Mục Lục
- 1 Lời nói đầu
- 2 Đạo Phật là gì ?
- 3 Nguyên nhân hình thành đạo Phật
- 4 Vài nét về giáo lý Đạo Phật
- 5 Nếp sống đạo
- 6 Học theo lời Phật
- 7 Niềm tin vào Đạo
- 8 Nếp sống tâm Linh
- 9 Cuộc sống hằng ngày
- 10 Nếp sống đơn giản
- 11 Phát tâm ăn chay
- 12 Nếp sống tỉnh thức
- 13 Sống trong gia đình và ngoài xã hội
- 14 Đạo và đời
- 15 Danh thơm tiếng xấu
- 16 Chế nghự phiền não
- 17 Cái đẹp tự thân và cái đẹp bên ngoài
- 18 Phút giây hiện tại
- 19 Cuộc sống và công việc
- 20 Tình yêu chân chính
- 21 Sống điềm tĩnh
- 22 Sống chân thật
- 23 Xây dựng gia đình hạnh phúc
- 24 Sống cùng hàng xóm
- 25 Ý thức trong cộng đồng
- 26 Lễ phép
- 27 Giáo dục con cái
Lời nói đầu
Nhiều lúc, chúng ta nhìn thấy dòng sông không một chút gợn sóng, yên bình. Nhưng có phải bản chất thật của dòng sông là như thế không? Dòng nước vẫn luôn luôn trôi chảy mãi về với đại dương mênh mông vô tận. Cuộc sống cũng vậy, ngay từ khi bập bẹ cất tiếng khóc chào đời là chúng ta bắt đầu khởi hành tiến trình của mình đến với khổ đau của một kiếp người trong cõi Ta-bà phù du giả tạm này, với đầy ấp những bất trắc phiền muộn và âu lo. Làm sao để có thể phóng thích được những vụng về trong nếp sống đã huân tập ở tạng thức của mình qua vô lượng kiếp luân hồi sinh tử?
Để rồi ta có thể thanh lọc tâm hồn ngày một trong sáng và cao thượng hơn? Đó là một ao ước lớn của mỗi con người. Nhưng bạn có biết không? Cách đây nhiều thế kỷ, khi toàn thế gian vẫn mơ màng say ngủ, thì đức Phật đã tỉnh thức. Từ đó đến nay, Ngài đã giúp cho bao người thức tỉnh theo Ngài, đã soi sáng và hướng dẫn họ con đường đi đến nếp sống thanh tịnh, an vui. Bạn à! Để có được một nếp sống hạnh phúc và cao thượng, không gì hơn là chúng ta phải học tập và thực hành theo những lời dạy của Ngài. Vì Ngài là người tỉnh thức, học theo Ngài chúng ta cũng sẽ tỉnh thức, phát huy những hành động đẹp đẽ như quan tâm giúp đỡ đến nhiều người… để cùng phóng thích và chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau.
Chúng ta có thể chia sẻ với nhau những buồn vui, hầu mang lại sức mạnh và an lạc cho tâm hồn để cuộc đời này ngày càng tươi đẹp hơn. Hy vọng rằng với những ngôn từ mộc mạc đơn sơ thô thiển và sự hiểu biết có giới hạn của chúng tôi, có thể mang lại cho những người thân yêu của mình hiểu sơ luợc một phần nào về những bước đầu tiên trên con đường đạo.
Xin chắp tay nguyện cầu hồng ân chư Phật, chư đại Bồ-tát, chư Đại đức Tăng gia hộ cho con và mọi người có được nhiều nghị lực, từ đó có thể bước xa hơn trên đường đạo, đạt được nhiều sự an lạc và hạnh phúc ngay trên cuộc đời này.
Xin chân thành tri ân Thượng tọa Thích Tâm Quang, trụ trì Chùa Long An và Thượng tọa Thích Chân Tính, viện chủ Chùa Hoằng Pháp đã tạo mọi thuận duyên để chúng tôi hoàn thành cuốn sách này.
Đạo Phật là gì ?
Phật giáo được hiểu là giáo pháp mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã nói ra trong 49 năm thuyết pháp, và sau đó các đệ tử của Ngài trải qua ba lần kiết tập kinh điển, ghi lại toàn bộ giáo pháp của Ngài và truyền đạt lại cho đến bây giờ. Đức Phật là người đã đạt đến tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.
Ngài là bậc thầy của chư Thiên và loài người, là vị cha lành của bốn loài. Ánh sáng giáo pháp của Ngài đã soi sáng cho tất cả các chúng sinh đang bị mê mờ trong bóng đêm vô minh quay về giác ngộ và giải thoát. Phật nguyên ngữ là Buddha, dịch là người tỉnh thức. Người tỉnh thức là người có tuệ giác và chánh niệm sâu sắc nơi mỗi hành động và sự việc trong từng giây phút thực tại của cuộc sống.
Sự xuất hiện của đạo Phật trên thế giới này làm cho nhân loại thêm yêu thương nhau hơn, cho hoa lá thấm nhuần, ruộng đồng thêm bát ngát, bởi bản chất đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Nếu ai có duyên gặp chánh pháp, hiểu được lời dạy của đức Phật để ứng dụng vào cuộc sống nhằm chuyển hóa nội tâm, thì đời sống sẽ được an lạc và tốt đẹp hơn.
Đức Phật ra đời với bản hoài là khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến, chỉ cho chúng sinh thấy và hiểu rõ con đường đưa đến an vui và giải thoát. Với lòng từ bi, thấy kiếp nhân sinh đang còn vùi lặn trong biển đau khổ, Ngài ra đời đem ánh sáng trí tuệ, lòng từ ban vui cứu khổ cho nhân loại. Vì vậy, dù đức Phật đã vào Vô dư Niết-bàn, nhưng những lời dạy thiết thực và chân lý sâu mầu của Ngài, mãi được các hàng đệ tử chứng nhập và phát huy ngày càng hưng thịnh.
Nguyên nhân hình thành đạo Phật
Xã hội Ấn Độ thời đức Phật Đản sinh là một xã hội phức tạp và vô cùng bất công, bởi sự phân chia giai cấp và đối xử một cách tàn nhẫn giữa con người với con người. Xã hội được phân chia thành bốn giai cấp rõ rệt, gồm: Bà-la-môn (Bràhmana), Sát-đế-lợi (Kisatriya), Tỳ-xá(Vaisya) và Thủ-đà-la (Sùdra). Hai giai cấp sau bị coi là những người có bổn phận phục vụ và làm nô lệ cho hai giai cấp trước. Đức Phật đã nhìn thấy những tôn giáo hiện thời như tín ngưỡng Phạm Thiên của đạo Bà-la-môn hoặc những đạo thờ thần Lửa không đem đến được cho con người sự giải thoát, không góp phần xây dựng xã hội được yên ổn phồn vinh. Những tôn giáo ấy chỉ mang đến sự phân hóa và bất công cho con người đến tột bậc.
Dù là một Thái tử sống trong điều kiện giàu sang uy quyền, vinh hoa chất ngất, nhưng đứng trước thực trạng đau khổ của kiếp sống nhân sinh, những cảnh tượng con người phải làm nô lệ, kẻ mạnh hiếp yếu, bao mảnh đời bệnh tật, đau khổ với những cái chết tang thương chia cắt tình thâm con người đã làm thổn thức từ tâm của Thái tử. Ngài luôn luôn nghĩ tưởng đến cảnh bất công và đau khổ của kiếp người, nên đã quyết chí xuất gia tìm đường giải thoát cho mình, cho những người thân và cho cả nhân loại. Với chí nguyện lợi tha, từ bi và bình đẳng, không bao lâu sau khi thành đạo, giáo lý của Ngài đã lan tỏa toàn cõi Ấn Độ và sau đó được đệ tử của Ngài tiếp tục hoằng truyền khắp mọi nơi.
Phật giáo bắt nguồn từ đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Sakya Muni), người sáng lập đạo Phật cách đây 2500 năm. Trước khi tu đạo và thành Phật, đức Thích-ca có tên là Tất Đạt Đa (Shiddarta), cũng có cha mẹ và đã thành lập gia đình với công chúa Da-du-đà-la (Yasodhara), có một người con tên là La-hầu-la (Rahula). Trí tuệ giác ngộ mà Phật đạt được không phải do nơi một vị thần linh nào trao truyền, mà do chính kinh nghiệm tâm linh của Ngài chứng đắc.
Là bậc Đạo sư tối thượng của muôn loài, Ngài đã vạch ra cho chúng sinh con đường thoát khổ để đạt đến cứu cánh viên mãn. Ngài không phải là một đấng thần quyền có thể ban ơn giáng họa, mà là một vị đại y vương tùy tâm bệnh của chúng sinh mà cho thuốc giáo pháp. Đối với vị thuốc giải thoát trị lành bệnh khổ đau và phiền não, ai nghe và hành trì theo thì được thoát khỏi trầm luân khổ não. Lòng từ bi của Ngài đối với mọi chúng sinh tựa như mẹ hiền thương con nhỏ, không giờ phút nào mà Ngài không nghĩ đến những nỗi đau khổ của chúng sinh để tìm phương giáo hóa cho đến khi tất cả đều trọn thành Phật đạo.
Hiện nay, sự thành tựu vượt bậc của khoa học và sự tiến bộ của nhân loại đòi hỏi phải thẩm định lại những quan điểm triết học xưa nay để loại đi những tư tưởng lạc hậu phi lý phản khoa học. Thế nhưng, chân lý của đạo Phật vẫn như cây đại thọ, như ngọn hải đăng giữa đêm dài tăm tối. Điều đó đã chứng minh rằng, Phật giáo có một sức sống mãnh liệt tiềm ẩn sâu bên trong, không mơ hồ, mang tính thực tiễn, không phải là lý thuyết suông. Vì vậy, đạo Phật đã trở thành căn bản của nền văn hóa nhân loại, vì đạo Phật xác nhận giá trị con người và giá trị hành động của con người.
Vài nét về giáo lý Đạo Phật
Giáo lý đạo Phật bao gồm ba tạng kinh điển là kinh, luật và luận. Kinh là những lời dạy của Phật Thích-ca nói ra lúc Ngài còn tại thế, nhằm dạy cho chúng sinh dứt trừ phiền não, đạt đến sự an lạc và giải thoát tối thượng. Luật là những giới luật mà Phật chế ra áp dụng cho hàng đệ tử, nhằm mục đích ngăn ngừa điều dữ, tu tập điều lành để cho thân tâm được thanh tịnh. Luận là những sách do đệ tử của Phật viết ra khi Ngài đã nhập Niết-bàn, mục đích là để giải thích rõ ràng nghĩa lý mầu nhiệm trong kinh, luật, để phân định thế nào là lẽ phải và tà kiến cho người đời sau khỏi bị lầm lẫn.
Người Phật tử chúng ta hành trì theo giáo lý của Phật thì sẽ đạt được nhiều lợi ích và mang lại cho chúng ta sự yên vui bất tận. Đạo Phật còn giúp cho người tu hành gạn lọc những ô trược của cõi đời để được sống trong tinh khiết. Muốn đạt được những lợi ích nêu trên, chúng ta phải tích cực nghiên cứu giáo lý Phật dạy để áp dụng vào thực tại đời sống. Hiểu được giáo lý, chúng ta phải tích cực thực hành hạnh từ, bi, hỷ, xả với mọi người xung quanh.
Giáo lý đạo Phật luôn đặt con người làm trọng tâm. Thế Tôn đã dạy rằng đọa địa ngục thì quá khổ sở, ngạ quỷ lại quá đói khát, súc sinh sẽ ngu si, còn lên cõi trời quá sung sướng không thể tu được, chỉ có thân người mới có đủ điều kiện để tiến tu. Vì cảnh giới của con người vừa có vui vừa có khổ, giữa hai trạng thái đó, người ta mới phát tâm tu.
Tóm lại, nội dung những lời dạy của đức Phật là phát triển tâm thức, con đường thật sự đưa đến ngay trong đời sống, cho dù trong bất cứ thời gian hay không gian nào, mục tiêu của con đường đó không thể đổi khác.
Nếp sống đạo
Mục đích của đạo Phật, như chúng đã ta biết, là đem lại hạnh phúc chân thật cho muôn loài. Vậy, như thế nào là hạnh phúc chân thật? Quan niệm về hạnh phúc như thế nào mới đúng?
Phần đông, mọi người đều cho rằng hạnh phúc là sự thỏa mãn những ước muốn của mình. Nói cách khác, là được chìm đắm trong sự thọ hưởng Ngũ dục lạc, là tài, sắc, danh, thực, thùy. Khi đạt được những thứ này thì người ta cho rằng là mình có hạnh phúc.
Như ta biết, lòng tham của con người thì sâu như đáy bể, con người có bao giờ thỏa mãn với sự ham muốn của mình đâu! Lòng tham của con người vốn là điều vô tận. Vì tất cả chúng ta đều sống trên cõi Dục, nên mọi tư tưởng đều xây dựng trên dục lạc. Tuy có những tham vọng thanh tao và có những tham vọng tho kệch, nhưng tất cả đều không nằm ngoài sự chi phối của dục vọng. Một người nghèo khổ chỉ muốn có đủ áo cơm cho gia đình. Nhưng khi có đủ áo cơm vẫn chưa lấy làm thỏa mãn, người ấy muốn có một căn nhà để gia đình ẩn náu. Nhưng khi được căn nhà, lại vẫn chưa lấy làm thỏa mãn. Cái tham vọng vô cùng đưa người ta đến chỗ vô lý một cách quá đáng. Có khi con người ước muốn một cách quá vụng về.
Hễ tham vọng thì phải được thỏa mãn, nhưng sự thỏa mãn chỉ có trong giây lát rồi lại có một ước muốn khác phát sinh thì sự thỏa mãn không còn nữa và con người phải chạy theo ước muốn mới, vì thế mà suốt đời cứ lận đận, gian nan. Những ước muốn thường không được thực hiện và đó là nguyên nhân cho bao nỗi khổ ở đời. Ưa muốn mà không được là khổ, khi chạy theo dục vọng, người ta có thể phạm vào tội ác. Những nhân xấu ấy đã đưa lại cho con người quả báo vô cùng đau khổ. Ngọn lửa dục vọng từ con người phát sinh trở lại thiêu đốt con người, thiêu đốt cả đời sống nhân loại. Vì vậy, mục đích của đạo Phật trong cuộc đời là giúp mọi người thoát khổ được vui. Đức Phật dạy rằng chúng ta muốn bớt khổ thêm vui, một cách đơn giản là chúng ta phải nên quý trọng những gì mà ta có, cả trong những phút giây, trong từng hơi thở và cả trong đi đứng, nằm ngồi, nói cười, suy nghĩ v.v…
Tu theo đạo Phật, ta có thể đạt được tuệ giác sâu rộng để không bị quay cuồng trong sự vận hành của vật chất và ham muốn, mà mất đi những phẩm hạnh cao đẹp cần có của một con người. Trong mỗi giây phút, nếu chúng ta biết rằng mình đang làm gì, nghe gì, cảm gì, thì cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn.
Tóm lại, Phật giáo vừa là một tôn giáo, vừa là một triết lý mà đức Phật là một nhà giáo dục vĩ đại. Đạo Phật luôn chủ trương rằng con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản thân mình trong những điều kiện hiện tại của cuộc sống, những gì đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra đều do hành động (nghiệp hay Karma) của mình tạo. Là Phật tử học theo lời Phật, chúng ta phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, để về đến bến giác ngộ một cách yên bình.
Học theo lời Phật
Học và hành theo lời Phật dạy, tìm hiểu và hấp thụ giáo pháp của Ngài. Dùng ba phương pháp “văn, tư, tu”, tức là nghe lời giảng hoặc đọc kinh sach, suy ngẫm để thấm nhuần tinh túy của lời Phật dạy nhằm áp dụng vào đời sống để điều phục tâm mình không cho vọng động. Ta nên thực hành theo pháp môn Tam vô lậu học Giới–định–tuệ và tinh tấn niệm Phật để tiêu trừ nghiệp chướng.
Việc học Phật cũng quan trọng như hơi thở chúng ta vậy. Bình thường ta thấy nó không quan trọng, nhưng đến khi hơi bị trở ngại thì nó lại vô cùng có ý nghĩa. Nếu ta không tranh thủ thời gian để học hỏi Phật pháp và tu tập thì sẽ muộn mất.
Vậy phải học tập và hành trì như thế nào? Truớc hết, chúng ta phải học hỏi giáo lý từ Thầy bạn, từ những vị giảng sư trong các khóa tu Phật thất hoặc tu Bát quan trai. Nếu có điều kiện thì nên tham gia học các lớp giáo lý dành cho Phật tử hoặc chương trình Phật học hàm thụ của Nguyệt San Giác Ngộ. Ta cũng có thể học từ các kinh sách băng đĩa dành cho Phật tử sơ cơ. Học tập được đến đâu thì ta nên áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình đến đấy để có được hạnh phúc và an lạc. Khi ta đã hiểu được lời Phật dạy và hành trì theo những lời dạy ấy thì ta sẽ kiểm soát được thân tâm, phiền não khổ đau sẽ bị chế ngự và dần bị loại trừ.
Tu học theo Phật giáo là tìm trở về an trú trong sự tỉnh giác thanh tịnh để phat huy một loại hiểu biết đặc biệt được gọi là trí tuệ. Đức Phật luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng tuệ giác rất quan trọng trong đời sống. Nó có thể giải thoát chúng ta ra khỏi tất cả những mê lầm và tiến dần đến hành trình giác ngộ.
Niềm tin vào Đạo
Đến với đạo Phật, chúng ta phải có niềm tin. Trong từ vựng tiếng Pàli, niềm tin được gọi là “Sadda”, nhưng niềm tin đó phải là chánh tín, là do sự hiểu biết tuyệt đối mà tin chớ không tin mù quáng. Không tin vào quyền lực của một đấng tối thượng nào. Duy chỉ có những lời dạy của đức Phật mới giúp chúng ta nhận ra được giá trị chân lý của cuộc sống, nếu áp dụng cho thân tâm thì ta có thể phóng thích và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau cho chính bản thân chúng ta, cho gia đình và cho cả mọi người.
Theo tâm lý học Phật giáo, niềm tin là cái cổng dẫn đến mọi điều, tạo nên cảm hứng và tự trọng, khích lệ mạnh mẽ sự hiểu biết của chúng ta. Thật vậy, nếu ta có niềm tin vững chắc từ chính bản thân mình, thì cuộc sống hằng ngày đối với chúng ta không còn là nỗi lo âu và bận tâm nữa, cho dù bất cứ điều gì xảy ra với chúng ta, điều đó là tốt nhất hay xấu nhất, lời khen, tiếng chê, thành công hay thất bại.
Chúng ta có cái nhìn không chánh kiến, không dám đối diện với chính mình thì chúng ta sẽ cảm thấy sợ hãi và hèn nhác. “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại cách núi ngăn sông”(Nguyễn Thái Học). Thật vậy, không có một trở ngại nào không thể vượt qua nếu chúng quyết tâm tu tập, dùng ngọn đuốc Phật pháp để soi đường thì niềm tin và sự tu tập của chúng ta sẽ đạt lên đỉnh cao trên con đường mà ta sẽ tới.
Nếp sống tâm Linh
Trong đời sống, ai cũng sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà, ai cũng ao uớc làm sao để xây dựng nó cho đẹp đẽ, kiên cố và vững chắc. Tuy nhiên, xét cho cùng thì đó cũng chỉ là hình tướng và vật thể của ngôi nhà thế tục. Ngôi nhà tâm linh không như ngôi nhà bình thường mà ta có thể dùng mắt để có thể nhìn thấy được. Ngôi nhà này không được xây dựng bởi vật chất mà bởi tuệ giác và sự tu tập, quán chiếu soi rọi vào từng sự việc và hành động của từng phút giây hiện tại mà ta sống bởi chính tâm thức của mình.
Sống ở cõi đời thì có thể nghèo tiền nghèo bạc chớ đừng nên nghèo đói về nếp sống tâm linh, nghèo đói về tâm linh là một sự mất gốc, không có sự truyền thống với gia đình tâm linh tổ tiên thì thật là nguy hiểm. Không riêng gì người Việt Nam chúng ta, mà mọi người trên thế giới này điều cần có một ngôi nhà tâm linh vì nó là món ăn tinh thần không thể thiếu được của mọi người, nó là chỗ cho tâm ta quay về nương tựa sau những cơn sóng gió của cuộc đời.
“Quay về nương tựa hải đảo tự thân
Chánh niệm là Phật soi sáng xa gần”.
Những chất liệu để xây dựng ngôi nhà thế tục là xi măng, sắt, thì những chất liệu giúp cho ta xây dựng vững chắc nền móng của căn nhà tâm linh là Giới, Định và Tuệ. Đối với hàng Cư sĩ tại gia, Phật dạy Ngũ giới. Thọ trì Ngũ giới là một trong những phương thức tạo nên đời sống an lành là không có kẻ thù nghịch.
Không trộm cắp: Người trộm cắp luôn luôn lo sợ bị truy tố trước pháp luật và chính lòng họ cũng thường bị ray rức, ân hận. Trái lại, người biết tri túc, biết nuôi mạng chân chính không bao giờ phải lo sợ như thế. Không lo sợ thì đời sống thêm tươi vui.
Không tà hạnh: Trong một gia đình, nếu vợ chồng hòa thuận, tin yêu. Chồng giữ đúng bổn phận làm chồng, vợ biết lo tròn bổn phận của vợ, không đứng núi này trông núi nọ và chung lo xây dựng gia đình, thì đó chính là một gia đình đầm ấm. Những điều trên giúp cho thân trong sạch hay nói cách khác là để kiểm soát hành động hằng ngày của mình.
Không nói dối: Là để rèn đức thành tín chân thật. Người chân thật và thành tín được mọi người tín nhiệm, tin tưởng. Dĩ nhiên, trong công việc giao tiếp hằng ngày, ai cũng muốn được tín nhiệm, tin tưởng vì đó là yếu tố thành công trên cuộc đời.
Không uống rượu và các chất gây say: Không những Phật giáo mà nhiều tôn giáo khác cũng chỉ dạy tín đồ không nên uống rượu. Vì người say sưa tự hạ phẩm cách của mình. Hơn nữa, theo y học, rượu làm cho mạch máu không co giãn được, dễ bị chứng lưu huyết làm thần kinh ở não cũng bị ảnh hưởng, làm giảm trí nhớ.
Vậy, chúng ta giữ giới chính là để xây dựng một cuộc sống lành mạnh từ thể chất đến tinh thần, chớ không phải vì yếm thế, chán đời. Những chất liệu này nó còn vững chắc hơn cả bê tông, cốt sắt. Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu là những chất liệu tinh bảo giúp cho ta làm lành lánh ác. Những điều này là tài sản quý báu, có thể giúp chúng ta xây dựng tốt ngôi nhà tâm linh của mình.
Đời sống đã khổ bởi sự móc xích dây chuyền của khổ, nghiệp và phiền não. Vậy tại sao chúng ta không noi theo gương đức hạnh của đức Phật mà xây dựng tường vách cho ngôi nhà tâm linh của chính mình bằng những sinh hoạt trong tuệ giác của thiền quán. Khi tâm ta thanh tịnh thì không lo gì. Lúc đó, chắc chắn chúng ta sẽ có tuệ giác của tâm linh dẫn đường để vượt qua những cơn giông tố của cuộc sống.
Cuộc sống hằng ngày
Lục Tổ Huệ Năng có dạy:
“Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày
Gắng công suy xét nguyên lai là gì”.
Một ngày so ra chẳng là bao với cuộc sống của chúng ta, nó lại chẳng thể so sánh với số kiếp vô lượng và số kiếp A-tăng-kỳ mà chúng ta đã trải qua trong luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, một ngày mà ta biết tu là một ngày ta đã gần với Phật, một ngày ta quay lại soi sáng chính mình để trả lời câu hỏi của Tổ Huệ Năng. Hiện tại ta là ai? Từ đâu đến. Và sau khi chết ta về đâu?
Khi nghĩ về những câu hỏi lớn đó, ta sẽ buông bỏ những điều xấu ác và thực hành những điều thiện để quay trở về với bản tính chân thật vốn có của mình. Trong mỗi phút giây, nếu tâm ta không khởi lên những vọng niệm xấu ác, thì giây phút đó ta đã có một niệm tu. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rõ mục đích của mình. Tu để làm gì? Khi ta xác định rõ được mục đích, thì mục đích ấy sẽ là động lực thúc đẩy tâm hồn ta chuyển hóa một cách nhanh chóng.
Còn nếu không xác định rõ con đường mà mình sẽ đến, thì sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Bởi vì những ngoại cảnh và nghịch duyên tác động vào chúng ta làm cho ta dễ bị thối thất tâm Bồ-đề. Những chướng ngại đó nằm ngay trong tâm, làm cho chúng ta phải khổ đau phiền não. Không khổ về cái mắt cũng khổ về cái tai, không khổ về cái tai thì cũng khổ về cái lưỡi. Không khổ về cái lưỡi thì cũng có thể khổ về cái thân, cái ý.
Những thứ khổ này làm cho chúng ta trôi lăn trong vòng luân hồi lẩn quẩn. Khổ vì ta còn vướng tiếng, lưỡi còn vướng vị ngon, miệng còn thích thị phi, ác khẩu, ý còn chạy rong như con ngựa hoang nơi đồng nội, như vượn chuyền cành.
Giáo pháp của đức Phật mênh mông và sâu thẳm, chúng ta phải học và thực tập từ thấp đến cao. Chúng ta nên tu tập những giáo pháp nào phù hợp với căn tính và những lời dạy nào mà chúng ta cảm thấy hợp duyên và có thể tu ngay bây giờ. Hãy tu tiến từng bước chậm và chắc để giáo pháp của đức Phật thấm sâu vào trong tâm thức chúng ta.
Nếp sống đơn giản
Đức Phật đã dạy: “Đa dục vi khổ” nghĩa là còn ham muốn nhiều thì còn khổ nhiều, càng hy vọng nhiều thì càng thất vọng nhiều, càng chứa nhiều thì tâm ta càng trĩu nặng. Xã hội văn minh cho ta những vật chất, nhưng nó đã cướp mất ở ta cuộc sống đơn giản thường tình, cướp mất cái hạnh phúc chân thật ở chính ta, làm cho ta đánh mất đi lương tâm và sự truyền thống với những người mà chúng ta thương mến, đó là cái mà người ta quý hơn tất cả mọi thứ tiền tài vật chất trên đời. Mà bất hạnh thay, đôi khi ta lại chửi rủa họ vì những thứ vật chất rất tầm thường.
Muốn tránh cảnh làm nô lệ cho vật chất tiện nghi, hãy tập cho mình cuộc sống đơn giản. Càng ít nhu cầu bao nhiêu thì càng ít lo bấy nhiêu. Nói như thế không có nghĩa là mình phải đi lùi với đời sống xã hội bên ngoài. Chúng ta sống một cách thanh thản và tạo ra của cải vật chất để làm tốt đẹp cho cuộc sống hiện tại và thế hệ mai sau. Nhưng điều cốt yếu là chúng ta đừng chạy theo vật chất và làm nô lệ cho vật chất. Hãy tập sống đơn giản không phải quá ưu tư, lúc đó tâm ta tự nhiên sẽ được nhàn nhã hơn. Ta có một đời sống ý nghĩa và có lợi ích cho mọi người, còn không ta cứ sống theo vật chất thì chẳng khác nào con thiêu thân lao vào đèn tự giết mình.
Nên là người học Phật, ta hãy dành những thời giờ quý báu của cuộc sống này để giúp đỡ và mang niềm vui làm vơi bớt những nỗi đau khổ của người khác. Hãy tập cho mình sống như những vị Bồ-tát hóa thân, vị tha với hạnh nguyện giúp cho mọi người thoát ra vũng bùn đau khổ. Sống dấn thân vào đời để cứu độ nhân sinh.
Phát tâm ăn chay
Ngạn ngữ có câu:
“Xưa nay trong một bát canh
Oán sâu như bể hận thành non cao
Muốn hay nguồn gốc binh đao
Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh”.
Tất cả loài chúng sinh, từ loài có vảy, có mao, lông vũ… thể chất tuy khác người, nhưng sự hiểu biết và đau khổ đâu có khác con người. Bởi đời trước tạo nghiệp bất thiện nên đời này phải làm thân súc sinh. Theo quan điểm của đạo Phật: “Mọi vật đều bình đẳng một thể, đó là đại bi” và xem mọi loài chúng sinh đều có Phật tính, đều sẽ thành Phật, cho nên chủ trương ăn chay và phóng sinh. Trong cuộc sống, con người bị Ngũ dục chi phối, chỉ vì muốn ăn ngon nên sát sinh để nuôi dưỡng thân mạng.
Song, họ không biết rằng, ăn thịt chúng sinh là một sự thật vô cùng nhẫn tâm. Người ta đã làm ngơ trước sự kêu gào thống thiết khổ đau của chúng sinh khi bị giết. Vì vậy mà ta ăn chay để thể hiện lòng thương xót loài vật, không nỡ đóng gióp thêm vào nỗi thống khổ của cuộc sống đầy đau thương bị hành hạ, đánh đập. Trước khi chết còn phải chịu sống những ngày kinh hoàng trên những chiếc xe chuyên chở khổng lồ, đói khát, dồn ép trong một trạng thái thần kinh rất khủng khiếp, rồi bị lùa vào hành lang dẫn đến lò sát sinh, để nghe thấy những tiếng thét thất thanh trong phút giây giãy chết. Trong kinh Hồng Danh cũng có nói: “Không tự mình giết, không bảo người giết, không tán đồng việc giết chóc”. Nhìn kỹ vào trong một miếng thịt, chúng ta sẽ thấy máu me tràn đầy, nhìn kỹ vào một bữa ăn chúng ta sẽ thấy dẫy đầy sự đau khổ.
Một trong những lời dạy quan trọng cốt tủy của đức Phật là phải dùng tâm bình đẳng đối xử với mọi loài, cả người lẫn vật. Vậy là Phật tử, chúng ta nên phát tâm ăn chay, vì ăn chay làm ta tăng trưởng lòng từ bi, bình đẳng đối với mọi loài. Ăn chay sẽ giúp cho chúng ta được nhẹ nghiệp vì tránh được sát sinh. Nhờ vậy mà thân tâm ta được thanh tịnh và cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Khi ăn chay tức là ta đã gieo cái “nhân” tốt thì tất nhiên cái quả sẽ tốt. Điều chắc chắn là người nào ăn chay đều cảm thấy tâm hồn trở nên an lạc, dễ dàng gần gũi và thông cảm với loài vật và yêu mến thiên nhiên. Ăn chay hay không ăn chay, tất cả điều tùy thuộc vào sự hiểu biết chính chắn và lòng từ bi của mỗi người.
Chúng ta có quyền lựa chọn, lựa chọn ăn chay hay ăn thịt cá cho ngon miệng không phải là vấn đề quan trọng, mà là chọn một lối sống có ý nghĩa mới là điều quan trọng. Ăn trên nỗi đau đớn của chúng sinh thì chắc chắn không phải là một lối sống có ý nghĩa. Vì những lẽ trên nên chúng ta hãy phát tâm ăn chay, và trong tinh thần của Phật giáo, ăn chay còn là một pháp môn tu tập. Việc ăn chay không những giữ gìn thân thể khỏe mạnh, mà còn giữ tâm thanh tịnh.
Vì thế, chúng ta nên phát nguyện đời đời kiếp kiếp không dùng thịt các loại súc sinh, động vật để làm thực phẩm nuôi sống thân mạng mình. Xin nguyện cho tất cả mọi người và mọi loài đều có tâm nguyện này.
Nếp sống tỉnh thức
Những ai luôn hồi ức về quá khứ và mơ tưởng đến tương lai mà quên đi những phút giây hiện tại nhiệm mầu mà mình đang sống, người đó chỉ có thể chuốc lấy những nỗi khổ và niềm đau mà thôi. Tại sao chúng ta không bằng lòng với thực tại? Bằng lòng với thực tại có nghĩa là ta hạnh phúc với những gì đang có mặt quanh ta.
Trong sự phù du của kiếp người trong cõi Ta-bà giả tạm này thì có cái gì là tồn tại dài lâu, trường tồn bất biến với ta đâu! Kể cả xác thân này huống chi là tiền tài vật chất! Con người cũng như vạn vật có mặt trong vũ trụ này, có thành rồi có hoại, có hợp rồi có tan. Nên trong kinh Pháp Cú, đức Phật đã dạy: “Cao thì phải rơi, hợp thì phải tan, sinh thì phải tử”.
Đó cũng là một quy luật biến đổi tự nhiên của vũ trụ và nhân sinh. Vì vậy mà ta cũng đừng cố chấp, tiếc nuối những được mất hơn thua làm gì thêm cho khổ, hãy đón nhận những cái gì đến với ta một cách tự tại an nhiên. Vì sự sợ hãi sẽ đeo đẳng chúng ta nếu chúng ta tìm cách chạy trốn khổ đau. Thất vọng chán chường sẽ đến nếu chúng ta thích đón nhận sự sung sướng và hạnh phúc.
Đời sống luôn trói buộc chúng ta với những ganh tỵ, thèm khát, sân hận, cô đơn, thất vọng và bất mãn. Làm sao bây giờ? Muốn có được cuộc sống tỉnh thức và niềm vui rộng lớn, chúng ta phải định tĩnh, soi rọi phần nội tâm từ lâu mà nó đã bị lãng quên. Định tĩnh bằng cách nào? Niệm Phật sẽ giúp chúng ta định tĩnh và phát huy khả năng thương yêu với người khác. Khi tâm hồn chúng ta đã lắng đọng để có thể quán xét một cách chính xác những gì đang xảy ra, từ đó chúng ta có thể gạn lọc được những tri giác sai lầm.
Khi ta có tình thương thì ta sẽ đem được hạnh phúc cho người khác. Hãy dành một ít thời gian mỗi ngày, ngồi ở nơi yên tĩnh, hãy nghỉ đến những tai hại do lòng căm thù, sự tức giận và nỗi phẫn uất gây nên. Hãy nghĩ xem lòng tự ái đã đưa đến cho chúng ta sự lợi lạc hay chỉ là những tị hiềm ganh ghét. Sau khi đã quán xét những thứ ấy, ta nên tự nhắc lại tư tưởng từ ái sau: “Mong cho con thoát khỏi mọi phiền toái từ tức giận, sợ hãi, căng thẳng, lo âu đến căm thù. Mong cho con và mọi người luôn an vui và hạnh phúc” hoặc: “Mong cho con và mọi người luôn sống trong tình thương và tránh khỏi mọi lo âu giao động…”.
Sự định tĩnh không đòi hỏi sự cố gắng quá mức hay vội vã hấp tấp mà là sự nghỉ ngơi thoải mái, lúc nào trên môi cũng có sẵn nụ cười. Đức Thế Tôn là bậc toàn giác, nhưng những hoạt động của Ngài rất đơn giản. Khi đi thì Ngài đi, khi nói thì Ngài nói, chỉ có vậy. Ngài không suy nghĩ trong khi đang nghe, Ngài không để tâm rong ruổi trong khi đi, tất cả đều chánh niệm và tỉnh giác. Những điều này khó nhưng Ngài làm được nên Ngài được giải thoát.
Sống tỉnh thức là phương tiện duy nhất giúp chúng ta phóng thích ra khỏi những phiền lụy của cuộc đời. Nhưng muốn có sự tỉnh thức thì chỉ có con đường duy nhất mà Phật đã dạy là phải định tâm có định thì mới có sự tỉnh thức được.
Sống trong gia đình và ngoài xã hội
Trong cuộc sống, có những người có tri giác sai lầm, cho rằng Phật giáo là một tôn giáo thu mình, biệt lập với xã hội bên ngoài. Suy nghĩ như vậy là không đúng với đạo Phật. Giống như người nhìn quả trứng và cho rằng quả trứng tuy tròn, nhưng bên trong thì rỗng không. Song thực tế, quả trứng không phải là rỗng không mà chứa đầy đủ các yếu tố vốn có của nó. Đạo Phật cũng vậy.
Hãy nhìn vào lịch sử của đức Phật, chúng ta sẽ thấy đời sống của Ngài là một tấm gương sống động, phản chiếu và soi rọi lại những hy sinh lớn lao của Ngài, tất cả cũng chỉ vì hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại trên cõi đời này.
Từ một Thái tử sống trong cung vàng điện ngọc với đủ quyền uy và vợ con xinh đẹp, nhưng vì nỗi thống khổ của chúng sinh nên Ngài đã từ bỏ tất cả để vào núi sâu tu tập và thành đạo Bồ-đề. Từ đó mà dấu chân hoằng hóa của Ngài dọc ngang khắp xứ Ấn Độ để thuyết giảng về nguyên nhân của khổ và phương pháp diệt trừ để đạt đến sự yên vui tối thắng. Giờ đây, chúng hãy nhìn sự đóng góp của những người xuất gia cho hạnh phúc yên vui của con người và xã hội thì sẽ thấy sự tích cực của đạo Phật đối với cuộc đời.
Đâu phải ai tu tập theo truyền thống đạo Phật đều phải lìa bỏ gia đình. Đức Phật đã từng nhắc nhở, nếu ai hôm nay có đủ duyên thì hãy xuất gia, còn điều kiện nhân duyên chưa đủ thì tu tập tại gia vẫn tốt. Đức Phật từng dạy cho chúng ta những luân lý sống đơn giản, hài hòa giữa người này với người khác, giữa cá nhân và cộng đồng xã hội. Ngài đã đề cao tinh thần trách nhiệm với cha mẹ, con cái, chồng vợ, những người thân trong gia đình, nhằm tạo nên một cuộc sống êm ấm hạnh phúc cho gia đình và xã hội.
Chính Ngài đã dạy rằng nghèo khổ tuy không phải tội ác và thiếu văn hóa, nhưng nó lại là nguyên nhân chính đưa đến tội ác và thiếu văn hóa. Ngài đã dạy cho ta biết về giá trị của cải và sự quan trọng của việc phát triển kinh tế trong đời sống hạnh phúc. Theo Ngài thì những tội ác như cướp bóc do nghèo khổ mà ra thì không thể nào ngăn chặn bằng hình phạt mà phải tạo ra công ăn và việc làm, từ đó con người sẽ vui sống thoải mái, không mắc nợ và không tội lỗi.
Tóm lại, đức Phật đã chỉ cho chúng ta sự gần gũi giữa gia đình và xã hội. Ngài chỉ cho chúng ta những điều phải chớ không mê tín mù quáng. Ngài đã vạch ra cái gì là phải, cái gì là trái, cái gì tốt và cái gì không tốt. Theo Ngài thì nếu chúng ta sống trong phẩm hạnh và lòng từ bi, tức là chúng ta đã thật sự an lạc rồi vậy.
Ngược lại, nếu chúng ta để cuộc sống kéo lê trong chuỗi ngày dài khổ đau về thể xác và tinh thần, tức là chúng ta đã đánh mất hạnh phúc thực tại rồi vậy.
Đạo và đời
Đạo và cuộc sống hằng ngày nếu được hòa hợp tự nhiên và trọn vẹn giữa thân và tâm thì cuộc đời này, người ta sẽ sống tràn đầy hỷ lạc và có nhiều hạnh phúc lớn. Chúng ta đều biết tâm ta là con vượn chuyền cành và ý là con ngựa rong chơi ngoài đồng nội. Từ đó mà những vọng tưởng phiền não như vui buồn, thương ghét, oán giận, đến tham lam, bỏn xẻn tỵ hiềm, có khi những ý tưởng đó đến và đi trong khoảnh khắc nhẹ như một cơn gió thoảng hay chỉ là một giấc mộng mà thôi.
Phần lớn sự suy nghĩ của chúng ta chạy theo Lục trần và tư tưởng dẫn chúng ta đi đâu thì chúng ta đi đó. Nếu chúng ta không được sung sướng, thoải mái, thì chúng ta phiền muộn, tức giận, chán ghét và khổ đau. Có khi nào ta mơ ước có được một phút thảnh thơi, thanh tịnh để cuộc sống có được niềm vui hay không? Bởi vậy, nỗi khổ và niềm đau cứ chiếm trọn trái tim và không có cơ hội để ta phóng thích những niềm đau đó.
Đạo Phật dạy chúng ta hãy sống với sự “thiểu dục tri túc”, nghĩa là chúng ta phải thấy đủ và biết đủ trong mỗi công việc và những gì hiện có hằng ngày, đừng để cho sự ham muốn lôi cuốn. Vì cuộc đời là giả tạm vô thường, mới ngày hôm qua có người rất cao trên cương vị giàu sang quyền quý nhưng hôm nay lại rơi vào vòng tù tội kiềm tỏa, mới vinh hoa đó rồi nhọc nhằn đó, mới vui đó rồi buồn đó. Ngồi ngẫm lại những gì còn mất chỉ như một cơn gió nhẹ thoảng hay chỉ là một giấc chiêm bao.
Vì vậy mà đức Phật dạy chúng ta hãy xả bỏ tất cả một cách có hiểu biết. Có như vậy chúng ta mới không bị vọng niệm dẫn dắt ta lạc vào vòng lẩn quẩn của phiền não khổ đau, tâm hồn ta sẽ trong sáng thoải mái, linh động, không gợn một vết nhơ. Tham, sân, si sẽ không còn có cơ hội nảy mầm và phát triển trong mảnh đất tâm thức của chúng ta, từ đó cuộc sống của chúng ta mới thật sự có an lạc và giải thoát.
Danh thơm tiếng xấu
Là người học Phật, khi trực tiếp đối diện với danh thơm và tiếng xấu, chúng ta phải như thế nào? Đó là điều vô cùng quan trọng đối với một người tu đạo. Thường thì danh thơm người ta hoan hỷ đón mừng còn tiếng xấu thì tỏ ra rất khó chịu và căm ghét.
Trong đời sống hằng ngày, không ít người đã tự quảng cáo, không ít người đã không ngại biểu dương sự rộng rãi của mình bằng cách biếu xén hay quà cáp cho cấp trên của mình cả một tài sản lớn. Nhưng có thể những người trên sẽ hoàn toàn thản nhiên trước nỗi thống khổ của người nghèo nàn đói rách sống ngay bên cạnh mình.
Đó là khuyết điểm của con người. Chỉ đến khi làm điều thiện thì ta cũng làm với ẩn ý vụ lợi. Những người hoàn toàn vị tha rõ thật hiếm hoi trên thế gian này. Vì lẽ ấy, người nào dù làm mọi việc thiện, dầu động cơ thúc đẩy đến hành động không mấy được ca ngợi nhưng cũng đáng được tán dương vì đã làm được những điều thiện ấy.
Trong thực tế, đời sống những người bình thường khi đạt được một chút danh vọng hay quyền uy, thì đa số người ta rơi vào cạm bẫy của vọng tưởng và từ đó sự hống hách kiêu căng được dịp trỗi dậy chi phối làm người ta có thể đánh mất đi vẻ đẹp khiêm hạ của chính họ. Hầu hết mọi xung đột đều bắt nguồn từ các quan niệm khác nhau về nhận thức, nghĩa là điều này hay hoặc dở, tốt hay xấu, được mọi người khen hay chê… Danh thơm và tiếng xấu cũng là tác nhân của sự chia rẽ, phân hóa cao thấp, được thua còn mất, phán xét và giới hạn.
Muốn giải quyết điều này, chúng cần vượt lên trên phạm vi của vinh hay nhục. Ta chỉ cần biết điều chúng làm là đúng hay sai, có lợi ích cho mọi người hay là tác hại mà thôi. Nghĩ đến điều xấu thì tư tưởng sẽ thu hút những điều xấu ngay và ngược lại, khi chúng ta chỉ nghĩ đến những điều cao thượng thì những tư tưởng kia không còn chấp mắc vào sự khen chê của người khác. Lúc ấy, tư tưởng chúng ta sẽ không bị loạn động, không còn bị chi phối bởi những ý tưởng chia chẻ của danh thơm và tiếng xấu, để mong làm sao đạt được cái mà đạo Phật gọi là “tâm vô phân biệt”.
Chế nghự phiền não
Học Phật thì chúng ta cần phải hiểu rõ rằng mình học Phật để làm gì? Là học hỏi giáo pháp của đức Thế Tôn và áp dụng vào đời sống hằng ngày, với mục đích là phóng thích, chuyển hóa và đối trị những phiền não, gạn lọc những thói quen bất thiện cũ. Những phiền não như tham, sân, si là nguyên nhân chính của mọi khổ đau và sự ích kỷ của chúng ta.
Vì vậy, chúng ta cần phải khắc phục và chuyển hóa, vượt thoát khỏi vòng kiềm tỏa của chúng. Từ đó, thân và tâm ta được thanh tịnh, trong sáng. Điều này có vẻ hơi khó nhưng không phải là không làm được. Thiền hoặc niệm Phật là một trong các phương pháp đối trị và chuyển hóa chúng một cách hữu hiệu nhất.
Để không còn bị vọng tưởng khuấy động, chúng ta phải sống và hành động một cách có tuệ giác cao. Con người ai cũng có những ưu phiền, buồn vui, thương ghét khi hằng ngày phải đối diện với thực tế cuộc sống, nhưng chúng ta phải biết cách điều phục khi chúng sinh khởi. Muốn được vậy thì chúng ta phải thay đổi dần những thói quen, suy nghĩ, cảm xúc của mình với một sự quyết tâm lớn.
Phải biết quán xét rằng tất cả những điều kiện dục vọng hiện có trên đời là nguyên nhân phát sinh ra mọi phiền não, và bản chất của chúng chỉ là vô thường, giả tạm nên ta đã xả bỏ chúng nhiều chừng nào thì tốt chừng nấy. Có xả bỏ thì mới có thể duy trì chánh niệm, để rồi có thể thản nhiên trước mọi sự việc còn mất, được thua.
Trong tâm của chúng ta đã có sẵn một nguồn hạnh phúc dồi dào, có sẵn một sự an tĩnh tuyệt vời mà cứ mãi tìm kiếm bên ngoài. Ai cũng có phiền não tác động hằng ngày, nhưng chúng ta phải biết đối trị chúng, chiến đấu với chúng khi chúng sinh khởi. Chúng ta phải nhận biết tại sao chúng ta khổ đau khi chúng ta còn dính mắc vào cái “ta” và cái “của ta” mà không thể buông bỏ.
Cái đẹp tự thân và cái đẹp bên ngoài
Sắc là một trong năm món Ngũ dục lạc, nó chi phối đời sống của con người rất mạnh. Nhan sắc thường thể hiện bên ngoài nên thường đập vào mắt ta, tạo cho chúng ta sự yêu thích và ham muốn. Sự cuốn hút của nhan sắc rất mãnh liệt làm nhiều lúc con người ta phải lệ thuộc vào no có khi phải bán rẽ chính ta để có được nó.
Thông thường, ta thích thân cận cái gì đẹp và xa lìa cái xấu, song người ta lại không nghĩ rằng khi tưởng về cái đẹp hay xấu thì nó chỉ là một cảm xúc tạm bợ, sự yêu thích cái đẹp rồi cuối cùng cũng sẽ đi đến chán ghét và phiền muộn. Vui thích trong cái đẹp của thế gian sẽ luôn mang đến cho chúng ta sự trói buộc và gắn liền với đau khổ. Thực tế, lịch sử loài người đã chứng minh cho ta thấy rõ ràng rằng, bao nhiêu triều đại vua chúa sụp đổ tan tành cũng vì ham mê sắc đẹp, nên người xưa có câu:
“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân”.
Ý muốn nói là mưa không có tính chất kiềm tỏa, nhưng nó có thể giữ chân chúng ta; sắc không có sóng gió bão bùng như biển cả mà nó có khả năng giết chết nhiều người và làm sụp đổ nhiều triều đại. Như vậy, đủ thấy sắc đẹp thường là một món thuốc độc ghê gớm, nó không chỉ có thể giết một người mà còn gây tai ương đến cho nhiều người. Cũng vì say đắm vào sắc nên chúng ta cứ mãi luân hồi vào ra ba cõi không lúc nào dừng, nên mới nói có sắc nên mới có sinh và tử.
“Có sinh có tử luân hồi
Không sinh không tử lấy đâu luân hồi”.
Nếu chúng ta ý thức được rằng cái đẹp hình thức bên ngoài chỉ là phù du giả tạm, không bền chắc và có tác hại trên con đường tu tập của mình thì chúng ta đừng bám víu vào chúng, mà nên quay về với cái đẹp bên trong của mình. Nhờ vậy, chúng ta mới thật sự sống trong chánh niệm và không còn bị đau khổ vì cái đẹp bên ngoài chi phối đời sống của chúng ta.
Phút giây hiện tại
Khi đến với đạo Phật, chúng ta đã ý thức được sự khổ đau của cuộc đời và dùng giáo pháp của đức Phật để tìm cách phóng thích và chuyển hóa những niềm đau và nỗi khổ. Chúng ta cầu mong cuộc sống hiện tại được an lạc và cầu giải thoát cho chính mình về kiếp sau khỏi bị luân hồi sinh tử trong Lục đạo của cõi Ta-bà uế trược này.
Tuy nhiên, cái lợi trước mắt là chúng ta sống cho hiện tại, sống lạc quan và yêu quý những gì mà ta đang có, đừng tưởng nhớ về quá khứ. Vì sao? Vì hạnh phúc và khổ đau của ngày hôm qua không phải là hạnh phúc và khổ đau của ngày hôm nay. Song cũng đừng mơ tưởng đến tương lai. Vì sao? Vì quá khứ đã trôi qua, còn hiện tại đang tiếp diễn và tương lai thì chưa đến. Tâm ta đã rong ruổi trong quá khứ nhiều rồi, đừng bắt nó phải rong ruổi nhiều thêm nữa.
Hồi tưởng về quá khứ chỉ làm mất đi những phút giây hiện hữu quý báu của đời người mà thôi. Hãy giúp cho tâm ta thanh tịnh bằng việc tập trung sống tốt cho những gì có mặt trong hiện tại. Bởi vì ta mơ tưởng đến tương lai thì tâm hồn ta sẽ bị nhiều luồng tư tưởng làm xao động và không kiểm soát được.
Phải chăng, nguyên nhân của việc sử dụng xì ke, ma túy trong giới thanh thiếu niên ngày nay cũng chỉ là một cách tạm quên đi sự chi phối của những vọng tưởng xáo trộn mà họ không còn cách giải quyết? Nhưng tại sao như thế? Phải chăng nguyên nhân sâu xa là người ta sống mất chánh niệm và bị những thứ dục vọng chi phối và cuốn hút người ta vào con đường sa đọa, đánh mất đi bản chất lương thiện của chính mình?
Vì vậy, muốn được bình an, thoải mái về tinh thần, chúng ta phải biết sống tỉnh thức, tập trung mọi thứ cho những phút giây hiện tại mầu nhiệm mà đừng mơ tưởng xa xôi. Dĩ nhiên, muốn đạt được điều này, đòi hỏi người ta phải có một tuệ giác, một công phu thiền tập tốt chớ không phải chỉ dựa trên những lý thuyết mong lung, không thực tế. Nếu thực tập được vậy, chúng ta mới có được an lạc và giải thoát ngay trong những phút giây hiện tại mà chúng ta đang có mặt.
Cuộc sống và công việc
Trong cuộc đời, có lẽ một câu hỏi mà thông thường chúng ta phải hỏi là phải cống hiến điều gì? Chúng ta cứ mãi suy nghĩ về những điều mà có thể đạt được từ công việc, một chức vụ… mà quên đi rằng chúng ta sống có nghĩa là chúng ta phải cống hiến.
Nhiều lúc vì một cảm xúc nào đó ta có thể đặt câu hỏi mà không cần phải có sự trả lời từ chính tâm hồn mình, chúng ta cứ mãi truy tìm về tương lai mà quên đi thực tại. Mỗi công việc đều có thể đem lại cho ta một nguồn vui sống, một sự quan tâm thiết thực cho những người khốn khó hơn. Công việc thường mang lại cho ta giá trị vật chất, nhưng nếu giá trị vật chất đó chỉ sử dụng cho mình và người thân yêu của mình thì niềm hạnh phúc sẽ rất nhỏ.
Nhưng nếu ta biết chia những thành quả từ công việc mà ta có được cho những con người bất hạnh hơn ta như những cụ già neo đơn, các em bé mồ côi và những người tàn tật thì giá trị hạnh phúc trong ta sẽ được nâng lên rất nhiều lần. Chúng ta cũng nên biết rằng cuộc sống cho ta công việc, nhưng công việc phục vụ lại cho nhu cầu cuộc sống. Chúng ta sống là phải làm việc vất vả và cũng từ công việc vất vả ấy cho ta biết được giá trị của sự khốn khổ, điều chúng ta học được từ sự khốn khổ có thể chuyển hóa chúng ta.
Công việc, nói cho cùng cũng một nhu cầu giải trí và cao hơn nữa, nó còn có thể là một pháp môn tu. Vì công việc sẽ giúp chúng ta lãng quên đi những giao động trong tâm hồn và những sự buồn chán trong lúc rỗi rảnh, giúp chúng ta tìm về với chính mình nhiều hơn. Từ những công việc lặt vặt như dọn dẹp sau bữa ăn, rửa chén bát khoan thai trong chánh niệm… sẽ giúp ta phát triển định lực và thật sự sống một cách có ý nghĩa.
Trong xã hội hiện đại của chúng ta, lối sống thường rất vội vã. Cho nên, những hạnh phúc, khổ đau khi tiếp xúc với công việc cũng đa dạng và phức tạp hơn. Nhưng nếu ta có thể làm mọi công việc một cách có chánh niệm thì ta đạt được nhiều hạnh phúc trong công việc.
Tình yêu chân chính
Sống trên đời này, ai cũng có người thương yêu mình và mình thương yêu người. Nhưng thế nào mới là một tình yêu chân thật? Một tình yêu đúng nghĩa phải được phát xuất từ một trái tim rộng lớn và một tuệ giác rất cao. Chớ thứ tình yêu mà phần lớn người ta thường nghĩ đến và mơ tưởng về nó chỉ là một thứ cảm xúc trần tục tạm bợ chỉ hiện hữu trong nhất thời.
Sự yêu thích đó cuối cùng rồi cũng đi đến chán ghét và phiền muộn, nó mang bản chất của sự ràng buộc và đau khổ. Hạnh phúc như thế thường gắn liền với đau khổ, đây quả là một sự bất hạnh lớn của kiếp người.
Tuy thế, chúng ta không thể phủ nhận hay đè nén những cảm xúc đó. Chúng ta đừng quá phụ thuộc và đồng hóa mình với chúng, để rồi chúng ta phải đánh mất đi cái bản chất đẹp đẽ của chính mình. Muốn vậy thì chúng ta phải luôn giữ tâm hồn mình trong sự tỉnh giác. Hai người yêu nhau, nhưng cuối cùng rồi một trong hai người phải ra đi hay chết, người còn lại sẽ thật đau khổ, khóc than, tưởng nhớ mãi.
Cố chấp vào một thể xác đã đổi thay là đau khổ, chớ không phải là tình yêu. Khi chúng ta quán xét rõ được điều này thì không còn cố chấp hay bám víu vào đó nữa, lúc đó, chúng ta cảm nhận được sự phù du của tình yêu mang bản chất của tham ái.
Nhận rõ được điều này thì tâm trí chúng ta có thể sẽ phát khởi lên một tình yêu mới, cao đẹp hơn, thánh thiện hơn, vượt ra ngoài những cảm xúc giả tạm để đến với một tình yêu chân chính, tràn đầy trí tuệ và vị tha, đó là tình yêu thương con người vô điều kiện.
“Sống là động mà không xáo động
Sống là thương mà chẳng vấn vương”.
Sống điềm tĩnh
Duy trì sự điềm tĩnh, tập trung vào một điểm duy nhất là một hình thức tĩnh tâm mà ở đó, ta và vật là một chớ không còn là hai nữa. Để có được mức độ tập trung này, không phải muốn là có được mà chúng ta phải thực tập nó vào mọi hoạt động của chúng ta sống trong cả sự đi đứng, nằm ngồi.
Nếu thực tập đều đặn như vậy, khả năng tập trung ngày sẽ càng cao, kéo dài được sự điềm tĩnh này thì sự thành công trong công việc của chúng ta ngày càng lớn và đời sống của chúng ta mỗi lúc càng được thăng hoa.
Định tâm là cách thanh lọc tâm hồn của mình bằng cách chọn lựa đối tượng cho sự tập trung cả thân khẩu ý của chúng ta vào chính đối tượng đó. Nên trong các chùa, ta thường thấy tôn tượng đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngồi nghiêm trang trong tư thế kiết già mắt nhìn xuống, đó là một điển hình của việc tập trung thiền định.
Điềm tĩnh là bước thấp nhất của thiền định. Nếu trong cuộc sống, chỉ cần ta đầy đủ sự điềm tĩnh, thì tất nhiên ta sẽ là người có tự tin và giàu nghị lực để thành công nhiều trong mọi việc.
Sống chân thật
Ai đi đến đạo Phật với ý tưởng quyền uy, danh vọng… nhất định họ sẽ rất hoài công, vì đạo Phật không có những thứ đó.
Nhưng với những người tìm đến đạo Phật để tìm lại chính mình, tìm hiểu bản chất của đời sống, thì họ sẽ rất lợi ích, vì họ sẽ tìm thấy một tia sáng, một con đường trên hướng đi về thực tại uyên nguyên của suối nguồn vi diệu.
Đạo Phật là đạo chân thật, những người đến với đạo Phật phải là những người khát khao sự chân thật. Muốn đến với chân lý thực tại thì phải xa rời những giả dối hư huyễn, và xa lìa hết giả dối hư huyễn thì thực tại sẽ hiện tiền.
Nói như thế không phải là chúng ta phải rảo chân đi tìm, đi kiếm một sự thật ở ngoài những cái hư dối ấy, mà sự thật tức là những cái hư dối và những cái hư dối ấy tức là sự thật. Một khi hiểu được cái hư dối kia thì cùng lúc ấy, chúng ta đã lìa được huyễn cũng là biết được sự thật.
Những gì chúng ta ra công xây dựng từ vô lượng kiếp trong quá khứ đã qua thật quá sức kiên cố. Đi về thực tại là chúng ta đi ngược lại con đường cũ, nghĩa là phải ra tay phá vỡ tất cả những gì mà chúng ta đã dầy công xây dựng. Và đó là một lớn lao phải đương đầu, vì đây là việc làm đầy gian nan thử thách, cần phải vượt muôn trùng khổ đau. Muốn được vậy thì chúng ta cần phải có đầy đủ nghị lực, có một cái thấy và sự hiểu biết đúng pháp.
Thành kiến sở chấp lâu đời đã ăn sâu bám chặt vào mỗi chúng sinh, bây giờ chúng ta phải tự lột, phải nạo bỏ nó đi để cho mình được đẹp đẽ hơn. Nhưng khổ nỗi, vì quá mê mờ nên chúng ta lại cho nó là một gia bảo bất ly thân thể rồi chúng ta phải khổ vì nó.
Người tìm đến đạo Phật với sự mong mỏi quyền uy, danh vọng… chính họ đã đi vào con đường mà Phật từ bỏ, hay nói đúng hơn là cần phải hủy diệt. Họ đã đi ngược lại mục đích của đạo chân thật, thì làm sao có thể đến với đạo Phật được!
Đạo Phật là con đường để đi đến chân thật, nên chỉ chấp nhận những ai thiết tha với sự chân thật và yêu thương tha nhân như chính bản thân mình, không còn phân chia ta người, thương yêu, thù hận… Những người ấy đang đi trên con đường chân thật, và đang sống nếp sống chân thật.
Xây dựng gia đình hạnh phúc
Người Phật tử chân chính phải biết xây dựng gia đình nhỏ bé của mình bằng giáo lý của Phật dạy, vì những gì mà đức Phật dạy không ngoài mục đích là cải hóa thân tâm, đưa địa vị chúng ta từ thấp hèn lên cao thượng, từ si mê trở thành trí tuệ… Căn bản của đạo Phật là tình thương rộng lớn và trí tuệ bao la.
Do đó, người Phật tử phải biết áp dụng phương pháp từ bi, trí tuệ và hỷ xả vào gia đình, tất nhiên gia đình hẳn sẽ ấm cúng, hạnh phúc.
Đã nói đến từ bi thì không có giận hờn. Trong gia đình, vợ chồng, con cái, anh chị em không có giận hờn với nhau, quả là một gia đình ấm cúng, hạnh phúc. Muốn xây dựng được một gia đình hạnh phúc, thì điều cần nhất là mỗi thành viên trong gia đình phải có một sự hiểu và thông cảm cho nhau. Một gia đình hạnh phúc là một gia đình có sự kính nhường, tôn trọng, biết quan tâm và lo lắng đến nhau. Như con biết quan tâm đến cha mẹ, anh biết quan tâm đến em…
Ví dụ, chúng ta hỏi cha mẹ hôm nay ăn có ngon không, ngủ có yên giấc không… Đó là một món quà vô giá mà cha mẹ vô cùng sung sướng, và họ sẽ rất vui khi thấy con cháu biết quan tâm, chăm sóc đến mình. Còn đối với vợ chồng thì cũng rat cần sự quan tâm đến nhau. Như vợ quan tâm đến chồng sau những lúc chồng đi làm về mệt mỏi, vợ chạy ra đón chồng kèm theo một lời hỏi thăm như hôm nay anh có mệt lắm không? Anh uống ly nước chanh cho khỏe!… thế thì bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến mất.
Ngược lại, chồng đối với vợ cũng phải quan tâm chia sẻ khó nhọc, thì đó là một gia đình hạnh phúc, yên vui. Xây dựng một gia đình hạnh phúc không phải là chúng ta có đầy đủ vật chất, mà điều chính yếu là chúng ta cần phải có sự yêu thương và hiểu biết về nhau, biết sang sớt và chia sẻ cho nhau niềm vui và nỗi khổ. Bằng tâm lượng bao dung rộng lớn, chắc chắn chúng ta sẽ có một gia đình hạnh phúc. Chúng ta phải biết tha thứ cho nhau những lỗi lầm vụn vặt trong gia đình và tìm cách giáo dục tế nhị bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ của Phật dạy.
Khởi đầu của việc xây dựng một gia đình Phật hóa là chính mình phải hiểu rõ, hiểu đúng Phật pháp, sống an lạc và có lợi lạc cho những thành viên khác trong gia đình. Giáo lý mầu nhiệm và một đời sống gương mẫu cần phải đi đôi với nhau để cảm hóa những người khác trong nhà và xây dựng gia đình ta thành một tăng thân nhỏ, một cõi Tịnh độ nhỏ.
Một gia đình gương mẫu theo đạo Phật cũng nên sinh hoạt theo nguyên tắc Lục hòa, kính trên nhường dưới, cũng là nguyên tắc đặt nền tảng trên sự bình đẳng, dân chủ và tự giác.
Sống cùng hàng xóm
Người Phật tử đóng một vai trò quan trọng trong đạo Phật, mang một trọng trách đem Phật pháp vào lòng người, nhất là những người sống xung quanh ta như bà con, bè bạn trong làng xóm. Một Phật tử chân chính hiểu và lam đúng những lời Phật dạy thì sẽ cảm hóa và ảnh hưởng đến với mọi người xung quanh.
Muốn được vậy thì người Phật tử phải hiểu đúng pháp, thực hành đúng pháp và điều cần nhất ở người Phật tử là phải có một tâm hồn độ lượng, bao dung và tha thứ, đem lại niềm vui và an lạc cho mọi người.
Có cơ duyên tốt thì người Phật tử phải hướng dẫn mọi người biết quay về nương tựa Tam Bảo, sống, hiểu và thực hành đúng những lời Phật dạy để làm lợi lạc tha nhân. Niềm vui ấy người Phật tử phải biết nhân lên cho nhiều người trong mọi trường hợp.
Người Phật tử phải có trách nhiệm chung lo xây dựng và tô bồi xã hội trở nên tốt đẹp hơn, như những việc làm mà xã hội đang cần bàn tay của chúng góp sức phần nào, như: quỹ từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn, nhất là kiến thức rất cần cho những người còn trong tình trạng thiếu học. Muốn vậy, trước tiên mình phải đứng ra vận động một phong trào khuyến học, kêu gọi bà con trong địa phương ủng hộ tinh thần và giúp đỡ phương tiện xây dựng một mái trường, một thư viện hay một phòng đọc sách.
Ngoài công tác giáo dục văn hóa ra, chúng ta còn phải quan tâm đến những bệnh tật mà trong địa phương thường mắc phải. Mình phải phát động phong trào ngừa bệnh và trị bệnh trong học đường cũng như ngoài xã hội. Nhất là những tệ nạn xã hội tại địa phương mình cũng phải vận động bà con bài trừ những tệ nạn ấy bằng sự giáo dục, thuyết phục và bằng cách thực hiện một môi trường sống lành mạnh, hiền lương tại địa phương mình.
Đó là những việc làm mà những bậc hiền nhân thuở xưa đều tán thán. Chỉ cần làm được vậy, chúng ta mới xứng đáng là một Phật tử chân chính, là một thành viên tốt đạo, đẹp đời của Phật giáo.
Ý thức trong cộng đồng
Về mặt giáo dục thì phải lập ra các thư viện, tùy phương tiện mà có lớn nhỏ, thường xuyên tổ chức những buổi diễn giảng, thuyết trình, hội thảo về các vấn đề công ích, tổ chức các lớp học bình dân trí, khóa dạy nghề, các lớp Phật học để nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí và hoằng dương Phật pháp. Phải cải thiện các chương trình giảng dạy và hiện đại hóa các trường học các cấp. Mỗi địa phương nên mở một đại học cộng đồng.
Về mặt y tế thì phải quan tâm đến vấn đề phòng bệnh bằng cách cải thiện môi sinh và môi trường sống, từ nhà cửa đến đường sá phải sạch sẽ. Người Phật tử phải làm gương một tháng một lần, như trong ngày rằm tổ chức một ngày, trang nghiêm quốc độ bằng cách đi dọn rác, lượm rác, làm vệ sinh công cộng trong địa phương mình. Mỗi năm đến ngày Phật Đản, nên tổ chức phong trào trồng cây để bảo vệ môi sinh, làm xanh tươi môi trường sống.
Người Phật tử cũng nên làm gương tổ chức các phong trào thể dục, thể thao, võ thuật. Người Phật tử nên vận đong thành lập một quỹ y tế như một hình thức bảo hiểm y tế tại địa phương để khi đau yếu, bệnh nhân có đủ phương tiện điều trị và không gây khó khăn tài chính cho gia đình.
Về mặt đạo đức thì nên xây dựng một ngôi chùa trang nghiêm, tích cực truyền bá Phật pháp. Chùa là điều thiện của làng, là phương thuốc căn bản để cảm hóa nhân tâm, diệt trừ tham, sân, si, ngăn ngừa nguồn gốc sinh ra tội lỗi và những kẻ phạm pháp. Khuyến khích con em tham gia tổ chức sinh hoạt thanh thiếu niên gia đình Phật tử và tạo một môi trường sống lành mạnh hướng thiện cho thanh thiếu niên.
Đạo đức gắn liền với kinh tế, với sự ổn định cuộc sống, có đủ cơm ăn áo mặc, nên người Phật tử phải quan tâm đến vấn đề kinh tế, hướng dẫn bà con đi vào những hoạt động làm ăn hợp chánh pháp mà có hiệu quả kinh tế cao, cũng như lập ra quỹ tương trợ, từ thiện để giúp những gia đình đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Trong cuộc sống, bất kỳ một tổ chức, một cộng đồng nào cũng đều đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một ý thức chung, gọi là ý thức cộng đồng. Mỗi một con người trong xã hội đều phải có một ý thức sống cao trong cộng đồng, ý thức về tinh thần lẫn vật chất, hay nói cách khác là ý thức về đạo đức cũng như văn hóa. Là người Phật tử, chúng ta phải sống hòa mình trong cộng đồng, phải thể hiện sự chân thật đạo đức của một Phật tử thì mới cảm hóa được mọi người xung quanh ta trở thành một cộng đồng sống hoàn mỹ và tốt đẹp cho xã hội.
Lễ phép
Đã là Phật tử thì ai cũng lễ Phật, nghĩa là đứng trước bàn thờ Phật, trước tượng hoặc hình ảnh của đức Phật, nghiêm trang làm lễ, năm vóc sát đất.
Lễ Phật để làm gì?
Lễ Phật không có ý nghĩa là lễ một vị Thần linh hay thờ cúng và lễ bái trước một hình tượng (idolatrie). Làm như thế là mê tín, trái với giáo lý của đạo Phật. Đức Phật đã dạy tất cả hình tướng, ngay cả xác thân của Ngài khi còn tại thế, đều là giả dối, vô thường, vậy nên Ngài không dạy chúng ta phải lạy Ngài và lạy những tranh, tượng vẽ hình dang của Ngài.
Nhưng chúng ta là những kẻ phàm phu, còn sống trong vòng thế gian, còn phải sửa mình, nên chúng ta còn cần phải có một cái gì để tượng trưng trước mắt ta và trong trí ta những đức tính rộng lớn vô biên, từ bi, hỷ xả, thanh tịnh. Cho nên, đảnh lễ trước hình tượng Phật không phải là chúng ta lễ bái hình tượng ấy, mà là chúng ta lễ, chúng ta tỏ lòng kính ngưỡng những đức tính rộng lượng, tâm từ bi bao la của Ngài.
Trước những đức tính cao cả vô biên ấy, chúng ta còn biết bao nhiêu mê lầm, bao nhiêu tội lỗi! Chúng ta phải sụp lạy để tôn kính những đức hạnh cao đẹp đã soi sáng cho chúng ta hướng về sự cao đẹp của chân, thiện, mỹ. Chúng ta đảnh lễ hình tượng Ngài với năm vóc sát đất để tỏ rõ lòng tự cao tự đại ngu xuẩn trong ta đã được dẹp bỏ, và dần nâng chúng ta lên đến những đức tính cao quý, sáng suốt và rộng lớn như đức Phật.
Giáo dục con cái
Cha mẹ nên nhận thức rõ về thời đại và xã hội hiện tại mà thế hệ con cái của họ đang sống, khác nhau ở điểm nào với thời trước về mọi mặt mà họ đã trải qua. Phải thấy rõ những nhu cầu cần thiết của thời đại ngày hôm nay và những gì của ngày trước phù hợp hay không phù hợp v.v…
Cha mẹ không nên cố chấp, bảo thủ theo kiểu xưa bày nay làm, tinh thần đó không còn phù hợp với thời đại hiện nay. Hơn nữa, xã hội loài người ngày càng tiến bộ, văn minh khoa học ngày một đổi mới và phát triển, nếu mình cứ ôm giữ mãi những tập tục cổ hủ, có khác nào ôm những xác bả mía khô, đã hết chất nước ngọt ngào tinh túy!
Do đó trước tiên, đòi hỏi cha mẹ phải có trí tuệ nhận định một cách sáng suốt về tâm lý thời đại của con cái chúng ta, để bắt nhịp theo đó mà có phương hướng giáo dục con cái tốt hơn, tìm hiểu con cái mong ước những gì trong cuộc đời. Nếu cảm thấy phù hợp và không đánh mất giá trị con người, thì cha mẹ nên tìm cách trợ lực giúp đỡ. Yếu tố quan trọng là cha mẹ phải trang trải tình thương yêu nhưng phải có một sự hiểu biết nghiêm trang nhưng độ lượng.
Không câu nệ hình thức giữa cha mẹ và con cái, cần phải có một tình thương luôn quan tâm đến chúng, tạo cho con có một thứ tình cảm luôn gần gũi không xa vời với chúng. Thiết nghĩ, cha mẹ cũng nên áp dụng tâm lý giáo dục ở ngoài xã hội vào gia đình để giáo dục con cái tốt hơn. Cha mẹ là chỗ dựa vững chắc của con cái về tinh thần cũng như vật chất, mà ở đây, chỗ dựa cần nhất của con cái đó là tình yêu thương rộng lớn của cha mẹ đối với con cái.
Muốn được vậy thì cha mẹ cần phải hiểu con cần gì để kịp thời giúp đỡ. Có những chuyện con cái không biết tỏ bày cùng ai mà cha mẹ là chỗ để cho chúng tỏ bày. Nhưng đặc biệt nhất, người mẹ là người mà con cái dễ gần và rất muốn gần hơn là người cha.
Do đó, người mẹ có điều kiện giáo dục con nhiều hơn, nhưng không khéo thì con cái dễ hư nếu như người mẹ dành tình thương cho con không đúng chỗ, hay cưng chìu con một cách quá đáng. Vì mẹ là tượng trưng cho tình thương yếu mềm, do đó, nếu người mẹ không khéo thì con cái nó sẽ lợi dụng điểm này thì khó giáo dục nó. Vì vậy, người mẹ dùng tình thương cho con nhưng phải có trí phán xét cần và đúng để giáo dục con tốt. Còn cha là thể hiện của tình thương nghiêm nghị, vì vậy con cái ít có cơ hội gần cha. Vì vậy, khi giáo dục con cái, chúng ta phải biết cách kết hợp giữa hai thứ tình thương hiền hòa và nghiêm nghị thì giáo dục con cái sẽ tốt đẹp.
Giáo dục con cái không phải dùng phương pháp đánh đập mà giáo dục con tốt, cũng có lúc cần roi đòn để dạy con cái nhưng điều này không phải là cách giáo dục tốt, dùng tình thương giáo dục là điều tốt nhất và có kết quả tốt hơn. Thí dụ như hôm nào đó ta kiểm tra tập học của con, thấy nó viết chữ không được đẹp hay điểm ít thì chúng ta dùng biện pháp nào để giáo dục? Phải dùng biện pháp tâm lý tình thương để giáo dục.
Phải có một sự giao cảm nhạy bén trên phương diện hướng dẫn cuộc đời con cái. Căn bản giáo dục con cái là tinh thần Phật giáo, tức tinh thần tự do, khoan dung, khai phóng, đề cao trí tuệ, lòng yêu thương mọi người và muôn loài, tinh thần trách nhiệm cá nhân, sự liên hệ mật thiết giữa mình với tha nhân và xã hội cũng như với mọi sự sống nguyên tắc bất bạo động; không những bất bạo động trong hành động mà còn bất bạo động trong lời nói: luôn nói lời ái ngữ, từ hòa, dịu dàng, thân ái, không nên có những lời la hét, nạt nộ, mắng chửi, nóng giận, thô ác đối với con cái.