Chùa Khải Đoan nằm giữa đường Phan Bội Châu và Quang Trung, thuộc phường Thống Nhất – TP Ban mê thuột. Chùa là trung tâm sinh hoạt của Phật giáo Daklak, ra đời và phát triển gắn liền với một bộ phận dân cư thành phố. Về kiến trúc – mỹ thuật, chùa có nhiều nét độc đáo, kết hợp hài hoà 2 lối kiến trúc Kinh – Thượng. Về lịch sử, chùa Khải Đoan là ngôi chùa Sắc tứ cuối cùng của triều Nguyễn; nơi diễn ra và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của đất nước. Vậy chùa Khải Đoan có nên đề nghị xét nhận di tích văn hoá hay không? Sau đây là ý kiến ngắn mong góp thêm vài dòng gợi mở.
Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần. Bấy giờ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Trị Sự Trưởng Tổng Hội Phật Giáo trung phần tiếp nhận và công cử Hòa Thượng Thích Đức Thiệu thay mặt tổng hội trông coi xây dựng. Về phía Hoàng triều, bà Từ Cung đặt cử thứ phi Mộng Điệp theo dõi việc tôn tạo.
Chùa Khải Đoan bắt đầu được xây dựng từ năm 1951, với 2 phần Hậu Tổ và nhà Giảng, còn Chánh điện thì đến 1953 mới khởi công. Căn cứ vào các văn bản còn lưu giữ thì công lao lớn nhất đóng góp xây dựng chùa thuộc về Đoan Huy Hoàng thái hậu (Vợ vua Khải Định) và sau đó là sự góp sức của bà con Phật tử.
Vào những năm cuối thế kỷ XX, theo những luồng di dân lập nghiệp của người Kinh, Phật giáo bắt đầu lan truyền ở Daklak. Năm 1905, trong bản đồ của người Pháp đã thấy xuất hiện của một ngôi chùa và những tụ điểm sinh hoạt khác. Đến đầu những năm 50 thì Phật giáo thực sự phát triển rộng rãi, cần có một trung tâm sinh hoạt lớn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bị thực dân Pháp tìm cách chèn ép không cho phát triển, việc nhờ cận đến một người trong Hoàng tộc đứng ra xây dựng chùa là một giải pháp cần thiết. Trong bối cảnh đó, Đoan Huy Hoàng thái hậu đã làm “Mạnh Thường Quân” cho Phật giáo Daklak, nhận bảo lãnh chùa.
Về tên gọi, có người giải Nôm từ Khải Đoan là mở đầu sự tốt đẹp. Nhưng theo chúng tôi Khải Đoan là ghép hai từ đầu của Khải Định và Đoan Huy. Bởi vì tên “Khải Đoan Tự” không phải ai khác đặt ngoài bà Đoan Huy. Chính trong một bức thư hiện còn lưu giữ, bà viết: “với một số tín đồ Phật giáo vui lòng hưởng ứng, phụ lực, tôi đã cho xây dựng (chùa) từ năm 1953 và mang danh ba chữ Khải Đoan Tự cho trang nghiêm, tôn phụng” (Đoan Huy Hoàng Thị Cúc – Thư gửi Tổng trị sự giáo hội Tăng gia Trung Việt và Hội Việt Nam Phật học ngày 01/3/1955).
Từ ngày xây dựng đến nay, chùa trải qua nhiều thăng trầm. Sau nhiều lần sửa sang và trùng tu, hiện tại chùa có những thay đổi so với lúc mới hình thành. Nếu không kể xi măng cốt thép thì toàn bộ phần mộc trong và ngoài nội thất đều do bàn tay khéo léo của những người thợ Cố Đô Huế tạo dựng và trang trí. Họ đã tiếp thu phong cách kiến trúc địa phương nhào trộn với kiến trúc nhà Rồng tạo nên một công trình mang yếu tố đan xen văn hoá, thắm đượm mối tình đoàn kết Kinh – Thượng.
Đại đức Thích Quảng Hương, người gốc Tuy Hòa – Phú yên. Năm 1943, xuất gia đầu Phật với Hòa Thượng trụ trì chùa Kim Cang (Phú yên). Tốt nghiệp Phật học viện Nha Trang, được Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Trung phần bổ nhiệm về làm trụ trì chùa Sắc tứ Khải Đoan và giảng sự tại Tỉnh hội Daklak vào năm 1961.
Vào thời ấy (1961-1962), tại Daklak chỉ vỏn vẹn có 5 ngôi chùa: Sắc tứ Khải Đoan (trụ sở Tỉnh hội), Châu Phong (Quảng Nhiêu nay là huyện Cư M’Gar), Nam Thiên (Đạt Lý nay là xã Hòa Thuận), Tây Thiên (đồn điền cao su CHPI nay là phường Tân Lập) và Đông Độ (Meval). Trong khi đó, đồng bào ta (trong đó có nhiều Phật tử) từ các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên v.v…….. bị chính phủ Ngô Đình Diệm cưỡng ép đưa lên Daklak để khẩn hoang lập ấp gọi là vùng dinh điền. Đời sống của bà con ở các nơi ấy, về kinh tế nhờ thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ nên cuộc sống tạm ổn định, song về mặt tinh thần thì lúc nào cũng bị đe dọa, bức bách. Nhất là những tín đồ Phật tử thì bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Bà con Phật tử muốn lập một ngôi chùa (dù là mái tranh vách nứa) cũng rất là khó, phải đấu tranh năm lần bảy lược với chính quyền mới được, nhưng phải cất ngoài hàng rào ấp chiến lược, có nơi dễ dãi thì cất trong hàng rào nhưng phải ở tận sâu cùng ấp chiến lược.
Thấu rõ nỗi thống khổ ấy, đại đức Thích Quảng Hương nhiều lần đề nghị với Ban Trị sự Tỉnh hội tìm biện pháp giúp đỡ, can thiệp. Nhưng lời đề nghị của Thầy không có hiệu quả. Bức xúc trước tình cảnh ấy, Thầy thổ lộ với một số anh em Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử về ý định dấn thân của thầy cho đồng bào Phật tử ở các vùng dinh điền. Đồng cảm với sự trăn trở lo lắng của thầy, các anh Nguyễn Đình Vang, Phạm Hiền Lương và Nguyễn Minh Tâm phát nguyện cùng thầy làm Phật sự nầy. Có được người cận sự, có phương tiện đi lại, thầy và các anh lần lượt len lỏi vào các vùng dinh điền để thăm hỏi, an ủi động viên Phật tử, giải quyết những Phật sự cần thiết cho đời sống tín ngưỡng cần thiết của họ, đồng thời hướng dẫn họ đi vào sinh hoạt có tổ chức và trở thành những đơn vị Phật giáo cơ sở của Tỉnh giáo hội. Việc đến với Phật tử tại các vùng dinh điền không phải là dễ dàng, đến cổng là bị xét hỏi giấy tờ, hạch sách đủ điều! Ngoài việc dùng lời ôn hòa để thuyết phục, có lúc phải đấu trí với bộ máy chính quyền sở tại mới vào được vòng đai ấp chiến lược.
Do đức độ và tinh thần vô úy của Thầy cùng với tâm đạo nhiệt thành của các Đạo tràng Phật tử, BDH/GĐPT, chỉ trong vòng 5 tháng, Đại đức Thích Quảng Hương đã lập thêm được 30 khuôn hội: Tư Cung, Tân Điền, Thăng Đạt, v.v….. mỗi khuôn hội đều có thành lập GĐPT tại hầu hết các vùng dinh điền trong tỉnh Daklak. Hàng ngàn Phật tử và đoàn sinh GĐPT có nơi sinh hoạt tín ngưỡng lễ bái thờ tự, học hỏi giáo lý làm tăng thêm sức mạnh tinh thần cho người Phật tử đoàn kết gắn bó với nhau, vượt qua mọi trở lực, động viên nhau giữ gìn niềm tin vào chánh pháp và đạo lý cổ truyền của dân tộc.
Năm 1963, đứng trước phong trào đấu tranh đòi bình đẳng và tự do tôn giáo, chủ quyền dân tộc của Phật giáo miền Nam ngày càng quyết liệt. Ngọn lửa thiện của Bồ tát Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 đã làm chấn động toàn thế giới, hàng triệu Tăng Ni Phật tử từ già đến trẻ đểu tình nguyện hy sinh cho đạo pháp bằng những cuộc biểu tình, tuyệt thực đình công bãi khoá, tự thiêu.
Là một Tăng sĩ trẻ, có dòng máu yêu nước mến đạo, không thể ngồi yên nhìn cảnh đàn áp bắn phá, phong tỏa chùa chiền, bắt bớ hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm. Noi gương các thánh tử đạo, với chí nguyện đem thân làm đuốc soi sáng u minh, tình người thức tỉnh, Đại đức Thích Quảng Hương đã âm thầm từ giã Tăng Ni và Phật tử Daklak, bỏ lại sau lưng những Phật sự còn dở dang, cùng lòng tôn kính đợi chờ của bà con Phật tử ở các vùng dinh điền ngày đêm bị chèn ép, kỳ thị trong vòng rào ấp chiến lược, thầy đã tìm cách về Sài Gòn trình sở nguyện của mình lên chư tôn giáo phẩm trong Ủy ban tranh đấu Phật giáo trước sự chứng minh và cho phép của UBTĐ Phật giáo , vào lúc 12 giờ 25 phút ngày 05/10/1963 (nhằm ngày 18/8/Quý Mão) Ngọn lửa Thích Quảng Hương đã bùng cháy tại công trường Diên Hồng, bồn binh Chợ Lớn Sài Gòn, thêm một lời cảnh báo cho chế độ Ngô Triều tàn bạo và thêm sức mạnh cho Phật giáo đồ quyết tâm hy sinh bảo vệ đạo pháp và chủ quyền dân tộc.
Đại đức Thích Quảng Hương, một vị Tăng trẻ với 37 tuổi đời, 20 tuổi đạo đã có công hạnh lớn đối với
sự nghiệp phát triển Phật giáo tỉnh nhà nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.