Những Lâu Đài Bằng Cát – [ Bắc Một Nhịp Cầu ]

lâu đài bằng cát

Đó là một buổi xế trưa và trời xanh trong đẹp.

Dọc theo con đường nhỏ, một đám trẻ con nô đùa với nhau, chơi xây nhà bằng cát. Một lát sau bọn chúng gây lộn ầm ĩ. Chúng cãi nhau vì có đứa đã xô xập “nhà” đứa khác – “những lâu đài bằng cát.” Cãi nhau vì những lâu đài bằng cát. Những đứa nhỏ không ai chịu thua ai; và rồi, trận khẩu chiến ác liệt hơn, bọn nhỏ đã có sự bênh vực của cha mẹ chúng. Cha mẹ đã nhẩy vào trận chiến của mấy đứa nhỏ để giành phần thắng – “những lâu đài bằng cát.”

Tôi đứng bên này đường và nhìn trận ấu đả trước mặt.

Số tuổi hình như không có gì khác biệt và sự trưởng thành của một con người không có liên quan gì đến tuổi tác. Có nhiều người vẫn ngu dại khờ khạo cho đến khi chết, “vẫn là đứa trẻ con bé bỏng, khờ dại” dù tuổi đời đã rất lớn. Đó là lý do Lão Tử đã “trưởng thành” ngay khi chỉ là một cậu bé. Mới nghe qua chúng ta tưởng là có cái gì không bình thường, nhưng không, sự thực là vậy. Có rất nhiều người, thể xác thì phát triển đẫy đà, đầy đủ nhưng bộ óc thì không thăng tiến được bao nhiêu. Vì thế họ mới cãi nhau, ẩu đả nhau, tranh giành lẫn nhau “những lâu đài bằng cát.”

Ai nói con người là một động vật cao cấp? Một động vật đã thóat khỏi thú tánh? Không, con người vẫn còn nguyên vẹn sự man dại của một lòai hạ đẳng – nếu không, họ đâu có chém giết nhau, tranh giành nhau, sát phạt lẫn nhau vì những ảo vọng cuộc đời.

Ngày xưa, Diogenes đã đốt đuốc đi tìm “một con người thực sự’ giữa ban ngày. Ông ta đốt đuốc tìm mãi mà chưa gặp được Con Người mà ông ta muốn thấy. Một ngày kia có người hỏi ông rằng, “Ông đã hết hy vọng tìm người chưa?” Ông ta trả lời: “Tôi vẫn đốt đuốc đi tìm.”

Tôi vẫn đứng bên này đường. Đám đông người đã tụ tập nhiều hơn. Người ta cãi, nói, xô đẩy, xỉa xói nhau. Càng nói, họ càng hăng, tay chân vung vẩy, mặt mũi đỏ tía lên, ánh mắt bốc lên sự tham muốn, thèm khát, giận dữ. Trong cái đám lao xao lộn xộn đó, tôi nhận thấy có sự háo thắng gào thét của một lòai “dã thú.” Trận chiến bây giờ là của người lớn. Bọn trẻ con ngơ ngác dạt ra ngòai, ngồi chụm lại với nhau và nhìn đám cha mẹ chúng hung hăng trứơc mặt. Ô hay! Họ cãi nhau vì những cái “lâu đài bằng cát” này à? Buồn cười qúa nhỉ?

Tôi thấy tội nghiệp họ quá . . .

Triết gia Gibran kể chuyện rằng, “ Có một ngày, tôi hỏi thằng bù nhìn giữa ruộng đồng rằng: “Mày có chán cái công việc cứ đứng giữa ruộng đồng đuổi chim quạ này không?” Thằng bù nhìn trả lời rằng: “Ồ không, tôi thích hù dọa mấy con chim lắm đến nỗi tôi không để ý đến cả thời gian đã qua.” Nó nói thêm rằng, “Chỉ những người nào mà đầu óc nhồi nhét đầy rơm rạ, nùi gỉe như tôi mới cảm thấy thích thú trong công việc này.”

Khôi hài thật! Nhưng con người không nhận thấy sự khôi hài chua xót này. Tôi khóc cho những ai mang thân xác lòai người mà đầu óc chỉ nhồi nhét tòan rơm rác. Thằng bù nhìn giữa ruộng đồng còn có ích lợi là đuổi chim chóc khỏi đến ăn lúa, trái cây – nhưng một con người với đầu óc đầy rơm thì sống có ích gì?

Không một ai có thể trở thành một con người đúng nghĩa, nếu họ không thể hiểu được bản chất cuộc đời và sự thực con người. Vì thế, người ta vẫn tiếp tục sát phạt nhau, lấn chiếm nhau, tranh giành nhau bằng đủ mọi cách, đủ mọi mưu mô chỉ để giành ôm lấy những “lâu đài bằng cát, những đền đài, tu viện bằng cát.”

Sanh ra là một con người là một lẽ, nhưng có đầu óc của con người hay không là một chuyện khác.

(trích trong “Ngón Tay Chỉ Đường” của TNMT và gởi tặng riêng cho qúi độc giả xa gần đã thương mến đọc ủng hộ sách của TNMT, và nhất là muốn tái bản quyển “Ngón Tay Chỉ Đường” này.)

Thích nữ Minh Tâm