Chiều nay là buổi chiều đầu tiên của hai mùa Đông – Xuân giao tiếp.Cái lạnh lùng rét mướt và u ám của mùa Đông vẫn chưa chịu nhường bước cho nắng Xuân dịu dàng ấm áp. Chiều nay, những hạt mưa, những hạt mưa nho nhỏ rơi phủ xuống che mờ cả thành phố, mờ cả góc trời, mờ cả lòng người – những hạt mưa, những hạt mưa như những giọt buồn rơi rụng, rơi . . .
Anh thu mình ngồi trong góc tối mờ nhạt của một quán cà phê vùng Georgetown, Was.D.C.Những lúc rãnh rỗi hay hồn mơ đi hoang, anh lại tìm đến quán cà phê này.Có thể nói, ở cái xứ Mỹ đầy bon chen thực dụng này, người ta khó tìm cho mình một góc nhỏ cho linh hồn còn lại.
Một lần lạc bước, anh đã dừng chân tại quán này và từ đó, anh là người khách quen thuộc của nó.Anh chàng bồi bàn biết ý nên mỗi lần thấy anh, cậu ta không đơi order đã gật đầu, pha cho anh một ly cà phê đặc biệt và một gói thuốc lá.
Anh thường đến vào những giờ vắng khách nhất, vào những ngày thường để được tự do nhìn ánh đèn đường hiu hắt vàng vọt hay thả hồn theo từng vòng khói thuốc mong manh như sợi tơ tình vẫn còn vướng vất đâu đó trong anh.
Chiều nay, cơn mưa buồn bay qua thành phố băng lạnh này làm hồn anh rưng rức nhói đau.Anh nhớ quay quắt, nhớ điên cuồng những cơn mưa lạnh buồn của Sàigòn, của Hà Nội, của Đà Lạt, của quê hương Việt Nam bây giờ cách xa hơn nửa vòng trái đất – và chiều nay, anh muốn khóc, khóc thật to, anh muốn hét lên, hét vang cho đất trời lồng lộng, để trút hết những uất ức, giận hờn hay đau khổ đã đè nén trong anh – nhưng cổ họng anh như tắt nghẹn, không một âm thanh nào thoát ra ngoài được cả.
Có lẽ nào anh đã biến thành người máy trong cái đám người máy khổng lồ xứ Mỹ này?Có lẽ nào anh đã chết khi trái tim anh còn đập mạnh nhịp yêu thương?Có lẽ nào đây là cái giá anh phải trả khi anh tự nguyện chọn kiếp tha hương để được hít thở chút không khí Tự Do cho quãng đời còn lại?
Anh chợt nhớ tới tựa đề một quyển sách ngoại quốc mà anh đã vô tình quên mất tên tác giả (có lẽ là Constant Gheorghiu) “Bia Mộ Đen Cho Loài Đại Bàng Gãy Cánh”.Anh bật cười khan.
Anh không phải là loài đại bàng uy mãnh trên cao kia, anh chỉ là một cánh chim hải âu trắng nhỏ bé muốn tung cánh bay trên vòm trời bao la không giới hạn, nhưng tội nghiệp thay, không lẽ cánh chim phi xứ cũng đã lạc mất đường bay?
Nhịp sống hỗn loạn, thiếu tình người này của Âu Mỹ làm anh mệt mỏi vô cùng; hít thở cái không khí đầy mùi kim ngân khiến hai lá phổi anh xám xịt, nghẽn hơi như bị ung thư – anh chới với hụt hẫng như con diều đứt giây đang vật vờ lượn lờ trong gió.
Anh ước ao được trở về sống cái tuổi thơ ngây, vô tư, trong sáng của trẻ dại, không biết ưu tư, lo buồn, khắc khoải; anh mơ được gục đầu trong vòng tay ấm áp dịu hiền của Mẹ; anh khát khao được gặp một người bạn chân thành chung thủy để được hiểu biết, yêu thương và cảm thông, chia xẻ.
Cô đơn, ôi cô đơn!Chung quanh anh, thiên hạ vẫn cười thỏa mãn vui sướng, vẫn điên cuồng hưởng thụ, vẫn bình thản bước ngang qua một bàn tay đen đủi khẳng khiu đang run rẩy chìa ra xin chút thương hại tình người . . .
Một cô gái ăn sương diêm dúa hở hang rẻ tiền ỏng ẹo dựa cột đèn, vài tên ma cô hoang đàng rít róng men say, một cặp tình nhân vội vã băng ngang đường, mắt lấm lét nhìn trước sau phòng hờ bất trắc . . . Thật đúng là một bức tranh xã hội thối nát, đáng nguyền rủa và chua xót!
Ly cà phê dở dang nguội ngắt, chiếc gạt tàn đầy ắp mẫu thuốc lá, người bồi bàn đang gật gù ngủ gục sau quầy rượu.Chỉ còn anh và người bồi bàn.Anh thấy mình sao giống Ernest Hemmingway trong “A Clean, Well-Lighted Place,” đầy ám ảnh của ý thức hư vô khốc liệt; anh thấy mình đau nỗi đau quằn quại của Kafka, một Kafka xa lạ, một Kafka bị đày, một Kafka phạm tội, một Kafka cô đơn tuyệt đối trong “Le Château” (Das Schloss)- thiếu đất, thiếu không khí, thiếu lề luật- (Phạm Công Thiện); nhưng rồi anh lại thấy mình cuồng nhiệt đắm say yêu đời yêu người như Apollinaire trong ‘Poèmes à Lou”; và anh thấy mình điên, cái điên đau thương tê tái của Nietzsche khi bị người lừa dối, khinh miệt, nhưng “lòng anh vẫn nói lên ngôn ngữ của yêu thương” (Also sprach Zarathustra, phần hai – Phạm Công Thiện).
Nào anh có muốn trở thành một hoang đảo cô liêu?Nào anh có muốn xa lánh mọi người?Anh đã đưa tay ra, và anh vẫn còn mãi đưa tay ra mong níu lấy một nụ cười . . . nhưng sao mọi người hờ hững quá, xa lạ quá . . . Người mà anh đã yêu thương và giờ vẫn yêu thương đã quay lưng hút bóng; người đó đã thương hại, đã đùa giỡn, đã gian dối, đã khinh miệt bước đi.
Anh chấp nhận sự chia tay như đã từng đón nhận những lằn roi cuộc đời, nhưng có thể nào nói anh không đau, “cái đau của một con người còn nguyên vẹn sự Nhân Bản của nó.”
Mưa vẫn rơi, vẫn rơi, rơi mù trắng xóa thành phố . . .
Anh đứng lên, đến bên máy nhạc và tự bỏ vào một băng cassette thâu những bản nhạc anh thích.Người bồi bàn ngơ ngác tỉnh dậy, cười bâng quơ với anh và gục đầu ngủ tiếp.Anh thích nghe nhạc vào những giờ thật khuya, khi thành phố sắp trở mình về sáng . . . Những giây phút đó thật lắng đọng, thật yên tĩnh, thật thiêng liêng, và cũng thật tình tứ diễm lệ.Ai nói là đêm buồn, chứ riêng anh, anh cảm thấy đêm thật huyền bí, kỳ nhiệm, và linh động vô cùng!
“ . . .Mưa vẫn mưa rơi trên tầng tháp cổ, làm sao em biết bia đá không đau, . . . ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau . . .”
Tiếng hát Khánh Ly trong “Diễm Xưa” nghe thật ray rứt, nồng nàn, và ngậm ngùi như nhớ tiếc một hình ảnh nào đó thật thân thương đã chắp cánh bay xa!Anh bâng khuâng nhớ tới những kỷ niệm vui buồn nho nhỏ với những bạn bè cũ của anh, nhớ dáng dấp nghệ sĩ và câu nói “Chết đi được!” của Thành, nhớ sự chịu đựng đầy thông cảm tha thứ của Lâm khi anh bỗng nổi cơn thất thường bực dọc, nhớ những bữa cơm thanh đạm nhưng rất ngon qua tài nấu nướng của Ninh Khương, và nhớ cả mùi nước biển mặn nồng của quê hương Thanh Hùng . . .
Thời gian qua nhanh quá!Mới ngày nào đó mà nay mỗi người mỗi nơi: kẻ đi tìm chân lý, người đang gánh đầy trách nhiệm, riêng anh, anh vẫn sống kiếp phong trần lữ thứ, lang thang rày đây mai đó, cát bụi đã bám đầy vai áo nhưng anh vẫn chưa muốn dừng nghỉ, hình như trong anh vẫn có một cái gì đó thôi thúc mãnh liệt bắt anh lao tới trước, mặc dù tuổi đời đã chồng chất trên anh.
Anh xót xa nghĩ đến Cha anh, đã hơn 70 tuổi, đang kiên nhẫn chờ đợi sự quay về của anh; người cha kính yêu đó luôn thông cảm, hiểu biết bản tánh lãng tử của con mình và vẫn dang rộng vòng tay chờ đón anh.Anh đã hứa hẹn, và vẫn hứa hẹn với Cha rằng “Con sẽ trở về!” nhưng rồi anh lại đi.
Anh có ích kỷ không?Anh có thiếu bổn phận không khi anh theo đuổi lý tưởng của riêng mình?Anh không biết nữa và cũng không muốn nghĩ tới nữa.
Giọng hát Khánh Ly ướt sủng nước mắt khi bài hát chấm dứt với những lời tự tình da diết “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau . . .” Phải, dù là sỏi đá, chúng vẫn có những nỗi niềm riêng, những đau xót cô đơn của thân cuội trắng ven bờ, an phận chờ những đợt sóng biển hung hăng nuốt chửng hay dập vùi đưa đẩy.
Nếu ta nghe được lời đá sỏi hẹn hò nhau; nếu ta nghe được giọng buồn hoa lá cỏ cây, tiếng gió thì thầm hay giọt mưa thánh thót . . .
Mưa vẫn rơi, dù nhẹ nhưng vẫn rơi.Mưa ở Mỹ hay ở Việt Nam đều đẹp, một cái đẹp man dại liêu trai.
Anh tắt máy, móc túi quăng tiền lên mặt bàn và bước ra, đi dưới mưa.Cuộc đời anh hình như dính liền với mưa.Bố Mẹ anh chia ly vào cuối mùa mưa, Mẹ anh chết giữa mùa mưa, cuộc tình đầu của anh tan vỡ khi trời chớm sang mưa tháng Bẩy, và anh rời bỏ quê hương cũng vào một mùa mưa. . .
Mưa với anh như đôi tình nhân gìa chơi trò cút bắt.Đứa đuổi đứa chạy, đứa đuổi đứa chạy, nhưng cuối cùng, cả hai đều mệt nhoài, ngã lăn ra và phải chấm dứt trò chơi.Mưa mãi rồi cũng tạnh; anh rồi cũng đi về hư không miên viễn!
Mưa rơi thấm qua đầu, qua cổ áo và lăn nhẹ vào trong làm anh thấy lành lạnh.Cái lạnh của không gian hòa với cái lạnh của lòng người khiến cho thời gian hình như trôi chậm lại.
Trời vừa ửng sáng.Anh lầm lũi gõ bước đều đều trên hè phố vắng.Trời mưa nên phố xá vắng tanh, thiên hạ làm biếng rời bỏ cái giường êm, chăn ấm nên lác đác chỉ vài ba chiếc xe phóng vút qua hất tung tóe cả nước lên người anh.
Anh chợt nhớ tới “Mưa” trong tác phẩm A Farewell to Arms của Ernest Hemmingway.Mưa rơi ướt sủng từ đầu cho tới cuối sách.Mưa thấm ướt mấy trăm trang giấy, thấm cả vào hồn người làm niềm đau tê dại, chai lì.Anh đâu phải không muốn quên đi dĩ vãng, anh muốn lắm chứ, anh thực sự rất muốn quên đi tất cả để cười vui, hồn nhiên như thuở nào, nhưng phải nói là cái đau của một người bị gian dối thật cay đắng và chua chát!
Nó như một vết thương khó lành, lở miệng và khiến người ta nhưng nhức khó chịu.Nếu tạm quên đi thì thôi, vô tình đụng phải là nó bắt con tim nhói đau muốn khóc.Anh nhớ tới lời một vị Sư giảng trong một buổi lễ: “Cái bản ngã của chúng ta rất kinh khủng.
Nó vô hình nhưng sức tác động chi phối của nó rất mãnh liệt.Có lúc chúng ta những tưởng chúng ta đã chinh phục được nó khi phải ứng phó với vài người hay hoàn cảnh không ưng ý; nhưng không, bản ngã vẫn ẩn tàng trong ta, âm ỉ nung cháy ta.”Phải, anh không muốn tự nhận mình là người thua cuộc.Anh chỉ nhường bước cho mọi người đều yên vui, êm đẹp.
Nhưng thực sự trong tận cùng tâm khảm, anh cay đắng thừa nhận mình đã là người rời bỏ cuộc chơi trước nhất, vì anh mệt mỏi qúa, thực sự mệt mỏi quá.Người đó giờ đang ở đâu, đang làm gì, anh không biết và anh cúi đầu cầu xin cho anh được chóng quên đi tất cả kỷ niệm.Và không hiểu sao từ vùng ký ức mù khơi, anh chợt thốt lên một câu nói câm lặng chôn kín xa xưa, “Anh vẫn còn thương em, mãi mãi thương em!”
Lặng người đi sau câu nói vô tình chợt vuột ra khỏi vành môi; một câu nói mà anh đã cố tình bóp nghẹt từ bao năm qua, một câu nói như thừa nhận sự thua cuộc của anh.Nhưng hình như trong anh có một cái gì nhẹ nhàng, êm ái lan tỏa dần dần; anh cảm thấy như anh vừa trút bỏ được một gánh nặng nào đó đè ép trái tim anh khiến khó thở, giờ thì anh đã hiểu.
Phải, chính cái tự ngã trong anh đã làm anh điên đảo, chính cái “ta” khó chịu, kềnh càng đã gây tạo đau khổ cho anh; chính nó làm cho anh không dám thừa nhận sự thật.Tại sao anh không dám đối diện sự thật?Tại sao anh lại chạy trốn?Đúng, giờ thì anh đã hiểu, anh hiểu thật rõ ràng.
Anh cười, nụ cười mong manh như nụ cười của đứa bé thơ, anh cười, một nụ cười đầy bí ẩn, nhẹ nhàng, và từ hòa như nụ cười của Đức Từ Phụ, một nụ cười Tỉnh Thức.
Anh đã nhận chân được sự thật lòng mình.Anh sẽ thôi không chống trả, không đối kháng, không tự mâu thuẫn dằn vặt mình nữa . . . Từ nay anh sẽ can đảm đối diện với chính những đợt sóng tư tưởng trong anh và anh sẽ uốn nhẹ mình theo chiều sóng cuốn, từ sự hòa điệu an nhiên đó, anh sẽ chuyển hóa được Khổ Đau trong anh thành An Lạc.
Mưa đã tạnh.
P. Thụy Khuê