Ý nghĩa hình trên: Đức PHẬT thấy rõ nỗi đau khổ của con người qua những cảnh “sanh, già, bệnh, chết” qua một chuyến du ngoạn ở ngoài hoàng cung.
Đức PHẬT giảng bài Pháp đầu tiên “Tứ Diệu-Đế” cho năm anh em Kiều Trần Như. Năm người này trước kia là thầy của Đức PHẬT khi Ngài đang trên đường “tầm sư học đạo”. Sau khi Đức PHẬT sâu vào Thiền Định, Ngài thấy rõ chân tướng của vạn vật qua trí huệ của PHẬT. Sau khi xả Thiền, Ngài nói: “Ta thấy rõ những kiếp quá khứ xa xưa của Ta như những việc mới xảy ra vào ngày hôm qua.”
KINH VÔ THƯỜNG
Chính tôi nghe,
Kinh Vô thường,
Phật thuyết ở,
Trong khu vườn,
Cấp cô độc,
Thuộc kinh thành,
Thất la phiệt,
Tên rành rành.
Khi bấy giờ,
Phật bảo rằng:
Nầy chư tăng,
Trong thế-gian,
Có ba sự,
Không đáng ưa,
Không mầu mỡ,
Không như lòng,
Không đáng nhớ.
Gì là ba?
Ấy là già,
Bịnh cùng chết
Kiếp người ta
Nầy chư tăng,
Già bịnh chết,
Cảnh thế gian
Thực là thiệt
Không đáng ưa,
Không mầu mỡ,
Không như lòng,
Không đáng nhớ.
Ví bằng trong,
Thế gian kia,
Già bịnh chết
Không có chi,
Thì Như lai,
Chánh đẳng giác,
Chẳng bao giờ,
Xuống đất nước,
Vì chúng sinh
Truyền phương pháp,
công tu trì,
Tìm thấu trước.
Bởi vì thế,
Nên biết rằng:
Già bịnh chết.
Cảnh thế gian,
Không đáng ưa.
Không mầu mỡ,
Không như lòng,
Không đáng nhớ.
Vì ba sự.
Của trần ai,
Đức Như Lai,
Mới ra đời,
Vì chúng sinh,
Truyền phương pháp,
Công tu trì,
Tìm thấu trước.
Lúc bấy giờ,
Đức Thế Tôn,
Lại thuyết luôn
Bài kệ rằng:
Điểm trang ngoài vỏ,
Thấm thoắt đà vỡ lỡ tan tành,
Gẫm xem ngay trong cái thân mình,
Suy biến cũng rành rành như thế.
Người khôn phải xét xem cho kỹ,
Thắng pháp kia thực thị lâu dài,
Già, bịnh, chết, nào ai ưa nhỉ ?
Hình xấu xa càng kể càng ghê !
Trăm năm dầu tới cở thượng thọ,
Quỷ Vô-thường vẫn đó không sai,
Não nùng thay ! bịnh, chết, già,
Chúng sinh đày đọa bao giờ mới thôi.
Khi Thế Tôn
Thuyết kinh xong,
Các Tăng chúng,
Cùng Thiên Long,
Bọn Dạ Xoa,
A Tu La,
Càn Thát Bà,
Đều âu ca,
Dốc một lòng,
Cùng tin sùng,
Mà trì tụng
Kinh Vô thường
Lời bàn: Chúng ta thường nghe từ “vô thường”. Người đời thì hiểu “vô thường” là không tồn tại mãi mãi, người mà ta có biết nay đã qua đời và không bao giờ xuất hiện lần nữa. Rồi mọi sự suy nghĩ về “vô thường” cũng theo dòng đời vô minh mà bị lãng quên.
Hoặc có biết là vậy mà coi nhẹ việc này rồi không để tâm đến vì có “quá nhiều” việc “quan trọng” khác. Người biết Phật giáo thì biết “vô thường” là thuộc về “Tam vô lậu học”.
Không chỉ có người và động vật phải chịu cảnh vô thường, bị ràng buộc theo “sanh, già, bệnh, chết” của đế thứ nhất (Đây là khổ) của Tứ diệu đế, mà thực vật (cây, cỏ, bụi rậm, rong rêu, v.v…) và khoáng vật (đất, đá, cát, đồi, núi, sông, hồ, v.v…) cũng chịu cảnh cảnh vô thường nữa.
Thực vật chịu cảnh vô thường theo quy luật “Xuân sanh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn” và khoáng vật chịu cảnh vô thường theo quy luật “Thành, trụ, hoại, không” nghĩa là hình thành, rồi bám trụ, rồi tàn hoại để trở về cát bụi thành ra không có gì.
Người biết cao hơn nữa thì thường suy nghĩ và hiểu rõ về sự “vô thường” của vạn vật, cho rằng đây là một định luật không thể nào chấp nhận được rồi tìm ra phương pháp để chiến thắng định luật này bằng bất cứ giá nào (Tứ Diệu Đế là bài Pháp đầu tiên mà Đức Phật đã thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như ở vườn Nai (hay vườn Lộc Uyển).
Tứ Diệu Đế nói rõ tại sao chúng ta phải chịu đau khổ nhiều đời nhiều kiếp, tại sao chúng ta phải chịu cảnh vô thường.
Tứ Diệu Đế là chân lý muôn đời mà các Giáo chủ của các tôn giáo khác phải công nhận là thật và trong hoàn cảnh hiện nay – thời kỳ Mạt pháp – phương pháp hay nhất để chiến thắng vô thường là chuyên tu theo pháp môn Tịnh Độ hay Tịnh Độ niệm PHẬT) rồi lo tiến tu để thoát khỏi cảnh này. Huynh của Tịnh đã khuyên Tịnh vài lần về việc này, huynh có nói:
“Tôi thấy người khác chết,
Lòng tôi nóng như lửa,
Chẳng phải xót kẻ chết,
Mà sẽ đến phiên tôi.”
Đời người sống khoảng vài chục năm là qua đời. Có người mới sanh ra không khóc được thiếu thở rồi qua đời, có người mới gặp đó rồi đã qua đời, có người khoẻ mạnh tráng kiện rồi cũng qua đời, có người làm đám cưới mà tiệc cưới chưa tan thì đã qua đời, có người làm ăn thật phát đạt tương lai tràn trề rồi bỗng qua đời, có người danh vọng tiền của chẳng thiếu bỗng dưng vợ (hay chồng) báo tin đã qua đời, có người mới thăng quan tiến chức rồi qua đời, có người ngủ say rồi qua đời trong giấc ngủ, v.v… vô-thường mà, trừ các bậc Tứ Thánh ra (A-la-hán, Bích Chi Phật, Bồ-Tát và PHẬT), chẳng ai tránh được. Có người nói nhà này mới xây chắc chắn lắm, chẳng bao giờ mất. Người này đâu sống quá 100 năm để thấy sự tàn đi của căn nhà. Cũng có người nói, núi này chẳng bao giờ mất vì nó quá lớn.
Người này đâu sống quá 1,000 năm hay hơn nữa để thấy núi bị hao mòn đi. Các vị tu Tiên luyện tinh, khí, thần và uống linh-đơn có thể sống vài trăm năm rồi cũng qua đời. Ông Bành-Tổ sống 800 năm rồi cũng qua đời. Vạn vật đều vô-thường, đó là quy luật vĩnh cữu cần được nhận thấy và vượt qua.
Trở lại bài Kinh Vô Thường của Đức Thế Tôn thuyết, những câu này đối với Tịnh nghe thật chí lý:
“Phật bảo rằng:
Nầy chư Tăng,
Trong thế-gian,
Có ba sự,
Không đáng ưa,
Không mầu mỡ,
Không như lòng,
Không đáng nhớ.
Gì là ba?
Ấy là già,
Bịnh cùng chết,
Kiếp người ta,
Nầy chư tăng,
Già bịnh chết,
Cảnh thế gian,
Thực là thiệt
Không đáng ưa,
Không mầu mỡ,
Không như lòng,
Không đáng nhớ.”
và:
“Điểm trang ngoài vỏ,
Thấm thoắt đà vỡ lỡ tan tành,
Gẫm xem ngay trong cái thân mình,
Suy biến cũng rành rành như thế.
Người khôn phải xét xem cho kỹ,
Thắng pháp kia thực thị lâu dài,
Già, bịnh, chết, nào ai ưa nhỉ ?
Hình xấu xa càng kể càng ghê !
Trăm năm dầu tới cở thượng thọ,
Quỷ Vô-thường vẫn đó không sai.”