Mặc dù thường được mọi người nói đến, hai chữ Từ-Bi đã bị người ta hiểu sai rất nhiều. Có người hiểu Từ-Bi là một tình thương nhỏ-nhặt tầm thường nông-cạn; có người hiểu Từ-bi là một tình thương nhạt-nhẽo, lãnh-đạm, tiêu-cực, thua xa “Tình-yêu” hay “Bác-ái”; có người cho Từ-bi là một hình-thức biến thể của Ích-kỷ; lại có người đi xa hơn cho Từ-bi là một danh-từ trống rỗng là “Vô-nghĩa”. Vậy Từ-bi là thế nào?
Định-nghĩa theo danh-từ nhà Phật, Từ nghĩa là thương yêu, là làm vui cho người và vật; Bi là thương xót người hay vật, khi thấy họ đau khổ, gặp hoạn-nạn, và cố cứu họ ra khỏi hoàn-cảnh ấy. Từ thuộc phạm-vi tích-cực (làm thêm vui); Bi thuộc phạm-vi tiêu-cực (trừ cái khổ). Người mẹ thương con, muốn làm cho con được vui-vẻ sung- sướng khi bình thường, là Từ. Khi đứa con đau-đớn về tinh-thần hay vật-chất, thì người mẹ thiết-tha thương xót, chăm sóc cứu chữa cho nó thoát khỏi cơn đau khổ, là Bi.
Để vấn-đề này được sáng tỏ, đầy đủ mọi khía cạnh, chúng tôi xin trình bày ý nghĩa của Từ-bi theo thứ tự sau đây:
bullet
Từ -bi trong đời giáo-chủ Thích-Ca Mâu-ni
bullet
Từ-bi trong giáo-lý Đạo Phật;
bullet
Từ-bi áp-dụng trong đời sống xã-hội và qua lịch-sử truyền-bá Phật-giáo.
I. TỪ-BI TRONG ĐỜI GIÁO-CHỦ THÍCH-CA MÂU-NI
Bao giờ cũng thế, đời sống của một vị giáo-chủ là tấm gương phản chiếu cái đạo mà mình đã phát-minh. Tâm-hồn, thái-độ, cử chỉ, hành-động, của vị giáo-chủ chứng minh cho những giáo-lý của mình. Đó là những bài học linh-động, thực-hành để tín-đồ nhận thấy rõ cái tinh-thần, cái nghĩa lý sâu xa của đạo cứu thế. Mỗi lời nói, mỗi cử-chỉ, mỗi hành-động của đức Phật Thích-Ca được cô đọng lại, qua lịch-sử đời Ngài, thành những tượng-trưng cho Từ-bi, Trí-tuệ, Đại-hùng, Đại-lực. Ở đây chúng ta chỉ đề-cập đến vấn-đề Từ-bi, nên chúng tôi chỉ sẽ chú mục đến những điểm nào trong đời Ngài, đã biểu-dương được tình thương rộng lớn vô biên ấy.
Trước tiên, chúng ta thấy người chép sử đời Ngài đã nhấn mạnh ở điểm: lúc mới bảy tuổi, đức Thích-Ca, một hôm đi xem lễ “Cày ruộng” đã rơi lụy, đau xót cho nỗi đau xót của chúng-sinh, đã phải xâu xé, giành giựt nhau để sống: người thợ săn đang rình bắn con diều, con ó; những con này đang rình rập để bắt những con gà, con chim nhỏ; những con sau này lại đang tranh nhau, giành giựt những côn-trùng mà lưỡi cày đã bới lên… Sự sống sống bằng cái chết! Những cảnh tượng ấy phơi bày ra trước mắt mọi người, nhưng chỉ có một mình Ngài nhận thấy và đau xót, vì Ngài đã hòa mình trong nỗi đau khổ của chúng-sinh, đã chan hòa tình thương của mình trong mọi vật, như nước đại-dương mà mỗi làn sóng, mỗi âm ba đều vang dội đến tận đáy lòng mình. Đấy là lý do, động lực chính thúc đẩy Ngài đi tìm đạo sau này.
Rồi, trước khi rời cung điện để ra đi tìm đạo, đức Thích-Ca đã nói với mình như thế nào:
“… Ta không muốn làm một kẻ chinh-chiến, tắm bánh xe trong máu đào của muôn bãi chiến để rồi lưu lại cho hậu thế một kỷ niệm đỏ gớm ghê… Tiếng kêu đau thương của thế giới xé rách màng tai, lòng Từ-bi của ta chỉ muốn xóa bỏ những cảnh khổ đau của nhân loại”.
Và Ngài đã nói với tên giữ ngựa, Xa-Nặc, như thế nào?
“Ngươi ạ, sẽ là một thứ tình yêu giả trá, nếu ta chỉ ở bên cạnh những người thân để hưởng những lạc thú ích-kỷ. Ta muốn đừng bịn-rịn với tổ quốc nhỏ hẹp này để được yêu vũ-trụ rộng lớn…” ( Ánh Đạo Vàng)
Và trên con đường tìm Đạo, đức Phật đã không từ một cử chỉ nhỏ nhặt nào của tình thương. Ngài đã bế một con cừu con què chân để cho nó theo kịp mẹ nó và nói với nó:
“Dù con về xa đến đâu, ta cũng sẽ bồng con theo mẹ con cho đến đấy. Trong lúc ta chưa tìm ra được phương thuốc để cứu độ toàn thể chúng-sinh, thì ít nữa, ta cũng cứu được một mình con khỏi đau khổ. Ừ như thế còn hơn là ngồi trên núi như những kẻ tu-hành kia để tự hành-hạ thân xác và để cầu được thoát khổ với những vị thần bất lực”. Ngài đã khuyên vua Tần-Bà-Sa-La đừng giết súc vật để tế thần. Như thế, đâu phải chỉ vì mình mà đức Thích-Ca đi tìm đạo? Đâu phải vì chán ngán cõi đời như nhiều nhà nghiên-cứu Phật-Học Âu-châu thường nói, mà đức Thích-Ca lìa bỏ cõi đời, xuất gia tìm Đạo? Cái Đạo của Ngài là Đạo vì đời, Đạo của tình thương. Đại nguyện của Ngài là cứu độ cho toàn thể chúng-sinh thoát vòng đau khổ.
Cho nên sau khi đắc Đạo dưới gốc Bồ-Đề, mặc dù nhận thấy cái Đạo của mình thâm huyền, khó nói, khó bàn, ít người sẽ hiểu thấu, đức Phật cũng không nề khó-khăn, lao nhọc, đem ra truyền-bá cho đời. Ngài đã tự nhủ: “Ta vì đời, mà tìm Đạo. Không lẽ bây giờ thấy cái Đạo thâm huyền, khó nói, khó bàn mà giữ riêng cho ta, không truyền-bá cho đời sao?” Do đó, Ngài đã chế ra không biết bao nhiêu phương-pháp tu-hành để có thể thích-hợp với mọi hạng người, mọi căn-cơ, mà Ngài nhận thấy đều có khả năng thành Phật.
Cái đại nguyện vì đời mà hành Đạo, vì tình-thương mà san bằng bể khổ đã được đức Phật Thích-Ca theo đuổi từng ngày, từng giờ, trong suốt bốn mươi lăm năm đi truyền-bá giáo-lý của Ngài, cho đến phút cuối cùng, khi Ngài nhập Niết-Bàn.
Tóm lại, lịch-sử đức Phật Thích-Ca chính là lịch-sử của lòng Từ-Bi và của Trí-Tuệ, đã tiếp diễn một cách dũng-mãnh, không một phút giây thoái chuyển. Do đó, người đời đã gọi Ngài bằng những danh hiệu: Đấng Giác-Ngộ, hay Đấng Đại-Từ, Đại Bi vậy.
II -TỪ BI TRONG GIÁO-LÝ ĐẠO PHẬT
Như chúng ta đã thấy ở trên, Từ-Bi là động-lực chính đã thúc đẩy đức Phật tìm Đạo giải-thoát để cứu-độ chúng-sinh. Đức Phật không thể ngồi yên nhìn sự đau khổ hoành-hành trong đời sống, như người mẹ không thể ngồi yên khi nhìn thấy con đau. Càng thương con bao nhiêu, lại càng nỗ-lực tìm thầy chạy thuốc, quyết dứt trừ bệnh hoạn cho con. Sức lực của người mẹ chính là ở tình-thương. Nghị-lực, sức chịu đựng dẻo-dai, bền chặt của đức Phật trong khi vượt bao gian-lao, khổ cực để tìm Đạo cũng chính vì tình-thương lớn-lao đối với chúng-sinh vậy.
Dựa lên kinh-nghiệm bản thân, đức Phật đã dạy: người tu hạnh Bồ-Tát phải lấy Từ-Bi làm gốc. Cây Bồ-Đề lớn mạnh nhờ bám sâu gốc rễ trong đất, kẻ tu-hành lấy Từ-Bi, lợi-lạc hữu-tình làm lẽ sống.
Giáo-lý của đức Phật tuy không xiết kể, tựu-trung đều nhắm đến ba điểm chính: BI, TRÍ, DŨNG. Mở rộng tình-thương, mở rộng trí-tuệ, mở rộng nghị-lực. Mở rộng cho đến khi nào không còn thấy có biên-giới nữa là thành Phật. Thiếu một trong ba điểm ấy, không bao giờ có thể thành chánh-quả. Người Phật-Tử có câu hát: “Trí không Bi là trí điêu xảo, Bi không Trí là Bi mù lòa”. Bi và Trí cần được trau dồi, phát triển đồng đều với nhau: Trí làm cho Bi sáng-suốt, Bi làm cho Trí thuần lương. Trí và Bi là hai bánh của một chiếc xe. Một trong hai bánh rời ra là xe trúc đổ. Tình-thương ấy lại cần phải vô biên, không hạn cuộc. Nếu còn thấy giới hạn của tình-thương, thấy có người hay vật mình không thương được, thấy có kẻ thù, thì chưa phải là Từ-Bi. Cho nên trong phép Từ-Bi-Quán, người ta thường luyện hai cách: hoặc mở rộng tình-thương tuần tự đi từ những người thân trong gia-đình, cha, mẹ, vợ, con, dần dần đến thân thuộc, bạn-bè, rồi đến khi mình thấy thương kẻ thù như người thân nhất mới thôi; hoặc người ta trở ngược lại đi từ kẻ thù ghê gớm nhất dần dần đến kẻ thân nhất; khi thấy không còn phân-biệt giữa kẻ thù và người thân nhất mới thôi.
Tình-thương ấy cũng không chỉ hạn cuộc trong phạm-vi nhân loại, mà còn lan đến muôn vật, cỏ cây, nghĩa là toàn-thể chúng-sinh, những gì có sự-sống. Vì sao lại phải thương-yêu chúng-sinh? – Vì chúng-sinh luân-hồi, lăn lộn trong sáu cảnh giới: thiên, nhân, a-tu-la, ngạ-quỷ, súc-sanh, địa-ngục; tiếp nối không ngừng, khi làm thiên, khi làm người, khi xuống địa-ngục. Từ muôn triệu kiếp, chúng-sinh đối với nhau đã từng là cha mẹ, ông bà, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc của nhau, cho nên phải thương-yêu nhau.
Mặc dù hình thức có khác nhau, nhưng sự sống chỉ là một. Sự sống đã là một, thì tình-thương sao lại phân chia? Làm đau khổ một phần nào, trong khía cạnh nào của sự sống, tất cũng là làm đau khổ sự sống của mình, vì sự sống của mình và của chúng-sinh là một. Trái lại, thương-yêu một sinh vật nào đó, cũng chính là thương-yêu mình.
Đức Phật chủ-trương thuyết vô-ngã, quyết đập tan cái Ta giả-dối, cũng chính để chúng ta nhận rõ mình với người là một, ” Ta” với ” không phải Ta” vẫn như nhau, để chúng ta đừng nhận thấy Ta là của riêng ta, Ta là một khối riêng biệt mà chỉ thương riêng ta, và ghét người không thương ta. Khi đã không có biên-giới giữa mình với người nữa, tình-thương mới không có biên-giới, tình-thương mới toàn vẹn. Thương mà vẫn còn thấy ta với người là hai, là hai khối, thì tình-thương ấy vẫn có tầng, có bậc, có thân, có sơ, có ngăn, có cách. Người tu theo hạnh Từ-Bi không nói: ” Ta với người tuy một mà hai”, mà phải nói: ” Ta với người tuy hai mà một”, nghĩa là xóa cái ” Dị” để đi đến cái ” Đồng”.
Một con rắn mình rất dài, trong đêm tối đã cắn nhầm cái đuôi mình; càng cắn, càng đau, càng đau, càng tức giận cắn thêm, và cái trò lẩn-quẩn ấy cứ tiếp diễn mãi. Làm cho con rắn của sự sống, của cuộc đời, nhận thấy được cái đuôi mà nó đang cắn là của nó, đó là nhiệm-vụ của thuyết vô-ngã.
Như thế, thuyết vô-ngã, tu hạnh vô-ngã, là những phương-tiện để thực-hiện tình thương rộng lớn vô-biên, là Từ-bi; chứ không phải Từ-bi là phương-tiện để đi đến cứu-cánh là vô-ngã. Chứng-minh ta là vô-ngã để làm gì? – Chính để thấy rằng Ta và chung quanh ta là một. Nhưng đức Phật không nói ra chữ Một, vì sợ nói Một người ta liên-tưởng đến chữ phản-nghĩa của nó là Hai, là Nhiều.
Chính đức Phật đã nói: ” Ta nguyện đem thân ta chịu hết cả hằng hà sa số đau khổ của chúng-sinh. Vì ta nguyện tế độ cho chúng-sinh nên mới nguyện thành Phật”. Rõ ràng lắm: muốn thành Phật để cứu-độ chúng-sinh, chứ không phải cứu-độ chúng-sinh để thành Phật! Vì chứa chất một tình-thương bao la như thế, nên Phật đã có những lời dạy đệ-tử rất đẹp, có thể làm phương-châm cho muôn đời: ” Không nên lấy oán báo oán, chỉ nên lấy ân báo oán”. ” Trong thế-gian nầy, chẳng phải lấy oán trừ được oán, chỉ lấy nhẫn mới trừ được oán”2 , Hay: ” Với người dữ, ta nên ở lành, với người câu-nệ, ta không nên câu-nệ. Với người gian-tham, ta chớ nên gian-tham, Lấy Từ-Bi đáp lại nộ-khí, lấy thành-thực đáp lại điêu-ngoa, lấy lành đáp dữ”2. Không phải chỉ dạy suông, đức Phật đã hiểu thấu tâm-ý của những người nuôi dưỡng oán-thù trong tâm như thế nào, nên đã chỉ bày phương-pháp để tiêu-diệt oán-thù: ” Người kia lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại và cướp đoạt của tôi. Nếu ai còn ôm-ấp tâm niệm ấy thời sự giận không thể nào dứt hết. Người kia lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi và cướp đoạt của tôi. Nếu ai đã bỏ được tâm niệm ấy thời sự oán giận tự nhiên san bằng.” (Kinh Pháp Cú – Dhammapada)
III. TỪ-BI TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY CỦA TÍN-ĐỒ VÀ TRONG LỊCH-SỬ PHẬT-GIÁO
Những lời dạy bảo quý-báu của đức Phật đã có ảnh-hưởng như thế nào trong đời sống của tín-đồ Phật-Giáo, từ xưa đến nay? Tất nhiên đạo nào cũng có những con chiên ghẻ lở, làm trái lại những lời dạy đẹp đẽ của vị Giáo-Chủ mình. Chúng ta chỉ xét ảnh-hưởng đối với đại đa số tín-đồ mà thôi, và chỉ nói tổng-quát, chứ không thể đi sâu vào từng chi tiết một được.
Nhận xét đời sống của đa số Phật-Tử, chúng ta sẽ thấy những điểm chung gì? Đấy là thái-độ hiền-hòa, quảng-đại, biết dung thứ, biết quên oán thù. Một Bác-sỉ Âu-tây, ông Migot, trong khi nghiên-cứu ảnh-hưởng của Đạo Phật ở Á-châu đã viết:
” Nếu trong đạo Phật, tổ-chức từ-thiện chưa có được hình-thức xã-hội hoàn-bị, thì ít nhất các nhà Phật-Tử cũng đã đem lòng Từ-Bi, Bác-Ái của họ mà cứu-vãn rất nhiều cảnh đau khổ của loài người. Lòng thương người ấy là nền móng của Từ-Bi trong Đạo Phật. ” Từ-Bi” ở đây không phải là một tiếng nói suông đâu, mà tất cả ai ai đã sống ở các xứ Phật đều cảm thấy rõ ràng như một mùi hương thơm dịu mà chúng ta được thở chung quanh ta. Đó là một thái-độ từ tâm đối với hết thảy các sinh vật, dù là hèn hạ, và người ta cảm thấy nó kín đáo nhiều hơn là hùng hồn, nó diễn tả ra trong đôi mắt hiền lành, trong nụ cười êm dịu, trong cách tiếp đãi ân-cần, giản dị, gây ra một không khí thanh đạm, trái hẳn với lối “cạnh-tranh sinh tồn” ở các nơi khác…” Một đặc điểm trong đạo Phật là lòng tôn trọng sự sống. Phật dạy: ” Ai cũng sợ gươm đao, ai cũng thích sống còn. Vậy hãy lấy mình suy lòng người mà chớ giết, chớ bảo giết” (Kinh Pháp Cú – Dhammapada). Lời dạy chí lý, nhưng khó thực-hành ấy, đã được Phật-tử tuân theo một cách thuần cẩn. Toàn thể Phật-tử đều tránh sự sát hại, bất luận sát hại vì cớ gì, vì lý do xã-hội, an-ninh hay chính-trị.
Lòng tôn trọng sự sống ấy không phải giới hạn trong một quốc-gia, không phải giới hạn trong phạm vi nhân-loại, mà còn lan tràn đến sinh vật cỏ cây. Giới tu-sĩ Đại-thừa đều ăn chay để khỏi tổn hại đến đời sống của sinh vật; giới Tăng-Già Tiểu-thừa chỉ ăn thịt những con vật đã chết, do sự cúng-dường của tín-chủ, họ không có quyền lựa chọn món ăn, ai cho gì đều lẳng lặng nhận lấy. Người Phật-tử không bao giờ đi săn bắn, đi câu. Đức Phật chế ra ba tháng an-cư vào mùa mưa ở Ấn-Độ, để các Tăng-Đồ khỏi đi ra đường, vượt rừng vượt núi đi truyền đạo mà có thể dẫm phải những sinh vật sinh nở rất nhiều trong cỏ rác về mùa ấy. Mỗi Tăng-Già đi khất-thực đều phải có sẵn một cái lưới lọc nước, để khi múc nước ao hồ, nếu múc nhằm những sinh vật nhỏ trong nước, có thể lọc được mà thả xuống nước lại. Mỗi khi vào cầu tiêu, người tu-sĩ phải gõ hay giậm chân mấy cái, cốt gây ra tiếng động cho những sinh vật dưới cầu biết mà tránh để khỏi bị chôn sống dưới kết-quả của sự bài-tiết.
Tình-thương ấy không những lan rộng đến động vật, mà còn đến cả cỏ cây hoa lá nữa. Không bao giờ một Phật-tử chân-chánh, lại đi tàn phá dẫm đạp một cách vô ích cây cỏ, vì chúng nó cũng có một đời sống. Chỉ khi nào cần thiết họ mới phải đốn chặt cây cối để dùng hay để ăn. Tình-thương rộng rãi ấy đã gây được sự hòa-hợp, thông cảm giữa người và muôn vật, giữa người và thiên-nhiên.
Bây giờ nếu chúng ta theo dõi lịch-sử truyền-bá Phật-Giáo trên thế giới trong 25 thế-kỷ nay, chúng ta sẽ thấy một điểm son rất quý báu là mặc dù đạo Phật đã được truyền lan rộng rãi trên khắp cõi Á-Châu, qua bao nhiêu dân-tộc, tính-tình khác nhau, tập-quán, tôn-giáo khác nhau, thế mà vẫn không gây một sự đổ vỡ nào, không làm rơi một giọt máu của ai. Cái kết-quả tốt đẹp ấy một phần do ở giáo lý rộng rãi, dung thông của đạo Phật, một phần do ở tinh-thần tôn trọng sự sống, lòng từ-bi, tình yêu hòa-bình, và chủ-trương bất bạo-động của đạo Phật.
Câu chuyện giữa đức Phật và một đệ-tử sắp đi xa để truyền đạo sau đây có thể soi sáng lý do vì sao đạo Phật đã được truyền-bá một cách hòa-bình, êm dịu:
Phật hỏi một đệ-tử:
– Dân ở xứ ấy có tiếng là hung ác; nếu ông đến đấy mà bị họ chửi rủa, mắng nhiết thì ông làm thế nào?
– Bạch Thế-Tôn, con sẽ tự bảo là: họ đang còn hiền, vì họ chỉ chửi rủa, mắng nhiết, chứ chưa đánh đập hay lấy đá ném vào con.
– Thế, nếu họ lấy tay đánh, hay lấy đá ném vào ông?
– Bạch Thế-Tôn, con sẽ tự bảo: họ còn thương con, vì họ không dùng gươm để đâm con.
– Nếu họ dùng gươm để đâm ông?
– Bạch Thế-Tôn, con sẽ tự bảo: họ còn tốt, vì họ chưa đâm con đến chết.
– Nếu họ đâm ông đến chết?
– Bạch Thế-Tôn, con sẽ tự bảo: họ đã giải cho ta thoát cái thân vô-thường, đau khổ.
Chính đạo Phật đã có thái-độ ấy trong lúc truyền đạo: người ta đánh đập thì mình chạy, nếu chạy không được thì đành chịu bị đánh, hay bị giết. Do thái-độ hiền hòa, bất bạo-động, bất để kháng ấy mà Đạo Phật đã cảm-hóa được nhân tâm, đã lan tràn mau lẹ trên thế-giới. Phát-xuất từ Ấn-Độ, được sùng mộ trong khoảng gần mười thế-kỷ ở đấy rồi bị Bà-La-Môn lấy uy-quyền hiếp đáp, xua đuổi, Đạo Phật lẳng lặng ra khỏi Ấn-Độ, để du nhập những nước láng giềng. Sự hy-sinh lớn lao của Đạo Phật khi rời bỏ Ấn-Độ ra đi, mà không chống cự lại, đã gây một ảnh-hưởng vô cùng vĩ-đại, chứng tỏ người Phật-tử đã trung-thành với giáo-lý mà mình đã theo, với lời của Phật dạy. Cái truyền thống bất bạo động ấy chưa một lần nào đã bị vi phạm, mặc dù ở đâu và lúc nào. Xét như các xứ Tây-Tạng, và nhất là Mông-Cổ của Thành-Cát-Tư-Hãn xưa kia có tiếng là hung bạo, thế mà Đạo Phật vẫn cảm phục được và biến đổi người dân ở những xứ đó thành hiền lương, thuần hậu.
Cho nên ngày nay, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy đạo Phật được gọi là Đạo Hòa-bình và những phong-trào Hòa-bình trên thế-giới đều lấy Phật-giáo làm nòng cốt, hay đều chịu ít nhiều ảnh-hưởng của Phật-giáo, Trong hội-nghị Phật-giáo Thế-giới lần thứ III họp ở Nhật, hay lần thứ IV, họp ở Népal, vấn-đề Hòa-bình trong đạo Phật đã được nêu lên làm điểm chính cho cuộc thảo-luận. Trong hội-nghị Văn-hóa quốc-tế họp ở Tân-Đề-Ly năm 1956, Thủ-Tướng Nehru, người lãnh-đạo khối Colombo, người chủ-trương giải-quyết mọi vấn-đề quốc-tế bằng giải-pháp Hòa-bình, con người hòa-giải vĩ đại ấy trong bài diễn văn khai-mạc, đã tỏ ra rất hy-vọng và tin-tưởng ở năng-lực Phật-giáo trong công cuộc xây đắp một nền Hòa-bình vững chãi cho nhân-loại. Phó Tổng-Thống Ấn-Độ Radha-krishnan, trong một cuộc mết-tinh (ngày 23/11/56) tại Tân-Đề-Li, đã tuyên-bố trước sự hiện diện của hơn 60 học-giả danh tiếng trên thế-giới: “Khoa-học đã mang lại cho nhân-loại nhiều quyền-lực đến nỗi họ có thể tự phá hủy đời sống của mình. Cho nên có thể nói rằng, nếu không trồng cho mình những đức Từ-bi, Bất Bạo-Động, thì loài người hủy hoại tất cả. Hủy hoại hạnh-phúc mình và chính bản thân mình nữa”.
Xem thế, chúng ta thấy Từ-bi của Đạo Phật là một tình thương rộng mênh-mông, lan trải từ người đến vật, đến cỏ cây, rất bình-đẳng, rất tích-cực, chứ không phải hạn cuộc, ích-kỷ, tiêu-cực, vô-nghĩa, như một số người đã lầm tưởng.
Nó có những tác dụng quí-báu, thiết-thực ích-lợi cho cuộc đời, có những ảnh-hưởng tốt-đẹp cho sự-sống. Nó làm cho con người trở nên hiền dịu, rộng-rãi, thông-cảm với đồng loại, với muôn vật, với cỏ cây, biết tôn trọng sự sống của tất cả, và không vì một lý do gì mà tàn sát sinh-vật, cũng không vì một lý do gì mà giết hại đồng loại hay gây chiến-tranh.
Chỉ riêng mấy điểm ấy, Đạo Phật cũng đáng để nhân-loại cảm mến tôn-sùng.
Nhật Quang