Cảm thông không phải là kết quả của một quá trình trí thức. Sự đạt được kiến thức về chính bạn và sự tìm hiểu bản thân chính bạn là hai điều khác nhau; vì kiến thức bạn tích lũy về chính bạn thì luôn luôn là của quá khứ và nếu tâm trí bị gánh nặng qúa khứ đè trĩu lên thì chỉ còn là một tâm trí phiền muộn.
Bạn tự tìm hiểu bản thân không giống như bạn học một ngôn ngữ, một ngành kỹ thuật hoặc một môn khoa học – những việc đó thì hiển nhiên là bạn phải tích lũy và ghi nhớ rồi; sẽ thật là vô lý nếu cứ phải khởi đầu hoài –
nhưng trong lãnh vực tâm lý thì tìm hiểu về chính bạn lại luôn luôn là công việc của hiện tại và kiến thức thì lại luôn luôn thuộc về qúa khứ, và vì phần lớn chúng ta đều sống với quá khứ và thỏa mãn với nó cho nên kiến thức trở thành quan trọng tột bực đối với chúng ta.
Đó là lý do tại sao chúng ta tôn sùng những nhà thông thái, những người khôn ngoan, và những tay khéo léo. Nhưng nếu bạn luôn luôn tìm hiểu, quán chiếu từng giây từng phút, tìm hiểu bằng cách quan sát và lắng nghe,
tìm hiểu bằng ngắm nhìn và làm việc thì bạn sẽ thấy ra rằng tìm hiểu là một chuỗi họat động liên tục không có chuyện qúa khứ chen vào.
Nếu bạn nói rằng bạn sẽ tìm hiểu về bạn một cách từ từ, tăng từng chút một, càng ngày càng tích lũy, như thế không phải là bạn đang tìm hiểu về bạn như bạn tưởng mà là bạn đang thâu thập kiến thức.
Học hỏi, tìm hiểu hàm ý một mức độ bén nhậy rất cao. Sẽ không còn bén nhậy nữa nếu tâm trí bạn đã có sẵn quan điểm, khái niệm – vốn là kết quả của kinh nghiệm từ quá khứ – nay ảnh hưởng vào hiện tại. Như thế tâm trí bạn không còn nhậy bén, thong dong, và tỉnh thức nữa.
Phần lớn chúng ta không nhậy cảm, ngay cả về mặt cơ thể. Chúng ta ăn uống lu bù, quá độ, không thèm quan tâm về dinh dưỡng sao cho tốt, chúng ta rượu chè thuốc xái triền miên khiến cho cơ thể trở thành mập phì, phục phịch, ù lì.
Ngay đến các giác quan cũng trở nên chậm chap, trì trệ, nặng nề thì làm sao con người có thể tỉnh thức, nhậy cảm; tâm trí có thể minh mẫn cho nổi.
Chúng ta có thể nhậy cảm với một vài vấn đề đụng chạm đến bản thân chúng ta, nhưng điều kiện để có được một tâm hồn nhậy cảm hòan tòan trứơc tất cả mọi vấn đề trong đời sống đòi hỏi sự lành mạnh của thể xác và tinh thần, hai phần không thể tách rời. Đó là một họat động tổng thể.
Muốn hiểu thấu đáo điều gì, bạn phải sống với nó, phải quan sát nó, phải biết tòan bộ nội dung của nó, biết rõ bản chất của nó, hiểu rõ cấu trúc và họat động của nó.
Có bao giờ bạn thử sống với bản thân chưa? Nếu đã có rồi thì bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng bản thân bạn không phải là một trạng thái tĩnh mà là một vật thể sinh động, tươi mát. Và như thế, sống với một vật thể sinh động, tâm bạn cũng phải linh động, nhậy cảm. Tâm sẽ không thể linh động, nhậy cảm nếu nó bị mắc kẹt trong những thành kiến, những phán đoán, những tiêu chuẩn.
Danny (Việt dịch “Understanding” của Krishnamurti)