3 ĐIỀU LIÊN QUAN ĐẾN NHÂN QUẢ CẦN BIẾT

NHÂN QUẢ

Bây giờ chuyện này mới quan trọng, khi bà con đã thờ Phật trên đầu thì phải thuộc lòng 3 mối quan hệ Nhân Quả sau đây:

1. Mối quan hệ Nhân với Quả, cái này trong room ai cũng biết rồi.

Có nghĩa là do làm ác, sống ác, nói ác, nghĩ ác cho nên đời sau sanh ra tôi phải bị khổ thân khổ tâm, khổ cả tinh thần lẫn thể xác. Hoặc bây giờ tôi sống thiện hành thiện bằng thân bằng khẩu bằng tâm bằng xác đời sau sanh ra tôi sung sướng vui vẻ cả hồn lẫn xác. Đó là quan hệ Nhân với Quả, Nhân nào Quả nấy. Còn 2 mối quan hệ nữa mà đa phần Phật tử không biết:

2. Mối quan hệ Nhân và Nhân, Nhân dẫn đến Nhân.

Khi mà mình sống quá nhiều với Nhân bất thiện tham sân si (thường cận y duyên) thì đời sau sanh ra cái cơ hội tham sân si nó sẽ lớn vô cùng. Ngay cả trong kiếp này, thí dụ tuần lễ này tôi bực mình quá thì chính cái bực mình này sẽ dễ dẫn tới cái bực mình khác. Khi tôi sống nhiều với tâm bất thiện, với lòng đam mê hưởng thụ: bài bạc, nhậu nhẹt, mua sắm, v v thì nó sẽ là cái điều kiện để dẫn đến cái bất thiện về sau.
Cho nên cái quan hệ thứ nhất là Nhân tạo ra Quả. Quan hệ thứ 2 là Nhân dẫn đến Nhân. Hồi đó tới giờ mình nghe đạo toàn là Nhân Quả “Ráng làm lành lánh dữ đi con, làm phước nguyện kiếp sau thành Phật đắc đạo đắc quả”. Chỉ nghe toàn là quan hệ Nhân Quả nhưng không được nghe quan hệ Nhân với Nhân quan trọng lắm. Thường sống trong Nhân lành đời sau sanh ra dễ dàng quay lại với Nhân lành, thường sống trong Nhân ác thì đời sau sanh ra rất dễ quay lại Nhân ác, đó là quan hệ thứ 2.

3. Mối quan hệ thứ 3 là Quả với Nhân.

Do Quả lành Quả ác đời quá khứ mà bây giờ mình sanh ra trong một môi trường A, B hay X, Y gì đó. Chính trong cái môi trường đó trong cái tình trạng sức khỏe đó, tình cảm đó, bối cảnh đó, môi trường xã hội đó, gia đình đó; chúng ta bèn có điều kiện để thiện hơn hay ác hơn. Bây giờ quí vị thấy quan hệ giữa Quả với Nhân chưa? Hồi đó giờ mình chỉ học quan hệ giữa Nhân với quả, trồng dưa được dưa trồng đậu được đậu. Nhưng còn có cái quan hệ Nhân thiện nó dễ dẫn tới Nhân thiện, Nhân ác dễ dẫn tới Nhân ác.

Quan hệ thứ 3 là Quả lành dễ dẫn tới Nhân thiện hay Nhân ác là tùy cái căn cơ của quí vị. Có người khi mà hưởng được Quả lành giàu đẹp khoẻ thì họ lại lấy mấy cái đó làm điều kiện để tiếp tục tu hành ngon lành. Có người khi hưởng được Quả lành họ bèn cắm đầu trong đó để họ đi xuống. Do siêng mới có tiền nhưng có tiền chưa đủ, lấy tiền đó để tiếp tục làm ăn thêm nữa thì đó là một chuyện, mà lấy tiền đó để hưởng thụ trác táng lại là một chuyện khác.Cho nên nói đến quan hệ Nhân Quả là nhớ dùm mấy cái này:

1. Quan hệ Nhân và Quả, Nhân tạo ra Quả. Mình làm cái gì thì sẽ tạo ra cái Quả tương ứng.

2. Là quan hệ giữa Nhân với Nhân. Đời này mà ta thường sống với tham, sân, si thì đời sau sanh ra ta dễ dàng quay lại với tham, sân, si. Mà đời này ta sống với từ bi, trí tuệ, kham nhẫn, chánh niệm, thiền định thì đời sau ta sẽ dễ dàng quay lại kham nhẫn, chánh niệm, trí tuệ, thiền định.

3. Quan hệ giữ Quả với Nhân.

Có thể bây giờ chúng ta sanh ra dưới một vì sao xấu. Chúng ta không có đẹp, không giàu, không khỏe. Đó là cái Quả xấu. Nhưng một người biết đạo họ tận dụng, tranh thủ mọi tình huống để mà sống thiện. Cứ nhớ thế này không phải để tự an ủi, không phải con cáo chê nho màu xanh, mà là sự thật.

Chúng ta hãy nhớ rằng trong cái đói nghèo, xui rủi nó lại cho ra rất nhiều cơ hội để chúng ta sống thiện. Và trong cái sung túc, giàu có nó cũng cho nhiều cơ hội để chúng ta sống thiện. Cả hai cái đó không có cái nào kém cạnh cái nào. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm câu nói này trước vong linh của thất thế phụ mẫu, cha mẹ nhiều đời của tôi.

Có nghĩa là trong cảnh đói nghèo, cơ cực nó kín đáo cho nhiều ra cơ hội để tu tập lắm. Vấn đề là mình có biết tận dụng nó hay không. Ngay trong cái cơ hội vàng son rực rở chói lọi nó cũng cho ra nhiều cơ hội sống thiện không kém. Và ngược lại, bên cái ác cũng vậy. Quả ác là cơ hội cực tốt cho nhiều tội ác nhưng đồng thời Quả ác cũng là cơ hội cực tốt cho nhiều cơ hội hành thiện. Quả lành cũng vậy, nó là cơ hội cực tốt cho nhiều chuyện lành nhưng cũng là cơ hội cực tốt cho nhiều cái ác. Tin tôi đi.

Vấn đề là, nói theo từ trong nước là “tận dụng, xử lý” hoàn cảnh một cách thông minh. Cho nên người không biết đạo họ bị chìm sâu trong Quả, họ lọt vô cái Quả họ xoay sở không được. Biết đạo ba mớ, họ có nghe nói “Đã là Quả đâu có sửa được sư?” Đúng, Quả sửa không được, nhưng hãy nhớ câu nói Tây phương này “Chỉ có 10% là những gì bên ngoài xảy đến cho ta, 90% là phản ứng tâm lý của ta nó mới quan trọng.” Chúng ta có quyền nói, chúng ta đương nhiên có thể nghèo, đói, xấu, bệnh, ok, nhưng cái thái dộ tâm lý của chúng ta trong hoàn cảnh đó nó ra sao đó là chuyện khác. Chứ đừng có nói là tại tôi đói nghèo nên tôi phải bất thiện

Nguồn trích từ bài giảng của Sư Toại Khanh