TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP

tu la chuyen nghiep

Tội nghiệp! Quả báo hay Nghiệp báo là những tiếng ghép đôi dân gian thường dùng khi tỏ ý sót thương một người khổ não hay tỏ ý đáng tiếc một việc không hay đã xẩy ra. Phật học nói đến Tam Nghiệp gồm có Thân Nghiệp, Khẩu Nghiệp và Ý Nghiệp. Phật học cũng nói đến Nghiệp Nhân và Nghiệp Quả, nói tắt là Nhân và Quả.

I- TAM NGHIỆP VÀ PHÂN BIỆT NHÂN VỚI QUẢ.

Theo từ ngữ, tiếng đơn NGHIỆP (tiếng Sanskrit: Karma) có nội dung diễn tả một việc làm, một sự kiện do một vai trò thực hiện: Do Thân đảm trách gọi là Thân Nghiệp, do miệng đảm trách gọi là Khẩu Nghiệp, do Óc đảm trách gọi là Ý Nghiệp. Nói đến Tam Nghiệp là có hàm ý chú trọng đến vai trò diễn xuất. Nói cách khác, Tam Nghiệp trình bầy sự xếp loại Nghiệp trong Phật học lấy vai trò thực hiện làm tiêu chuẩn phân biệt.

Sự phân biệt Nghiệp Nhân với Nghiệp Quả khó nhận ra, không dễ dàng như trường hợp Tam Nghiệp Thân, Khẩu và Ý.Theo từ ngữ NHÂN có nghĩa cụ thể là hạt giống, nghĩa trừu tượng là nguyên do, lý do chính tạo nên một sự kiện như gieo hạt giống xuống đất sẽ mọc lên cây có trái. QUẢ có nghĩa cụ thể là trái cây, nghĩa trừu tượng là kết cuộc một sự kiện như trồng cây để lấy trái. Không ai có sự nhầm lẫn Nhân với Quả theo nghĩa cụ thể trong thực vật học như nhầm tưởng hạt cam là trái cam. Sự nhầm lẫn chỉ có và dễ mắc phải khi nói đến Nghiệp Nhân và Nghiệp Quả trong Phật học. Sự phân biệt Nhân với Quả đã tùy thuộc vào sự quán chiếu, sự soi tỏ và phân tách một sự kiện, nói cách khác là tùy thuộc vào cách nhìn của người quan sát. Nói đại cương có hai quán niệm căn bản như sau:

1- Quán niệm sự kiện trong thời gian và không gian .

Trong sinh hoạt thực tế hàng ngày, một sự kiện xẩy ra, một hành động do con người thực hiện bao giờ cũng xẩy ra trong một bối cảnh thời gian và không gian. Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp đều thành tựu ở một thời điểm và một địa điểm nào đó. Con người cũng như vạn vật không thể sinh hoạt ở ngoài phạm trù của thời gian và không gian. Ðây là một sự thật hiển nhiên ai cũng nhận thấy.

Theo cách quán niệm thứ nhất, Nhân và Quả là hai sự kiện khác nhau thể hiện ở hai thời điểm và hai địa điểm khác nhau. Vai trò diễn xuất có khi là một người: Chăm chỉ làm việc thì dễ thành đạt khá giả, lười biếng ham chơi thì sẽ phiền muộn nghèo khó. Có trường hợp vai trò diễn xuất là hai người sống cách nhau cả thế hệ: cha mẹ hiền lành để phúc cho con, đời cha ăn mặn đời con khát nước.

Ðây là cách quán niệm sự kiện của người mang tâm thế gian, nhìn vào sinh hoạt nhân sinh với con mắt thế gian để nhận thức lý Nhân Quả: Nghiệp Nhân và Nghiệp Quả là Hai, không phải Một.

2- Quán niệm Nhân Quả nhất như.

Ðây là cách quán niệm sự kiện siêu thời gian và siêu không gian, nghĩa là không đặt sự kiện được quán chiếu vào trong một bối cảnh thời gian và không gian. Cách quán niệm này của Thiền tông nhìn thấy Nhân và Quả chỉ là Một, không phải Hai ( chữ Hán: Nhất như). Lập luận như sau:

Dòng thời gian vốn vô thủy vô chung liên tục tiếp nối không lúc nào ngưng lại ở một điểm nào. Khi nhìn một sự kiện, con người đem đặt vào bối cảnh thời gian tại một điểm nhất định gọi là thời điểm xẩy ra sự kiện. Do đó mới nẩy sinh ra ý niệm quá khứ, vị lai lấy thời điểm xẩy ra sự kiện làm hiện tại coi như giao điểm giữa hai thời quá khứ và vị lai. Quá khứ, vị lai cũng như hiện tại chỉ có hư nghĩa, không có thực nghĩa vì lý do chính thời điểm gọi là hiện tại dùng làm cái mốc chia quá khứ với vị lai lại luôn luôn di chuyển , không đứng yên một chỗ. Người nói ra lời, âm thanh chưa kịp đến tai người nghe thì cái gọi là hiện tại đã trở thành quá khứ. Căn cứ vào hư nghĩa quá khứ và vị lai nẩy sinh ra ý niệm Nhân và Quả, tin rằng đó là hai thực thể khác nhau, Nhân có trước Quả sinh sau.

Ðem sự kiện đặt vào bối cảnh không gian tại một điểm nhất định gọi là địa điểm nơi xẩy ra sự kiện. Do đó mới nẩy sinh ra ý niệm chỗ xa chỗ gần, người này người nọ. Thực ra , không gian vốn vô cùng vô tận, không có cái gọi là xa gần trên dưới hay đông tây nam bắc. Những ý niệm về khoảng cách trong không gian là những quy ước có giá trị tương đối khi cần sự phân biệt, không có giá trị tuyệt đối, Phật học gọi là Chân Như. So với bầu khí quyển bao quanh trái đất, mặt trăng ở xa hơn nhiều; so với mặt trời, mặt trăng lại ở gần hơn nhiều. Hoa Kỳ ở phía nam của Canada nhưng ở phía bắc của Mexico.

Lập luận như trên nên Thiền tông có quán niệm Nhân Quả nhất như, Nhân và Quả là Một, không phải Hai. Người quán chiếu nhìn thấy Nhân tức khắc biết cả Quả, nhìn thấy Quả tức khắc biết cả Nhân. Thâm quán hơn khi nhìn vào một sự kiện duy nhất, người này thấy ngay cùng một sát na cả Nhân lẫn Quả, không cần suy ngẫm gì. Ðạt tới trình độ này gọi là trực quán, trực giác, trực ngộ, đốn giác hay đốn ngộ. Theo cách quán niệm thứ hai này, khi nhìn trái cam người quán chíếu thấy ngay hạt cam trong quá khứ đã ương trồng thành cây cam tức là Nhân của trái cam nhìn thấy ở thời điểm hiện tại, đồng thời thấy luôn cả cây cam trong thời gian vị lai do hạt cam trong ruột trái cam nhìn thấy trước mắt sẽ nẩy mầm mọc thành cây tức là Quả của trái cam ở trước mắt. Nói cách khác, từ sự kiện hiện hữu trong hiện tại người quán chiếu thấy luôn cả Nhân trong quá khứ và Quả trong tương lai. Hiện tại, quá khứ và tương lai thâu lại chỉ là một điểm duy nhất, tính cách siêu thời gian được dẫn giải như vậy theo Thiền tông. Bằng cách dẫn giải tương tự, tính cách siêu không gian cũng vậy: Trái cam cụ thể nhìn thấy trước mắt có một vị trí trong không gian. Cũng từ vị trí duy nhất này người quán chiếu thấy cả hai vị trí có trong quán tưởng, một của Nhân trong quá khứ và một của Quả trong tương lai.

Trường hợp sự kiện trừu tượng cũng vậy. Nhìn thấy trước mắt một người thành đạt khá giả sẽ biết ngay do Nhân trong quá khứ là chăm chỉ làm ăn, đồng thời cũng biết ngay sẽ dẫn đến Quả trong tương lai là được an vui sung sướng. Ngược lại, nhìn thấy trước mắt một người phiền muộn nghèo khó sẽ biết ngay do Nhân trong quá khứ là lười biếng ham chơi, đồng thời cũng biết ngay sẽ dẫn đến Quả trong tương lai là tủi nhục thất vọng.

Ðây là cách quán niệm sự kiện của người tu thiền mang tâm xuất thế gian, nhìn vào sinh hoạt nhân sinh với con mắt xuất thế gian để nhận thức lý Nhân Quả nhất như: Nhân và Quả là Một, không phải Hai. Gọi là xuất thế gian vì lý do siêu thời gian và không gian, coi như không có thời gian và không gian dùng làm bối cảnh quán chiếu mà chỉ nhìn thấy một sự kiện xẩy ra một cách trực tiếp và chính xác.

II- SỰ CHUYỂN NGHIỆP TRÊN ÐƯỜNG GIẢI THOÁT.

Sinh hoạt của con người luôn luôn tiếp diễn không lúc nào ngừng, nói văn hoa gọi là dòng đời trôi nổi ví như dòng sông tuôn chảy lúc mạnh lúc yếu, khi đục khi trong, không lúc nào tĩnh lặng. Nước sông bắt nguồn từ chỗ cao thượng lưu chảy xuống chỗ thấp hạ lưu theo lẽ tự nhiên từ cao xuống thấp: Ðó là sự lưu chuyển do thủy lực của nước sông. Sinh hoạt của con người hàng ngày vui buồn sướng khổ, an nguy sống chết theo lý vô thường nối đuôi nhau tạo thành cuộc sống nhân sinh. Tất cả mọi sinh hoạt của con người thâu tóm lại là nghĩ, nói và làm. Phật học gọi là tam nghiệp gồm có Ý nghiệp, Khẩu nghiệp và Thân nghiệp. Sự diễn tiến cuộc sống nhân sinh do sinh lực tức sức sống của con người, Phật học gọi là Nghiệp lực.

1-Nghiệp lực trong quá trình chuyển nghiệp .

Thế nào là chuyển nghiệp? Câu thường nghe nói trong Phật học tu Phật là tu Tâm vì lý do Phật tại Tâm, Phật chính là Chánh Tâm bẩm sinh vốn tự tánh Chân Thiện nên cũng gọi là Chân Tâm, Thiện Tâm. Tu Tâm là chuyển Tâm từ Tà Tâm thành Chánh Tâm, từ Vọng Tâm thành Chân Tâm, từ Ác Tâm thành Thiện Tâm. Nói rõ ràng dễ hiểu hơn, Chuyển Tâm là Chuyển Nghiệp, từ Nghiệp Dữ sang Nghiệp Lành.

Theo từ ngữ, CHUYỂN NGHIỆP có hai nghĩa cần phân biệt tường tận:

* Chuyển hiểu theo nghĩa lưu chuyển, chuyển dịch, chuyển biến…

diễn ý rời chỗ này đến chỗ kia, lìa bỏ sắc tướng hình dạng này để mang sắc tướng hình dạng khác. Ứng dụng vào lý Nhân Quả, đây là quá trình từ Nghiệp Nhân đã gieo trong quá khứ dẫn đến Nghiệp Quả đang nhận trong hiện tại, hay từ Nghiệp Nhân gieo trong hiện tại đến Nghiệp Quả sẽ nhận trong tương lai. Tóm lại là từ Nhân đến Quả theo dòng thời gian.

Sự lưu chuyển này là lý Nhân Quả đương nhiên chân thật, là Sự thật tuyệt đối. Con người biết đến hay không biết, tin theo hay không tin thì lý Nhân Quả vẫn đương nhiên diễn tiến theo quá trình từ Nhân đến Quả. Sự đương nhiên không thể nghĩ bàn, chỉ dẫn chứng để kiên định niềm tin là nương theo lẽ đương nhiên mà hành trì Chánh pháp:

– Ðã gieo Nhân thì ắt nhận Quả, nhìn thấy Quả ắt phải biết là có

– Nhân. Nhân và Quả không bao giờ hiện hữu đơn lẻ một mình. Ðây là lý Tương sinh tương nhiếp nghĩa là cùng sinh ra cùng nắm giữ lấy nhau.

– Nhân nào Quả ấy, lời Phật dạy: Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Nhân lành sanh Quả phúc, Nhân dữ sanh Quả họa. Cổ nhân có câu Họa phúc vô môn duy nhân tự triệu, diễn nôm là Họa và Phúc không tự dưng bước qua cửa vào trong nhà, tất cả đều do chủ nhân rước vào. Tục ngữ có những câu Ở hiền gập lành, Gieo gió gặt bão, Cây thối tự rễ, Nước đục tự nguồn…Ca dao nói về lẽ đương nhiên Nhân nào Quả ấy một cách nhẹ nhàng nhưng rất thâm thúy:

– Trồng sung thì hái quả sung,

Trồng sung mong hái quả hồng được sao!

Trồng mơ đừng ước được đào,

Trồng chanh chẳng có khi nào được cam!

* Chuyển hiểu theo nghĩa chuyển hóa, hóa độ diễn ý rời thể tánh phẩm chất này sang thể tánh phẩm chất khác. Ứng dụng vào lý Nhân Quả, đây là quá trình thay đổi từ Ác sang Thiện, từ Tà sang Chánh, từ Họa sang Phúc. Ðây là nghĩa chánh yếu trong lý Nhân Quả khi nói Tu là Chuyển Nghiệp.

Một câu hỏi then chốt: Mới thoạt nghe hai nghĩa khác nhau của quá trình Chuyển Nghiệp, người sơ tâm thấy như mâu thuẫn trái ngược nhau. Theo nghĩa thứ nhất thì Nhân nào Quả ấy, Nhân lành Quả lành, Nhân dữ Quả dữ. Theo nghĩa thứ hai thì Nhân dữ lại chuyển hóa thành Quả lành do sự hành trì Chánh pháp, tại sao? Hơn nữa trường hợp chuyển hóa từ Nhân lành sang Quả dữ có xẩy ra hay không?

Xin thưa: Quá trình Chuyển nghiệp có hai nghĩa khác nhau, bổ sung và kiện toàn cho nhau trong lý Nhân Quả, không có sự mâu thuẫn nghịch ý nhau.

Thứ nhất, lý Nhân Quả trình bầy một Chân lý tuyệt đối, một lẽ đương nhiên như vậy, một nguyên tắc bất di bất dịch: Một khi đã gieo Nhân nào ắt hái Quả ấy, không hề có sự sai khác. Gieo Nhân lành hưởng Phúc, không cầu Phúc vẫn đến và không ai tranh dành được. Gieo Nhân dữ mang Họa, dù có van lạy xin tha đừng giáng xuống cũng không tránh được, hoặc có người sót thương tự nguyện xin gánh đỡ phần nào cũng không được. Ðây là uy lực của lý Nhân Quả tác động đến sinh hoạt nhân sinh.

Thứ hai, lý Nhân Quả trình bầy một hệ luận bổ sung nhằm mục đích khuyến tu làm điều Lành tránh điều Dữ: muốn hái Quả nào thì hãy gieo Nhân ấy, không hề có sự ép buộc làm mất quyền tự do chọn lựa của từng cá nhân. Muốn hưởng Quả Phúc hãy gieo Nhân Lành, muốn tránh Tai Họa đừng bao giờ gieo Nhân Dữ. Ðây là quyền tự do tuyệt đối của người gieo Nhân đã nương theo lý Nhân Quả mà hành xử và được lý Nhân Quả có tính cách khách quan yểm trợ một cách công bằng vô tư. Phật tử có niềm tin nhưng chưa thông suốt lý giải hệ luận bổ sung một cách tường tận thường hiểu đây là ân cứu độ của Ðức Phật ban Phúc cho tín đồ làm điều lành tránh điều dữ. Ân cứu độ chúng sanh của Ðức Phật là ân giáo hóa lý Nhân Quả, làm cho đệ tử hiểu rõ và sử dụng quyền tự do gieo Nhân. Ðó là ân đã pháp thí, không phải là ân ban Phúc hay che chở cho thoát khỏi Họa một khi đệ tử đã gieo Nhân. Phúc hay Họa là do chính đệ tử quyết định tự chọn, không phải do Ðức Phật.

Nguyên tắc quy định Nhân nào Quả ấy có hệ luận bổ sung xác nhận quyền tự do gieo Nhân của con người. Sự bổ sung này cần thiết không thể thiếu được có tầm quan trọng tránh sự ngộ nhận cho rằng lý Nhân Quả là một dạng của thuyết Ðịnh Mệnh trong triết lý nhân sinh. Thuyết này chủ trương số phận con người được an bài định sẵn do một quyền năng thiêng liêng tối cao, có tính cách khách quan, không lý hội kể đến phần nào khả năng tự lực có tính cách chủ quan ở con người. Câu tục ngữ Người làm Trời định diễn ý thuyết Ðịnh Mệnh trong tin tưởng của người thường dân không thông hiểu lý Nhân Quả. Trong Truyện Thúy Kiều, thi hào Nguyễn Du là bậc túc Nho uyên thâm đạo Phật hiểu thấu lý Nhân Quả đã có câu thơ:

Có Trời mà cũng có Ta…

Ở một đoạn khác có câu thơ nói rõ ràng hơn khả năng tự lực tức quyền tự do gieo Nhân của con người trong việc định đoạt số phận mình:

Xưa nay Nhân định thắng Thiên cũng nhiều.

Trời và Thiên ở đây là lẽ Trời, Thiên lý hiểu là lẽ vận hành mọi sinh hoạt trong cuộc sống con người tức lý Nhân Quả trong Phật học.

Sau lý Nhân Quả kế đến việc sử dụng từ ngữ trong Phật học. Theo định nghĩa, Chuyển Nghiệp là chuyển hóa theo hai chiều: Thứ nhất theo chiều đi lên từ thấp lên cao, từ Ác thành Thiện, từ Tà thành Chánh; thứ hai theo chiều đi xuống từ cao xuống thấp , từ Thiện hóa ra Ác, từ Chánh hóa ra Tà. Tuy nhiên, theo thông dụng từ ngữ Chuyển Nghiệp dùng trong việc khuyến tu chỉ diễn ý chuyển hóa theo chiều đi lên vun bồi Quả Phúc. Năng lực chuyển hóa gọi là Nghiệp lực hay Nguyện lực. Trường hợp diễn ý chuyển hóa theo chiều đi xuống bị Tai Họa dùng từ ngữ Ðọa Nghiệp, năng lực chuyển hóa gọi là Ðọa lực (Tiếng Hán Ðọa nghĩa là rớt xuống như nói đọa Ðịa ngục, đọa Súc sinh).

2- Vai trò A-lại- da thức trong quá trình chuyển nghiệp.

Con người đứng hàng đầu hơn hết các giống động vật khác nhờ ở đời sống tâm linh có trí huệ linh diệu. Năng lực của trí huệ do ở Bát thức là tám khả năng nhận biết mọi vật mọi sự việc. Trong Bát thức vai trò tối thượng là thức thứ tám mang tên A-lại-da thức, phiên âm tiếng Sanskrit là Alaya. Ðây là thức Chúa tể có quyền năng tối cao và bao trùm cả bẩy thức kia, định đọat cuộc sống con người đọa xuống Ðịa Ngục hay chứng đắc Phật quả nhập Niết-Bàn. Với chức năng vừa tinh vi linh diệu vừa thông suốt vạn pháp, A-lại-da thức mang nhiều tên gọi khác nhau, mỗi danh xưng dịch sang tiếng Hán Việt tương ứng với mỗi vai trò riêng biệt tùy từng trường hợp muốn nhấn mạnh đề cao. Người thiện học cần lưu tâm những danh xưng sau đây:

– Hàm tàng thức hay gọi tắt Tàng thức diễn ý vai trò chứa đựng, lưu trữ một thời gian những nhận biết, giống như nhà kho chứa hàng hóa.

– Nghiệp thức diễn ý vai trò nhận biết tất cả mọi nghiệp do con người đảm trách trong sinh hoạt hằng ngày.

– Chủng tử thức diễn ý vai trò nhận biết mọi hạt giống tức mầm sống chứa đựng sinh lực tức nghiệp lực của con người.

– Căn bản thức diễn ý vai trò nền tảng của trí huệ, nguồn gốc của nhận biết.

– Thức tâm diễn ý vai chính cầm đầu trong Bát thức. Thức tâm trong Lục thức là Ý thức tức thức thứ sáu.

– Tập khởi tâm diễn ý vai trò thâu nhận quy tụ (tiếng Hán: Tập, tập trung, tập hợp) và phân phối tác động ( tiếng Hán: Khởi, khởi sinh, khởi động) tất cả mọi nghiệp chủng tức hạt giống Nhân để rồi sanh ra Quả.

– Như Lai tàng và Như Lai thức diễn ý vai trò có chức năng linh tri diệu ứng, những Nghiệp chủng lưu trữ, vừa sáng suốt nhận biết vạn pháp vừa tùy duyên ứng hóa khi thể hiện thành hành động. Chức năng này còn có tên gọi là Thần lực Như Lai.

– Ðại viên kính trí diễn ý vai trò giác ngộ đã đắc đạo quả Tâm Không tức Tâm Thanh Tịnh Vô Nhiễm. Tâm này coi như một tấm gương trong sáng có khả năng vừa tịch vừa chiếu: Tịch là phần bản thể tĩnh lặng an nhiên như Hư không bất động, không có một hoen ố nào; Chiếu là phần hiện tượng ứng dụng khi nhập thế chiếu soi thông suốt vạn pháp. Khi duyên chưa hội thì Tịch, khi duyên hội thì Chiếu, khi duyên liễu chấm dứt thì trở lại Tịch thường hằng, giống như Tấm Gương (tiếng Hán: Tâm kính) vốn trong sáng không có dấu vết gì, lúc có một vật gì ở trước gương thì gương soi tỏ hình tướng vật ấy thấy rõ trên mặt gương, đến lúc vật ấy rời đi chỗ khác thì mặt gương trở lại trong sáng như cũ không lưu trữ lại dấu vết gì. Chiếu là tác động của Tâm Hỷ vui vẻ đi vào đời và Tịch là tác động của Tâm Xả buông bỏ mọi thứ không luyến tiếc. Nói cách khác, Chiếu là Tâm Nhập thế gian và Tịch là Tâm Xuất thế gian.

– Sự thông dịch từ một tiếng Sanskrit là Alaya sang nhiều tiếng Hán Việt khác nhau chứng tỏ vai trò của thức thứ tám vừa đa năng đa dạng vừa quán xuyến quy về một mối, đó là chức năng Chủ Tướng cai quản toàn bộ sinh hoạt tâm linh con người. Dịch sang tiếng Hán Việt không có danh xưng nào diễn đầy đủ trọn vẹn ý nghĩa nội dung tiếng Alaya, do đó danh xưng thường dùng nhất để diễn tả trung thực hơn cả là tiếng phiên âm A-lại-da thức, thêm tiếng Hán Việt là thức chỉ khả năng nhận biết. Hãy coi sự vận hành chuyển nghiệp tức guồng máy sinh hoạt tâm linh con người như cơ chế chánh quyền một quốc gia: A-lại-da thức là cấp trung ương đóng vai trò Lãnh đạo, bẩy thức còn lại đều là thuộc cấp dưới quyền của nhà Lãnh đạo trung ương. Mạt-na thức đóng vai tham mưu cố vấn, Ý thức đóng vai trực tiếp chỉ huy, năm thức đóng vai cấp thừa hành là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỵ thức, Vị thức và Thân thức. Sự vận hành trong quá trình chuyển nghiệp đại cương chia làm ba giai đoạn chứng tỏ khả năng lãnh đạo của cấp trung ương tức A-lại-da thức: Tập hợp, tàng trữ và khởi động. Ðây cũng là sự liên hệ phân định khả năng giữa cấp Lãnh đạo trung ương với các thuộc cấp dưới quyền.

* Giai đoạn tập hợp.

Trong sinh hoạt hằng ngày Lục thức thu lượm những nhận biết đem giao nộp cho A-lại-da thức, có sự tham mưu cố vấn của Mạt-na thức. Phần việc của bẩy thức này là những động tác gieo Nhân tạo Nghiệp, bao gồm cả Nhân lành Nhân dữ thuộc Tam Nghiệp Thân, Khẩu, Ý. Nói theo ngôn từ khoa học, đây là phần việc của Giác quan do Ý thức chỉ huy trực tiếp thu lượm những dữ kiện trong cuộc sống để giao nộp cho Bộ Óc là A-lại-da thức theo hệ thống thần kinh cảm giác. Do đó con người mới biết mầu sắc, âm thanh, hương thơm nhẹ hay nồng, vị ngọt hay chua, nóng hay lạnh và vui buồn, đúng sai…

Trong quá trình Chuyển Nghiệp cần lưu tâm hai điều then chốt về hiệu năng và phẩm chất khả năng của Lục thức và Mạt-na thức:

– Lục thức có nhiều động tác thiếu sót và sai nhầm trong phần việc gieo Nhân, Phật học gọi là Vọng thức, nguyên do sinh ra Tà niệm, Vọng niệm, Thành kiến, Ðịnh kiến, Thiên kiến, Tà kiến. Ðây là Vô Minh mê mờ dẫn con người trên con đường đau khổ luân hồi. Ðây chính là nghiệp căn Chấp pháp, làm cho con người nhìn thấy pháp tướng tức hiện tượng hiển lộ của sự kiện mà không nhận biết ra pháp tánh tức bản thể ẩn tàng của sự kiện, Phật học gọi là chưa có khả năng tùy tướng nhập tánh, nương theo pháp tướng mà nhận biết ra pháp tánh.

– Mạt-na thức đóng vai tham mưu cố vấn cho Lục thức, nói rõ hơn là có tác dụng chi phối đến Ý thức trong việc điều động năm thức đầu tức năm giác quan. Mạt-na thức nhận biết ra Bản Ngã, cái Tôi của con người, phân biệt tự thân với tha nhân. Sự phân biệt này dẫn đến Vị kỷ, Chấp ngã và do đó suy tư thiên lệch cái gì của mình hay thuộc về mình cũng hơn của người khác.

Tóm lại trong giai đoạn tập hợp, A-lại-da thức đã thâu nạp những Chủng tử tức Nghiệp Nhân cả lành lẫn dữ mang sẵn nghiệp căn Chấp pháp và Chấp ngã. Ðây chính là nguồn gốc mầm mống của Tam độc Tam, Sân và Si.

* Giai đoạn tàng trữ.

Sau việc tập hợp đến việc tàng trữ những Chủng tử do Lục thức giao nộp, do đó A-lại-da thức có tên gọi là Tàng thức. Ngoài vai trò tàng trữ, A-lại-da thức còn có một vai trò khác quan trọng hơn trong giai đoạn này, đó là chuyển hóa.

– Tàng trữ những Chủng tử, những Nghiệp Nhân đã gieo kể cả lành lẫn dữ. Không hẳn chỉ tập hợp thâu nhận những Nhân gieo hàng ngày mà tàng trữ tích lũy những Nhân đã gieo trong quá khứ từ vô lượng tiền kiếp. Khối chủng tử tích lũy này tạo thành Nghiệp Căn ngày một sâu nặng thêm, chia làm hai trường hợp: Thiện Căn hay Phúc Căn khi tỷ lệ Chủng tử Nhân lành nhiều hơn và Ác Căn hay Tội Căn khi tỷ lệ Chủng tử Nhân dữ nhiều hơn. Làm việc Thiện là gieo Nhân lành, vun bồi Thiện Căn; làm điều Ác là gieo Nhân dữ, đắp thêm cho Ác Căn.

– Chuyển hóa những Chủng tử cùng tích lũy tức Nghiệp Căn từ Ác sang Thiện, từ Tà sang Chánh, từ Hư sang Thực. Vai trò này là tinh hoa nhân bản của con người làm cho con người dung tục phàm phu có đủ khả năng thăng hoa thành Bồ-tát, thành Phật. Do đó A-lại-da thức có tên gọi là Như Lai tàng, Như Lai thức. Khả năng linh diệu này gọi là Thần lực Như Lai.

– Ðiểm cần lưu tâm: A-lại-da thức chỉ chuyển hóa Chủng tử nghĩa là cải tà quy chánh những Nhân dữ trở thành Nhân lành, không hề diệt trừ Nhân dữ và sinh ra Nhân lành mới.

* Giai đoạn khởi động.

– Khởi động tất cả những Chủng tử chứa sẵn năng lực tiềm ẩn, giống như làm cho nẩy mầm những hạt giống một khi đã gieo, Phật học gọi là tác nghiệp hay tạo nghiệp. Nếu không được khởi động, Nhân không chuyển thành Quả, không còn có lý Nhân Quả.

– Vừa chuyển hóa vừa khởi động kết hợp thành sự vận hành Chuyển Nghiệp, một mặt từ Ác sang Thiện, một mặt từ Nhân ra Quả. Sau khi kết thành Quả là sự hiển lộ thành Báo Ứng, cụ thể hóa ra một sự kiện, một việc xẩy ra trong sinh hoạt thực tế, dân gian thường dùng tiếng ghép đôi Quả báo để diễn tả hai động tác nối tiếp liền nhau là kết thành Quả và hiển lộ thành Báo.

– Tất cả ba giai đoạn tập hợp, tàng trữ và khởi động trong quá trình Chuyển Nghiệp người mang tâm thế gian với con mắt phàm phu không hay biết, chỉ nhận thấy có hai sự kiện trước và sau: Sự kiện trước là gieo Nhân mà chính mình không nhận thức ra là gieo Nhân vì Vô Minh và Tham Dục không phải chỉ ở kiếp hiện tại mà đã gieo Nhân từ rất nhiều kiếp trước; sự kiện sau là trả Quả mà không rõ từ đâu dẫn đến, nhận Quả lành thì bảo là Phúc Trời ban cho hay số may số tốt, nhận Quả dữ thì bảo là Tội Trời giáng họa hay số phận hẩm hiu bạc bẽo. Người hiểu lý Nhân Quả nhận thấy cái gọi là Phúc Trời hay Tội Trời là lẽ đương nhiên như thế trong quá trình Chuyển Nghiệp xuyên qua nhiều kiếp liên tục.

KẾT LUẬN.

Tu Phật là Tu Tâm. Tu là Chuyển Nghiệp, phần lý giải tuy có tế nhị tinh vi nhưng phần hành trì tóm lại chỉ một câu tâm nguyện là đủ: LÀM ÐIỀU LÀNH TRÁNH ÐIỀU DỮ. Trên đường Giải thoát làm một điều lành là tiến một bước, làm một điều dữ là lui một bước. Trong sinh hoạt hàng ngày người khéo tu thấy việc lành rất nhỏ vẫn nhất tâm thực hiện, thấy việc dữ rất nhỏ vẫn nhất tâm cố tránh. Phúc hay Họa đều do ở đấy mà ra, lý Nhân Quả về mặt hành trì thật đơn giản dễ hiểu nhưng có hiệu ứng linh diệu vô cùng, đừng thấy đơn giản dễ hiểu mà khinh xuất không tu tập để uổng kiếp làm người ở thế gian.

RỦ NHAU CÙNG TU

Ðã sinh ra kiếp làm người

Tu là Chuyển Nghiệp cho đời nở hoa:

Tìm ngay Phật ở Tâm ta,

Trang nghiêm Tịnh Ðộ tự nhà mình ra,

Kính nhường, đầm ấm, vui hòa,

Thế gian hết khổ ấy là chân tu.

DUYÊN HẠC

Duyên Hạc Lê Thái Ất