Nhận diện tuổi trẻ Việt Nam – Thế nào là khái niệm về tuổi trẻ trong văn hóa Việt Nam?
Trong một khái niệm xã hội truyền thống và phổ biến thì một đời người được chia ra làm 4 giai đoạn: Tuổi ấu, tuổi thơ, tuổi xanh, tuổi đá và tuổi vàng; hay là tuổi ấu niên, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên, tuổi trung niên và tuổi lão niên. Khi nói đến tuổi trẻ, người ta thường đề cập đến tuổi thiếu niên và thanh niên.
Hình ảnh “thanh thiếu niên” tượng trưng cho mầm non tươi mát, sức sống tràn đầy và sự kế thừa đầy hy vọng. Trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam sau chiến tranh, cuộc chiến 30 năm (1945-1975) là cái mốc lịch sử tiêu biểu để những nhà xã hội học và tâm lý học phân chia thế hệ. Có thể nói những người Việt Nam đang sống có 3 thế hệ: Thế hệ trưoơc Chiến Tranh Việt Nam (Pre-Vietnam War generation, thế hệ CTVN (Vietnam War generation) và thế hệ sau CTVN (Post-Vietnam War generation).
Thế hệ sau CTVN là một thế hệ điển hình cho tuổi trẻ Việt Nam hiện đại. Đó là tầng lớp thanh thiếu niên Nam Nữ sinh ra sau 1975. Tuổi trung bình từ 10 cho đến 30.
Tuổi trẻ Việt Nam nghĩ gì về vấn đề tôn giáo?
Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt từ năm 1975. Đối với tuổi trẻ măng non thì chiến tranh Việt Nam đã trở thành lịch sử. Các em học lịch sử và nghe thế hệ cha ông kể chuyện lịch sử cuộc chiến Việt Nam dù mang vẻ hào hùng, oanh liệt của phía chiến thắng; hay bi thảm xót xa qua mắt nhìn của phía thua trận, nhưng sự cảm nhận của thế hệ măng non cũng giống như thế hệ đàn anh khi học về lịch sử thời Quang Trung, Trịnh Nguyễn, Bãi Sậy, Ba Đình… nghĩa là sự cố đã thành cố sự; nhân vật đã thành tượng đài, diễn biến đã thành lịch sử.
Thế hệ thanh niên có thể chia sẻ với thế hệ cha anh nhiều hơn, nhưng tựu trung cũng là sự chia sẻ bằng tri thức, bằng cảm thông và bằng cảm tính chứ không thể nào chia sẻ bằng “mặt phong trần nắng rám mày râu…” được.
Theo ước lượng, có khoảng gần 2 triệu rưỡi người Việt đang sống ở hải ngọai mà nơi tập trung đông đảo nhất là Hoa Kỳ. Theo Thống Kê của Cục Thống Kê Hoa Kỳ (Census Bureau) năm 2000 thì có 1.122.528 người Việt sống tại Mỹ. Trong số đó có 49% dân số qua Mỹ sau năm 1980.
Tuổi trung bình là 25. Có đến 67% dân số tuổi dưới 30, nghĩa là thuộc về thế hệ tuổi trẻ sinh sau 1975. Với độ tuổi đó, cộng đồng người Việt hải ngọai được xem là một trong những sắc dân “trẻ trung” nhất trong số những nhóm nhân chủng được xem là “trẻ” tại Hoa Kỳ hiện nay.
Với tỷ số tuổi trẻ rất cao trong cộng đồng người Việt hải ngoại, chắc mọi người quan tâm đến đời sống tâm linh, tôn giáo sẽ băn khoăn tự hỏi là không rõ tỷ số lớp tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại quan tâm đến vấn đề tôn giáo là bao nhiêu? Theo sự quan sát sinh hoạt thực tế thì sự hiện diện của tuổi trẻ trong các sinh hoạt chùa chiền Phật sự quá mỏng, quá ít ỏi so với thế hệ đàn anh.
Theo thống kê của Bùi Nhân Huân trong luận án tiến sĩ tâm lý học của ông nghiên cứu năm 2000 thì chỉ có 19% tuổi trẻ dưới 30 trả lời là “có quan tâm” đến tôn giáo và chỉ có một nửa trong số ít ỏi đó trả lời là có tham gia thường xuyên sinh họat tôn giáo.
Câu hỏi đang được đặt ra là nguyên nhân và hoàn cảnh nào đã đưa đến sự hững hờ của của tuổi trẻ đối với sinh hoạt tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng?
Mục Lục
Với tuổi trẻ Việt Nam tại Hải ngọai thì có 5 nguồn ảnh hưởng chính:
1. Hoàn cảnh lịch sử ở quê nhà:
Sau năm 1975, người cộng sản làm chủ toàn đất nước Việt Nam, mang theo làn sóng vô thần mà đối tượng giáo dục chính là tuổi trẻ mầm non. Tự căn bản, nền tảng tư duy của hệ thống triết học Mác-Lênin là duy vật biện chứng.
Coi tôn giáo là “tiếng thở dài của chúng sanh bị áp bức là thuốc phiện của nhân dân”. Tôn giáo và đời sống tâm linh không những vắng bóng mà còn bị phê phán gay gắt trong những nguyên lý giáo dục của nhà trường xã hội chủ nghĩa. Tuổi trẻ lớn lên trong không khí hoàn toàn xa lạ với mọi hình thức lý thuyết và lễ nghi tôn giáo.
2. Hoàn cảnh xã hội tại hải ngoại:
Hầu hết các quốc gia cưu mang người Việt tỵ nạn, mà Hoa Kỳ đứng đầu, là những quốc gia có truyền thống sâu đậm về đạo Chúa.
Đạo Phật chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong những cộng đồng sắc tộc, nhất là sắc tộc Á Châu. Bên cạnh đó, đời sống vật chất, kỹ nghệ, khoa học kỹ thuật đã giáo dục, đào tạo tuổi trẻ thành những con người chuộng thực dụng, phấn đấu sở đắc những giá trị cụ thể, phục vụ trực tiếp các tiện nghi đời sống có thể nắm bắt và cân đo đong đếm được.
3. Vai trò tự tại và tự giác của đạo Phật:
Trái hẳn với phưong thức truyền đạo và hành đạo xông xáo, năng nổ và có khi áp đặt của một số tôn giáo truyền thống Tây Phương, đạo Phật tuyệt đối tôn trọng tự do, phát huy tinh thần tự nguyện và nêu cao tinh thần tự giác của tín đồ.
Hay nói một cách gợi hình hơn thì trong lúc các tôn giáo khác tất bật xuôi ngược trên xa lộ thì Phật giáo vẫn lặng lẽ bước đi trên con đường mây trắng. Do đó, tuổi trẻ ít có cơ hội tiếp cận với Phật giáo mà Phật giáo thì chỉ nghiễm nhiên tự tại không tự mình tìm đến với tuổi trẻ.
4. Tâm lý sở đắc:
Đây là tâm lý con đẻ của đời sống kỹ nghệ và tham vọng chinh phục để sở đắc và sống còn. “Chinh phục hay bị chinh phục” (conquer or to be conquered) là triết lý sống tích cực và thực dụng của Tây Phương. Bởi vậy trong đời sống tâm linh, thế giới phương Tây cần một thế lực để quy phục hay chinh phục.
Đấy chính là khái niệm nền tảng về một đấng Thượng Đế tòan năng để cầu xin thắng trận lúc xuất quân (God Bless America) hay để xin ban ơn cứu rỗi (God Bless You) cho từng thân phận yếu đuối của mỗi con người. Trong cuộc chiến tranh với Iraq, cả hai tay thống lĩnh lực lượng địch thù đều cầu “God” ra tay cho phe mình thắng trận. Không biết God đã đứng về phe nào…?
Trong lúc đó, đạo Phật lại dựa trên cái chân tâm, Phật tánh, sức mạnh nội tại của mỗi con người để “tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”. Hào khí và tinh thần bão nổi của tuổi trẻ đang trên đường tìm tòi và khai phá tương lai sẽ có được mấy người dừng lại truy tìm bản lai diện mục của chính mình?
5. Những lý do nội bộ:
Có thể nói là những người Phật tử thuần thành trong thế hệ chiến tranh và thế hê hậu chiến tranh Việt Nam đã sống trên chuyến đò dọc chao đảo của hoàn cảnh đất nước chiến tranh kéo dài bên cạnh sự bất an của Đạo Pháp. Phật giáo thường xuyên bị đặt ngay giữa gọng kiềm của lịch sử.
Hết kháng chiến, đến lãnh thổ chia đôi. Bị áp bức và chống áp bức; bị đàn áp và chống đàn áp. Thế nhưng pháp nạn lại kéo dài bởi sự phân hóa ngay chính trong nội bộ “sư tử trùng thực sư tử nhục”! Tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại cũng giống như tuổi trẻ phương Tây nói chung, rất có dị ứng về sự xung đột do sự mập mờ giữa hai biên giới tôn giáo và chính trị.
Tuổi trẻ thường lánh xa với thái độ “đường ai nấy đi” khi phải đối diện với sự xung đột của các thế lực lãnh đạo thiếu một lộ trình rõ rệt, hay nói theo ngôn ngữ thời thượng của tuổi trẻ là thiếu mất cái “Agenda” cho hành động.
Nhận định về một hướng đi.
Thử tưởng tượng trong vòng 20 năm trở lại, thế hệ tiền chiến tranh VN và chiến tranh Việt Nam sẽ đua nhau về đất. Thế hệ tuổi trẻ hậu chiến tranh VN hôm nay sẽ là thế hệ xương sống, chủ lực ngày mai.
Liệu sẽ có bao nhiêu “người Mỹ gốc Việt” sẽ còn nói tiếng Việt và bao nhiêu người còn tha thiết đến chùa tu học và hành thiện? Người lạc quan tiên đoán “trời sinh trâu sinh cỏ”; kẻ bi quan cho rằng hiện tượng “hụt hậu” vì không có một thế hệ kế thừa là điều khó tránh khỏi nếu không có một hướng đi cho tuổi trẻ ngay từ bây giờ.
Khi nghiên cứu về sự tương quan giữa tuổi trẻ, tuổi già và tôn giáo, viện nghiên cứu Tâm Lý Xã Hội Barna Research ở Ventura, California đã xác định kết quả thăm dò năm 2001 của họ rằng: 91% những người già có một đời sống đạo hạnh và năng nỗ tham gia sinh hoạt tôn giáo hằng tuần là những người có quan tâm đến tôn giáo trong thời tuổi trẻ của họ.
Đạo Phật và tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại cũng không hẳn vượt ra ngoài những quy lệ và khuynh hướng chung của xã hội đương thời. Tuy nhiên, Phật giáo vẫn có những mặt thuận lợi và trở ngại tạo nên sự thăng tiến gắn bó hay thoái bước xa rời trong tương quan sinh hoạt giữa tuổi trẻ và Đạo Pháp:
Thuận lợi:
– Đạo Phật với một hệ thống lý thuyết và triết lý cao sâu, đồng thời cũng thể hiện tính khoa học và đời sống thực dụng trong nhiều mặt đủ sức làm thoả mãn những đầu óc đang truy tìm tri thức đích thực, những khuynh hướng phân tích và lý luận triệt để của tuổi trẻ vào thời đại khoa học kỹ thuật chiếm ưu thế trong xã hội phương Tây hiện nay.
– Đạo Phật không đặt cơ bản trên sức mạnh của thần quyền, thế quyền và giáo quyền mà dựa trên tinh thần nhân bản. Đạo Phật lấy con người và sức mạnh nội tại, tinh thần tự giác làm phương tiện; lấy cái lõi tinh hoa từ chính con người là chân tâm, là Phật tánh làm gốc nên rất phù hợp với trào lưu tiến hoá của một thế giới đang hướng về công bằng, tự do, dân chủ. Và đấy cũng chính là lý tưởng của tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại.
– Thông qua kinh tạng, Phật giáo lý giải và tiến đến chỗ hoá giải được sự xung đột của tâm linh và sự bức xúc nội tại của một đời sống bị tha hoá giữa giây chuyền máy móc.
Thông qua quá trình tu học và thiền định, Phật giáo đã giúp con người tìm được sự an lạc ngay chính giữa giòng đời quay cuồng với hiện thực nầy.
Đây chính là nét hành trì nổi bật nhất trong quá trình tu học của Đạo Phật mang tính thuyết phục và lôi cuốn mạnh mẽ tuổi trẻ Phương Tây nói chung và tuổi trẻ VN tại hải ngoại nói riêng.
Trở ngại:
– Phần đông, tuổi trẻ VN hải ngoại rất vô tư và vô tình với tôn giáo nói chung và đạo Phật nói riêng. Trong khi các tôn giáo bản xứ khác tìm đủ mọi hình thức và phương tiện để hấp dẫn và lôi cuốn tuổi trẻ, thậm chí, có nơi còn làm “cách mạng” thay đổi luôn cả giai điệu u trầm của âm nhạc tôn giáo để thay vào đó những bài ca, những âm điệu mạnh mẽ hợp với tuổi trẻ hơn thì Phật giáo vẫn theo nếp cũ “xưa bày nay làm”.
Trên xứ người, sinh hoạt Phật giáo vẫn tiếp tục duy trì các hình thức lễ nghi, sinh họat, chẳng có gì thay đổi lớn hay chuyển mình theo hoàn cảnh mới.
Tuy hoàn cảnh xã hội nơi xứ người đổi khác, phương tiện và điều kiện phục vụ sự tu học đa dạng và phức tạp hơn, nhưng các họat động của chùa chiền, tu viện vẫn mang đậm sắc thái cũ như khi còn ở quê nhà. Bởi vậy, hiện trạng vẫn là những đôi mắt thờ ơ của tuổi trẻ trước tôn giáo.
Thế hệ trẻ thiếu mất sự gắn bó và cảm nhận sâu xa trước những nghi lễ rườm rà; cảm thấy hoài nghi và gần như lạc lõng với những bài pháp thoại dài lê thê, đầy những danh từ cao siêu kinh điển nhưng lại thiếu tác dụng thực tiễn đối với cuộc sống đầy bon chen trước mắt.
Về kinh điển nhật tụng, nếu so với các quốc gia có sự hiện hữu của Phật Giáo lâu đời như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Thái, Lào… thì chỉ có nội dung kinh sách tiếng Việt là thiếu sự thống nhất, thiếu tính nhất quán trầm trọng nhất giữa hai hệ thống ngôn ngữ Hán Việt và Thuần Việt.
Trong cùng một nghi thức tụng niệm thường lệ như tịnh độ, cầu an, cầu siêu… mà từ phần Niêm Hương cho đến phần Hồi Hướng có đoạn thì thuần Việt, đoạn thì Hán Việt và lắm lúc cả “Hán Nôm hoà điệu”. Hiện tượng thiếu thống nhất đó quá phổ biến trong nhiều buổi lễ tụng niệm của hầu hết các đạo tràng, có quý cao tăng đại đức chủ lễ ở chùa chiền và tu viện.
Tại sao những Trường Bộ Kinh, những tạng kinh điển đồ sộ vẫn có nhiều cao tăng dịch mà các nghi thức thường lệ lại lâm vào cảnh “Hán Việt bất nhất”. Chẳng lẽ Phật Giáo chỉ quan tâm đến những vấn đề cao siêu triết lý mà thôi hay sao?
Nói tóm lại là khi nhìn về một hướng đi cho thế trẻ Việt Nam tại Hải Ngoại trong vấn đề tiếp cận với Phật giáo, chúng ta đã và đang thiếu một cách trầm trọng ba sức mạnh làm nhân tố cho bất cứ sinh hoạt tập thể nào. Đó là nhân lực, trí lực và tài lực.
Nhân lực nói chung không thiếu, nhưng thiếu công sức đầu tư cho tuổi trẻ. Những người đến sinh hoạt thường xuyên với chùa chiền và tu viện hầu hết là những bậc phụ huynh tuổi tác, kinh nghiệm và sự hiểu biết về văn hóa nước người vốn đã giới hạn, kinh nghiệm về tâm lý và đời sống của giới trẻ trong xã hội mới của nước người lại càng giới hạn hơn nên thực tế hầu như đang vắng bóng những “chiếc cầu thế hệ” bắc qua hai bờ thế hệ trẻ và già.
Trí lực nói chung của thế hệ cha anh về mặt gia đình tôn giáo khá phong phú. Nhưng đấy là trí lực “tĩnh” chứ không phải lực “động”, nghĩa là trí lực chỉ để dùng suy nghĩ và lý luận chứ không có tác dụng thực tế để áp dụng vào đời sống nhằm hướng dẫn, giáo dục và tạo những tổ chức hay phong trào hành động thực tiễn cho tuổi trẻ. Vì vậy, có thể nói rằng đấy là khối trí lực thiếu sự kế thừa và tụt hậu.
Tài lực cho thế hệ trẻ, cho con cái là ưu tiên hàng đầu trong mỗi gia đình Việt Nam. Nhưng trong các sinh hoạt của chùa chiền và tu viện người Việt, trừ những nơi có tổ chức đoàn thể thanh thiếu niên tôn giáo hay các lớp dạy tiếng Việt, vấn đề tài lực để chi ra cho thế hệ trẻ rất hiếm khi trở thành mối quan tâm được ghi nhận một cách chính thức trong các chương trình hay dự án hoạt động dài hạn thuần túy cho tuổi trẻ.
Thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngọai là những con tàu đã rời bến Mẹ để đi đến những phương trời mới lạ. Cùng một lúc tuổi trẻ Việt trên xứ người bị tác động bởi 3 sự dập vùi và níu kéo:
Văn hóa mới, môi trường tương quan xã hội mới và ngôn ngữ mới. Nhiều thanh niên, học sinh và sinh viên Việt bị lâm vào tình trạng “khủng hoảng bản sắc” (Identity Crisis). Đấy là lúc mà người tuổi trẻ cảm thấy mình bị đứng bên lề cuộc sống, mất đi một cảm giác thuộc về (a sense of belonging), không thể nào điều chỉnh cho vừa vừa hay được chấp nhận một cách tự nhiên vào môi trường xã hội Mới ở xứ người mà cũng chẳng còn hòa hợp và thích nghi trọn vẹn vào môi trường xã hội Việt.
Trong trường hợp đó, nếu thiếu mất luôn một niềm tin tôn giáo, một chỗ dựa tinh thần, một sự hướng dẫn và nuôì dưỡng tình cảm của thế hệ đàn anh, người tuổi trẻ sẽ trở thành một kẻ lưu vong trong chính tâm hồn của mình hiện tại và kẻ chối bỏ nguồn gốc, khước từ niềm tin tôn giáo trong tương lai.
Thế hệ trẻ Việt Nam trên quê người là một đề tài lớn, liên quan trực tiếp đến tương lai của cộng đồng người Việt tại hải ngọai cần được phân tích và thảo luận một cách rộng rãi giữa 3 thế hệ: Thế hệ cha anh, thế hệ con em và thế hệ bắt cầu. Bài tham luận này chỉ mong làm nhiệm vụ đặt vấn đề, nhận diện và phân tích vấn đề thế hệ trẻ Việt Nam và Đạo Phật ở hải ngoại. Rất mong chư tôn đức và quý thiện hữu tri thức quan tâm và thường xuyên nhìn về tương lai, một tương lai không xa mà chính thế hệ trẻ hôm nay sẽ ở vào vị thế của chư vị ngày mai.
Trần Kiêm Đoàn
Bài thuyết trình trên Chùa Quốc Tế (On Line) ngày 29-11-2003