Người An Ủi

Trong ngôi chùa kia, có hai thầy trò, ngày nọ người học trọ bỗng thích trồng hoa.

Khi xong thời kinh, khi hết việc chùa, người học trò lại loay hoay ngoài vườn, cuốc đất, ươm mầm, giâm cành, tưới nước, chăm hoa.

Thấy học trò say mê ở mãi ngoài vườn với những luống hoa, người thầy mỉm cười nói:

“Con muốn trồng hoa thì trồng, trồng hoa gì cũng được, làm gì cũng được, nhưng phải nhớ đừng cho nó mọc rễ!”

Không phải không cho hoa mọc rễ, mà không cho lòng mọc rễ với hoa, mọc rễ đối với tất cả những việc mình làm. “Mọc rễ” là cố chấp, là dính mắc, là bám víu, là không buông xuống được, là những khoảnh khắc chúng ta cố nắm chặt tay lại để giữ một điều gì đó từ cuộc sống.

Đau khổ đến khi chúng ta cố bám vào thứ đã mất đi, hay cố chấp tiếc nuối đối với một thứ gì đó đã không còn, những chiếc rễ bị đứt lìa ra theo thứ nó cố bám chặt vào vừa bị cuộc sống lấy đi mất, nên nhất định phải đau.

Khi để tâm mình “mọc rễ”, bám víu, vào một thứ gì, chúng ta sẽ bị chính thứ đó làm cho tổn thương.

Buồn cũng được, nhưng đừng để lòng mọc rễ với nỗi buồn, vì chắc chắn những chiếc rễ sẽ gom góp hết những gì đắng nhất của nỗi buồn rồi làm thành nỗi đau. Nỗi buồn như một vết trầy xước nhỏ, còn nỗi đau là một vết thương to; nỗi buồn thì mơ hồ, còn nỗi đau luôn rất thật.

Vui cũng được, nhưng đừng để lòng mọc rễ với niềm vui, vì chắc chắn những chiếc rễ sẽ cố gop hết những gì đẹp nhất của niềm vui, rồi ra sức giữ lại, không muốn mất, không cho mất, không được mất. Nhưng có thứ gì không mất? Có niềm vui nào không phai? Nên khi cố bám víu vào niềm vui, ngay lúc đó, thứ đó không còn là niềm vui nữa, mà bắt đầu trở thành những âu lo.

Làm việc thiện cũng được, nhưng đừng để lòng mọc rễ với những việc làm thiện, nói mãi về việc làm của mình, muốn ai cũng nghe cũng biết về việc làm của mình, muốn người nhận phải nhớ, không được quên, rồi chẳng còn thời gian để làm được thêm một việc nào khác nữa.

Những chiếc rễ bám vào đất, lâu ngày, sẽ làm cho đất phai màu, những chiếc rễ cố chấp bám víu vào những việc thiện đã làm, lâu ngày, sẽ làm cho những việc thiện không còn đẹp như buổi ban sơ nữa.

Khi bám víu vào một suy nghĩ, sẽ bị mắc kẹt trong một suy nghĩ. Khi bám víu vào việc làm, sẽ bị mắt kẹt trong việc làm. Khi bám víu vào vẻ bề ngoài, sẽ bị mắc kẹt trong những sắc tướng; và khi cố bám víu vào sự sống, sẽ mang đến nỗi lo sợ đối cái chết, nỗi lo sợ cái chết làm chúng ta hoang mang đến cùng cực, không thể bình thản sống trọn vẹn được một ngày nào.

Không buông xuống được những việc thiện mình đã làm là không có trí tuệ, không buông xuống được những người mình giúp đỡ là không có từ bi.

Trong tương lai, khi nhìn lại, có lẽ chúng ta sẽ tự cười nhạo bản thân vì một số điều đang làm trong hiện tại, dù làm việc thiện, nhưng vừa không có trí tuệ, vừa không có từ bi.