không chịu phát tâm cầu giải thoát, từ kiếp này qua kiếp khác chỉ mãi đuổi theo những ảo ảnh của lợi danh, phải chịu biết bao nhiêu khổ não. Trong vòng xoáy đó, ta đã tạo ra biết bao nhiêu nghiệp chướng. Chuỗi móc xích ấy do chính chúng ta gút thắt thì cũng phải tự chính chúng ta mở ra. Muốn tháo gỡ được chúng, bằng cách là ta phải phát tâm Bồ đề, xả bỏ mọi chấp mắc. Tu khó hay dễ là tùy theo sự tinh tấn của chúng ta. Tu có thể là xuất gia hay tại gia tùy theo quan điểm riêng của mỗi người. Làm được thân người đã khó mà chúng ta còn gặp được Phật pháp ngay trong kiếp này là điều hữu duyên lớn, nên ta hãy đem hết nghị lực và tâm trí mà vượt qua bờ sinh tử luân hồi ngay từ bây giờ.

Ta hãy nương theo giáo pháp của đức Như lai mà tu hành để cầu giải thoát, đừng đợi đến khi già nua mới phát tâm tu thì có lẽ cũng đã hơi muộn màng rồi.

Hạnh nhẫn nhục

Ngài Phú Lâu Na thưa Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con đã được nhờ Thế Tôn giáo hóa. Nay con muốn qua xứ Du Lô Na, phía Tây để hóa độ mọi người bên ấy”.

Phật hỏi: “Người dân xứ kia tính tình hung ác, dữ tợn, tệ bạo mà hay mắng chửi. Nếu ngươi bị họ làm dữ và mắng chửi, hủy nhục thì ngươi làm sao?”.

Thưa: “Nếu đối với trước mặt con mà họ tệ bạo như thế thì con tự nghĩ: họ còn hiền lành và có trí khôn, tuy làm dữ như thế mà chẳng cầm đá đánh đập”.

Phật hỏi: “Họ làm thế ngươi còn nhẫn được, chớ phỏng họ dùng đá đánh đập ngươi thì ngươi nghĩ sao?”.

Thưa: “Nếu họ làm vậy con lại nghĩ rằng họ còn chút hiền lành và có trí khôn nên chẳng dùng dao gậy”.

Phật hỏi: “Nếu họ dùng tới dao gậy ngươi làm cách nào?”.

Thưa: “Nếu họ làm vậy con tự nghĩ rằng họ vẫn còn hiền lành và có trí khôn. Tuy là đánh chém mà chẳng giết chết”.

Phật hỏi nữa: “Phỏng như họ giết chết ngươi, bấy giờ ngươi sẽ tính cách nào?”.

Ngài Phú Lâu Na lại thưa đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Quả thật nếu họ giết chết con, con lại nghĩ rằng họ cũng còn hiền lành và có trí khôn với tấm thân hủ bại này, họ làm chút phương tiện khiến con liền được giải thoát”.

Phật khen ngợi: “Hay thay Phú Lâu Na! Ngươi đã học được pháp nhẫn nhục. Ngươi nay đã đủ sức qua ở bên xứ Du Lô Na mà giáo hóa nhơn gian. Ngươi nên đi ngay, qua bên ấy ngươi sẽ độ cho những kẻ chưa được độ, an ẩn những kẻ chưa được an ẩn, và những kẻ chưa được Niết bàn thì ngươi hãy độ cho họ được Niết bàn .

Lời bàn:
Nhẫn nhục là một phương pháp tu tập rất cần thiết của người Phật tử. Chúng ta dù đứng trước hoàn cảnh thuận hay nghịch, khen hay chê, thành công hay thất bại tâm trí vẫn nên bình tĩnh, không bi quan, không lạc quan trước hoàn cảnh. Đó là phép thực tập chánh niệm để chúng ta đoạn trừ phiền não. Trong cuộc sống đời thường, thực tập hạnh nhẫn nhục sẽ giúp chúng ta tẩy trừ được những nóng giận, tránh được những điều càn dở thiếu suy nghĩ. Nhờ vậy mà tâm trí ta được bình tĩnh, sáng suốt trước những hoàn cảnh đổi thay, trái ngược.

Thực hành hạnh nhẫn nhục tức là chúng ta tập nhìn theo một cái nhìn trí tuệ, không biên kiến, không chấp mắc vào cái được và không được, thuộc về mình hay của người. Ta có thể nhìn nhận và cảm thông cho mọi người, khởi lòng từ bi đối với mọi nghịch cảnh mà chúng sinh đang hứng chịu, để rồi ta có thể lấy khổ của người làm cái khổ riêng mình và lấy cái vui của người làm cái vui của mình. Có như thế, ta mới không gây đau khổ cho ai, thương yêu và bình đẳng với tất cả mọi người. Nếu thực hành hạnh nhẫn nhục một cách tinh cần thì ta sẽ chế ngự được những phiền não bộc phát từ trong tâm ý mình.

Nhờ tu theo hạnh nhẫn nhục, ta sẽ không còn bị năm món tài, sắc, danh, thực, thùy của thế gian chi phối. Ta luôn luôn sống trong sự an lạc và tỉnh thức trong những việc thường ngày. Đó chính là lợi ích thiết thực của việc tu tập nhẫn nhục.

Cô gái cúng dầu

Nước Xá Vệ có cô gái nghèo tên Nan Đà, thân thế cô độc thân, sống bằng nghề ăn xin. Bấy giờ, cô thấy các vị vua chúa, quan đại thần, trưởng giả cúng dường Phật và chư Tăng, cô tự nghĩ: “Ta mắc tội báo gì mà sinh vào nhà bần tiện như thế này nên không thể cúng dường đấng phước điền?”. Cô tự hối trách lấy mình.

Một ngày nọ, đi xin chỉ được một đồng tiền, cô liền đến nhà bán dầu để mua dầu với tâm nguyện cúng dường Thế Tôn. Người bán dầu hỏi: “Mua một đồng, số dầu rất ít dùng sao được? Vì sao mua ít thế?”. Nàng liền tỏ bày nỗi niềm và tâm nguyện của mình. Sau khi nghe, người bán dầu thương tình bán cho cô số dầu gấp đôi so với số tiền của cô. Nan Đà xiết đỗi vui mừng, đem thẳng đến tịnh xá Kỳ Viên cúng dường Thế Tôn. Rồi nàng phát nguyện rằng: “Nay tôi xin đem một ngọn đèn mọn cúng dường đức Phật. Nguyện nhờ công đức này, đời sau tôi được trí tuệ sáng suốt và dứt trừ được tất cả ngu ám cho tất cả chúng sinh”. Phát nguyện xong cô lễ Phật và lui về.

Quá nửa đêm, các ngọn đèn kia tự tắt hết, chỉ còn một ngọn đèn của cô gái là không tắt. Ngài Mục Kiền Liên ba lần cố tắt nó nhưng không được. Đức Phật thấy, bảo: “Này Mục Kiền Liên, ngọn đèn đây do người tín nữ đem tâm Bồ đề mà cúng dường. Dầu cho lấy nước bốn biển đổ dồn lên nó cũng không thể tắt!” .

Lời bàn:

Qua câu chuyện “Cô Gái Cúng Dầu” trên, chúng ta thấy được rằng: “Trong đời sống, niềm tin rất quan trọng. Nhưng niềm tin đó phải là chánh tín. Niềm tin này phải dựa vào lòng chí thành của mình, vào sự chân thật, không bị dao động bởi những lời lẽ và sự bài xích của người khác.

Như chúng ta tin rằng: cúng dường thì sẽ được phước. Niềm tin này phải dựa trên cơ sở của trí tuệ chứ không phải là: ai sao tôi vậy. Trước khi tin, chúng ta phải hiểu rõ niềm tin dựa trên sự phân tích và những kinh nghiệm thực tiễn. Trong đạo Phật, niềm tin là do sự hiểu biết tuyệt đối chứ không tin mù quáng, không mê tín và không dựa vào tha lực tối thượng của một quyền năng nào cả. Rất nhiều người, trong đó có cả những Phật tử hiểu lầm rằng: đi chùa lễ Phật, dâng hoa cúng quả dưới chân đức Từ phụ, thắp vài nén nhang là có thể yên chí rằng đức Phật đã chứng giám cho mình. Chúng ta hãy đến với đức Phật bằng cả tâm Phật và bằng cả một niềm tôn kính dành cho một bậc đạo sư đã vạch ra và soi sáng con đường dẫn chúng ta đến bờ giải thoát, hoặc ít nhất là Ngài dẫn chúng ta đến một cuộc sống toàn thiện và gương mẫu.

Nếu chúng ta đến cúng Phật bằng niềm tin chánh tín như vậy thì nguồn năng lượng tha lực của chư Phật và năng lượng tâm linh chúng ta mới giao thoa với nhau. Lúc ấy, chúng ta sẽ đạt được như sở nguyện, giống như cô gái cúng dầu trong đoạn kinh trên.