LUẬN VÃNG SANH

luận vãng sanh

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh

Quyển 26, Thích Kinh Luận Bộ Hạ

Số 1524, trang 230

LUẬN VÃNG SANH

LUẬN BỘ 1

Hán dịch: Đại Sư BỒ ĐỀ LƯU CHI

Soạn dịch: Hòa Thượng THÍCH PHƯỚC HUỆ

Viện Phật Học Phước Huệ ấn hành.

PL 2547 – DL 2003

VÃNG SANH TỊNH-ĐỘ LUẬN

GIẢNG YẾU

Trước tác: Bồ Tát THIÊN THÂN

Giảng Yếu: Đại Sư THÁI HƯ

Dịch Việt: HỒNG NHƠN

VÃNG SANH TỊNH-ĐỘ LUẬN GIẢNG YẾU

KHỞI NGUỒN

Đức Phật ra đời vì muốn cho chúng sanh thoát khỏi “ Việc lớn Sanh tử ”, nên Ngài dạy diệu pháp vô thượng là pháp môn Tịnh-Độ. Có thể nói, Bản Hoài một đời thuyết giáo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều nằm trong Pháp Môn Tịnh Độ, vì Pháp Môn này độ hết các cơ, trùm khắp các giáo. Người Niệm Phật căn cơ thấp có thể dùng tin nguyện mà được mang nghiệp vãng sanh, còn Bậc Thượng căn nếu hồi hướng.

Lạc Bang mau được viên thành giác Đạo. Nương theo Từ lực của Phật so với Tự lực chỗ khó dễ thấy rõ ràng như một tảng đá lớn nhờ lên thuyền mà dễ qua sông, hạt cát tuy nhẹ rớt xuống đáy áo vẫn nằm nguyên tại chỗ.

Vì thế, Bồ Tát Thiên Thân, một Đại Luận Sư và cũng là Tổ Sư của Tông Pháp Tướng căn cứ vào Kinh Vô Lượng Thọ làm Nguyện Vãng Sanh Kệ Luận, chỉ rõ năm phương pháp Tu Hành chắc được vãng sanh để cho người Tu Tịnh Độ đời sau làm y cứ.

Trong Vãng Sanh Luận, Tổ Thiên Thân đã chỉ rõ phương pháp Lễ Bái, Tán Thán, Tác Nguyện, Quán sát và Hồi Hướng và Ngài Thái-Hư Đại Sư Giảng yếu chỉ thẳng Đại Thệ Nguyện của Phật A Di Đà và chỗ triệt để của Bồ Tát Thiên Thân, nếu không phải là bậc thấu triệt Tâm Phật, được vô ngại biện tài như Ngài Thái-Hư thì không ai có thể làm nỗi.

Pháp môn Tịnh Độ từ xưa nay vốn là nơi quy về của các pháp môn, vì thế, ở hội Hoa Nghiêm Các Bậc Đẳng Giác Bồ Tát còn lấy mười Đại Nguyện Hồi hướng vãng sanh. Các Bậc Tông Sư như Long Thọ, Mã Minh là Tổ Thiền Tông, Trí Giả Đại Sư là Thiên Thai Tông, Từ Ân Đại Sư là Tổ của Hoa Nghiêm Tông, Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư Cháu Đích Tôn của dòng Pháp Nhãn, tất cả các vị đều dạy người thực hành và tự thực hành đồng nguyện sanh về thế giới Cực-Lạc.

Từ đó, chúng ta thấy những người chấp chuyên vào Tự lực không nhờ vào Phật lực sẽ mất nhiều lợi ích lớn, vì đây là phương tiện Tối Thắng của vị Trưởng giả muốn cho tất cả các con thoát khỏi nhà lửa ba cõi mà mở bày, vì người được vãng sanh là thoát ra nhà lửa được về cõi Cực-Lạc an vui.

Khi về được cõi ấy rồi thì đầy dẫy thắng duyên, chim nói pháp, nước reo kinh, bạn là Bồ Tát Bất Thối, thân gặp Phật A Di Đà, nghe Phật nói pháp chứng Quả Vô Sanh, viên mãn quả vị Vô Thượng Bồ Đề.

Với ngòi bút lưu lợi của Thái Hư Đại Sư đã làm những lời Kệ Nguyện của Bồ Tát Thiên Thân thêm sáng rực như một bó đuốc dẫn đường đến cõi Phật An Vui. Nhận thấy đây là một Phương Pháp Tu Tập để được Vãng sanh Vô cùng Quý Báu, thật dễ làm và chắc chắn đi đến thành công, nên dù thời gian có eo hẹp chúng tôi cũng cố gắng phiên dịch ra Việt Ngữ để Tịnh Độ pháp ngữ được lưu thông.

Chúng tôi Chân Thành giới thiệu đến Quý Phật Tử Phương Pháp Thiết yếu của người muốn Vãng sanh Cực-Lạc.

Hồng Nhơn Cẩn Bút.

A. THÍCH ĐỀ

1. Đề Luận

Vãng sanh Tịnh Độ Luận nguyên tên là Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sanh Kệ. Luận có 2 loại: Tôn Kinh luận và Thích Kinh Luận. Tôn Kinh luận là Chư Tổ dựa vào ý kinh tự lập ra luận.

Thích Kinh luận là các Tổ y cứ theo Kinh văn giải thích thành luận. Bộ Luận Vãng Sanh Tịnh Độ này là Tôn Kinh Luận do đó luận cũng chính là Đề Kinh.

Kinh Vô Lượng Thọ là một trong 3 Bộ Kinh cốt yếu lập thành Tông Tịnh Độ là Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà và Quán Vô Lượng Thọ Kinh. Luận này dựa vào Kinh Vô Lượng Thọ lập nghĩa nên được gọi là Vô Lượng Thọ Kinh Luận. Vô Lượng Thọ là hồng danh của Đức Phật, tiếng Phạn là AMITABHA, dịch âm là A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, nhưng chủ yếu là Vô Lượng Thọ, nên hầu hết các Kinh đều dịch là Vô Lượng Thọ.

Chữ VÔ có nghĩa là Không. Chữ LƯỢNG có nghĩa là số lượng. Riêng về chữ Lượng có 4 loại:

1. Không gian lượng là chỉ thể-tích trong không gian, những vật có chiều rộng, dài, cao chiếm một khoảng trong không gian. Toán Kỷ Hà Học đã tính được lượng này.

2. Thời lượng: Tính bằng thời gian lấy sát na làm đơn vị đến giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm… gọi là thời lượng.

3. Trọng lượng: Tính sức nặng đơn vị nó là lượng, cân, ký, tấn…

4. Số lượng: Tính từ số 1 đến A Tăng Kỳ số. Thế nào gọi là vô lượng? Phàm cái gì có thể dùng lời mà nói được, dùng ý thức có thể suy nghĩ đều thuộc về 4 lượng tính toán trên.

Nếu vượt qua các lượng tức là hết tất cả tướng nói năng, lìa hết tướng tâm có thể duyên. Thực mà nói: Dứt cả lờì nói, tâm làm đều tịch diệt, tình cảnh không thể nghĩ bàn gọi là Vô Lượng.

THỌ là sống lâu. Nếu lấy trăm ngàn tuổi tính đến kiếp số của sự thọ mạng, bất cứ cái gì còn tính được đều không thể gọi là vô lượng. Cái gì không thể lấy ngôn ngữ, tư tưởng có thể suy đo gọi là vô lượng.

KINH: Phàm những lời Phật nói ra hoặc đệ tử nói ra mà Phật ấn khả gọi đó là Kinh. Kinh còn gọi là Khế Kinh tức là trên khế hợp với lý Phật, dưới khế hợp căn cơ chúng sanh. Các Bồ Tát y theo Tôn yếu mà sáng tác, hoặc chú thích thuật tác theo Kinh gọi là Luận. Lúc Phật còn ở trong đời, hằng ngày sinh hoạt với Đệ Tử, Quy định những điều luật để đệ tử thật hành gọi là Luật.

Vô Lượng Thọ là đề Kinh, Ưu Bà Đề Xá nghị luận nghĩa lý, mục đích phát huy hết yếu nghĩa của Kinh gọi là Luận. Trong luận này chia làm 2 phần. Trước tiên Ngài làm thành kệ để phát nguyện vãng sanh, kế đó Ngài làm Luận để Giải Thích rõ ràng văn kệ nên cũng gọi là Vô Lượng Thọ Kinh Nguyện Sanh Kệ Luận.

TỊNH ĐỘ: Trong kinh dạy: ‘Hư không vô biên, thế giới vô số’. Ngày nay, những nhà thiên văn đã xử dụng kính viễn vọng có thể thấy được Hỏa tinh, trong ấy có người đang sống và các hành tinh vô số trong vũ trụ. Trong vô số thế giới ấy, đương nhiên sẻ có thế giới khổ, vui, nhơ, sạch, tốt xấu nhiều thứ sai biệt. Những thế giới trong sạch an vui, tốt đẹp trang nghiêm được gọi là Tịnh Độ. Từ đó suy ra các nhà thiên văn học đều dễ dàng công nhận. Thế giới Ta Bà là thế giới đau khổ, người sanh trong cõi này không có một chút vui chơn thật luôn luôn bị khổ đau ép ngặt. Vì thế, Đức Thích Ca Mâu Ni đặc biệt chỉ dạy cho chúng sanh một thế giới thanh tịnh vô cùng an lạc và chỉ cho mọi người phương pháp tu để được vãng sanh về cõi tịnh ấy, vì nếu tu nghiệp nhơn tịnh độ sẽ có quả an lạc tịnh độ. Ngài dạy: Từ đây hướng về phía Tây, cách mười muôn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực-Lạc. Bằng nhãn quang và trí tuệ, Ngài thấy chắc có thế giới này, nên dạy khuyên chúng sanh trong thế giới tai nạn khổ ách cõi Ta Bà này hãy phát tâm cầu sanh về thế giới Cực-Lạc, siêng tu tịnh nghiệp chắc chắn được vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ.

Căn cứ vào Đệ Nhất Nghĩa Đế mà nói, Cõi Phật cứu kính thanh tịnh là Chơn Pháp Giới lìa tất cả tướng, lìa tất cả phân biệt, ngôn thuyết. Chơn pháp giới này trùm khắp cả chỗ, mọi ngườì có đủ nhưng không hiển hiện được vì bị ngăn ngại phiền não nghiệp chướng. Dù nó có mặt khắp tất cả chỗ nhưng không tương ưng nên phải ở trong cuộc sống huyễn mộng sanh tử không dứt. Nếu có thể phá được nghiệp báo phiền não huyễn mộng, một niệm giác ngộ là một niệm Tịnh Độ tương ưng. Đó chính là ‘ Vãng không chỗ vãng và sanh không có chỗ sanh’. Đó là nghĩa của vãng sanh vậy.

Nếu căn cứ vào Tục Đế mà nói vãng sanh là ‘Vãng thì quyết định vãng, sanh thì quyết định sanh’. Do nhơn tu Tịnh nghiệp nên khi lâm chung lìa cõi Ta Bà này vãng sanh về thế giới Cực-Lạc. Nếu hợp Chơn Đế và Tục đế mà nói vãng là ‘Vãng thì không chỗ vãng, sanh thì quyết định sanh’ vì người vãng sanh căn cứ trên báo thể tức là A Lại Da thức. Năng lực A Lại Da thức trùm khắp tất cả chỗ, sanh vào cõi này là do nghiệp lực năng sanh thuần thục mà báo thể cõi này thành tựu. Như thế, được sanh tịnh độ là do tịnh nghiệp thành thục tức là Báo thể sanh Tịnh Độ thành thục. Nên nói: ‘Vãng thì không có chỗ vãng, sanh thì quyết định sanh’.

Lại nữa, chúng sanh nhận báo thân ở cõi Ta Bà khi chưa bỏ thân mạng, nếu bỏ thân này vãng sanh về cõi Cực-Lạc là ‘Vãng thì có chỗ vãng’. Nhưng năng sanh sở sanh không thực tại, xét cho kỹ thì từ chỗ nào sanh về cõi Ta Bà, từ chỗ nào sanh về Cực Lạc? Nếu từ Tự sanh, lúc chưa sanh tự thể nó là không làm sao có thể tự sanh? Nếu đó là tha sanh thì dối tự nói tha sanh vì tự mình đã không sanh người khác làm sao sanh?

Nếu không có cái nhơn sanh thì tất cả đều Vô-sanh. Trong Trung luận nói: ‘Các pháp không tự sanh, cũng không từ cái khác sanh, không cùng đều là nhơn nên nói vô sanh’, nên có thể nói: ‘Vãng thì có chỗ vãng mà sanh thì không có chỗ sanh’. Vì thế bốn trường hợp trên không nên thiên chấp. Quả nếu có thể lìa chấp thời có thể tùy cơ phương tiện mà nói đó.

2. Người tạo Luận

Luận này do Bồ Tát Thiên Thân tạo, Ngài có hai người anh là Bồ Tát Vô Trước và Tôn Giả Sư Tử đều là Bậc Luận Sư nổi tiếng đương thời. Ngài tạo rất nhiều Luận được người đời tôn xưng là ‘Thiên Bộ Luận Sự’.

Ban đầu Ngài học theo Tiểu thừa tạo ra 500 Bộ Luận Tiểu Thừa, sau bỏ Tiểu Thừa sang Đại Thừa cũng tạo ra 500 Bộ Luận Đại Thừa. Vãng Sanh Tịnh Độ Luận này là một trong 500 Bộ Luận Đại Thừa ấy.

BỒ TÁT nói cho đủ là Bồ Đề Tát Đỏa là Giác Hữu Tình, là những bậc đã chứng được quả chánh biến tri, quyết tâm độ thoát tất cả chúng hữu tình gọi là Bồ Tát. Công hạnh Bồ Tát có gần xa, công hạnh có sâu cạn. Vị Thập Tín là Sơ phát tâm Bồ Tát. Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Tứ Gia Hạnh Vị gọi là Tam Hiền Bồ Tát. Bồ Tát Thiên Thân đã chứng Tứ Gia Hạnh Vị thuộc về Bồ Tát Tam Hiền.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh ra ở Xứ Ấn Độ, những lời thuyết giáo được ghi lại bằng Ấn văn. Đến đời Nguyên Ngụy, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch sang Hoa Văn và Ngài Thái-Hư Đại Sư giảng chỗ yếu nghĩa.

B. GIẢNG KỆ VĂN

Trong Luận này có chia làm hai phần là Kệ Văn và Luận Văn. Kệ văn là những Bài Kệ được Quy Định năm chữ một câu. Luận văn là thể văn xuôi không Quy định chữ và vần điệu. Trọng tâm của Kệ văn và Luận văn là dạy những cương lĩnh của năm môn tu để được vãng sanh về Cực Lạc. Vì thế, Luận này còn gọi là Luận Năm môn thực hành đề được vãng sanh Tịnh Độ.

1. Kỉnh Pháp Chủ Giải Ba Môn

KỆ VĂN: ĐỨC THẾ TÔN! CON MỘT LÒNG QUY MẠNG, VÔ NGẠI QUANG NHƯ LAI, KHẮP CẢ TRONG MƯỜI PHƯƠNG NGUYỆN SANH NƯỚC AN- DƯỠNG.

Con một lòng quy mạng là tỏ lòng cung kính với vị pháp chủ. Kinh là những lời kiết tập do chính Đệ Tử Phật nghe và ghi lại, còn luận là căn cứ vào kinh mà tạo ra. Vì kinh do Phật nói ra nên Nhà Tạo Luận trước phải Kỉnh Phật. Nói Quy mạng là diễn tả sự cung kính cùng tột hết lòng nương về Đức Phật.

Con Quy mạng Vô Ngại Quang Như Lai khắp mười phương thuộc về Lễ Bái Môn. Vô Ngại Quang Như tức là Phật A Di Đà. Nói đến Phật A DI Đà tức là tán thán công đức Quang Vô Lượng và Thọ Vô Lượng là Tán Thán Môn.Như Lai: như là Chơn như thật tánh, Bậc chứng Chơn Như Thật Tánh thành Vô Thượng giác. Lai là đến độ thoát tất cả chúng sanh. Từ chơn như thật tánh mà đến là không đến (lai) mà đến (lai) gọi là Như Lai.

Nguyện sanh Nước An Lạc là lòng phát nguyện mong cầu được vãng sanh về nước Cực Lạc. Đó là Tác Nguyện Môn. Lễ Bái thuộc về Thân Nghiệp, Tán Thán thuộc Khẩu nghiệp, Nguyện Sanh thuộc Ý nghiệp. Nếu Ba nghiệp được thanh tịnh, đồng Phật sang Tây phương.

2. Y Kinh Nói Về Quán Sát Môn

KỆ VĂN: CON Y THEO KINH GIÁO, TƯỚNG CÔNG ĐỨC CHƠN THẬT, NÓI TỔNG TRÌ KỆ NGUYỆN, CÙNG PHẬT GIÁO TƯƠNG ƯNG.

Nói về tướng công đức chơn thật không phải do chỗ mình thấy mà y theo lời nói của Phật để diễn đạt. Kinh nói cho đủ là khế kinh là những lời nói khế hợp với chơn lý và khế hợp với căn-cơ tức chỉ phần trường hàng trong 12 thời thuyết giáo. Tướng công đức chơn thật là chỉ công đức chơn thật của chư Phật. Ở đây Ngài Thiên Thân y trong Kinh nói công đức tướng của Phật A Di Đà, công đức này do trong Kinh, Đức Phật Thích Ca nói ra quả thật Phật A Di Đà có công đức chơn thật không hư dối, vì Phật Thích Ca luôn luôn nói đúng, nói thật, không hề giả dối. Như thế, ta biết chắc rằng cõi Tịnh Độ trang nghiêm do tướng công đức và Quả vô lậu chuyển thành. Vì lìa các tướng điên đảo nhiễm-ô là công đức vô lậu và lìa tất cả tướng tức tất cả tướng nên gọi là chơn thật tướng, trong Kệ nói tướng công đức là tương ưng với giáo pháp Phật không chút sai trái.

KỆ VĂN: XÉT TƯỚNG THẾ GIỚI KIA, VƯỢT XA HẲN BA CÕI

Quán sát môn chính là quán về công đức y báo, chánh báo trang nghiêm quốc độ Cực-Lạc của Phật A Di Đà. Trong đó, trước Quán sát tướng công đức y báo trang nghiêm của thế giới Cực Lạc gồm có 17 thứ công đức.

1. Thanh tịnh công đức thành tựu: là nói cõi Cực Lạc thế giới ở phương Tây tướng thanh tịnh của nó cứu cánh như hư không, rộng lớn vô biên, thanh tịnh cách xa tam giới không thể kể xiết.

KỆ VĂN: CỨU KÍNH NHƯ HƯ KHÔNG, RỘNG LỚN KHÔNG NGẰN MÉ.

2. Lượng Công đức thành tựu: Là nói vô lượng thành tựu của thế giới Cực Lạc như hư không, rộng lớn không ngằn mé

KỆ VĂN: CHÁNH ĐẠO LÀ TỪ BI, SANH THIỆN CĂN XUẤT THẾ.

3. Tánh công Đức thành tựu: nói về nhơn tánh của thế giới Cực Lạc là do công đức vô lậu thanh tịnh xuất thế gian thành tựu không phải năng lực hữu lậu bất thiện nhiễm ô mà thành.

KỆ VĂN: ÁNH SÁNG SẠCH ĐẦY KHẮP, NHƯ NHẬT NGUYỆT CÙNG SOI.

4. Hình tướng công đức thành tựu: Nói hình tướng của thế giới Cực -Lạc không có tướng tối tăm, luôn luôn có ánh sáng thanh tịnh như mặt Trăng mặt Trời cùng soi sáng.

KỆ VĂN: CÁC THỨ TÁNH TRÂN BỬU, ĐẦY ĐỦ DIỆU TRANG NGHIÊM.

5. Các thứ sự công đức thành tựu: Nói đầy đủ bảy báu như vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não cho đến trăm ngàn vô lượng trân bửu là thành tựu công đức trang nghiêm vô lượng vi diệu thanh tịnh.

KỆ VĂN: ÁNH VÔ CẤU RỰC RỠ, SOI SẠCH HẾT THẾ GIAN!

6. Công đức diệu sắc thành tựu: Ánh sáng vô cấu rực rỡ là nói ánh sáng sắc tướng vô cấu của thế giới Cực Lạc tây phương có thể chiếu khắp tất cả thế gian.

KỆ VĂN: CỎ TÁNH BÁU CÔNG ĐỨC, MỀM MẠI MỌC HAI BÊN, NGƯỜI CHẠM SANH VUI LỚN, HƠN CA THI LÂN ĐÀ.

7. Xúc công đức thành tựu: Ca Thi Lân Đà là một thứ cỏ rất mềm mại, mịn màn ở Ấn Độ, người khi chạm vào cỏ ấy sanh lòng vui vẻ êm dịu, khi va chạm vào cỏ bửu tánh công đức ở thế giới Cực Lạc Tây Phương sẽ sanh lòng vui vẻ êm dịu còn hơn nhiều khi va chạm vào cỏ Ca Thi Lân Đà.

KỆ VĂN: HOA BÁU NGÀN MUÔN THỨ, ĐẦY ĐỦ Ở TRONG AO, GIÓ NHẸ THỔI CÁNH HOA, ÁNH SÁNG CHIẾU CHÓI LỌI, CÁC CUNG ĐIỆN LẦU GÁC, THẤY

MƯỜI PHƯƠNG KHÔNG NGẠI, NHIỀU CÂY MÀU SẮC LẠ, HÀNG BÁU VÂY GIÁP VÒNG. BÁU VÔ LƯỢNG KẾT NHAU, THÀNH LƯỚI BỦA HƯ KHÔNG, CÁC THỨ RUNG THÀNH TIẾNG, VANG RA TIẾNG PHÁP MẦU.

8. Nói về công đức trang nghiêm thành tựu: bốn câu đầu công đức trang nghiêm thành tựu ở dưới nước, bốn câu giữa nói công đức trang nghiêm thành tựu ở trên đất, bốn câu cuối nói công đức trang nghiêm thành tựu ở trên không.

KỆ VĂN: MƯA HOA Y TRANG NGHIÊM, VÔ LƯỢNG HƯƠNG XÔNG KHẮP.

9. Nói công đức rưới hoa thành tựu: Nói ở trong không trung rưới vô lượng hoa y để trang nghiêm đồng thời có vô lượng hương xông khắp tất cả pháp giới.

KỆ VĂN: TRÍ PHẬT NHƯ MẶT NHẬT, TRỪ SI ÁM THẾ GIAN.

10. Nói công đức ánh sáng thành tựu: – đây nói trí huệ quang minh của Phật thanh tịnh như mặt nhật, không phải chỉ phá những hắc ám của thế gian mà còn có thể phá tất cả vô minh si ám của nội tâm tất cả chúng sanh.

KỆ VĂN: TIẾNG PHẠM VANG SÂU XA, MƯỜI PHƯƠNG NGHE LỜI MẦU.

11. Nói Thinh công đức thành tựu: ở đây chỉ lời nói của Phật rất vi diệu, khắp mười phương đều nghe, không tìm được ngằn mé.

KỆ VĂN: PHẬT DI ĐÀ CHÁNH GIÁC, CHÁNH PHÁP KHÉO GIỮ GÌN.

12. Nói chủ công đức thành tựu: Phật A Di Đà là Bậc đã thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác. Phật Di Đà là Giáo chủ của Cực-Lạc thế giới là vua của Chánh pháp.

KỆ VĂN: CHÚNG TỊNH HOA NHƯ LAI, HOA CHÁNH GIÁC HÓA SANH.

13. Nói quyến thuộc công đức thành tựu: Có chủ tức có bạn, đây nói các Đại Bồ Tát và chúng sanh vãng sanh trong chín phẩm là bạn của Phật A Di Đà, đều do hoa chánh giác của Phật A Di Đà mà biến hóa ra.

KỆ VĂN: ƯA THÍCH PHÁP VỊ PHẬT, THỰC PHẨM THIỀN CHÁNH ĐỊNH.

14. Nói thọ dụng công đức thành tựu: Bình thường nói pháp hỉ sung mãn tức là nói đến sự ưa thích mùi vị Phật Pháp. Lấy việc vui Thiền làm thức ăn, tức chỉ trong lúc ngồi Thiền lấy Tam muội làm thức ăn là chỉ người ưa thích Phật pháp được nhiều thú vị, lấy pháp vị để nuôi dưỡng huệ mạng mình. Thiền tiếng Phạn là Thiền Na. Trung Hoa dịch là Tịnh Lự nghĩa là dẹp sạch hết suy nghĩ. Tam muội là tiếng Phạn, Trung Hoa là Đẳng Trì nghĩa là bình đẳng an giữ tâm mình làm cho xa lià hôn trầm, trạo cử, vọng tưởng, thông thường gọi là Chánh Định.

KỆ VĂN: LÌA PHIỀN NÃO THÂN TÂM, NHẬN VUI LUÔN KHÔNG DỨT.

15. Nói không có các nạn công đức thành tựu: Nói chỗ thọ của thân tâm không có tất cả khổ nạn, nên trong Kinh A Di Đà nói: ‘Chỉ nhận các điều vui không có các điều khổ nên gọi là Cực Lạc’.

KỆ VĂN: CÕI ĐẠI THỪA THIỆN CĂN, ĐỀU KHÔNG CÓ CHÊ BAI, NGƯỜI NỮ VÀ CĂN THIẾU, GIỐNG NHỊ THỪA CHẲNG SANH.

16. Công đức đại nghĩa môn thành tựu: Trong đây nói người nữ, căn thiếu và nhị thừa không được vãng sanh. Ý nói chúng sanh đã sanh về thế giới Cực Lạc Tây phương không có tướng người nữ, căn thiếu và nhị thừa. Người không hiểu nghĩa này giải sai nói các người nữ không được vãng sanh Tây-phương, như thế các người nữ niệm phật nhọc sức mà không có lợi ích gì? Nên biết phàm người sanh đến thế giới Cực Lạc Tây Phương đều có đủ 32 tướng của Bậc Đại Bồ tát nên không có tướng người Nữ, căn thiếu và Nhị Thừa không đủ Phước báo; chứ không phải nói người nữ, căn thiếu, nhị thừa ở cõi này hoặc ở phương khác không được vãng sanh về Cực-Lạc! Đã sanh về Cực-Lạc tuy có phàm phu, nhị thừa, căn thiếu khác nhau, nhưng tất cả đều tiến vào Đại thừa rốt ráo thành Phật. Vì thế, Thế giới Cực Lạc đều do vô lậu thiện căn Đại thừa mà thành tựu, vì đây là cảnh giới Thiện căn của Đại thừa, nên không thể có thể tánh người nữ, căn thiếu và nhị thừa, mà danh xưng người nữ, căn thiếu, Nhị thừa cũng không có, chỉ có danh xưng của Bồ Tát Bất Thối mà thôi.

Không phải chỉ có Phật A Di Đà có Tịnh Độ mà Chư phật Bồ Tát ở mười phương đều có tịnh độ. Như thế, Tịnh Độ là điểm cứu cánh của chư Phật. Vì cớ nào mà các Ngài an lập Tịnh Độ? Đức Phật Thích Ca đã căn cứ vào căn cơ nào để nói Pháp Môn Tịnh Độ? Đây là vấn đề người Tu Tịnh Độ cần phải biết.

Ở đời có người nhơn bị ác báo hiện tiền nên kinh hoàng sợ sệt mà cầu sanh Tịnh Độ; Có người nhơn bị bức bách vì sinh hoạt, cơ hàn khốn khổ mà cầu sanh tịnh độ; Có người nhơn bức não bởi các khổ già bịnh mà cầu sanh tịnh độ; Tất cả đều do tâm lý lánh khổ tìm vui làm động cơ cầu sanh tịnh độ. Nhưng xét cho kỹ chư Phật an lập Tịnh Độ, Đức Thế Tôn nói Tịnh Độ pháp môn, tuy có ý phụ là làm cho chúng sanh chán khổ thích vui, nhưng không phải là bản ý chính sáng lập và nói ra pháp môn Tịnh Độ.

Bản ý chính của Đức Phật là muốn an lập pháp môn chơn chánh phát tâm đại thừa của Bồ Tát mà nói ra. Chúng sanh phàm phu có tâm chán khổ tìm vui, lòng chỉ thích khoái lạc không muốn dứt trừ sinh tử, như nhàm chán khổ ở ba đường ác, muốn gìn giữ để được làm người không mất thân nầy, nhàm chán khổ ở cõi người muốn cầu sanh về cõi trời, nhàm chán khổ ở Dục giới cầu sanh về Sắc giới, nhàm chán Sắc giới cầu sanh về Vô sắc giới, chỉ dùng các pháp nhơn thiên thừa như Ngũ Giới, Thập Thiện, Bát Định.

Nguời giữ được năm giới có thể được sanh làm người không mất; tu Thập Thiện Bát Định được sanh về cõi trời, chư Phật cần gì an lập Tịnh-Độ? Đức Phật Thích Ca nói ra pháp môn Tịnh-Độ nầy vì Ngài thấy ba cõi như lao ngục, hàng nhị thừa như oan gia, sanh tử ở gần, muốn ra khỏi ba cõi dứt hẳn sanh tử, cần phải biết tam giới là khổ, chúng sanh bất tịnh, vô thường, vô ngã. Nếu y theo Tứ Niệm Xứ, khởi tu Tứ Chánh Cần, Bát Chánh Đạo, Ba Mươi Bảy Pháp Bồ Đề, tinh tấn cần tu, ở trong một đời tuy chưa được quả A La Hán cũng có thể được quả Tu Đà Hoàn, nhờ được quả Tu Đà Hoàn vĩnh viễn không thối chuyển tuy vẫn còn chịu các khổ sinh tử phiền não; cũng không cần y theo pháp môn Tịnh Độ cầu sanh về Tịnh-Độ, như các nước tiểu-thừa Phật giáo Miến-Điện Tích-Lan chỉ cần cầu được quả A La Hán, liễu sanh thoát tử, do đó các xứ Tích Lan, Miến-Điện không có pháp môn Tịnh-Độ nầy.

Từ đó suy ra, Chư Phật an lập tịnh độ và Đức Bổn Sư tuyên nói Tịnh độ không phải vì phàm phu, nhị thừa, thực vì chúng sanh có căn tánh Đại Thừa, người nghe Phật pháp không cầu có phước báu an lạc đời sau, không có ý muốn tự ra khỏi ba cõi khổ não sanh tử, mà vì người phát tâm Đại Thừa độ thoát tất cả chúng sanh mà Ngài nói pháp môn này.

Phát tâm Đại Thừa là người hiểu biết lý các pháp do nhân duyên sanh, biết tất cả pháp đều do nhân duyên sanh, vì pháp do các duyên sanh nên tất cả là tất cả pháp; Chúng sanh do các duyên mà sanh nên một chúng sanh tức là tất cả chúng sanh, lìa tất cả chúng sanh ra không có cái ta nào khác.

Nếu không làm cho tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo, tức là không có ông Phật riêng ta có thể thành. Do đó mà phát đại nguyện rộng độ hết tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo, quyết không lìa tất cả chúng sanh mà tự mình thoát khỏi sanh tử, vì chúng sanh tức là chính mình và chính mình tức chúng sanh, không có chúng sanh và ta khác nhau (sóng & nước) nên gọi: ‘Không ngã tướng, không chúng sanh tướng, không nhơn tướng, không thọ giả tướng’, không thể lìa ngoài chúng sanh mà mình được độ thoát.

Bồ Tát dùng đồng thể không khác không hai với tất cả chúng sanh mà phát từ nguyện phổ độ tất cả chúng sanh. Nhưng muốn thành mãn nguyện này nếu là người không chứng được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác thì không làm được. Tuy người có nguyện này thực sự không có ngày thành tựu.

Dù có đại bi tâm muốn độ hết thảy chúng sanh trong pháp giới, muốn độ vô số chúng sanh cần phải đoạn vô biên phiền não, tu học vô lượng pháp môn, thành tựu vô lượng phước đức trí huệ trang nghiêm viên mãn Phật quả cần phải trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp, vào vô lượng thế giới, độ vô số chúng sanh, thực không phải khả năng của một chúng sanh có thể làm được.

Trong Khởi Tín Luận nói: ‘Tín tâm đã thành tựu, vào Chánh Định Tụ, cần trải qua mười ngàn Đại Kiếp’. Đại Thừa Tín Tâm thành tựu còn khó như thế huống chi muốn chứng thành Phật Quả.

Thành Phật không phải là khả năng một đời, người đã phát tâm Đại Thừa cần tu Lục Độ. Khi tu Lục độ sẽ có nhiều nghịch duyên, nhiều thứ liên tục phá hoại Tâm Đại Thừa, vây quanh toàn là những hiểm ách phá hoại Tâm Đại Thừa mà mạng người thì ngắn ngủi, một khi vô thường đến, hoặc sanh lên cõi vui, hoặc đọa vào cõi khổ lại thêm bị ách nạn to lớn làm mê mất tâm đại thừa, tâm bồ đề.

Do nhiều thứ ác duyên như thế, Bồ-Tát tuy đã phát tâm đại thừa mà muốn gìn giữ cho không bị lui sụt thực không phải là chuyện dễ. Trong Kinh dạy: ‘Chư Phật lúc nào cũng có trách nhiệm bảo vệ cho Bồ Tát’. Kinh KIM CANG nói: ‘Như Lai khéo hộ niệm các Bồ- Tát’. Bồ-Tát đã phát Tâm Đại Thừa nhưng chưa có khả năng chẳng lui sụt, Chư Phật đã dùng pháp Từ Bi nào để hộ niệm làm cho các Bồ Tát phát tâm đại thừa thoát khỏi hiểm nạn lui sụt tan mất? Để hộ niệm Bồ Tát đã phát tâm Đại Thừa khỏi bị lui sụt, Chư Phật đã an lập quốc độ thanh tịnh trang nghiêm.

Chư Bồ Tát có duyên với Tịnh Độ nào liền phát tâm sanh về cõi Tịnh Độ ấy. Tùy theo chỗ phát nguyện, khởi lòng tin quyết định, tâm chuyên nhất thì khi lâm chung tùy theo nguyện mình mà vãng sanh về Tịnh Độ, nghe pháp được Bất thối, rồi trở lại khắp độ tất cả chúng sanh.

Nếu Chư Phật không an lập Tịnh Độ để các Bồ Tát mới phát tâm nương về, một khi tâm bị lui sụt thì những công đức tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ sẽ tiêu tan vô ích. Vì thế, Bồ Tát phải lấy Tịnh Độ làm chỗ an trụ mới không bị thối thất Tâm Đại Thừa Bồ Đề và khỏi uổng mất công trước.

Đó là bản ý của Phật A Di Đà và chư Phật trong mười phương thành lập Tịnh Độ và cũng là chơn nghĩa để Phật Thích Ca Mâu Ni nói Pháp Môn Tịnh Độ. Người Tu Tịnh Độ cần phải hiểu rõ yếu nghĩa này.

KỆ VĂN: CHÚNG SANH MUỐN AN VUI, TẤT CẢ ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ, NÊN CON NGUYỆN VÃNG SANH, VỀ NƯỚC PHẬT DI ĐÀ.

17. Nói công đức tất cả chỗ cầu mong đều được thành tựu: Đây nói thế giới Cực Lạc Tây Phương muốn có là có đủ hết, nếu chúng sanh muốn được an vui, tất cả mong muốn đều có đầy đủ. Hai câu cuối tác giả kết luận bằng cách phát nguyện vãng sanh.

KỆ VĂN: VÔ LƯỢNG ĐẠI BỬU VƯƠNG, ĐÀI HOA TỊNH VI DIỆU.

Mười bảy công đức ở trên là quán về công đức Phật Độ, đó là Y-Báo trang nghiêm. Đoạn này quán sát về công đức Phật, công đức Bồ Tát là Chánh-báo trang nghiêm của cõi Cực- Lạc. Y theo luận văn sau, Quán công đức Phật gồm có 8 thứ:

1. Tòa Trang nghiêm: Đây nói về lấy vô lượng Đại Bảo Hoa Vương làm thành Đài Hoa vi diệu thanh tịnh.

KỆ VĂN: MỘT TẦM ÁNH TƯỚNG HẢO, SẮC TƯỢNG HƠN QUẦN SANH.

2. Thân trang nghiêm: Phật A Di Đà dịch là ánh sáng trùm khắp vô lượng. Trong đây nói một tầm (2m50) là tùy theo cõi này, chúng sanh quan sát ánh sáng của Đức Thích Ca mà nói đó.

KỆ VĂN: TƯỚNG NHƯ LAI VI DIỆU, TIẾNG PHẠM VANG MƯỜI PHƯƠNG.

3. Miệng trang nghiêm: Ý nói lời nói từ miệng của Như -lai Vô Lượng Thọ phát ra, tiếng vi diệu vang khắp 10 phương.

KỆ VĂN: ĐỒNG ĐẤT NƯỚC GIÓ LỬA, HƯ KHÔNG KHÓ PHÂN BIỆT.

4. Tâm Trang nghiêm: Ý nói Tâm Phật bình đẳng cũng như ngủ đại không có phân biệt.

KỆ VĂN: TRỜI NGƯỜI CHÚNG BẤT ĐỘNG, SANH BỂ TRÍ THANH TỊNH.

5. Chúng trang nghiêm: Ý nói tất cả chúng bất động trời người đến từ bể trí thanh tịnh của Phật A Di Đà mà sinh ra.

KỆ VĂN: NHƯ VUA NÚI TU DI, CAO TỘT KHÔNG GÌ HƠN.

6. Thượng thủ trang nghiêm: Ý nói những bậc thượng thủ bạn lữ của Phật A Di Đà đều cao tột thắng diệu như núi Tu Di, không một ai có thể hơn được.

KỆ VĂN: CHÚNG TRƯỢNG PHU TRỜI NGƯỜI, VI NHIỄU KÍNH CHIÊM NGƯỠNG.

7. Chủ trang nghiêm: Ở đây từ bạn chỉ rõ Chủ. Ý nói Phật A Di Đà tất cả nhơn thiên đều cung kính, vi nhiễu tán thán công đức của Pháp Chủ.

KỆ VĂN: QUÁN BỔN NGUYỆN LỰC PHẬT, AI GẶP ĐỀU LỢI ÍCH, LÀM CHO MAU ĐẦY ĐỦ, CÔNG ĐỨC BIỂN BÁU LỚN.

8. Không dối làm trụ trì trang nghiêm: Ý nói phàm người nào thấy ánh sáng Phật, nghe danh hiệu Phật đều có thể mau thành tựu đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Không có người nào gặp ánh sáng Phật, nghe danh hiệu Phật mà không được thành Phật.

KỆ VĂN: NƯỚC AN LẠC THANH TỊNH, THƯỜNG CHUYỂN XE VÔ CẤU, NHẬT HÓA PHẬT BỒ TÁT, TRỤ TRÌ NHƯ TU- DI. ÁNH TRANG NGHIÊM VÔ CẤU, MỘT NIỆM VÀ MỘT THỜI, CHIẾU KHẮP CÁC HỘI PHẬT, LỢI ÍCH CÁC QUẦN SANH. RƯỚI NHẠC TRỜI HOA Y, HƯƠNG MẦU ĐỂ CÚNG DƯỜNG, KHÔNG CÓ LÒNG PHÂN BIỆT. DÙ THẾ GIỚI KHÔNG CÓ, CÔNG ĐỨC BÁU PHẬT PHÁP, TA ĐỀU NGUYỆN VÃNG SANH, CHỈ PHẬT PHÁP NHƯ PHẬT.

Y theo luận văn ở sau nói: Bồ Tát có bốn thứ tu hành chính yếu để thành tựu các công đức. Bài Tụng đầu (4 câu) nói hóa thân của Bồ Tát trùm khắp mười phương mà báo thân như núi Tu Di thường trụ không lay động, có nghĩa là các Ngài ở trong một cõi Phật thân không lay động mà có thể độ khắp chúng sinh ở mười phương.

Bài Tụng 2 (4 câu) nói về ứng hóa thân của Bồ Tát ở trong tất cả thời gian chỉ dùng một tâm niệm phóng ra ánh sáng lớn, chiếu khắp mười phương lợi lạc hữu tình.

Bài Tụng 3 (4 câu) nói Bồ Tát dùng các Thiên nhạc, rưới hoa, hương, y phục cúng dường tất cả thế giới, tất cả chư phật không còn thừa, như sự rộng rãi cúng dường của Bồ-Tát Phổ-Hiền. Kinh A Di Đà cũng nói: ‘Đều dùng y kích, đựng các hoa báu cúng dường muôn ức Phật khắp trong mười phương, đúng giờ ăn lại trở về nước mình ăn cơm kinh hành’.

Bài Tụng thứ 4 (4 câu) Bài này nói không phải những thế giới có Phật, Bồ Tát mới trên cầu làm Phật, dưới dạy khắp chúng sanh, mà đến những thế giới không có Phật, các Ngài vẫn giác ngộ dẫn dắt chúng sanh như 32 ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngẩu Ích Đại Sư dạy: ‘Có người hỏi Tu Hạnh Bồ Tát có những nguyện gì ?’. Ngài đáp: Có 2 điều Nguyện – 1) Nguyện đem công đức này hồi hướng vãng sanh Tịnh Độ; 2) Nguyện sanh Tịnh Độ rồi, thành tựu Vị Bất Thối liền vào Địa Ngục độ tất cả chúng sanh.

Theo những ý trên, người tu Tịnh Độ nếu dùng tâm địa phàm phu lánh khổ tìm vui, Tâm nhị thừa tự cho là đủ để cầu sanh Tịnh Độ thì không cùng pháp môn Tịnh Độ tương ưng. Tuy nói phàm phu có thể vãng sanh, nhưng phàm phu ấy tâm đã hướng về Đại Thừa mới đúng bản ý Phật nói Pháp Môn Tịnh Độ.

3. Thuật ý Kệ Tổng Kết Hồi Hướng

KỆ VĂN: CON LÀM LUẬN NÓI KỆ, NGUYỆN THẤY PHẬT DI ĐÀ, KHẮP VÌ CÁC CHÚNG SANH, VÃNG SANH NƯỚC AN LẠC.

Hai câu đầu thuyết minh tôn chỉ của việc làm kệ luận này, vì nguyện sanh Tịnh Độ mà làm Kệ, nên gọi là Nguyện Sanh Kệ. Hai câu sau nói về HỒI HƯỚNG MÔN: Ý nói Bồ Tát vì lòng Đại Bi mà tu Tịnh Độ, không phải muốn một mình được vãng sanh Tịnh Độ mà muốn tất cả chúng sanh đều được về thế giới An- Lạc kia. Vì thế có được công đức Niệm Phật, hồi hướng cho tất cả chúng sanh đều được vãng sanh về Tịnh Độ.

KỆ VĂN: LIỄU NGHĨA VÔ LƯỢNG THỌ, CON LÀM KỆ NGUYỆN XONG.

Đoạn này Tổng Kết Kệ Luận, Kinh Liễu Nghĩa Vô Lượng Thọ tức chỉ ba Kinh lập Tông Tịnh Độ viết bằng văn Trường hàng, nay Thiên Thân làm Kệ tổng nhiếp hết.

C. GIẢNG LUẬN

LUẬN VĂN: Luận là nghị luận, căn cứ vào Lý để nghiên cứu, chứng minh làm sáng tỏ ra. Mục đích kệ luận là quán thế giới Cực Lạc, thấy Phật A Di ĐÀ, nguyện sanh về nước Cực Lạc ấy.

1. Giải Tổng Quát Các Môn

LUẬN VĂN: LÀM SAO QUÁN? LÀM SAO SANH TÍN TÂM? NẾU NGƯỜI THIỆN NAM THIỆN NỮ TU NGŨ NIỆM MÔN THÀNH TỰU, CHẮC CHẮN ĐƯỢC SANH VỀ QUỐC ĐỘ AN-LẠC, THẤY ĐƯỢC PHẬT A DI ĐÀ. NGŨ NIỆM MÔN LÀ GÌ ? : 1) LỄ BÁI MÔN, 2) TÁN THÁN MÔN; 3) TÁC NGUYỆN MÔN; 4) QUÁN SÁT MÔN; 5) HỒI HƯỚNG MÔN.

Đoạn này kể chung năm môn. Làm sao Quán tức là ba thứ quán sát trong Quán Sát Môn. Làm sao tin ? Y theo quán sát công đức chơn thật cõi Tịnh Độ mà sanh lòng tin. Ngũ niệm môn là năm thứ hành môn để được vãng sanh Tịnh Độ. Bình thường giảng niệm Phật lấy việc xưng danh hiệu Phật đó là một trong nhiều nghĩa chữ niệm. Cần nên biết rằng đối với các tướng hão công đức của chư Phật ghi nhớ được rõ ràng không mờ gọi chung đó là niệm. Không phải chỉ chuyên dùng miệng ngâm lên cho là niệm Phật.

LUẬN VĂN: LỄ BÁI THẾ NÀO? THÂN NGHIỆP LỄ BÁI A DI ĐÀ NHƯ LAI, CHÁNH BIẾN TRI VÌ QUYẾT Ý SANH VỀ NƯỚC KIA.

Từ đây về sau giải thích riêng năm môn. Lễ Bái Môn: Phật có mười thông hiệu : Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri…. Chữ Như Lai đã giải ở trước. Ứng cúng: vì Phật đoạn hết tất cả phiền não, viên mãn tất cả công đức, nên nhận cho người trời cúng dường. Chánh biến tri: giản biệt với phàm phu bất tri, ngoại đạo tà tri, nhị thừa thiên tri, chỉ có Phật là bậc chánh biến tri. A Di Đà Như lai, A Di Đà ứng cúng, A Di Đà chánh biến tri đều chỉ Phật A Di Đà. Lấy thân nghiệp lễ bái Phật A Di Đà, thân này liền được vãng sanh về quốc độ Phật A Di Đà.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ TÁN THÁN ? CA NGỢI DANH HIỆU NHƯ LAI KIA, NHƯ TRÍ TƯỚNG QUANG MINH CỦA NHƯ LAI KIA, DANH NGHĨA NHƯ THẾ, MUỐN ĐÚNG NHƯ THẾ, TU HÀNH HỢP NHAU GỌI LÀ TÁN THÁN.

Môn thứ hai là Tán Thán, dùng ngữ nghiệp ca ngợi tán thán Phật A Di Đà, tán thán ánh sáng vô lậu của Phật do trí tuệ vô lậu mà phát ra. Danh là cái hay nói (năng thuyên), Nghĩa là cái bị nói (sở thuyên). Nói về danh hiệu của Như Lai là tiêu-biểu tất cả công đức của Như Lai. Nói khen danh hiệu Như Lai là khen tất cả công đức. Nếu muốn nói đến cái nghĩa bị nói là công đức tu hành chơn thật hợp nhau, không tu hành chơn thật thì không thể có công đức được. Nên nói: Đúng như danh nghĩa kia, muốn được tu hành tương ưng, cần tán thán, chắc được vào chúng hội, thấy Phật nghe pháp.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ PHÁT NGUYỆN? TÂM THƯỜNG CÓ NGUYỆN MỘT LÒNG CHUYÊN NIỆM, CHẮC CHẮN ĐƯỢC SANH VỀ THẾ GIỚI AN LẠC. MUỐN ĐƯỢC NHƯ THẾ PHẢI TU HÀNH PHÁP CHỈ.

Môn thứ ba là Phát Nguyện. Phát là phát khởi quyết lòng muốn được vãng sanh. Hành giả tu Tịnh Độ đã phát nguyện vãng sanh ước muốn tha thiết nên trong tâm chỉ còn một niệm rốt ráo vãng sanh về nước An Lạc, không có niệm khác, cần tu pháp CHỈ làm cho tâm chuyên chú nhớ tưởng quốc độ An Lạc, không còn nổi trôi trong cảnh giới ngũ dục nữa.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ QUÁN SÁT? DÙNG TRÍ TUỆ QUÁN SÁT, DÙNG CHÁNH NIỆM ĐỂ QUÁN SÁT Y CHÁNH KIA, MUỐN TU HÀNH ĐÚNG CẦN DÙNG PHÁP QUÁN. QUÁN Y VÀ CHÁNH BÁO KIA CÓ BA THỨ: 1) QUÁN SÁT CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM CỦA CÕI PHẬT KIA; 2) QUÁN SÁT CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM CỦA PHẬT A DI ĐÀ; 3) QUÁN SÁT CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM CỦA CHƯ BỒ TÁT Ở CÕI KIA.

Quán Sát Môn: Muốn dùng trí tuệ quán sát ba thứ công đức chơn thật, cần phải dùng pháp Quán, dùng chỉ quán quán sát được ba thứ công đức chơn thật, thì hành giả chắc được công đức chơn thật quyết định được vãng sanh.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ HỒI HƯỚNG? KHÔNG BỎ TẤT CẢ CHÚNG SANH KHỔ NÃO, TÂM THƯỜNG PHÁT NGUYỆN. HỒI HƯỚNG LÀ BƯỚC ĐẦU THÀNH TỰU TÂM ĐẠI BI.

Hồi Hướng Môn: Người tu Tịnh Độ, biết rằng ta và chúng sanh đồng một thể không hai, nên không bỏ một khổ não nào của chúng sanh, mà dùng công đức niệm Phật đã tu, hồi hướng khắp tất cả chúng sanh, cùng chúng sanh đồng sanh về Cực Lạc, thành tựu tâm từ- bi rộng lớn.

2 – Giải Riêng Về Quán Sát

LUẬN VĂN :THẾ NÀO LÀ QUÁN SÁT CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM CỦA QUỐC-ĐỘ ĐỨC PHẬT KIA ? VÌ THÀNH TỰU NĂNG LỰC KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN NHƯ HẠT CHÂU MA NI NHƯ -Ý BỬU TÁNH KIA, CÓ THỂ SO SÁNH TƯƠNG ĐỐI NHƯ THẾ.

Trước kia đã chỉ chung năm phương pháp tu hành, đoạn này chỉ giải thích một món quán sát thôi. Đoạn đầu đem thí dụ để nói rõ năng lực công đức cõi Phật không thể nghĩ bàn. Quán sát sự trang nghiêm của quốc độ Phật Vô Lượng Thọ, phần sau sẽ nói rõ có 17 thứ quán sát. Trước tiên nói tổng quát về tướng quán sát cõi Phật. Nói quán sát thành tựu quốc độ Cực- Lạc của Phật A Di Đà cần phải quán cả kiến và văn các thứ công đức ấy thành tựu, phải lấy năng lực công đức không thể nghĩ bàn mà quán đó.

Quốc độ An Lạc của Phật A Di Đà và thế giới này không đồng. Cõi này là do cọng nghiệp của chúng sanh mà thành, cõi Phật A Di Đà là do năng lực công đức bổn nguyện của Ngài tạo thành. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói về nhân địa của Pháp- Tạng tỳ kheo đã từng phát 48 nguyện. Năng lực đại ngyuện của Phật A Di Đà đã làm thành cõi An-Lạc, có thể làm cho người thấy nghe đều được vãng sanh, nên không thể đem thế giới quốc độ này để quán sát mà phải dùng năng lực không thể nghĩ bàn để quán sát.

Phàm việc gì có thể nghĩ bàn đều là do lời nói, tư tưởng lập ra, như nói về một việc gì việc ấy có một phạm vi nhất định, giới hạn nhất định, cái đó là của người khác chứ không phải là chính mình, vật này không là vật kia. Phàm cái gì có ngôn ngữ tư tưởng là có tướng phân biệt, phải quấy, ta kia khác nhau. Nếu lìa ngôn ngữ tư tưởng thì không có tướng ta kia, phải quấy. Đã không có tướng ta kia, phải quấy tức là việc không thể nghĩ bàn.

Không thể nghĩ bàn là tất cả pháp đều không thể được, nếu pháp không thể được, làm sao có thể nói được? Nhưng vì chúng sinh, không thể không mượn lời nói để chỉ rõ cái không thể nghĩ bàn của Tịnh Độ, làm cho chúng sanh tin muốn vãng sanh, nên phải lấy thí dụ phương tiện để chỉ bày đó. Ma Ni Như Ý bửu tánh là Như Ý Bảo Châu, bảo châu này là của đại bàng kim xí điểu.

Hạt châu này là của các long vương giữ, là một vật quý không thể nghĩ bàn. Phàm người được hạt châu quý này, tất cả nhu cầu về thân như áo, cơm, chỗ ở đều có thể tùy ý từ nơi vật báu ấy mà có ra, nên nói rằng châu như ý. Báu vật này cao quý nhất, các châu báu khác không thể so sánh.

Những món quý báu khác nó chỉ có giá trị trong phạm vi chính nó, như vàng chỉ quý hơn loài châu báu thuộc về vàng mà không thể so sánh với lưu ly hay các thứ báu khác. Bảo châu như ý không phải thế, chúng sanh ý muốn món báu nào thì món báu ấy hiện ra, không có phạm vi quyết định.

So với các châu báu về vật chất thì Bảo Châu Như-Ý là tánh chất không thể nghĩ bàn. So sánh với tánh công đức của quốc độ An Lạc của Phật A Di Đà không được chút phần tương tợ, tuyệt đối không có chút tương đồng. Tại vì sao?

Vì Như-Ý Bảo Châu có thể đầy đủ nhu cầu của thân, mà tịnh độ của Phật A Di Đà không chỉ làm cho vô lượng chúng sanh, khi vãng sanh về cõi nước kia, sinh hoạt tự nhiên, muốn áo được áo, muốn ăn được ăn, mà còn làm cho chúng sanh thấy được đầy đủ đại nguyện Bồ Đề, làm cho chúng sanh cứu cánh được thành Phật, nên gọi là chỉ tương tợ, tương đối mà thôi.

Phần này nói tổng quát về năng lực công đức quán sát không thể nghĩ bàn, trong 17 thứ quán sát sau cùng hàm chứa năng lực bất khả tư nghĩ này.

LUẬN VĂN: QUÁN SÁT CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM CỦA QUỐC ĐỘ PHẬT A DI ĐÀ CÓ 17 THỨ CẦN NÊN BIẾT: 1) THANH TỊNH CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU;

2) LƯỢNG CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 3) TÁNH CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 4) HÌNH TƯỚNG CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 5) CÁC THỨ VIỆC CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 6) DIỆU SẮC CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 7) XÚC CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 8) TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 9) VŨ (MƯA) CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 10) QUANG MINH CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 11) THANH (TIẾNG) CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 12) CHỦ CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 13) QUYẾN THUỘC CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 14) THỌ DỤNG CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 15) VÔ NẠN CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 16) ĐẠI NGHĨA MÔN CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU; 17) NHẤT THIẾT SỞ CẦU CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU

1/THANH TỊNH CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI; ‘QUÁN TƯỚNG THẾ GIỚI KIA, VƯỢT XA ĐƯỜNG BA CÕI’.

1)- Quán tưởng thế giới kia là quán các tướng thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Đường ba cõi: Đường phân biệt có hai thứ là hữu lậu và vô lậu. Đường phiền não là do phiền não làm thành, do chúng sanh tạo ra nghiệp và nghiệp ấy khi thành tựu rồi nó có khả năng mang theo tánh chất phiền não gọi là hữu lậu. Vì có phiền não hữu lậu nên trôi lăn trong sanh tử, bị trói buộc trong ba cõi gọi là đường ba cõi. Tướng công đức của thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà là do thiện căn thanh tịnh vô lậu xuất thế gian mà tạo thành, nên nói vượt xa đường ba cõi. Phật A Di Đà đem công đức trang nghiêm Tịnh Độ Cực Lạc để thực hiện diệu pháp độ thoát chúng sanh, như thuyền lớn chở người. Diệu pháp đó là thuyền Từ vớt người đưa khỏi bể sanh tử.

LUẬN VĂN: LƯỢNG CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘CỨU CÁNH NHƯ HƯ KHÔNG, RỘNG LỚN KHÔNG NGẰN MÉ’.

2)- Thế giới Cực Lạc là bảo độ của Phật A Di Đà mà bảo độ cũng là pháp tánh độ. Pháp tánh trùm khắp tất cả, lìa tất cả tướng không có hạn lượng, chẳng qua tùy theo công đức cao thấp của chúng sanh không đồng mà có tướng lớn nhỏ khác nhau đối với tâm chúng sanh mà hiển hiện. Thực ra Cực Lạc quốc độ tùy theo chúng sanh trong mười phương thế giới vãng sanh, nhưng vẫn không có ngằn mé, nên lượng của thế giới Cực Lạc là vô lượng, rộng lớn như hư không, không có ngằn mé, không đồng như nhân khẩu thêm bớt trong thế giới này, có bờ mé và có tướng trạng khốn khổ.

LUẬN VĂN: TÁNH CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘CHÁNH ĐẠO VÀ TỪ BI, SANH THIỆN CĂN XUẤT THẾ’.

3)- Nói về tướng công đức thành tựu là nhằm vào thể tướng mà nói. Nói Tánh công đức thành tựu: tánh tức là giới mà giới là chủng tử, chủng tử tức là nhơn tánh đó là cái nhơn trước tiên của quả tướng. Từ chỗ Chánh đạo đại từ bi và thiện căn xuất thế làm nhơn đó là nhơn cứu cánh, vì Tứ-Đế và 37 phẩm trợ đạo đều là chánh đạo. Hiểu thể của chánh đạo tức là vào được chánh đạo. Chánh đạo xuất thế này là tướng cọng pháp của ba thừa. Tâm từ bi là pháp xuất thế đại thừa bất cọng pháp. Dùng ba thừa cọng pháp, Đại thừa bất cọng pháp, thiện căn xuất thế làm chủng tử tánh của thế giới Cực Lạc. Đây chỉ nhơn và quả của thế giới An-Lạc đều là công đức thanh tịnh vô lậu.

LUẬN VĂN: HÌNH TƯỚNG CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘ÁNH SÁNG SẠCH ĐẦY KHẮP, NHƯ NHẬT NGUYỆT CÙNG SOI’.

4)- Sắc pháp có 2 thứ là hiển sắc và hình sắc. Các thứ xanh vàng đỏ trắng là hiển sắc. Dài ngắn tròn vuông gọi là hình sắc. Trong đây nói hình tướng của ánh sáng là nói về hình sắc, ánh sáng của cõi Cực Lạc chiếu khắp tất cả chỗ trong chúng sanh, lầu gác, cây báu, tất cả đều có đủ ánh sáng thanh tịnh vô lậu như mặt trăng mặt trời chiếu vào gương sáng.

LUẬN VĂN: CHỦNG CHỦNG SỰ CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘ĐỦ CÁC TÁNH TRÂN BỬU, ĐẦY ĐỦ DIỆU TRANG NGHIÊM.

5)- Bình thường nói có tám trân bảy báu, nay nói trân bửu ở Tây Phương Cực-Lạc hoặc nghìn hoặc muôn không có số lượng, không thể kể hết nên gọi là đầy đủ các thứ. Cõi ấy vì có vô số tánh chất trân bửu, nó đầy đủ thanh tịnh trân diệu trang nghiêm.

LUẬN VĂN: DIỆU SẮC CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘ÁNH VÔ CẤU RỰC RỠ, SOI SẠCH HẾT THẾ GIAN’.

6)- Công đức diệu sắc là chỉ về hiển sắc mà nói. Hiển sắc ở trước đã giảng rõ. Cái gì rất sáng thì gọi là vô cấu, nếu căn cứ về tánh công đức mà giảng thì cái gì không còn

các cấu trược vô minh phiền não gọi là vô cấu. Vì ánh sáng vô cấu có khả năng mạnh mẽ thanh tịnh nên khi chiếu vào thế gian, nhiếp thủ hết tất cả chúng sanh.

LUẬN VĂN: XÚC CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘CỎ TÁNH BÁU CÔNG ĐỨC, MỀM MẠI MỌC HAI BÊN, NGƯỜI CHẠM SANH VUI LỚN, HƠN CA- THI- LÂN- ĐÀ’.

7)- Xúc là tiếp xúc, y phục các vật đều có thể tiếp xúc với thân thể. Trong đây tuy nói về cỏ, nhưng là thứ cỏ báu tánh công đức. Nó rất mềm mại làm cho người khi chạm nhầm sanh nhiều cảm xúc vui vẻ nhận chịu. Người ở cõi này khi gặp những điều vui liền nhận, từ cảnh vui ấy sanh lòng tham, tăng trưởng phiền não. Cõi Tịnh độ Cực Lạc nếu có sự vui nhận, sự vui ấy làm cho chúng sanh dứt hết phiền não công đức tăng trưởng.

Ca -Thi- Lân- Đà là loại cỏ rất nhỏ nhiệm ở xứ Ấn-Độ, nếu va chạm vào cũng có thể cảm xúc êm – ả vui vẻ. Nhưng cỏ tánh công đức ở Tịnh Độ thù thắng và khác xa nên nói là bửu tánh công đức vượt xa hơn Ca-thi-lân-đà.

LUẬN VĂN: TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU, CÓ BA THỨ CẦN NÊN BIẾT- 1) NƯỚC; 2) ĐẤT; 3) HƯ KHÔNG. TRANG NGHIÊM VỀ NƯỚC NHƯ KỆ NÓI: ‘HOA BÁU NGÀN MUÔN THỨ, ĐẦY DẨY Ở TRONG AO, GIÓ NHẸ THỔI CÁNH HOA, ÁNH SÁNG CHIẾU CHÓI LỌI’. TRANG NGHIÊM VỀ ĐẤT NHƯ KỆ NÓI:‘CÁC CUNG ĐIỆN LẦU GÁC, THẤY MƯỜI PHƯƠNG KHÔNG NGẠI, NHIỀU CÂY MÀU SẮC LẠ, HÀNG BÁU VÂY GIÁP VÒNG’. TRANG NGHIÊM HƯ KHÔNG KỆ NÓI: ‘BÁU VÔ LƯỢNG KẾT NHAU, THÀNH LƯỚI PHỦ HƯ KHÔNG, CÁC THỨ VANG THÀNH TIẾNG, VANG RA TIẾNG PHÁP MẦU.

8)- Ở đây nói ba thứ nước đất và hư không ở cõi Cực – Lạc đều trang nghiêm, không cõi nào vượt qua, văn nghĩa rõ ràng không cần giảng rộng.

LUẬN VĂN: VŨ CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘MƯA HOA Y TRANG NGHIÊM, VÔ LƯỢNG HƯƠNG XÔNG KHẮP’.

9)- Từ hư không rơi xuống lần lượt gọi là mưa. Trong hư không có các hoa, y, như thế là do năng lực công đức của cõi Cực – Lạc mà thành tựu.

LUẬN VĂN: QUANG MINH CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘TRÍ PHẬT NHƯ MẶT NHẬT, TRỪ SI ÁM THẾ GIAN’.

10)- Trước nói công đức hình tướng diệu sắc, tuy giảng về ánh sáng nhưng cốt yếu chỉ về ánh sáng của sắc pháp. Trong đây nói ánh sáng trí huệ Phật không phải là ánh sáng của sắc pháp. Ánh sáng sắc pháp có thể trừ tối tăm của thế gian, nhưng không thể trừ được những si mê tối tăm trong lòng chúng hữu tình. Những si mê của chúng sanh chỉ có ánh sáng trí tuệ Phật mới có khả năng trừ diệt, vì thế, ánh sáng của trí tuệ mới là ánh sáng của chơn lý. Những điều si ám trong tâm nhiều gấp muôn triệu lần sự si ám của bóng tối thế gian. Ở đời thường nói: ‘Mắt bị mù chứ Tâm không bị mù’. Vì mắt mù chỉ thống khổ có một đời, để cho tâm mù tạo nghiệp trôi lăn trong sanh tử đau khổ vô cùng.

LUẬN VĂN: DIỆU THINH CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘TIẾNG PHẠM ÂM SÂU XA, MƯỜI PHƯƠNG NGHE LỜI MẦU’.

11)- Phạm là Phạm thiên, âm thinh của Phạm thiên rất vi- diệu thanh tịnh. Ở cõi Cực-Lạc tiếng Phật, tiếng Bồ Tát, tiếng Thinh Văn, cho đến tiếng gió mưa mỗi thứ đều là tiếng Phạm thiên thanh tịnh, sâu xa, vi diệu ở mười phương đều được nghe.

LUẬN VĂN: CHỦ CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘PHẬT DI ĐÀ CHÁNH GIÁO, VUA PHÁP KHÉO TRỤ TRÌ’.

12)- Đây nói rõ trong cõi Cực-Lạc có chủ. Muốn nói một nước nào người ta chỉ cần nói nhơn dân và người lãnh đạo có quyền thống trị. Cõi Cực-Lạc cũng thế không chỉ có các thứ trang nghiêm của quốc độ, mà còn có Phật A Di Đà là chủ của cõi ấy. Chánh giác có nghĩa là Phật, nói A Di Đà chánh giác cũng như nói A Di Đà Phật. Vua pháp cũng là một đức hiệu của Phật, vì Phật ở trong tất cả pháp đều được tự tại nên gọi là vua của các pháp. Ngài là người Trụ Trì giỏi ở nước Cực-Lạc.

LUẬN VĂN: QUYẾN THUỘC CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘CHÚNG TỊNH HOA NHƯ LAI, HOA CHÁNH GIÁC BIẾN HÓA’.

13)- Người đời nói quyến thuộc đều chỉ gia tộc mà nói; quyến thuộc của Phật A Di Đà là tất cả chúng sanh trong cõi Cực-Lạc và chúng sanh trong tất cả mười phương. Cõi này có 4 loại : Thai, trứng, thấp, hóa ; nếu sanh về Cực-Lạc đều là liên hoa hóa sanh, nên gọi các phàm phu, nhị thừa, bồ- tát của thế giới Cực-Lạc là tịnh hoa chúng. Các hoa chúng này do công đức của Phật A Di Đà mà hóa sanh nên gọi là Hoa Chánh Giác Hóa Sanh. Chánh giác hoa còn thêm một ý nghĩa từ hoa thành quả như thất giác chi gọi là thất giác hoa, do thất giác chi có thể thành chánh giác, như có hoa sẽ có quả thật.

LUẬN VĂN: THỌ DỤNG CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘ƯA THÍCH PHÁP VỊ PHẬT, THỰC PHẨM THIỀN CHÁNH ĐỊNH’.

14)- Chúng sanh ở cõi này lấy thực phẩm làm đồ ăn để nuôi mạng sống, chúng sanh ở cõi Cực-Lạc lấy pháp vị và thiền định tam muội để nuôi dưỡng sinh mạng.

LUẬN VĂN: KHÔNG CÁC NẠN CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘LÌA PHIỀN NÃO THÂN TÂM, NHẬN VUI LUÔN KHÔNG DỨT’.

15)- Thế giới Cực-Lạc ăn mặc tự nhiên nên xa lìa thân phiền não, không có ái biệt ly các ưu-sầu nên xa lìa tâm phiền não. Cõi này chịu khổ không dứt, cõi Cực-Lạc nhận điều vui vô cùng.

LUẬN VĂN: HAI NGHĨA CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘CÕI THIỆN CĂN ĐẠI THỪA, ĐỀU KHÔNG CÓ CHÊ BAI, NGƯỜI NỮ VÀ CĂN THIẾU, GIỐNG NHỊ THỪA CHẲNG SANH’. QUẢ BÁO CÕI TỊNH ĐỘ, LÌA HAI THỨ BỊ CHÊ BAI CẦN NÊN BIẾT: 1) THỂ; 2) DANH. THỂ CÓ BA THỨ LÀ HẠNG NHỊ THỪA, NGƯỜI NỮ VÀ CĂN THIẾU, CÕI CỰC LẠC KHÔNG CÓ BA LỖI NÀY. DANH CŨNG LÌA HẾT NHỮNG LỜI CHÊ BAI NÊN KHÔNG NGHE TÊN NHỊ THỪA, NGƯỜI NỮ VÀ CĂN THIẾU. ĐÓ LÀ HIỂN THỂ BÌNH ĐẲNG MỘT TƯỚNG VẬY.

16)- Văn nghĩa trong đây đã giải rõ ở trước, nhưng chúng ta cần chú ý đến 2 điểm:

a) Quả báo của cõi Tịnh Độ không có các tướng nhị thừa, người nữ, căn thiếu chứ không phải nói các bậc này không được gây nhơn tịnh độ. Như nàng Long Nữ ở hội Pháp Hoa, biến thành thân nam tử làm Phật ở nước Vô-Cấu, vì Phật có 32 tướng mà trượng phu tướng là một,vì thế Phật không thể có 31 tướng được;

b) Thân tướng cõi Cực-Lạc đều bình đẳng, dù phàm phu sanh ở hạ phẩm hạ sanh, người đã sanh về Cực-Lạc, thân tướng đều bình đẳng đồng với Đại Thừa Bồ Tát thân tướng.

Hiên tại, những bức họa Tây Phương Cực-Lạc, ta thấy có các tướng nam, nữ, nhị thừa, già, trẻ, đó chỉ là đối chiếu với cõi này làm cho mọi người thấy cũng có tướng nam, nữ, già trẻ như cõi mình mà phát nguyện vãng sanh, đây cũng chỉ là phương tiện hoằng pháp, kỳ thực khi sanh về tịnh độ rồi là lìa hẳn ngả tướng hiện tại, tất cả đều được 32 tướng của Bồ Tát.

LUẬN VĂN: TẤT CẢ SỞ CẦU CÔNG ĐỨC ĐẦY ĐỦ THÀNH TỰU NHƯ KỆ NÓI: ‘CHÚNG SANH MUỐN AN VUI, TẤT CẢ ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ’.

17)- Chúng sanh sanh về thế giới Cực-Lạc, do năng lực đại nguyện của đức Phật A Di Đà, vì thế, có ai muốn được vui, sẽ thành tựu đầy đủ. Không những chỉ muốn thành tựu những sinh hoạt đầy đủ, mà người muốn đầy đủ tứ hoằng thệ nguyện như: ‘Chúng sanh khốn cùng thệ nguyện độ, phiền não không hết thệ nguyện dứt, pháp môn không lường thệ nguyện học, phật đạo cao tột thệ nguyện thành’ đều có thể thành tựu viên mãn.

LUẬN VĂN: ĐÃ LƯỢC NÓI 17 THỨ CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM QUỐC ĐỘ PHẬT A DI ĐÀ LÀ CHỈ BÀY TỰ THÂN CỦA NHƯ LAI CÓ NĂNG LỰC ĐẠI CÔNG ĐỨC, LỢI ÍCH HỮU TÌNH THÀNH TỰU VÀ LỢI ÍCH CHO CÔNG ĐỨC NGƯỜI KHÁC CŨNG THÀNH TỰU. CÕI PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHÊM, CẢNH GIỚI MẦU NHIỆM ĐỆ NHẤT NGHĨA ĐẾ, 16 CÂU VÀ THÊM 1 CÂU, NÓI THEO THỨ LỚP CẦN NÊN BIẾT.

Trên đây nói 17 thứ công đức chỉ là nói lược, nếu kể rõ không thể nào kể hết. – trước nói 17 thứ công đức là nhằm vào 2 điểm công đức tự lợi và lợi tha. Pháp môn Tịnh Độ có thể làm cho tất cả chúng sanh được sanh về cõi ấy, gặp Phật nghe pháp, chứng Vị Bất Thối, chứng vô thượng đạo hoàn thành công đức lợi tha chơn chánh. Nên nói Như Lai thị hiện tự thân sức đại công đức lợi ích thành tựu, tha công đức lợi ích thành tựu. Thế giới Cực-Lạc là hóa độ của Phật A Di Đà, nhưng hóa độ là báo độ, báo độ là pháp tánh độ, pháp tánh độ là chơn như phật tánh, nhất chơn pháp giới. Đó là tướng diệu cảnh giới của đệ nhất nghĩa đế. Nên gọi trang nghiêm cõi Phật Vô Lượng Thọ kia là cảnh giới của Đệ Nhất Nghĩa Đế. Ba thân Phật, hai Báo Y và Chánh vốn không thể phân chia, ba thân vốn một thân, ba độ tức một độ, mà người sau vọng chấp phân biệt cho đó là hóa Phật, chứ không phải báo thân phật, báo và hóa độ không phải là pháp tánh độ. Họ không biết rằng hóa phật y theo pháp của báo phật mà khởi, pháp của báo phật sẽ vì hóa phật làm chỗ y cứ. 16 câu và một câu, ý nói 16 thứ đầu là riêng rẽ, thứ chót là tổng hợp vậy.

LUẬN VĂN: LÀM THẾ NÀO QUÁN CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM PHẬT THÀNH TỰU ? QUÁN CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM PHẬT THÀNH TỰU CÓ 8 THỨ: 1) TÒA TRANG NGHIÊM; 2) THÂN TRANG NGHIÊM; 3) KHẨU TRANG NGHIÊM; 4) TÂM TRANG NGHIÊM; 5) CHÚNG TRANG NGHIÊM; 6) THƯỢNG THỦ TRANG NGHIÊM; 7) CHỦ TRANG NGHIÊM; 8) CHẲNG DỐI LÀM TRỤ TRÌ TRANG NGHIÊM.

Trước đã quán cõi Phật, tuy cũng có Quán Phật và Bồ – Tát nhưng chỉ quán sát tướng chung. – đây, riêng Quán tướng công đức Phật có 8 thứ như sau.

LUẬN VĂN: SAO GỌI LÀ TÒA TRANG NGHIÊM NHƯ KỆ NÓI: ‘ĐẠI BẢO VƯƠNG VÔ LƯỢNG, ĐÀI HOA TỊNH VI DIỆU’.

Trước Quán quốc độ cũng có Quán Phật, ở đây Quán Phật cũng có Quán quốc độ. Tòa Phật A Di Đà vốn dùng thế giới An-Lạc làm tòa như Phật Lô-Xá-Na dùng Thiên hoa đài làm tòa, Thiên Hoa Đài làm tòa tức là ngàn thế giới làm tòa. Tòa của Phật A Di Đà dùng vô lượng đại bửu hoa vương của vi diệu thanh tịnh liên hoa đài làm tòa. Đại bảo vương là lấy hoa lớn nhất dể làm tòa.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ THÂN TRANG NGHIÊM NHƯ KỆ NÓI: ‘MỘT TẦM ÁNH TƯỚNG HẢO, SẮC TƯỢNG HƠN QUẦN SANH’.

Tán Phật kệ rằng: Thân Phật A Di Đà sắc vàng, tướng tốt ánh sáng không ai sánh, lông trắng năm non xây chất ngất, mắt xanh bốn bể rộng chơi vơi. Đó là nói thân phật trang nghiêm. Phật A Di Đà ánh sáng rộng vô lượng. Trong kệ nói ánh sáng một tầm, vì chúng sanh trong cõi này thấy Thích Ca Thế tôn ánh sáng rộng một tầm, do đó quán ánh sáng Phật A Di Đà cũng lấy một tầm làm tiêu chuẩn, nên nói ánh sáng tướng hảo của Phật A Di Đà một tầm.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ MIỆNG TRANG NGHIÊM NHƯ KỆ NÓI: ‘TIẾNG NHƯ LAI VI DIỆU, PHẠM ÂM NGHE MƯỜI PHƯƠNG’.

Lời nói có ra là do môi, lưỡi, răng và hơi hòa hợp mà thành, không phải đơn độc có miệng mà có thể thành lời. – đây chỉ nói về cách phát âm để giảng. Vì lời nói trang nghiêm nên làm cho miệng trang nghiêm. Lời nói của Phật A Di Đà phát ra vi diệu như tiếng nói của Trời Phạm Thiên, có năng lực làm cho mười phương được nghe.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ TÂM TRANG NGHIÊM NHƯ KỆ NÓI: ‘ĐỒNG ĐẤT NƯỚC GIÓ LỬA, HƯ KHÔNG KHÓ PHÂN BIỆT, KHÔNG PHÂN BIỆT ĐƯỢC NGƯỜI, KHÔNG CÓ TÂM PHÂN BIỆT’.

Phật Tâm là Tâm Ý của Phật. Các ý của Phật ở nơi ngũ đại: đất, nước, gió, lửa, không. Không có phân biệt: như đất không phân biệt người tốt xấu đi trên đất, đất vẫn không khởi phân biệt; Lữa không phân biệt: lửa có thể đốt tất cả vật, cỏ khô, cây chiên đàn khi đốt không có phân biệt; cho đến hư không dung nạp tất cả cũng không khởi phân biệt. Tâm ý của Phật lại cũng như thế. Do tâm Phật bình đẳng, khắp độ tất cả chúng sanh không phân biệt nghèo giàu hèn sang, có căn lành hay không có căn lành, tất cả đều được vãng sanh về Tịnh Độ, tiến đến quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ CHÚNG TRANG NGHIÊM NHƯ KỆ NÓI: ‘NGƯỜI TRỜI CHÚNG BẤT ĐỘNG, SANH BỂ TRÍ THANH TỊNH’.

Bình thường giảng ba nghiệp, người có phúc nghiệp sanh về cõi Trời, cõi người, người không có phúc nghiệp sanh về Ba ác đạo, người có Bất Động Nghiệp sanh về Sắc Cứu-Cánh Thiên. Các chúng nhơn thiên ở cõi Cực-Lạc, căn bản đều do sức công đức và biển trí tuệ của Phật A Di Đà mà được vãng sanh, như các nhà từ thiện lo lập cô nhi viện, các cô nhi tự mình có thể vào, nhưng căn bản là do tấm lòng từ bi của các nhà từ thiện, trước đã thiết lập cô nhi viện rồi, những cô nhi mới có chỗ vào. Chúng sanh được vãng sanh lại cũng như thế, nếu không có sức trí tuệ bổn nguyện của Phật A Di Đà thành lập Tây Phương Tịnh Độ, chúng sanh tuy muốn vãng sanh cũng không có chỗ đến.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ THƯỢNG THỦ TRANG NGHIÊM NHƯ KỆ NÓI: ‘NHƯ VUA NÚI TU-DI, THẮNG DIỆU CHẲNG AI HƠN’.

Trong đây thượng thủ trang nghiêm là chỉ các bậc Đại Bồ Tát Đại Thừa Bất Thối chuyển, công hạnh của các ngài cao vọi như vua núi Tu-Di không có núi nào cao hơn. Đại Bồ Tát cũng thế, Các Ngài là vua trong chúng không có ai hơn.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ CHỦ TRANG NGHIÊM NHƯ KỆ NÓI: ‘CHÚNG TRƯỢNG PHU TRỜI NGƯỜI, VI NHIỄU KÍNH CHIÊM NGƯỠNG’.

Trước đây từ chủ chỉ chúng, từ chúng nêu lên thượng thủ. Đây lại từ thượng thủ chỉ chủ tức là lấy chủ hiển bạn, lấy bạn hiển chủ cùng nhau chỉ rõ nghĩa chủ và bạn. Vì thế nói người trời, chúng trượng phu, cung kính vây quanh chiêm ngưỡng chủ. Đó là công đức của chủ cao vọi không nói ai cũng biết rõ.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO KHÔNG DỐI LÀM TRỤ TRÌ TRANG NGHIÊM NHƯ KỆ NÓI: ‘QUÁN BỔN NGUYỆN LỰC PHẬT, AI CŨNG ĐỀU LỢI ÍCH, LÀM CHO MAU ĐẦY ĐỦ, CÔNG ĐỨC BIỂN BÁU LỚN’ TỨC LÀ BỒ TÁT GẶP PHẬT A DI ĐÀ, TUY CHƯA CHỨNG THANH TỊNH TÂM, RỐT RÁO CŨNG ĐƯỢC PHÁP THÂN BÌNH ĐẲNG, CÙNG VỚI BỒ TÁT THANH TỊNH TÂM KHÔNG KHÁC. BỒ TÁT TỊNH TÂM CÙNG BỒ TÁT Ở TRÊN THƯỢNG ĐỊA, CỨU KÍNH ĐỒNG ĐƯỢC TỊCH DIỆT BÌNH ĐẲNG.

Trong cõi Cực-Lạc do năng lực và bổn nguyện của Phật A Di Đà, nên người vãng sanh đều có đủ năng lực của Đại thừa Bồ Tát bất thối chuyển và sau đó có thể thị hiện mười phương, phổ độ chúng sanh, coi việc độ sanh như nhiệm vụ chính phải gánh vác, như người Viện-Trưởng Cô nhi viện cần phải dạy cô nhi đủ đức dục, thể dục, trí dục, sau đó mới cho vào đời, phục vụ xã hội, không chỉ làm người dân lương thiện mà phải làm người có tài hữu dụng cho quốc gia. Phật A Di Đà kiến lập Tịnh Độ lại cũng như thế. Phàm người sanh về nước Cực-Lạc, tùy theo nhơn tu có cạn sâu, thành Phật có mau có chậm khác nhau, nhưng rốt ráo đều được thành Phật, vì cõi Cực-Lạc có hoàn cảnh rất tốt, làm cho tâm bồ- đề chúng sanh mỗi ngày mỗi tăng, phiền não mỗi ngày mỗi ít, lại không thối thất, chắc chắn đến quả Phật, đây là lẽ thực chứ không phải nói suông.

Tịnh Tâm Bồ Tát có chỗ giảng là từ Bát địa trở lên, thông thường giảng Tịnh Tâm Bồ Tát là chỉ Sơ-Địa Bồ Tát, vì Bồ Tát Sơ Địa có trí huệ vô lậu tương ưng. Phàm phu, nhị thừa chưa chứng được tịnh tâm vì chưa chứng được Sơ- địa. Tuy không phải là Sơ Địa Bồ Tát nhưng họ có thể là Đăng-Địa Bồ Tát, tương lai chắc chắn đồng chứng được pháp thân bình đẳng không khác. Tuy là Bồ Tát Sơ-Địa song có thể cùng Thượng-Địa Bồ Tát đồng chứng được tịch diệt bình đẳng. Tịch diệt tướng là thật tướng của các pháp là pháp tánh thanh tịnh bình đẳng chỉ có Phật với Phật mới được rốt ráo. Có người cho rằng người niệm Phật sanh về Tịnh Độ liền được thành Phật. Cần nên biết rằng: sanh về Cực Lạc thế giới chưa chứng ngay quả Phật hoặc Đại-Bồ-Tát mà phải có thời gian tu tập. Có hạng phàm phu, nhị thừa chưa chứng tịnh tâm, cũng có người đã chứng tịnh tâm của Sơ-Địa Bồ Tát, nhưng tất cả đều chắc được lợi ích không thối chuyển đến khi thành Phật.

Lược nói 8 câu chỉ bày 8 công đức là chỉ bày công đức trang nghiêm tự lợi và lợi tha của Như Lai theo thứ lớp thành tựu nên biết.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO QUÁN TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC CỦA BỒ TÁT ĐƯỢC THÀNH TỰU ? QUÁN CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM CỦA BỒ TÁT ĐƯỢC THÀNH TỰU LÀ QUÁN BỒ TÁT KIA CÓ BỐN THỨ CÔNG ĐỨC TU HÀNH CHÍNH ĐƯỢC THÀNH TỰU CẦN NÊN BIẾT.

Trước đã quán cõi Phật và công đức Phật, lại nói làm thế nào mà quán công đức của Bồ Tát ở thế giới kia là tổng quát quán bốn thứ chánh tu của Bồ-Tát thành tựu. Phật là quả, Bồ Tát là nhơn, Bồ Tát là nhơn, Bồ Tát ở trong nhơn tu hai lối là tự lợi và lợi tha. Vì Bồ Tát có bốn thứ Chánh Tu nên khác với ngoại đạo là Tà Tu.

LUẬN VĂN: BỐN MÓN CHÍNH TU LÀ GÌ ? 1) – TRONG MỘT CÕI PHẬT THÂN CHẲNG LAY ĐỘNG MÀ CÓ CÁC THỨ ỨNG THÂN VÀ HÓA THÂN KHẮP MƯỜI PHƯƠNG, ĐÚNG PHÁP TU HÀNH THƯỜNG LÀM CÁC PHẬT SỰ NHƯ KỆ NÓI: ‘NƯỚC AN – LẠC THANH TỊNH, THƯỜNG CHUYỂN XE VÔ CẤU, ẢNH HÓA PHẬT BỒ TÁT, TRỤ TRÌ NHƯ TU-DI, MỞ ĐƯỜNG CHO CHÚNG SANH, NHƯ HOA SEN TỪ BÙN NHƠ’.

Bồ Tát trong nước Cực-Lạc có thể thành tựu ở trong một cõi Phật, thân không qua lại mà ứng hóa khắp mười phương, có công đức thù thắng phổ độ khắp chúng sanh. Bồ Tát nếu lìa thế giới này qua các thế giới phương kia để ứng hóa thì không thù thắng, nếu ở thế giới này mà không ứng hóa khắp mười phương cũng không thù thắng. Nay Bồ Tát ở trong thế giới Cực-Lạc, có thể không rời Cực-Lạc mà ứng hóa mười phương phổ độ chúng sanh đó là điều thù thắng. Như người thật tu hành thường làm các phật sự là như Phật Bồ Tát làm các công đức thành tựu, thường qua lại trong mười phương, lấy việc giáo hóa chúng sanh làm sự nghiệp, Bồ Tát thường chuyển bánh xe pháp làm chúng sanh lìa tất cả phiền não cấu, tuy có hiện Phật thân, hiện Bồ Tát thân an trụ chẳng động. Nên kệ nói: ‘Thường chuyển xe vô cấu, ảnh hóa Phật, Bồ Tát, trụ trì như Tu-Di, mở đường cho chúng sanh, như hoa sen ở trong bùn không có ánh sáng tới, hoa sen không thể nở. Chúng sanh cũng thế, tuy có chủng tử lành, nhưng không có Bồ Tát ứng hóa để độ cũng không thành tựu’.

LUẬN VĂN: 2) ỨNG HÓA THÂN KIA, TẤT CẢ THỜI GIAN, KHÔNG TRƯỚC KHÔNG SAU, MỘT TÂM MỘT NIỆM, PHÓNG ÁNH SÁNG LỚN, ĐỀU CÓ THỂ ĐẾN KHẮP MƯỜI PHƯƠNG, GIÁO HÓA CHÚNG SANH, ĐỦ CÁC PHƯƠNG TIỆN, CHỖ LÀM TU HÀNH DIỆT HẾT KHỔ NÃO CHÚNG SANH, NHƯ KỆ NÓI: ‘ÁNH TRANG NGHIÊM VÔ CẤU, MỘT NIỆM VÀ MỘT THỜI, CHIẾU KHẮP CÁC HỘI PHẬT, LỢI ÍCH CÁC QUẦN SANH’.

Ứng hóa thân của Bồ Tát không phải lìa chỗ này mà ứng hóa nơi chỗ kia, các Ngài đều có thể phóng ánh sáng lớn khắp cả mười phương giáo hóa chúng sanh. Phương pháp giáo của Bồ Tát không những có nhiều thứ phương tiện mà khi dạy bảo phương pháp tu hành cũng có nhiều phương tiện, tùy theo căn cơ mà dạy bảo trao truyền. Chúng sanh nào hợp với pháp môn Niệm Phật thì dạy niệm Phật, người nào hợp với pháp môn Thiền Định dạy cho pháp tu Thiền Định, khiến cho chúng sanh đúng pháp mà tu hành, dứt hết vô minh phiền não, vĩnh viễn nhổ hết gốc khổ sanh tử, không phải như những nhà từ thiện ở thế gian chỉ có thể giúp tạm dừng những quả khổ của chúng sanh, nhưng không thể dứt vĩnh viễn cái nhơn (nguồn gốc) khổ của chúng sanh.

LUẬN VĂN: 3) – TRONG THẾ GIỚI CỦA NGÀI ĐỘ HẾT KHÔNG CÒN THỪA, ÁNH SÁNG CHIẾU HẾT CÁC ĐẠI CHÚNG TRONG HỘI PHẬT KHÔNG CÒN THỪA, CÚNG DƯỜNG CUNG KỈNH TÁN THÁN VÔ LƯỢNG CHƯ PHẬT NHƯ KỆ NÓI: ‘RƯỚI THIÊN NHẠC, HOA, Y, CÁC DIỆU HƯƠNG CÚNG DƯỜNG, TÁN CÔNG ĐỨC CHƯ PHẬT, KHÔNG CÓ LÒNG PHÂN BIỆT’.

Bồ Tát cõi Cực-Lạc hóa sanh trong thế giới mười phương, không có một thế giới nào không đi đến để hóa độ nên gọi là không còn thừa. Các ngài hóa sanh như thế và cũng phóng ánh sáng như thế. Trong đây nói các Bồ Tát ở cõi Cực-Lạc không chỉ đi đến mười phương phổ độ chúng sanh mà đến khắp mười phương cúng dường chư Phật nên gọi ‘trên cầu đạo phật, dưới cứu độ chúng sanh’ là thế. Vì sao Bồ Tát có thể qua đến mười phương cúng dường tán thán chư Phật? Vì Bồ Tát không có công dụng đạo và không khởi niệm phân biệt nên có thể qua lại tự nhiên.

LUẬN VĂN: 4) CÁC NGÀI Ở TRONG TẤT CẢ THẾ GIỚI KHÔNG CÓ TAM BẢO TRONG MƯỜI PHƯƠNG LÀM TRỤ TRÌ TRANG NGHIÊM PHẬT PHÁP TĂNG BẢO, CÔNG ĐỨC LỚN NHƯ BỂ CẢ, KHẮP CHỈ BÀY LÀM CHO MỌI NGƯỜI HIỂU RỎ ĐÚNG PHÁP TU HÀNH NHƯ KỆ NÓI: ‘Ở CÁC CHỖ THẾ GIỚI, KHÔNG CÔNG ĐỨC PHẬT PHÁP, TA ĐỀU NGUYỆN SANH ĐẾN, CHỈ PHẬT PHÁP NHƯ PHẬT’.

Trước đã nói Bồ Tát đến chỗ thế giới có Phật, ở đây nói Bồ Tát đến thế giới không Phật, như cõi Ta-Bà này có Thích-Ca thế tôn, hiện tại Ngài đã vào niết bàn, nhưng còn tượng Phật tồn tại, kinh điển lưu truyền, chúng sanh y theo giáo pháp Phật tu hành đến chứng quả đó là có Phật. Có thế giới nguồn gốc không có Phật Pháp, chúng sanh chưa hề có một ngày được nghe pháp, việc sanh tử chưa hề có ai thoát được, khổ ấy đồng với địa ngục! Bồ Tát có Đại Từ Bi Tâm, đã sanh về nước Cực-Lạc, dùng huệ nhãn biết được cõi không Phật pháp, phát nguyện sanh đến độ, hoằng truyền Phật pháp, kiến lập tam bảo, làm cho chúng sanh, trước chẳng được thấy nghe tam bảo, hiểu biết được pháp tánh chơn thực, sau đó theo chỗ hiểu biết mà tu hành, được chứng đạo quả. Phương pháp kiến lập khai thị của các ngài y như Phật đã kiến lập, nên nói: ‘Chỉ Phật Pháp như Phật’. Nếu Bồ Tát đã đầy đủ công đức mà không đi độ khắp chúng sanh, tuy có công đức cũng bằng không, nên Bồ Tát muốn có công đức phải giáo hóa chúng sanh. Nên Bồ Tát Địa-Tạng đã nói: ‘Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục’ đó là ý nghĩa này.

LUẬN VĂN: NÓI CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM PHẬT ĐỘ THÀNH TỰU, CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM PHẬT THÀNH TỰU, CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM BỒ TÁT THÀNH TỰU, ĐÂY LÀ THỨ THÀNH TỰU NGUYỆN TÂM TRANG NGHIÊM, LƯỢC NÓI MỘT CÂU LÀ PHÁP THÂN CHƠN PHẬT TRÍ HUỆ VÔ VI THANH TỊNH, NAY CÓ 2 THỨ CẦN NÊN BIẾT. THẾ NÀO LÀ HAI THỨ THANH TỊNH ? : 1) KHÍ THẾ GIAN THANH TỊNH; 2) CHÚNG SANH THẾ GIAN THANH TỊNH. KHÍ THẾ GIAN THANH TỊNH LÀ NHẰM VÀO 17 THỨ CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM QUỐC ĐỘ PHẬT THÀNH TỰU GỌI LÀ THẾ GIAN THANH TỊNH. CHÚNG SANH THẾ GIAN THANH TỊNH LÀ NÓI VỀ 8 THỨ CÔNG ĐỨC PHẬT TRANG NGHIÊM THÀNH TỰU VÀ 4 THỨ CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM THANH TỊNH CỦA BỒ TÁT THÀNH TỰU GỌI LÀ CHÚNG SANH KHÍ THẾ GIAN THÀNH TỰU. NHƯ THẾ MỘT CÂU PHÁP GỒM CẢ 2 THỨ CẦN NÊN BIẾT.

Trong Quán sát môn đã phân biệt rõ ba món công đức xong, ở đây lấy ba thứ quán sát trước làm một câu pháp. – trước nói ba thứ công đức trang nghiêm là chỉ chỗ thành tựu tâm nguyện trang nghiêm, vì cái nhơn của ba thứ công đức thành tựu là năng lực đại nguyện của Phật A Di Đà. Trong kinh Vô Lượng Thọ nói về nhơn thành tựu của Phật A Di Đà là do Pháp-Tạng Tỳ Kheo phát 48 đại nguyện, sau đó quyết lòng y theo thệ nguyện, tu các hạnh nguyện trang nghiêm mà thành tựu cái quả thệ nguyện là thế giới Cực-Lạc. Như Ma Ni Bảo Châu do tim của Đại-Bàng Kim Xí Điểu mà thành, thế giới Cực-Lạc này là do tâm nguyện của Phật A Di Đà mà thành. Phật A Di Đà tùy tâm nguyện thành tựu các phật sự ở nước Cực-Lạc, làm cho chúng sanh đoạn hết các phiền não, chứng vô thượng bồ đề.

Chư Phật dùng lòng đại từ bi phổ độ chúng sanh tuy đồng mà phương pháp độ sanh có khác. Như ở cõi này Đức Thích Ca Thế Tôn dùng ngôn ngữ âm thanh thuyết pháp độ sanh, nên nói: ‘Chơn Giáo thể cõi này, nhờ âm thinh thanh tịnh’. Chúng sanh ở Hương-Quốc dùng mùi hương mà thuyết pháp, cho đến có chổ dùng hoa và giấc mộng mà thuyết pháp độ sanh. Thế giới Cực-Lạc của Phật A Di Đà chính dùng sự thành tựu của thế giới An-Lạc mà làm pháp môn, phương tiện duy nhất để độ sanh.

Người muốn sanh về Tịnh Độ chỉ cần phát nguyện liền đặng vãng sanh, vì Cực-Lạc Tịnh Độ là do nguyện lực của Phật A Di Đà tạo thành, mà trong lời thệ nguyện đã có mong muốn tất cả chúng sanh trong mười phương đều được vãng sanh về nước kia. Nước kia đã hàm chứa năng lực nhiếp thọ chúng sanh các thế giới ở mười phương phát nguyện vãng sanh về, như viên đạn trong ống đồng bị sức ép của hơi thổi bắt buộc phải bay ra ngoài, nên người nguyện sanh về Tịnh Độ quyết định được sanh. Bình thường người được sanh về các Tịnh Độ khác cần phải tu đến Sơ-Địa BồTát mới có thể thành tựu tự tha thọ dụng của Tịnh Độ. Người muốn thành tựu Tịnh Độ khác đều do tu đến địa vị ấy thì tự nhiên thành, không phải chỉ một lần phát nguyện như người cầu sanh về Cực-Lạc liền được vãng sanh. Chúng ta muốn sanh về Tịnh Độ Cực-Lạc không phải tu đầy đủ cái NHƠN của Tịnh Độ mà chỉ cần phát nguyện vãng sanh là có thể đến được. Nếu giảng theo luật nhơn quả thông thường không tu nhơn thì không thể chứng quả có chổ trái ngược, nhưng trong Phật pháp có 5 việc không thể nghĩ bàn. Ở đây không cần tu nhơn mà được sanh Tịnh Độ là do khả năng nguyện lực Phật không thể nghĩ bàn trong năm điều không thể nghĩ bàn mà thành tựu.

Trước phân tích trong quán sát môn có 29 thứ công đức, nay gồm vào một câu pháp đó là thanh tịnh pháp. Thanh tịnh pháp này là Pháp Giới Thanh Tịnh, là pháp tánh vô lậu trí của Phật đã chứng được. Phật lấy pháp tánh làm thân, mà pháp tánh cũng là pháp thân vô vi của Phật. Trí tuệ chơn thực là bốn trí Bồ Đề. Bốn Trí là: Trí vô lậu, Trí vô hư vọng, Trí vô điên đảo và Trí bồ đề. Trí này có thể chứng ngộ và tương ưng, chổ chứng của trí này là thanh tịnh pháp giới. Pháp giới thanh tịnh này là pháp thân vô vi của Phật, vì không có trí phân biệt, nên chứng lý không phân biệt, trí và lý như như, lìa cả tướng năng và sở. Phạm vi của chúng sanh có rộng có hẹp. Nghĩa rộng: tất cả pháp sanh diệt của giống hữu tình và vô tình đều gọi là chúng sanh. Nghĩa hẹp: Các pháp thuộc hữu tình như Phật, Bồ Tát cho đến vi tế côn trùng đều gọi là chúng sanh. Tuy vậy, tương đối mà nói Phật không phải là chúng sanh vì Ngài nhiếp cả Bồ Tát và hữu tình. Nếu nói cho đúng vì chúng sanh tương đối với thánh nhơn, nên trong 10 pháp giới, bốn bậc thánh không phải là chúng sanh, chỉ có sáu bậc phàm là chúng sanh thôi. Trong đây chúng sanh thế gian là gồm nghĩa cả Phật và Bồ Tát.

Hoa Nghiêm tông nói: Thế gian có ba: 1) Khí thế gian; 2) Chúng sanh thế gian; 3) Chánh giác thế gian. Luận này nói có 2 thế gian so với Tông Hoa-nghiêm: Chánh giác thế gian tức là nhiếp về chúng sanh thế gian. Có tướng sai biệt ở thế gian đều là thế gian công đức. Nếu dứt cả ngôn ngữ, tâm thực hành đạo tịch diệt, không có tướng sai biệt là tướng vô lậu của thế gian. Trong ấy tuy nói thế gian, nhưng do công đức vô lậu thành tựu, cũng chính là thế gian mà xuất thế gian vậy.

LUẬN VĂN: CÁC BỒ TÁT TU HÀNH CHỈ QUÁN NHƯ THẾ, TÂM NHU NHUYẾN THÀNH TỰU, BIẾT ĐƯỢC NHƯ THẬT, RỘNG GIẢNG CÁC PHÁP NHƯ THẾ LÀ XẢO PHƯƠNG TIỆN HỒI HƯỚNG THÀNH TỰU.

Trong luận này gồm có năm môn, nói riêng Quán Sát là Quán Sát Môn, hiện tại giảng làm thế nào khéo léo hồi hướng tức là Hồi Hướng Môn. Trong năm môn: Tác Nguyện Môn tu CHỈ làm chính, Quán sát Môn tu QUÁN làm chính. Lễ Bái và Tán Thán môn là phương tiện trước tiên của Chỉ Quán, nên bốn môn của Bồ Tát tu hành như lễ bái, quán sát, tán thán, tác nguyện là tu CHỈ QUÁN. Trong năm môn, Tác Nguyện Môn vô cùng quan trọng, vì trước khi chưa làm công đức lễ bái, tán thán cần phải lập nguyện trước. Chính khi làm công đức cũng phải có nguyện, vì có nguyện nên công đức có chủ trương, tâm tu mới chuyên cần. Nếu công có chủ hướng là công không tản mát như tiền đã xỏ xâu không thể rơi được. Tâm có chuyên cần, khi phát nguyện vãng sanh thì tâm chuyên chú ởTây Phương Tịnh Độ, nhờ đó gom tán loạn về chổ an định, đó gọi là tâm định. Y theo Quán mà tu hành, do phát nguyện mà khởi ra quán sát. Quán sát cõi Phật y chánh trang nghiêm là trong Chỉ có Quán, trong Quán có Chỉ, Chỉ và Quán song hành. Ba Quán sát trên là nói rộng. Ba gồm lại làm một, chỉ có một pháp giới thanh tịnh trùm khắp.

Thành tựu Tâm Nhu Nhuyến: Tâm có phiền não thì không nhu nhuyến cũng như ngựa hoang; nếu tu Chỉ Quán thì có thể hàng phục hết tất cả phiền não. Nếu hàng phục được phiền não thì tâm trở nên nhu nhuyến, nếu không tu được tâm nhu nhuyến thì các cảnh tham trước ngũ dục hiện ra. Không căn cứ tu Chỉ để tâm định thì không thể quán sát được rõ ràng. Vì thế Chỉ và Quán làm cho tâm nhu nhuyến được thành tựu.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ BỒ TÁT DÙNG XÃO PHƯƠNG TIỆN ĐỂ HỒI HƯỚNG ? BỒ TÁT DÙNG XÃO PHƯƠNG TIỆN HỒI HƯỚNG LÀ NÓI LỄ-BÁI NĂM MÔN TU HÀNH ĐÃ NHÓM TẤT CẢ CÔNG ĐỨC THIỆN CĂN, KHÔNG CẦU TỰ MÌNH CÓ ĐƯỢC AN VUI MÀ MUỐN NHỔ HẾT KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SANH, KHỞI NGUYỆN ĐƯA CHÚNG SANH ĐỒNG SANH VỀ CÕI PHẬT AN-LẠC KIA, ĐÓ GỌI LÀ BỒ TÁT DÙNG XÃO PHƯƠNG TIỆN HỒI HƯỚNG THÀNH TỰU.

Trước giảng tâm sở y của hồi hướng, giờ đây giảng về nghĩa chính của hồi hướng. Đã có công đức thành tựu mới có thể hồi hướng, vì nhờ Lễ bái Tán thán ở trước nhóm đủ thiện căn công đức sau mới hồi hướng. Công là công hạnh, đức là quả đức, phàm công thực hành đến khi thành tựu gọi là công đức.

Thông thường lấy năm thứ thiện căn: Tín, tấn, niệm, định, tuệ và ba vô lậu thiện căn: đương tri, dĩ tri, cụ tri là tổng tướng của thiện căn. Kỳ thực tất cả công đức đều gọi là thiện căn. Như niệm phật, niệm đến không còn tạp niệm tức là thành tựu một thứ công lực niệm Phật, do công lực niệm phật này lâu dần thành tựu thiện căn niệm phật. Như người ưa làm việc bố thí, làm việc bố thí lâu dần biến thành tập quán thành tựu bố thí công đức và thiện căn bố thí thành tựu.

Trái lại tạo ác cũng có ác căn thành tựu như tham sân si tam độc gọi là tam độc căn, nên nói căn tánh ác, căn tánh hạ liệt, các người này không có thiện xão để hồi hướng, vì tâm chấp ngã, chỗ công đức đều vì bản ngã mà làm, đó là công đức hữu lậu trước tướng, không phải là công đức xuất thế. Công đức hữu lậu này chỉ làm nhơn cho quả hữu lậu ở nhơn thiên, được sanh vào cõi nhơn thiên. Người thiện xão hồi hướng không cần gìn giữ cái vui riêng cho tự thân, mà làm cho tất cả chúng sanh lìa khổ được vui.

Như chúng ta niệm phật cầu vãng sanh Tịnh Độ không phải chỉ cầu tự mình đến chổ An-Lạc mà vì cứu bạt tất cả khổ của chúng sanh mà sanh về Tịnh Độ. Ở đời, những nhà từ thiện bố thí cơm ăn áo mặc tuy giúp tạm thời bớt khổ chứ không nhổ hết nguồn gốc khổ.

Chỉ có Phật pháp làm cho chúng sanh đoạn trừ phiền não chứng quả Bồ -đề mới có thể nhổ hết cội gốc khổ cho tất cả chúng sanh. Pháp môn Tịnh Độ khuyên người vãng sanh, tuy chưa dạy chúng sanh tức khắc diệt trừ phiền não, song sanh về Tây Phương Cực-Lạc có thể lìa khổ, lần lần diệt hết phiền não thành vô thượng giác.

LUẬN VĂN: BỒ TÁT KHÉO BIẾT HỒI HƯỚNG THÀNH TỰU NHƯ THẾ LÀ XA LÌA BA THỨ TRÁI VỚI PHÁP BỒ ĐỀ. THẾ NÀO LÀ BA THỨ ? 1) Y THEO TRÍ HUỆ MÔN KHÔNG CẦU TỰ LẠC, XA LÌA TÂM THAM TRƯỚC CỦA TỰ THÂN; 2) Y THEO TỪ BI MÔN NHỔ TẤT CẢ GỐC KHỔ CHO CHÚNG SANH, XA LÌA TÂM KHÔNG AN ỔN CỦA CHÚNG SANH; 3) Y THEO PHƯƠNG TIỆN MÔN, LÒNG THƯƠNG XÓT TẤT CẢ CHÚNG SANH, XA LÌA TÂM CUNG KÍNH CÚNG DƯỜNG TỰ THÂN. ĐÓ LÀ XA LÌA BA PHÁP TRÁI VỚI TÂM BỒ ĐỀ.

Trong đây nói Bồ Đề tức chỉ Đại Thừa Bồ Đề Tâm, nếu không đúng như thế mà hồi hướng tức là trái với ba thứ Tâm Bồ Đề, nếu trái với Tâm Bồ Đề là trái với bản ý thành lập Tịnh Độ của Phật A Di Đà. Người tu Phật cốt yếu lấy tâm mình làm điểm xuất phát, nếu có ngã chấp tức thành phàm phu. Vì thế hàng nhị thừa dùng phương tiện tiêu cực để diệt trừ ngã chấp chứng A La Hán, hàng Đại Thừa Bồ Tát lấy lòng Đại Bi Vô Ngã để viên thành Phật Quả.

Tiếng Phạn Tất Ca Da Kiên dịch là thân-kiến, vì ở thân kiến nên có ngã chấp, nếu có ngã chấp là có tham ái, si mê, ngã mạn. Trong Duy Thức Luận nói: Ngã chấp có hai thứ:

1) Do Mạt-Na Thức thứ bảy duyên theo kiến phần của thức A Lại Da thứ tám làm ngã là Câu Sanh Ngã chấp, Tâm ngã chấp này là căn bản.

2) Do ý thức thứ sáu duyên theo năm uẩn mà khởi ra ngã chấp là chung cả câu-sanh và phân biệt ngã chấp. Muốn phá ngã chấp cần phải dùng trí bác-nhã. Nhờ trí bác-nhã phá nhơn ngã chấp, diệt phiền não chướng, chứng lý sanh không. Phá pháp ngã đoạn sở tri chướng, chứng lý pháp không. Sanh không là hiểu thấu tâm chúng ta đều do ngũ uẩn hòa hợp mà có, không thật thể. Nó như một đoàn thể họp bởi nhiều phần tử mà thành, nếu bỏ các phần tử ra thì đoàn thể không thành. Chúng ta cũng thế, tất cả đều do các duyên hòa hợp nên giả có ngã tướng, không có ngã thực, nên cuộc sống con người thật mỏng manh không thực. Do hiểu được sanh không, tiến thêm một bước nữa ta thấy, người do năm uẩn hòa hợp mà thành, các duyên hòa hợp nên năm uẩn vốn không, thành tựu Quán Pháp Không. Biết rõ người và pháp đều không, nên không khởi lòng tham và không cầu riêng mình được an vui. Nên nói: Y theo môn trí tuệ, không cầu tự vui riêng, xa lìa tâm ngã tham trước của tự thân.

Từ Bi của Thế Gian và Từ Bi của Phật pháp không đồng. Từ Bi của thế gian là dùng tự-ngã để làm việc từ bi; Từ bi của Phật pháp lấy vô-ngã làm từ bi, nên gọi là Đại Bi. Từ Bi trong Phật Pháp có ba thứ: Sanh duyên từ, Pháp duyên từ và Vô duyên Từ. Duyên cái khổ của chúng sanh mà sanh lòng từ bi gọi là Sanh duyên Từ. Không thấy có mình và người mà khởi lòng từ bi là Pháp Duyên Từ.

Dùng cái không công dụng mà khởi từ bi gọi là Vô Duyên Bình Đẳng Từ. Chúng sanh vốn ở trong cái không khổ mà vọng khởi ra cái khổ, đó là điều rất cực khổ. Chúng sanh khổ não như thế, như ở trong nhà lửa cháy lớn. Bồ Tát có thể dùng lòng Đại từ bi làm cho chúng sanh xa lìa cội gốc khổ được an vui rốt ráo, nên nói: Y theo từ bi môn nhổ tất cả khổ cho chúng sanh, xa lìa tâm không an lạc của chúng sanh.

Người đời lập công, lập ngôn, lập đức đều không lìa tâm ngã chấp, nên khi thành công chỉ muốn một mình được nhận lợi ích. Bồ Tát không phải thế, Bồ Tát nguyện sanh về thế giới An-Lạc là vì thương xót tất cả chúng sanh, không phải đem thế giới Cực-Lạc để cung cấp an vui cho chính mình.

Nên Bồ Tát y theo trí huệ làm căn bản để khởi ra phương tiện làm hạnh hồi hướng lợi tha, thương tưởng tất cả chúng sanh xa lìa lòng cung cấp cho riêng mình. Có ba pháp trái với Bồ Đề làm Đại Bồ Đề không thành, xa lìa ba pháp trái Bồ Đề này thì Đại Thừa Bồ Đề Tâm và Đại Thừa Nghĩa Môn thành tựu.

LUẬN VĂN: BỒ TÁT XA LÌA ĐƯỢC BA THỨ TRÁI VỚI BỒ ĐỀ MÔN, ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ BA THỨ THUẬN BỒ ĐỀ MÔN. BA THỨ ẤY THẾ NÀO ? 1) VÔ NHIỄM THANH TỊNH TÂM: KHÔNG VÌ TỰ THÂN MÀ CHẠY TÌM CÁC THỨ VUI RIÊNG.

2) AN THANH TỊNH TÂM: DÙNG HẾT NĂNG LỰC NHỔ TẤT CẢ GỐC KHỔ CHO CHÚNG SANH. 3) LẠC THANH TỊNH TÂM : DÙNG NĂNG LỰC MÌNH LÀM CHO CHÚNG SANH ĐƯỢC QUẢ ĐẠI BỒ ĐỀ. VÌ THẾ, NÊN BỒ TÁT ĐƯA CHÚNG SANH VỀ CÕI AN-LẠC CỦA PHẬT A DI ĐÀ. ĐÓ LÀ BA THỨ TÙY THUẬN ĐẦY ĐỦ BỒ ĐỀ MÔN CẦN NÊN BIẾT.

Phàm làm việc gì không vì tự lợi thì có thể không nhiễm.

Ở đời lập công nghiệp hoặc mọi việc đều vì mình, vì muốn nhận được cho riêng mình nên tâm bị nhiễm. Còn Bồ Tát không vì tự lợi cho bản thân, nên không có tâm nhiễm. Không vì tự thân nên thành tựu vô nhiễm thanh tịnh. Không phải tu thân thanh tịnh mà có thể nhổ tất cả gốc khổ cho chúng sanh, làm cho chúng sanh đều được thanh tịnh. Đó là thành tựu an thanh tịnh tâm.

Không phải chỉ làm cho chúng sanh lìa khổ mà còn làm cho họ chứng được pháp lạc vô thượng bồ đề. Đó là Lạc thanh tịnh Tâm. Nếu đem ba thanh tịnh tâm dùng ba đức đối nhau thì vô nhiễm thanh tịnh là đoạn đức; an thanh tịnh là an đức, lạc thanh tịnh là trí đức.

Ba pháp thanh tịnh cùng với tâm bồ đề tương ưng đầy đủ nên gọi là pháp môn tùy thuận Bồ Đề được đầy đủ.

LUẬN VĂN: NÓI ĐẾN BA MÔN TRÍ TUỆ, TỪ BI, PHƯƠNG TIỆN BÁT NHÃ, BÁT NHÃ CŨNG NHIẾP THỦ PHƯƠNG TIỆN CẦN NÊN BIẾT.

Ở trước ba môn nhiếp thủ phương tiện. Bát nhã có ba: 1) Văn tự Bát Nhã; 2) Quán chiếu Bát Nhã; 3) Thật tướng Bát Nhã. Phương tiện là tất cả hạnh tự lợi và lợi tha. Bát nhã là tiếng Phạn dịch là trí tuệ. Phương tiện là tiếng Trung-Hoa, Phạn ngữ là Au-Hoa. Tu tất cả hạnh phương tiện đều làm cho chứng nhập thật tướng, nên gọi phương tiện nhiếp thủ bát nhã. Y theo Bát Nhã tu tất cả hạnh, hiểu biết tất cả pháp không, không trụ trước, đó là bát nhã nhiếp thủ phương tiện. Bát nhã nhiếp thủ phương tiện và phương tiện cũng nhiếp thủ bát nhã. Phương tiện nếu rời Bát nhã là khởi ngã chấp, Bát nhã nếu lìa phương tiện là chấp không kiến. Kinh Duy Ma nói: ‘Có Trí huệ thì phương tiện cởi mở, không trí huệ bị phương tiện trói buộc, có phương tiện thì trí huệ mở, không phương tiện trí huệ bị trói buộc’. Thực hành trí huệ mà có phương tiện thì cái bất không cũng thành chơn không; thực hành phương tiện mà có trí huệ thì cái phi hữu cũng thành diệu hữu. Ở chỗ Mật Pháp của Mật Tông hiện bày kim cang Phật mẫu cũng tức là nghĩa chính yếu của Bát Nhã và phương tiện. Như con chim bay giữa hư không, Chim đủ phương tiện, hư không đủ bát nhã. Chim không có hư không thể bay, hư không không có chim bay qua sẽ không hiện bày được cái vô ngại dụng của hư không. Phương tiện không có bát nhã không đi, bát nhã không có phương tiện sẽ không có công dụng.

LUẬN VĂN: NÓI ĐẾN VÔ NHIỄM THANH TỊNH TÂM, AN THANH TỊNH TÂM, LẠC THANH TỊNH TÂM, BA THỨ TÂM NÀY TÓM LƯỢC VỀ MỘT CHỖ LIỀN THÀNH TỰU DIỆU LẠC THẮNG CHƠN NHƯ CẦN NÊN BIẾT.

Diệu Lạc Thắng chơn như trong Kinh Niết Bàn gọi là Đại Niết Bàn. Đại Niết Bàn này thành tựu ba đức: Pháp thân, bác nhã, giải thoát. Ba đức này không phải một, không rời nhau, không thiên, không lệch. Đó chính là Diệu Lạc Thắng Tâm. Như thế, ba tâm thành tựu được diệu lạc thắng tâm tức là thành tựu Đại Niết Bàn Tâm, là vô thượng bồ đề tâm và cũng là diệu tâm vô tướng thật tướng của Niết Bàn Phật Quả. Chư Tổ Thiền Tông lấy tâm truyền tâm, chính là truyền tâm này, chính là hiển rõ trong Thiền có Tịnh, trong Tịnh có Thiền, chính Thiền mà Tịnh, chính Tịnh mà Thiền.

LUẬN VĂN: BỒ TÁT NHƯ THẾ DÙNG TÂM TRÍ HUỆ LÀM PHƯƠNG TIỆN, TÂM VÔ CHƯỚNG, TÂM THẮNG CHƠN CÓ THỂ SANH VỀ QUỐC ĐỘ PHẬT THANH TỊNH CẦN NÊN BIẾT.

Ở trước tuy nói ba thứ: Trí huệ, từ bi, phương tiện nhưng tất cả đều nhiếp về tâm trí huệ và phương tiện. Tâm Viễn ly nhiếp về vô chướng tâm. Ba tâm vô nhiễm thanh tịnh nhiếp về Thắng Chơn Tâm. Bồ Tát do các tâm như thế mà có thể sanh về quốc độ thanh tịnh; do Bồ Tát y theo những thanh tịnh tâm như thế mà chứng được pháp giới thanh tịnh, thành pháp tánh độ. Y theo pháp tánh độ này thành tựu tự tha thọ dụng báo độ, do báo độ mà thành biến hóa độ, nên nói có thể sanh về quốc độ thanh tịnh.

LUẬN VĂN: ĐÓ GỌI LÀ BẬC ĐẠI BỒ TÁT TÙY THUẬN THEO NĂM THỨ PHÁP MÔN MÀ CHỖ LÀM ĐƯỢC TÙY Ý TỰ TẠI THÀNH TỰU, NHƯ ĐÃ NÓI THÂN NGHIỆP, Ý NGHIỆP, KHẨU NGHIỆP, TRÍ NGHIỆP, PHƯƠNG TIỆN TRÍ NGHIỆP ĐỀU TÙY THUẬN THEO PHÁP MÔN. LẠI CÓ NĂM MÔN LẦN LƯỢT THÀNH TỰU NĂM THỨ CÔNG ĐỨC CẦN NÊN BIẾT.

Trên Quán thành ba thứ Niết Bàn thành Đại Bồ Tát nên gọi là Ma Ha Tát. Tự tại nghĩa là tự do. Từ năm món trên lể bái thuộc thân nghiệp, tán thán thuộc khẩu nghiệp, tác nguyện thuộc ý nghiệp, quán sát thuộc trí nghiệp; trong Quán Sát tuy có sự tương ưng của tâm và tâm sở mà chính sự hay quán sát thuộc về trí tuệ. Hồi hướng thuộc về phương tiện trí nghiệp, vì không trước không tưởng mới có thể hồi hướng, nếu không có trí tuệ làm sao không chấp trước. Phổ thông mà nói nghiệp tham chướng nặng đều chỉ về nghiệp bất thiện, nhưng giảng ở phương diện sự nghiệp và hành nghiệp thì nghiệp có thiện nghiệp và bất thiện nghiệp, có hữu lậu có vô lậu không phải thuộc hoàn toàn về bất thiện, như Tu Pháp Môn Tịnh Độ là Tu Tịnh Nghiệp tức thuộc về thiện nghiệp.

LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ NĂM MÔN? 1) CẬN MÔN; 2) ĐẠI HỘI MÔN; 3) TRẠCH MÔN; 4) ỐC MÔN; 5) VIÊN LÂM DU HÍ MÔN. TRONG NĂM MÔN NÀY BỐN MÔN ĐẦU THÀNH TỰU TÁM THỨ CÔNG ĐỨC, MÔN THỨ NĂM THÀNH TỰU XUẤT CÔNG ĐỨC.

Do năm môn ở trước lại tạm thành năm món công đức nầy. Lễ bái thuộc về thân nghiệp, do lễ bái một lần liền cùng Cực-Lạc gần thêm một bước, nên do lễ bái mà thành tựu Cận Môn tức là thêm gần cõi Cực-Lạc. Đem tâm cung kính chí thành ở bên trong biểu lộ trong lời nói gọi là tán thán. Vì xưng danh tán đức ắt có âm thanh, do âm thanh này làm cho người nghe được lợi nên thành Đại Hội Môn.

Lại nữa khi chúng ta tụng kinh A Di Đà là có các chúng trời người đến nghe pháp, đồng đến hộ trì thành đại pháp hội, nên do tán thán mà thành Đại Hội Chúng Môn. Phát nguyện tu CHỈ có thể làm cho tâm niệm hoàn toàn đổi hướng với Cực-Lạc thế giới, chuyên niệm như thế chắc được vãng sanh vào nhà Cực-Lạc nên do phát nguyện mà thành tựu Trạch Môn.

Quán sát tức là định sanh tuệ, do dùng trí tuệ quán sát công đức y chánh trang nghiêm cõi Cực-Lạc như người vào nhà, các việc trong nhà sẽ hiện trước mặt, thấy xét rõ ràng, nên do quán sát mà thành tựu Ốc Môn.

Trở vào cõi khổ Ta-Bà có nghĩa hồi hướng, như đã vào nhà lại vào vườn rừng làm các việc vui chơi, nên hồi hướng môn gọi là thành tựu Viên Lâm Du Hí Môn. Bốn thứ trước thành tựu là tám công đức thế giới Cực-Lạc, thứ chót là công đức Xuất Thế giới Cực-Lạc.

LUẬN VĂN: VÀO MÔN THỨ NHẤT LÀ LỄ BÁI PHẬT A DI ĐÀ ĐƯỢC SANH VỀ NƯỚC KIA, NGƯỜI ĐƯỢC SANH VỀ THẾ GIỚI AN-LẠC LÀ ĐƯỢC VÀO MÔN THỨ NHẤT.

Đem thâm mạng lễ bái Phật và Bồ Tát trên hội liên trì là nhơn, liền được vãng sanh là Quả. Khi lễ bái quán sát công đức y báo, nguyện đem thân mạng hướng về Cực-Lạc, nghĩ thân mình khi lễ bái dưới đất liền được vãng sanh Cực-Lạc, nên nói một lòng quy mạng thế gới Cực-Lạc là chính nghĩa này.

Ý nghĩa vãng sanh nếu từ ý thức mà giảng trong định cũng được vãng sanh. Như Huệ Viễn Đại Sư trong định ba lần thấy Tịnh Độ Cực-Lạc, không cần phải bỏ báo thân này mới được vãng sanh.

Nếu từ báo thể của A LẠI DA mà nói,A LẠI Da trùm khắp mười phương, nhưng chúng sanh bị nghiệp lực làm chướng ngại nên không thể thành tựu báo thân Cực-Lạc; nếu người tu tịnh nghiệp tức xa lìa được thân nghiệp báo phiền não, để nhận thanh tịnh báo thân Cực-Lạc.

Vãng sanh do báo thân nên do việc làm lễ bái của thân nghiệp mà được sanh ra quả Cực-Lạc.

LUẬN VĂN: VÀO MÔN THỨ HAI LÀ TÁN THÁN PHẬT A DI ĐÀ. TÙY THUẬN THEO NGHĨA, KHEN DANH NHƯ LAI, Y THEO TƯỚNG ÁNH SÁNG NHƯ LAI NÊN ĐƯỢC VÀO ĐẠI HỘI CHÚNG SỐ, NÊN GỌI VÀO ĐƯỢC MÔN THỨ HAI.

Trong việc tán thán rất giản tiện là xưng danh hiệu của Như Lai. Danh hiệu của Như Lai gồm có nhiều thứ công đức. Khen ngợi tên của Như Lai là khen ngợi công đức chơn thực của Như Lai. Nếu tụng Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ cũng có nghĩa khen ngợi xưng tán, nhưng không bằng xưng danh giản tiện hơn. A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Quang. Xưng hiệu A Di Đà Phật là xưng dương ánh sáng vô lượng của Phật.

Từ ánh sáng của Phật có thể hiện rõ y chánh, chủ bạn, pháp hội, đại chúng, vô lượng pháp chủng của mình và người, nên nhớ xưng dương ánh sáng vô lượng của Phật mà được vào Đại Hội Chúng Số của Thế giới Cực-Lạc. Có người sanh về Cực-Lạc mà không được vào hội chúng là do nghi tâm niệm phật, tuy sanh về Cực-Lạc, song phải chịu 500 đại kiếp không có thể vào đại hội chúng nghe giảng phật pháp.

Y theo tướng ánh sáng của Như Lai mà tu hành là y theo tướng ánh sáng của Như Lai mà tu hành quán tưởng, có thể làm cho trang nghiêm công đức thế giới Cực-Lạc ở tự tâm hiện ra lòng tin chắc an vui.

LUẬN VĂN: VÀO MÔN THỨ BA LÀ MỘT LÒNG CHUYÊN NIỆM PHẬT NGUYỆN SANH VỀ NƯỚC KIA, TU HÀNH QUÁN TỊCH TỊNH TAM MUỘI, ĐƯỢC VÀO THẾ GIỚI LIÊN HOA TẠNG GỌI LÀ MÔN THỨ BA.

Bình thường lòng chúng ta luôn luôn tán loạn phù phiếm không thể chuyên nhất. Thấy nghe ngữi biết đối với sắc của năm trần luân chuyển không ngừng.

Nếu chuyên quy hướng thế giới Cực-Lạc, đem tất cả tâm tán loạn gội rửa hết sạch, đó gọi là nhất tâm. Người chuyên niệm không luận tâm định tâm tán đều từ trong sát na sanh diệt, chẳng qua là ở trong tâm định, tuy có sanh diệt vì duyên một cảnh tiếp nối mà không biết nó là sanh diệt.

Tâm tán loạn trong sát na sanh diệt cũng có lúc gián đoạn. Như trong sát na thứ nhất nhận thức duyên theo sắc cảnh, sát na thứ hai nhỉ thức duyên theo thinh cảnh làm cho nhận thức gián đoạn. Nếu được nhất tâm thì mọi sát na không gián đoạn gọi là chuyên niệm.

Một lòng chuyên niệm gọi là hành CHỈ, do Chỉ làm ngưng dứt tán loạn tạp tâm được liền tịch tịnh. Nên Cổ Đức nói: Biết dừng rồi sau mới định, Định rồi sau mới tịnh. Tam muội dịch là Chánh Định. Hai món lễ bái, tán thán trước là Tán Tâm Tu. Tác Nguyện là Định Tâm Tu nên gọi là Hành Tam Muội. Nhờ Hành Tam Muội mà vào được thế giới Liên Hoa Tạng. Liên Hoa Tạng Thế Giới là thế giới An-Lạc của Phật A Di Đà.

Thế giới Cực-Lạc là cảnh giới Tam Muội. Y theo việc công đức trang nghiêm y chánh của thế giới Cực-Lạc, một lòng chuyên niệm không xen hở sẽ thành hạnh tam muội thì cảnh tam muội của Cực-Lạc hiện tiền nên nói có thể vào thế giới Liên Hoa Tạng của Cực-Lạc.

Nếu vào được Thế giới Liên Hoa Tạng tức là vào được Thật Báo Trang Nghiêm Độ của Phật A Di Đà (cõi thọ dụng) Thường người Tu Tịnh độ chỉ có lễ bái và tán thán, nếu tu Phát Nguyện môn này liền được vào thế giới Hoa Tạng. Nếu y chính phẩm vãng sanh mà luận là thượng phẩm thượng sanh. Như Tổ Long-Thọ nói: Bồ Tát Sơ Địa vãng sanh Tịnh Độ.

LUẬN VĂN: VÀO MÔN THỨ TƯ LÀ CHUYÊN NIỆM QUÁN SÁT TRANG NGHIÊM VI DIỆU CÕI KIA NÊN TU QUÁN, ĐƯỢC ĐẾN CÕI ẤY THỌ DỤNG CÁC THỨ PHÁP VỊ AN VUI GỌI LÀ VÀO MÔN THỨ TƯ.

Quán là căn cứ vào Chỉ mà khởi, Lể Bái Tán Thán ở trước là tư lương của Chỉ, nếu thêm tinh tấn thì chính là Chỉ. Ở trong Chỉ trước phải tu Lễ bái Tán Thán, xa lìa nạn ma thì tu Chỉ dễ thành.

Quán cần phải ở sau Chỉ mới thành tựu nên nói: Vì chuyên niệm quán sát, cõi kia chính là cõi công đức trang nghiêm thành tựu của Phật. Pháp vị lạc là Giác pháp của Vô Thượng Bồ Đề.

Người tu Tịnh Độ chỉ tu Lễ Bái Môn tuy được sanh về Tịnh Độ biến hóa nhưng không được nghe Phật pháp. Y theo lễ bái tán thán mà tu, sanh vào biến hóa Tịnh Độ, cũng có thể vào trong đại hội thấy Phật nghe pháp. Tu theo ba môn lễ bái, tán thán, phát nguyện được vào thật báo trang nghiêm độ, cõi thọ dụng của Phật A Di Đà.

Tu bốn môn Lễ bái, Tán thán, Phát nguyện, Quán sát có thể ở trong Tịnh Độ thọ-dụng mà hiểu biết rõ ràng được thọ dụng chơn thực. Như người trong nhà không quán sát hiểu biết kỷ các vật, không thể thọ dụng được hết những vật dụng trong nhà, nếu quán sát kỷ được các vật thì tùy ý thọ dụng. Bồ Tát vãng sanh Tịnh Độ lại cũng như thế.

Người tu Tác Nguyện ở trên chứng vào Sơ – địa, nhờ Quán Sát mà từ Sơ – địa lần lượt tiến lên cho đến khi viên mãn quả vô thượng bồ đề. Thọ dụng các thứ pháp vị an-lạc.

LUẬN VĂN: MÔN THỨ NĂM LÀ DÙNG LÒNG ĐẠI TỪ BI QUÁN SÁT TẤT CẢ KHỔ NÃO CỦA CHÚNG SANH, BẰNG LÒNG HÓA THÂN TRỞ VÀO VƯỜN SANH TỬ, RỪNG PHIỀN NÃO, HIỄN LỘ THẦN THÔNG, ĐẾN CHỖ GIÁO HÓA, DÙNG SỨC BỔN NGUYỆN RA TAY NÊN GỌI LÀ MÔN THỨ NĂM.

Đại Thừa Bồ Tát phải có tâm khắp độ tất cả chúng sanh, ở đâu có nhu yếu cần là có Bồ Tát đến giúp đở. Kẻ phàm phu tâm cầu vui, tu các pháp nhơn thiên như Ngủ giới, Thập Thiện liền được thọ dụng an vui của trời người. Hàng Nhị Thừa lòng họ chỉ biết tự lợi, tu theo pháp Tứ Đế, Thập Nhị Nhơn Duyên chỉ mong tự lợi không cần phát Tâm Đại Bồ Đề. Pháp môn Tịnh -Độ là chủng tánh giới của Đại Thừa.

Vì thế người tu Tịnh-độ phải Phát Tâm Đại Thừa Bồ Tát. Đã có Tâm Đại Thừa, Bồ Tát sẳn sàng vào tất cả thế giới khổ não, phổ độ chúng sanh. Nên Bồ Tát trước tu bốn môn sau đó hồi hướng. Hồi hướng này là hạnh độ sanh. Bồ Tát phải đến địa vị thượng phẩm thượng sanh mới có thể làm nổi.

Vì Bồ Tát địa thượng mới có đủ năng lực trở về thế giới khổ, phổ độ chúng sanh. Còn Bồ Tát không ở địa vị Thượng Phẩm Thượng sanh cần phải ở lại thế giới Cực-Lạc, nghe Phật pháp, tự tu công đức đầy đủ mới Phát nguyện hồi hướng.

Tâm Từ Bi là vì việc chung, vì mỗi người mà làm, việc làm không có hạn lượng, không có ngằn mé, phục vụ công chúng đó là lòng từ bi. Đem lòng đại từ bi này mà phát nguyện vãng sanh, đã được vãng sanh rồi tu hạnh từ bi, như thầy thuốc đi học thuốc vì muốn trị bệnh cho người, nếu không có người bệnh để trị thì việc học thuốc

của thầy cũng trở thành vô ích. Bồ Tát cũng thế, nếu không độ chúng sanh thì diệu dụng của Bồ Tát cũng trở thành vô ích, dù có diệu dụng cũng chỉ bằng không.

Vì thế, Báo thân của Bồ Tát tuy thường bất động ở thế giới Liên Hoa Tạng, nhưng vẫn dùng ứng hóa thân vào vườn sanh tử, rừng phiền não, làm cho chúng sanh mau đoạn phiền não khỏi khổ sanh tử, đồng sanh Cực-Lạc đồng chứng Bồ Đề.

Các Ngài dùng thần thông dạo chơi, đến chổ giáo hóa, hiện tướng thành đạo, hiện tướng Phàm Phu, Nhị Thừa, Bồ Tát. Tóm lại tất cả chổ phiền não, sanh tử đều là nơi giáo hóa của Bồ Tát.

LUẬN VĂN: BỒ TÁT VÀO BỐN MÔN, HẠNH TỰ LỢI THÀNH TỰU, BỒ TÁT RA MÔN THỨ NĂM LÀM LỢI ÍCH CHO NGƯỜI KHÁC, HẠNH HỒI HƯỚNG THÀNH TỰU CẦN NÊN BIẾT.

Đây là nói bốn môn đầu thành tựu hạnh tự lợi, một môn cuối thành tựu hạnh lợi tha. Nhưng Bồ Tát tự lợi tức là lợi tha, vì có lợi tha nên thành tựu tự lợi, không thể riêng làm tự lợi mà thành tựu tự lợi được.

LUẬN VĂN: BỒ TÁT TU HÀNH NĂM MÔN NHƯ THẾ CÓ ĐỦ HẠNH TỰ LỢI VÀ LỢI THA, MAU ĐƯỢC THÀNH TỰU QUẢ A NẬU ĐA LA TAM MIỆU TAM BỒ ĐỀ.

A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề dịch là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tu đủ năm môn thì tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, nên chứng viên mãn Bồ Đề. Nói mau chứng là đứng về cận môn mà luận: So sánh với người lăn lộn trong sanh tử thì đã mau chóng thoát khỏi. Tu đến môn thứ tư, thứ năm không chỉ mau được mà phải nói thoát sanh tử ngay. Vì thế, người Tu Tịnh Độ đối với năm môn này phải cần tu tập, chắc chắn mau thành Phật Quả.

Mùa An-Cư Đinh Mão (1987)

ĐÔI DÒNG GỢI Ý

Chúng tôi kèm kinh BÁT ĐẠI NHƠN GIÁC vì nhận thấy các lợi ích như sau:

*/ Đối với Quý vị đang tầm đạo hoặc mới học đạo, kinh này giúp hiểu rõ sự thật của cõi đời này và phương hướng tu hành.

*/ Đối với Quý vị đang tu tập pháp môn Tịnh Độ, kinh này rất hữu ích giúp Tâm mau được an tịnh do thường quán thấy chán ngán cõi Ta-Bà.

*/ Đối với tất cả Quý vị đang tu hành đạo Giáo Ngộ, nói chung, kinh này là người bạn đồng hành quý báu nhắc nhở chúng ta phương hướng hành đạo khỏi bị sai lệch.

Trân trọng giới thiệu cùng quý vị.