Đức Bồ tát ngồi dưới cội cây Assattha và chứng quả vô thượng chánh đẳng giác; từ đó, cội cây lịch sử này có tên là Bodhi (bồ-đề, giác ngộ). Cây Bồ-đề là biểu tượng giác ngộ hoàn toàn dành cho Đức Phật.
Đời sau còn vẽ Đức Phật ngồi trên tòa sen dưới gốc cây Bồ-đề. Điều này cho thấy thế đứng của sen vẫn cần thiết bên cạnh cây Bồ-đề. Sen là biểu tượng của trí tuệ giải thoát dành cho tất cả thánh nhân, ngay cả Đức Phật cũng ví Ngài như hoa sen vươn lên khỏi mặt nước.
Nếu không có trí tuệ giải thoát thì cũng không có sự giác ngộ. Đó là hai phẩm tính của bậc thánh được tiêu biểu qua hình ảnh hoa sen. Thực ra thì khả năng giác ngộ tùy theo trí tuệ của mỗi người. Do đó có sự phân loại Toàn giác, Độc giác, Thanh văn giác. Lúc Bồ tát đản sanh bước đi bảy bước, đời sau vẽ hình ảnh đi trên bảy hoa sen. Đây là biểu tượng của bảy yếu tố đưa đến giác ngộ (Thất giác chi).
Trong văn học Pāli, lối dùng biểu tượng thuộc về giai đoạn kết tập thành văn tự. Bồ tát cảm thắng ma vương nằm trong loại này (thực tế ma vương là những phiền não nơi nội tâm). Vào thời Đức Phật hình thức và biểu tượng cũng đã xuất hiện rất nhiều trong nền văn hóa bản xứ.
Tuy nhiên Đức Phật đã vượt qua ngôn ngữ biểu tượng và trình bày trở lại bằng ngôn ngữ của chánh pháp. Khi nói về cách trồng sen người ta liên tưởng đến việc trồng một loại sen hữu hình nào đó. Nếu chúng ta muốn trồng các loại sen trí tuệ thì cũng phải theo dấu chân của Đức Phật, nghĩa là tìm đến chiều sâu của ngôn từ, hiểu rõ thâm ý và phát triển những đức tính nội tâm để khả năng giác ngộ được phát triển toàn diện.
Đức Phật là bậc vô thượng chánh đẳng giác, cho nên bất cứ lời nói nào, ý nghĩa nào mà người đời dùng đến không bao giờ gây trở ngại cho Ngài.
Trong nhiều trường hợp Đức Phật có đủ biện tài vô ngại trong việc sử dụng ngôn ngữ của chánh pháp, chuyển tình huống gay cấn nhất thành đơn giản và hướng kẻ đối thoại đầy chấp trước vào niềm tin nơi Tam bảo. Lần nọ Đức Phật ngồi tham thiền dưới cội cây trong rừng. Một vị Bà la môn tên là Navakammika đến gần Phật hỏi rằng:
– Tôi làm nghề đốn củi trong rừng, còn sa môn Gotama làm việc gì mà ở nơi đây?
Đức Phật đáp:
– Đối với ta, không cần phải làm gì trong khu rừng này. Bởi vì rễ cây rừng Ta đã bứng hết. Ta đã giải thoát tất cả rừng rú chông gai, không còn bị gai chướng đâm nữa. Do vậy, Ta sống độc cư an lạc nơi đây.
Lời của Phật không phải nói về khu rừng chế định như cách hiểu của vị Bà la môn . Đức Phật đã dựa vào câu hỏi đó để diễn tả khu rừng phiền não nơi nội tâm. Tất cả công việc trừ phiền não đã xong, do đó Ngài là một bậc thánh. Kết quả của cuộc đối thoại là vị Bà la môn xin quy y nơi Tam bảo. — (Tương ưng 1 B, tr. 201).
Tương tự như trên khi nói về cách trồng sen, chúng ta nên vượt qua lối hiểu thông thường và đào sâu vào ý nghĩa của chánh pháp, từ “trồng” ở đây đồng nghĩa với từ Pāli “bhāvanā – phát triển, tu tập”, “vuṭṭhi – tăng trưởng”. Muốn mau giác ngộ phải phát triển trí tuệ giải thoát. Tăng chi bộ kinh đề cập đến bốn pháp tăng trưởng trí tuệ gọi là Vuṭṭhi Dhamma:
1. Thân cận bậc chân nhân (sappurisa saṃseva),
2. Nghe diệu pháp (saddhammassavanaṃ),
3. Như lý tác ý (yonisomanasikāra),
4. Thực hành pháp tùy pháp (dhammānudhammapaṭipatti)
Bốn pháp này còn gọi là pháp có nhiều lợi ích cho ai được sanh làm người (dhammā manussabhūtassa bahukārā honti), và những ai muốn thành tựu quả Dự lưu bắt buộc phải có, cho nên còn gọi là bốn Dự lưu hướng chi (cattāri sotāpattiyaṅgāni).
Khi đến với Tam Bảo không phải là hành động nô lệ. Quy y không phải là thái độ chấp nhận mù quáng mà phải thực hiện cho được phương châm quy y Tam Bảo là nương tựa chính mình cho đến toàn hảo. Bốn giai đoạn tăng trưởng trí tuệ giúp cho chúng ta thành tựu mục đích quy y. Bậc chân nhân (sappurisa) là người có thân, khẩu và ý thanh tịnh, từ đồng nghĩa là thiện trí thức (paṇḍtita). Bậc chân nhân là hạng người trí, là một thiện hữu, cho nên sự thân thân cận một người như thế sẽ giúp cho ta tinh tấn nhiều hơn. Lẽ thường ai gần kẻ xấu sẽ nhiễm cái xấu và tạo nhiều ác nghiệp và gần người tốt sẽ học hỏi nhiều điều hay, sẽ thêm những đức tính chưa có và tạo nhiều thiện nghiệp. Trong Maṅgalasuttaṃ (Hạnh phúc kinh), Đức Phật dạy ba mươi tám điều đem lại hạnh phúc, trong đó có hai điều là không thân cận kẻ ngu nhưng gần gũi bậc trí. Dù là ở bên cạnh Đức Phật suốt đời mà không lắng nghe lời của Phật thì cũng như cái muỗng ở trong nồi canh. Một bậc gọi là chân nhân dĩ nhiên sẽ có ngôn từ phù hợp với những gì nội tâm đã thể nghiệm. Lời đó gọi là diệu pháp (saddhamma) hoặc chánh pháp.
Đối với kẻ ngu không biết diệu pháp thì đường luân hồi thật dài (dīgho bālānaṃ saṃsāro saddhammaṃ avijānataṃ). Đời sống của người không có nghe diệu pháp ví như mặt biển cuồn cuộn sóng, còn đời sống của người có nghe diệu pháp ví như mặt nước hồ sâu, bình lặng, không khuấy đục. Do vậy điều kiện thứ hai là khi thân cận bậc chân nhân như vậy phải lắng nghe diệu pháp của vị đó mới tìm được lợi ích.
Trong văn học Pāli, từ “nghe” đồng nghĩa với từ “học hỏi”. Nếu một người nghe nhiều nhưng chỉ liên quan đến thế pháp thì chưa gọi là nghe diệu pháp. Trong Maṅgalasuttaṃ (Hạnh phúc kinh), “bāhusaccaṃ – nghe nhiều học rộng” là một trong ba mươi tám điều đem lại hạnh phúc.
Sự học hỏi thông suốt kiến thức ở đời giúp cho nghề nghiệp được vững vàng nhưng chưa gọi là nghe diệu pháp. Kiến thức đó chỉ cần thiết cho công danh sự nghiệp, chưa phải là nhân đưa đến chấm dứt phiền não. Nghe nhiều học rộng về kinh nghiệm của những bậc chân nhân là nghe diệu pháp vì lối nghe này giúp chúng ta khai mở chân lý để giải thoát mọi phiền não.
Khi nghe diệu pháp nếu tâm trí hướng về vấn đề khác thì diệu pháp cũng không đến với tâm được. Do vậy điều kiện thứ ba là như lý tác ý. Khi nào lắng nghe với tâm tư an tịnh, sáng suốt là có như lý tác ý. Như lý là đúng đắn, tác ý là chú ý. Sự chú ý đúng đắn hướng về chân lý là như lý tác ý.
Nếu lúc nghe chú ý về nẽo tà là phi như lý tác ý. Nhiều người nghe nhưng không nắm được ý nghĩa sâu sắc, chỉ hiểu qua kinh nghiệm tri thức. Cách nghe này dù thông suốt kinh điển cũng không giảm phiền não, trái lại càng hiểu nhiều càng thêm kiêu ngạo và chấp ngã.
Nghe với như lý tác ý là hướng tâm đến chân lý, lúc đó chỉ có pháp mà không có người. Một nội tâm thuần tịnh khi lắng nghe pháp nếu đủ duyên sẽ đưa đến thánh quả ngay lúc nghe như trường hợp của tín nữ Visākhā mặc dù lúc đó mới bảy tuổi.
Do vậy điều kiện thứ tư là thực hành pháp tùy pháp, tức là thực hành theo chánh pháp sau khi đã nghe, đã như lý tác ý. Sự thực hành pháp là cách làm cho nhân duyên giác ngộ tròn đủ. Một người có chánh pháp nơi tâm nhưng không dựa vào đó để phát triển thêm thì vẫn bị lôi cuốn theo ngoại cảnh và tăng trưởng tham, sân, si trong đời sống. Đức Phật dạy các pháp hữu vi là vô thường. Từ thân đến tâm của mình và người, từ muôn loài vạn vật đều ở trong tướng hữu vi cho nên vô thường. Cái gì vô thường là khổ và vô ngã. Do vậy thực hành pháp tùy pháp để không còn tham đắm đối với các tướng hữu vi dù là trạng thái an lạc của thiền định.
Điều kiện thứ tư là giai đoạn trí tuệ tỏa sáng, vượt qua sở đắc của phàm phu đạt đến tri kiến của thánh nhân và ngay cả tri kiến thanh tịnh cũng không chấp thủ.
Một bậc giải thoát hoàn toàn thì ngay cả chánh pháp cũng buông bỏ nói gì đến phi pháp. Xem thế mới biết kẻ ác làm xáo trộn thế giới, kẻ thiện cố gắng cải thiện thế giới, nhưng chỉ có người vượt qua cả ác lẫn thiện mới hiểu được thế giới, do hiểu mới làm cho thanh tịnh thế giới.
Một bậc giải thoát mọi chấp thủ là người đã thành công trong việc trồng loại sen chánh pháp nơi tâm qua bốn điều kiện nêu trên.
*
Hạt giống giác ngộ sớm kết thành quả nhờ bốn nhân duyên phát triển trí tuệ. Bốn nhân duyên trên gọi là bốn pháp đem lại nhiều lợi ích cho ai được sanh làm người. Trong đời này, phần lớn những kẻ làm ác phải chuốc lấy khổ đau vì giao du với kẻ xấu, hạng phi chân nhân.
Những người làm thiện được an lạc về mọi mặt nhờ thân cận bậc chân nhân. Giao du với người tốt sẽ bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng nếu không tùy thời học hỏi chánh pháp từ nơi vị đó. Do vậy thân cận rồi, cần phải nghe diệu pháp. Việc học hỏi không phải vì tư lợi, không phải để tỏ ra là người học rộng hơn người.
Tâm hướng chơn chánh khi nghe pháp vô cùng quan trọng. Do vậy khi nghe rồi, cần phải như lý tác ý. Mặc dù có chú ý theo lẽ phải, có hướng tâm về chánh đạo, kết quả cũng yếu kém. Lý do là vì không cố gắng thành tựu hành trình giải thoát.
Vì lẽ đó, thực hành pháp tùy pháp cần phải có, để hoàn tất phận sự vun trồng giống sen trí tuệ. Khi hoa sen trí tuệ nở hoa rực rỡ thì hương giác ngộ cũng tỏa ngát muôn phương.