Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự tại đỉnh núi Thứu Phong (Gṛdhra-kuṭa) trong thành Vương Xá (Rāja-gṛha) cùng với chúng Đại Tỳ Khưu (Mahatā-bhikṣu-saṃgha) và các vị Đại Bồ Tát, tám Bộ Trời Rồng, Người, Phi Nhân…cung kính vây quanh để nghe nói về Nhân Duyên Bản Sinh của Đại Bồ Tát.
Bấy giờ trước mặt Đức Phật có ánh sáng lớn, chiếu khắp cõi Nam Diêm Phù Đề (Jambudvīpa) dần dần lan đến cõi nước ở phương khác. Rồi trong ánh sáng có nói Kệ rằng:
“Thành tựu Môn Đại Bi Giải Thoát
Thường tại Sa Bà (Sahā-loka-dhātu), núi Bổ Đà (Potala)
Ngày đêm sáu lần, quán Thế Gian
Bản Nguyện, Nhân Duyên lợi tất cả”
Lúc đó Chúng Hội nhìn thấy ánh sáng này, nghe nói lời Kệ, sinh tưởng chưa từng có, không có ai chẳng nghi ngờ lấy làm lạ, liền theo thứ tự hỏi Nhân Duyên, nhưng không có người đáp.
Khi ấy trong Chúng có một vị Bồ Tát Ma Ha Tát tên là Tổng Trì Tự Tại (Dhāraṇīśvara) từ chỗ ngồi đứng dậy, liền bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Có Nhân Duyên gì mà hiện ánh sáng này ? Người nào đã phóng ra ? Đại Chúng chúng con nhìn thấy ánh sáng này, nghe nói Kệ Tụng, nhưng chưa biết Nhân Duyên. Nguyện xin vì chúng con mà nói Nhân Duyên ấy”
Đức Phật bảo Tổng Trì Tự Tại Bồ Tát: “Lành thay ! Lành thay ! Các ông hãy nghe cho kỹ ! Từ đây đến phương Tây, vượt hơn 20 hằng hà sa cõi Phật, có Thế Giới tên là Cực Lạc (Sukhāvatī). Chúng sinh ở cõi ấy không có mọi điều khổ, chỉ thọ nhận các điều vui sướng. Nước ấy có Đức Phật, hiệu là A Di Đà (Amita) có đầy dẫy chúng Thánh thuộc ba Thừa (Trīṇi yānāni), trong ấy có một vị Nhất Sinh Bổ Xứ Đại Sĩ (Eka-jāti-pratibaddha) tên là Quán Thế Âm Tự Tại
(Avalokiteśvara) từ lâu đã gieo trồng căn lành (Kuśala-mūla: Thiện căn), thành tựu Hạnh Nguyện Đại Bi (Mahā-kāruṇa) ngày nay đi đến cõi này. Vì muốn hiển bày Nhân Duyên gốc ngọn sinh về Tịnh Thổ mà hiện ra ánh sáng này chiếu khắp Thế Giới, chẳng lâu sẽ tự đi đến. Các ông nên hỏi Nhân Duyên của Kệ Tụng”
Bấy giờ Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát, trăm ngàn chúng Đại Bồ Tát đều cùng nhau đi đến đỉnh núi Thứu, cúi đầu mặt lễ Đức Phật, tán thán cúng dường xong thì lui ra ngồi ở một bên
Thời Tổng Trì Tự Tại Bồ Tát nương theo uy lực của Đức Phật, đến chỗ của Quán Thế Âm thăm hỏi lẫn nhau rồi bạch với Quán Thế Âm rằng: “Thiện Nam Tử (Kula-putra) đã phóng ra ánh sáng, diễn nói Già Đà (Gāthā: Kệ Tụng) vi diệu, nhưng chưa biết Nhân Duyên gốc ngọn. Nay ý của ông như thế nào ?”
Thời Quán Thế Âm Bồ Tát bảo Tổng Trì Bồ Tát rằng: “Vào thời quá khứ cách nay A Tăng Kỳ Kiếp chẳng thể nói, ngay ở Nam Diêm Thiên Trúc có một nước tên là Ma Niết Bà Tra, nước ấy có một vị Phạm Sĩ tên là Trưởng Na vốn là nhà giàu có sung túc, có người vợ tên là Ma Na Tư La, chưa có con cái. Hai vợ chồng thường than thở hối hận: “Tài sản của chúng ta tuy giàu có sung túc, cũng không có niệm khác, chưa có con cái, thật đáng ân hận !…”.
Hai vợ chồng cầu đảo Thiên Thần, ân trọng cầu con. Chẳng bao lâu thì người vợ mang thai, đủ tháng sinh ra đứa con trai đoan chính khôn sánh. Khi con được ba tuổi thì lại sinh thêm đứa con trai
Vị Phạm Sĩ được hai đứa con, liền mời Thầy coi Tướng đến xem cho hai đứa con. Thầy Tướng nhìn xem rồi chẳng thích, rất lâu mới bảo rằng: “Đứa con này tuy đoan chính nhưng chẳng lâu sẽ ly biệt cha mẹ. Người anh gọi là Tảo Ly (sớm xa lìa), người em gọi là Tốc Ly (mau chóng xa lìa)”
Tuy nghe lời này nhưng hai vợ chồng đều cùng nhau yêu thương, nuôi dưỡng, không có chán ghét. Khi Tảo Ly được bảy tuổi, Tốc Ly được năm tuổi thời người mẹ Ma Na Tư La bị bốn Đại trái ngược chẳng điều hoà, phát khởi bệnh nặng, hình sắc suy kém, lo lắng bệnh khổ chẳng được ngồi yên, dứt hẳn ăn uống. Lúc sắp vào cửa Tử thời hai đứa con ở hai bên mẹ, kính nhìn mặt mắt, lo buồn khóc lóc. Bà mẹ nghe tiếng buồn khóc của con thì máu lệ tuôn trào, từ giường bệnh ngồi dậy, đưa hai bàn tay xoa đầu hai đứa con rồi nói rằng: “Sống chết tổn hại chẳng thể thoát được. Lời Thầy xem tướng đã nói, có thật thế chăng ?!…Chỉ ân ận là các con chưa được trưởng thành, phải chịu biệt ly. Ta có tội báo gì ?!… Các con không có Hạnh nào đây ?!…”
Khi ấy Tảo Ly ở ngay bên cạnh chiếc gối, mê man nằm xuống, rất lâu mới tỉnh dậy, kêu Trời, xướng rằng: “Chúng con như ngày hôm nay, chỉ là kẻ thơ dại không có sự nhận thức. Không có Sinh Mẫu thì ai là người bày lối cầm giữ sự sáng suốt ?! Trời Đất trống rỗng mênh mông, Thần Tâm không có nơi nương cậy, sao mà buông xả, bảo lời biệt ly ?!…”
Bi Mẫu liền khuyên bảo rằng: “Pháp của Thế Gian như thế, có sinh ắt có diệt. Ví như ngựa chạy, nước chảy đều chẳng trụ lâu. Nay nghe tiếng khóc thương, càng sinh thêm bệnh yêu tiếc”
Lại Tốc Ly do Tâm còn thơ dại, duỗi hai bàn tay ôm chặt cái cổ, lớn tiếng khóc lóc.
Lúc ấy, Ma Na Tư La nói với hai đức con rằng: “Nắm giữ sự sáng suối đi đến Đạo thì không có gì qua được cách phát Tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề chính là Đại Bi. Nếu đến lúc lớn tuổi, muốn báo đáp bốn Ân thì thích hợp nên phát Tâm. Như chỉ biết việc hôm nay, con đừng khóc lóc nữa, mẹ tuy chết đi nhưng còn có cha chung sống”
Liền kêu gọi Trưởng Na, rồi nói lời trăn trối rằng: “Nay tôi cùng với ông như bánh xe, như cánh chim, rồi có hai đứa con. Tôi chết, ông sống. Ông nên yêu thương nuôi dưỡng chúng chẳng khác gì lúc tôi còn sống, nhưng lại theo Duyên khác thì đừng có Tâm thay đổi”
Phạm Sĩ nghe lời trăn trối của vợ thì mê man té xuống đất. Khi tỉnh lại thì xướng rằng: “Chiếc xe không có một bánh, chẳng thể tiến được một bước. Con chim không có một cánh, chẳng thể bay một thước trên hư không được. Bà vào cửa chết thì tôi cùng với ai nuôi dưỡng hai đứa con đây ?!… Vợ chồng biệt ly, ân ái đến lúc buồn thương. Tôi chẳng ưa thích Thế Gian, muốn bỏ mạng đi vào cửa chết”
Thời người vợ lại nói: “Hai đứa con do tôi cùng với ông sinh ra. Nguyện dừng biệt ly mà nuôi dưỡng hai con”
Nói xong, nhắm mắt. Người cha với hai đứa con giữ lấy lời trăn trối, mai táng thân thể mẹ xong, quay về nhà. Người anh ở ngay trên đầu gối phải lưu luyến yêu mến mẹ, người em ở ngay trên đầu gối trái tìm thức ăn mà buồn thương.
Vị Phạm Sĩ ôm giữ sự lo âu nên tác niệm này: “Ta không có sức, phải tìm người nữ khác làm vợ để nuôi dưỡng con thơ”
Bởi thế, có một vị Phạm Sĩ tên là Tỳ La, có một cô con gái, tâm tình trinh lương. Liền lấy cô gái ấy về làm vợ. Gặp lúc đời sống đói khổ, tiền tài, lúa đậu cạn dần, kho tàng rỗng không, sinh hoạt không có chỗ dựa. Ông Trưởng Na liền bảo vợ rằng: “Tôi nghe ở phía Bắc, đến đấy khoảng bảy ngày, có một ngọn núi tên là Đàn Na La có quả trái ngon ngọt tên là Trấn Đầu, nên tôi sẽ đi đến núi ấy lấy Diệu Quả để nuôi bà với hai đức con, sau một thời gian bà chờ tôi quay về, ắt sẽ có thể nuôi nấng nhau”
Người vợ nhận lời chồng, nuôi dưỡng hai đức con như mẹ đẻ. Người chồng một mình đi đến núi ấy, sau 14 ngày vẫn chưa quay về. Thời người vợ sinh niệm khác, tác suy nghĩ này: “Nếu Trưởng Na trụ ở núi ấy chẳng về thì Ta làm thế nào nuôi dưỡng hai đức con được. Nếu hái được quả trái, tuy trở về nhưng ông ấy chỉ nghĩ đến hai đứa con, còn phần của Ta ra sao?!… Nay dùng phương tiện trừ bỏ hai đức con”
Suy nghĩ xong, nói chuyện với Hải Sư (người đóng thuyền đi biển) rồi bảo hai đức con: “Mẹ không có khả năng nuôi dưỡng hai con mà cha con lại đi chưa về. Từ đây về phương Nam, rất gần có cái đảo, bờ biển cao vót, bờ ấy có quả trái ngon ngọt, bãi biển có cỏ đẹp. Mẹ với các con cùng nhau đến cái đảo có một không hai ấy (Tuyệt đảo)”
Liền đến chỗ người lái thuyền cùng với hai đứa con nương theo thuyền vượt biển, đến bờ của Tuyệt Đảo, rồi bảo hai đứa con: “Hai người các con, trước tiên bước xuống, vui đùa với cát ở bãi biển. Mẹ ở ngay trong thuyền, xem xét lương thực còn lại, tiếp theo đi xuống tìm kiếm cỏ, quả”
Hai đứa con liền bước xuống, vui đùa chạy nhảy Đông Tây, chẳng hề biết việc sau này. Bà mẹ kế âm thầm nương theo chiếc thuyền cũ, quay về làng xưa. Hai đứa con quay lại đến bãi biển cũ, không nhìn thấy cái thuyền và chẳng biết bà mẹ chẳng đi đâu.Liền chạy khắp bờ biển, mệt mỏi cất tiếng gọi mẹ, nhưng không có người trả lời. Hai đứa con buồn khóc ngày đêm.
Người anh Tảo Ly nói lời như vầy: “Bi Mẫu bảo biệt ly, một lần đi chẳng trở lại. Cha hiền đi đến núi Đàn Na La cũng chưa quay về. Mẹ kế đưa chúng ta đến Tuyệt Đảo rồi ngầm quay lại. Như thế thì làm sao giữ được thân mạng đây ?!…”
Thời nhớ lại lời trăn trối của mẹ đẻ (sinh mẫu): “Con nên phát Tâm Vô Thượng Đạo, thành tựu Đại Bi của Bồ Tát, hành Môn giải thoát, trước tiên hoá độ người khác, sau đó thành Phật. Hoặc vì người không có cha mẹ thì hiện hình tượng của cha mẹ. Hoặc vì người không có Sư Trưởng thì hiện thân sư trưởng. Hoặc vì người bần tiện thì hiện thân phú quý, quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà La Môn, bốn Chúng, tám Bộ, tất cả tuỳ theo loại không có gì chẳng hiện. Nguyện cho con thường ở tại hòn đảo này, đối với cõi nước ở mười phương, hay ban cho sự an vui, khiến cho người thọ dụng sớm ra khỏi sinh tử. Nguyện cho con tuỳ theo chỗ mẹ sinh ra, chẳng lìa nơi cha sinh ra”.
Như vậy phát một trăm lời Nguyện, rồi chấm dứt tuổi thọ
Người cha Trưởng Na từ núi Đà Na La hái quả Trấn Đầu rồi quay về nhà cũ, trước tiên hỏi hai đứa con ấy, bà mẹ kế liền đáp rằng: “Con của ông, ngày nay chỉ biết đi xin, tìm thức ăn uống nên đã đi xa rồi”
Người cha ấy có một vị bằng hữu, nên đến chỗ của người ấy hỏi xem con mình ở chốn nào.
Người ấy đáp rằng: “Sau khi ông ra đi, hơn 14 ngày thì bà mẹ kế đưa đến Tuyệt Đảo ở biển Nam, bị đói mà chết, quyết chẳng nghi ngờ” Lúc đó Trưởng Na than thở, rất tự trách mình: “Ta đến núi Đàn Na La lấy quả trái ngon ngọt rồi trở về để nuôi dưỡng hai đứa con. Nhưng có tội gì mà chợt gặp hai nỗi buồn ly biệt ? Sự biệt ly lúc trước đã khó nhẫn nổi, nay cũng gặp phải cảnh biệt ly người sống, thật chẳng thể chịu đựng nổi !…”
Liền tìm kiếm chiếc thuyền nhỏ, đến bãi biển ở Tuyệt Đảo, vội vã tìm khắp bốn phương thì chỉ nhìn thấy xương trắng gom tụ tại một chỗ, quần áo phân tán ngay bãi biển, nên biết đấy là xương cốt của con mình. Liền ôm xương, áo, khóc lóc, phát Nguyện: “Nguyện tôi độ thoát các chúng sinh ác mau thành Phật Đạo. Hoặc biến làm Đại Địa, hoặc nước, lửa, gió. Hoặc biến làm cỏ, cây, rừng rậm vì chúng sinh làm nơi nương tựa, dừng nghỉ. Hoặc biến làm năm loại lúa đậu tăng ích cho người khác, Hoặc nếu Trời, nếu Người, nếu Thần, tất cả loại hình quý tiện …không có cõi nào chẳng hiện thân”
Như vậy phát năm trăm lời Nguyện, lại nguyện “Tôi thường trụ ở Thế Giới Sa Bà, nói Pháp giáo hoá”
Như thời gian này, chẳng ăn nên dứt mạng. Cõi Diêm Phù Đề chấn động lớn, chư Thiên đi đến tập hội, chim thú buồn kêu chẳng yên, trong hư không tán hoá, cúng dường đám xương trắng.
Vị Phạm Sĩ Trưởng Na khi ấy, nay là Thích Ca Mâu Ni Như Lai, bà mẹ Ma Na Tư La là Đức A Di Đà Như Lai ở phương Tây, vị bằng hữu là Tổng Trì Tự Tại Bồ Tát. Núi Đàn Na La khi xưa , nay là Linh Sơn. Tuyệt Đảo xưa kia, nay là núi Bổ Đà Lạc vậy
Khi Kiếp Hoại thời Thế Giới vật chất (Khí giới) tuy hoại, lúc Kiếp Thành thời mặt bắc của ngọn núi ấy có cái hang như Kim Cương, có tảng đá lớn, hiệu là Bảo Nghiệp. Ta thường ở ngay trên tảng đá ấy, nói Môn Đại Bi Hạnh Giải Thoát thành tựu chúng sinh.
Xưa kia, vì Tảo Ly phát nguyện ở trên đỉnh núi, có điện đường bảy báu trang nghiêm kỳ diệu. Ta thường ở tại cung điện báu dạy bảo lợi vui.
Xưa kia, nơi kêu gọi cha mẹ. Ta y theo chỗ ấy sinh về Tinh Thổ được địa vị Bất Thoái, do nghĩ nên chổ xả thân khi xưa nên thường ở tại núi ấy, chim thú khác loài. Chỗ Ta đã hoá khi xưa hiện ra cây cỏ hướng về chỗ xả thân, cúi gập cành lá. Nên biết Kệ Tụng trong ánh sáng cũng là Nhân Duyên đầu cuối như vậy
Bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai khen ngợi Quán Thế Âm Bồ Tát: “Lành thay ! Lành thay ! Thật như lời đã nói Nân Duyên vãng sinh, mỗi mỗi như điều này. Các ngươi nên biết, như ngày hôm nay, Ta với Đức A Di Đà một lần hoá đầu cuối vậy
Ví như cha mẹ có một đứa con thơ dại bị rơi xuống đáy giếng, người cha ấy liền xuống đáy giếng cứu đứa con ấy đem lên trên bờ. Người mẹ kia ở trên bờ, ôm lấy nuôi nấng, các người thân thuộc trợ giúp cho người mẹ nuôi chí, kết bạn bè thích hợp, chẳng quay lại trong chỗ dơ bẩn của cái giếng cũ.
Ta như người cha hiền (Từ Phụ), chúng sinh năm Trược như tuỳ ở đáy giếng.
Đức A Di Đà như bà mẹ yêu thương (Bi Mẫu) ở ngay trên bờ.
Như nhóm Quán Thế Âm ở Tịnh Thổ như bạn bè
Được Bất Thoái như chẳng quay lại
Nên biết vào cõi Sa Bà, ở trong năm uế trược, giáo hoá chúng sinh ngu si trong sáu nẻo. Nay sinh về Tịnh Thổ thì Di Đà dẫn dắt chẳng buông. Quán Thế Âm (Avalokiteśvara), Đại Thế Chí (Mahā-sthāma-prāpta) thủ hộ khiến cho chẳng thoái lui quay trở lại…đều y theo Nhân Duyên Thệ Nguyện xưa kia vậy”
Bấy giờ Đức A Di Đà Như Lai, vô số trăm ngàn chúng Thánh, hiện trong hư không, nói Kệ rằng:
“Lành thay ! Thích Ca Văn (Śākya-muṇi) !
Tại Trược (Kaṣāya) lợi chúng sinh
Người nghe tên, thấy thân
Quyết định thành Phật Đạo
Do Nhân Duyên xưa kia
Nay đến hiện trong không
Muốn sinh vào nước Ta
Đều đón đến phương Tây”
Khi ấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Śākya-muṇi) khen Đức A Di Đà, nói Kệ là:
“Lành thay ! Lưỡng Túc Tôn (Dvipadottama)
Hay lợi cõi Sa Bà (Sahā-lokadhātu)
Chứng minh Pháp chân thật
Từ Bi cho tất cả Nếu có nghiệp chướng nặng
Không nhân (Hetu) sinh Tịnh Thổ
Nương sức nguyện Di Đà
Sinh về nước An Lạc (Sukhāvatī)
Nếu người tạo nhiều tội
Đáng đoạ trong Địa Ngục
Mới nghe tên Di Đà
Lửa mạnh hoá mát mẻ
Nếu niệm Di Đà Phật
Liền diệt vô lượng tội
Nay, nhận vui khôn sánh
Sau, sinh về Tịnh Thổ”
Bấy giờ Quán Thế Âm từ chỗ ngồi đứng dậy, nói Kệ rằng:
“Hai Tôn như Nhật xuất (mặt trời hiện ra)
Hay phá ám sinh tử
Hiển bày Nhân Duyên xưa
Trải kiếp chẳng bại vong
Ta nhớ vô lượng kiếp
Ngay bên cạnh Tuyệt Đảo
Nhân Duyên lúc phát Tâm
Thường ở Bổ Đà Lạc (Potala)
Hai Tôn là cha mẹ
Nay tại cõi Tịnh, Uế Trợ nhau dạy Thế Gian”
Khi ấy, Đại Thế Chí nói Kệ rằng:
“Ta từ mới phát Tâm
Theo hai Tôn chẳng lìa
Nay nghe Nhân Duyên xưa
Hay biết Duyên chẳng hết
Lúc Ta động một chân
Ba ác lìa khổ não
Nếu khi sinh Tịnh Thổ
Trao tay, đón phương Tây”
Lúc đó, Tổng Trì Tự Tại Vương cũng lại dùng Kệ nói rằng:
“Xưa ta là bạn bè
Ngày nay hay biết nhau
Ngày sau người được nghe
Quyết định sinh Tịnh Thổ”
Bấy giờ Đức Phật A Di Đà đột nhiên chẳng hiện. Đại Chúng vui vẻ, làm lễ rồi lui ra.
KINH BẢN DUYÊN SINH VỀ TỊNH THỔ CỦA QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
_Hết_