Bốn Giới Ba La Di – Mười Ba Giới Tăng Già Bà Thi Sa Trong Tỳ Kheo Giới 

bốn giới bà la ni

1. Bốn Giới Khí

Bạch chư đại đức, 4 giới Ba la di (12) sau đây, cứ mỗi nửa tháng thì tụng một lần, và được rút ra từ trong giới kinh.

Thứ 1 giới đại dâm dục. Nếu Tỳ kheo đồng giới pháp với Tỳ kheo khác (12b), không xả giới, nhưng giới kém mà không tự hối, phạm vào sự bất tịnh (13) cho đến cùng với súc vật, thì phạm Ba la di của Tỳ kheo, không còn được sống chung (14) với chư tăng.

Thứ 2 giới đại trộm cắp. Nếu Tỳ kheo ở trong xóm làng hay nơi vắng vẻ, lấy của người ta không cho với ý thức ăn trộm; tùy tội lấy của không cho mà bị vua, hay đại thần của vua, bắt, giết, trói, đuổi ra khỏi xứ, mắng rằng anh là giặc, anh ngu si, anh không biết gì, thì phạm Ba la di của Tỳ kheo, không còn được sống chung với chư tăng.

Thứ 3 giới đại sát hại. Nếu Tỳ kheo cố ý tự tay sát hại mạng người, hoặc cầm dao đưa cho người, hoặc khen ngợi sự chết, khuyến khích sự chết, rằng quái lạ, anh kia, sống khốn nạn như vậy làm gì, thà chết, đừng sống; với ý thức như vậy mà nghĩ mọi cách để khen ngợi sự chết, khuyến khích sự chết, thì phạm Ba la di của Tỳ kheo, không còn được sống chung với chư tăng.

Thứ 4 giới đại vọng ngữ. Nếu Tỳ kheo thật không biết gì mà tự xưng tôi được pháp của bậc thượng nhân, tôi đã nhập vào pháp siêu việt của thánh trí, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy; qua thì gian khác, hoặc được hỏi hoặc không được hỏi, mà muốn tự thanh tịnh nên nói rằng tôi thật không thấy không biết gì mà nói biết nói thấy, thì, trừ tăng thượng mạn (15), phạm Ba la di của Tỳ kheo, không còn được sống chung với chư tăng.

Bạch chư đại đức, tôi đã nói 4 giới Ba la di. Nếu Tỳ kheo phạm vào mỗi một Ba la di, thì không còn được sống chung với chư tăng. Như khi chưa thọ đại giới, thọ đại giới rồi mà vi phạm thì cũng vậy. Nên Tỳ kheo bị tội Ba la di thì không nên sống chung với chư tăng. Vậy nay xin hỏi chư đại đức, trong 4 giới ấy có thanh tịnh cả không? (Hỏi 3 lần). Bạch chư đại đức, trong 4 giới ấy các vị thanh tịnh cả, vì các vị cùng im lặng. Việc này tôi nắm chắc như vậy.

2. Mười Ba Giới Tăng Đàn

Bạch chư đại đức, 13 giới Tăng già bà thi sa (16) sau đây, cứ mỗi nửa tháng thì tụng một lần, và được rút ra từ trong Giới kinh.

Thứ 1 giới cố làm xuất tinh. Nếu Tỳ kheo cố ý lộng âm xuất tinh (17) thì, trừ chiêm bao, phạm Tăng già bà thi sa.

Thứ 2 giới chạm thân nữ nhân. Nếu Tỳ kheo với ý thức dâm dục mà chạm nhau với thân nữ nhân, hoặc nắm tay, hoặc nắm tóc, hoặc chạm vào mỗi một thân phần, thì phạm Tăng già bà thi sa.

Thứ 3 giới nói năng thô tục (18). Nếu Tỳ kheo với ý thức dâm dục mà nói năng thô tục dâm đãng với nữ nhân; nói năng thô tục dâm đãng thì phạm Tăng già bà thi sa.

Thứ 4 giới đòi hiến dâm dục (19). Nếu Tỳ kheo với ý thức dâm dục mà đối diện với nữ nhân tự ca tụng mình, rằng cô em, tôi tu phạm hạnh, giữ giới, tinh tiến, tu các thiện pháp; cô em hãy đem sự dâm dục mà hiến cho tôi, hiến như vậy là hơn hết, thì phạm Tăng già bà thi sa.

Thứ 5 giới làm người mai mối. Nếu Tỳ kheo qua lại đôi bên để làm mai mối, đem ý người nam nói với người nữ, đem ý người nữ nói với người nam, để làm cho họ lấy nhau hay tư thông với nhau, thì dầu chỉ chốc lát cũng phạm Tăng già bà thi sa.

Thứ 6 giới làm nhà (20) quá mức. Nếu Tỳ kheo tự tìm cách làm nhà chứ không có thí chủ, tự làm cho mình, thì phải làm đúng mức. Mức ở đây là dài bằng 12 gang tay của Phật, rộng bằng 7 gang tay của Ngài. Lại phải thỉnh chư Tỳ kheo chỉ định nơi chỗ. Chư Tỳ kheo chỉ định nơi chỗ không tai nạn và không chướng ngại. Nếu Tỳ kheo nơi chỗ tai nạn và chướng ngại mà tự tìm cách làm nhà chứ không có thí chủ, tự làm cho mình, không thỉnh chư Tỳ kheo chỉ định nơi chỗ, lại làm quá mức, thì phạm Tăng già bà thi sa.

Thứ 7 giới không thỉnh chỉ định (21). Nếu Tỳ kheo muốn làm nhà lớn mà có thí chủ, làm cho mình, thì phải thỉnh chư Tỳ kheo đến chỉ định nơi chỗ. Chư Tỳ kheo nên chỉ định nơi chỗ không tai nạn và không chướng ngại. Nếu Tỳ kheo nơi chỗ tai nạn và chướng ngại mà làm nhà lớn, có thí chủ, làm cho mình, nhưng không thỉnh chư Tỳ kheo đến chỉ định nơi chỗ, thì phạm Tăng già bà thi sa.

Thứ 8 giới vu khống phỉ báng (22). Nếu Tỳ kheo vì tức giận, đối với vị Tỳ kheo không phạm tội Ba la di mà, một cách vô căn cứ, phỉ báng vị ấy phạm tội Ba la di, phỉ báng với ý thức muốn phá hoại sự thanh tịnh của vị ấy; rồi trong thì gian khác, được hỏi hay không được hỏi, Tỳ kheo biết đó là sự phỉ báng vô căn cứ, và nói rằng vì tôi tức giận nên phỉ báng như vậy. Tỳ kheo phỉ báng như vậy thì phạm Tăng già bà thi sa.

Thứ 9 giới xuyên tạc phỉ báng (23). Nếu Tỳ kheo vì tức giận nên lấy một cạnh khía của việc khác, đối với vị Tỳ kheo không phạm Ba la di mà, một cách vô căn cứ, phỉ báng rằng phạm tội Ba la di, với ý thức phá hoại sự thanh tịnh của vị ấy; đến thì gian khác, được hỏi hay không được hỏi, Tỳ kheo ấy biết mình lấy một cạnh khía của việc khác, tự nói vì tôi tức giận nên phỉ báng như vậy, thì phạm Tăng già bà thi sa.

Thứ 10 giới phá tăng hòa hợp (24). Nếu Tỳ kheo muốn phá hoại tăng hòa hợp (25) nên hành động mọi cách phá hoại tăng hòa hợp, chấp nhận mọi cách phá hoại tăng hòa hợp mà kiên trì không bỏ. Các vị Tỳ kheo nên can gián Tỳ kheo ấy, rằng đại đức, đừng phá hoại tăng hòa hợp, đừng hành động mọi cách phá hoại tăng hòa hợp, đừng chấp nhận mọi cách phá hoại tăng hòa hợp mà kiên trì không bỏ. Đại đức, hãy cùng tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, cùng học một thầy, như nước với sữa hòa nhau, thì trong Phật pháp sẽ có đời sống tăng ích, yên vui. Tỳ kheo ấy khi được can gián như vậy mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các vị Tỳ kheo nên can gián đến lần thứ 3, vì để Tỳ kheo ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm Tăng già ba thi sa.

Thứ 11 giới hỗ trợ phá tăng (26). Nếu Tỳ kheo ấy có phe cánh, một Tỳ kheo, hai Tỳ kheo, ba Tỳ kheo cho đến vô số Tỳ kheo; những Tỳ kheo phe cánh này nói với các vị Tỳ kheo, rằng chư đại đức, xin đừng can gián Tỳ kheo ấy, Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói đúng giáo pháp, Tỳ kheo nói đúng giới luật, Tỳ kheo ấy nói chúng tôi ưa thích, Tỳ kheo ấy nói chúng tôi chấp nhận. Các vị Tỳ kheo trả lời: các đại đức, đừng nói như vậy, rằng Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói đúng giáo pháp, Tỳ kheo nói đúng giới luật, Tỳ kheo ấy nói chúng tôi ưa thích, Tỳ kheo ấy nói chúng tôi chấp nhận. Bởi vì Tỳ kheo ấy không phải là Tỳ kheo nói đúng giáo pháp, không phải là Tỳ kheo nói đúng giới luật. Các đại đức, đừng có ý muốn phá hoại tăng hòa hợp; các đại đức, hãy thích thú tăng hòa hợp. Các đại đức, hãy cùng tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, cùng học một thầy, như nước với sữa hòa nhau, thì trong Phật pháp sẽ có đời sống tăng ích, yên vui. Những Tỳ kheo ấy khi được can gián như vậy mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các vị Tỳ kheo nên can gián đến lần thứ 3, vì để những Tỳ kheo ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm Tăng già bà thi sa.

Thứ 12 giới hoen ố tín đồ (27). Nếu Tỳ kheo sống trong xóm làng hay thành thị mà làm hoen ố tín đồ và làm những việc xấu (28), làm hoen ố tín đồ ai cũng thấy nghe, làm những việc xấu ai cũng thấy nghe. Các vị Tỳ kheo nói với Tỳ kheo ấy, rằng đại đức, đại đức đã làm hoen ố tín đồ và làm những việc xấu, làm hoen ố tín đồ ai cũng thấy nghe, làm những việc xấu ai cũng thấy nghe; đại đức đã làm hoen ố tín đồ và làm những việc xấu thì nay hãy đi xa khỏi xóm làng này, đừng nên ở đây nữa. Tỳ kheo ấy nói với các vị Tỳ kheo, với lời nói như vầy: chư đại đức, các vị có tham, có sân, có si, có sợ; có cái việc những Tỳ kheo đồng tội mà người bị đuổi người không bị đuổi. Các vị Tỳ kheo can rằng, đại đức, đừng nói như vậy, rằng chư Tỳ kheo có tham, có sân, có si, có sợ, có cái việc những Tỳ kheo đồng tội mà người bị đuổi người không bị đuổi. Bởi vì chư Tỳ kheo không tham, không sân, không si, không sợ. Đại đức đã làm hoen ố tín đồ và làm những việc xấu, làm hoen ố tín đồ ai cũng thấy nghe, làm những việc xấu ai cũng thấy nghe. Tỳ kheo ấy khi được can gián như vậy mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các vị Tỳ kheo nên can gián đến lần thứ 3, vì để Tỳ kheo ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm Tăng già bà thi sa.

Thứ 13 giới ngoan cố chống cự (29). Nếu Tỳ kheo tính tình ngoan cố, không nghe ai hết; trong giới luật, các vị Tỳ kheo đã can gián đúng phép mà bản thân Tỳ kheo ấy không chịu sự can gián ấy, bằng cách nói rằng, chư đại đức, đừng hướng về tôi mà nói tôi tốt hay tôi xấu, tôi cũng không hướng về chư đại đức mà nói các ngài tốt hay các ngài xấu. Chư đại đức hãy thôi đi, đừng luôn luôn can gián tôi. Các vị Tỳ kheo can gián Tỳ kheo ấy, rằng đại đức, đừng nên chính mình không chịu ai can gián. Đại đức nên chính mình chịu can gián. Đại đức hãy can gián chư Tỳ kheo một cách đúng phép, chư Tỳ kheo cũng can gián đại đức một cách đúng phép. Làm như vậy thì đệ tử của Phật được tăng ích nhờ can gián cho nhau, chỉ dạy cho nhau, sám hối với nhau. Tỳ kheo ấy khi được can gián như vậy mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các vị Tỳ kheo nên can gián đến lần thứ 3, vì để Tỳ kheo ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm Tăng già bà thi sa.

Bạch chư đại đức, tôi đã nói 13 giới Tăng già bà thi sa mà 9 giới trước thì mới phạm là thành tội, 4 giới sau thì sau lần can gián thứ 3 mới thành tội. Nếu Tỳ kheo phạm mỗi một giới, biết mình phạm mà cố che giấu, thì chư tăng phải buộc Tỳ kheo ấy thi hành phép sống riêng (30). Thi hành phép sống riêng rồi phải thi hành thêm phép hoan hỷ (31) trong 6 đêm ngày. Thi hành phép hoan hỷ rồi chư tăng giải tội cho. Phải giữa 20 vị Tỳ kheo mà giải tội cho Tỳ kheo ấy; nếu thiếu 1 vị, không đủ 20 vị Tỳ kheo, thì có giải tội đi nữa, tội của Tỳ kheo ấy cũng không giải được, mà chư tăng cũng đáng khiển trách. Đó là trường hợp (32) này. Nay xin hỏi chư đại đức, trong 13 giới Tăng già bà thi sa ấy có thanh tịnh cả không? (Hỏi 3 lần). Bạch chư đại đức, trong 13 giới ấy các vị thanh tịnh cả, vì các vị cùng im lặng. Việc này tôi nắm chắc như vậy.

Ghi Chú (12)

Dịch nghĩa là khí (bị bỏ ra ngoài tăng chúng), nhưng chính nghĩa là tha thắng (bị chiến thắng).

Ghi Chú (12b)

Tăng kỳ luật nói Tỳ kheo thọ cụ túc giới trong tăng hòa hợp. Thập tụng luật nói Tỳ kheo nhập vào trong giới pháp. Ngũ phần luật nói Tỳ kheo đồng được giới pháp. Hữu bộ luật nói đồng được học xứ.

Ghi Chú (13)

Sự dâm dục, Luật gọi là phi phạm hạnh, là bất tịnh hạnh.

Ghi Chú (14)

Không được cùng tăng chúng Yết ma và thuyết giới.

Ghi Chú (15)

Tăng thượng mạn là chưa được mà tự cho đã được. Nhưng rồi có người sau đó được thật. Ở đây trừ là trừ người này.

Ghi Chú (16)

Dịch nghĩa là tăng tàn, là phạm những tội này còn có thể cứu vãn được nếu biết sám hối trước 20 vị Tỳ kheo, không thì cũng như phạm tội Ba la di.

Ghi Chú (17)

Là thủ dâm.

Ghi Chú (18)

Dịch đủ là nói năng thô tục dâm đãng, tức nói về sự dâm dục, nói về những bộ phận sinh dục.

Ghi Chú (19)

Dịch đủ là khen mình để đòi nữ nhân hiến dâng sự dâm dục.

Ghi Chú (20)

Tức làm cốc, tịnh thất.

Ghi Chú (21)

Dịch đủ là làm nhà có thí chủ, làm cho mình, nhưng không thỉnh chư Tỳ kheo chỉ định nơi chỗ.

Ghi Chú (22)

Dịch đủ và sát là một cách không có căn cứ mà phỉ báng người khác phạm tội Ba la di.

Ghi Chú (23)

Dịch sát và đủ là mượn căn cứ khác mà phỉ báng phạm tội Ba la di.

Ghi Chú (24)

Dịch sát và đủ là phá hoại tăng hòa hợp mà chống lại sự can gián.

Ghi Chú (25)

Tăng hòa hợp là 4 vị Tỳ kheo sắp lên, cùng Yết ma và cùng tụng giới.

Ghi Chú (26)

Dịch đủ là hỗ trợ sự phá hoại tăng hòa hợp mà còn chống đối can gián.

Ghi Chú (27)

Dịch sát và đủ là làm hoen ố tín đồ, bị đuổi thì phỉ báng, chống đối can gián.

Ghi Chú (28)

Làm hoen ố tín đồ, chính văn là ô tha gia (làm bẩn người khác). Ô tha gia có 4 hình thức mà đứng đầu là đem vật của người này cho mà cho lại người khác, làm cho tâm lý người nào cũng không còn bình thường. Làm những việc xấu là những việc xấu dẫn ra từ sự ô tha gia.

Ghi Chú (29)

Dịch đủ là ngoan cố, chống cự chư tăng, chống đối can gián. Ngoan cố, chính văn là ác tính (tính tình ngang bướng).

Ghi Chú (30)

Sống riêng, chính văn là ba lị bà sa, dịch nghĩa là biệt trú. Biệt trú là ở riêng một mình trong 1 phòng xấu, với giường nằm xấu, trong thì gian bằng thì gian che giấu (kể từ khi phạm cho đến khi phát giác).

Ghi Chú (31)

Hoan hỷ, chính văn là ma na đỏa, dịch nghĩa là ý hỷ. Ý hỷ là ở sát cạnh chư tăng, chân thành ân hận, làm cho chư tăng hoan hỷ mà mình cũng hoan hỷ.

Ghi Chú (32)

Trường hợp, chính văn là thời. Chính văn trọn câu này là thử thị thời (đó là thời). Tra các bộ luật khác thì Ngũ phần và Thập tụng là thị pháp ưng nhĩ (giới này phải thế), Tăng kỳ là thị sự pháp nhĩ (việc này là thế), Hữu bộ là thử thị xuất tội pháp (ấy là cách giải tội). Như vậy chữ thời ở đây có thể hiểu và dịch là trường hợp. Sau đây có tất cả 9 chữ thời như vậy nữa.

HT. Thích Trí Quang