Thuở xưa có một cặp vợ chồng rất nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thường bị đói lạnh bức bách mà không làm gì khác hơn để thay đổi tình thế được. Tuy họ đi khắp nơi tìm việc khó nhọc để làm, nhưng việc làm quá khó kiếm. Nhìn thấy thiên hạ giàu có dư dả còn mình thì cùng khốn như thế, hai vợ chồng không ngừng cùng nhau than vắn thở dài.
Trở về ngôi nhà rách nát của mình, người chồng tên Kệ Duy La, ngồi trước mặt vợ nói rằng:
– “Đức Phật có nói người ta nghèo khổ là do kiếp trước bủn xỉn, tham lam. Tuy giàu có gia tài vạn ức mà nếu không tu phước, không bố thí thì kiếp sau chắc chắn không thể sống sung túc được.” Kệ Duy La ngừng một lúc rồi lại nói tiếp:
– “Than ôi! Chúng ta kiếp trước không tu phước, không biết gieo trồng phước điền nên kiếp này cùng khốn như vậy!”
Vợ ông nghe thế, vọt miệng nói mà không suy nghĩ:
– “Thế thì bây giờ mình tu phước đi, đời này mình không giàu có thì hy vọng đời sau sẽ khá hơn.”
– “Đúng vậy, tôi cũng nghĩ như bà! Nhưng hiện tại một ngày ba bữa ăn mình còn kiếm không ra lấy gì đâu mà bố thí cúng dường đây?”
Nói tới tiền thường làm cho người ta nhức đầu không biết phải làm cách nào để đào cho ra, nhưng đàn bà thường nhanh trí nên người vợ nghĩ ra ngay một giải pháp, nói với chồng rằng:
– “Đừng lo! Ông hãy đem tôi đi bán làm đầy tớ cho người ta, lấy số tiền đó làm phước, có khó gì đâu!”
Bà thấy giải pháp của mình rất hay, nhưng Kệ Duy La lắc đầu thở dài:
– “Không! Không thể làm như thế được! Tôi đem bà đi bán cho người ta rồi làm sao tôi sống nổi đây.”
Tuy cặp vợ chồng tuy nghèo khổ nhưng tình cảm của họ với nhau rất mặn nồng. Người vợ lại nói:
– “Nếu ông không bỏ tôi ra được thì cả hai chúng ta cùng đem thân đi bán để lấy tiền làm Phật sự thì việc thiện đó lại càng có giá trị chứ sao.”
Hai vợ chồng bàn tính và quyết định rồi bèn đến nhà một phú ông kể rõ ngọn nguồn. Phú ông ưng thuận mua họ. Hai bên thỏa thuận giá cả, kỳ hạn cho họ bảy ngày để lập hội trai tăng cúng dường, sau bảy ngày hai vợ chồng sẽ trở lại nhà Phú ông làm đầy tớ trả nợ. Cầm số tiền trong tay, hai vợ chồng Kệ Duy La mừng rỡ vô cùng, chạy ngay đến chùa lập hội trai tăng cúng dường. Hai người quên hết mọi khổ sở, hết lòng hết dạ phụng sự đại chúng, họ cảm thấy rằng đó là những ngày quý giá nhất đời họ, và cũng là những gì cuối cùng thuộc về họ. Trong suốt bảy ngày ấy họ muốn thay đổi vận mệnh của mình và tu nhân phước đức cho đời vị lai.
Sáu ngày trôi qua, đến ngày cuối cùng bỗng nhiên nhà Vua cũng đến chùa mở hội trai tăng. Theo tục lệ thì khi Vua đến bất kỳ người nào cũng phải nhường chỗ cho Vua cúng dường trước, nhưng Kệ Duy La nhất định không chịu nhường.
Nhà Vua không bằng lòng, cho triệu Kệ Duy La đến, trước mặt nhà Vua, Kệ Duy La thật tình thưa rằng:
– “Tâu Bệ hạ! Xin Bệ hạ tha lỗi hạ thần vô lễ! Chỉ vì hôm nay là ngày cuối cùng thuộc về hạ thần, ngày mai hạ thần thuộc về người khác mất rồi. Cho nên hạ thần không thể nhường cho Bệ hạ ngày cuối cùng của hạ thần để làm việc trai tăng.”
Nhà Vua nghe thế bèn hỏi Kệ Duy La nhân duyên gì lại đến đây làm lễ trai tăng cúng dường? Và nhất là tại sao bắt đầu từ ngày hôm sau lại thuộc về người khác? Kệ Duy La kể hết mọi sự việc cho Vua nghe. Vua cảm thấy tội nghiệp họ và khen ngợi tinh thần không tiếc tiền, không tiếc thân, không tiếc mạng sống của họ. Vì vậy, Vua ban cho họ rất nhiều quần áo, của cải quý giá, và còn cấp cho rất nhiều đất để họ lấy đó kiếm sống.
Nhân quả không bao giờ lừa dối ai, người nào chân thành phát tâm bố thí cúng dường tự nhiên sẽ gặp cơ hội phát tài không thể nào ngờ được.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT