Lời đầu sách
Diện mục bản lai xưa nay vốn viên tịch, vốn không có sanh diệt, vì có niệm sanh nên duyên theo đó mà sanh, theo vòng luân chuyển đưa chơn không vào chỗ có, từ niệm chuyển mà có ý thức, ý thức dùng sáu căn làm quyến thuộc để phân biệt, từ phân biệt biến thành chủng tử chuyển vào tâm.
Vì thế, tâm bị phủ một số niệm lự bên ngoài như bụi bám ngọc, như mây lờ trăng làm cho tánh sáng muôn đời bị che phủ. Chơn và vọng ở chung, do đó có phân chia hiền thánh. Tất cả chúng sanh, từ vô thỉ đến nay, chưa hề lìa tâm sanh diệt, do đó bị vọng tâm trói buộc. Vì thế chư Phật ra đời đều muốn mở bày chỉ cho tất cả chúng sanh hiểu được chơn tâm. Hiểu được tâm này là thấy được tánh mình vốn vắng lặng trong sáng, hằng sống với nó là bồ đề, vì tánh ấy chính nó đã không tịch, lặng lẽ, không có tướng mạo, sáng suốt, thường biết rõ.
Nhằm mục đích trên, chúng tôi lần dỡ trong Đại Tạng, tìm những tác phẩm chỉ tâm truyền tâm có giá trị, kết hợp và phiên dịch thành một tập lấy tên là “Chỉ Thẳng Chơn Tâm”. Toàn tập gồm có sáu tác phẩm. Tác phẩm đầu tiên là Chỉ Thẳng Chơn Tâm do Thiền sư Tri Nột, người Triều Tiên, đã được kết tập vào Đại Tạng. Tác phẩm thứ hai do Thiền sư Hy Vận viết ở Hồng Châu, có tên là “Truyền Tâm Pháp Yếu” và tác phẩm kế tiếp có tên là “Uyển Lăng Lục” do Thiền sư Hy Vận giảng và Tướng quốc Bùi Hưu ghi. Hai tác phẩm này chỉ cặn kẻ chơn tâm như mặt nhật giữa trưa, làm mọi người đều được thấy. Đã thấy được chơn tâm rồi, hành giả cần phải tiệm tu. Thiền tông, từ khi ngũ gia tôn phái hình thành, thường dùng công án để khai ngộ. Chúng tôi chọn tác phẩm Vô Môn Quan, vì tác phẩm này giải tường tận 48 công án then chốt, hầu giúp hành giả có thể trực nhập chơn tâm. Nhưng từ thời nhà Tống trở về sau, chư Thiền sư thấy lòng người chẳng bằng người xưa, không thể dùng tử tâm làm cực tắc, phần nhiều dùng lời dối trá không thật, lấy lời dạy của cổ đức để lòe người, cho là mình hay giỏi. Các ngài dạy cho thiền sinh tham thiền khán thoại đầu, mà gần đây có Hư Vân lão Hòa Thượng là người tham thiền đắc đạo, là bậc nanh vuốt trong tông môn, nên chúng tôi chọn tác phẩm thứ năm là Tham Thiền yếu chỉ để hành giả nào muốn tham thiền có tài liệu y cứ. Tác phẩm cuối là Tu Pháp Hoa Tam Muội do Thiên Thai Trí Giả Đại sư biên soạn, sau khi tu chưa quá 21 ngày, ngài đã chứng được Pháp Hoa Tam Muội, vô ngại biện tài. Đây là tác phẩm đã được tu chứng và nhiều hành giả đã nghiệm đúng, chúng tôi cho in vào đây, mục đích giúp cho người đọc có đủ hạnh giải tương ưng, đồng chứng vô sanh, đồng thành Phật đạo.
Hồng Nhơn cẩn bút.
Mục Lục
- 1 Chỉ Chơn Tâm
- 2 1. Tin chắc có chơn tâm.
- 3 2. Những tên khác của chơn tâm
- 4 3. Diệu thể của chơn tâm
- 5 4. Diệu dụng của chơn tâm
- 6 5. Thể dụng của chơn tâm một hay khác?
- 7 6. Chơn tâm ở chỗ mê
- 8 7. Chơn tâm dứt vọng
- 9 8. Bốn oai nghi thể hiện chơn tâm
- 10 9. Chỗ ở của chơn tâm
- 11 10. Chơn tâm thoát sanh tử
- 12 11. Chánh và trợ của chơn tâm
- 13 12. Công đức của chơn tâm.
- 14 13. Làm thế nào biết chơn tâm thành thục vô ngại
- 15 14. Sự vô tri của Chơn Tâm
- 16 15. Chỗ nương gá của chơn tâm
Chỉ Chơn Tâm
Lời tựa
Chỉ thẳng chơn tâm là Phật với Phật trao tay, Tổ với Tổ truyền thọ, thật không có pháp nào khác. Tâm là bản nguyên của tất cả mọi người, là giác tánh của chư Phật. Tất cả muôn pháp đều ở trong nhất tâm, tám muôn bốn ngàn pháp môn cũng từ đó mà lưu xuất. Người ngộ tâm này thì phàm và thánh hợp nhau, người mê tâm này thì sanh tử không có bờ mé. Tâm theo sự mà chuyển, sự theo lý hiển bày, sự và lý dung hòa gọi là chỉ thẳng.
Có người hỏi: Chỗ diệu đạo của Tổ sư có thể biết được chăng? Người xưa nói: Đạo không thuộc biết, không thuộc không biết, biết thuộc vọng tưởng, không biết thuộc vô ký. Nếu người thật đạt đến chỗ không nghi, thì như thái hư rỗng rang, đâu có thể gắng lập phải quấy để làm gì? Lại hỏi: Nói như thế thì chư Tổ ra đời không đem lợi ích gì cho quần sanh ư? Phật và Tổ ra đời không có một pháp cho người, chỉ cần chúng sanh tự mình thấy bản tánh của chính mình. Kinh Hoa Nghiêm nói: Tất cả pháp đều là tự tánh của Tâm, thành tựu huệ thân không phải nhờ người khác mà được ngộ. Vì thế, Phật Tổ không bảo mọi người mê chấp văn tự, chỉ cần thôi dứt để thấy được tâm mình. Sở dĩ, ngài Đức Sơn những người mới nhập môn liền bị đánh, Lâm Tế nhập môn liền bị hét; ngôn ngữ như đầu lại thêm đầu, cần kiến lập làm gì! Lại hỏi: Ngày xưa Tổ Mã Minh tạo Luận Khởi Tín, Lục Tổ diễn Đàn kinh, Huỳnh Mai truyền Bát Nhã, đều là theo thứ lớp vì độ người, đâu phải không dùng phương tiện để độ ư? Trên đỉnh Diệu Cao, không có gì thương lượng, ở gộp thứ hai chư Tổ tạm dùng lời nói. Như vậy, ở gộp thứ hai có bày ra phương tiện phải không? Đúng vậy. Bởi vì đạo cả rộng sâu, chẳng co, chẳng không, chơn tâm nhiệm mầu dứt nghĩ, dứt bàn, nên người khó được vào cửa, dù có đọc năm ngàn Tạng giáo cũng ít có người hiểu rõ chơn tâm. Chỉ cần dùng một lời so sánh khéo léo, cũng giúp người có cơ duyên hiểu được. Chính vì thế, ở đây chúng tôi không tiếc “lòng mài”, cẩn thận chép vài chương, để làm nền tảng tạm cho người nhập đạo, muốn phát minh được chơn tâm.
Tri Nột kỉnh tựa.
Chỉ Chơn Tâm
1. Tin chắc có chơn tâm.
Chơn Tâm là chủ tể của sự sống, nó hằng lưu lộ ở sáu căn. Muốn nhận ra nó, bước đầu ta phải tin chắc chơn tâm hằng hữu. Dẫn một số kinh văn để chúng ta dễ dàng tin chắc. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tin là gốc đạo, là mẹ của các công đức, tin có thể nuôi dưỡng các căn lành, tin có thể thành tựu quả Bồ đề”. Duy Thức nói: “Tin như hạt thanh châu, có khảnăng làm nước đục hóa trong. Vì thế, muôn việc lành phát sanh, tin luôn luôn đi tiền đạo, nên trong tất cả kinh Phật đều đề “như thị ngã văn” (ta nghe như vầy) để mọi người sanh lòng tin trước nhất.
Có người hỏi: Tin ở Giáo môn khác với tin ở Tổ môn thế nào? Giáo môn và Tổ môn dạy nhiều chỗ chẳng đồng: Giáo môn dạy người tin nhơn quả, ưa phước lạc, tin mười thiện là diệu nhơn mà cũng là lạc quả của nhơn thiên. Nếu có vui không tịch, tin sanh diệt, nhơn duyên là chánh nhơn, Khổ, Tập, Diệt, Đạo là chánh quả. Có vui Phật quả tin ba kiếp sau đó làm đại nhơn, bồ đề, niết bàn là chánh quả. Chánh tín của Tổ môn không đồng ở trên: Không tin tất cả nhơn quả hữu vi, chỉ tin tự mình xưa nay là Phật. Tự tánh thiên chơn, mỗi người đều có đủ; Niết bàn diệu thể, mỗi cái đều tròn, không muốn nhờ ai, tự mình có đủ, vì bởi thủ xã nên chẳng thấy được! Chí Công dạy: Có không thân tướng trong thân tướng, con đường vô minh cũng chính là con đường vô sanh. Vĩnh Gia Thiền sư dạy: Thật tánh vô minh tức Phật tánh, thân thể huyễn hóa là pháp thân. Nên biết, chúng sanh xưa nay vẫn là Phật. Nếu muốn có lòng tin, chúng ta cần phải hiểu rõ, nên Vĩnh Gia Tập có câu: Tin mà không hiểu thêm lớn vô minh, hiểu mà không tin thêm lớn tà kiến. Nếu người có cả tin lẫn hiểu chắc sẽ được vào Đạo.
Có người hỏi: Người mới có lòng tin, chưa được vào đạo, có lợi ích gì? Luận Khởi Tín nói: Nếu người nghe pháp này rồi không sanh lòng sợ sệt, nên biết người đó sẽ nối tiếp giống Phật, chắc được chư Phật thọ ký cho. Nếu có người dạy tất cảchúng sanh, trong tam thiên đại thiên thế giới, thực hành trọn mười điều lành, không bằng có người ở trong một niệm chánh tư duy chơn như, công đức người ấy hơn người dạy thực hành mười điều lành trên không thể thí dụ. Kinh Bát Nhã nói: Nếu người một niệm sanh lòng tin trong sạch, Như lai đều thấy biết hết, các chúng sanh ấy được vô lượng phước đức. Muốn đi ngàn dặm, bước đầu phải đúng hướng, bước đầu đã lầm, ngàn dặm cũng lầm. Người vào nước vô vi, lòng tin ban đầu cần yếu phải đúng. Lòng tin ban đầu đã mất, muôn việc thiện đều lui. Nên Tổ sư dạy: Sai một ly xa ngàn dậm. Chính là lý này.
2. Những tên khác của chơn tâm
Đã sanh lòng tin chắc, chơn tâm sẳn trong mọi người, nhưng nó vốn không có tên và hình tướng, nên có nhiều tên khác nhau, chúng ta cần phải biết tường tận. Kinh Lăng Nghiêm phát minh được tâm này, vì nó lìa tất cả hư vọng gọi là chơn, linh minh tịch chiếu gọi là tâm, nên gọi là chơn tâm. Tâm này chỗ lập danh của Phật và Tổ không đồng nhau: Phật dạy trong Bồ Tát Giới gọi là TÂM ĐỊA vì nó sanh ra các pháp lành. Kinh Bát Nhã gọi là BỒ ĐỀ vì cùng thể giác. Kinh Hoa Nghiêm gọi là PHÁP GIỚI vì nó dung nhiếp thấu suốt. Kinh Kim Cang gọi là NHƯ LAI vì không từ đâu đến. Tâm Kinh gọi là NIẾT BÀN vì là chỗ về của tất cả Thánh. Kinh Kim Quang Minh gọi NHƯ NHƯ vì chơn thường không biến đổi. Kinh Tịnh Danh gọi PHÁP THÂN vì để báo thân và hóa thân y chỉ. Khởi Tín Luận gọi CHƠN NHƯ vì không sanh diệt. Kinh Niết Bàn gọi PHẬT TÁNH vì gốc của bathân. Kinh Viên Giác gọi TỔNG TRÌ vì lưu xuất của công đức. Kinh Thắng Phát gọi NHƯ LAI TÀNG vì ẩn chứa dụng. Kinh Liễu Nghĩa gọi VIÊN GIÁC vì phá chỗ tối, soi sáng tất cả chỗ. Do đó, Diên Thọ Thiền Sư trong Duy Tâm Quyết nói: Một pháp có ngàn tên, hợp theo duyên mà lập hiệu.
Tổ sư tuyệt cả nói năng, văn tự, tên còn không lập ra, làm gì có nhiều tên, nhưng vì chỗ ứng và cảm theo căn cơ, nên tên ấy cũng nhiều. Có lúc các Ngài gọi là TU KY vì chỉ bản tánh chúng sanh. Có lúc gọi CHÁNH NHÃN vì quan sát các cái có tướng. Có lúc gọi DIỆU TÂM vì hư linh tịch chiếu. Có lúc gọi CHỦ NHƠN ÔNG vì trách nhiệm gánh vác. Có lúc gọi là VÔ ĐỂ BÁT vì tùy chỗ mà sinh nhai. Có lúc gọi là MỘT HUYỀN CẦM vì vận ra lúc ấy. Có lúc gọi là VÔ TẬN ĐĂNG vì chiếu phá kẻ mê tình. Có lúc gọi VÔ CĂN THỌ vì gốc rễ bền bỉ. Có lúc gọi SUY MAO KIẾM vì dứt sạch căn trần. Có lúc gọi VÔ VI QUỐC vì bể lặng sóng êm. Có lúc gọi MÂU NI CHÂU vì giúp người nghèo khổ. Có lúc gọi VÔ NHU TỎA vì đóng kín sáu tình. Có khi gọi TRÂU BÙN, NGỰA GỖ, TÂM NGUYÊN, TÂM ẤN, TÂM CẢNH, TÂM NGUYỆT, TÂM CHÂU, nhiều thứ tên khác nhau không thể chép hết. Nếu người nào đạt được chơn tâm, các tên đều hiểu rõ. Mê chơn tâm, các tên đều vướng mắc. Vì thế đối với chơn tâm, cần phải hiểu rõ diệu thể của nó.
3. Diệu thể của chơn tâm
Kinh Phóng Quang Bát Nhã nói: Bát Nhã không có tướng sở hữu, không có tướng sanh diệt. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: Tự thể của chơn như ở tất cả phàm phu, Thinh văn, Duyên giác, Bồ tát, chư Phật, không hề có thêm hoặc bớt, không có sanh diệt, rốt ráo thường hằng, từ trước đến sau nó vẫn tự đầy đủ tất cả công đức.
Căn cứ vào kinh và luận kể trên, bản thể chơn tâm vượt khỏi nhơn quả, thông suốt xưa nay, không lập thánh phàm, không có đối đải, như bầu thái hư trùm tất cả chỗ. Thể nó mầu nhiệm, lặng lẽ (ngưng tịch), dứt hết tất cả hí luận, không sanh, không diệt, chẳng co, chẳng không, chẳng động, chẳng lai, vắng lặng (trạm nhiên) thường trụ gọi là CỰU NHẬT CHỦ NHƠN ÔNG hay OAI ÂM NA BẠN NHƠN, lại gọi KHÔNG KIẾP TIỀN TRI KỶ. Nó là một vật sáng rỡ, lặng lẽ, không có gì che ngăn, làm lấm lem. Tất cả núi sông, đất liền, cỏ cây, rừng rậm, muôn sắc muôn màu, các pháp nhiễm và tịnh đều từ trong ấy mà lưu xuất. Kinh Viên Giác dạy: Này thiện nam tử! Vô Thượng Pháp Vương có môn Đại Đà La Ni tên là Viên Giác, nó lưu xuất tất cả thứ, như Thanh tịnh Chơn như, Bồ đề, Niết bàn và Ba la Mật, có khả năng dạy bảo các Bồ tát. Khuê Phong Thiền sư dạy: Tâm vốn rỗng rang, vắng lặng, sáng chói rõ ràng, không tới không lui, rõ suốt ba mé, không ở trong, không ở ngoài, thấu suốt mười phương, không diệt không sanh, không cái gì có thể làm hại, lìa tánh lìa tướng, năm sắc ấm không thể làm mờ, nên trong Duy Tâm Quyết của ngài Vĩnh Minh nói: Tâm này là nơi tụ tập tất cả những điều mầu nhiệm và những điều linh ứng, là vua của muôn pháp, là nơi để các hàng tam thừa, ngũ tánh đều nương về, là mẹ của chư Thánh. Độc tôn, độc quý, không thể lấy gì để so sánh, chính là nguồn gốc của đại đạo, là chỗ cốt yếu của chơn pháp. Người tin có nó thì ba đời Bồ tát cùng học, vì học tâm này; ba đời chư Phật đồng chứng, vì chứng tâm này; Đại Tạng Kinh giáo đồng thể hiện, vì thể hiện tâm này; tất cả chúng sanh mê vọng trầm luân, vì mê tâm này; tất cả người tu được ngộ, cũng chỉ ngộ vào tâm này; tất cả chư Tổ truyền nhau, cũng truyền tâm này; chư Tăng khổ công tham phỏng khắp thiên hạ, cũng vì tham cứu tâm này. Đạt được tâm này, thì tất cả đầu mối đều mở tỏ, mê tâm này, thì mọi chỗ đều điên đảo, mỗi niệm đều si cuồng. Tâm này là bản thể sẳn có của tất cả chúng sanh, là căn nguyên sanh ra tất cả thế giới. Vì thế, đức Thế Tôn trên Hội Linh Thứu, đưa cành hoa sen lặng lẽ quên lời. Tổ Đạt Ma quán vách ở Thiếu Thất lặng lẽ nhiều năm không nói. Tất cả đều muốn phát minh diệu thể của tâm này. Vì thế, người muốn vào cửa Thiền, cần phải biết diệu thể và diệu dụng của nó.
4. Diệu dụng của chơn tâm
Cổ nhơn có bài kệ:
Gió đông lay cây cỏ,
Mây che tánh khởi trần.
Việc ngày nay hiểu rõ,
Xưa đã mê bao lần.
Diệu thể của chơn tâm xưa nay vốn không động, an ổn chơn thường. Từ chơn thể khởi ra diệu dụng hiện tiền, chứ không phải từ đâu mà được diệu. Nên Tổ sư có bài tụng: “Theo tâm muôn cảnh chuyển, chỗ chuyển thật u huyền. Theo dòng nhận được tánh, không vui cũng không lo”. Vì thế, việc làm của các ngài, trong tất cả thời, qua tây, lại đông, ăn cơm, đắp y, quay qua, ngoảnh lại, đều có diệu dụng của chơn tâm hiện rõ mặt. Phàm phu mê hoặc điên đảo, lúc mặc áo bị chấp trước theo mặc áo, lúc ăn cơm đắm trước theo ăn cơm, tất cả việc đều bị tướng chuyển, vì hằng ngày dùng Nó (Phật tánh) mà không biết, Nó ở trước mặt mà không hay, nếu người biết được thể tánh No, thì động, tịnh, có làm, không làm, đều không bị mê muội. Nên Tổ sư dạy: Lúc ở trong bào thai gọi là thân, lúc ở trong cõi đời gọi là người. Ở nơi mắt thì quán sát, ở nơi tai thì nghe, ở nơi mũi thì ngửi mùi thơm, ở nơi miệng thì đàm luận, ở nơi tay thì cầm giữ, ở nơi chân thì chạy đi, Nó biến hiện thì khắp cả pháp giới, thâu vào chỉ bằng hạt bụi trần. Biết được No, chính là Phật tánh, không biết được Nó, gọi là linh hồn. Vì thế, ngài Đạo Ngộ xòe quạt, ngài Thanh Chương trương cung, ngài Cu Đê chặt ngón tay, ngài Tịnh Châu đập đất, ngài Vân Nham rống như sư tử, tất cả đều muốn phát minh cái đại dụng ấy, nếu ở trong việc dùng hằng ngày không mê, tự nhiên ngang dọc không ngại.
5. Thể dụng của chơn tâm một hay khác?
Nếu nói về tướng, thì thể dụng của chơn tâm không phải một, nếu nói về tánh, thì không phải khác, nên thể và dụng của chơn tâm không phải một và không phải khác. Chúng ta thử suy nghiệm sau đây thì rõ: Diệu thể của chơn tâm không động, tuyệt các đối đải, lìa tất cả tướng, nếu người không đạt được thể tánh, chứng chơn thường, thì không thể so lường lý ấy; còn diệu dụng tùy theo duyên, ứng hợp nhiều loại, vọng lập các hư tướng, có hình trạng. Tóm lại diệu dụng có tướng, diệu thể vô tướng, nên không phải là một. Lại nữa, dụng từ thể mà phát khởi, nên dụng chẳng rời thể; thể thường phát ra dụng, nên thể chẳng rời dụng. Tóm lại thể và dụng, lý chẳng lìa nhau, nên không phải khác. Như nước lấy tánh ướt làm thể, thể nó không lay động, sóng lay động làm tướng, vì gió thổi, nhưng ngoài nước không có sóng, ngoài sóng không có nước. Tánh ướt là một, nên không phải khác. Từ đó suy ra, chúng ta có thể biết được thể và dụng của chơn tâm.
6. Chơn tâm ở chỗ mê
Thể dụng của chơn tâm, mọi người đều có, nhưng sở dĩ có kẻ thánh, người phàm không đồng, vì phàm phu chạy theo vọng tâm, nhận lầm ngoại cảnh, nên mất tánh thanh tịnh, do đó mà bị ngăn che. Sở dĩ phàm phu, chơn tâm không được hiện tiền, như bóng cây trong tối, suối nước ngầm dưới đất sâu, nó sẳn có mà không ai biết. Kinh Viên Giác nói: Này thiện nam tử! Như hạt Ma Ni bảo châu chiếu ra có năm sắc, tùy theo chỗ mà hiện, người mê thấy có châu Ma Ni kia năm mầu sắc thật, nhưng thật ra chỉ là đối cảnh hiện sắc thôi. Này thiện nam tử! Tánh Viên Giác hiện ở thân tâm, tùy loài mà có, như ở mắt thấy, tai nghe…, người mê nói Viên Giác ở trong thân tâm, nhưng không hề hay biết. Trong Kiền luận nói: Trong càn khôn và vũ trụ có một cái núi báu bí mật, núi ấy chính là nơi chơn tâm có mặt. Ngài Từ Ân nói: Pháp thân vốn có chư Phật cộng đồng, phàm phu do bị che ngăn mà không biết, phiền não chôn lấp Như Lai Tạng. Bùi Hưu nói: Suốt ngày có tánh Viên Giác, mà chưa từng sống với tánh Viên Giác, nên gọi phàm phu. Nên biết, chơn tâm tuy ở trong trần lao, mà không bị trần lao nhiễm, như ngọc trắng rơi vào bùn, nhưng sắc ngọc vẫn không thay đổi.
7. Chơn tâm dứt vọng
Chơn tâm ở trong vọng là phàm phu, làm sao dứt vọng để thành Thánh được? Cổ Đức dạy: “Vọng tâm không chỗ gá tức Bồ đề, Sanh tử và Niết bàn vốn bình đẳng.” Trong Kinh dạy: “Thân huyển của chúng sanh diệt, thì tâm huyển cũng diệt, vì tâm huyển diệt, nên trần huyển cũng diệt, vì trần huyển diệt, nên huyển diệt cũng diệt, như chùi gương hết bụi, ánh sáng hiện ra”.
Huyền Giác Thiền sư cũng nói: “Tâm là căn, pháp là trần, hai thứ cũng như vết nhơ trên kiến, khi vết nhơ hết rồi, ánh sáng mới hiện. Tâm và pháp hai cái đều quên, tánh liền thành chơn. Đó chính là bỏ vọng để thành chơn vậy. Muốn trị vọng tâm, trong Tông môn thường dùng “Vô Tâm” để trị.
Có người thắc mắc rằng, nếu nói vô tâm giống như cây cỏ, làm sao trị được vọng tâm? Thực ra vô tâm ở đây luôn luôn có tâm thể, nên gọi vô tâm, vì trong tâm không có vật nhiễm, nên gọi vô tâm, như gương không có vết nhơ, như nói chén không vì trong chén không có vật gì, chứ không phải không có chén. Nên Tổ sư nói: Ông chỉ ở trong tâm không có vật gì (không phân biệt) và không có vật gì đối với tâm, tự nhiên trong tâm rỗng sáng, vắng lặng, mầu nhiệm. Đó là tôn chỉ của Tâm. Căn cứ ý trên, chúng ta thấy không có vọng tâm gọi là vô tâm, chứ không phải không có diệu dụng của chơn tâm. Theo chư Tổ sư dạy, công phu tu tập vô tâm không đồng, nay tóm đại ý gồm có mười thứ:
a- Giác Sát: Khi công phu bình thường phải dứt niệm, đề phòng niệm khởi, nếu có một niệm vừa sanh ra, liền giác ngộ để phá, vọng niệm đã bị phá, sau khi giác ngộ, niệm sẽ chẳng còn sanh. Trong giác ngộ này, trí cũng chẳng cần dùng, vọng niệm và giác đều quên, gọi là vô tâm. Nên Tổ sư nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ lo giác chậm”. Không cần cầu chơn, chỉ cần dứt chấp, đó là công phu dứt vọng.
b- Hưu hiết (thôi dứt): Khi công phu, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, tâm khởi liền thôi, gặp duyên liền dứt. Cổ nhơn dạy: “Không cho dính mãi tơ, mùa đông đất lạnh lẽo, như hương ở miếu hoang.” Tâm không dính mắc, liền được xa rời vọng tâm phân biệt, hoàn cảnh mặc hoàn cảnh, ta vẫn là ta, như thế mới được một phần thôi dứt.
c- Dẫn tâm tại cảnh (Mất tâm còn cảnh): Khi công phu, tất cả vọng niệm đều dứt, không cần ngoại cảnh, chỉ phải dứt từ trong tâm, vọng tâm đã dứt, cảnh có hại gì! Đó là phương pháp cổ nhơn dạy” Đạt người không đạt cảnh. Nên có câu: “Cõi ấy có cỏ quy, đầy thành chẳng người qua.” Bàng Công cũng nói: “Tự mình không tâm cùng vạn vật, lo gì vạn vật thường quấy phá.” Đó là công phu mất tâm còn cảnh, làm cho tâm dứt được vọng.
d- Dẫn cảnh tại tâm (mất cảnh còn tâm): Khi công phu, đem tất cả cảnh trong và ngoài đều quán là không tịch, chỉ còn một tâm độc lập cô phiêu. Vì thế, cổ nhơn nói:”Không cùng muôn pháp làm bạn, không còn đối với các trần.” Tâm nếu chấp cảnh, tâm liền bị vọng, nay đã không còn cảnh, vọng làm sao có? Chừng ấy chơn tâm chiếu sáng, không trở ngại đạo, tức là người xưa đạt cảnh không đạt người. Rõ ràng: “Ba ngàn kiếm khách còn đâu nữa! Chỉ Kế Trang Chu định thái bình.” Đó chính là mất cảnh còn tâm, dùng công phu này để dứt vọng.
e- Dẫn tâm dẫn cảnh (mất tâm mất cảnh): Khi công phu, trước vắng lặng ngoại cảnh, sau diệt nội tâm, nếu trong ngoài tâm và cảnh đều yên lặng, cứu cánh vọng còn do chỗ nào mà sanh. Ngài Quán Khê nói: “Mười phương không vách đổ, bốn phía cửa cũng không, sạch làu làu, đỏ chói chói.” Đó là pháp môn nhơn cảnh đều đạt của Tổ sư, nên có câu: “Mây tan nước trôi xuôi, lặng lẽ đất trời cùng một sắc.” Cũng nói: “Người trâu đều chẳng thấy, chỉ còn nguyệt trên không.” Đây chính là công phu mất tâm mất cảnh để dứt vọng.
f- Tồn tâm tồn cảnh (còn tâm còn cảnh): Khi công phu, tâm ở chỗ tâm, cảnh ở chỗ cảnh. Có khi tâm và cảnh đối nhau thì tâm không chấp giữ cảnh, cảnh không đến tâm, đều không có đối đải, tự nhiên vọng niệm không sanh, ở nơi đạo không còn gì chướng ngại. Kinh nói: “Pháp ấy ở nơi địa vị của nó, tướng của thế gian vẫn thường trụ.” Đó là pháp môn nhơn cảnh đều không đạt của Tổ sư. Nên có câu: “Một mảnh trăng soi biển, trên lầu ngắm mấy ai!” Lại nói:” Núi hoa ngàn muôn đóa, Du-Tử chẳng trở về.” Đây chính là công phu còn cảnh còn tâm diệt vọng tưởng.
g- Nội ngoại toàn thể (thể suốt trong ngoài): Khi công phu nơi núi sông, đại địa, mặt trời, mặt trăng, vật trong thân và ngoài thân, tất cả các pháp cùng thể với chơn tâm, lặng lẽ rỗng sáng, không mãy may sai khác, nên đại thiên thế giới đập thành một khối, thì chỗ nào vọng tâm có thể đến. Nên Triệu Pháp Sư nói: “Trời đất với ta cùng gốc, muôn vật với ta cùng thể.” Đây là công phu toàn thể trong và ngoài đều diệt vọng.
h- Nội ngoại toàn dụng (Dụng suốt trong ngoài): Khi công phu, đem tất cả các pháp ngoài thân, trong tâm và tất cả động tác thực hành đều quán làm diệu dụng của chơn tâm. Tất cả tâm niệm vừa sanh, đều là diệu dụng hiện tiền. Đã được tất cả đều là diệu dụng, thì vọng tâm làm sao có thể sanh, nên Huyền Giác Thiền sư dạy: “Thật tánh của vô-minh là Phật tánh, thân vô thường huyển hóa là pháp thân”. Trong Thập nhị thơ ca, Hòa Thượng Chí Công dạy: “Buổi sáng giờ dần, người cuồng trong chùa Đạo Nhân than, ngồi nằm không biết đó là đạo, chỉ cứ mê mang chịu khổ tân.” Đó là công phu toàn dụng cả trong lẫn ngoài để dứt vọng.
k- Tức thể tức dụng (Chính thể là dụng): Khi công phu, tùy hợp với chơn thể, chỉ có một vị không tịch, nhưng trong chứa linh minh thể tức là dụng. Trong linh minh chứa dụng không tịch, nên dụng tức là thể. Vỉnh Gia Tập nói: “Sáng suốt lặng lẽ, cái sáng suốt ấy không có cái quấy vọng tưởng. Lặng lẽ sáng suốt, cái lặng lẽ ấy không có lỗi vô ký. Trong cái lặng lẽ không dung nạp vô ký, trong cái sáng suốt không dung nạp vọng tưởng, như thế vọng tâm làm sao sanh.” Đó chính thể là dụng dứt vọng tưởng.
l- Thâu xuất thể dụng (rõ suốt thể và dụng): Khi công phu, không phân trong ngoài, không chia Đông Tây Nam Bắc. Bốn phương tám hướng chỉ còn là một cửa lớn giải thoát tròn sáng vắng lặng. Thể dụng không cần phân chia, phiền não không cần mãi múng, toàn thân đập thành một khối, vọng tưởng khởi từ chỗ nào? Cổ nhơn dạy: “Toàn thân không tỳ vết, trên dưới sạch tròn vo.” Đây là công phu rõ suốt thể và dụng để diệt vọng.
Mười phương pháp công phu trên đây, không cần phải dùng hết, chỉ cần thành tựu một phương pháp là có thể dứt vọng, chơn tâm hiển lộ. Người công phu, tùy theo căn cơ, đã có tập nhơn đời trước, hợp với pháp nào là có thể tu tập. Công phu này, lấy cái không công phu làm công, không phải dụng tâm lực gì cả. Pháp môn diệt vọng tâm này rất quan trọng, người tu nên cố gắng thực hành.
8. Bốn oai nghi thể hiện chơn tâm
Muốn dứt vọng, chư Tổ thường dạy tập ngồi, vì ngồi dễ thành tựu định lực, dứt vọng. Nhưng các Ngài vẫn chỉ rõ, cần phải dứt vọng trong bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm, tập lâu thuần thục lúc nào cũng ở trong đại định. Luận Khởi Tính nói: “Người tu chỉ ở nơi vắng vẻ, ngồi ngay, ý chánh, không y theo hơi thở, hình sắc, nơi không, nơi đất nước gió lửa, cho đến không y theo kiến văn giác tri.
Tất cả các tướng theo niệm đều trừ sạch, vì tất cả pháp xưa nay vốn vô tướng. Mỗi niệm không sanh, mỗi niệm không diệt, cũng không được ngoài tâm mà niệm cảnh giới, sau lấy tâm trừ tâm. Tâm nếu chạy loạn, cần phải thu về trụ ở chánh niệm. Chánh niệm là chỉ có tâm, không có cảnh bên ngoài, và tâm này không có tự tướng, mỗi niệm không thể được.
Nếu từ chỗ ngồi, tới lui, đứng dậy, làm việc, ở tất cả thời gian, đều nhờ phương tiện, tùy thuận để quán sát, tập lâu thuần thục, tâm ấy sẽ an trụ. Tâm an trụ lần lần được mạnh mẽ, tùy thuận được chơn như tam muội, hàng phục hết phiền não, lòng tin tăng trưởng, mau được bất thối. Chỉ ngoại trừ người nghi hoặc, không tin Tam bảo, bài báng chánh pháp, ngã mạn, giải đải, là không thể vào chơn như tam muội. Căn cứ vào đó, bốn oai nghi thể hiện chơn tâm thật rõ ràng.
Kinh Viên Giác nói: “Trước tiên ý hành tu CHỈ của Như lai, kiên trì cấm giới, yên ở cùng chung, ngồi yên trong tịnh thất, đó là bước đầu tu tập chơn như tam muội”. Vĩnh Gia Tập nói: “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói nín động tịnh thể an nhiên”, căn cứ vào đó, đủ biết tu thiền gồm bốn oai nghi. Người tu thuần thục, dù muôn Thánh đến trước mặt cũng không động, muôn loài yêu ma kêu chẳng quay đầu, huống chi đi đứng nằm ngồi, không thực hiện được công phu sao? Ở đời, người có oán hận trong lòng, mọi việc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, uống nước, động dụng, tất cả thời gian đều không quên. Người yêu thương cũng thế, trong tâm có thể dung chứa bất cứ thời gian và hành động nào. Như thế, người công phu thực hành vô tâm, làm sao trong bốn oai nghi không thường hiện tiền, chỉ sợ lòng tin không chắc, không chịu thực hành, nếu tin bốn oai nghi, chơn như tam muội sẽ không mất.
9. Chỗ ở của chơn tâm
Dứt vọng thì chơn tâm hiện, như thế, thể dụng chơn tâm ở chỗ nào? Diệu thể chơn tâm trùm khắp tất cả chỗ. Vĩnh Gia tập nói: “Chẳng lìa đương xứ, thường vắng lặng, tìm dò biết Ông không thể thấy.” Kinh nói: “Chơn tâm là tánh hư không thường không động, trong Như Lai Tạng không có khởi và diệt”. Đại Pháp Nhãn nói:”Mỗi chỗ là đường bồ đề, mỗi đầu mối là rừng công đức”.
Đó chính là chỗ diệu thể chơn tâm đang ở. Diệu thể của chơn tâm tùy cảm tùy hiện, như tiếng vang, như hình và bóng. Pháp Đăng nói: “Xưa nay chẳng thay đổi, rõ ràng trước mặt mình, mảnh mây làm tối cốc, hạc cội cách xa trời.” Kinh Hoa Nghiêm nói: “Phật pháp ở chỗ dùng hàng ngày, chỗ đi đứng nằm ngồi, chỗ ăn cơm, uống nước, chỗ đối đáp lẫn nhau, chỗ hành động làm việc, chỗ khởi tâm động niệm.”
Thể chơn tâm trùm khắp tất cả chỗ, tất cả nơi đều có thể khởi dụng, do nhơn duyên có hoặc không hay bất định. Diệu dụng không định, tất cả đều có thể khởi dụng. Người tu tâm muốn vào bể vô vi, thoát sanh tử, đừng nhận lầm thể dụng và chỗ ở của chơn tâm.
10. Chơn tâm thoát sanh tử
Thường nghe người thấy tánh là thoát ly sanh tử, nhưng từ xưa, chư Tổ là bậc kiến tánh, đều có sanh tử và người tu thế gian đều có sanh tử, sao lại nói được thoát ly sanh tử? Sanh tử gốc nó vốn không vọng, chấp thành có. Như người đau mắt thấy trong hư không có hoa đốm, nếu người mắt không bệnh nói trong hư không không có hoa đốm, người bệnh không tin.
Nếu mắt bệnh hết rồi, hoa đốm tự diệt, mới tin hoa đốm vốn không. Khi hoa chưa diệt, tự thể nó vẫn không, vì người bệnh vọng chấp là hoa, kỳ thực nó không có thực thể. Như người vọng nhận sanh tử là có, người thoát khỏi sanh tử nói sanh tử vốn không, người kia một ngày vọng dứt sanh tử sẽ không còn, nên biết sanh tử từ xưa nay vốn không.
Khi sanh tử chưa dứt, cũng không phải thực có, vì vọng nhận sanh tử cho là có. Kinh nói: “Này thiện nam tử! Tất cả chúng danh từ vô thỉ đến nay có nhiều thứ điên đảo, cũng như người mê chạy ruổi bốn phương, thay đổi không dừng, vọng nhận bốn đại làm tướng của tự thân, bóng duyên của sáu trần làm tướng của tự tâm. Ví như người bệnh mắt thấy hoa đốm trong hư không, cho đến khi hoa đốm diệt trong hư không, cũng không thể nói có chỗ định diệt.
Vì sao? Vì nó không có chỗ sanh ra. Tất cả chúng sanh ở chỗ vô sanh, vọng chấp có sanh diệt, nên gọi luân chuyển sanh tử”. Căn cứ vào lời kinh trên, nên biết người đạt ngộ chơn tâm vốn không có sanh tử. Thể sanh tử vốn không, mà không thoát được sanh tử, vì công phu chưa đến.
Nên kinh dạy: Âm Ba Nữ hỏi Ngài Văn Thù: Biết rõ sanh tử là pháp vô sanh, thì làm gì bị sanh tử kéo lôi? Văn Thù đáp: Vì sức chưa thuần. Tân Sơn Chủ hỏi: Biết sanh tử là pháp vô sanh, thì làm sao bị sanh tử trói buộc? Tu Sơn Chủ đáp: Viết xong rồi ném bút đi, còn lấy gì để căn cứ.
Biết không sanh tử không bằng thể không sanh tử, thể không sanh tử không bằng khế hợp không sanh tử, khế hợp không sanh tử không bằng dụng không sanh tử. Người nay, thường không biết vô sanh, mong thể vô sanh, khế hợp vô sanh, dụng vô sanh vì nhận sanh tử và không tin pháp vô sanh tử.
11. Chánh và trợ của chơn tâm
Như trên nói dứt hết vọng là chơn tâm hiện tiền, khi vọng chưa dứt, phải dùng công phu vô tâm để dứt, như thế còn pháp gì để đối trị với vọng không? Có chánh và trợ không đồng. Lấy vô tâm dứt vọng làm chánh, lấy chứa nhóm các việc lành làm trợ. Như kiến sáng bị bụi bao phủ, tuy dùng năng lực của bàn tay lau chùi, nhưng cũng cần có thuốc chùi tốt thì ánh sáng mau hiện.
Bụi nhơ là phiền não, năng lực của tay là công phu vô tâm, thuốc chùi là các việc lành, kiến hiển lộ ánh sáng là chơn tâm. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Lại nữa, tín phát tâm thành tựu có ba thứ: a)Trực tâm là chánh niệm chơn như pháp. b) Thâm tâm là chứa nhóm tất cả pháp lành. c) Đại bi tâm là nhổ tất cả khổ não cho chúng sanh.” Có người hỏi: Như trên nói, pháp giới có một tướng, thể của Phật không hai, vì sao không chỉ niệm chơn như, lại muốn việc cầu học các pháp lành? Như châu đại ma ni, thể tánh vốn sáng suốt mà vẫn còn những khoáng chất làm dơ. Người tuy niệm chơn tánh, không dùng các thứ phương tiện mài dũa, trọn không thanh tịnh, vì phiền não vô lượng trùm khắp tất cả pháp; tu tất cả hạnh lành, vì chơn như thể tánh không tịch mà bị vô lượng phiền não nhuộm làm dơ. Người niệm chơn như không dùng phương tiện để huân tập, cũng không được thanh tịnh, vì cấu nhiễm khắp tất cả pháp nên cần dùng thiện hạnh để đối trị. Nếu người tu hành các pháp lành thì tự nhiên trở về chơn như. Căn cứ vào các lý luận trên, dứt vọng là chánh, tu các pháp lành là trợ. Người tu thiền phải cùng tương ưng với vô tâm, không chấp trước nhơn quả. Nếu chấp trước nhơn quả, liền lạc vào quả báo nhơn thiên, dù chứng chơn như vẫn không thoát khỏi sanh tử. Nếu cùng vô tâm tương ưng, mới thực là phương tiện chứng chơn như và là yếu thuật thoát sanh tử, phước đức vô cùng rộng lớn. Kinh Kim Cang nói: “Này Tu Bồ Đề! Bồ tát không trụ tướng bố thí, phước đức ấy không thể suy lường.” Đời nay có người tham học, vừa biết có bổn lai Phật tánh, liền tự ý vào tự tánh thiên chơn, không chịu làm việc lành, chẳng những không đạt được chơn tâm mà trở thành giải đải, đường ác còn chưa chắc thoát, mong gì thoát khỏi sanh tử luân hồi.
12. Công đức của chơn tâm.
Hữu tâm tu nhơn, chắc có công đức, vô tâm tu nhơn công đức làm sao có được? Hữu tâm tu nhơn có hữu vi quả, vô tâm tu nhơn hiển lộ tánh công đức. Vì các công đức này xưa nay vẫn đủ, nhưng do vọng tâm che lấp, nên nó không hiển lộ, nay trừ được vọng tâm, công đức sẽ hiện tiền, nên Vĩnh Gia tập nói: “Ba thân bốn trí, thể vẫn đủ, tám giải sáu thông an tâm địa.” Đây chính là trong thể chơn như đủ các công đức. Cổ nhơn cũng tụng: “Nếu người tịnh tọa trong giây lát, hơn tạo bửu tháp số hàng sa, bửu tháp rốt cuộc tan thành bụi, một niệm tịnh tâm chánh giác thành.” Nên biết công đức vô tâm lớn vô cùng so với hữu tâm. Vĩnh Liêu Hòa Thượng tham Mã Tổ: Ý chỉ của Tổ sư từ Ấn Độ sang thế nào? Bị Mã Tổ đạp ngã lăn, bỗng nhiên đại ngộ, đứng dậy múa tay cười lớn nói: “Lạ thay! Lạ thay! Trăm ngàn tam muội, vô lượng diệu nghĩa, chỉ trên đầu sợi lông, liền ngay đó biết được nguồn gốc.” Liền làm lễ mà lui. Căn cứ vào sự kiện trên, thì công đức không phải tự ngoài mà vào, vốn nó vẫn có đủ. Tứ Tổ gọi Lai Dung Thiền sư dạy: ” Trăm ngàn pháp môn đều về một tất vuông (tâm), công đức như cát sông Hằng đều ở nguồn tâm. Tất cả giới môn, định môn, huệ môn, thần thông biến hóa đều tự mình có đủ, không gì ở ngoài tâm mình.” Căn cứ vào lời Tổ sư, vô tâm công đức rất lớn. Người ham công đức sự tướng, so với công đức vô tâm thực xa một trời một vực.
13. Làm thế nào biết chơn tâm thành thục vô ngại
Người học đạo khi được chơn tâm hiện tiền, nghiệm thấy tập khí chưa trừ xong, nếu gặp xúc cảnh, có khi mất chánh niệm, như chăn trâu, tuy trâu đã điều phục, dẫn đâu tùy ý, nhưng chưa dám bỏ dây và roi, phải để tâm coi chừng từng bước, không cho trâu dẫm đạp và ăn lúa mạ người. Đợi khi trâu thuần thục, không còn hại lúa mạ nữa, mới dám lõng tay.
Đến địa vị ấy, người chăn trâu không cần roi và dây nữa, vẫn không hại lúa mạ. Người tu, sau khi được chơn tâm, cần phải dụng công nuôi dưỡng, có lực dụng lớn, mới nên lợi sanh. Nếu muốn thí nghiệm chơn tâm, nên lấy cảnh tham ái sâu đậm trong đời sống, tưởng như nó ở trước mắt, nếu từ đó khởi lòng thương ghét là tâm đạo chưa thuần thục, nếu không sanh lòng thương ghét là tâm đạo đã thuần.
Tuy vậy, việc thuần thục này cũng chưa phải là tự nhiên, không khởi thương ghét, phải nghiệm lại tâm. Nếu khi gặp cảnh thương ghét, đột nhiên khởi lòng thương ghét, nếu nghiệm nhiều lần mà tâm không khởi nữa, là tâm được vô ngại. Như trâu trắng đi đường thẳng, không hại lúa mạ. Đó là lúc công năng tu hành chơn tâm đã thành tựu.
14. Sự vô tri của Chơn Tâm
Chơn tâm và vọng tâm khi đối cảnh làm sao biết chơn vọng? Vọng tâm đối cảnh sanh ra hữu tri (có biết), biết chỗ thuận nghịch của cảnh rồi sanh lòng tham sân si. Như thế, trên cảnh mà khởi tâm độc là vọng tâm. Tổ sư nói: “Nghịch thuận tranh nhau đó là tâm bệnh.” Như thế, đối đải được và không được là vọng tâm. Chơn tâm là vô tri (không biết) mà biết, luôn luôn soi sáng, nên khác với cỏ cây, không sanh thương ghét, nên khác với vọng tâm. Đối với cảnh luôn luôn rỗng sáng, không ghét, không thương, không theo phân biệt, mà lúc nào cũng biết gọi là chơn tâm.
Triệu Thiền sư nói: Thánh tâm là triệt để mầu nhiệm, không có tướng mạo, không thể có, lúc ứng dụng di động không thể không, vì không phải có nên biết mà không biết, vì không phải không nên không biết mà biết. Đây là dùng không biết mà biết, nên không thể nói khác với tâm Thánh nhân được. Lại nữa, vọng tâm ở có chấp có, ở không chấp không, thường ở hai bên, không biết trung đạo.
Vĩnh Gia tập nói: “Bỏ vọng tâm lấy chơn lý, tâm còn lấy, bỏ thành dối trá, người nay không hiểu dùng tu hành, rõ ràng nhận giặc làm con quý.” Chơn tâm ở chỗ có không mà không rơi vào có không, thường ở nơi trung đạo. Tổ sư nói: “Không đuổi hữu duyên, đừng trụ không nhẫn, một hướng bình đẳng, tự nhiên dứt sạch.”
Triệu Thiền sư nói: “Chỗ của Thánh nhơn ơ, có mà không có, ở chỗ không mà chẳng không, tuy không chấp hữu vô mà không bỏ hữu vô, vì thế hòa ánh sáng vào chốn trần lao, khắp trùm năm nẽo, lặng lẽ mà qua lại tự do, nói không làm mà không có chỗ nào là không làm. Đây chính là Thánh nhân ứng hiện năm đường tiếp dẫn chúng sanh, tuy qua lại mà không có tướng qua lại. Vọng tâm thường nhiễm nên cùng chơn tâm không đồng.”
Chơn tâm là tâm bình thường, vọng tâm là tâm không bình thường. Tất cả mọi người chúng ta đều có tánh linh minh, lặng lẽ như hư không, trùm khắp cả chỗ, đối với tục đế, giả danh là lý tánh, đối với vọng thức, quyền hiệu là chơn tâm, dù ở tục hay chơn mảy may không khác. Chơn tâm gặp duyên không mê muội, không có một niệm lấy bỏ, gặp vật đều yên, không đuổi theo muôn cảnh, dù có ở trần cũng chẳng nhiễm, vẫn lìa đương xứ, vẫn lặng lẽ bình an, muốn tìm nó thì không thể thấy, chỉ khéo nhận ra, đó chính là chơn tâm bình thường.
Tâm chẳng bình thường vì có thánh phàm, nhiễm tịnh, cảnh có đoạn thường, lý sự, cảnh có sanh diệt, động tịnh, tới lui, cảnh có tốt xấu, thiện ác, nhân quả, luận cho kỷ có ngàn sai muôn khác. Những cảnh kể trên được gọi là cảnh không bình thường. Tâm theo cảnh chẳng bình thường mà sanh, sẽ theo cảnh không bình thường mà diệt, tâm không bình thường này, gọi là vọng tâm. Có người hỏi: Chơn tâm bình thường không có nhơn khác, tại sao Phật lại nói nhân quả báo ứng làm gì? Vọng tâm chạy đuổi theo mỗi thứ cảnh giới, không hiểu các cảnh, theo đuổi khởi ra các thứ tâm. Vì chơn tâm không chạy đuổi các thứ cảnh và không khởi các thứ tâm, nên Phật không nói một pháp. Có người hỏi: Chơn tâm bình thường không có sanh khởi sao? Chơn tâm có khi hiện diệu dụng, không phải chạy theo cảnh mà sanh, không mê muội nhơn quả.
15. Chỗ nương gá của chơn tâm
Người chưa đạt chơn tâm, do tâm mê, nên làm những nhơn thiện ác, do gây nhơn thiện, sanh về cõi thiện, do gây nhơn ác, sanh về cõi ác, theo nghiệp thọ sanh, lý đó không còn gì nghi. Nhưng người đạt chơn tâm, vọng tình đã cạn, khế chứng chơn tâm, không còn nhơn thiện ác, như thế, thần thức sẽ nương gá về chỗ nào?
Chúng ta đừng cho rằng, người có chỗ nương gá tốt hơn người không có chỗ nương gá, vì người ta quan niệm rằng: người không có chỗ nương gá, như những chàng lãng tử nổi trôi, như cô hồn không nơi nương tựa, vì vậy nên họ mới hỏi để tìm chỗ nương gá. Thực ra, người đạt tánh không phải thế, vì tất cả chúng sanh mê tánh giác, mê tình ái, nhờ kết nghiệp làm nhơn, sanh vào trong sáu nẽo, chịu quả báo thiện ác.
Như gây nhơn thiện, cao nhất chỉ được quả Trời, trừ việc thích nghi với chỗ sanh, ngoài ra không được thọ dụng thêm vật gì! Các nẽo đều như thế vì bị nghiệp lực sai sử trói buộc. Chỗ sanh thích hợp cho là vui, chỗ sanh không thích hợp cho là không vui, nơi sanh hợp với chỗ mình nương gá, nếu có vọng tình thì có vọng nhơn, nếu có vọng nhơn thì có vọng quả, có vọng quả thì phải có chỗ nương gá, có chỗ nương gá thì sanh ra tâm bỉ thử, sanh bỉ thử thì có chỗ được và không được. Người đạt chơn tâm, khế hợp với giác tánh vô sanh diệt, khởi diệu dụng vô sanh diệt. Từ thể sanh dụng, dụng tức là thể, làm sao có sanh diệt. Người đạt chơn như là chứng chơn thể, thì sanh tử nào có can hệ gì?
Như nước lấy tánh ướt làm thể, sóng làm dụng. Tánh ướt vốn không sanh diệt, sóng ở trong tánh ướt, làm sao có sanh diệt. Sóng không thể rời nước mà có, do đó, nguồn gốc của sóng vốn không sanh diệt. Vì thế, Cổ nhơn nói: ‘Tất cả người trong đại địa đều là Sa môn đắc đạo, tất cả đại địa đều là già lam, đó chính là chỗ an thân lập mạng của người ngộ đạo”.
Người đã đạt chơn tâm, bốn đường sáu nẽo đồng thời tiêu diệt, núi sông đại địa đều thật chơn tâm. Không thể lìa chơn tâm mà có chỗ nương gá được. Nếu không có vọng nhơn tam giới, chắc không có sáu nẽo vọng quả; vọng quả đã không, làm gì có chỗ nương gá, bỉ thử; bỉ thử đã không làm sao có được và không được, lúc ấy mười phương thế giới chỉ có chơn tâm, thọ dụng toàn thân không có chỗ nương gá, trong lúc thị hiện, tùy ý vãng sanh, không chỗ chướng ngại.
Nên trong truyền đăng lục, Ôn Tháo hỏi ngài Khuê Phong: Người ngộ chơn tâm, đến khi mạng chung, nương gá vào chỗ nào? Tất cả chúng sanh đều có đủ giác tánh linh minh, cùng Phật không khác, nếu ngộ tánh ấy chính là pháp thân. Pháp thân vốn vô sanh, đâu có chỗ nào để nương gá. Tánh linh minh không tối, thường biết rõ ràng, không từ đâu đến, không đi về đâu, chỉ lấy không tịch làm tự thể.
Đừng nhận lầm sắc thân làm linh tri, rồi chạy theo vọng niệm. Vọng niệm nếu khởi, ta không chạy theo, khi lâm chung, nghiệp không thể trói buộc. Tuy có trung ấm thân mà chỗ muốn đến được tự do, trên trời dưới đất, theo ý mình muốn mà đến. Đó là chơn tâm qua lại tự do, tùy ý nương gá.