Đường Xưa Mây Trắng – Chương 41: Thương – Mầm mống của đau khổ

đường xưa mây trắng chương 41

Chương 41:

Đường về Savatthi đối với đại đức Sariputta đã trở nên quen thuộc. Trên con đường này thầy và cư sĩ Anathapindika đã gây được nhiều niềm tin nơi dân chúng đối với Bụt và giáo đoàn của người. Lần này Bụt đi tới đâu là được dân chúng tiếp đón niềm nở tới đó.

Trên tả ngạn con sông Aciravati, có nhiều khu rừng mát mẻ, nơi ấy Bụt và giáo đoàn khất sĩ có thể nghỉ ngơi mỗi tối. Đoàn người chia làm ba nhóm, nhóm của Bụt đi đầu, có thầy Sariputta hướng dẫn, nhóm thứ hai do đại đức Assaji cầm đầu, nhóm thứ ba có đại đức Moggallana chăm sóc.

Các đoàn khất sĩ đi rất trang nghiêm, khi khất thực cũng như lúc đi trên đường rất dài hay trên một bờ sông. Dân chúng các thôn xóm ven sông thỉnh thoảng được nghe pháp thoại của Bụt.

Ngày tới Savatthi, Bụt và giáo đoàn được hướng dẫn về thẳng Kỳ Viên tức là tu viện Jetavana. Thấy trung tâm tu học được xây dựng và trang bị khéo léo và chu tất, Bụt nhìn Suddatta và ngỏ lời khen ngợi. Suddatta rất sung sướng. Chàng thưa với Bụt rằng đó cũng là nhờ ý kiến và công trình của đại đức Sariputta và thái tử Jeta.

Chú tiểu Rahula, năm nay đã mười hai tuổi. Theo nguyên tắc chú phải thân cận với đại đức Sariputta để học hỏi với thầy, nhưng sáu tháng nay vì thầy Sariputta vắng mặt cho nên chú đã được giao lại cho đại đức Moggallana. Về tới tu viện Jetavana, chú lại được theo hầu thầy Sariputta như cũ.

Hoàng thái tử Jeta và cư sĩ Suddatta thiết kế một lễ cúng dường ngay tại tu viện mới, ngay sau ngày giáo đoàn tới Savatthi. Dân chúng quanh vùng được mời tới chiều hôm ấy để nghe Bụt thuyết pháp. Đã nghe nói tới Bụt và giáo đoàn từ nhiều tháng rồi cho nên hôm ấy dân chúng thủ đô về tu viện rất đông. Bụt đã nói về bốn sự thật và con đường tám sự hành trì chân chính. Trong số những người ngồi nghe Bụt có cả hoàng hậu Mallika, phu nhân của quốc vương Pasenadi và công chúa Vajiri. Hoàng hậu và công chúa đã tới do lời mời của thái tử Jeta. Thái tử đã có lòng hâm mộ Bụt từ ngày biết đại đức Sariputta, và chàng đã nói nhiều về Bụt với mẹ và em gái. Công chúa mới lên mười sáu.

Nghe thuyết pháp xong, hoàng hậu và công chúa có cảm tình ngay với Bụt. Cả hai người thấy tâm hồn như mở ra. Cả hai đều muốn xin làm đệ tử Bụt, nhưng chưa dám. Hoàng hậu tự nhủ là phải có sự đồng ý của vua mới có thể đến Bụt xin quy y. Hoàng hậu Mallika biết thế nào trong tương lai vua Pasenadi cũng có cảm tình với Bụt, em gái của vua hiện giờ là chánh hậu của vua Bimbisara nước Magadha, đã quy y với Bụt từ ba năm nay.

Trong số những người đến nghe Bụt thuyết pháp hôm ấy cũng có nhiều nhân vật quan trọng thuộc các giáo phái tôn giáo đang thịnh hành ở Savatthi. Họ đến vì tò mò hơn là vì tìm học. Có người nghe Bụt xong chợt thấy tâm hồn cởi mở. Có người nghe Bụt xong thì thấy người là một thế lực tranh chấp đáng ngại, nhưng ai nấy đều công nhận rằng sự xuất hiện của Bụt tại thành Savatthi này là một biến cố rất trọng đại trong lịch sử tư tưởng và tôn giáo ở vương quốc Kosala.

Hôm ấy sau khi lễ cúng dường và buổi thuyết pháp đã hoàn mãn, cư sĩ Suddatta trân trọng tới quỳ trước Bụt và bạch với người:

– Con và gia đình con cùng tất cả các bạn hữu kính dâng tu viện Jetavana này lên cho Bụt và giáo đoàn. Mong Bụt và giáo đoàn chấp nhận cho chúng con.

Bụt nói:

– Suddatta, công đức của quý vị thật to lớn. Giáo đoàn khất sĩ nhờ có cơ sở này mà có nơi tránh mưa, tránh nắng, thú hoang, rắn rết và muỗi mòng. Đây là một cơ sở tu học rất thuận lợi cho các vị khất sĩ đến từ bốn phương, trong hiện tại cũng như trong tương lai. Quý vị đã hết lòng hộ trì chánh pháp, tôi mong là quý vị sẽ giữ vững chí hướng trên con đường tu tập.

Sáng hôm sau, Bụt và giáo đoàn khất sĩ ôm bát và đi vào thành khất thực. Đại đức Sariputta đã chia các vị khất sĩ thành hai mươi đoàn khất thực, và mỗi đoàn mười lăm vị. Sự có mặt của các chiếc áo vàng trong thành phố đã khiến cho dân chúng nói nhiều tới tu viện Jetavana. Phong thái nghiêm trang và lặng lẽ của các vị khất sĩ đã làm cho dân chúng thủ đô mến phục tăng đoàn.

Cứ mỗi bảy hôm thì lại có một buổi thuyết pháp tại tu viện Jetavana, những buổi thuyết pháp này do Bụt chủ trì. Dân chúng đến dự rất đông. Chỉ trong vòng mười hôm quốc vương Kosala là vua Pasenadi đã biết đến sự có mặt của Bụt. Tuy bận rộn công việc triều chính, vua cũng đã có dịp ngồi nghe các vị cận thần nói về ngôi tu viện mới và về giáo đoàn khất sĩ từ vương quốc Magadha mới tới.

Trong một bữa cơm hoàng gia, vua đem chuyện giáo đoàn của Bụt ra nói, hoàng hậu Mallika cho vua biết là thái tử Jeta có đóng góp vào việc xây dựng tu viện. Vua cho đòi thái tử đến và hỏi về Bụt. Thái tử Jeta thực lòng tâu vua về những gì mình nghe thấy. Thái tử nói là nếu được vua cho phép, thái tử sẽ xin quy y làm học trò tại gia của Bụt.

Vua Pasenadi không tin là một người trẻ tuổi như Bụt mà đã chứng đạt được quả vị giác ngộ và giải thoát cao tột như lời đồn đãi. Theo lời thái tử thì Bụt chỉ mới có ba mươi chín tuổi. Ba mươi chín tuổi là tuổi của vua. Vua nghĩ đức độ của Bụt làm sao cao bằng đức độ của những bậc lãnh tụ tôn giáo lớn tuổi như Purana Kassapa, Makkhali Gosala, Nigantha Nathaputta và Sanjana Belatthiputta. Lòng vua nửa tin nửa ngờ. Vua nghĩ thầm là khi nào có cơ hội vua sẽ tìm tới thăm Bụt để tìm hiểu trực tiếp con người mà cả hoàng hậu Mallika cả thái tử Jeta đều tỏ lòng cảm mến và kính phục.

Mùa mưa sắp tới, Bụt quyết định sẽ cùng đại chúng an cư tại tu viện Jetavana, đã có kinh nghiệm từ những mùa kết hạ trước tại tu viện Trúc Lâm, năm nay các thầy phụ tá cho Bụt tổ chức mùa an cư rất dễ dàng và chu đáo. Số người mới xuất gia tại Savatthi đã lên tới sáu mươi vị. Suddatta đã đem tới cho tu viện rất nhiều bạn hữu, những người này rất sốt sắng trong việc tổ chức cúng dường và bảo trợ cho những sinh hoạt tu học tại tu viện.

Một buổi chiều nọ, Bụt tiếp một người đàn ông còn trẻ nhưng mặt mũi bơ phờ. Được Bụt hỏi thăm, người này nói là đứa con trai độc nhất của ông ta mới chết. Suốt mấy ngày nay, ông ta cứ ra ngoài bãi tha ma, vừa khóc vừa kêu lên: “Con ơi, bây giờ con ở đâu?”, ông ta không thiết gì đến ăn uống và ngủ nghỉ. Bụt nói:

– Đời là như thế đó, này ông bạn. Hễ có thương là có khổ.

Người đàn ông không chấp nhận lời của Bụt. Ông ta phản đối.

– Thầy nói sai rồi, thương không làm cho người ta khổ, thương chỉ đem lại cho người ta hạnh phúc và niềm vui mà thôi!

Nói xong, người ấy bất mãn đứng dậy và bỏ đi, không cho Bụt có cơ hội giải thích thêm về lời người vừa nói. Ông ta đi lang thang một hồi thì gặp một toán người đang xúm nhau đánh bạc. Ông ta ngồi xuống tham dự và nhân tiện kể lại cho bọn người đó nghe về cuộc gặp gỡ vừa rồi với Bụt. Những người đàn ông đang cờ bạc với nhau đều đồng ý với ông ta, cho rằng lời Bụt nói là sai. “Thương làm sao mà lại đem tới sầu khổ và thất vọng cho được. Thương chỉ đem tới hạnh phúc và niềm vui mà thôi! Anh nói đúng đấy, ông sa môn Gotama nói sai rồi”.

Câu chuyện này được truyền ra và chẳng mấy chốc đã trở nên đề tài bàn tán sôi nổi của những giáo phái ở thủ đô Savatthi. Nhiều vị lãnh tụ giáo phái cũng cho rằng Bụt có một quan niệm sai lầm về thương yêu, và rốt cuộc câu chuyện được truyền đến tai quốc vương Pasenadi.

Chiều hôm ấy, trong bữa cơm gia đình, vua nói với hoàng hậu:

– Cái vị sa môn mà người ta thường gọi là Bụt ấy có thể không phải là người giỏi.

Hoàng hậu hỏi:

– Tại sao hoàng thượng nói như vậy? Ai đã chê sa môn Gotama?

– Sáng nay ta có nghe các quan trong triều bàn tán về sa môn Gotama. Họ nói rằng theo sa môn Gotama, càng thương nhiều thì càng lo lắng, sầu khổ và thất vọng nhiều mà thôi.

Hoàng hậu Mallika tâu vua:

– Nếu sa môn Gotama đã nói như thế thì chắc đó là sự thật.

Vua Pasenadi không bằng lòng. Vua nói:

– Hoàng hậu đừng nên nói thế. Mình phải biết suy xét chứ. Đừng làm như một em bé hễ thầy giáo nói điều gì thì cứ cho ngay điều ấy là đúng.

Hoàng hậu im lặng không nói gì. Bà biết là vua chưa có cảm tình với Bụt. Sáng hôm sau bà nhờ một người Bà la môn tâm phúc là Nalijangha tới viếng Bụt và hỏi xem có thật là người đã nói rằng “thương là nguồn gốc của lo lắng, sầu khổ và thất vọng” không? Bà dặn là nếu Bụt có nói như thế thì hãy xin Bụt giải nghĩa thêm cho rõ ràng và phải ghi nhớ hết những điều người dạy để về thuật lại cho bà.

Nalijangha tới thăm Bụt và được Bụt kể cho mấy câu chuyện chứng tỏ rằng thương là khổ. Bụt nói:

– Tại Savatthi này tôi nghe nói một người thiếu nữ vừa mất mẹ. Cô ta đau khổ quá đến phát điên, cả ngày cứ đi ngoài đường gặp ai cũng hỏi: Ông có gặp mẹ tôi đâu không? Bà có thấy mẹ tôi đâu không? Cũng tại Savatthi, tôi lại mới nghe nói có hai thanh niên nam nữ yêu nhau, nhưng gia đình người con gái lại ép gả cô cho một chàng trai mà cô không yêu. Do đó mà hai người yêu nhau phải rủ nhau tự tử, nghĩ rằng chỉ có cái chết mới kết hợp họ với nhau được. Nội hai câu chuyện này cũng có thể chứng tỏ rằng thương là khổ.

Nalijangha về thuật lại những câu chuyện ấy cho hoàng hậu Mallika nghe.

Một hôm nhân lúc vua Pasenadi rảnh rỗi, hoàng hậu hỏi vua:

– Bệ hạ nghĩ thế nào, công chúa Vajiri có phải là người bệ hạ thương yêu và cưng chiều nhất hay không?

– Đúng như vậy, ta thương yêu và cưng chiều con gái ta nhất.

– Vậy nếu có gì không may xảy ra cho công chúa Vajiri thì bệ hạ có lo lắng, sầu khổ và thất vọng không?

Vua Pasenadi giật mình. Vua thấy rằng trong cái thương, có những mầm mống của lo lắng, sầu khổ và thất vọng. Vua tự nhiên mất hết an lạc. Câu nói của Bụt chứa đựng một sự thật phũ phàng làm cho vua ngẩn ngơ. Vua nói:

– Hôm nào có dịp trẫm cũng sẽ đến thăm viếng sa môn Gotama.

Nghe vua nói như thế, hoàng hậu rất vui mừng. Bà tin rằng không được gặp Bụt thì thôi, chứ nếu được gặp Bụt thế nào vua cũng sẽ có cảm tình với Bụt.

 

Theo: Làng Mai – Đại Đức Thích Nhất Hạnh

Danh Mục: https://bachhac.net/duong-xua-may-trang