Những Thánh Địa Phật Giáo tại Ấn Độ

Nguyên bản: Buddhist Shrines In India

Người dịch: Thích nữ Minh Tâm

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát ma ha tát.

Nam Mô Công Ðức Lâm Bồ Tát tác đại chứng minh.    

Kính gởi quí Phật tử,

Nhận được sự góp ý, phê bình, khuyến khích và ủng hộ của các Phật tử xa gần, tôi vô cùng cám ơn và cố gắng hết sức sửa chữa những khuyết điểm; mong các tác phẩm sau này sẽ càng ngày càng hoàn hảo hơn.

Với ý nghĩ mở rộng thêm tầm kiến thức Phật Giáo cho các Phật tử mới bước chân vào đạo, cần hiểu sâu thêm về lịch sử Phật Giáo, tôi cố gắng dịch quyển “Buddhist Shrines In India” do nhà xuất bản Patiala House tại New Delhi ấn hành năm 1951, và đã được tái bản lần I vào năm 1956, lần II vào năm 1968, và lần III vào năm 1994.

Dù quyển sách này đã xuất bản lâu năm, nhưng với văn phong dễ hiểu, gọn gàng, xúc tích, sẽ không làm người đọc mệt mỏi, nhàm chán khi đọc một tác phẩm thuộc dạng nghiên cứu, tài liệu.

Kính mong các bậc cao minh, thiện hữu trí thức giúp đỡ và phê bình.

Kính chúc quí Phật tử tăng tiến tu học, phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Ðề.

Kính nguyện đem công đức này hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.

Mục Lục:

Thánh địa thứ nhất: Lâm Tỳ Ni

Thánh địa thứ hai: Bồ Ðề Ðạo Tràng

Thánh địa thứ ba: Sarnath

Thánh địa thứ tư: Kusinagara

Thánh địa thứ năm: Sravasti

Thánh địa thứ sáu: Sankasya

Thánh địa thứ bẩy: Rajagriha

Thánh địa thứ tám: Vaisali

Những địa danh quan trọng:

-Sanchi

-Ajanta và Ellora

-Nalanda

Lời giới thiệu:

Thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên là thế kỷ hoàng kim của các tôn giáo Á Ðông.  Những biến cố mang tính cách lịch sử vĩ đại đã lần lượt xảy ra tại các nước Ðông Phương: Khổng Tử và Lão Tử tại Trung Hoa, Zoroaster tại Iran (Ba Tư), Mahavira và Ðức Phật Thích Ca tại Ấn Ðộ.

Trong vùng lốc xoáy tôn giáo đó, đaọ Phật do Ðức Thích Ca sáng lập, đã đứng vững và tiếp tục lớn mạnh như một ngọn đuốc sáng để đáp ứng nhu cầu tâm linh của loài người.  Ðaọ Phật đã đem đến cho con người một đời sống tâm linh hoàn hảo.  Lẽ dĩ nhiên, đaọ Phật cũng không thoát ra ngoài qui luật chung của vũ trụ “thành, trụ, hoại, không,”và cũng đã trãi qua không biết bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử các dân tộc và tôn giáo; nhưng đạo Phật vẫn tồn tại và còn tồn tại mãi trong dòng sinh mệnh của các đất nước đạo Phật đã đi qua và để lại dấu ấn.

Nói đến đạo Phật, thiết tưởng chúng ta phải nhắc đến vị giáo chủ đã sáng lập ra tôn giáo đó.

Vào thế kỷ thứ 6, năm 566 trước Công Nguyên, tại thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatsu) của một tiểu vương quốc tại Ấn Ðộ, Thái tử Tất Ðạt Ða (Siddhartha) đã giáng sanh trong sự chờ đón trọng thể huy hoàng của hoàng gia và dân chúng.  Thái tử là con của đức vua Tịnh Phạn (Sudhodana) và hoàng hậu Ma Gia (Mayadevi).  Thái tử ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), gần sát biên giới Nepal và Ấn Ðộ.

Một đạo sĩ đã tiên đoán rằng “Thái tử, hoặc sẽ trở thành một đaị vương cai trị tứ châu thiên hạ, hoặc sẽ xuất gia tu hành đắc quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.”  Vua cha nghe vậy, vội tìm đủ mọi cách ngăn chận.  Nhưng những phương cách đó đều vô hiệu, ngay cả người vợ tài sắc của Thái tử là công nương Da Du Ðà La (Yasodhara) và đưá con mới chào đời La Hầu La (Rahula) cũng không thể dẹp tan được ý nghĩ thoát ly mọi ràng buộc thế tục của Thái tử.  Thái tử đã nhìn thấy được cảnh sanh, lão, bệnh, tử của con người, đã hiểu rõ sự vô thường thay đổi của vạn hữu hàm linh và Thái tử muốn đi tìm phương pháp giải thoát khổ đau cho chính mình và nhân loại.  Không lâu sau đó, Thái tử đã thoát ly hoàng cung, rời xa mái ấm gia đình, dấn thân vào cát bụi.

Sau 11 năm tầm sư học đaọ, khổ hạnh đủ mùi, tham bái cầu đạo với nhiều danh sư, Bồ Tát Tất Ðạt Ða vẫn không thấy thoả mãn.  Ngài nhận thấy phương cách tu tập, lý thuyết của các đạo sư vẫn tiêu cực bế tắc.  Ngài liền bỏ lối tu tập đó và một mình một bóng đến ngồi tham thiền bên bờ sông Ni Liên Thiền (Uruvila).  Qua 49 ngày đêm nhập định, Bồ Tát Tất Ðạt Ða hoát nhiên đại ngộ, chứng thành quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, tôn hiệu là Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni.   Sau khi chứng đắc chân lý, Ðức Phật đã đến gặp năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển.  Bài thuyết pháp đầu tiên của Ðức Phật nói về pháp Tứ Ðế được gọi là Chuyển Pháp Luân (Dhamma – Chakrapravartana).  Giáo lý Tứ Ðế (Khổ, Tập, Diệt, Ðạo) xuyên suốt Bát Thánh Ðạo hay Bát Chánh Ðạo (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Ðịnh, Chánh Niệm) đã hướng dẫn bao nhiêu người giải thoát từ dòng sông đau khổ đến bến bờ cực lạc hạnh phúc.

Suốt 45 năm, Ðức Phật và hàng đại đệ tử của Ngài đã đi khắp lãnh thổ Ấn Ðộ, từ bờ sông Hằng đến những làng quê hẻo lánh, cốt yếu để truyền bá chánh pháp giải thoát lầm mê cho chúng sanh.  Ánh sáng đạo Phật truyền đến đâu thì bóng tối vô minh tan đến đó.  Hàng triệu triệu người đã tìm thấy hạnh phúc và giải thoát.  Ðức Phật nhập diệt tại thành Câu Thi Na (Kusinagara) năm 486 trước Công Nguyên.  Năm ấy, Ngài được 80 tuổi.

Ðạo Phật đã phát triển rực rỡ tại Ấn Ðộ, nhất là tại thành Câu Xá La (Kosala) và Ma Kiệt Ðà (Magadha) còn được gọi là trung tâm Phật Giáo.  Nhưng sau khi Ðức Phật nhập diệt khoảng 200 năm, đạo Phật cũng theo những biến cố lịch sử mà có nhiều  thăng trầm thay đổi.  Trong những biến cố lịch sử đó, trận chiến thảm khốc với quân Kalinga của vua A Dục (Asoka) là bước ngoặt nổi tiếng trong lịch sử Phật Giáo Ấn Ðộ.

Vua A Dục đã rùng mình tỉnh giấc mộng đế vương khi nhìn xác người ngựa đẫm máu nằm chết la liệt ở chiến trường.  Hình ảnh đẫm máu đó đã khích động mãnh liệt lòng vị vua bạo tàn đó, khiến ông ta hối hận đã gây ra cảnh tương tàn hủy diệt sanh linh.  Từ đó, A Dục Vương đã chuyển hoá tâm hồn, tìm hiểu đạo Phật và qua giáo lý, A Dục Vương đã thuần hoá từ từ trở thành một vị vua nhân đức nhất của lịch sử Ấn Ðộ.

Những thánh tích Phật Giáo còn sót lại trên lãnh thổ Ấn Ðộ đều có dấu ấn trùng tu lại của vua A Dục; nhờ thế mà ngày nay chúng ta có thể học và hiểu rõ thêm về những di tích lịch sử Phật Giáo qua những bia ký và thánh địa.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại dấu chân Ngài trên toàn lãnh thổ Ấn và hình bóng Ngài đã khắc sâu trong tâm tư nhân loại.  Trong thời kỳ chánh pháp hưng thịnh, các địa danh quan trọng đều được nhắc tới.  Bốn thánh địa nổi tiếng của Phật Giáo nói riêng và của Ấn Ðộ nói chung là: Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nơi Ðức Phật giáng sanh, Bồ Ðề Ðạo Tràng (Bodh-Gaya) nơi Ðức Phật thành đạo, Lộc Uyển (Sarnath) nơi Ðức Phật chuyển pháp luân đầu tiên, và Câu Thi Na (Kusinagara) nơi Ðức Phật nhập diệt.

Bốn địa danh quan trọng khác cũng được đề cập đến trong lịch sử Phật Giáo là bốn nơi Ðức Phật đã thi triển thần thông để giáo hoá điều phục chúng sanh.  Những địa danh đó là:  Sravasti (thủ phủ của Kosala) nơi Ðức Phật đã thi triển thần thông điều phục Ca Diếp (Puruna Kasyapa), người lãnh đạo phái Tirthika (đạo thờ thần lửa).    Nơi thứ hai là Sankasya, Ðức Phật đã lên tầng trời thứ 33 để giáo hoá cho hoàng hậu Ma Gia (mẫu thân của Ngài).   Nơi thứ ba là Rajagriha (thủ phủ của Ma Kiệt Ðà), nơi đây Ðức Phật đã điều phục con voi say do Ðề Bà Ðạt Ða sai khiến ra giết Ðức Phật.  Nơi thứ tư là Vệ Sá Ly (Vaisali), nơi đây Ðức Phật đã thọ dụng bát mật ong do đàn khỉ dâng cúng.

Những địa danh nổi tiếng này và những biến cố trong cuộc đời Ðức Phật đã là đề tài cho hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo từ xưa cho đến nay.

Những địa danh này đã lôi cuốn không biết bao nhiêu khách thập phương đến chiêm bái, và nhiều ngôi đền, tháp, bia ký cũng được xây dựng chung quanh những thánh địa này.  Tuy nhiên, trong thời kỳ đ�ạo Phật suy tàn tại Ấn Ðộ, một vài thánh địa đã bị hoang phế tàn rụi theo cát bụi và thời gian.

Ngày nay, các nhà khảo cổ Ấn Ðộ đang trên đường khai quật lại di tích và trùng tu lại các thánh địa.

Thánh địa thứ nhất: Lâm Tỳ Ni

Lâm Tỳ Ni (Lumbini), nơi Ðức Phật giáng sanh, là một thánh địa ở vùng Rummindei, cách một dặm về phía Bắc vùng Paderia và hai dặm phía Bắc vùng Bhagwanpur nước Nepal.  Ngày nay các nhà khảo cổ xác định Lâm Tỳ Ni nằm về phía Bắc quận Basti của xứ Uttar Pradesh.

lâm tỳ ni
Ảnh: Wikipedia

Theo tài liệu sử Phật Giáo, Lâm Tỳ Ni tọa lạc cách thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) 12 dặm.  Sử chép rằng, “Theo tục lệ, Hoàng Hậu Ma Gia phải trở về quê mẹ để sanh nở.  Khi đến động hoa Lâm Tỳ Ni, bà cảm thấy trong người sảng khoái lạ thường.  Cảnh vật xinh đẹp tươi mát chào đón, chim muông hót ríu rít trên cây, gió hiu hiu thổi làm tâm hồn người dịu êm nhẹ nhàng, Hoàng Hậu thong thả dạo bước ngắm nhìn thưởng thức cảnh trí thiên nhiên.

Khi đến tàng cây Sa La, Hoàng Hậu dơ tay vịn cành hoa sà thấp trước mặt và kỳ lạ thay, Thái tử giáng trần trong tư thế đứng của người mẹ.  Chư Thiên tung hoa chào đón, bẩy con rồng phun nước thơm  tắm rửa Thái tử và Thái tử đi 7 bước dõng dạc tuyên bố rằng: “Ta là đấng Vô Thượng Ðạo Sư của Trời Người.”  (Thiên thượng thiên hạ, duy Ngã độc tôn).  Từ vườn Lâm Tỳ Ni, Thái tử được các cung nô hầu hạ trở về thành Ca Tỳ La Vệ.

Quang cảnh giáng sanh của Thái tử Tất Ðạt Ða là đề tài cho hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật Ấn mà ngày nay người ta đã tìm thấy trong điêu khắc và tranh vẽ.

Nhận dạng được địa danh của Lâm Tỳ Ni, thiết tưởng chúng ta phải nhớ đến công ơn của vua A Dục.  Hai mươi năm sau ngày đăng quang lên ngôi hoàng đế, Vua A Dục đã đích thân đi chiêm bái đãnh lễ các thánh địa và chính Vua đã sai người đúc một cột trụ khắc lên dòng chữ “Ðịa danh này là nơi Ðức Phật giáng sanh.”  Vua A Dục cũng đã giảm 5% thuế hằng năm cho dân chúng vùng này.  Ðó là một đặc ân của vua A Dục đối với dân cư địa phương nơi Ðức Phật giáng sanh.  Bên cạnh cột trụ này, người ta còn thấy một ngôi đền xưa cũ khắc chạm hình ảnh quang cảnh giáng sanh của Ðức Phật.

Lâm Tỳ Ni đã trở thành một thánh địa quan trọng hàng đầu đối với người Phật tử.  Ngàn năm trước, những du tăng Trung Quốc đều lần lượt viếng thăm Lâm Tỳ Ni.  Chung quanh cột trụ do vua A Dục sai đúc, các vị du tăng cũng đã tự đắp lấy những bia đá lớn nhỏ đánh dấu những cuộc viếng thăm cúng dường.  Về sau, chính phủ Nepal ra lệnh khai quật vùng này để tìm thêm tài liệu chứng cứ.

Thánh địa thứ hai: Bồ Ðề Ðạo Tràng

Thánh địa nổi tiếng thứ hai trong lịch sử Phật Giáo là Bồ Ðề Ðạo tràng, nơi Ðức Phật thành đạo.  Nơi đây Ðức Phật đã tọa thiền suốt 49 ngày đêm dưới tàng cây pipala, bên cạnh dòng sông Ni Liên Thiền.  Vì hiện tượng bất diệt đó, địa danh này đã trở thành Bồ Ðề Ðạo Tràng, và cây cổ thụ pipala được đặt tên là cây Bồ Ðề (có nghĩa là “giác ngộ, bodhi tree”).

bồ đề đạo tràng
Ảnh : Travip

Có thể nói, Bồ Ðề Ðạo Tràng đã trở thành một cái nôi của lịch sử văn hoá Phật Giáo và các đệ tử Phật đều ao ước được ít nhất một lần đến chiêm bái nơi này.  Tòa cỏ Ðức Phật ngồi thiền, cây Bồ Ðề đều được chăm sóc kỹ lưỡng.  Những bia tháp và những cột đá lớn nhỏ chung quanh Bồ Ðề Ðạo Tràng, do các du tăng Ấn Ðộ, Trung Quốc và các nước khác tự đắp lấy cúng dường khi đến chiêm bái thánh địa này, và tài liệu ghi chép của ngài Tam Tạng Huyền Trang, đã cho chúng ta hình dung ra được quang cảnh sầm uất rực rỡ của địa danh này trong quá khứ hơn 2500 năm trước.  Cây Bồ Ðề bây giờ là cây cháu cây chắt của hàng ngàn cây Bồ Ðề gốc, nhưng cành lá vẫn xum xuê, thân cây to lớn rắn chắc.

Chính ngài Alexander Cunningham và một số các nhà bác học khác là những người đầu tiên khai quật những bia ký và cột trụ tại Bồ Ðề Ðạo Tràng này.  Ðại tháp Bồ Ðề đã được trùng tu lại nhiều lần với một kinh phí rất to lớn.  Vua A Dục cũng đã xây dựng một ngôi đền tại thánh địa này.  Ngôi đền do vua A Dục xây đã được miêu tả nhiều trong nghệ thuật Ấn; tuy nhiên di tích của ngôi đền này đã không còn tìm thấy dấu vết nữa.

Ngôi đại tháp Bồ Ðề chúng ta thấy hiện nay là ngôi tháp mới được trùng tu lại sau này.  Theo sự miêu tả của ngài Tam Tạng Huyền Trang thì đại tháp Bồ Ðề đã được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên theo mô hình của một đại bảo tháp tại Miến Ðiện (Burma).

Hiện nay, ngôi đại bảo tháp tại Bồ Ðề Ðạo Tràng cao gần 160 bộ và xây theo hình tứ giác. Trên đỉnh là một ngọn tháp nhọn.  Trong tháp, người ta khắc chạm hình tượng Ðức Phật thành đạo.  Phiá Bắc của ngôi tháp là một con đường hẹp cách mặt đất 4 bộ.  Người ta miêu tả đó là con đường nhỏ mà Ðức Phật, sau khi thành đạo, đã đi thiền hành qua lại trên con đường này.  Ngoài ra, lại còn có nhiều hình hoa sen được chạm trỗ trên con đường đó vì người ta tin rằng mỗi bước chân Ðức Phật đi đều có hoa sen nở tung ra đến đó.  Người ta còn thấy một mảng đá cát đỏ cạnh cây Bồ Ðề, tượng trưng cho đệm cỏ mà hơn 2540 năm trước, Ðức Phật đã ngồi và chứng đạo.  Còn rất nhiều những kiến trúc chạm trỗ khác khắc ghi lại hình ảnh của Ðức Phật và các đại đệ tử, các Phạm Thiên.  Những kiến trúc thẩm mỹ đó đã hấp dẫn hàng triệu người đến chiêm bái Bồ Ðề Ðạo Tràng mỗi năm càng ngày càng đông, tạo nên một luồng sóng du lịch khổng lồ về quê Ðức Phật giúp cho nền tài chánh quốc phòng Ấn thêm một phần lợi tức đáng kể.

Thánh Ðịa thứ ba: Sarnath

Một thánh địa đáng ghi nhớ nữa trong lịch sử Phật Giáo là thánh địa Isipitana hay Sarnath.  Nơi đây, trong sự tĩnh lặng của vườn Lộc Uyển, Ðức Phật đã khai giảng bài pháp đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều Trần Như trước kia cùng tu khổ hạnh với Ngài.  Nội dung bài thuyết pháp nói về những khổ đau của kiếp người và những phương cách giải hóa những thống khổ đó.  Sự kiện này đã được mệnh danh là “Chuyển Pháp Luân,” có nghĩa là Ðức Phật chuyển bánh xe pháp đầu tiên đánh dấu một kỷ nguyên huy hòang rực rỡ của một tôn giáo kéo dài bền vững trên 2500 năm cho đến nay.

Sarnath

Sarnath là nơi xuất phát tôn giáo do Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập.  Vì thế, Sarnath đã trở thành trung tâm Phật giáo lớn nhất tồn tại trên 1500 năm.  Trong những thế kỷ đầu tiên của thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, dưới triều đại vua A Dục, Sarnath đã trở thành một nơi tranh luận nổi tiếng giữa các tông phái và đạo giáo.  Hai ngài Pháp Hiền và Trần Huyền Trang đã đến chiêm bái thánh tích này vào thế kỷ thứ 5 và thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.  Hai ngài đã để lại cho chúng ta nhiều tài liệu giá trị về lịch sử thánh địa này.  Nơi đây, vua A Dục cũng đã sai người xây dựng một cột trụ đánh dấu khu vực ẩn cư trong nhiều tòa nhà lớn nhỏ khác nhau của hơn 1500 vị tăng sĩ Phật giáo đến Sarnath.  Trong những di tích còn sót lại đó, người ta phải nhắc đến một ngôi đền tuyệt mỹ có tượng Phật bằng đồng trong hình tướng chuyển Pháp luân, một ngôi cổ tháp và một cột trụ bằng đá.  Tất cả đều do vua A Dục xây dựng.  Thánh địa này đã phát triển rực rỡ trong nhiều triều đại và cũng đã được trùng tu lại nhiều lần.  Theo bia ký và những chứng cứ khảo cổ, người ta biết rằng ngôi đền có tượng Ðức Phật Chuyển Pháp Luân đã được trùng tu lại theo lệnh của hòang hậu Kumaradevi vào phân nửa đầu thế kỷ thứ 12 trước Công nguyên.  Chẳng bao lâu sau, địa danh này bị quân đội của Muhammad Ghori, của đạo quân Huns và Mahmud Ghazni phá hủy hòan tòan, nhưng Sarnath lại được trùng tu do công sức của các tín đồ Tăng Ni Phật giáo khắp nơi.  Tuy nhiên về sau, vì đạo Phật đã suy tàn tại Ấn Ðộ, Sarnath, một địa danh lịch sử nổi tiếng và huy hòang một thời đã bị tiêu hủy mất dấu trong đổ nát hoang tàn của cát bụi thời gian.

Ngày nay, viện khảo cổ Ấn đã tổn phí sức lực và tài chánh thật nhiều trong công cuộc khai quật và trùng tu lại thánh địa Sarnath.  Khi chúng ta đến Sarnath từ hướng Varanasi, chúng ta sẽ thấy một mặt phẳng bát giác bằng gạch nung nhô lên khỏi mặt đất.  Mặt phẳng này là di tích còn sót lại của một ngôi tháp trước kia đánh dấu nơi Ðức Phật đến gặp 5 anh em ông Kiều Trần Như.  Ngôi tháp bát giác này được trùng tu lần sau cùng bởi tiểu vương Akbar năm 1588, thuộc triều đại Gupta.

Trong số những di tích tàn rụi còn sót lại không bị các đạo quân tàn phá là ngôi tháp Dhamekh cao hơn mặt đất 150 bộ.  Ngôi tháp này được xây cất bằng nguyên liệu bền cứng, những khối đá khổng lồ bằng gạch và mang hình dáng cột trụ.  Những hình tượng khắc trên mặt tháp cho chúng ta biết ngôi tháp Dhamekh được xây vào triều đại Gupta thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.  Danh từ “Dhamekh” phát xuất từ nguyên từ Phạn ngữ “Dharmekh – chánh pháp”.  Cách ngôi tháp này không xa về hướng Tây là một ngôi tháp nhỏ do vua A Dục xây cất. Tháp vua A Dục xây, theo lời miêu tả của ngài Trần Huyền Trang, có thể là nơi Ðức Phật tọa thiền thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như. Xa hơn một tí về phía Bắc, là một côt trụ hình đầu sư tử được khắc chạm rất công phu.  Cột trụ sư tử này hiện nay được trưng bày tại viện bảo tàng khảo cổ gần đó.  Tại ngôi tháp này, chúng ta còn thấy sót lại những mảnh đá lớn của nền nhà chánh điện và những cột lớn nhỏ của một cổng chính dẫn lối vào chánh điện ngôi tháp.  Ngòai ra, chúng ta còn thấy rất nhiều mãnh vỡ của các tượng Phật và Bồ tát mang dấu ấn điêu khắc của nhiều triều đại khác nhau.  Một bức tượng Phật đẹp nhất tạc bằng đá cát khắc hình Ðức Phật Chuyển Pháp Luân là bức tượng tuyệt mỹ mang dấu nghệ thuật điêu khắc triều đại Gupta.

Tất cả những bức tượng điêu khắc vào thời đại này đều khắc theo tám biến cố lịch sử của cuộc đời Ðức Phật như Ðức Phật giáng sanh, thành đạo, chuyển Pháp luân, nhập Niết bàn, thi triển thần thông, v.v.  Ðáng kể nữa là một bức tàn lọng bằng đá khắc trọn vẹn bài pháp Tứ Ðế bằng tiếng cổ Pàli.

Dù đã bị tàn phá nhiều theo thời gian, Sarnath vẫn còn hấp dẫn du khách tìm về Ấn Ðộ để tưởng nhớ lại hình ảnh Ðức Từ Phụ và giáo âm của Ngài vẫn vang vọng bất diệt trong lòng người con Phật.

Thánh địa thứ tư: Kusinagara

Kusinagara hay Kusinara (Câu Thi na) là nơi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thâu thần tịch diệt năm Ngài 80 tuổi dưới hai tàng cây Sa La.  Ðịa danh này sau được các nhà khảo cổ nhận dạng là Kasia ở quận Deoria của xứ Utta Pradesh.

Giống như các thánh địa khác liên quan đến những biến cố lịch sử đời Ðức Phật, Kusinagara đã trở thành một thánh địa quan trọng để các Phật tử đến chiêm bái đãnh lễ.

Kusinagara hay Kusinara
Ảnh: Sacred Path

Vào thời điểm đó, hàng ngàn tự viện và bảo tháp đã được xây dựng lên chung quanh thánh địa này.  Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, có thể bị đạo quân Hồi giáo phá hủy hay do thời gian phai tàn xóa dấu mà thánh địa này đã bị hoang phế tàn rụi.  Hai ngài Pháp Hiền và Huyền Trang, khi đến chiêm bái thánh địa này, cũng phải thốt lên lời ta thán bi thiết khi nhìn cảnh vật hoang liêu đổ nát của Kusinagara.

Qua những cuộc khai quật để tìm lại dấu vết, người ta đào được một số những mảnh vỡ vụn của các tượng Phật, những cột trụ loang lỗ.  Tuy nhiên, căn cứ trên những dấu hiệu của các di tích còn sót lại đó và những bia ký thì chắc chắn nơi đây là thánh địa nhập Niết bàn của Ðức Phật.  Ngôi tháp Ðại Bát Niết Bàn mà vua A Dục xây cất cũng không có thể tìm thấy được nữa và có thể ngôi tháp này đã bị chôn vùi dưới nền tinh xá Niết bàn xây dựng ở triều đại Gupta.

Trong số những di tích đó, người ta tìm được một bức tượng Ðức Phật trong tư thế nhập Niết bàn.  Bức tượng này cũng bị vỡ vụn và đã được nhà điêu khắc Carlleyle khéo léo hàn gắn chạm trỗ lại.  Ngôi đại bảo tháp Ramabhar được dựng ngay tại địa điểm làm lễ trà tỳ kim thân Ðức Phật và xá lợi Ngài được phân chia ra làm tám phần đồng nhau cho tám vương quốc lớn mạnh nhất thời đó.

Hiện nay các nhà khảo cổ vẫn còn tiếp tục công cuộc khai quật thánh địa Kusinagara, mong sẽ tìm thêm tài liệu chứng cứ hơn nữa để làm sáng tỏ thêm một địa danh linh thiêng đã được đón nhận kim thân Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thánh địa thứ năm: Sravasti

Sravasti, thủ phủ của vương quốc Kosala ngày xưa, được các Phật tử tôn sùng vì nơi đây hơn 2540 năm trước, Ðức Phật đã thi triển thần thông giáo hóa các đạo sư thờ thần lửa.

Theo các sử liệu ghi chép lại, Ðức Phật đã thi triển các phép lạ như trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, trên thân ra lửa, dưới thân ra nước, hay mặt trời mặt trăng chiếu sáng cùng một lúc trên bầu trời, và nhiều hóa thân của Ðức Phật.  Những phép lạ đó đã là đề tài cho nhiều tác phẩm nghệ thuật Ấn từ các thời đại cổ xưa cho đến nay.

Sravasti

Ngay trong thời Ðức Phật, Sravasti đã là một trung tâm Phật giáo sầm uất phồn thịnh.  Chính nơi đây, trưởng giả Cấp Cô Ðộc đã rãi vàng mua hết đất vườn hoa của Thái Tử Kỳ Ðà để xây dựng tinh xá cúng dường Ðức Phật và chư tăng.  Câu chuyện rãi vàng mua đất của ông Cấp Cô Ðộc đã khích động mãnh liệt đến các tầng lớp quí tộc vua chúa, khanh hầu, trưởng giả và đó cũng là đầu đề về lòng sùng bái tuyệt đối của ông Cấp Cô Ðộc cũng như các tác phẩm nghệ thuật Ấn sau này.  Càng về sau, nhiều tinh xá, bảo tháp xây cất rải rác chung quanh địa danh này khiến Sravasti thêm nổi tiếng và phồn vinh.

Các nhà khảo cổ tin rằng Sravasti thuộc địa phương Saheth – Maheth nằm sát biên giới quận Gonda và Bahraich của xứ Utta – Pradesh.  Nơi đây họ đã tìm thấy vài bia ký liên quan đến tinh xá Kỳ Viên ở Sravasti.

Ðịa danh Saheth – Maheth gồm có hai vùng riêng biệt.  Vùng lớn nhất, Maheth, rộng 400 mẫu, ngày xưa là một tỉnh lỵ trù phú.  Saheth thì chỉ rộng có 32 mẫu, nằm độ ¼  dặm phía Tây Nam của Kỳ Viên tinh xá.  Những cuộc khai quật tại vùng Maheth đã cho chúng ta biết được rằng xưa kia Maheth là một thành phố rất giàu có đông đúc.  Saheth, tuy nhỏ hơn, nhưng lại nổi tiếng hơn vì nơi đây Ðức Phật đã dừng chân để giáo hóa và còn sót lại nhiều nền nhà của tinh xá, tự viện, bảo tháp; cho nên đa số các tăng sĩ, du khách đều ghé tới Saheth để chiêm bái tham quan.

Những di tích trưng bày đó mang dấu hiệu thời đại Mauryan cho đến những năm đạo Phật bắt đầu suy tàn tại Ấn Ðộ thế kỷ thứ 12 sau Công nguyên.  Tại đây, người ta thấy một ngôi tháp cổ nhất được xây cất từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, chứa đựng xá lợi Phật và một tượng đầu Ðức Phật tạc ở thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên thuộc triều đại Bala.  Tượng đầu Ðức Phật này giờ được trưng bày tại bảo tàng Ấn Ðộ ở Calcutta.  Hòang hậu Kumaradevi, vợ vua Govinda – Chandra là người cuối cùng bảo trợ tài chánh kinh phí xây dựng trùng tu lại Kỳ Viên tinh xá năm 1128 -29.

Ðạo Phật bây giờ đã suy tàn nhiều tại Ấn Ðộ và địa danh Sravasti, một thời nổi tiếng huy hòang trong lịch sử Phật giáo Ấn, đã bị gót giầy đạo quân Hồi giáo tàn phá thiêu hủy thành bình địa.

Thánh địa thứ sáu: Sankasya

Một địa danh thiêng liêng khác có liên quan đến cuộc đời Ðức Phật là Sankasya, nơi Ðức Phật thi triển thần thông lên cung trời Ðao Lợi thứ 33 thuyết pháp giáo hóa thân mẫu của Ngài là Hòang hậu Ma Gia và chư Thiên.  Ðức Phật đã giảng A Tỳ Ðạt Ma Luận trên cung trời Phạm Thiên.  Sự kiện này đã xảy ra sau khi Ðức Phật thi thố phép lạ ở Sravasti.

Sankasya, còn được gọi là Sankisa hay Sanisa Basantapur, thuộc quận Farrukhabad của Utta Pradesh.  Ðịa phương này được biết xác thực là nhờ vào bia ký của vua A Dục khắc trên tượng một con voi đánh dấu thánh địa này.

Sankasya

Không riêng chỉ có hai ngài Pháp Hiền và Huyền Trang đến chiêm bái thánh địa Sankasya, mà có nhiều tăng sĩ Trung Hoa khác cũng đến viếng thăm thánh địa này – nhưng những tài liệu do họ để lại cũng không còn đầy đủ chứng cứ để xác minh rõ hơn về địa danh này.  Ngôi làng hiện giờ ở thánh địa này nằm trên một ngọn đồi, cao độ 41 bộ và rộng cỡ 1,500 mét vuông.  Cách đó về hướng Nam độ ¼ dặm là một ngôi tháp do hòang hậu Devi ra lệnh xây cất.  Rải rác chung quanh ngọn đồi này là những đống gạch đá vỡ vụn và những di tích sót lại của cổng thành, đòn ngang, xà nhà, v.v. Những tàn tích này không đủ dữ kiện để chúng ta xác định lịch sử của thánh địa Sankasya.

Tượng con voi do vua A Dục sai đúc là di tích quan trọng nhất đánh dấu địa danh Sankasya và những cuộc khai quật trong tương lai hy vọng sẽ đem lại cho chúng ta nhiều điều lý thú hơn về Sankasya.

Thánh địa thứ bẩy: Rajagriha

Rajagriha, thủ phủ của vương quốc Ma Kiệt Ðà hùng mạnh, có thể nói rất nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo vì nhiều nguyên do.  Không những Rajagriha là nơi Ðức Phật đã dừng chân lại nhiều lần trong cuộc đời hành đạo của Ngài, mà nơi đây cũng chính là nơi Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta), em họ của Ðức Phật, đã âm mưu nhiều lần để giết Ngài.  Hơn nữa, tại thủ phủ này, ở động Sattapanni trên ngọn đồi Vaibhara, Ðại Hội Kiết tập lần thứ I đã được tổ chức tại đây dưới sự chủ tọa của ngài Ưu Bà Li (Upali) và ngài A Nan (Ananda).

Rajagriha
Ảnh: https://en.wikipedia.org/wiki/Rajgir

Những điểm chính yếu của giáo lý và giới luật của Phật giáo đều nêu lên trong kỳ Ðại Hội Kiết Tập này.  Vì thế, Rajagriha đã trở thành một địa danh nổi tiếng và quan trọng trong sự thành lập và phát triển Tăng đòan Phật giáo.

Là một thành phố nổi tiếng ngày xưa, Rajagriha bây giờ là một phố thị trong quận Patna của xứ Bihar, bao bọc chung quanh là những ngọn đồi núi chập chùng.

Rajagriha còn được gọi là Vaibhara, Vipula, Ratna, Chatha, Udayagiri và Sonagiri.  Dưới chân ngọn đồi về phía Bắc của phố thị Rajagriha ngày xưa là vương quốc của vua A Xà Thế (Ajatasatru), con vua Bình Sa vương (Bimbisara).  Sau đời vua A Xà Thế, thái tử Udayin kế vị ngai vàng và dời kinh đô Kusumapura đi nơi khác và đời vị vua kế tiếp là Kalasola lại dời kinh đô về Pataliputra, do đó Rajagriha dần dần đã mất đi vai trò quan trọng của nó trong vương quốc.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều biến đổi thăng trầm trong chính trường và tôn giáo, Rajagriha vẫn luôn được nhắc đến trong lịch sử Phật giáo Ấn Ðộ và lịch sử các đạo giáo khác.

Những di tích của thành phố cổ xưa Rajagriha còn sót lại rất ít.  Qua những di tích và bia ký vỡ vụn, các nhà khảo cổ tin rằng thánh địa này đã từng là địa điểm sinh họat của nhiều tôn giáo khác nhau.  Ngay cả động Sattapanni, nơi kiết tập Ðại Hội Phật giáo lần thứ I, cũng mờ dấu vết.  Theo kinh điển và sử liệu, động Sattapanni, nằm về phía Bắc sườn đồi Baibhara và nhà bác học Stein có lý khi ông cho rằng vị trí động đá này tọa lạc phía Bắc trên một mảnh đất rất rộng có nhiều hang động nhỏ.  Một kiến trúc đặc biệt đáng kể, Jarasandha Ki Baithak, trên sườn đồi Vaibhara phía Ðông, có những hầm nhà lớn nhỏ không đồng đều nhau, được mô tả là nơi ẩn cư của Ðức Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa), vị chủ tọa kỳ Ðại Hội Kiết Tập lần thứ I.  Về sau, các hang động này đều là chỗ ở của các đạo sĩ Kỳ Na giáo (Jainism) một thời.

Ngọn núi Gridhrakutta một thời là nơi ẩn cư tu hành của Ðức Phật, nằm gần sát bên thành phố Rajagriha và theo một số dữ kiện lịch sử cũng như các dân địa phương cư ngụ tại vùng này, thì động Sonbhandar phía Ðông đồi Vaibhara có mỏ vàng chưa khai phá tại đây.

Rajagriha, bây giờ là một thắng cảnh hấp dẫn các du khách trong và ngòai nước đến viếng, không những là địa điểm nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo mà còn là một địa danh có nhiều ngọn suối nóng chữa bệnh và an dưỡng.

Thánh địa thứ tám: Vaisali

Trong thời Phật giáo hưng thịnh, Vaisali, thành phố của vương quốc Lichchhavi hùng cường, là cái nôi của nền văn hóa triết thuyết Phật học.

Ðức Phật đã từng dừng chân du thuyết của Ngài 3 lần nơi thành phố này.  Nơi đây Ðức Phật đã thọ nhận bát mật ong do đàn khỉ dâng cúng và nơi đây cũng là địa phận Ðức Phật tuyên bố 3 tháng nữa Ngài sẽ nhập Vô Dư Niết Bàn.  Hơn nữa, Vaisali cũng là nơi kiết tập Ðại Hội Phật Giáo lần II hơn 100 năm sau ngày Thế Tôn nhập diệt.  Ðối với tín đồ Kỳ Na giáo, Vaisali cũng là một thánh địa vì Ðức Mahavira, vị đạo sư đời thứ 14 của Kỳ Na giáo ra đời.

Vaisali

Vaisali là một thành phố thuộc quận Muzaffarpur của Bihar.  Vào triều đại Gupta, Vaisali là một thủ phủ phồn vinh náo nhiệt.  Khách thương, tàu bè, hải cảng buôn bán tấp nập.  Các cửa tiệm, nhà băng, công sở, mở cửa suốt ngày đêm. Các kho chứa thóc gạo, lụa là, v.v. của hòang cung đều đầy ngập.  Vaisali, thời đó, đã gíup cho triều đại Gupta một thế đứng vững vàng trên vũ đài chính trị cho đến triều đại Mauryan, Vaisali vẫn còn là một thủ đô quan trọng.

Hai ngài Pháp Hiền và Huyền Trang đã đến chiêm bái thánh địa này.  Theo lời của ngài Huyền Trang, Vaisali chỉ rộng cỡ 10, 12 dặm vuông.  Chung quanh Vaisali có vô số những tháp, bia đá không biết cơ man nào mà kể.  Nhưng thời gian đã tàn nhẫn xóa sạch những di tích ấy và chỉ còn sót lại ở khu Kolhua, cách 2 dặm về phía Tây Bắc thành phố Raja Bisal Ka Garh, một trụ đá tạc tượng sư tử cao hơn mặt đất 22 bộ.

Trụ đá sư tử này có vẻ giống các trụ đá vua A Dục sai xây đắp nhưng không có một bút tích hay bia ký nào cho chúng ta xác định rõ trụ đá này thuộc thời đại vua A Dục cả.  Gần trụ đá này, về phía Nam, có một hồ nước nhỏ, mà tương truyền rằng đó là vũng nước mà hàng 2000 năm xưa, đàn khỉ đã đào để lấy nước dâng Ðức Phật uống mỗi ngày.  Vì thế, hồ nước này có tên gọi là Rama-Kund hay là Markata-Hraka, có nghĩa là “hồ nước của lòai khỉ.”  Về phía Tây Bắc, một nền đất của một ngôi đền còn sót lại.  Ngôi đền này ngày xưa được vua A Dục sai xây cất bằng gạch nung và một ngôi tháp có dấu hiệu vua A Dục xây còn sót lại trên mảnh đất hoang sơ một thời trù phú và quan trọng này.

Thời gian đã làm phai mờ và rụi tàn bao nhiêu đền đài, bảo tháp, nhưng những thánh địa Phật Giáo vẫn luôn luôn là quê hương tìm về của những người con Phật.

Những Ðịa Danh Quan Trọng

Trong thời kỳ Phật giáo phát triển và hưng thịnh, ngoài những thánh địa linh thiêng liên quan đến cuộc đời Ðức Phật, những địa danh quan trọng trong lịch sử Phật giáo Ấn Ðộ như Sanchi, Nalanda cũng góp phần không nhỏ cho sự huy hòang của Chánh Pháp.

Những tự viện, tinh xá ở Gandhara, Taxila, Purushapura, West Pakistan, East Pakistan đều là những trung tâm văn hóa Phật giáo.  Ngòai những nét thẩm mỹ và kiến trúc độc đáo ra, các trung tâm văn hóa Phât giáo này còn là nơi xuất phát những anh kiệt của Phật giáo tạo nên những cuộc tranh luận triết lý văn học rất sôi nổi phấn khởi hào hùng; tiêu biểu là trung tâm Phật giáo Sanchi, Nalanda, Ajanta và Ellora.

Những địa danh này, cũng theo qui luật vô thường của vạn vật mà biến thiên dời đổi.  Những di tích còn sót lại đó không đủ đem lại ánh sáng rọi vào quá khứ vàng son của những địa danh này.  Tuy nhiên, dù đã mờ nhạt đi trong lịch sử, những địa danh quan trọng này vẫn còn đủ sức hấp dẫn những học giả, tăng ni, tín đồ Phật giáo nối gót nhau lần dò về những miền xa xôi hẻo lánh để tìm lại một chút dư âm thời cực thịnh của Phật Giáo Ấn Ðộ.

Sanchi là một trong những địa danh nổi tiếng quan trọng của lịch sử Phật giáo Ấn Ðộ.  Ðịa danh này không có chút liên quan đến cuộc đời Ðức Phật, nhưng Sanchi là một trung tâm văn hóa Phật giáo rất nổi tiếng và phồn thịnh thời Phật giáo cực thịnh.  Theo sử liệu và văn chương truyền thuyết Phật gíao, Sanchi là nơi hội tụ các tinh hoa nghệ thuật của Ấn Ðộ, và có thể nói, Sanchi là tác phẩm kiến trúc, điêu khắc tuyệt mỹ nhất của nước Ấn.

Theo sử liệuTích Lan, vua A Dục đã cưới con gái một thương buôn giầu có và hạ sanh được một thái tử đặt tên là Mahinda.  Thái tử Mahinda là một người mộ đạo Phật và rất được Vua Cha và Hòang Mẫu thương yêu.  Khi vua A Dục già yếu, ngài muốn đưa hai người con trai và con gái của ngài qua Tích Lan truyền đạo, và tháp Sanchi đã được xây cất trên ngọn đồi vùng lân cận Vidisa, khi thái tử Mahinda dừng chân lại nghỉ ngơi trên đường qua Tích Lan hoằng hóa đạo Phật.

Dù tài liệu có đúng hay không thì những bia ký, tháp tự ở Sanchi đều mang dấu ấn thời vua A Dục và người ta cũng tin rằng chỉ có vua A Dục, vị đại thí chủ hòang gia đó mới đủ tài sức để phát triển Sanchi thành một trung tâm văn

Hầu hết các tháp tự ở Sanchi đều tọa lạc trên một ngọn đồi cao bao bọc bởi một tường đá rắn chắc vào thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên.  Những ngôi tháp, bia ký này đều có dấu ấn từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 12 sau Công nguyên, tính từ đại tháp Sanchi cao 50 bộ và đường kính của vòm tháp Sanchi là 100 bộ là tháp lớn nhất đến ngôi tháp nhỏ nhất cao không quá 01 bộ, thì những tháp tự lớn nhỏ này tạo cho ngọn đồi một thế đứng hùng mạnh sừng sững.

Ngôi đại tháp ở Sanchi được xây cất bởi gạch đá thời vua A Dục, gồm có những cột trụ cao bằng đá rắn chắc chạy dài bao quanh ngôi tháp, và cổng chính của tháp được xây cất và chạm trỗ một cách điêu luyện đầy thẫm mỹ độc đáo như hình bên cạnh.  Hai cột trụ đứng chạm kinh văn nguyên bản tiếng Phạn xưa.  Ðầu cột tạc 2 con voi đỡ 3 xà ngang, có chỗ trạm chỗ hình voi, sư tử, kinh văn, v.v. tượng trưng những sinh hoạt văn học triết lý của các thời kỳ chánh pháp, tượng pháp Phật giáo Ấn Ðộ.  Bốn mặt đại tháp có 4 cổng gồm 1 cổng lớn và 3 cổng nhỏ.  Ba cổng nhỏ kia cũng xây cất và chạm trỗ giống như cổng lớn với các hình tượng voi, sư tử, nam nữ, ngựa, v.v. miêu tả theo những thần thọai về cuộc đời và giáo pháp của Thế Tôn.  Những thuyết thần thọai hóa cuộc đời Ðức Phật miêu tả trong kinh Bổn Sanh Bổn Sự được các nghệ nhân Ấn đúc kết chạm trỗ điêu khắc trên các cổng thành và tường tháp.  Ðáng chú ý nữa là hình tượng vua A Dục được chạm khắc trên một cổng thành, miêu tả lại quang cảnh vua A Dục viếng thăm chiêm bái cây bồ đề ở Bồ Ðề Ðạo Tràng.  Hình ảnh vua A Dục ở Sanchi là hình ảnh duy nhất được chạm trỗ do các nghệ nhân và thần dân của Vua khắc lại để tưởng nhớ đến công ơn của một vị đại thí chủ của Phật giáo đã hết lòng ủng hộ công cuộc hoằng dương chánh pháp.

Những tác phẩm nghệ thuật này đều phản ảnh lòng nhiệt thành mộ đạo của thần dân địa phương vùng Sanchi.  Họ đã tổn phí rất nhiều và phải mất nhiều năm mới hòan thành các tác phẩm kiến trúc tuyệt mỹ này.  Từng đường khắc, từng nét chạm, từng nét vẽ đều mang trong nó tâm hồn yêu nghệ thuật, lòng sùng kính, dâng hiến và biết ơn của người nghệ sĩ.  Các nghệ nhân này làm công việc đó không phải vì lợi danh, địa vị, cho nên tâm tư họ thỏai mái, an lạc hướng trọn tâm hồn cho nghệ thuật. Vì thế, các tác phẩm đều tóat lên một sức sống mãnh liệt khiến người xem cảm thấy rung động sâu xa như đang sống trong ánh sáng Ðạo Vàng Giải Thóat.

Trong số những tháp tự này, có 3 ngôi tháp được người ta chú ý nhiều nhất.

Tháp thứ nhất là ngôi tháp thứ 3, nằm về hướng Ðông Bắc của ngôi Ðại Tháp, mặc dù là tháp nhỏ nhất nhưng là ngôi tháp kiểu mẫu.  Trong căn phòng tôn thờ xá lợi, Tướng Cunningham đã khám phá ra những xá lợi của ngài Xá Lợi Phất và Ðại Mục Kiền Liên, hai vị đại đệ tử của Phật.  Hai vị này rất nổi tiếng.  Ngài Xá Lợi Phất là “Trí Tuệ Ðệ Nhất.” Ngài Mục Kiền Liên là “Thần Thông Ðệ Nhất.”  Các xá lợi của hai vị đại đệ tử Phật được các nhóm khảo cổ mang về Anh Quốc, trưng bày ở bảo tàng thành phố Luân Ðôn, và sau đó mang trả về lại tôn thờ ở Sanchi trong ngôi tháp số 3 này.  Ngày xưa, ngôi tháp số 3 này thường hay bị đào xới khai quật.

Ngôi tháp thứ 2, nằm trên sườn đồi phía Tây.  Ngôi tháp này không có xá lợi, không có cổng chính, nhưng còn lưu giữ lại một số những đồ dùng của các nghệ nhân ngày xưa để quên lại, và những đồ dùng vật liệu này giúp cho người ta biết được cách đây hơn 2500 năm, các nghệ nhân đã đúc tượng chạm vẽ thế nào.  Các nét điêu khắc ở ngôi tháp này có vẻ tân tiến hơn lối kiến trúc của Ðại Tháp.

Ngôi tháp nhỏ cuối cùng gần chân đồi phía Tây là nơi tôn thờ xá lợi của ngài Ca Diếp.  Ngòai sự đặc biệt này, ngôi tháp còn đặc biệt với những cột trụ, đầu cột, bức tường chạm khắc các hình ảnh vô cùng tuyệt xảo độc đáo.

Nhiều tháp nhỏ rải rác chung quanh Ðại Tháp được tìm thấy.  Trong đó, người ta đào được nhiều mảnh vụn vỡ của các tượng, bia ký, v.v. Ở Sonari cách Sanchi vài dặm, nhiều di tích được tìm thấy.  Ở Satdhara, cách đó ba dặm, người ta lại tìm thấy xá lợi của ngài Xá Lợi Phất trong 2 ngôi tháp nhỏ, giống như xá lợi tìm thấy ở tháp vùng Sanchi.  Còn rất nhiều tháp ở vùng Bhojpur, vùng Andher mà các dấu ấn đều mờ nhạt không thể giúp chúng ta xác định được các tháp xây cất vào triều đại Asoka hay sau thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.

Trong số các tháp tự đó, đáng kể nhất là cột trụ đá vua A Dục với tượng 4 sư tử đâu lưng vào nhau, gần cổng chính Ðại Tháp Sanchi phía Nam.  Trên đầu cột trụ, có khắc hàng chữ tuyên bố lệnh “Cấm phân rẽ, phá họai Tăng Ðòan, sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc” của vua A Dục.  Ngòai ra, ngôi đền số 17, số 18 xây cất vào khỏang từ thế kỷ thứ 7 đến thời kỳ thứ 12 sau Công nguyên, với những tượng Phật, cột trụ đá, những bức tường chạm trỗ cũng góp phần vào công trình tuyệt mỹ ở Sanchi.

Những tháp tự ở Sanchi đã được giữ gìn, phục hồi lại rất cẩn thận và khéo léo bởi các nghệ nhân điêu khắc và các nhà khảo cổ bác học.  Người có công nhất trong cuộc trùng tu khai quật này là ngài John Marshall, vị cựu tổng giám đốc Viện Khảo Cổ Quốc Gia Ấn Ðộ.  Ông đã tu bổ, sửa chữa, phục hồi lại các di tích và những du khách khi đến Sanchi đều có thể tưởng tượng như đang trở về thời quá khứ vàng son của Chánh Pháp với những ngôi tháp hùng vĩ sừng sững một góc trời.

Ajanta và Ellora

Hai địa danh nổi tiếng đáng kể nữa là Ajanta và Ellora tọa lạc ở vùng Maharashtra.  Trong một thung lũng nhỏ hẹp là hang động đẹp tuyệt vời Ajanta với những di tích của những ngôi đền và tự viện.

Từ những tảng đá thiên nhiên, những nghệ nhân đã đẽo gọt, khắc chạm thành những tượng Phật, Bồ Tát hay những tác phẩm nghệ thuật vô cùng tinh xảo.  Những bức tường, cột trụ đá, trần động đều được chạm trỗ thật tinh vi xuất sắc mang dấu ấn nghệ thuật Phật giáo kéo dài suốt 800 năm và không có một di tích nào ở Ấn Ðộ có thể so sánh được với những tuyệt tác này.

Những hang động ở Ellora thì được khai quật và tìm thấy trên một cao nguyên tòan đá rất rộng lớn.  Không giống như Ajanta, Ellora tượng trưng cho sự tổng hợp nghệ thuật của 3 nền tôn giáo lớn ở Ấn Ðộ.  Ðó là: Phật giáo, Bà La Môn giáo, và Kỳ Na giáo.  Ngôi đền Kailasa nổi tiếng của đạo Bà La Môn là tiêu biểu xuất sắc nhất của nền nghệ thuật thế giới với những trần nhà, hành lang thiết kế mỹ thuật, những bức tường thần sống động qua những nét chạm trỗ điêu khắc, những tranh ảnh họa theo những truyền thuyết, tất cả những di tích đó đều được đẽo gọt từ những lòng đá mà ra, khiến cho ngôi đền trong hang động Ellora thêm lừng danh nổi tiếng.

Những hang động ở Ajanta mang dấu ấn những thế kỷ cuối cùng của kỷ nguyên trước Thiên Chúa, và theo thứ tự niên đại, Ajanta đã góp phần vào sự phát triển nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc, xây cất những kỳ tích.  Hang động số 9 và số 10 là những hang động lâu đời nhất nằm sâu tận trong lòng những dãy động đá ở Ajanta.  Từ những dãy động đá này suốt đến hang động thứ 19 và 26, người ta thấy vô số những hình ảnh, tượng khắc Ðức Phật theo nhiều cách thiết họa khácnhau.  Các tượng, tranh ảnh vẽ Ðức Phật trong tư thế ngồi kiết già thiền định hay trong dáng đứng Chuyển Pháp Luân.  Những nghệ nhân thời xưa đã dâng trọn trái tim nghệ thuật và sự tôn kính sùng bái lên Thế Tôn qua nét vẽ và chạm khắc của họ.

Hang động thứ 16, 17, và 02 là những hang động quan trọng nhất.  Hang động thứ 16 và 17 được xây cất từ năm 500 sau Công nguyên và hang động thứ 1 và thứ 2 được xây cất một thế kỷ sau đó.  Những hang động này rất đẹp nhờ những cột trụ đá chạm trỗ và sự thóang mát của các dãy hành lang rộng lớn.  Nhưng sự huy hòang tráng lệ của Ajanta đúng ra là do số lượng khổng lồ của tranh vẽ.  Những họa sĩ nổi tiếng đã vẽ những sự tích đời Ðức Phật theo kinh Bổn Sanh Bổn Sự và thêm vào đó là những tranh ảnh vẽ chân dung Ðức Phật, các vị Bồ Tát và các Phạm Thiên.

Trong số những hang động trần thiết ở Ellora, 12 hang động dọc theo hướng Nam được trần thiết theo những truyền thuyết Phật giáo, ngòai ra là những hang động theo kiểu Bà La Môn giáo và Kỳ Na giáo.  Những di tích ở Ajanta và Ellora thường có dấu chân của các nhà bác học, khảo cổ và nghệ nhân đến chiêm ngưỡng và học hỏi hơn là các du khách, vì hang động này nằm ở vị trí sâu và cao hơn trên rừng núi.  Tuy nhiên, Ajanta và Ellora vẫn được liệt kê vào danh sách các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Ấn Ðộ.

Tu viện Nalanda chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử Phật giáo cận đại.   Theo truyền thống, Ðức Phật đã viếng thăm tu viện Nalanda vài lần và lịch sử ngôi tu viện này có thể mang dấu ấn triều đại vua A Dục.  Tuy nhiên, những cuộc khai quật cũng chưa đủ chứng minh về thời gian xây dựng tu viện này và những chứng cứ như bia ký, dấu ấn, vài di tích còn sót lại trùng hợp với một số điển tích thì tu viện Nalanda phồn vinh và nổi tiếng từ thế kỷ thứ 5 cho đến cuối thế kỷ thứ 12 sau Công nguyên.  Cũng chính nơi đây, nhà du tăng nổi tiếng Trung Hoa, Trần Huyền Trang, đã đến ở lại vài lần.  Ngài đã ghi lại nhiều dữ kiện và sơ đồ của nhiều kiến trúc khác nhau của tu viện Nalanda, một tu viện cũng là học viện có sức chứa đựng hơn 10,000 tăng sĩ tu tập hàng năm tại đây để tu hành, nghiên cứu kinh điển và tranh luận.   Ngài Tam Tạng Huyền Trang cũng ghi nhận sự cúng dường ủng hộ của vua Harsha và nhiều vị vua các triều đại kế tiếp.  Ngài Nghĩa Tịnh (I Tsing), một nhà sư Trung Hoa, cũng đến tham quan tu viện Nalanda và ghi nhận lại các tăng sĩ trụ xứ tại Nalanda đã được sự yểm trợ ủng hộ của hơn 200 ngôi làng chung quanh và dưới sự tài trợ của nhiều vị vua.

Nalanda được đi vào lịch sử Phật giáo thế giới vì nơi đây các đạo sư Silabhadra, Santarakshita và Atisa Dipankara đã một thời tu học và góp phần làm rạng danh tu học viện Nalanda.

Sự hoang tàn đổ nát của Nalanda đã khiến du khách đến xem phải bàng hòang tiếc nuối cho một tu viện Phật giáo lừng danh một thời, nay chỉ còn lại vài di tích của những điện thờ, tháp và tăng phòng.  Quang cảnh những di tích còn sót lại đó cũng cho chúng ta biết là trước kia, những tháp và điện thờ chiếm chiều dài từ Bắc đến Nam, những tăng xá cho chư Tăng trú ngụ thì trãi dài từ sườn đồi phía Ðông đến phía Tây của cả mấy dãy đồi to lớn.  Dù bây giờ Nalanda đã tàn rụi, nhưng vẫn cho chúng ta hình dung được quang cảnh sầm uất, phồn thịnh đông đúc của sự sinh họat hàng chục ngàn tăng sĩ cách đây mấy thế kỷ.

Ngôi tháp số 3 là một kiến trúc đồ sộ tọa lạc ở giữa sườn đồi phía Tây Nam và được bao bọc chung quanh vô số những tháp nhỏ.  Ngôi tháp đầu tiên chỉ là một ngôi tháp nhỏ, nhưng dần dần được xây cất lớn rộng ra.  Ngôi tháp hiện giờ đã được xây rộng ra cả đến 7 lần, mỗi lần xây to rộng ra và chạm trỗ điêu khắc thẫm mỹ hơn, khác lạ hơn.  Chân tháp vẫn là hình vuông theo kiến trúc của ngôi tháp đầu tiên, nhưng đến khi xây cất lại lần thứ 5 thì các nghệ nhân đã khắc chạm tô vẽ thêm 4 mặt tháp với những miếng gạch lớn khắc kinh văn Phật giáo ở trên với bút tự ở thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên.

Về phía Bắc ngôi đại tháp này là những dãy tu viện đã được trùng tu xây sửa lại nhiều lần.  Ở đây du khách vẫn còn thấy dấu vết của rất nhiều điện thờ, tháp nhỏ, v.v. Tại một bảo tàng viện gần đó, rất nhiều di tích, mãnh vỡ các tượng Phật, Bồ tát được trưng bày. Những di tích này được tìm thấy trong những cuộc khai quật tu viện Nalanda.

Những tài liệu về bia ký tìm thấy ở Nalanda cũng không phải là ít.  Người ta tìm thấy những bia ký bằng đồng, bằng đá, bằng gạch và những con dấu, những bút tự bằng đất nung.  Những bia ký bằng gạch khắc với những bài kinh hay giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên và những bài thần chú đà la ni, những bia ký này đều được tàng trữ gìn giữ cẩn thận và trưng bày tại Bảo Tàng Khảo Cổ Ấn Ðộ.

Nalanda vẫn còn nổi tiếng nhờ sự yểm trợ ủng hộ của nhiều vị vua chúa, hòang tộc như các vua Narasimhagupta, Kumaragupta đệ nhị, Vainyagupta và Vishnugupta của triều đại hòang gia Gupta, Sarvavarman và Avantivarman của triều đại Maukhari, Bhaskaravarman của Kamarupa, Harshvardhana của Kanauj và rất nhiều thế hệ các vua chúa khác đã liên tục cúng dường tài trợ tu viện Nalanda trong suốt mấy thế kỷ.  Người ta còn tìm thấy một bia ký bằng đá khắc tên hòang tộc của vua Yasovarman của Kanauj, và một bia ký bằng đồng có tên các Vua dòng Pala như vua Dharmapala, vua Devapala, vua Balaputradeva của triều đại Sailendra.  Trong đời các vị vua dòng Pala, vua Mahipala đệ nhất là người cuối cùng tài trợ công cuộc tu bổ lại tu viện Nalanda cùng sự góp sức của tu sĩ Vipulasrimitra.

Giáo lý Nguyên Thủy và Ðại Thừa Phật giáo được các cao tăng truyền dạy tại Nalanda, nhưng về sau ảnh hưởng của Mật Tông Phật giáo đã lan rộng ra trong giới tu sĩ, và có pha trộn những kỳ bí của Mật Tông Bà La Môn giáo khiến cho nền giáo lý học thuật Phật giáo có phần đổi thay bất lợi, không đúng.  Sau này, vì sự chia rẽ mâu thuẫn trong Tăng đòan, Hồi giáo đã thừa dịp xâm lấn và phá hủy những địa danh nổi tiếng của Phật giáo, và một tôn giáo chân chính, lừng danh với triết thuyết của Ðức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã bị phai tàn theo thời gian, mờ dấu vết ngay chính tại quê hương Ðức Phật.

Lời kết:

Phật giáo là một tôn giáo lớn ở Á Châu.  Qua nhiều thăng trầm biến đổi trong lịchsử, Phật giáo cũng bị nhiều tôn giaó khác lợi dụng pha trộn tà thuyết sai lầm vào chánh đạo.

Tuy nhiên, những tirết lý về Tứ Ðế, Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Nhã, Niết Bàn tịch tĩnh vẫn luôn đứng vững và sáng chói trên vòm trời học thuật tôn giáo, và những thánh địa vẫn mãi mãi là nơi tìm về nguồn suối Giải Thóat của những người con Phật trên khắp thế giới.

                                                            Dịch xong ngày 25/5/1998

                                                                 Thích nữ Minh Tâm