VĂN THỈNH CHUÔNG ĐẠI HỒNG

Kệ Chuông: Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Xướng Kệ: Thích Pháp Niệm

Ba nghiệp lắng thanh tịnh

Gởi lòng theo tiếng chuông

Nguyện người nghe tỉnh thức

Vượt thoát nẻo đau buồn.

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.

Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới

Khắp nơi u tối mọi loài nghe

Siêu nhiên vượt thoát vòng sanh tử

Giác ngộ tâm tư một hướng về.

Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới

Xa xôi tăm tối cũng đều nghe

Những ai lạc bước mau dừng lại

Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về.

Nghe chuông phiền não tan mây khói

Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười

Hơi thở nương chuông về chánh niệm

Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi.

Nghe tiếng chuông

Lòng nhẹ buông

Tâm tĩnh lặng

Hết sầu thương

Tập buông thả

Thôi vấn vương

Lắng nghe thấu

Tận nguồn cơn

Học nhìn lại Hiểu và thương.

Chuông đại hồng mới vọng

Tiếng kệ xướng đã vang

Trên vọng tới thiên đường

Dưới thông về địa phủ.

thích nhất hạnh

Trích từ Kinh ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN

Tôi nghe lời nói ấy, lòng sinh vui mừng, cho nên Bồ Tát, thường siêng năng học hỏi về kỹ nghệ, đủ các tài năng xuất chúng như: Âm nhạc, xướng kỹ, thiên văn, địa lý, toán kế, chú thuật, học thuốc, lái xe, cưỡi voi, cưỡi ngựa, biết sử dụng áo giáp, gươm giáo; cung tên, xuất trận, nhập trận, võ công hiển hách. Vì tôi có những kỹ nghệ mầu nhiệm như vậy, nên tất cả mọi người: Hoặc vua, hoặc đại thần v.v…không dám trái nghịch ý tôi, và tôi lại có đủ mọi thứ của cải giàu sang như: Y phục, thức ăn uống, vàng ngọc, vòng xuyến, ngọc lưu ly, san hô, hổ phách, xà cừ, mã não, châu báu, mai khôi, ma ni bảo châu, voi, ngựa, xe cộ, kiệu cáng, đứa ở, tôi đòi, cung nhân mỹ nữ, suối chảy ao tắm, đài quán làm bằng thất bảo, thứ thứ vi diệu như vậy vô lượng trăm nghìn.

Bồ Tát tuy có mọi thứ uy vũ, kỹ nghệ, trăm nghìn bảo tạng, voi ngựa, xe cộ, vô lượng mỹ nữ, thắng diệu đài quán, suối chảy ao tắm, tất cả ngũ dục, xưng ý như vậy, nhưng tâm không hề tham đắm, mà thường ít dục biết đủ, ưa thích những chỗ vắng lặng ở nơi núi rừng, tu tập thiền định, tuy ở trong đại chúng, nói năng bàn bạc, mà tâm thường nhập pháp môn đối trị, tuy cùng với chúng sinh, hòa quang đồng trần có những tài sản, xuất nhập, sinh kế lợi tức, nhưng trọn không làm điều ác, chỉ làm những việc lợi ích cho chúng sinh.

Nếu có người nghèo cùng khổ não, tới xin Bồ Tát những thứ cần dùng, Bồ Tát đều cung cấp khiến cho được thỏa mãn như ý muốn của họ.

– Nếu Bồ Tát thấy có chúng sinh, ưa muốn cầu Phật pháp, lại tới chỗ Bồ Tát, thân cận cúng dàng thừa sự, cung phụng hầu hạ, rửa chân, xoa bóp, giặt giũ, hong phơi, đưa càng dương, nước rửa, phất thức bao sái, trải giường tòa, cuốn gấp chăn gối, mỗi đêm ba thời, chập tối, giữa đêm, gần sáng, cung cấp đèn nến, bữa ăn sáng, trưa, chiều, dâng các món ăn như: Đát bát na, bồ xà ni, khư đà ni, và các thứ nước uống như: Nước hưng lợi sư, nước trái phức lặc ca, bồ đào, hắc thạch mật. Thừa sự như vậy, từ bảy ngày cho đến sáu mươi ba ngày, vì muốn cầu thỉnh Bồ Tát xin nghe Phật pháp.
Bồ Tát bấy giờ, tuy thấy người ấy, cung cấp như vậy, nhưng tâm vẫn không vui mừng.

Vì cớ sao? –Vì Bồ Tát ở trong thời gian lâu xa, vô lượng A tăng kỳ kiếp, cần cầu Phật pháp, là vì tất cả chúng sinh, với một bản hoài tối thượng: Tâm không tăng giảm, tâm từ bi, tâm trụ bình đẳng. Hoặc khi Bồ Tát làm Chuyển luân thánh vương, thường đem pháp thập thiện, dạy bảo tất cả chúng sinh, ai nấy đều theo ý của Bồ Tát, hoan hỷ phụng hành, sau khi mệnh chung, được sinh lên cõi trời, hưởng thụ những khoái lạc nhiệm mầu của ngũ dục, tôn nghiêm hào quý, vừa tâm thích ý, đứng ngồi ở nơi thiên cung, ngựa xe dạo chơi ở thượng uyển, kỹ nhạc hoan lạc, ăn uống vui vẻ.

Nhưng vô thường chợt tới, già bệnh chết chóc, già trẻ trai gái, sầu khổ áo não, cất tiếng kêu gào, đạp ngực, bứt tóc, ăn uống không biết ngon, tâm ý cuồng loạn, vất vả. Người chết được đưa chở trên xe, họ hàng khóc lóc tiễn đưa, đến khi mai táng xong rồi, già trẻ trai gái dìu dắt nhau trở về nhà, vì quá đau xót sầu khổ, nên có người hoặc bị mang bệnh, hoặc sinh ra điên cuồng, hoặc có khi bị chết. Người sống đã bị tổn hại lớn như thế, mà người chết cũng không lợi ích gì…