THI CA 43 – CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO CHÁNH GIÁO, TÀ GIÁO CÓ GIÁ TRỊ RIÊNG CỦA NÓ

đạ ca chương 43

Phiên âm:

Sư tử nhi chúng tùy hậu
Tam tuế tiện năng đại hao hống
Nhược thi giả can trục pháp vương
Bách niên yêu quái hư khai khẩu

Dịch nghĩa:

Giống sư tử, sinh ra con, nòi sư tử
Ba tuổi năm, gầm rung chuyển núi rừng xanh
Bầy chó hoang, vờn theo gót đấng Pháp vương
Trăm năm sủa, vẫn là tiếng “gâu gâu”…tiếng… chó sủa !

TRỰC CHỈ

Sư tử con vẫn là giống nòi sư tử, ba năm tuổi đã biết gầm. Sư tử mà gầm thì rung chuyển cả núi rừng, vang dội khắp hang sâu động hiểm.

Chó hoang, chó chóc dù có lớn tuổi gấp năm, gấp bảy lần sư tử đi nữa, chó chóc vẫn là chó chóc. Dù chó chóc sủa suốt trăm năm, sủa vua, sủa đấng Giác ngộ, sủa Phật vẫn là tiếng chó chóc, sủa chẳng có chút giá trị nào mà còn chói tai những ai nghe chúng sủa.

Tác giả Chứng Đạo Ca vạch ra rằng: Giá trị của chánh pháp vô cùng vĩ đại. Chánh pháp đánh thức những ai còn mê mộng, chìm đắm trong sông aí biển mê. Chánh pháp réo gọi những khách phong trần đang say mê lợi danh vật dục. Chánh pháp phá tan những tà thuyết mê tín dị đoan, hoang đường, ảo tưởng của những tâm hồn yếu đuối, nhẹ dạ cả tin.Chánh pháp là ngọn đuốc sáng hướng dẫn cho ai đã lạc lối lầm đường, có điểm tựa để quay trở lại con đường quang minh chánh đại. Kinh điển Phật thường ví chánh pháp của Phật nói như tiếng gầm của sư tử.

“…Ba tuổi năm, gầm rung chuyển núi rừng xanh…”

Những tà giáo, phi chánh pháp dù có tuyên truyền rao giảng trải nhiều tháng năm, tốn nhiều công đức cũng không đem lại lợi ích cho ai. Tệ hơn nữa, những tà giáo ấy nhuộm bẩn tâm hồn trong trắng của những người có tâm lành, có lòng tin, lẽ ra phải trong sáng.

Chó dù sủa vua, vẫn là tiếng chó sủa. Suốt trăm năm cũng vẫn là tiếng “gâu gâu” của chó chóc, không vì sủa lâu năm mà tiếng chó chóc tăng thêm giá trị.

“…Bầy chó hoang, vờn theo gót đấng Pháp vương
Trăm năm sủa, vẫn là tiếng “gâu gâu”…tiếng… chó sủa !”