Thâm Ý Qua Hình Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm

Quán Thế Âm, nghĩa là quán sát tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ.

Bồ-tát Quán Thế Âm hiện thân của đức từ bi. Muốn nói lên tình thương chân thành tha thiết nhất trong con người, không tình thương nào qua tình mẹ thương con. Mẹ đối với con là tình thương chân thành thâm thúy bao la, khó lấy cái gì có thể hình dung được. Cho nên, đức Quán Thế Âm hiện thân là một người mẹ hiền của nhân loại, hay của tất cả chúng sanh.

Ý Nghĩa qua hình tượng quán thế âm bồ tát
Ảnh: Lương Đình Khoa

Người mẹ dầu bận công ăn việc làm gì, một khi nghe tiếng con kêu khóc, mẹ buông bỏ tất cả vội vàng chạy lại vỗ về con. Đức Quán Thế Âm cũng thế, dù bận việc giáo hóa ở đâu, một khi nghe tiếng kêu thương của chúng sanh, Ngài liền hiện thân đến an ủi. Vì thế, gọi Ngài là Bồ-tát Quán Thế Âm.

Người mẹ hiền của tất cả chúng sanh, người mẹ lúc nào cũng lắng nghe tiếng nấc nở từ cõi lòng của đàn con dại đang đắm chìm trong bể khổ mênh mông, để đến xoa diệu, cứu thoát khiến mọi khổ não đều được tiêu tan.

Tay phải Ngài cầm cành dương liễu là tượng trưng cho đức nhẫn nhục. Tay trái cầm bình thanh tịnh đựng nước cam lồ là tượng trưng cho tâm từ bi. Chỉ có cành dương liễu mới có khả năng mang nước cam lồ rưới mát chúng sanh.

…Nước cam lồ là thứ nước rất trong, mát và thơm ngọt, do hứng ngoài sương mà được. Chữ cam là ngọt. Chữ lồ đọc trại chữ lộ, tức là sương hay móc. Khi người ta bị nóng bức khô khan, nếu được một giọt nước cam lồ thấm vào cổ sẽ nghe ngọt ngào mát
rượi.

Nước cam lồ tượng trưng cho lòng từ bi của Bồ-tát. Khi chúng sanh bị lửa phiền não thiêu đốt, thiết tha cầu cứu nơi Bồ-tát, Ngài sẽ mang nước từ bi đến dập tắt và đem lại cho người sự mát mẻ an lành. Chúng ta đang sống trong nhà lửa tam giới, ngọn lửa phiền não của chúng ta nổi cháy rần rần, nếu không có giọt nước từ bi của Bồ-tát, chắc hẳn tất cả chúng ta đều phải chết thiêu trong lò phiền não.

Từ bi là lòng thương không vụ lợi, không phân biệt thân sơ, không thấy có quý tiện, lòng thương chân thật bình đẳng. Sự quý báu cao cả của nó, chỉ có nước cam lồ mới đủ tính cách tượng trưng.

Nước cam lồ chẳng những cứu người qua cơn khát cháy cổ, mà còn đem lại cho người mùi thơm ngon ngọt dịu. Từ bi chẳng những cứu người trong cơn nguy khốn, mà còn đem lại cho người nguồn an lạc vô biên. Bởi tính chất quý báu vô thượng của nước cam lồ như vậy, nên phải đựng nó trong một cái bình thanh tịnh. Vì của quý bao giờ cũng đựng trong món đồ quý.

Bình thanh tịnh là tượng trưng ba nghiệp trong sạch. Chúng ta ôm ấp lòng từ bi muốn ra cứu độ chúng sanh, nếu thân, miệng, ý chưa trong sạch thì khó mong thực hiện lòng từ bi. Nếu cố gắng thực hiện, một thời gian cũng lạc về danh hay vì lợi. Ví như người có khoa y dược, sẵn sàng chữa trị bệnh khổ cho người, khi những con bệnh được lành, đương nhiên phải có sự đền đáp hay khen ngợi trên báo chí, nếu người ấy ý chưa trong sạch dễ nóng lòng danh lợi. Do đó, dần dần làm hoen ố lòng từ bi. Cho nên, muốn thực hiện lòng từ bi, điều kiện tiên quyết là ba nghiệp phải thanh tịnh.

Muốn mang nước cam lồ ra rưới mát chúng sanh, phải dùng cành dương làm phương tiện. Bởi vì chúng sanh trong đời này nghiệp chướng quá sâu dày, ít khi thấy lẽ phải. Họ chỉ sống theo bản ngã, sống vì dục vọng của họ, khó ai làm cho họ hài lòng. Dù người ấy sẵn sàng tiếp giúp họ trong khi khốn đốn, mà họ vẫn không biết ơn, đôi khi còn phản bội.

Người sẵn lòng từ bi ra tế độ chúng sanh, nếu thiếu đức tánh nhẫn nhục thì sự tế độ khó được viên mãn. Không phải ai ai cũng sẵn sàng đưa tay cho ta dìu ra khỏi con đường nguy hiểm hết đâu, dù họ là những kẻ mù. Có kẻ tin đưa tay cho ta dìu đi, song giữa đường vấp phải những hòn đá nhỏ, hay chạm những gốc cây, là họ sừng sộ với ta.

Có kẻ dìu đi được một đoạn, họ cho là nhọc nhằn khổ sở, không muốn đi nữa, rồi kiếm chuyện làm khó dễ ta. Có kẻ không ưng đưa tay cho ta dìu, lại còn mắng nhiếc ta thậm tệ.

Ở những trường hợp đó, dù ta có thiện chí muốn cứu giúp họ thế mấy, nếu thiếu đức nhẫn nhục, thử hỏi ta có thể làm được việc gì ? Bởi thế, người học đạo từ bi trước phải tập đức nhẫn nhục khi nhẫn nhục được thuần rồi mới ra thực hiện từ bi. Chưa tập được đức nhẫn nhục đã vội ra thực hành từ bi, chẳng những không làm được hạnh từ bi, mà lại phát sanh sân hận là khác. Cho nên, phải có cành dương rồi, sau mới nhúng nước cam lồ rưới mát chúng sanh.

Muốn diễn tả lòng từ bi cao cả của Bồ-tát Quán Thế Âm, tác giả dùng giọt nước nhành dương, thật là linh động biến ảo. Nước không cố định ở một hình thức nào, tùy duyên biến chuyển, có khi là thể lỏng, có khi là thể cứng, có lúc lại biến thành hơi. Nếu chúng ta chấp nước chỉ có ở thể lỏng, tức không hiểu được nước. Không phải chỉ ở một hình thức cố định, mà linh động tùy duyên. Đủ duyên cơ cảm thì Bồ-tát ứng hiện.

Nước khi đọng dưới hồ thu trong xanh in hiện bóng trăng, khi lóng trong khe đá làm nhà cửa loài rồng, lúc chảy ầm ầm thành suối gào thác đổ, thật không thể lường được diệu dụng của nước. Lòng từ bi của Bồ-tát cũng thế, mênh mông như bể cả bao hàm tất cả chúng sanh, tràn trề như ngọn triều lên mang hạnh phúc cho mọi loài thọ hưởng. Bất cứ nơi nào, chốn nào có cảm thì Bồ-tát đều ứng hiện. Sự ứng hiện tùy theo căn tánh chúng sanh, kẻ thấy Bồ-tát ở hình thức này, người cảm Bồ-tát nơi tướng trạng khác. Tựu trong có cảm thông nhất định có linh ứng.

…Ai cũng có thể là bậc cứu khổ chúng sanh, miễn họ phát tâm từ bi. Từ bi không phải là gia bảo dành riêng cho các bậc tu hành, mà nó là của chung tất cả nhân loại. Dù ở hoàn cảnh nào, trường hợp nào, cũng có thể thực hiện từ bi được, nếu trong lòng chứa sẵn từ bi.

Qua những lời tán dương trên, chúng ta thấy lòng từ bi cao cả khôn lường. Chúng ta lễ tượng đức Quán Thế Âm luôn luôn phải ghi nhớ hai đức tánh căn bản của Ngài: nhẫn nhục và từ bi, để đem áp dụng vào bản thân chúng ta. Có thế, sự lễ bái mới thật là hữu ích và cần thiết vô cùng.

[ Hòa thượng THÍCH THANH TỪ ]

Lương Đình Khoa