MỘT BÁT MẬT QUẢ

bách quả mật

Vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có một người tên là Bà La Môn. Tuy anh ta rất thông minh, nhưng do không nghe Phật pháp nên ngũ căn không sạch sẽ, lại kết giao với những người không ra gì, cho nên thường làm những việc trộm gà bắt chó.

Một ngày nọ, anh ta len lén chui vào một nhà nọ định ăn trộm. Lúc này, Đức Phật vĩ đại dùng pháp nhãn nhìn thấy hết mọi cử động của anh ta, cảm thấy vô cùng tội nghiệp. Bởi vì pháp duyên của anh ta đã tới, Đức Phật liền hiện ra trước mặt, mỉm cười nhìn anh ta.

Bà La Môn nhìn thấy Đức Phật đột nhiên xuất hiện trước mặt mình, trong lòng thấy xấu hổ, muốn tìm đường chạy trốn. Nhưng dù anh ta chạy về hướng nào thì Đức Phật cũng đều hiện ra trước mặt. Không còn cách nào khác, trước mặt Đức Phật, anh ta đành phải sám hối những tội lỗi từ trước đến giờ của mình.

Sau khi thấy được anh ta thực sự thành tâm sám hối, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni liền giảng cho anh ta nghe về những công đức như là Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện, Tứ Nhiếp, Lục Độ. Bà La Môn sau khi nghe xong liền tỉnh ngộ, quy y Tam Bảo và thọ Ngũ Giới, trở thành Phật tử tại gia.

Khi anh ta về nhà trong lòng nghĩ nên cúng dường Đức Phật và chúng Tăng, liền dâng lên trước mặt Đức Phật một bát đầy mật.

Đức Phật căn dặn các đệ tử ngồi dưới chia bát mật cho các Tăng chúng, tất cả chư tăng đều uống thứ mật vô cùng ngọt lành đó.

Bà La Môn nhìn thấy Đức Phật và chư Tăng đều dùng cúng phẩm của mình, trong lòng rất vui mừng, liền đem một bát đầy mật nữa cúng dường lên Đức Phật. Không ngờ, Đức Phật lại đem bát mật đổ xuống sông. Bà La Môn cảm thấy rất kỳ lạ, liền hỏi Đức Phật tại sao lại đem mật đổ xuống sông. Đức Phật liền trả lời:

– “Con đem mật rót xuống sông có thể cho cá, ba ba, mọi chúng sinh đều có thể thưởng thức vị ngọt này”.
Bà La Môn liền làm theo lời Phật nói, đem mật rót xuống sông.

Lúc này, Đức Phật mỉm cười, toàn thân Ngài phát ra ánh hào quang ngũ sắc rực rỡ vô cùng, lan tỏa đến tất cả chúng sinh trong Tam Giới Lục Đạo và quấn quanh tất cả chúng sinh ba vòng. Hào quang ngũ sắc cam lộ của Đức Phật phát ra, từ đỉnh đầu của Bồ Tát vô biên hòa vào toàn thân họ; từ miệng không bờ bến hòa vào toàn thân họ; từ cánh tay không giới hạn hòa vào toàn thân họ; từ trong rốn của chúng sinh mênh mông vô bờ hòa vào toàn thân họ; đồng thời từ dưới chân của địa ngục, ác quỷ, súc sinh hòa vào toàn thân chúng, làm cho tất cả chúng sinh đều yên vui tự tại. Sau đó Đức Phật lại thu ánh sáng ngũ sắc vào tim mình.

Lúc này, A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hỏi Đức Phật rằng: “Thưa Đức Thế Tôn! Người vui vẻ mỉm cười lại phát ánh sáng chiếu xuống chúng sinh, việc này ắt có nguyên nhân, xin Người hãy nói rõ cho chúng con biết đạo lý trong đó”.

Đức Phật liền hỏi: “A Nan! Con có nhìn thấy Bà La Môn dùng mật cúng dường Phật hay không?”

A Nan trả lời: “Con đã nhìn thấy!”

Đức Phật lại nói: “Hôm nay, Bà La Môn đã cúng dường Phật một bát mật, lại còn bố thí cho rất nhiều chúng sinh, bởi do nguyên nhân này mà có thể giác ngộ!”

Đức Phật quay qua nói với chư Tăng: “Bà La Môn này đã dâng cúng Phật một bát mật, không những một đời này có phúc, mà hai mươi kiếp sau trong một thời gian vô hạn cũng không rơi vào chốn ác! Các con nghĩ xem, đây quả thực là phúc lớn vô cùng”.

Đức Phật lại kể về kiếp trước của Bà La Môn này.

Xưa kia, có một người tên là Bà La Môn. Anh ta bản tính thiện lương, vui vẻ làm việc tốt. Anh nghe mọi người nói ở Nam Sơn có vị thần tiên Ngũ Thông, rất giỏi về tu đạo, bèn đi bái kiến và muốn chiêm ngưỡng phong thái của thần tiên.

Vị tiên biết những ý nghĩ trong lòng anh ta, liền từ trong rừng bay lên không trung, hiện ra trước mặt anh ta. Bà La Môn nhìn thấy cảnh đó, rất vui mừng, liền dâng đến vị tiên một bát mật.

Do công đức của việc bố thí bát mật, sau khi Bà La Môn này chuyển thế, là một vị vua, gọi là Mật Cụ. Ông ấy rất giỏi việc trị quốc, khiến cho dân chúng an cư lạc nghiệp, sau khi chết lại được vào thiên đạo.

Đức Phật nói với chư Tăng rằng: “Bà La Môn lúc đó, chính là Bà La Môn bây giờ; vị tiên Ngũ Thông lúc đó chính là kiếp trước của ta. Bà La Môn bố thí dâng Phật và Tăng một bát mật, là có thể viên mãn và thoát khỏi bể khổ rồi đấy!”.

Theo: Bách Duyên Kinh.

(Câu chuyện nhân quả)