Là Phật Tử, không ai mà không biết Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật (Ða). Bởi vì, trong hầu hết các buổi lễ tụng niệm đều có tụng Tâm Kinh Bát Nhã, chính vì thế mà hầu hết các Phật Tử đã thuộc lòng bài kinh này, nhất là đoạn: “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” (Sắc không khác Không, Không không khác Sắc; Sắc là Không, Không là Sắc).
Ðoạn kinh này rất là ngắn gọn nhưng nghĩa lý thì vô cùng thâm sâu, Khiến nhiều vị thâm uyên đạo pháp đều xác nhận rằng: Chưa hiểu nghĩa “Sắc Không” thì không thể nào hiểu được Phật pháp.
Tôi vì được nghe và tụng bài Tâm Kinh Bát Nhã này nhiều lần, mặc dù chưa hiểu được ý nghĩa của đoạn kinh ấy, mà tôi cũng đã thuộc nằm lòng tự lúc nào, giả sử muốn quên cũng không thể nào quên được.
Vì quá thuộc lòng mà không hiểu nên tôi có nhiều thắc mắc và muốn tìm hiểu; do đó khi đọc bất cứ kinh sách nào, hay các bài pháp luận nào, mà có nói đến nghĩa lý của “Sắc Không” là tôi đều ghi chép lại để suy tư tìm hiểu, với hy vọng là vào một ngày nào đó tôi sẽ may mắn hiểu rõ được nghĩa lý ấy; dù cố gắng rất nhiều nhưng đến nay tôi cũng chưa thể giải đáp thích đáng cho câu kinh ngắn gọn này.
Sau đây là các lý giải về nghĩa ” Sắc Không” mà tôi được đọc hoặc được nghe giảng:
**Hòa Thượng Thích Duy Lực giảng: Theo sự hiểu biết thường tình, Sắc là tất cả vật chất có hình tướng, Không thì không phải là vật chất; lý này có nghĩa là Sắc và Không khác nhau; nhưng ý của Tâm Kinh thì “Sắc Không” bất nhị, chẳng có khác biệt.
Lại có người giải thích nghĩa “Sắc Không” qua sự thành hoại của sự vật, như cái bàn gọi là “Sắc”; đến khi cái bàn bị mục nát hoặc vì biến cố mà bị tiêu diệt, không còn nữa thì gọi là “Không”.
Lý giải như vậy thì thành ra hai rồi, chớ không phải nghĩa “bất nhị” mà Phật muốn chỉ dạy. Dẫu cho giải câu “Sắc bất dị không” như thế là đúng đi, còn câu “Không bất dị sắc” thì làm sao mà giải thích?
Cũng có người giải Sắc Không theo nghĩa nhân duyên, tức là do nhân duyên hòa hợp thì thành Sắc, nhân duyên tan rã thì thành Không; Lý giải này là đã phân hai rồi, vì là có khác biệt rồi, đâu phải là nghĩa “Bất Nhị” của Phật pháp.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”, Sắc do tâm tạo, Không cũng do tâm tạo, cả hai đều không có tự tánh thì đâu cần tiêu diệt Sắc rồi mới có thể thành Không? Cũng không cần phân biệt tánh hay tướng, vì còn phân biệt thì đã là Nhị rồi.
Như cũng là cái bàn mà nếu lý luận như vầy: Cái bàn là Sắc, và quán chiếu tự tánh của cái bàn, thấy được cái “đương thể nhất không” của cái bàn, là “tánh không” của nó; cái bàn (Sắc) và tánh không (Không) của nó đồng hiện hữu cùng một lúc, bất tương ly và không sai biệt.
Lý này nói lên cái Không của cái bàn mà không đợi cho đến khi cái bàn bị hoại, nghĩa là ngay đang khi hiện là cái bàn, nó đã đồng thời hiển hiện cái Không của nó.
Lúc ta thấy Sắc, Sắc vốn là Không, bởi vì Sắc đó do tâm tạo, vốn không có thật, cho nên không chấp cái Sắc là thật thì “Sắc tức thị Không”. Cũng không chấp cái Không là thật thì “Không tức thị Sắc”.
Hai cái vốn không khác biệt, chỉ tại chúng sanh mê lầm chấp trước, mới phân biệt có Sắc có Không.
Sắc uẩn trong ngũ uẩn như vậy thì 4 uẩn kia cũng như vậy, cho nên nói “Diệt phục như thị”. Nếu lấy Thọ uẩn để nói thì “Thọ bất dị Không, Không bất dị Thọ; Thọ tức thị Không, Không tức thị Thọ”.
Nếu lấy Tưởng để nói thì “Tưởng bất dị Không, Không bất dị Tưởng; Tưởng tức thị Không, Không tức thị Tưởng”. Nếu lấy Hành để nói thì “Hành bất dị Không, Không bất dị Hành; Hành tức thị Không, Không tức thị Hành”. Nếu lấy Thức để nói thì “Thức bất dị Không, Không bất dị Thức; Thức tức thị Không, Không tức thị Thức”.
“Tánh Không” là tánh không có tự tánh. Vậy thế nào là tự tánh?
Gọi là Tự tánh khi hội đủ ba điều kiện hay ba phẩm tính là:
1 – Không cần tạo tác mà thành.
2- Không nhờ vào các pháp khác để mà thành.
3 – Và bất biến dị trong mọi nơi chốn (không gian) và mọi thời (quá khứ, hiện tại, vi lai).
Nếu không có đủ 3 điều kiện trên thì không phải là tự tánh. Cái nhà, cái bàn, các thú vật, con người trên thế giới đều không có đủ 3 đặc tính trên, nên đều không có tự tánh.
** Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát (và chư Phật) đầy đủ tâm từ bi và trí tuệ, vừa tuệ Bát Nhã vừa lòng từ bi của Phật tánh đồng nhất thể.
Ðối với chúng sanh vì lòng từ bi, nên dù đã chứng đắc mà không vào Niết Bàn ngay, lại dừng tại cửa ngõ Niết Bàn để dìu dắc cho tất cả chúng sanh đồng vào.
Bởi vì, sự cầu thành Phật không những chỉ ích kỷ mà còn phủ nhận Phật tánh không phân biệt sẵn có của mình và của mọi người; Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát có đầy đủ tự giác giác tha.
Vì nhờ Bát Nhã mà biết tất cả chúng sanh như huyễn, đây là nghĩa “Sắc tức thị Không”, tuy biết chúng sanh là huyễn mà Bồ Tát lại từ bi vì thấy chúng sanh đang đau khổ nên thị hiện vào sanh tử để hóa độ chúng sanh. Ðây là nghĩa “Không tức thị Sắc“.
Vì thế Phật Giáo không chỉ xuất thế mà luôn luôn tại thế, vì Bát Nhã (tuệ) có từ bi nên dung hòa mọi hình tướng, không có phân biệt chúng sanh và Phật, sống và chết, Niết Bàn và luân hồi.
Bồ Tát là bậc giác ngộ, đầy đủ trí tuệ nên không bị ràng buộc vào sắc tướng, các Ngài đã chứng đắc nên có thể nhập Niết Bàn nhưng vì lòng thương chúng sanh mà trở lại thế gian thị hiện thân tướng (Sắc), chỉ do lòng đại nguyện muốn cứu độ chúng sanh.
Ðây chính là nghĩa “Sắc là Không, Không là Sắc; Sắc không khác Không, Không không khác Sắc”.
** Thân tướng được coi là Sắc, còn Tâm tánh thì không hình dạng không mầu sắc nên gọi là Không, nhưng Tâm tánh và Thân tướng không rời nhau.
Kinh Lăng Nghiêm có dạy: Toàn Tướng tức là Tánh, toàn Tánh tức là Tướng. Ðây cũng là nghĩa “Sắc là Không, Không là Sắc; Sắc không khác Không, Không không khác Sắc”.
** Cũng nơi Tâm này mà Ngài Ðại Châu Tuệ Hải nói rõ ra cái nghĩa “sắc không”:
Có một vị Tăng hỏi Ngài Ðại Châu: Thế nào là tức sắc tức không, tức phàm tức thánh?
Ngài Ðại Châu bảo: Tâm có nhiễm tức sắc, tâm không nhiễm tức không, tâm có nhiễm tức phàm, tâm không nhiễm tức thánh. Lại nữa, chân không mà diệu hữu là tức sắc, sắc không có thật là tức không. Nay nói không là tánh sắc tự không, chẳng phải nói sắc diệt mới không.
Nói sắc là tánh không tự có sắc, không phải sắc hay làm sắc. Ðây là nghĩa của “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”.
** Hòa Thượng Thích Thiện hoa nói nghĩa “sắc không” khi giảng 2 câu sau đây:
Hữu Tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh,
Vô tâm hữu tướng, tướng tùng tâm diệt.
Tâm tạo ra tướng, tâm hạnh lành thì dù tướng xấu, tướng xấu ấy lần lần được tâm lành chuyển thành tướng tốt. Trái lại dù có tướng tốt như nét đẹp đoan trang, mà tâm cấu nhiễm thì tướng tốt này lần lần bị tâm xấu biến thành tướng xấu. Tâm thân đồng hợp bất ly.
Thế thì, thân là sắc, mà sắc do tâm sanh, tâm tạo ra sắc, nên Sắc tức là không. Nghĩa này đầy đủ cho “Không là Sắc, Sắc là Không; Không chẳng khác Sắc, Sắc chẳng khác Không”.
**Phật thuyết về sự vô minh vọng chấp của chúng sanh để hiển nghĩa “sắc không”.
Phật dạy: “Ví như họa sư, tự tay họa tượng quỷ Dọa Xoa, rồi thấy tượng quỷ lại kinh sợ tế xỉu xuống đất. Cũng vậy, tất cả chúng sanh phàm phu, tự tạo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nên qua lại sanh tử, thọ các khổ não mà chẳng tự hay biết, lại tự kêu khổ, chẳng biết khổ ấy là do chính mình tự tạo (do tâm tạo) ra”.
Tượng hình làm sợ hãi vốn không, lục trần và khổ não vốn không, chỉ vì vọng chấp mà thành ra có (sắc). Vì vọng mà thấy có sanh tử luân hồi, chứ chúng sanh đâu biết rằng sanh tử vốn như “hoa không”, đồng với huyễn hóa, nào có thật đâu! (Kinh Viên Giác).
Lý này hiển bày nghĩa “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc; Sắc chẳng khác không, Không chẳng khác Sắc”.
**Lần khác Phật dạy: “Này Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát! Vô minh này chẳng có thực thể. Ví như người trong mộng, trong khi mộng thì chẳng phải không, mà khi thức dậy rõ ràng không thể có. Như các hoa diệt ở trong hư không, chẳng thể nói là nhất định có chỗ diệt. Vì cớ sao? Vì không có chỗ sanh vậy. Tất cả chúng sanh ở trong vô sanh mà vọng thấy có sanh diệt, cho nên gọi là luân hồi sanh tử.
Người tu Viên Giác nhân địa của Như Lai biết được “Không hoa” này là dứt luân chuyển, cũng không có thân tâm thọ cái sanh tử kia. Chẳng phải do làm nó không mà bản tánh của nó là không vậy”.
Người mắt bị lòa nhặm thấy có hoa đốm trong hư không, đến khi bệnh lòa nhặm hết thì hoa đốm (không hoa) tự diệt, tức là từ Không mà thành Sắc, rồi từ Sắc mà trở thành Không.
Người đang mộng cho mộng là thực, đến khi thức dậy thì tự biết mộng đó không phải thực; cũng như chúng sanh vô minh vọng chấp tạo ra các nghiệp dữ nên bị luân hồi sanh tử, nếu biết rõ rằng do vô minh vọng chấp mà tạo các nghiệp, thì cái giác được vô minh vọng chấp đó không hề vô minh vọng chấp, không hề sanh tử, và cái giác đó lúc nào cũng không rời chúng sanh nửa bước.
Ấy là nghĩa “Sắc tức thị không, không tức thị sắc; sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc”.
**Lấy bài giảng của Phật cho Ngài A Nan về tánh thấy trong kinh Thủ Lăng Nghiêm để nghiệm ra lý “sắc không”.
Lúc ấy Ðức Như Lai từ trong bàn tay, phát một đạo hào quang báu chiếu bên phải ông A Nan, ông A Nan liền quay đầu trông qua bên phải, Phật lại phóng một đạo hào quang qua bên trái ông A Nan, ông A Nan cũng quay đầu trông qua bên trái. Phật hỏi ông A Nan: “Hôm nay đầu ông vì sao lại lay động ?”
Ông A Nan bạch: Con thấy Ðức Như Lai phát hào quang qua bên trái và bên phải của con, nên con trông qua bên phải bên trái, đầu con tự lay động.
Phật hỏi: Cái đầu ông lay động hay cái thấy lay động ?
Ông A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Ðầu con tự động chứ tánh thấy của con còn không ở đâu, lấy gì mà lay động.
Phật dạy: Ðúng thế.
Phật bảo với cả đại chúng: Chúng sanh lấy cái lay động gọi là trần, không ở yên gọi là khách, các ông xem ông A Nan, đầu tự lay động mà cái thấy không lay động, hãy xem bàn tay ta tự mở tự nắm mà cái thấy không ruỗi không co (không mở nắm).
Làm sao các ông lại lấy cái động làm thân, lấy cái động làm cảnh, tự đầu đến cuối, niệm niệm sanh diệt, bỏ mất chân tính, tâm tánh mất chỗ chân thật, nhận vật (thân xác) làm mình, xoay dần trong ấy, tự nhận lấy cái trôi lăng trong lục đạo.
Thế thì Tánh Thấy chẳng phải Sắc, tức là Không, còn cái đầu của ông A Nan là Sắc; cả 2 đều có sẵn nơi ông A Nan. Ðó là nghĩa “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”.
** Chuyện Hòa Thượng phá Táo đọa.
Một hôm Tung Nhạc Hòa Thượng dẫn chúng nào núi, có một cái miếu rất linh, trong điện chỉ để một vị Táo bằng gạch, dân chúng xa gần đến cúng kính liên miên, nếu không sẽ bị sát hại.
Sư vào miếu lấy gậy gõ vị táo 3 cái và nói: “Dốt ! Ngươi vốn gạch hợp thành, linh từ đâu lại, thánh từ chỗ nào hiện, mà sát sanh hại mạng đến thế ấy?”.
Táo gạch tự nghiêng ngã rồi bể nát. Chốc lát, có người đội mũ áo xanh, bỗng nhiên đứng trước mặt sư, lễ bái thưa: Tôi là Thần Táo thọ nghiệp báo đã lâu, ngày nay nhờ Ngài nói pháp vô sanh, đã thoát khỏi chỗ này, sanh vào cõi trời, đến đây bái tạ.
Sư nói: Tánh bản hữu của ông chẳng phải do tôi gắng nói ! Thần Táo lại lễ bái rồi ẩn.
Thị giả của Sư thưa: Chúng con theo hầu Hòa Thượng đã lâu, chưa nhờ chỉ dạy, Thần Táo được yếu chỉ thẳng tắt gì, liền sanh cõi trời ?
Sư đáp: Ta chỉ nói với y, ngươi vốn đất gạch hợp thành, linh từ đâu lại, thánh chỗ nào hiện, mà sát hại người thế ấy? Ngươi hãy nói mau! Nói mau!
Thị giả không nói được. Sư bảo: Lễ bái đi ! Thị giả liền lễ bái.
Sư la lớn: Bể rồi ! Bể rồi! Rơi rồi !
Thị giả bỗng nhiên đại ngộ.
Sau có người thuật lại cho Quốc Sư Huệ An nghe, Quốc sư khen: Kẻ này (Tung Nhạc Hòa Thượng) hiểu tột vật ngã Nhất Như, Thần Táo ngộ lẽ này là phải, vị Tăng kia 5 uẩn hợp thành cũng nói bể rồi, rơi rồi; cả 2 đều khai ngộ. (Vậy, ngũ uẩn cùng tứ đại gạch ngói bùn đất là đồng hay là khác?)
Thế thì, gạch đá là sắc, ngũ uẩn là không; “Không tức là Sắc, Sắc tức là Không; Không chẳng khác Sắc, Sắ
chẳng khác Không”, nghĩa này rõ ràng.
** Vua Túc Tông hạ chiếu rời Ngài Quốc Nhất thiền sư vào đạo tràng. Sư vừa thấy vua liền đứng dậy chào.
Vua nói: Sư hà tất phải đứng dậy kỉnh lễ quả nhân !
Quốc Nhất thiền sư nói: Thí chủ đâu dùng 4 oai nghi mà thấy bần đạo đặng.
Vua chỉ thấy cái thân đứng dậy của Sư, chứ nào thấy được pháp thân của Sư. Xác thân của Quốc Nhất thiền sư tức sắc, pháp thân của Ngài tức không, nhưng cả 2 đều có nơi Quốc Nhất thiền sư. Ấy là “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc”.
** Sư Ninakawa đang hấp hối trên giường bệnh, cơn đau nổi lên từng chập, sự sống đang mất dần; thầy của sư là Thiền sư Ikkyu Sojun (1394 – 1481) đến thăm và nói: Ta biết con đang chịu cơn đau ghê gớm, ta có thể giúp được gì cho con ?
Sư Ninakawa thưa: Con đến không đem theo một vật gì, ra đi cũng không đem một vật gì; Ngài giúp gì được cho con ?
Thiền sư Ikkyu ôn tồn bảo: Nếu thực sự con nghĩ “có Ðến có Ði” thì ta sẽ chỉ cho con một con đường “không Ðến cũng không Ði”.
Lời nói đó đã đưa Sư Ninakawa vào cõi chơn như vô cùng tận với nụ cười giải thoát trên môi.
Có con đường là sắc, không có con đường là không, chúng sanh vẫn còn nghiệp lậu chưa tự trừ dứt, và các Bồ Tát tuy hết nghiệp lậu mà luôn có hạnh nguyện hóa độ chúng sanh, nên thị hiện vào sanh tử, vì thế cũng gặp nhau trên một con đường.
Nhưng vì nhờ dùng Bát Nhã để quán chiếu, nên biết rõ con đường đó cũng là huyễn, và đến cũng không phải đến, đi cũng chẳng phải đi, nhưng đến đi chẳng phải không. Ấy là “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”.
** Tuyết Nham Hòa Thượng hỏi Cao Phong Thiền sư: Ai cùng ông kéo tử thi này đến đây vậy ?
Cao Phong không trả lời được, vì cái ấy không thể chỉ bày.
Thân xác của Cao Phong là Sắc, cái mà cùng ông kéo thân xác đến đi là Không. Nhưng cái ấy và thân xác tứ đại của Cao Phong đều đồng ở nơi Cao Phong. Ðó là “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”.
**Hãy nghe Ngài Ðộng Sơn nói về “bệnh, không bệnh” trong nghĩa “sắc không”.
Có vị Tăng đến thăm bệnh Ngài Ðộng Sơn và hỏi: Hòa Thượng bệnh, có cái gì chẳng bệnh chăng?
Ðộng Sơn đáp: Có.
Tăng lại hỏi: Cái chẳng bệnh, hắn có thấy Hòa Thượng chăng?
Ðộng Sơn bảo: Lão Tăng xem “Y” có phần.
Tăng hỏi tiếp: Chẳng biết Hòa Thượng làm sao xem “Y” ?
Ðộng Sơn nói: Khi lão tăng xem chẳng thấy có bệnh.
Khi bệnh, Ngài biết rõ từng trạng thái diễn tiến của bệnh không chút lầm lẫn, thì cái biết ấy chẳng đồng với bệnh, cái biết ấy chưa từng bệnh, cái biết ấy rõ ràng thường hằng ở nơi Ngài.
Hãy nói cái không bệnh đó là cái gì ? Nói được chăng ? Chẳng thể nói hay chỉ bày ra được, nên “Y” là “Không”, còn thân của Ngài đang bệnh đây rõ ràng là “Sắc”. Cả 2 đều không ngoài Ngài Ðộng Sơn. Ấy là nghĩa: “Sắc tức thị Không, Không tức thị sắc; Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”.
**Riêng Ngài Thần Hội thì giảng về “Ðốn Tiệm” trong nghĩa “Sắc Không” như sau:
Pháp Sư Chí Ðức hỏi: Thiền Sư ngày nay dạy chúng chỉ cầu đốn ngộ. Vì sao không theo Tiểu Thừa mà dẫn tiệm tu ? Chẳng có người nào lên 9 tầng mà không do đi dần từng bậc?
Ngài Thần Hội đáp: “Chỉ sợ chỗ người lên không phải là đài 9 tầng, mà e rằng uổng công leo lên đống đất mồ cao. Nếu thật là đài 9 tầng, đây tức là nghĩa đốn ngộ.
Ngày nay ở trong đốn mà lập tiệm, giống như đài 9 tầng vậy; phải bước từng bậc, trọn không được hướng trong tiệm mà lập nghĩa tiệm”.
Ðốn là chỗ thẳng cuối cùng, là rốt ráo, nhưng lập tiệm là phương tiện để đi đến đó, như đi từng bậc để lên tới từng thứ 9, không được dừng nghỉ, luôn nhắm vào (không rời) mục đích cuối cùng. Ðó là đốn, mà là đốn có phương tiện tiệm để chứng đắc.
Mê (Tiểu thừa) thì tu a tăng kỳ kiếp vẫn chưa giải thoát, còn ngộ thì chỉ trong khoảng chốc lát, hết mê liền tỉnh chớ không có ngộ từ từ; thời gian tìm kiếm mà không thấy thì lâu, nhưng phút bất thần sáng ngộ ra chỉ trong chớp mắt, vì thế nói: Tu thì tiệm mà ngộ thì đốn là vậy.
Có con đường để lần đi từng bậc là “Sắc”; không cần con đường mà đã giác ngộ, đó là “Không”; nhờ cả 2 thì hành giả mới ngự được đài 9 tầng (chứng đắc). Ðây là nghĩa “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”.
Ngài Thần Hội còn nói thêm: Tâm ấy khởi tức là Sắc, Sắc không thể được (không chấp) tức là Không. Lại nói: Pháp tánh diệu hữu nên tức Sắc, Sắc diệu hữu nên tức Không.
Vì thế kinh nói: Sắc không khác Không, Không không khác Sắc. Lại nói: Thấy tức Sắc, thấy không thể thấy tức Không. Do đó kinh nói: Sắc tức là Không, Không tức là Sắc.
** Thiền sư Duy Tín nói: Ba mươi năm trước, thấy núi sông là thật núi sông (chấp có sắc), sau gặp thiện hữu tri thức dạy bảo, nghiệm thấy núi sông thì vô thường nên nói: Núi sông không phải là núi sông (chấp không). Nhờ tu Bát Nhã, hành Bát Nhã; do tu và hành Bát Nhã thâm sâu nên sau 30 năm lại thấy sông núi chỉ là sông núi (như thị).
Ðến giai đoạn này thì không còn phân biệt Sắc Không, không còn quán chiếu gì nữa, vì đã tới chỗ chân thật. Ðây là nghĩa “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”.
** Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác giảng về “sắc không” qua nghĩa của “hữu vô”.
Ngài dạy: Pháp chẳng phải thường mà chấp hữu, nên phải dùng phi hữu để phá thường. Tánh chẳng phải đoạn mà chấp vô, nên dùng phi vô để phá đoạn. Cũng như sạch sẽ chẳng phải là nước tro mà nhờ nước tro nên rửa sạch, đấy là lấy công năng hay rửa, há lấy nước tro mà làm sạch ư ?
Ðây là biết Trung Ðạo chẳng thiên (lệch), nhờ nhị biên mà biện chánh. Ðoạn và thường đều chẳng phải, dựa vào vô và hữu để rõ chỗ sai.
Hoặc hữu hoặc vô đã sai, chẳng phải hữu chẳng phải vô cũng đâu là phải. Phàm “vọng” chẳng phải do “ngu” sanh, và “chân” chẳng phải do “trí” được; đạt vọng (hiển vọng) gọi là chân, mê chân (mê Niết Bàn) gọi là vọng; há có vọng tùy ngu biến? Chân theo trí trở về ? Chân vọng chẳng sai, chỉ do ngu trí tự khác.
Ngài Huyền Giác đã giảng nghĩa Hữu Vô (Sắc Không) rất là thâm diệu, chẳng những rõ nghĩa “Sắc Không” mà còn siêu việt cái “Sắc Không” ấy nữa (quét sạch luôn cái chấp “Sắc Không”).
Tương tự, Học giả Hồng Dương có viết: Vấn đề là làm thế nào để có thể sống trong chân như tuyệt đối mà đồng thời có thể tự tại trong thế giới sai biệt tương đối. Ðây là cùng một lúc vừa tuyệt đối vừa tương đối… Sáng tức thị tối, tối tức thị sáng. Ngay trong sáng có tối, đừng coi đó là tối.
Ngay trong tối có sáng, đừng coi đó là sáng. Hãy cắt đứt tất cả thiên chấp về sáng tối, thể dụng tự nhiên phân chẳng phân.
** Có vị Tăng hỏi Ngài Ðại Châu: Người chèo thuyền, lường (mạn) thuyền cọ chết ốc, hến; là người chịu tội hay thuyền chịu tội ?
Ngài Ðại Châu bảo: “Người thuyền đều không tâm, tội chính tại ông. Ví như cuồng phong thổi gãy cây hại mạng, mà không có người làm, không có người chịu, nhưng trong thế giới (cõi Ta Bà) đâu không phải là chỗ chúng sanh chịu khổ” ( đâu không phải = phải ).
Thuyền có nghiền chết con ốc con hến, tức là có hại mạng xẩy ra (tức là Sắc), có tội đã gây ra, nhưng thuyền thì vô tâm, chỉ do người chèo, người chèo thì cũng không tâm sát hại, nên chẳng có tội (tức Không); cuồng phong không tâm hại mạng nên tức Không, nhưng có người bị hại, nhà cửa đổ nát rõ ràng là có, nên là Sắc; và vì chúng sanh có nghiệp lậu nên chưa thoát ra khỏi 3 cõi, tức là còn trong vòng sanh tử, cho nên bị bức hại tức là Sắc, nhưng cũng không có người bức hại hay chịu tội nên tức Không.
Ấy là nghĩa “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Sắc không khác Không, Không không khác Sắc”. Ngài Ðại Châu giảng nói nghĩa “sắc không” qua lý “có tội không tội”.
** Tăng hỏi Thiền sư Thần hội: Bài kệ “Trước có nay không, trước không nay có”, nghĩa như thế nào ?
Ngài Thần Hội dạy: Theo kinh Niết Bàn thì: Trước có là trước có Phật tánh, nay không là nay không Phật tánh. Nay nói không có Phật tánh là bị phiền não che đậy nên không thấy, do đó nói không.
“Trước không nay có”: Trước không là trước không có phiền não, nay có là nay có đủ vô minh phiền não. Dù cho đại kiếp phiền não như hằng sa cũng là nay có (bởi vì từ vô thỉ chúng sanh đã có Phật tánh thanh tịnh).
Chính thế nên Phật nói: “Ba đời có pháp thì không có lẽ đó”. Vì Phật tánh thể là thường, chẳng phải sanh diệt, chẳng phải tạm có cũng chẳng phải tạm không.
Pháp trong 3 thời là pháp có sanh diệt, có sanh diệt mới có quá, hiện, vị lai. Phật tánh không có sanh diệt nên làm gì có 3 thời. Phật tánh là Phật tánh, là Như Như, là Như Thị.
Ngài Thần Hội nói có Phật tánh không Phật tánh và nói trước không phiền não mà sau lại có phiền não; Nghĩa Sắc Không hiển bày rõ ràng: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”‘
Ngài Thần Hội e ngại chúng sanh tâm chấp vào “có không” nên dạy thêm: Phật nói “Trước có sau không, trước không sau có” là vì đối với sắc thân 5 ấm, chứ chẳng phải nơi Pháp Thân vì nơi chân thật thì chẳng có phiền não cũng chẳng có Niết Bàn.
Ấy là Ðại Niết Bàn vậy! Nói “Ðại” đây không có nghĩa là lớn, mà là không có hạn lượng, không có bờ mé, không có cái gì có thể sánh được.
Sau cùng Ngài Thần Hội dạy thêm: Chẳng bị thiện ác trói buộc. Chẳng bị động tịnh thu nhiếp. Chẳng chán sanh tử, chẳng ưa Niết Bàn. Không chẳng hay không, có chẳng hay có.
Ði đứng nằm ngồi tâm không dao động. Trong tất cả thời được không chỗ được. Ba đời chư Phật, Bồ Tát từ bi thay nhau truyền nhận.
** Nhằm giải thoát mọi vọng chấp, Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ có giảng về nghĩa “sắc không” như sau:
Có vị Tăng hỏi Ngài Tuệ Trung thượng Sĩ: Trong kinh có câu: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Ý Ngài thế nào ?
Thượng sĩ im lặng giây lát rồi hỏi: Ông hiểu chưa ?
Tăng thưa: Chưa hiểu.
Thượng Sĩ hỏi: Ông có Sắc thân chăng ?
Tăng thưa: Có.
Thượng Sĩ hỏi: Vậy sao nói Sắc tức là Không?
Rồi Ngài hỏi tiếp: Ông thấy cái (hư) Không có hình thể không?
Tăng thưa: Không thấy.
Thượng Sĩ bảo: Vậy sao nói Không là Sắc ?
Tăng hỏi: Như vậy rốt cuộc là thế nào ?
Thượng Sĩ đáp: Sắc chẳng phải Không, Không chẳng phải Sắc.
Nghe đến đây, vị Tăng lãnh hội và lễ tạ.
Ðây là Ngài Thượng Sĩ muốn phá cái chấp trước, khi thấy học nhân chỉ biết nhai lời cắn chữ mà chẳng hiểu ý kinh, chẳng thấu được lời Phật dạy. Nghe nói Sắc chấp nơi Sắc, nghe nói Không chấp vào Không. Thượng Sĩ bèn có kệ rằng:
Sắc tức là Không, Không tức là Sắc,
Chư Phật ba đời tạm bày đặt;
Không vốn không Sắc, Sắc không Không,
Thể tánh sáng trong không hề mất.
Thế thì ngay đến lời Phật dạy được ghi lại trong kinh điển, mà người tu học chẳng ngộ, lại chấp thủ vào ngôn ngữ văn tự, chỉ biết nhai chữ nuốt lời nên chỉ là tử ngữ tử văn, không phải ý Phật, khác gì con chim Anh Võ học nói tiếng người, nói thì giống, còn nghĩa thì không hiểu.
Kinh là truyền ý Phật, chẳng nhận được ý Phật mà chỉ tụng, ấy là người học ngữ, nên chưa phải là trì kinh. Chính vì thế mà trong Kinh Viên Giác Phật có dạy: “Này Thanh Tịnh Huệ Bồ Tát! Dùng tâm chướng ngại tự diệt các chướng ngại, khi các ngại đã diệt rồi, thì cũng không có người diệt ngại.
Kinh điển của Phật nói như là ngón tay để chỉ mặt trăng Viên Giác. Nếu thấy được mặt trăng này thì rõ biết ngón tay chỉ kia không phải là mặt trăng”.
Ý của Ngài Thượng sĩ nhằm giải phóng tất cả mọi trói buộc, khỏi những kiến giải chấp trước. Lời tuy khác với kinh, nhưng ý không hề khác.
Cư Sĩ tiền bối Tâm Minh – Lê Ðình Thám cũng dạy: Tâm tính tuyệt đối vốn không thể chỉ được, Phật phương tiện chỉ dạy cho chúng sanh trực nhận tâm tính, chúng sanh nên suy xét chỗ Phật muốn chỉ, chớ không nên câu nệ nơi danh từ mà bỏ mất tâm tính.
Chính vì thế mà sau cùng Ðức Thế Tôn cũng xác nhận: Suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh (hóa độ chúng sanh), ta chưa hề nói một chữ.
** Thiền Sư Tần Bạt Ðà, Ngài lại đi thêm lên một bước nữa, Ngài nói lên cái “nhân quả” của “sắc không”.
Ngài nghe danh tiếng Ðạo Sinh thuyết pháp khiến gạch đá còn phải gật đầu, nên đến thăm.
Cũng nên nói qua về Ngài Ðạo Sinh, vào đời Tấn, vốn họ Ngụy, xưa theo học với Ngài Cưu Ma La Thập, rồi trụ tại chùa Thanh Viên với trách nhiệm biên dịch kinh điển. Ngài bị những người quản lý việc ấn tống ganh ghét, có lần Ngài đưa lên bộ kinh Nê Hoàn (Niết Bàn) gồm 6 quyển.
Ngài đã nghiền ngẫm nghĩa lý của kinh và đưa ra thuyết “Xiển Ðề cũng có Phật tánh”. Bấy giờ, Ðại bản đã có đầy đủ nhưng chưa được lưu truyền, nên những người cựu học thường hay cắn chữ nhai lời, chấp chặt vào văn tự (bất liễu nghĩa) nên không dám chấp nhận, mà lại còn cho là tà thuyết rồi đuổi Sư đi.
Ðến Hổ Khâu ở Bình Giang, Sư dựng các tảng đá làm học trò, cứ thế mà giảng kinh Niết Bàn cho đá nghe. Ðến đoạn “Xiển Ðề cũng có Phật tánh”, Sư hỏi đá: Những lời ta nói có hợp với ý Phật hay không? Những tảng đá đều gật đầu.
Về sau có Ngài Ðàm Vô Sấm dịch lại Hậu phẩm của kinh Niết Bàn, Sư liền tìm xem, thấy nội dung đúng như lời Sư đã viết giảng.
Ngài Tần Bạt Ðà đến gặp và hỏi Ðạo Sinh: Chẳng biết Pháp Sư thuyết nghĩa “Sắc Không” như thế nào ?
Ðạo Sinh nói: Chúng vi (nhiều hạt bụi) tụ lại gọi là “Sắc”, chúng vi chẳng có tự tánh gọi là “Không”.
Tần Bạt Ðà hỏi: Lúc chúng vi chưa tụ gọi là cái gì ?
Ðạo Sinh không trả lời được.
Tần Bạt Ðà cầm cây quạt hỏi: Thấy chăng?
Ðạo Sinh đáp: Thấy! Thấy Thiền Sư cầm cây quạt.
Tần Bạt Ðà buông tay, cây quạt rơi xuống đất, và hỏi: Thấy chăng?
Ðạo Sinh đáp: Thấy! Thấy cây quạt của Thiền Sư rơi xuống đất.
Tần Bạt Ðà nói: Thế thì kiến giải của ông chưa ra ngoài lẽ thường, làm sao có thể danh tiếng khắp thiên hạ! Bèn bỏ đi.
Môn đồ của Ðạo Sinh đuổi theo hỏi: Thầy con thuyết nghĩa “Sắc Không” có gì sai ư ?
Tần Bạt Ðà đáp: Chẳng phải nói thầy ngươi sai, nhưng thầy ngươi chỉ biết “quả” của Sắc Không mà không biết “Nhân” của Sắc Không.
Môn đồ thưa: Bạch Thiền Sư! Thế nào là “Nhân” của Sắc Không ?
Tần Bạt Ðà đáp: Nhất vi (một hạt bụi) “Không”, nên chúng vi (nhiều hạt bụi) “Không”; chúng vi “Không” nên nhất vi “Không”; trong chúng vi “Không”, chẳng có nhất vi; trong nhất vi “Không”, chẳng có chúng vi.
Ðây là nghĩa “Sắc Không” thể hiện rõ ràng trong lý Duyên Khởi. “Không” có là do lập ra “Sắc”, “Sắc” hiển bày là do “không” được thành danh. Ấy là “nhân và quả” của Sắc Không, cả 2 đều không có tự tánh.
Lời này giống như Lục Tổ dạy: Ðến và đi làm nhân nhau mà có, nhất với nhiều phá nhau mà hiển, cứu kính nhị biên đều tuyệt, chẳng còn chỗ để nương tựa. Ðã không cả 2 bên thì Trung Ðạo cũng quét sạch. Trong ấy làm gì có vướng ngại.
**Thiền Sư Nhất Hạnh dựa vào lý “Trùng Trùng Duyên Khởi” trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Thủ Lăng nghiêm để giảng về nghĩa Sắc Không.
Lý Trùng Trùng Duyên Khởi là: Tất cả mọi sự vật, mọi hiện tượng đều vận hành liên đới và chằng chịt với nhau, không có sự vật nào sinh hoạt độc lập, riêng biệt cả.
Rác hôi thối có thể biến thành phân xanh cho cây để sanh ra trái ngọt, hoa thơm. Hoa thơm và rác thối không hơn không kém vì không là riêng biệt, không là ít không là nhiều vì không hạn lượng, không có hủy nhục hay hãnh diện vì tất cả chẳng khác nhau.
Trở lại cái bàn, không những cái bàn chỉ bao gồm: Công lao của người thợ mộc, của đinh, của gỗ, mà nơi cái bàn còn có sự hiện diện của đất đai mầu mỡ cho cây tăng trưởng để cho ra gỗ, nơi cái bàn cũng có các cơn mưa tưới lên đất mầu mỡ, có công nuôi nấng của cha mẹ người thợ mộc, cũng có sự hiện diện của bác nông phu sản xuất ra cơm cho người ấy ăn, có sự hiện diện của vợ người thợ mộc, có bàn tay thợ dệt tạo quần áo cho người thợ mặc, có sự hiện diện của ánh nắng mặt trời chiếu rọi trên cây cỏ, và vô lượng các sự vật khác.
Như vậy, nơi cái bàn có những thứ thuộc về cái bàn như đinh, gỗ, người thợ (tức là Sắc), và có hiện diện của các thứ không thuộc về vật chất của cái bàn (tức là Không).
Có bao nhiêu sự vật là có bấy nhiêu duyên khởi, các sự vật đều liên hệ và đan dệt với nhau trong vũ trụ nhiều chiều (hoành độ, tung độ, cao độ, thời gian…).
Trong ấy tất cả đều sống động, các biến chuyển thay đổi không ngừng, mọi vật được thành hình (sanh), rồi hiện trụ một thời (trụ), lại biến chuyển qua thời khác (dị), rồi lại tan rã mất (diệt), đến đây nói là mất mà chẳng phải mất vì lại khởi đầu cho sự sanh khác.
Sự biến hiện của một pháp đều có liên hệ với các pháp khác, không có một sự vật nào cô lập, cái này có vì cái khi có, cái này không vì cái khi không, không có cái ngã nào riêng biệt.
Cha mẹ anh có trong anh, anh có trong cha mẹ anh; bạn bè đất nước anh có trong anh, anh có trong bạn bè đất nước anh; mọi người chung quanh anh vui buồn đều ảnh hưởng đến sự vui buồn của anh.
Trong pháp giới tánh đó có tất cả mà cũng không có: Thú vật, không có tôi, không có anh, không có cây cỏ, không mặt trời, mặt trăng hay quả địa cầu, không hôm qua, ngày nay hay ngày mai; cũng không phải là cái không. Vì tất cả đều vô ngã, không hai vậy. Ngay ở trong cơ thể của ta, thực ra không chỉ giới hạn trong phạm vi bên trong lớp da của ta.
Không có vật nào, hiện tượng nào trong vũ tru mà không có liên hệ với ta, như là: Bầu khí quyển cho ta thở, ánh nắng mặt trời, dòng suối, lúa mạ, trái đất… đều có trong ta, đều liên hệ với ta.
Ngay cả các bộ phận bên trong cơ thể ta như: Tim, phổi, gan, ruột, máu, tế bào đều liên hệ với nhau; mỗi bộ phận nào của cơ thể cũng có mặt của những bộ phận khác của cơ thể. Máu cần có phổi, phổi cần có máu, nên máu là phổi, phổi là máu.
Tim cần có phổi, phổi cần có tim, nên tim là phổi, phổi là tim… Tất cả đều tương hỗ tương nhập.
Thiền sư Ðạo Hạnh, đời Lý ở Việt Nam cuối thế kỷ 11 nói: ” Hạt bụi này mà không có thì cả vũ trụ cũng không” (tác hữu trần sa hữu, vi không nhất thiết không).
Ðó cũng là nghĩa: Trên đầu sợi lông chứa đựng cả tam thiên đại thiên thế giới. Một có mặt trong tất cả, và tất cả có mặt trong một; một là tất cả, tất cả là một (Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất của kinh Hoa Nghiêm).
Do đó, Lý Trùng Trùng Duyên Khởi đã hàm chứa ý nghĩa câu: “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”.
Người tu theo Phật nếu rõ được lý “Trùng trùng duyên khởi”, tức là rõ được các vận hành của các pháp thì được giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, bởi vì người ấy không bước tới, cũng không dừng lại nên thoát khỏi bộc lưu.
Có lần Hòa Thượng Nhất Hạnh ngồi thiền trong rừng, Ngài quán chiếu màu sắc của lá cây thay đổi tùy theo góc cạnh, theo cường độ của ánh sáng mặt trời chiếu rọi, theo nhiệt độ thời tiết mà khiến lá cây xanh biến thành màu rỡ hay sậm, lá cây thành ra có nhiều màu sắc khác nhau, Ngài đã cảm hứng viết thành bài kệ nhại theo Tâm Kinh Bát Nhã:
Nắng là lá cây xanh ( Sắc tức thị không
Lá cây xanh là nắng Không tức thị sắc
Nắng chẳng khác lá xanh Sắc bất dị không
Lá xanh chẳng khác nắng Không bất dị sắc
Bao nhiêu mầu sắc kia Thọ, tưởng, hành, thức
Cũng đều như vậy cả. Diệc phục như thị. )
Vì là Trùng Trùng Duyên Khởi nên ý của Hòa Thượng cũng đan dệt với ý người khác, khiến người khác cũng có thể nhại theo để viết thành:
Hoa chính là rác
Rác chính là hoa
Hoa không khác rác
Rác không khác hoa
Bao nhiêu cây thảo khác (xoài, mít, ổi, cam, lau sậy…)
Cũng đều như vậy cả.
Hoặc: Sanh chính là tử
Tử chính là sanh
Sanh không khác tử
Tử không khác sanh
Các lão, bệnh, khổ kia
Cũng đều như vậy cả.
Hoặc: Máu chính là tim
Tim chính là máu
Máu chẳng khác tim
Tim chẳng khác máu
Bao nhiêu cơ phận khác
(lá lách, gan, ruột, phổi…) Cũng đều như thế cả.
Thầy Nhất Hạnh còn dạy thêm: “Núi và sông có tính tương tức tương nhập, do đó núi không là núi, sông không là sông nữa (vô ngã), bởi vì núi đã đi vào sông, và sông đã đi vào núi (tương nhập), núi đã là sông, sông đã là núi (tương tức).
Tuy vậy, khi người muốn tắm, y vẫn lội xuống dòng sông, chứ không thể leo lên núi, bởi vì trong thế giới sinh hoạt hằng ngày, thì núi vẫn là núi, sông vẫn là sông”.
Tại sao vậy? Tất cả các pháp đều như vậy, chỉ như vậy, như vậy như vậy, là như vậy (như thị).