Bằng lòng từ bi và trí tuệ, bên cạnh việc luôn khuyến khích chúng sanh hướng đến mục đích tối hậu là giải thoát khổ đau sanh tử luân hồi, đức Phật cũng không quên nhắc nhở các đệ tử của mình, đặc biệt là hàng cư sĩ tại gia phải hoàn thành tốt các bổn phận đối với gia đình và xã hội.
Như trong bài kinh Singalovada Sutta thuộc Trường Bộ Kinh, đức Phật đã nêu ra 5 bổn phận của một người con đối với cha mẹ là:
– Chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.
– Đỡ đần, làm thay cha mẹ trong các công việc cần thiết.
– Giữ gìn những truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình.
– Sử dụng hợp lý và làm phát triển tài sản được cha mẹ giao cho.
– Làm việc thiện hồi hướng phước báu khi cha mẹ qua đời.
Quý vị hãy thử suy xét xem đối với cha mẹ, chúng ta đã thực hiện được bao nhiêu phần trong 5 điều mà đức Phật đã chỉ dạy ở đây? Với phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ có thể bàn luận về một khía cạnh vô cùng nhỏ đó là thái độ khi chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ trong đời sống hiện đại ngày nay; hy vọng sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai đang vô tâm với chính những bậc sinh thành dưỡng dục của mình, nhất là khi họ đã về lúc tuổi chiều bóng xế.
Cần xem xét bổn phận đầu tiên, không phải chỉ lo cơm ăn, áo mặc, thuốc men đầy đủ là đã hoàn thành trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ đâu. Người già rồi nhiều bệnh tật, ốm đau, tay chân cũng sẽ run rẩy vụng về, mắt mờ tai lãng, thậm chí còn lẩm cẩm, lúc nhớ lúc quên, sẽ không khỏi khiến cho cháu con cảm thấy phiền hà, vướng chân vướng tay; nhưng xin trước khi có ý định buông lời cáu gắt vô tình hay tỏ thái độ lạnh nhạt, thờ ơ hãy nhớ lại thuở mẹ cha còn “giá trị sử dụng” đã hy sinh cho chúng ta như thế nào?!
Chúng tôi từng đọc được đâu đó một bài viết rằng, xin đừng để người già ăn cơm một mình, cũng đừng bỏ mặc họ với cục tiền vô tri hay những người giúp việc xa lạ.
Người già rồi khẩu vị sẽ trở lên nhạt nhẽo, dù là sơn hào hải vị, bào ngư vi cá cũng chẳng còn thiết tha. Chúng tôi biết, có rất rất nhiều người già chỉ thầm ước ao được cùng con cháu quây quần bên mâm cơm mỗi tối mà thôi. Tiếng đũa chạm khẽ trên miệng chén, nhai từng miếng cơm dệu dã trong bữa cơm một mình, có lẽ là những âm thanh buồn nhất của cuộc già.
Tuổi già, nhất là những người không có sự TU TẬP, họ sợ bị bỏ rơi lắm, họ sợ bị quên lãng cùng nỗi cô đơn trong những năm tháng cuối đời. Họ thèm những câu hỏi han, quan tâm hay đơn giản chỉ là một ánh mắt, nụ cười hướng về phía họ, hơn bất kì điều gì, điều mà chúng tôi muốn quý vị hãy cân nhắc.
Trẻ cậy cha, già cậy con. Hãy phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ bằng tất cả vật chất và tinh thần. Vật chất phải tuỳ ĐIỀU KIỆN nhưng tinh thần thì chỉ đơn giản là sự LỰA CHỌN, một bên là khách quan, một bên là chủ quan, rất rõ ràng.
Ai biết được vô thường, hãy làm những gì có thể để sau này khỏi phải hối tiếc. Hối tiếc vô ích. Quý vị muốn tuổi già của mình sẽ như thế nào? Hãy tự suy nghĩ cho thật kĩ.
Jita Dhamma,.