Có hai hình ảnh Đức Phật trong cuộc đời. Một là Đức Phật Đại Bi với tình thương vô biên dành cho vạn loài. Hai là Đức Phật Đại Trí với sự giác ngộ vượt lên trên mọi quan kiến bình thường. Hướng về Đức Phật Đại Bi, nhân loại chắp tay nguyện cầu hồng ân sâu dày xoa dịu niềm đau, nỗi khổ sâu kín trong cuộc đời. Hướng về Đức Phật Đại Trí, con người sùng bái những pho kinh điển với hy vọng đạt đến tri thức cao vời. Tất cả đều nhận là Phật tử, là con chung của Đấng Cha Lành, nhưng mỗi người lại đi về một nẻo. Theo tiếng gọi của Đức Tin, hằng bao thế hệ đặt hết tâm tư sùng kính của mình vào những pho tượng, đền tháp. Bởi dành quá nhiều thì giờ, tâm tư cho tín ngưỡng của mình, đôi lúc quên đi tình người với người. Mà không phải quên chỉ vì thấy nó tầm thường, phiền hà, không thiêng liêng cao trọng hơn việc cúng tế, thờ phượng. Khắp các phần đất văn minh của trái đất không thiếu gì hình ảnh những đền thờ, giáo đường, chùa chiền nguy nga, tráng lệ, mà bên cạnh là những kẻ bần hàn bất hạnh bị xã hội ruồng bỏ, lãng quên. Theo khát vọng trí thức, một số khác cũng đi vào cuộc đời với những chối bỏ lãng quên. Thường khi vì quá trọng cái học nên xem thường những thứ bình dị nhưng chân thật. Một danh tăng cũng phải thốt lên lời than: “Nền Phật học ngày nay đào tạo nhiều học giả hơn những Phật tử lão thành.” Đi càng xa càng thấy lạ mặt với nhau hơn. Ngỡ ngàng trước những ngăn cách trong đời khiến băn khoăn tự hỏi: cùng nương về một điểm tựa tinh thần mà sao càng đi lại càng thấy trái chống nhau?
Cuộc đời của Đức Phật chứng minh rằng hai thứ chẳng những có thể song hành mà còn không thể thiếu nhau. Nói một cách khác, người Phật tử chân chánh cần hiểu rằng, đối với sự nghiệp tu thân, chỉ đón nhận tình thương vô lượng của Đức Phật mà không hấp thụ Phật Pháp thì cả trăm năm tu tập cũng chưa thể nào hưởng được di sản của Ngài để lại. Trái lại chỉ chuyên trau dồi trí thức thì hình như trọn cuộc đời cũng chưa hưởng được một chút hạnh phúc nhẹ nhàng có thể với lấy trong tầm tay bởi cả đời chỉ lo tầm cầu mà chưa hẳn đã đạt được ý nguyện. Sự nghiệp tu thân là vậy mà công hạnh độ đời cũng thế. Nếu lòng bi mẫn chỉ đi một mình thì vướng vào muôn hệ lụy, còn nếu tặng vật cho đời chỉ là kiến giải thì không mấy kẻ vui lòng đưa tay đón nhận.
Mặc dù không phải là một định luật rõ ràng, nhưng hình như khi sống nghiêng về tri thức, con người có khuynh hướng chìm sâu vào nội tâm, khiến cuộc sống bên ngoài bị lãng quên, trong khi ấy, với người giàu lòng bi mẫn thì ngoại cảnh được quan tâm đặc biệt. Có một số hình thái lễ nghi làm quân bình cả hai trạng thái trên, nhưng tùy thuộc rất nhiều vào sự lãnh hội cá nhân. Một trong những ví dụ điển hình nhất là ngày Phật Đản, thường là ngày của lễ lộc, bái sám, tu trì. Trong đám đông của Đại Lễ, chúng ta thường hướng về những cảm xúc riêng tư của mình qua lời kinh tiếng kệ. Ngày Phật Đản đến và đi trong nghi lễ truyền thống cố hữu. Sự cô đọng, giản dị như thế đương nhiên có những giá trị lớn về nhiều phương diện. Nhưng liệu cái thâm trầm đó có được chia xẻ bởi những tâm hồn vốn “quá bận, quá lo” hay không?
Có thể những người Phật tử ngày nay đồng tôn thờ một Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, nhưng hình ảnh chung đó là một vị Phật của danh xưng, của lịch sử, của thường thức, còn trong sự cảm nhận tận đáy lòng thì hoặc là Đức Phật Đại Bi, hoặc là Đức Phật Đại Trí. Chỉ có thể có một mà không cùng có cả hai. Ngày Đức Phật trở về thành Ca Tỳ La Vệ, La Hầu La, lúc ấy chừng bảy tuổi, vâng lời mẹ đến bên Phật xin được thừa tự đế nghiệp của Ngài. Đức Phật đã quyết định trong lòng: “Ta sẽ ban bố cho con tài sản cao quý nhất trên thế gian.” Rồi Ngài dạy Đức Xá Lợi Phất thí phát cho vị hoàng tử trẻ thành một sa di ngày ngày sống với chánh hạnh khất thực nuôi mạng độ đời. Hình ảnh đó không dễ đem vào lòng nếu chỉ phán quyết với một trong hai tinh thần Bi hoặc Trí. Phải thấy ngay trong Đức Phật Đại Bi một thắng trí siêu tuyệt và trong Đức Phật Đại Trí một lòng bi mẫn vô bờ mới có thể thâm cảm trọn vẹn từ quãng đời, hành xử, công hạnh của Đấng Cha Lành. Trong cuộc sống của người con Phật cũng thế, nếu chỉ đến với cuộc đời bằng tình thương không thôi thì tình thương sẽ ủy mị, hoặc chỉ bằng lý trí không thôi thì lý trí sẽ khô cằn.
Muốn thể hiện song song hai điều nói trên, chúng ta cần có thái độ tích cực hơn trong sinh hoạt hằng ngày, đôi khi lại còn đòi hỏi sự thay đổi các thói quen nữa. Riêng đối với ngày Phật Đản, xin được đề nghị có ba việc cần thiết phải làm: Thứ nhất là tạo một không khí rộn rã cần thiết đáng nhớ nhân mùa Phật Đản. Hai là bày tỏ lòng kính tưởng Đức Phật bằng cách hướng về tha nhân trong tinh thần bi trí của Ngài chứ không chỉ tự chìm đắm trong cái riêng tư thầm lặng của tâm hồn. Ba là mang không khí Khánh Đản về nhà cho mọi người trong gia đình, nếu được, có thể chia xẻ cho những người khác. Những việc như thế mới nghe như rộn ràng, phải mất nhiều công sức. Nhưng thật ra thì từ lâu rồi, người ta đã biết làm những việc như thế với một cách gọn gàng nhanh chóng: họ gởi những tấm thiệp.
Chúng ta đón Xuân bằng cách đó, chúc mừng nhau bằng cách đó, tại sao không thể mừng Phật Đản bằng cách đó? Chắc lại hơi lạ khi một người quen của mình ở phương trời nào đó bỗng dưng nhận được tấm thiệp vào tháng 5 dương lịch trong đó có dòng chữ: “Chúc anh chị một mùa Phật Đản tràn đầy phúc lạc.” Không biết họ nghĩ sao nhưng đó là điều khó quên cho mình và cho cả người nhận nữa. Bạn thử một lần xem, không chừng sẽ có những niềm vui lớn bất ngờ. Đây không phải là một sáng kiến mới. Tại Tích Lan mỗi mùa Phật Đản, khắp nơi người ta bày bán đủ các kiểu thiệp chúc mừng để mọi người gởi cho thân quyến, bạn bè. Niềm vui chỉ trọn vẹn khi chúng ta biết rời khỏi tháp ngà để sống dưới mái nhà chung. Chia xẻ không làm cho vơi đi mà làm tăng trưởng. Tu phước cũng vậy, tu huệ cũng vậy mà đời sống cảm xúc tinh thần cũng tương tợ. Nếu có dịp nào tốt nhất để tỏ lộ tình thương với con cái, với cha mẹ, với người thân thì mùa Phật Đản là một thắng duyên với nhiều lợi ích lớn lao về giáo dục, luân lý. Chắc hẳn khuyên nhắc con em về đức tin của cha mẹ trong lúc nói chuyện bình thường khó gây nên ấn tượng đáng nhớ. Nhưng nếu sau buổi đi học về, thấy trên bàn một phong thư trong đó là thiệp mừng Phật Đản, các em sẽ đặt câu hỏi. Thiết nghĩ ít có cơ hội thuận tiện nào như thế để nói cho nhau nghe về đạo, về niềm tin tế nhị của mình. Không riêng gì đối với trẻ em, mà với tất cả mọi người chúng ta cũng cần có những trao đổi như vậy.
Một mùa Phật Đản như thế không phải chỉ chan hòa niềm vui đạo vị, lại còn cần để đáp ứng một nhu cầu cấp thiết hiện nay của chúng ta: gìn giữ niềm tin bị lãng quên giữa xã hội mà nhu cầu vật chất cơ hồ như lấn lướt mọi lẽ sống tâm linh.
Thích Giác Đẳng