Bốn chữ T dành cho những ai chưa làm TỪ THIỆN

Lòng yêu thích làm từ thiện không phải ai cũng có, nhưng nếu đã làm rồi, thì quý vị sẽ thấy cuộc đời trở nên rất hạnh phúc, cuộc sống của người ấy mỗi ngày trôi qua rất có ý nghĩa.

thầy thích pháp hòa

Và có hai lợi ích to lớn của người làm từ thiện mà không phải ai cũng biết đó là :

1. Đang tạo thiện nghiệp :

Thiện nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với hạnh phúc của mỗi chúng sinh.Vì khi những việc làm thiện nó đã trở thành thói quen, tức là thành nghiệp. Thì nó sẽ có sức mạnh lôi kéo người ấy đi về hướng con đường thiện, gọi là nghiệp lực. Và cứ làm thiện mãi như thế thì sẽ như thế nào ?

Thì chúng ta sẽ bước vào mục thứ hai :

2. Phước báu gia tăng mỗi ngày :

Mục thứ hai chính là phước báu người ấy sẽ gia tăng mỗi ngày.

Khi phước báu gia tăng, thì quả lành sẽ xuất hiện, tức là sẽ được giàu có, sang trọng quý phái, khỏe mạnh, hạnh phúc, tài năng,…..Nếu người ấy biết hướng vào việc tu tập tâm linh, thì tâm rất dễ an định, dễ sáng đạo, ngộ đạo hơn người khác.
Tuy nhiên để làm từ thiện thành công, bền bỉ, thì quý vị cần phải nắm được bốn chữ T :

Chữ T thứ nhất là : TÂM

Người muốn làm từ thiện thì cần phải có tâm , tức là phải thương người, phải luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khốn khổ để suy nghĩ. Từ đó chúng ta mới xuất hiện được sự đồng cảm thương yêu. Và từ đó mới phát sinh lòng muốn giúp đỡ họ. Nên quý vị để ý thấy, có rất nhiều người họ tiền nhiều vô kể. Nhưng không dám bỏ ra 1 đồng để cho ai giúp ai cả. Đây gọi là sự keo kiệt ích kỷ, sống thiếu chữ tâm. Và sau khi chết chỉ để lại cho con cái nó phá tán.

Còn bản thân người ấy thì hết phước, chết đoạ vô làm ngạ quỷ, tức làm ma đói. Đây là điều rất đáng tiếc. Do vậy muốn làm được từ thiện thì chúng ta phải cần có cái tâm trước đã.

Chữ T thứ hai là : TÍN

Chữ tín đóng một vai trò rất quan trọng với người làm từ thiện.

Vì hàng ngày người làm từ thiện phải tiếp xúc với tiền, với quà, hay với các công việc, …Do đó người ấy phải làm sao, cho người khác cảm thấy thật sự tin tưởng thì mới được. Nên để giữ chữ tín rất khó chứ không dễ.

Trước đây tôi cũng tính giao nhiều Phật sự cho một số Phật tử làm, để cho họ có phước. Nhưng một số vị ấy không có trung thực, bị các Hộ Pháp nhắc nhở là không nên giao. Nên tôi đành phải rút lại. Vì giao họ làm ít, sau đó chiếm đoạt làm của riêng, như vậy thì thành ra có tội.

– Nên sự trung thực, là điều cực kỳ quan trọng đối với người muốn làm từ thiện. ” Thà đói chết chứ nhất định không có được lấy tiền từ thiện mà ăn “.

Chữ T thứ ba là : TẦM

Chữ tầm ở đây có nghĩa là :

Người ấy phải có tiếng nói với người khác, nói người khác phải nghe. Đây nó thuộc cái phước về uy lực của lời nói như bài hôm trước tôi đã viết. – Và cái tầm ta có thể hiểu một khía cạnh nữa đó là khả năng thu hút được nhiều người quan tâm, tức là lôi kéo được nhiều người khác cùng phụ giúp với mình. Có thể là các bạn thích làm thiện nguyện, các mạnh thường quân, hay các nhà hảo tâm…. Đây thuộc về cái phước vật chất quá khứ của người đó.

Chữ T thứ tư là : TUỆ

Tuệ ở đây chính là trí tuệ, mở rộng ra luôn, đó là sự thông minh, làm việc linh hoạt hiệu quả, uyển chuyển khéo léo, vừa lý vừa tình hết sức chuẩn xác.

Chữ Tuệ trong trường hợp này thuộc về nghệ thuật của sự lãnh đạo, của sự quản lý con người, và điều phối công việc. Ngày nay muốn làm tốt, thì người dẫn đầu cần phải biết kết hợp thêm với công nghệ hiện đại thì hiệu quả mang lại mới cao.

Qua phần tìm hiểu về bốn chữ T cho người làm từ thiện, thì quý vị thấy mình đã có được chữ T nào hay chưa ?
Hay đang còn yếu về chữ T nào ? Thì nên cố gắng bổ sung cho hoàn thiện. Có như thế thì con đường làm từ thiện của quý vị mới có thể thành công tốt đẹp được.

Chúc các vị hữu duyên có ngày mới nhiều an lạc.

Thiện Tri Thức

Namo Buddhaya

__(())__

Nguồn: Thầy Tánh Tuệ

Xem thêm: https://bachhac.net/phai-chang-nguoi-hien-la-co-duc.html