Ngày Vu Lan các chùa thường thiết lễ rất trọng thể và các Phật tử đến để cầu nguyện cho cha mẹ được an lạc, tịnh độ
Vào độ trăng tròn tháng Bảy âm lịch, là ngày lễ Vu Lan. Ngày này các chùa thường thiết lễ rất trọng thể và các Phật tử đến tham dự rất đông đảo để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được an lạc, cha mẹ quá vãng được siêu sanh tịnh độ.
Vào ngày này các chùa Việt Nam và Trung Hoa thường thiết lễ rất trọng thể và các Phật tử đến tham dự rất đông đảo để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được an lạc, cha mẹ quá vãng được siêu sanh tịnh độ, cùng là được nghe các thầy giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan và đạo hiếu của người con đối với các bậc sinh thành.
Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa “Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn”, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, năm 750-801 sau Công Nguyên và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam.
Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sanscrit: Ullambana, Hán dịch là giải đảo huyền, có nghĩa là “cứu nạn treo ngược”. Giải có nghĩa là gỡ ra cho khỏi vướng mắc, cởi trói buộc, giải mê lầm.
Kinh Vu Lan kể rằng: sau khi đắc quả A La Hán, đạt được tâm bất sinh, Bồ Tát Mục Kiền Liên muốn độ cho mẹ là bà Thanh Ðề, bèn dùng thần thông kiếm tìm mẫu thân, thì thấy bà đang ở cõi ngạ quỷ vô cùng đói khổ.
Ngài đem cơm đến dâng mẹ, nhưng mẹ ngài khi được cơm thì lòng tham nổi lên, sợ người khác trông thấy mà đến giành giựt hay xin bớt, cho nên bà một tay che bát cơm lại, một tay bốc ăn. Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp nổi bừng lên, nên cơm đưa vào miệng liền biến thành than hồng không ăn được.
Ngài vô cùng thương xót mà không biết làm sao cứu, bèn trở về thưa với Phật, xin ngài từ bi chỉ dạy phương pháp cứu độ mẹ. Phật dạy rằng vào ngày trăng tròn tháng bảy, tức là ngày lễ Tự Tứ của chư Tăng, sau ba tháng an cư kết hạ thanh tịnh, hãy sắm lễ vật và thỉnh chúng Tăng để cúng dường, nhờ sự chú nguyện của chúng Tăng thì mẹ Ngài sẽ được giải thoát. Ngài Mục Kiền Liên tuân theo lời Phật dạy, thỉnh chúng Tăng chú nguyện và nhờ đó mẹ ngài, bà Thanh Ðề đã được sanh về cõi trời.
Ngày xá tội vong nhân được dân gian gọi một cách nôm na là ngày cúng cô hồn. Lễ cúng cô hồn được truyền từ Ấn Độ vào Trung Hoa vào thời Đường và được truyền sang nước Việt từ năm 1302, sau đó lễ này rất thịnh hành vào thời đại Phật Giáo nhà Trần qua việc tổ chức các trai đàn chẩn tế, gọi là “diệm khẩu phổ thí pháp hội” có nghĩa là những đại hội về Phật Pháp để bố thí thức ăn cho loài quỷ đói.
Lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.
Dần dà về sau tại miền Nam Việt Nam, tập tục cúng cô hồn này biến thể từ hình thức đến nội dung, chuyển từ khuôn viên chùa ra ngoài dân gian và được lan rộng tổ chức tại các xí nghiệp thương mại và tại các công ty tư lập theo truyền tụng rằng, ngày này cửa địa ngục rộng mở, ngạ quỷ được phóng thích, nên cúng tế chúng để được buôn may bán đắt, tai qua nạn khỏi.
Ngày xưa cúng cháo hoa và vàng mã cho cô hồn, canh ốc nhồi nấu với chuối xanh cho người sống; ngày nay giết gà, mổ bò, mổ heo làm cỗ linh đình gọi là cúng cô hồn nhưng thực là cúng cho người sống. Là Phật tử chúng ta không nên đi theo vết mòn xưa cũ, chỉ nên cúng chay theo truyền thống mà không nên giết hại súc vật và nên phát tâm bố thí đến những người nghèo khổ cùng là phóng sinh để báo hiếu cho cha mẹ ông bà quá vãng.
Theo Tuvienhuequang