Chương 8:
Cuộc sống trong cung điện hơi ngột ngạt đối với Siddhatta, nên chàng ưa đi ra ngoài thành.
Chàng đã trưởng thành lâu rồi – năm nay chàng hăm bốn – nên đi đâu trong vòng một vài hôm chàng không phải xin phép vua và hoàng hậu nữa. Siddhatta có một người hầu cận trung thành là Channa. Channa thường đánh xe song mã đưa Siddhatta đi. Có khi chàng rủ bạn hoặc đem em đi theo, có khi chàng đi một mình với Channa, và rất nhiều khi chàng tự tay cầm ngựa, để cho Channa ngồi chơi bên cạnh chàng. Siddhatta không bao giờ dùng roi ngựa. Biết vậy nên Channa cũng không sờ tới cây roi.
Vương quốc Sakya, chàng đã đi thăm gần như khắp nơi. Phía Bắc của vương quốc là miền cao nguyên gồm những dãy đồi nối tiếp nhau chạy về phía chân dãy Himalaya. Một nửa vương quốc là đồng bằng ở vào phía Nam.
Kinh đô Kapilavatthu ở vào khoảng đất trù phú nhất của miền đồng bằng này.
So với các nước láng giềng Kosala và Magadha, vương quốc Sakya thật bé nhỏ.
Đất đai cũng không phì nhiêu, nhưng vị thế của vương quốc thật là đặc biệt. Các con sông Rohini và Banganga bắt nguồn từ miền cao nguyên chảy về tưới đồng bằng rồi tiếp tục đi về miền Nam để chảy về sông Hiranyavati trước khi rót vào sông Hằng. Siddhatta thường ưa ngồi bên bờ sông Banganga ngắm dòng nước chảy.
Dân quê vẫn tin rằng nước sông này có thể tẩy trừ tội lỗi và nghiệp chướng kiếp trước và kiếp này cho nên thường hay kính cẩn xuống ngâm mình dưới dòng nước, cả những khi nước rất lạnh. Có một hôm ngồi với Channa bên bờ sông, Siddhatta chỉ những người đang tắm ở bên kia sông và hỏi người hầu cận:
– Này Channa, anh có tin là tắm như thế rất thường thì có thể rửa sạch được nghiệp chướng không?
– Thưa điện hạ, có chứ. Nếu không thì người ta tắm làm gì?
Siddhatta cười:
– Nếu thế thì đứng về phương diện nghiệp chướng có phải các loài tôm, cá, rùa và sò ốc là những loài thanh tịnh nhất không? Chúng ở suốt đời dưới sông thì chúng phải sạch nghiệp hơn chúng ta chứ?
Channa trả lời:
– Nhưng ít nhất tắm dưới sông cũng rửa sạch được những cáu bẩn trên da thịt.
Siddhatta vỗ vai Channa:
– Cái đó thì anh nói đúng.
Một hôm trên đường về thành nội, Siddhatta ghé lại thăm một xóm nghèo ở ngoại thành. Chàng ngạc nhiên thấy Yasodhara đang ở trong xóm. Cùng một đứa ở, nàng đang săn sóc cho các trẻ em đó.
Các em đang được săn sóc đều là những đứa trẻ có bệnh: đứa thì đau mắt, đứa thì cảm cúm, đứa thì ghẻ chốc.
Yasodhara ăn vận rất đơn giản, nhưng nàng tươi mát như một bà tiên vừa hiện đến giữa bầy trẻ nghèo.
Siddhatta thấy cảnh tượng rất đẹp. Chàng sửng sốt khi thấy một người con gái nhà quyền quý lại chịu thương chịu khó đi làm những công việc như rửa ghẻ, rửa mắt, xức thuốc, giặt áo cho bọn trẻ nghèo đói.
– Công nương đã bắt đầu làm các việc này từ bao giờ thế? Chàng hỏi. Thật là quý hóa quá.
Đang rửa tay cho một em bé gái chừng ba tuổi, Yasodhara ngửng lên nhìn Siddhatta:
– Chúng em bắt đầu làm công việc này cũng đã gần hai năm rồi, thưa điện hạ. Tuy nhiên đây mới là lần thứ hai em đến xóm này.
– Tôi đến xóm này thường lắm. Bọn trẻ con trong xóm đều biết tôi. Tôi nghĩ được làm những công việc này chắc công nương thấy vui trong lòng lắm.
Yasodhara mỉm cười, không đáp. Nàng cúi xuống tiếp tục rửa mụt ghẻ trên đầu gối của em bé.
Hôm ấy, Siddhatta được nói chuyện nhiều với Yasodhara. Chàng ngạc nhiên khám phá ra rằng Yasodhara có nhiều nhận thức giống chàng. Yasodhara không phải là một cô gái khuê các chỉ biết vâng theo truyền thống. Nàng cũng biết về tư tưởng Vệ Đà, cũng ngấm ngầm phản đối tình trạng bất công của xã hội. Cũng như Siddhatta, nàng không cảm thấy có hạnh phúc trong địa vị giàu sang và nhiều quyền thế của hoàng tộc. Trái lại nàng ghê tởm những cuộc tranh chấp quyền lợi và địa vị của những thành phần quý tộc trong triều đình, và ngay ở giới tăng lữ Bà la môn.
Biết mình là gái không thể nào làm được những cuộc thay đổi lớn trong xã hội, nàng chỉ tìm cách biểu lộ cái thấy của mình và thiết lập sự bình an trong tâm mình bằng các công việc từ ái. Nàng hy vọng sẽ có những bạn hữu trong giới trẻ tuổi thấy được ý nghĩa của công việc nàng làm.
Đã có cảm tình tự nhiên sẵn với Yasodhara từ trước, Siddhatta càng nghe nàng nói càng tỏ vẻ mến phục nàng. Phụ vương đã ngỏ ý muốn chàng lập gia đình. Yasodhara có thể là người mà chàng chọn lựa.
Trong các cuộc gặp gỡ khác như những nhạc hội, vũ hội, Siddhatta đã gặp nhiều thiếu nữ diễm lệ. Ở Kapilavatthu cũng như ở Ramayana không thiếu những cô gái mặn mà, Yasodhara tuy không phải là cô gái đẹp nhất mà chàng gặp nhưng đó là cô gái mà mỗi khi gặp là chàng cảm thấy trong tâm hồn một sự an bình và thoải mái.
Một hôm, hoàng hậu Gotami muốn chính tự mình tổ chức một cuộc trình diễn quốc phục phụ nữ. Bà nhờ vương phi Pamita, mẹ của Yasodhara tới giúp mình về việc tổ chức. Tất cả các thiếu nữ trong thành Kapilavatthu đều được mời tới dự thi.
Người nào cũng sẽ có giải thưởng nữ trang. Vương phi Pamita đề nghị Siddhatta phát giải thưởng cho các cô, cũng như tháng trước Yasodhara đã làm công việc tiếp tân trong đại hội thể thao do bà tổ chức vậy.
Vua Suddhodana, triều đình và tất cả các vị vương tôn công nương đều được mời tham dự.
Đêm đầu hạ thật mát, thức giải khát đặt khắp nơi.
Âm nhạc dân tộc làm nền cho buổi dạ hội. Dưới ánh hoa đăng rạng rỡ, các thiếu nữ tha thướt trong những chiếc sari đủ màu và lóng lánh kim tuyến, từng người một đi ngang tuyền đài trước hàng ghế danh dự trong đó có vua và hoàng hậu. Siddhatta mặc quốc phục đứng về phía bên trái, trước mặt chàng là những xâu chuỗi, vàng ngọc đủ để phân phát cho cả ngàn người.
Siddhatta đã từng từ chối việc phát thưởng, nhưng bà Gotami và vương phi Pamita đã nài ép chàng. “Được thái tử Siddhatta tự tay phát thưởng, đó là một niềm vui lớn cho bất cứ ai. Con phải biết điều đó”, vương phi Pamita nhìn chàng nói một cách tươi cười. Đem niềm vui cho kẻ khác đó là việc chàng không muốn từ chối, nên Siddhatta đã hoan hỷ vâng lời. Giờ đây đứng trước hàng ngàn quan khách chàng thật không biết làm sao cho thỏa đáng.
Mỗi thiếu nữ khi bước lên đài, phải đi qua một hàng ghế danh dự để mọi người được trông thấy. Đi qua hàng ghế ấy mới tới chỗ Siddhatta. Thiếu nữ đi đầu là Soma, con của một vị vương tử. Theo sự chỉ dẫn của vương phi Pamita, nàng tiến tới, bước mấy nấc thang để lên bục và đi ngang qua đài. Tới trước mặt vua và hoàng hậu, nàng quay lại chắp tay cúi đầu chào, rồi từ từ tiến về bên trái, đi về phía Siddhatta. Đến trước Siddhatta, Soma cúi đầu chào chàng. Siddhatta đáp lễ, rồi cúi xuống cầm lên một xâu chuỗi ngọc. Chàng trao cho Soma, có tiếng cử tọa hoan hô. Soma nghiêng mình cảm tạ. Nàng lí nhí mấy câu cám ơn, nhưng Siddhatta không nghe rõ nàng nói gì. Thiếu nữ thứ hai là Rohini, tên của dòng sông. Siddhatta có vẻ như không lựa chọn các phần thưởng cho xứng đáng với vẻ đẹp và sắc phục các thiếu nữ. Vớ được món nữ trang nào trên bàn, chàng tặng ngay món nữ trang đó. Vì vậy cuộc trình diễn đi qua khá mau, dù số thiếu nữ tham dự rất đông. Vào khoảng mười giờ đêm, các món nữ trang đặt trên dãy bàn dài đã vơi gần hết. Mọi người tưởng Sela là thiếu nữ sau chót, và chính Siddhatta cũng nghĩ thế. Bỗng dưng, một thiếu nữ từ trên hàng khán đài bước xuống. Đó là Yasodhara. Nàng bước ra trước khán đài, rồi quay trở vào vái chào vua và hoàng hậu. Yasodhara vận một chiếc sari màu trắng ngà, đơn sơ và nhẹ nhàng như một cơn gió sớm.
Duyên dáng, tự nhiên, nàng bước tới trước Siddhatta, rồi mỉm cười tươi như hoa, nàng hỏi:
– Điện hạ, còn món nữ trang nào để cho em không?
Siddhatta nhìn Yasodhara. Chàng nghiêng mình đáp lễ rồi nhìn xuống mấy món nữ trang còn lại. Chàng tỏ vẻ bối rối: trong những món còn lại đó chẳng có món nào xứng đáng với con người đẹp đẽ đang đứng trước mặt chàng.
Đột nhiên Siddhatta mỉm cười. Chàng đưa tay tháo xâu chuỗi ngọc chàng đang đeo ở cổ.
Cầm chuỗi ngọc lóng lánh trên tay, chàng mỉm cười nhìn Yasodhara:
– Đây là món quà tặng cho công nương.
– Em làm đẹp cho điện hạ còn chưa hết, lòng nào mà lại lấy món trang sức của điện hạ.
Siddhatta nói:
– Mẹ ta hoàng hậu Gotami thường nói là ta chẳng cần đeo đồ trang sức. Càng đeo vào càng xấu thêm ra. Vậy xin công nương vui lòng nhận món quà này.
Nói xong chàng ra hiệu cho Yasodhara lại gần và cúi đầu xuống, và chàng mang chuỗi ngọc lóng lánh vào cho nàng.
Tiếng hoan hô vang dậy cả trên và dưới khán đài. Tiếng hoan hô kéo dài như không bao giờ dứt. Mọi người đều đứng dậy và bày tỏ nỗi vui mừng của mình.
Theo: Làng Mai – Đại Đức Thích Nhất Hạnh
Danh Mục: https://bachhac.net/duong-xua-may-trang