Mục Lục
Ly sanh hỷ lạc
Hỷ là niềm vui và Lạc là hạnh phúc. Đức Thế Tôn muốn chúng ta có Hỷ và có Lạc trong đời sống hàng ngày. Nếu không có Hỷ và có Lạc thì sự thực tập của ta không được nuôi dưỡng và ta không có đi xa được. Đức Thế Tôn nói là có những phương pháp thực tập để giúp ta có Hỷ và có Lạc trong đời sống hàng ngày.
Trước hết là ly
Ly tức là buông bỏ. Mình phải biết buông bỏ thì mới có Hỷ và Lạc được.
Buông bỏ cái gì đây?
Có những cái trong tâm cần phải buông bỏ: những giận hờn, những tiếc nuối, những cố chấp, những thành kiến. Đó là những hành trang làm chiếc thuyền của mình nặng và đi không được. Buông bỏ rất là quan trọng. Thử hỏi mình có hành trang nào cần phải buông bỏ? Trước hết mình có ý niệm về hạnh phúc.
Mình nghĩ rằng trong giây phút hiện tại mình không có hạnh phúc, mình chỉ có thể có hạnh phúc khi mình được như thế này, được như thế kia, được có cái này, được có cái kia, thì đó là trở lực đầu tiên.
Ví dụ có một người xa quê hương , người này nghĩ rằng nếu được về quê hương thì tôi mới có hạnh phúc, và nếu vì lý do nào đó mà người này không về quê được nên họ không có hạnh phúc .
Nếu tôi kẹt với ý nghĩ đó thì ôi thôi hết rồi, sống đâu có vui vẻ gì nữa, thành ra phải buông cái ý đó ra, không cần phải về Việt Nam mới có hạnh phúc, ở đây cũng có hạnh phúc chán. Quý vị đang muốn đi đâu? Quý vị nghĩ rằng phải tới chỗ nào đó mới có hạnh phúc, quý vị phải buông cái suy nghĩ đó đi, thì cái đó là ly.
Ly sanh hỷ lạc, tức là sự buông bỏ đưa tới Hỷ và Lạc.
Quý vị nghĩ rằng nếu mình không được người đó thương thì mình không có hạnh phúc, người đó phải thương mình thì mình mới có hạnh phúc được. Điều kiện đó chưa có, thành ra mình phải đợi người đó thương mình, rồi mình mới có hạnh phúc được, thì cái đó là một cái kẹt, cái đó cần phải buông bỏ.
- Tại sao phải có người đó thương mình mới có hạnh phúc?
- Tại sao phải cột hạnh phúc của mình vào một điều kiện mà mình chưa có?
- Tại sao hạnh phúc đang tới từ muôn phương thì mình đóng cửa lại hết, mà mình chỉ ngồi đó trông cầu một cái mình chưa có?
Đó là phóng tâm về tương lai, đòi hỏi những cái khác, trong khi điều kiện hạnh phúc mình có sẵn mà không biết thừa hưởng. Đó là những cái phải buông bỏ. Có những cái ta nghĩ rằng rất cần thiết cho hạnh phúc của ta, và ta cứ tiếp tục nắm giữ.
Có thể chính vì những cái ta đang nắm giữ mà ta không có hạnh phúc. Có những người thích đi ‘chợ rệp’. Họ thấy người ta bày hàng rẽ quá đi, một đô hay là hai đô một món thôi, tuy không cần xài những thứ đó nhưng không mua thì uổng, cho nên họ lấy tiền ra mua. Họ nghĩ rằng những cái đó sẽ làm cho họ có hạnh phúc.
Rốt cuộc, cái nhà của họ là một cái kho, đi ra đi vô không có chỗ đi, không có chỗ thở, mà buông ra thì tiếc. Trong khi đó, con đường mà họ phải làm là gọi bạn tới ‘nếu anh cần cái gì thì anh lấy đi, tôi không cần món đồ nào hết, tôi cần một cái nhà thật là trống, có không gian cho tôi thở, có khoảng trống để tôi có thể đi ra đi vô cho thảnh thơi’, và họ phải buông hết.
Khi người ta tới lấy những cái gì người ta thích rồi, thì tự nhiên mình có một cái nhà rất là trống, đi ra đi vô rất là sướng. Những cái đó thật sự không cần thiết nhưng vì mình nghĩ là cần thiết.
Ví dụ trên chỉ là sự buông bỏ đồ đạc. Ở đây, không phải là đồ đạc mà là những ý niệm, những tình cảm, những vướng mắc của mình. Mình nghĩ không có cái đó mình sống không được, không có hạnh phúc, ai dè chính cái đó lại là những trở lực của mình, ngăn cản mình hạnh phúc. Thành ra mỗi người phải tự quán chiếu để coi mình vướng vào những cái gì, mình muốn nắm chặc những cái gì, khi buông ra thì mình sẽ có hạnh phúc liền.
Chữ ly có nghĩa là buông.
Càng buông càng có hạnh phúc, càng chất chứa thì càng đau khổ. Đức Thế Tôn dạy phương pháp buông bỏ rất là hay, phương pháp này ngược lại với cái lề thói thâu góp, chứa chất, chiếm đoạt. Phương pháp này rất là mầu nhiệm. Hạnh phúc chỉ có thể có được khi mình biết buông bỏ.
Buông bỏ những tiếc nuối của mình, nhất là buông bỏ những ý niệm của mình, những ý niệm về mình và về người kia. Những ý niệm đó làm cho mình khổ mà cũng làm cho người kia khổ.
Mình có sự phán xét về mình, mình có sự phán xét về người kia; mình cho mình là cao, hoặc mình cho mình là thấp, mình cho mình là đẹp, hoặc mình cho mình là xấu, mình cho người kia là đẹp, người kia là xấu, người kia là tốt, người kia là khó chịu, người kia là dễ chịu, tất cả những ý niệm đó đều có thể làm cho mình khổ đau.
Thành ra buông bỏ những ý niệm đó rất là quan trọng, không có tốn một đồng nào hết. Buông bỏ là một phương pháp rất là mầu nhiệm, nó đem tới hạnh phúc liền lập tức.
Chúng ta phải học và thực tập phương pháp đó.
‘Nếu không có cái đó chắc là tôi chết quá !’
Mình cứ nghĩ như vậy.
‘Tôi làm sao sống được nếu không có cái đó, hay người đó’,
khi kẹt vào ý niệm đó, thì mình không còn tự do nữa.
Ví dụ mà Làng Mai thường đưa ra là những người sống ở thành phố lớn như là Paris, hay là Los Angeles. Cuối tuần, vì muốn thoát khỏi thành phố với những bụi bậm cũng như tiếng ồn, họ lái xe ra khỏi thành phố. Chỉ cần một giờ đồng hồ thôi thì ra khỏi thành phố, ra khỏi thành phố, thì tiếp xúc được với núi đồi, biển cả, gió mát, bắt đầu thấy trăng sao, thấy trời xanh mây trắng, thấy trong lòng lâng lâng.
Hạnh phúc đó là do bỏ cái thành phố lại sau lưng, cái đó gọi là ly, là buông bỏ, là để lại sau lưng. Mình phải bỏ lại sau lưng những cái làm cho mình kẹt thì mình mới có hạnh phúc. Cái đó gọi là ly sinh hỷ lạc, nghĩa là Hỷ và Lạc được phát sinh ra từ cái khả năng buông bỏ.
Bây giờ nhiều người nghĩ rằng có nhiều tiền thì có hạnh phúc, mua sắm nhiều mới có hạnh phúc. Còn phương pháp của đức Thế Tôn thì không cần một đồng nào hết.
Niệm sinh hỷ lạc
Niệm sinh hỷ lạc là một phương pháp khác.
Niệm tức là ý thức.
Ví dụ khi mình uống một ly trà hay một ly sữa đậu nành, nếu mình biết rằng mình đang có ly trà hay một ly sữa đậu nành để uống trong giờ phút này thì mình có hạnh phúc lớn, đó là niệm. Niệm là có mặt, có mặt đích thực. Niệm tức là ý thức được cái gì đang xảy ra.
Trong khi có niệm thì mình nhận diện được những điều kiện của hạnh phúc, cái đó gọi là niệm sinh hỷ lạc. Ý thức rằng mình đang có tuổi trẻ, mình đang có cơ hội để tu học, mình đang ở trong tăng thân, mình có những điều kiện để tu tập, thì cái ý thức đó là niệm. Khi mà không biết, không có ý thức tức là quên, là thất niệm.
Niệm đưa lại hạnh phúc liền lập tức.
Mình đang ở ngoài trời lạnh mà đi vào trong nhà ấm thì có hạnh phúc, nhưng chỉ mười phút sau thì mình quên là mình đang có hạnh phúc. Cơ thể và tâm mình luôn luôn có khuynh hướng bình thường hóa, làm cho soi mòn những cảm thọ.
Niệm cho mình biết rằng: ‘Trời ơi! Đang ở trong nhà ấm hạnh phúc quá!’, thì niệm giúp mình phục hồi cái hạnh phúc trở lại. Nếu bây giờ mình phải đi ra ngoài trời lạnh, thì ý thức rằng mình đang được ở trong nhà ấm sẽ đưa lại hạnh phúc liền lập tức, mau như là một tia chớp.
Ý thức đó là niệm.
Ý thức rằng người thương của mình đang còn đó, ngồi trước mặt mình, thì tự nhiên mình có hạnh phúc. Ý thức rằng mình còn hai mắt sáng, mở mắt ra thì thấy trời xanh mây trắng, đó là niệm. Ý thức rằng mỗi ngày có cơ hội thực tập thiền đi là hạnh phúc.
Có vô số những điều kiện hạnh phúc đang có mặt mà mình chỉ cần thực tập chánh niệm là trở về được giây phút hiện tại và tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc. Niệm là một nguồn suối của hạnh phúc, niệm sinh hỷ lạc. Từ niệm mà hỷ và lạc phát sanh. Mình rất là giàu có. Mình thật sự là những đứa con rất giàu có nhưng mình hành xử như những đứa cùng tử than nghèo.
‘Trời ơi! Tại sao tôi không có hạnh phúc gì hết, tôi chỉ có khổ đau mà thôi.’
Niệm sinh hỷ lạc có thể được khai thác phát triển ra được, thế giới ngày hôm nay rất cần cái giáo lý này, rất cần sự nhắc nhở này.
Định có nghĩa là chuyên chú, là tập trung tâm ý. Niệm đã đem lại hỷ lạc rồi, còn định làm cho niềm vui và hạnh phúc sâu sắc hơn.
Trong niệm có định.
Càng thực tập niệm thì định càng lớn. Định này làm cho mình tập trung được, làm cho mình chuyên chú được vào đối tượng, và đối tượng đó có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc.
Ví dụ như là hơi thở của mình. Trong khi mình ngồi thở, trong khi mình đi thiền, trong khi mình ngồi thiền, trong khi mình nấu cơm, giặt áo, niệm về hơi thở đưa lại hạnh phúc, và định về hơi thở làm cho hạnh phúc sâu sắc hơn. Định càng lớn thì hạnh phúc càng lớn. Khi chúng ta có năng lượng của niệm và định hùng hậu thì chúng ta sẽ có tuệ. Tuệ tức là cái thấy, cái hiểu.
Nhờ cái thấy này, cái hiểu này mà đem lại hạnh phúc rất là nhiều. Tuệ có khả năng giải tỏa những hiểu lầm, những khổ đau, những kiến chấp. Ngày xưa khi con mình bị sốt, tại mình không có tuệ, cho nên mình mới nghĩ rằng con mình bị sốt là vì ông thần nào đó phạt hay lúc đi ngang qua cây đa, nó vạch quần đái, vì vậy nó bị ông thần của cây đa phạt…
Người mẹ cuống lên nghe người ta bảo phải đem một mâm cơm ra cúng ngoài cây đa thì con mình mới hết sốt. Mình tin như vậy. Hiện bây giờ cũng có nhiều người tin như vậy. Có những ví dụ như là sấm sét hay là mưa bão, tất cả những cái đó mình đều cho là sự trừng phạt của thần linh.
Cũng như các ông vua Ả Rập hay là các ông vua Tàu ngày xưa, trước khi chết đi, họ muốn sang thế giới bên kia cũng phải có người hầu cận, cũng cần phải có nhiều lính, có bác sĩ, và vì vậy khi người ta chôn vua người ta chôn luôn cả bác sĩ, nàng hầu, cung nữ mà vua thích. Chôn sống hết! Cái đó là do thiếu tuệ mà gây đau khổ cho mình và cho người khác, cái đó là do chấp vào cái linh hồn bất diệt (thường kiến).
Ở bên Tàu, người ta đào xới ra và thấy có quân lính nung bằng đất, hàng trăm ngàn người bằng đất. Tại vì ông vua nghĩ rằng sang thế giới bên kia ông cũng rất cần nhiều lính; khi chôn vua phải chôn theo cái ấn của ông, cái ấn bằng ngọc, tại vì ông sẽ phải ra lệnh; phải đem theo bác sĩ vì nếu có bệnh thì có bác sĩ để chữa trị, cho nên chôn sống luôn cả bác sĩ…
Những cái đó là do u mê, vô minh mà ra. Khi có niệm, có định, có tuệ thì mình thấy được sự thật, cho nên mình giải tỏa được những thành kiến, những u mê, và mình có hạnh phúc. Ví dụ giữa mình với người thương của mình có sự hiểu lầm. Người thương hiểu lầm mình, và mình hiểu lầm người thương vì những tri giác sai lầm.
Nhờ niệm và tuệ mình thấy được sự thật, nhờ vậy mình lấy đi sự hiểu lầm đó, thì tự nhiên giữa mình và người mình thương có hạnh phúc thôi, cho nên tuệ sinh hỷ lạc. Trí tuệ là nguồn suối của hỷ và lạc, cho nên người nào cũng phải thực tập.
Nguồn trích từ lời dạy Thầy Nhất Hạnh trên trang Làng Mai