CHƯƠNG TRÌNH DIỄN GIẢNG PHẬT PHÁP TỐI THIỂU

dien giang phật pháp

Tỳ – Khưu Thích Trí Quang

MỤC LỤC:

  1. ĐỜI NGƯỜI
  2. ĐỜI SỐNG Ý NGHĨA
  3. ĐỨC THẦY CHỈ ĐẠO
  4. ĐƯỜNG ĐI VÀ NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG
  5. SỰ THỰC HÀNH TỐI THIỂU CỦA MỘT PHẬT-TỬ
  6. SỰ SINH HOẠT HẰNG NGÀY CỦA ĐỜI SỐNG Ý NGHĨA
  7. MỘT BỔN PHẬN THIÊNG LIÊNG VÀ CẤP BÁCH
  8. MỘT VIỄN ẢNH KHÔNG XA

 

LỜI ĐẦU TẬP

Chương trình diễn giảng ấy, như chúng ta sẽ thấy, cốt vạch cho Phật-tử thấy sự thật của cuộc đời là đau khổ (bài 1) nên phải quay cuộc đời ấy lại, sống đời sống ý nghĩa (bài 2). Đời sống ý nghĩa ấy là do sự chỉ đạo của Đức Phật-đà (bài 3), là đi theo đường đi của Chánh-pháp và dưới sự hướng đạo của Tăng-già (bài 4). Nội dung của đời sống ý nghĩa là phải quy y Tam-Bảo và phải thọ trì ngũ giới (bài 5), thêm vào, hằng ngày và trong từng tâm niệm cũng như trong mọi trường hợp, cần phải có vài sự sinh hoạt cần thiết là sự tụng niệm và luôn luôn tỏ ra là Phật-tử (bài 6). Nói tóm, “đời sống ý nghĩa” là một viễn ảnh mà chúng ta thật hiện rất dễ dàng nếu chúng ta sống đúng như những điều đã vạch trên (bài 8). Và sống được đời sống ý nghĩa như vậy để đem lại một thế giới vị lai tràn đầy tinh tú là nhờ Chánh-pháp, nên Chánh-pháp đó ta phải tận tâm phụng-sự và hộ vệ (bài 7). Hay nói xuôi theo chương-trình diễn giảng này, thì khi ta áp dụng Chánh-pháp vào đời sống của mình, sống đúng “đời sống ý nghĩa” như 6 bài trước thì thế tức gọi là hoạt động để bảo vệ Chánh-pháp rồi đó (bài 7). Hoạt động đó là nguyên nhân duy nhất tạo cho ta một viễn ảnh vị lai vô cùng tốt đẹp mà quyết định chúng ta có thể thật hiện một cách rất dễ và rất mau, do chính bàn tay của chúng ta (bài 8).

Bao phủ lên tất cả chữ nghĩa của chương trình diễn giảng này là cái chết vì Đạo của Thầy THÍCH-TRÍ-THUYÊN. Với hai thứ quí giá như thế, chúng tôi chắc sẽ giúp cho ta sống “đời sống ý nghĩa” mà Chánh-pháp của đức Phật-đà đã vạch.

Đời sống ấy, việc trước nhất, cao nhất, cần nhất, là chết cho Chánh-pháp, hy sinh vì Chánh-pháp. Thầy THÍCH-TRÍ-THUYÊN đã xứng danh là vị Xuất-trần-thượng-sĩ trong việc ấy. Gương Thầy sẽ chói sáng mãi trong tâm trí của những người muốn sống “đời sống ý nghĩa”.

Giờ, tôi xin đem cái thành ý thay Thầy thuật lại “đời sống ý nghĩa” đó, trong chương trình diễn giảng sau đây, cung kính hiến lên cái chết cao đẹp mà Thầy đã nhận lấy đúng vào giờ phút này, cách đây tám năm.

Tuy nhiên, “đời sống ý nghĩa” mà tôi thuật lại chỉ với tất cả tha thiết và cẩn trọng của tôi. Còn muốn sống theo “đời sống ý nghĩa” ấy thì lại ở chính người đọc, chứ không phải qua những giòng chữ đen trắng vụng về sau đây.
Kim-Sơn, ngày 2-2-1972
TRÍ-QUANG

ooOoo

BÀI THỨ NHẤT : ĐỜI NGƯỜI

Ngày xưa, Đức Thế-Tôn có dạy thế này trong kinh Vô-thường: “Nếu đời người vui đẹp, nếu đời người tươi sáng, thì ta và chánh-pháp của ta đã chẳng xuất hiện ra giữa thế gian này với loài người. Nhưng ta và chánh-pháp của ta xuất hiện là vì loài người khổ não và đen tối ấy”. Bởi vậy, tuy chúng ta không có quyền gieo cho nhau những ý tưởng bi quan, vì, Đức Phật từng nghiêm cấm điều đó, cho rằng làm như thế là đồng lõa với sự tàn sát, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Sự thật của cuộc đời con người quả thật là đen tối, ảm đạm.

Xưa có một ông vua sai một nhóm thần tử thông minh của ông soạn cho ông xem lịch sử của toàn thể nhân loại. Sau bao nhiêu năm tháng, những kẻ thần tử trung thành ấy chở đến những xe sách, yết kiến cái tuổi già gần qua cửa tử của chúa-thượng mình. Ông vua thấy mà chán ngán. Rồi sau bao nhiêu phen bảo dọn lại để xem cho kịp trước phút lìa đời, ông vua kia được nghe lời này trong lần chót, của một trong nhóm thần-tử: “Muôn tâu thánh-thượng! Lịch sử nhân loại nhiều, nhiều lắm, nhưng, sưu tầm lịch sử nhân loại, biên chép lịch sử nhân loại, kẻ hạ thần thấy tất cả chỉ viết bằng một chữ, chữ Khổ, là đủ”. Trên giường bịnh, ông vua đang chơi vơi trong ghê sợ của cái Chết ấy mới xác nhận một sự thực mà đời ông, tuy ông đã thấy nó từng ly trong từng tý ông đã sống, nhưng sự nhận thức ấy đã bị sự “lấy đau khổ thay đau khổ” đánh bạt đi.

Lấy đau khổ thay đau khổ là thế nào? Là như kẻ bộ hành đã đặt gánh nặng lên vai rồi thì vai này nặng lại đổi qua vai khác, khi đổi qua vai khác thì ở vai này, kẻ bộ hành ấy cảm thấy khoái thích! Giữa cõi thế, đời con người đã có thân là có khổ rồi, nhưng không tự giác mà còn có lúc cảm thấy khoái lạc là chỉ ở trong những trường hợp “đem đau khổ thay thế đau khổ” ấy. Chỉ có thế mà thôi.

Đời người không có màu sắc gì hơn là sự khổ não, nếu chúng ta không biết thay đổi nó theo Pháp của Phật. Đây, chúng ta hãy can đảm mà nhìn nhận kẻ thù để còn mong chiến thắng nó. Thoạt đầu, khi ở trong thai mẹ thì cái khổ ấy, thôi, không nói làm chi nữa, nhưng, như thế là chúng ta đã như kẻ bộ hành đặt gánh nặng lên vai rồi vậy. Thế nên, khoan nói khi đưa thân ra giữa trần thế, phải dãi dầm bao nhiêu nắng mưa mà không mấy kẻ đủ tiền hứng gió hay đủ áo ngự hàn, mà hãy ngó chính những kẻ sống trong nhung lụa đi nữa, lại là những kẻ do sự sống đó, đã vung bao nhiêu sầu cho người, chuốc bao nhiêu tủi vào mình, trong khi họ không neo buộc lại được trong tay một chút gì hết trước sự cướp giật tàn bạo của vô thường.

Vị chua cay, mùi đen bạc, tràn đầy bể khổ sông mê mà chính họ là kẻ chìm ngập nhiều nhất, sâu nhất. Trong khi đó, cái “thân phù thế nghĩ mà đau”: nó chỉ là “bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”. Vậy mà cái thân bèo bọt ấy, sự sống kéo nó tới với chút ít khoái cảm lại giật nó lui với trăm ngàn khổ đau! Không những chỉ có thế, thêm vào, sự già nua, sự bịnh tật, lại xô đẩy nó một cách phũ phàng đến sự chết chóc mà đời người không thể tránh được. Than ôi! Đời người! Đời người sự thật quả là quá đen tối mà kẻ nào chạy chối sự thật ấy thì chỉ vùi mình mãi trong sự đen tối thôi.

Khổ hơn nữa là đời người đã khổ mà con người lại còn cố tình gây khổ sở cho nhau. Con người lòng đầy tham lam, tàn bạo mà lại si mê, con người ấy chỉ tự gây khổ cho nhau để rồi chung nhau chịu lấy khổ ấy. Thế nên sự sống mới bị giết chết phũ phàng, sự yên ổn, nếu có, cũng bị công nhiên khuấy phá tàn nhẫn. Thân là thân của ta, đầu là đầu của ta, thế nhưng đời người chúng ta mấy ai giữ nổi và trọn quyền. Kẻ hoành hành là con người, kẻ chịu đựng cũng là con người, vậy mà chiến thắng thì con người bị đày ải, chiến bại thì con người cam chịu nô lệ. Trong khi đó, nào ai trao quyền cho ai, nhưng ai cũng bị sát phạt! Cuộc đời, con người hầu như không còn chỗ nào đứng vững được nữa.

Vậy mà vẫn chưa hết, vì ngay ở địa hạt tin tưởng, đời người cũng chẳng còn biết tin tưởng vào đâu ngoài chánh-pháp. Này đây là chủ nghĩa duy thần, này đây là chủ nghĩa duy vật, này đây là khoa học, này đây là tôn-giáo, giữa chợ đời thứ nào cũng phong gói với những nhãn hiệu đẹp đẽ chói lòa do những bộ óc và bàn tay tham, sân, si. Nhưng nó đẹp là vì do tham sân si, mà nó đầy là vì chứa tham sân si. Không có chi mới mà chẳng có gì lạ! Tham sân si hiện hình ra ở đời người, nhưng ở mọi lý thuyết, mọi chủ nghĩa mới thật là hình bóng của nó. Nên ở địa hạt này đời người mới thật hết chỗ để chân tin tưởng. Ngây thơ nghe theo tiếng gọi của tham sân si lòng mình mà đi theo lý thuyết của tham sân si lòng người, thì kết quả chỉ tăng thêm tham sân si, chỉ chịu đựng khổ não của tham sân si ấy mà thôi.

Trong không gian, nhìn qua đông tây cũng như nhìn về nam bắc, trong thời gian, nhìn vào trước sau cũng không khác nhìn ở hiện tại, “đời người chỉ là sự bại hoại, hư rã”. Nhưng phúc cho đời người là thế gian này có bóng tối thì cũng có ánh sáng, đêm tối bao nhiêu thì ngày sáng bấy nhiêu, nên trong cõi đời hắc ám còn có mặt trời Chánh-pháp. Chánh-pháp sẽ soi sáng đời người mà công việc trước hết, là làm cho con người thấy rõ sự đen tối của cuộc đời để nhận ra phương hướng phải đi. Bởi vậy, con người đã có năng lực gây ra đau khổ toàn diện đời mình thì toàn diện đời mình cũng sẽ thay đổi được do chính năng lực ấy. Nên đời người chúng ta, chúng ta đã biết là khổ mà khổ vì nguyên nhân nào thì bước thứ hai trong phương hướng mình phải đi là mạnh mẽ quay về Chánh-pháp, chuyển đời sống vô giá trị thành đời sống có giá trị tuyệt đối, đời sống cóý nghĩa mà chúng ta sẽ thấy sau đây. Đời sống ấy là đời sống tràn đầy ánh sáng. Chúng ta cố gắng chống lại, đập tan cuộc đời đau khổ để vươn mình lên và đưa người ra ánh sáng ấy.

ooOoo

BÀI THỨ HAI ĐỜI SỐNG Ý-NGHĨA

Ngày xưa, vua A-Dục, một ông vua sống đúng chánh-pháp, sống vì chánh-pháp, ông vua ấy mỗi khi ra đường mà gặp các vị Tăng-Già thì bất cứ vào trường hợp nào, ông cũng cúi đầu đảnh lễ sát đất. Cử chỉ đó làm cho một số thần-tử ông bất bình.

Nhưng ông bảo: “Đầu tôi hay đầu các ông, nếu cắt đem treo bán với các thứ đầu khác ngoài chợ, thì người mua sẽ lựa đầu người hay chỉ lựa đầu súc vật? Vậy muốn nó có giá-trị thì phải dùng nó mà suy nghĩ lẽ phải và đảnh lễ người phải. Nếu để nó phục tùng tánh kiêu ngạo và chứa đựng những ý nghĩ đen tối thì thế là biến vật có giá trị thành vật vô giá trị. Mà người trí là người phải biến vật vô giá trị thành vật có giá trị”.

Đầu người như thế thì đời người cũng y như vậy. Nó quả là vô giá trị nếu loài người chúng ta để nó xuôi theo tội ác, nhưng nếu quay nó về chánh-pháp thì thế là chuyển đời sống vô giá trị thành đời sống đầy ý nghĩa. Đức Phật có dạy: “Đời người là một nhưng cách sống có hai khuynh hướng: có người từ đen tối bước vào đen tối, có người từ đen tối bước ra ánh sáng”. Lời ấy là chứng minh cách sống trên đây.

Cho nên đời người quả không phải có giá trị hay vô giá trị, nhưng đời người là đời sống, nghĩa là có khả-năng. Mà khả-năng ấy phi có giá trị thì vô giá trị, phi đen tối thì sáng tươi. Bởi vậy, sự tu hành chỉ ở một chữ “chuyển biến” mà thôi, nghĩa là quay đời sống mình lại hướng về chánh-pháp, sống theo chánh-pháp, mà đời sống như vậy tức là đời sống ý nghĩa.

Đời sống ý nghĩa ấy, ít nhất là phải có tín ngưỡng minh chánh và hành động hiệu lực trong mục đích hợp lý.

Trước hết, chúng ta hãy tìm một mục đích hợp lý. Thực tế và lý luận khắp nơi, chứng minh cho ta thấy đời sống của chúng ta cũng là cả một xã-hội: nó thu góp lại và nó phải phân phát ra.

Đời sống ta đã thừa hưởng của mọi người thì cũng phải chung sức với mọi người. Bởi vậy, trong không gian, giá trị đời sống là vô biên, trong thì gian, giá trị đời sống là vô cùng; với giá trị đó, đời sống phải có mục đích xa và rộng. Ít nhất, cũng phải rộng hơn bản ngã và xa hơn tư lợi.

Phải tôn trọng và giúp tay vào chân-hạnh-phúc chung, một chân-hạnh-phúc vĩnh cửu xây dựng trên điều kiện vĩnh cửu. Đó là mục đích phải có, cần có, đáng có, nên có, của đời sống ý nghĩa.

Đặt cho mình mục đích phải lẽ theo lẽ phải như vậy rồi, muốn đời sống mình có ý nghĩa thì lại phải ngược dòng vị lợi, ngược tánh vị ngã, cương nghị và bền gan, thực hiện mục đích đời mình bằng những hành-động hiệu lực. Hành động hiệu lực đối với mục đích hợp lý của đời sống ý nghĩa không phải là sự bóc lột của tham lam, sự tàn bạo của sân hận, và sự manh động của cuồng si mà được biến thành những danh từ thi ân, dũng liệt, anh hùng.

Hành động hiệu lực ấy phải là hành động tự giác, giác tha hoạt động rộng rãi ra bằng những hành vi tự tha lưỡng lợi. Bởi vậy, chiến thắng lấy mình, tự giác lấy mình, và giúp người trong những hành động hợp lý đó, mới là hành động có hiệu lực của đời sống ý nghĩa.

Nói tóm, khi chúng ta xác nhận rằng đời sống ý nghĩa là đời sống phải có mục đích vì chân-hạnh-phúc chung và xác nhận rằng vì chân-hạnh-phúc chung, điều kiện trước hết là phải tự chiến thắng, tự giác ngộ lấy mình, thì thế là cả một đời sống đã quay về ánh sáng Chánh-pháp.

Nhưng muốn đời sống được như vậy, chúng ta phải có một tín ngưỡng minh chánh, một đức tin do sự xác nhận sáng suốt, rõ ràng, đúng lý rằng Chánh-pháp là sự thật và là phương-pháp diệt khổ, rằng Phật-đà là người đã thật hiện Chánh-pháp, rằng Tăng-già là người đang tự mình và hướng dẫn người thật hành Chánh-pháp. Chỉ tín ngưỡng Chánh-pháp, chỉ tín ngưỡng người đã thật hiện Chánh-pháp, chỉ tín ngưỡng người đang thật hiện Chánh-pháp, đó là tín ngưỡng minh-chánh cần phải có để làm nền tảng cho một đời sống ý nghĩa.

Hơn ai tất cả, những người muốn đời sống mình có ý nghĩa thì điều kiện căn bản là phải tự tín năng lực hướng thiện của mình. Vũ trụ được thành và được giữ trong năng lực của con người. Con người khổ là do năng lực của con người, con người sướng là do năng lực của con người. Chính năng lực của con người tự quyết định số mạng của con người. Năng lực của con người đã đủ sức gây ra tàn ác, kéo con người lăn xuống một cách thảm khốc vào hầm hố địa ngục thì cũng chính năng lực ấy sẽ đủ sức hướng về hiền thiện, đưa con người bước lên một cách hiệu quả vào cảnh giới cực lạc. Mà khi chúng ta tự biết, tự nhận, tự tín năng lực hướng thiện của mình như vậy là một đời sống ý nghĩa, một đời sống có tín ngưỡng minh chánh, có hành động hiệu lực, có mục đích hợp lý, đời sống ấy không những chúng ta đã có mà có thể sống theo được.

Bây giờ nếu chúng ta đem đời sống ý nghĩa ấy ngó lại đời sống hiện tại của chúng ta xem ra sao. Thì rõ rệt là một đời sống không có mục đích, không có tin tưởng, không cả những hành động hiệu lực đối với chân-hạnh-phúc chung; đời sống như thế quả thật là đời sống vô vị.

Đời sống như thế sẽ đi đến đâu, chúng ta không khó khăn lắm cũng có thể tưởng thấy được. Đối lại, đời sống ý nghĩa với những tín ngưỡng minh chánh, với những hành động hiệu lực trong một mục đích hợp lý, đời sống ấy quyết chắc sẽ đem lại cho ta một viễn ảnh hoàn toàn tốt đẹp, một viễn ảnh mà chúng ta quyết chắc không xa lắm nếu chúng ta quyết sống theo đời sống ấy.

Mà tín ngưỡng minh chánh là qui y Tam-Bảo, hành động hiệu lực là hành trì ngũ giới, mục đích hợp lý là thực hiện tịnh độ giữa nhân gian. Bởi vậy, đối với đời sống có ý nghĩa của con người, Đạo Phật đã có thể tạo ra mà lại có thể tạo thành. Và sống một đời sống ý nghĩa như vậy tức thành một Phật-tử, một người đi theo dấu chân của Đức Phật, Đức Thầy Chỉ-Đạo của tất cả những người muốn hướng thiện mà chúng ta sẽ thấy sau đây.

ooOoo

BÀI THỨ BA ĐỨC THẦY CHỈ ĐẠO

Đức Thầy-Chỉ-Đạo ấy là Đức-Phật Thích-Ca.

Thật vậy, Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni quả là đức thầy chỉ đạo của đời sống ý nghĩa, của người muốn sống đời sống ý nghĩa ấy, vì hơn ai tất cả, Ngài đã tự chỉ đạo mình sống và đã sống hoàn toàn đời sống ý nghĩa đó.

Đức Phật Thích-Ca, thiếu thời là một hoàng-tử tài đức. Uy-quyền rộng. Hạnh-phúc đủ. Nhưng vị hoàng-tử ấy rũ sạch, ra đi xuất gia vì chí nguyện sống cho mọi người, sống vì mọi người. Chí nguyện ấy là hạt giống đã gieo tự nhiều kiếp của đời sống ý nghĩa. Ngày nay, những người ham thích và quyết chí sống đời sống ý nghĩa ấy vẫn còn luôn luôn tưởng thấy một thanh-niên tuổi 29 mang trong mình bao nhiêu cao sang của ngai vàng, bao nhiêu lẫm liệt của quyền hành, và bao nhiêu tha thiết của tình yêu, bao nhiêu đầy đủ của cuộc sống, thanh-niên ấy đã bỏ lại tất cả cho hoàng thành Ca-tỳ-la-vệ trong một đêm tối, và từ đêm tối ấy, với bốn vó ngựa mạnh mẽ, thanh-niên vượt qua thành trì của rực rỡ mà trụy lạc, phi vào rừng núi của gai góc nhưng cao cả; hình ảnh này còn hoạt diễn và sẽ còn hoạt diễn mãi trong tâm trí của những người muốn sống đời sống ý nghĩa.

Rồi mặc như gắn vào mình chiếc ca-sa muôn đời của tam thế Chư Phật, thanh-niên ấy đi tìm thầy học hỏi những cái mà chí hướng vì người của mình đòi hỏi. Hết học lại tu. Hết tu với người lại tự tu tập một mình. Trong sự tu tập, vừa suy nghiệm lại vừa thực nghiệm. Cho đến khi sự giác ngộ có một không hai đến với thanh-niên dưới gốc cây Bồ-Đề thì bấy giờ tất cả nguyện vọng của đời sống ý nghĩa đã thật hiện. Thanh-niên ấy, hoàng tử của nguyện vọng cao cả ấy đã thành một Đức Phật, Đức Thích-Ca Mâu-Ni, đức Thầy Chỉ-Đạo của tất cả.

Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni sau khi đại giác ngộ về đời sống ý nghĩa rồi, tận tụy đem những điều mình đã giác ngộ, đã thật hiện về đời sống ấy, suốt đời chỉ đạo lại cho người. Đời sống ý nghĩa mà Ngài chỉ đạo có vô số hiệu quả thực tế. Đời sống ấy đã và sẽ làm cho hàng triệu người lúc ấy, bây giờ, và mãi mãi sau này, chuyển đời sống đen tối, vô vị của họ thành đời sống ý nghĩa. Đặc biệt là đời sống ấy không những làm cho đời sống loài người có ý nghĩa mà còn làm tươi sáng cho vô số đời sống đen tối của loài vật. Trong kinh điển còn chép rõ những thực trạng đó khi Phật tại thế.

Điều cần thiết của đời sống ý nghĩa là tự tín và tự gắng năng lực hướng thiện của chính mình. Cho nên một đời tận tụy chỉ đạo cách sống đời sống ý nghĩa cho người bằng mọi cách – vừa chỉ đạo bằng sự thuyết giáo, vừa chỉ đạo bằng cách đích thân làm gương, lại vừa chỉ đạo với ý muốn họ giải thoát – , cho đến khi sức khỏe tàn tạ với tuổi tám mươi, Đức Phật tóm thâu tất cả đường lối chỉ đạo của mình lại trong lời di-giáo cuối cùng này: “Hãy lấy mình làm căn cứ, làm đuốc sáng”. Tất cả giá trị của đời sống ý nghĩa là lấy chánh-pháp làm căn cứ và làm đuốc sáng, tất cả điều kiện cần thiết của đời sống ý nghĩa là lấy mình làm căn-cứ và làm đuốc sáng trong sự hướng về Chánh-pháp, và cuối cùng, tính cách chỉ đạo, tính cách xứng đáng của sự chỉ đạo mà ta tìm thấy duy nhất ở Đức Phật là vạch rõ những điều ấy.

Là Đức Thầy Chỉ-Đạo mọi người, nhưng Đức Phật không nói các người phải theo tôi, cũng không khuyên nên theo Ngài. Ngài chỉ vạch đường, đưa đường, và “dĩ thân tác chứng”, đích thân mình làm gương và làm chứng trong sự chỉ đạo mọi người sống đời sống ý nghĩa. Đời sống ấy phải làm thế nào và có kết quả gì, Ngài đã làm và làm đã kết quả. Một đời sống hoàn toàn ý nghĩa, người ta chỉ nhìn vào đời Đức Phật là thấy. Và người ta chỉ tìm thấy cũng như đã tìm thấy đời sống ấy ở Đức Phật mà thôi.

Chỉ đạo cho người mục đích hợp lý, hành động hiệu lực, tín ngưỡng minh chánh của một đời sống ý nghĩa, Đức Phật đã làm với tất cả sự đề cao bản tánh của con người, sự nâng đỡ lý đoán của con người và sự phát triển năng lực của con người bằng tất cả đức đại hùng, đại lực, đại từ bi của ngài. Với lý thuyết “vô ngã”, ngài quăng bỏ đời mình cho người và chỉ đạo mọi người vất bỏ đời sống đen tối bước qua đời sống đầy ý vị. Với lý thuyết đời sống vô vị là cả một “khổ hải”, ngài đã rời bỏ ngai vàng, bước xuống với tất cả mọi người muốn sống đời sống ý nghĩa. Với lý thuyết “vô thường” và “vô tánh”, ngài đích thân làm cho mọi người thấy cuộc đời cần thay đổi và có thể thay đổi được thành đời sống ý nghĩa. Mực thường nhất của đời sống ý nghĩa như bổn phận đối với xã-hội, trách nhiệm đối với gia-đình, từ đời sống riêng tư của cá nhân đến sự đối xử cần có đối với mọi người, Đức Phật cũng đích thân làm gương và chỉ dẫn đầy đủ cho chúng ta.

Chỉ đời sống ý nghĩa Đức Phật vạch ra mới hợp lý, chỉ Đức Phật vạch đời sống ý nghĩa mới hợp lý, và chỉ hợp lý là khi đời ta sống theo đời sống ý nghĩa mà Đức Phật đã vạch; ba chữ hợp-lý này quả thật chúng ta có thể tìm thấy khi chúng ta chiêm ngưỡng vào Đức Phật, Đức Thầy Chỉ Đạo của chúng ta.

ooOoo

BÀI THỨ TƯ : ĐƯỜNG ĐI VÀ NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG

Đường đi là Pháp của Phật chỉ dạy, còn người dẫn đường là Tăng, là các vị thay thế Đức Phật dẫn đạo mọi người đi theo đường ngài đã chỉ.

Pháp của Phật dạy có ba định-lý: Nhìn vạn hữu qua thì gian thì thấy tính chất của chúng là “vô thường”, nhìn vạn hữu qua không gian thì thấy tính chất của chúng là “vô ngã”, và xác định rằng vì hai tính chất đó nên có thể thực hiện “niết bàn”. Bởi vậy, thuật ngữ Trung-hoa gọi ba định lý này là chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, và tịch tịnh niết bàn.

Chư hành vô-thường. – Hành là sự biến chuyển của hành vi, của vạn hữu qua thì gian. Từ sự biến chuyển thầm kín đến sự biến chuyển rõ rệt, hành vi cũng như vạn hữu phát sinh trong sự chuyển biến đó, tồn tại trong sự chuyển biến đó, và biến hóa trong sự chuyển biến đó. Trong tính chất thì-gian, hành vi và vạn hữu không hề có tính cách vĩnh cửu và cố định. Có và có được là do sự chuyển biến, mà cũng do sự chuyển biến, cái có ấy có thể thay đổi theo ý muốn của chúng ta. Bởi vậy, định lý trước hết của hành vi và vạn hữu là “vô thường”.

Chư pháp vô-ngã. – Pháp là sự tổ hợp của hành vi và vạn hữu qua không gian. Từ những đan vị vi tế cho đến những kết cấu vĩ đại, hành vi và vạn hữu do sự tổ hợp mà phát hiện, do sự tổ hợp mà tồn tại, do sự tổ hợp mà biến hóa. Trong tính chất không gian, hành vi và vạn hữu không hề có tính cách đan độc và biệt lập. Có và có được là do sự tương-quan mà cũng do sự tương-quan, cái có ấy có thể thay đổi theo ý muốn của chúng ta. Bởi vậy, định lý thứ hai của hành vi và vạn hữu là “vô ngã”.

Tịch tịnh niết-bàn. – Tịch tịnh là sự đình chỉ của đau khổ, sự đình chỉ của nguyên-nhân đau khổ. Vạn hữu thành tựu trong sự tác động của hành vi. Hành vi ác, kết quả khổ não. Hành vi thiện, kết quả an lạc. Mà hành vi ác hay thiện là do tâm lý, nguyên động lực của hành vi, còn có hay không các mối tham sân si. Bởi vậy, tham sân si là nguyên nhân đau khổ. Mà cả đau khổ cũng như nguyên nhân của đau khổ đều vô thường và vô ngã. Đã vô thường và vô ngã thì cần phải đình chỉ và muốn là có thể đình chỉ được. Khi đình chỉ được nguyên nhân đau khổ thì đau khổ diệt hết, đau khổ diệt hết thì chính đó: sự an lạc vô thượng và vĩnh viễn, chính đó là niết bàn. Cũng như kẻ bộ hành đã bỏ gánh xuống, và chỉ bỏ gánh xuống, sự nặng mới không còn trên vai nữa. Bởi vậy, “niết bàn” là định lý thứ ba về sự tiến hóa của hành vi và vạn hữu.

Ba định lý vô thường, vô ngã, niết bàn như vậy, như chúng ta đã thấy, chúng ta có thể áp dụng vào tất cả mọi mặt lý thuyết, thực hành và hiệu dụng của một đời sống có ý nghĩa. Mà ba định lý ấy chỉ mới là vài viên gạch trong nền móng của Chánh-pháp Đức Phật dạy chúng ta. Bởi vậy, Chánh-pháp quả là đường đi cao chót vót, rộng thênh thang, sáng rực rỡ, lại thiết thực cho đời sống ý nghĩa của chúng ta. Chánh-pháp ấy vì vậy mà mệnh danh là “chánh”. Con đường của Chánh-pháp vạch ra là con Đường-Chánh. Đi theo con đường ấy, nghĩa là áp-dụng Chánh-pháp vào đời sống của mình, thì chúng ta phải chánh đời sống ấy lại về tất cả mọi mặt của nó: từ hiểu biết đến tư duy, từ ngôn ngữ đến hành động, từ sinh hoạt đến cố gắng, từ ký ức đến chuyên tâm, đều nhất luật phải chánh lại hết y như Chánh-pháp đã hoạch định, nên thuật ngữ đã gọi là chánh kiến, chánh tư, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh cần, chánh niệm, chánh định. Pháp của Phật thật là cả một con đường chánh, con đường phải đi của những kẻ muốn sống đời sống ý nghĩa và giá trị.

Chánh-pháp như vậy là con đường mà Đức Phật đã đi qua để tạo cho mình một đời sống hoàn toàn ý nghĩa và đã đem ra để chỉ đạo lại cho mọi người. Ngày nay Đức Phật không còn nữa thì người thay thế sự chỉ đạo ấy là các vị Tăng-già. Nhưng sự chỉ đạo của Đức Phật là dĩ thân tác chứng, đích thân làm gương và làm chứng những lời mình chỉ đạo. Vì vậy, sự thay thế Đức Phật để chỉ đạo mọi người của liệt vị Tăng-già là cũng dĩ thân tác chứng như Ngài. Cho nên Tăng-già là những người vừa tự mình thực hành Chánh-pháp vừa hướng dẫn mọi người sống theo Chánh-pháp ấy.

Cảm nhận một cách sâu xa những định lý vô thường, vô ngã và niết bàn, các vị Tăng-già xuất gia. Xuất gia là một sự xa bỏ hoàn toàn để phụng sự tất cả. Xuất gia là một sự hủy hoại triệt để mà cũng là một sự xây dựng đến kỳ cùng. Càng nhìn rõ sự thật giả dối đau khổ của cuộc đời từng nào, các vị Tăng-già càng thấy rõ cuộc đời có thể thay đổi để thực hiện niết-bàn ngần ấy.

Bởi vậy, với sự nhận định và với những năng lực trên, liệt vị Tăng-già vừa tự hướng dẫn đời mình mà lại hướng dẫn người khác, tinh tiến đi trên Đường Chánh của Đức Phật đã chỉ vạch. Cũng bởi vậy, những nhận định hợp lý, những năng lực mãnh liệt, đều biểu hiện cụ thể ở liệt vị Tăng-già. Nào những tín ngưỡng minh-chánh, nào những hành động hiệu lực, nào những mục đích hợp lý, chúng ta có thể thấy đầy đủ ở năng lực hướng thiện của liệt vị Tăng-già. Mọi tư cách chỉ đạo của Đức Phật , người ta cũng tìm thấy và chỉ tìm thấy ở liệt vị xuất-trần-thượng-sĩ ấy mà thôi. Liệt vị Tăng-già là hình bóng của Đức Phật. Cho nên ngày nay tuy cách Phật đã xa, nhưng trên đường đi theo Chánh-pháp, những người muốn sống đời sống ý nghĩa vẫn còn người dẫn đường, người dẫn đường ấy là liệt vị Tăng-già vậy.

ooOoo

BÀI THỨ NĂM: SỰ THỰC HÀNH TỐI THIỂU CỦA MỘT PHẬT-TỬ

Khi đã nhận rõ bao nhiêu hắc ám của cuộc đời, khi đã chuyển đời sống vô giá trị thành đời sống có giá trị bằng cách ham thích và sống theo đời sống ý nghĩa, khi đã biết Đức Phật là đức Thầy Chỉ-Đạo cho mình trong đời sống ý nghĩa ấy, và khi đã xác nhận Chánh-pháp là đường chánh phải đi, Tăng-già là người dẫn đường đầy từ bi và trí tuệ, thì khi ấy ta đã thành một Phật-tử. Với những sự thực hành tối thiểu sau đây sẽ giúp ta hoàn thành tư cách một Phật-tử ấy, nghĩa là giúp ta thực hiện một đời sống ý nghĩa.

Sự thực hành tối thiểu ấy là qui-y và giữ giới.

Qui y. – Nghĩa đen của chữ qui y là quay đời mình lại, sống theo Chánh-pháp. Nhưng Chánh-pháp ấy, như ta đã biết, người giác ngộ là Phật-đà mà người thật hành là Tăng-già, nên qui y Chánh-pháp thì phải qui y cả Tam-Bảo, nghĩa là qui y Phật-đà: người đã giác ngộ và thuyết minh Chánh-pháp, qui y Chánh-pháp: chân lý và phương pháp diệt khổ, và qui y Tăng-già: người đang tự mình và dẫn đạo người khác thật hành Chánh-pháp. Và giá trị vô thượng của Tam-Bảo là ở đó nên gọi là Bảo. Tam-Bảo như vậy chứng minh Đạo Phật không phải chỉ lý thuyết (Pháp) mà lý thuyết ấy đã có người thật hiện (Phật) và có người đang thật hành (Tăng). Nên Tam-Bảo là chỗ nương dựa của Phật-tử, là chỗ qui túc của những người muốn sống đời sống ý nghĩa, vì đời sống ý nghĩa là gì, nếu không phải hoàn toàn sống theo Chánh-pháp?

Giữ giới. – Giới tức là những kỷ luật mà do đó, tạo thành một nhân cách mới, một con người mới, một đời sống mới, đời sống ý nghĩa. Giới mà người Phật-tử phải giữ trong bước đầu là ngũ giới, tức năm kỷ luật không được sát hại, không được trộm cướp, không được tà dâm, không được nói dối, không được rượu chè. Nói rộng ra theo ảnh hưởng thực tế của nó, thì không sát hại là đình chỉ mọi sự tàn bạo, không được trộm cướp là cấm chỉ mọi hình thức bóc lột, không được tà dâm là trừ hẳn mọi cách làm thối nát xã-hội, không nói dối là hủy hết mọi thủ đoạn gian hùng, không được rượu chè là cấm đoán mọi cách làm mất thăng bằng của tâm trí. Năm giới như vậy quả là luật pháp phải có giữa người với người khi ít nhất, con người biết trọng tánh mạng và hạnh-phúc của nhau, huống chi khi con người muốn quay đời mình về Chánh-pháp, sống đời sống đầy ý nghĩa.

Hai sự thực hành tối thiểu trên đây, một người muốn có tư cách cũng đã phải có, cần có, chứ không những là một Phật-tử. Một Phật-tử thì tuyệt đối không thể thiếu được. Không có lý gì một Phật-tử mà không “qui y” nghĩa là không quay đời mình về sống theo Chánh-pháp, và không “giữ giới” nghĩa là không tỏa chiết bản ngã mà lại phóng túng như con ngựa không yên cương trong những hành vi tàn bạo, cướp bóc, gian dâm, dối trá và say cuồng. Con người mà đến thế thì nói như Đức Phật đã dạy, con người ấy không còn gì là tàm quí; mà không còn tàm quí để tự thẹn, tự giác, tự tiến hóa, thì con người ấy không khác gì cầm thú cả. Con người như thế là nguyên động lực của mọi điên-đảo, mọi loạn ly, mọi cuộc chiến tranh. Gia-đình cũng như xã-hội của con người ấy chỉ có thể có một màu sắc, màu sắc thoái hóa đầy diệt vong.

Người Phật-tử, vì vậy, khi qui y Tam-Bảo thì thề rằng: “Suốt đời qui y Phật thì không theo thiên thần quỉ vật, qui y Pháp thì không theo ngoại đạo tà giáo, và qui y Tăng thì không theo tổn hữu ác đảng nữa”, và khi giữ gìn ngũ-giới thì cũng thệ nguyện tương tự như thế, rằng: “Thà bỏ tánh mạng chứ suốt đời không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu”. Lời thề như thế tức là tuyệt đối nguyện sống đời sống có ý nghĩa. Cho nên người Phật-tử không hề nghĩ rằng hạnh-phúc là sự sống yên ổn mà sự sống bất an là vô phúc. Họ chỉ nghĩ và phải nghĩ rằng sống thì phải sống theo đời sống ý nghĩa mà chết thì phải chết cho đời sống ý nghĩa ấy. Nói khác đi, giá trị của sự sống chết là ở chỗ vì những tín-ngưỡng minh chánh (qui y Tam-Bảo) và vì những hành động hợp lý (giữ ngũ-giới) mà họ nguyện sống theo. Và cái sống cũng như cái chết như vậy, sự yên ổn hay sự hy sinh đều trở thành vô nghĩa mà giá trị tối thượng, kết quả cao xa của chúng là chính ở chỗ chúng tạo thành một đời sống ý nghĩa như lời Phật dạy.

Huống chi trong sự qui-y và sự trì-giới là tự qui y Tam-Bảo của tâm-tánh mình và tự giữ năm giới của đức tánh tâm-tánh ấy. Chánh-pháp cắt nghĩa rằng chúng ta dầu sao cũng vẫn vốn có khả năng giác ngộ, khả năng giác ngộ ấy gọi là Phật; mọi đức tánh của khả năng giác ngộ là Pháp; năng lực tự phát triển mọi đức tánh của khả năng ấy là Tăng. Chư Phật, Chánh-pháp, Tăng-già, chỉ là tam bảo biểu hiện của tự tánh tam bảo ấy. Mà người qui y là nhờ ba ngôi Tam-Bảo để vạch lộ tam bảo của tự tánh mình. Còn năm giới tức là đức tánh tôn trọng tánh mạng, đức tánh tôn trọng tài sản, đức tánh thanh tịnh, đức tánh thành thực, đức tánh sáng suốt của tâm-tánh, chứ không chi khác. Cho nên sự qui y và sự giữ giới là tự thề sống theo, tự thề phát triển những gì quí giá của chính tâm tánh mình. Mà đời sống ý nghĩa, quay lại mà nói, chính là đời sống biết sống theo những thứ quí giá của giá trị tâm-tánh mình.

Nói tóm, qui y và giữ giới, hai sự đó, nhìn tất cả mọi mặt, thật là hai sự thực hành tuy tối thiểu nhưng phải có và cần có của một Phật-tử, những người muốn sống, ham sống, quyết sống đời sống ý nghĩa như Chánh-pháp đã vạch.

ooOoo

BÀI THỨ SÁU: SỰ SINH HOẠT HẰNG NGÀY CỦA ĐỜI SỐNG Ý NGHĨA

Qui y là những tín ngưỡng minh chánh, giữ giới là những hành động hiệu lực đối với đời sống ý nghĩa của Phật-tử, nhưng đó chỉ là hai sự thực hành căn bản. Từ căn bản này, người Phật-tử muốn thật hiện có hiệu quả đời sống ý nghĩa của mình thì phải làm gì nữa trong hằng ngày và ngay trong từng tâm niệm? Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy điều này mới quan trọng.

Thường chúng ta hay nói lên những điều cao xa, đồ sộ, chúng ta say mê xây nền đắp móng, nhưng trong khi đó, chúng ta quên đi những viên gạch và những lát vôi mà chính nhờ chúng, lâu đài đồ sộ của đời sốngý nghĩa mới cất lên được. Thật vậy, đời sống ý nghĩa đồ sộ chính được tạo ra do những sự sinh hoạt chân chính trong hằng ngày và trong từng tâm niệm. Cho nên sau đây là hai điều mà mọi người không thể thiếu trong sự sinh hoạt nhật dụng của mình: phải tụng niệm và phải có ý thức.

Phải tụng niệm. – Như danh từ của nó, sự tụng niệm là đọc (tụng) và nhớ (niệm) lại những điều mình cần phải làm, những đức tính mình cần phải thực hiện. Sự tụng niệm ấy chẳng có gì khó cả trong nghi thức sau đây:

Đại từ đại bi thương chúng sinh
Đại hùng đại lực cứu hàm thức
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT (30 lần)

Cứ mỗi buổi tối, trước khi nằm ngủ, ngồi đọc lên hay đọc thầm như thế. Những trường hợp khác cũng vẫn tụng niệm y như thế được. Riêng tiếng niệm Phật, nếu ngoài 30 lần mà thêm nữa thì càng nhiều càng hay. Ai muốn và có thể học thuộc lòng thì tụng thêm bài sám hối sau đây, trước hoặc sau nghi thức trên đó:

Đệ tử kính lạy Đức Phật Thích-Ca,
Phật A Di Đà,
Thập phương Chư Phật,
Vô thượng Phật-Pháp,
Cùng Thánh Hiền tăng.
Đệ tử lâu đời lâu kiếp,
Nghiệp chướng nặng nề,
Tham giận kiêu căng,
Si mê lầm lạc,
Ngày nay nhờ Phật,
Biết sự lỗi lầm,
Thành tâm sám hối,
Thề tránh điều dữ,
Nguyện làm việc lành,
Ngữa trông ơn Phật,
Từ bi gia hộ,
Thân không tật bịnh,
Tâm không phiền não,
Hằng ngày an vui tu tập,
Phép Phật nhiệm mầu,
Để mau ra khỏi luân hồi,
Minh tâm kiến tánh,
Trí huệ sáng suốt,
Thần thông tự tại.
Đặng cứu độ các bậc tôn trưởng,
Cha mẹ anh em,
Thân bằng quyến thuộc,
Cùng tất cả chúng sanh,
Đồng thành Phật Đạo.

Phải có ý thức. – Tức là phải tự biết và luôn luôn tỏ ra mình là Phật-tử trong tất cả mọi trường hợp. Ý thức này phải bộc lộ thực sự ra bề ngoài bằng cách đeo tượng Phật vào cổ, bằng cách kính chào liệt vị Tăng-già, bằng cách niềm nở với mọi người Phật-tử như mình. Chúng tôi công kích thật sự và chúng tôi tự thấy hợp lý trong sự công kích đó, là những người Phật-tử mà không tỏ ra mình là một Phật-tử như trên, thì dầu vô ý vô tình, cũng không còn đáng được gọi là Phật-tử nữa. Chúng ta không cần nói cái vinh dự của một Phật-tử mà chúng ta có diễm phúc được làm. Không bao giờ chúng ta nên nói đến vinh dự hay cần đến vinh dự. Nhưng thực tế, khi tỏ ra mình là Phật-tử thì ý thức ấy nó nhắc ta nhớ bổn phận nhớ trách nhiệm phải có của mình. Chính ý thức đó là một sức mạnh ngưng lại tất cả ý nghĩ, lời nói và hành động bất chánh của mình và đồng thời, nó phát khởi cho mình một cách tất nhiên, những hành động cùng những ý nghĩ hợp lý. Quên mình là Phật-tử thì tất cả những gì của một người Phật-tử phải có, mình sẽ quên hết. Vì vậy, luôn luôn ta phải có ý thức mình là Phật-tử và luôn luôn trong mọi trường hợp, phải công nhiên, thẳng thắn, tỏ ra mình là Phật-tử.

Cái cây sống và lớn được là nhờ nó hút các dưỡng khí và tạo thành trong nó những nhựa sống. Cũng y như thế đó, sự tụng niệm là thu hút vào mình những thứ của Chánh-pháp quí giá, để tạo thành ý thức Phật-tử, nhựa sống cần thiết của một đời sống ý nghĩa.

Một Phật-tử sẽ mất hết tất cả qui y, giữ giới, mất hết tất cả tín ngưỡng minh chánh và hành động hiệu lực mà luôn theo đó, mục đích hợp lý cũng tan rã, nếu hằng ngày không có sự tụng niệm, và quên mình là một Phật-tử trong từng tâm niệm, trong mọi trường hợp. Như những viên gạch chắc chắn xây thành lâu đài đồ sộ, chính sự tụng niệm trong hằng ngày và ý thức Phật-tử trong từng tâm niệm ấy tạo nên đời sống hoàn toàn ý vị. Mạch máu làm sống cơ thể như thế nào thì những sự sinh hoạt vi tế ấy làm sống cuộc đời ý nghĩa cũng y như vậy.

Huống chi sự tu hành là sự huân tập, nghĩa là xông ướp dần dần đời mình vào trong hương hoa vô thượng của Chánh-pháp, biến khí vị tội ác, si mê của nó thành hương thơm từ bi, trí tuệ. Mà sự tụng niệm như trên, như chúng ta đã thấy, là ôn đọc lại những Chánh-pháp vi diệu của Phật dạy, là tưởng niệm các đức tánh cao cả của Ngài có, và thêm vào, ý thức Phật-tử luôn luôn nhắc nhở mình là Con Phật, mình phải làm gì và nghĩ gì thì chính đó, tất cả sự huân tập mà do nó, và chỉ do nó, mới tạo thành đời sống ý nghĩa. Cho nên, bằng tất cả kiên nhẫn cần thiết, ta phải huân tập hương hoa của Chánh-pháp vào đời mình trong những sự sinh hoạt hằng ngày và trong từng tâm niệm, trong mọi trường hợp. Nói cho thật, thì sự tu tập là sự chiến thắng tâm lý của mình. Mà sự tự chiến thắng tâm lý mình chính là sự tụng niệm và ý thức Phật-tử. Đức Phật có dạy: “Tôi đã trải qua vô số kiếp, chiến thắng tâm lý mà tự đưa mình đến địa vị Vô-thượng-giác”. Giờ khoan nói đến địa vị Vô-thượng-giác, mà ngay đời sống có ý nghĩa cũng chỉ thành được do sự tự chiến thắng tâm lý của mình mà thôi.

ooOoo

BÀI THỨ BẢY: MỘT BỔN PHẬN THIÊNG LIÊNG VÀ CẤP BÁCH

Bổn phận ấy là bảo vệ Chánh-pháp.

Nhờ Chánh-pháp của Phật-đà mà chúng ta biết rõ sự thật của cuộc đời chúng ta, chúng ta biết quay đời chúng ta về ánh sáng, chúng ta biết phương pháp để thật hiện mục đích ấy, nên bổn phận thiêng liêng và cấp bách mà chúng ta phải có đối với Chánh-pháp là tận lực bảo vệ bằng mọi khả năng nào ta có.

Nhưng làm cách nào mới bảo vệ được Chánh-pháp? Thì điều kiện căn bản cũng vẫn là sự thực hành của chính ta, nghĩa là áp dụng Chánh-pháp vào đời sống của mình. Chánh-pháp tồn tại hay không là ở chỗ có biểu hiện ra nơi đời sống hay không, bởi vậy, muốn Chánh-pháp tồn tại, bổn phận thiết yếu và căn bản của chúng ta là trước hết, phải tu tập Chánh-pháp, áp dụng và thực hiện Chánh-pháp ấy vào đời sống của chính mình.

Từ công việc căn bản đó, sự bảo vệ Chánh-pháp một cách tha thiết của ta sẽ cho thấy ta phải hy sinh năng lực, hy sinh tài sản và hy sinh tánh mạng. Phải đem tài đem sức mình ra phục vụ Chánh-pháp. Phải bỏ của bỏ tiền mình ra xây dựng lâu đài Chánh-pháp. Và, vì Chánh-pháp ấy, lúc cần, ta phải bỏ tánh mạng thực sự. Đức Phật có dạy rằng đem năng lực, tài sản và tánh mạng ra bảo vệ Chánh-pháp thì thế là đem ba thứ không kiên cố đổi lấy năng lực kiên cố, tài sản kiên cố và tánh mạng kiên cố vậy. Lý luận chứng minh cho ta thấy không dùng vào việc bảo vệ Chánh-pháp thì năng lực, tài sản và tánh mạng cũng không còn. Ba thứ này là ba lợi khí mà ác hay thiện đều do chính chúng nó gây ra. Bởi vậy, không đem chúng hiến cho Chánh-pháp, sống vì Chánh-pháp, thì chúng sẽ phục vụ cho dục vọng. Mà phục vụ dục vọng thì quả như lời Phật dạy: không qua một thì gian lâu, ta đã thấy chúng hao mòn và tiêu-diệt, mà tai hại của chúng gây ra thì không những chỉ khổ một đời, thật họa đến muôn kiếp. Nên ta phải học cái khôn ngoan của kẻ trí-giả khi ta có năng lực, tài sản, tánh mạng, là đem chúng ra phụng sự và bảo vệ Chánh-pháp chí thượng mà đời ta nhờ đó, sống có ý nghĩa đầy đủ.

Trong kinh điển còn chép rất rõ những cố gắng, những hành động “bỏ tánh mạng vì Chánh-pháp” của Đức Phật. Có lúc chỉ vì vài câu kệ như câu:

Các hành vô thường,
Là pháp sinh diệt;
Sinh diệt diệt hết,
Tịch diệt an lạc.

mà Đức Phật của chúng ta mạnh mẽ bỏ hết tất cả. Người ta thấy từ đầu mắt đến tay chân, từ thể xác đến tâm trí, từ năng lực đến tư tưởng, từ bản thân đến quyến thuộc, không một thứ chi Đức Phật tiếc cho Chánh-pháp. Ngài đã dạy thế này trong một bộ kinh mang tên là đại báo ân cha mẹ: “Phải biết ân và trả ân cha mẹ. Mà cha mẹ là tất cả mọi người mọi vật. Vậy muốn đáp trả ân đức mọi người mọi vật thì phải bảo vệ Chánh-pháp”. Và Ngài kết thúc tất cả hành động vì Chánh-pháp của Ngài bằng lời nói này: “Ta đã thành Phật nhờ những hành động đó”.

Ngày nay, nhờ Chánh-pháp của Phật mà đời sống ta có ý nghĩa thì bổn phận hợp lý nhất là ta phải bắt chước, phải học cái hạnh của Ngài, tận lực bảo vệ Chánh-pháp để nhờ Chánh-pháp ấy tồn tại, giúp cho bao nhiêu người khác biết đường biết cách sống đời sống có nghĩa. Và chính đó là cách vừa tỏ lòng tri ân và báo ân Đức Phật. Nên tôn giả A-Nan có thề mà lời thế ấy, hằng ngày, trong những buổi sáng sớm, liệt vị Tăng-già tụng lại để cũng tự thệ nguyện làm theo: “Đem thâm-tâm phụng sự muôn loài, thế tức là báo đáp hồng ân Phật”. Bảo vệ Chánh-pháp tức là trả ân xã-hội và báo ân Phật-đà, lại cũng chính đó là sự tu hành, là sự lợi tha.

Hiện giờ có khá đông Phật-tử mà không thấy trách nhiệm của mình đối với sự tồn vong của Chánh-pháp. Họ cũng chẳng xác nhận rõ ràng tính cách vô cùng cần thiết của Chánh-pháp trước thời đại. Họ không biết rõ ràng thời đại này, thời đại mà con người của nó giành nhau tung ra tất cả tham sân si để xâm lược, đán áp và tàn sát lẫn nhau, thời đại ấy chỉ có Chánh-pháp chống lại tham sân si mới có hiệu lực đem lại hòa bình thực sự, một hòa bình được con người tạo ra chính ở lòng mình, một hòa bình được nhổ sạch tận gốc tận rễ tất cả nguyên nhân đau khổ, nguyên nhân làm tan rã nó. Nhưng sự thật là thế. Sự thật, thế giới loạn trong tham sân si của con người và sự thật, chỉ Chánh-pháp chủ trương diệt tham sân si mới đem lại hòa bình cho con người. Cho nên bảo vệ Chánh-pháp chính là bảo vệ nền hòa-bình mà nhân-loại mong-mỏi. Do tất cả lý-do chánh xác này, do tất cả cần thiết cấp bách này, bổn phận bảo vệ Chánh-pháp bằng cách áp dụng vào đời sống, bằng cách đổ hết năng lực, tài sản và tánh mạng ra phụng sự, bổn phận ấy là bổn phận thiêng liêng bậc nhất của đời người Phật-tử đối với hòa-bình.

Do tính cách thiêng liêng của bổn phận đó, người Phật-tử tự thấy cái vinh quang, cái tủi nhục của đời mình lệ thuộc hẳn vào cái vinh cái nhục của Chánh-pháp. Người Phật-tử tự tạo cho mình cái ý thức vô cùng hợp lý, xem “Mình là của Chánh-pháp, Chánh-pháp là của mình” và họ hành động theo ý thức đó.

ooOoo

BÀI THỨ TÁM: MỘT VIỄN ẢNH KHÔNG XA

Phải, là một viễn ảnh nhưng một viễn ảnh không xa lắm, khi ta đã có tất cả điều kiện cần thiết để tạo ra viễn ảnh ấy.

Viễn ảnh đó là đời sống ý nghĩa. Đời sống ấy là hình ảnh của tất cả hạnh-phúc tinh khiết, chân thật mà loài người mong mỏi. Đời sống ấy đã không tạo ra bằng sự tranh đấu với nhau thì kết quả cũng tuyệt hết mọi hình thức xâm phạm hạnh-phúc của nhau.

Đời sống ấy chỉ phản ảnh, chỉ hình thành những tự-do, những bảo đảm mà loài người chúng ta tha thiết ham muốn một cách hợp pháp. Đời sống ấy, viễn ảnh ấy không xa xôi gì, mà chúng ta có thể thật hiện ngay được khi chúng ta quay đời mình về Chánh-pháp, sống một cách ý nghĩa. Cho nên cổ nhân Phật-giáo có câu: “Bể khổ mênh mông, nhưng quay đầu lại là bờ bến”.

Các chủ nghĩa và các tôn giáo khác cũng có vạch ra thế giới vị lai của họ. Bên cạnh cái điển hình xã-hội-mới có nước chúa là thiên-đường, trong nách của cái tự-do phóng túng có cái trật-tự khó chịu. Nhưng, những thế-giới vị lai như vậy không xây dựng trên kinh-tế thì phát sinh từ viễn vọng, không bản ngã thì pháp luật, mà những thứ này có gì khác ngoài dục vọng đâu.

Mà đã do dục vọng tạo ra thì cũng do dục vọng mà phá hoại. Trong khi đó, lý-luận và thực-tế đều chứng minh rằng thế giới vị lai cũng vẫn là thế giới của con người, do bàn tay con người xây dựng, do chính con người quyết định. Nói khác đi, con người thế nào thì thế giới sẽ như thế đó, nhất là thế giới đó là thế giới vị lai. Cho nên muốn thực hiện một thế giới vị lai tốt đẹp thì vấn đề chánh là phải cải thiện cái gốc là con người. Không đủ. Phải nói cho rõ ràng là muốn thế, con người phải tự mình cải thiện lấy mình mới được.

Con người tự cải thiện thì đồng thời, mọi thứ pháp luật, kinh tế, chính trị, văn hóa, trong tay con người tự cải thiện, những thứ ấy đều biến thành phương tiện vi diệu để xây dựng một thế giới vị lai, xây dựng một đời sống ý nghĩa. Không có sự tự cải thiện thì tất cả những thứ nầy, đảo lại, như ta đã thấy và chắc chắn còn thấy mãi, chúng biến thành những lợi khí giết chết tất cả tự do và bảo đảm nào con người cần có để sống. Chữ Khổ luôn luôn được lịch sử xã-hội loài người tự tay viết ra và đích thân làm chứng, là vì vậy chứ không chi khác.

Trái lại, nếu thế giới vị lai là một “đời sống ý nghĩa” thì đời sống ấy do chính nó tạo ra nó. Bởi vậy, đời sống ấy là một hòa bình bởi hòa bình, hòa bình ấy còn thiếu gì và tan rã sao được. Đời sống ấy như trong kinh đã nói, cái tên của đau khổ còn không có, huống hồ là có thật.

Đời sống ý nghĩa, như ta đã biết, nó được tạo ra và được thành tựu trong chánh-pháp chí-thượng. Nội tam quy, tín-ngưỡng minh chánh ấy sẽ giúp con người vừa chánh lại tất cả tư tưởng của mình vừa phát-triển hết thảy giá trị của mình. Nội ngũ giới, lối hành động hiệu lực đó sẽ diệt trừ hết tất cả nguyên nhân nào đã gây ra chiến-tranh, gây ra đàn áp, gây ra tai họa, và sẽ giúp con người hoàn thành tất cả mọi phương-diện tâm-đức-tiến-hóa, trí-thức tiến-hóa, năng-lực tiến-hóa của mình.

Nội vài phương-pháp cải thiện tối thiểu ấy không thôi cũng đủ sức, cũng thừa mãnh lực giúp con người sống đời sống ý nghĩa, đạt đến ý nghĩa hoàn toàn của đời sống ấy. Hay nói khác đi, một viễn-ảnh thế-giới vị-lai đầy hương hoa của Chánh-pháp sẽ không xa lắm khi con người tự biết cải thiện lấy mình bằng Chánh-pháp như thế.

Nhân-loại ngày nay thực đã có thể nói với lịch-sử mình rằng khổ lắm rồi. Hết khổ với những nỗi khổ nhân loại gây ra cho nhau thì khổ do những nỗi khổ của chính mình tự tạo ra cho mình. Thêm vào, nhân-loại lại mượn cái danh trời đất thần thánh, lại nhân cái cớ thế-giới vị-lai mà gạt-gẫm, mà lầm lẫn lôi nhau vào thảm-họa.

Trong khi đó, cái viễn-ảnh tương-lai do chủ-nghĩa vạch ra và do thực-tế phác-họa, hai cái ấy mới thật đại mâu thuẫn nhau. Bên kia, mồm miệng của các chủ nghĩa bảo nhân loại rằng thế giới vị lai của chủ nghĩa họ là hòa bình, là bánh mì, là cơm áo, là tự do, là tất cả. Nhưng điều kiện là phải tranh đấu theo chủ nghĩa của họ! Chữ tranh đấu mới đầy đủ làm sao. Đầy đủ tất cả, nó không thiếu một thủ đoạn gay gắt nào của tham sân si.

Và tất cả thủ đoạn ấy nó vừa giết chết mất sự tự tranh đấu với tham sân si, vừa gây thành những ngọn lửa dữ, thiêu đốt ra tro tất cả thực tế và hy vọng của con người về tự do và bảo đảm. Bởi vậy, bên cạnh mồm miệng mơn trớn của chủ nghĩa, nanh vuốt của thực tế lại tàn nhẫn báo cho loài người thấy viễn ảnh tương lai là một cửa tử đen ngòm, một cửa tử mà địa ngục, bể khổ, thoái hóa, vô tổ chức, chiến tranh và hỗn loạn, tất cả danh từ ấy không thứ nào có thể hình dung đầy đủ. Mà viễn ảnh ấy hiện giờ đang ám ảnh nặng nề, đang khủng bố thực sự, và đang xảy ra dần dần như chúng ta đang thấy và đang chịu đây.

Trong khi viễn ảnh vị lai ám ảnh và khủng bố loài người như vậy thì đời sống ý nghĩa, đời sống hướng về Chánh-pháp, đời sống ấy đối với loài người quả thật đúng như lời Phật đã nói rằng: “Nếu đời người vui đẹp, nếu đời người tươi sáng, thì ta và chánh-pháp của ta đã chẳng xuất hiện ra giữa thế gian này với loài người. Nhưng ta và chánh-pháp của ta xuất hiện là vì sự khổ não và đen tối ấy của loài người”.

Bởi vậy, “đời sống ý nghĩa” quả là một thế giới vị lai đầy ánh sáng và là một viễn ảnh không xa khi ta quyết chí hồi đầu, sống đời sống ý nghĩa ấy theo Chánh-pháp của Phật-đà chỉ dạy. Đời sống ý nghĩa, một viễn ảnh đầy huy-hoàng, một vị lai tràn tinh tú, sẽ đến và đến vĩnh viễn với chúng ta do chính tay chúng ta tự cải thiện lấy con người của mình.